Bệnh viện công phải rà soát, khẩn trương điều chỉnh giá dịch vụ theo yêu cầu
Thông tư 13/2023 (TT13) quy định khung giá và phương pháp định giá khám bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB) của nhà nước cung cấp, do Bộ Y tế ban hành, áp dụng từ 15.8.
Tại hội thảo "Nâng cao năng lực quản lý bệnh viện (BV) 2023" do Sở Y tế Hà Nội tổ chức ngày 25 - 26.8 tại Hà Nội, kết nối trực tuyến 300 điểm cầu đến các đơn vị y tế toàn miền Bắc, ông Lê Thành Công, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính, Bộ Y tế, cho hay Thông tư 13/2023 (TT13) quy định khung giá và phương pháp định giá khám bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB) của nhà nước cung cấp, do Bộ Y tế ban hành, áp dụng từ 15.8.
TT13 ban hành khung giá các dịch vụ (trần - sàn) là cơ sở để các BV công áp dụng, trong đó một số dịch vụ có giá thấp nhất - cao nhất chênh cả chục lần, hoặc 40 - 50 triệu đồng/dịch vụ. Giá theo yêu cầu khác nhau do tùy thuộc vào sử dụng thuốc, trang thiết bị, đầu tư ban đầu, chất lượng dịch vụ tại mỗi đơn vị.
Giá tối đa trong TT13 ban đầu dự kiến định lấy là mức cao nhất trong các cơ sở KCB công áp dụng. Tuy nhiên khảo sát cho thấy, riêng dịch vụ siêu âm có khoảng giá quá chênh lệch giữa các BV (từ dưới 200.000 đồng/lần đến tối đa 500.000 đồng/lần); giá khám có 2 BV áp dụng 800.000 - 900.000 đồng/lần.
Do đó, khung giá tại TT13 căn cứ trên mặt bằng chung tại các BV công áp dụng, tránh để BV áp dụng giá quá cao, không phù hợp với người sử dụng dịch vụ như thực tế xảy ra vừa qua. Sau khi TT13 áp dụng đã có BV điều chỉnh giảm giá dịch vụ theo yêu cầu.
Theo ông Công, giá dịch vụ theo yêu cầu được xây dựng dựa trên số liệu toàn quốc, xu hướng chung mà các cơ sở KCB áp dụng.
Ông Công cũng cho hay rà soát ban đầu cho thấy nhiều dịch vụ đã được các BV công điều chỉnh giảm, nhưng vẫn tiếp tục yêu cầu các BV phải rà soát ngay để áp dụng giá dịch vụ theo yêu cầu theo đúng TT13, trên nguyên tắc giá dịch vụ không được vượt khung giá do nhà nước quy định tại TT13. Với các BV có giá dịch vụ theo yêu cầu dưới khung, có thể điều chỉnh theo mức phù hợp, nhưng nếu giá đang vượt khung thì phải điều chỉnh giảm.
(Báo Thanh niên)
Hai thanh niên bị hoại tử da đầu sau khi tẩy tóc
Bệnh viện Da liễu trung ương vừa tiếp nhận và điều trị cho hai thanh niên bị hoại tử da đầu sau khi tẩy tóc. Các bác sĩ đã phải cạo trọc đầu của bệnh nhân, cắt lọc và làm sạch tổ chức hoại tử trên đỉnh đầu.
Trường hợp thứ nhất là nữ bệnh nhân N.T.M (22 tuổi, ở Hà Nội). Sau không ít lần nhuộm tóc, M đã quyết định đi tẩy tóc để nhuộm màu sáng nổi bật. Sau khi thợ làm tóc bôi thuốc tẩy, toàn bộ khu vực đỉnh đầu của M có cảm giác bỏng rát như bị cháy. Dù được nhân viên cửa hàng tóc xử lý nhưng tình trạng không thuyên giảm. Bốn ngày sau, M phải nhập viện trong tình trạng vết thương bị hoại tử đau đớn.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng (Bệnh viện Da liễu trung ương) cho biết, nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng vùng đỉnh đầu viêm loét, ở chính giữa đã xuất hiện hoại tử rộng, màu tím đen.
Khai thác thông tin từ bệnh nhân cho hay, để gia tăng hiệu quả tẩy, thợ làm tóc không chỉ ủ hóa chất mà còn gia tăng nhiệt trong quá trình thực hiện. Chính vì vậy, những tổn thương gặp phải của bệnh nhân càng trở nên nặng nề khi cùng lúc bị bỏng hóa chất và bỏng nhiệt.
Do bệnh nhân vào viện tương đối muộn, tổn thương nặng nên các bác sĩ đã phải cạo trọc toàn bộ đầu của bệnh nhân, cắt lọc và làm sạch tổ chức hoại tử trên đỉnh đầu. Để vết thương mau lành, bác sĩ phải lấy da từ vùng khác để ghép lên đỉnh đầu.
Sau khi tổn thương ổn định, các bác sĩ tiếp tục sử dụng các kỹ thuật tạo hình để xoay, chuyển vạt da mang nang tóc để che phủ vùng da đầu bị tổn thương không có tóc, giúp bệnh nhân phục hồi lại mái tóc như cũ. Không chỉ tốn kém về chi phí, trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, bệnh nhân phải mất nhiều thời gian để nuôi lại mái tóc dài như trước đây.
Trường hợp thứ hai là nam bệnh nhân 21 tuổi, bị hoại tử 2 vùng nằm ở đỉnh đầu sau khi tẩy tóc để làm đẹp.
Với trường hợp này, do tổn thương quá nặng, các bác sĩ cũng phải cắt lọc và ghép da để tổn thương mau lành. Sau đó, các bác sĩ lại tiếp tục xử lý bằng biện pháp chuyên môn để da đầu của bệnh nhân hồi phục và tóc mọc trở lại.
Trên đây chỉ là hai trường hợp điển hình trong số nhiều ca biến chứng sau khi tẩy tóc mà Bệnh viện Da liễu trung ương tiếp nhận trong thời gian gần đây.
(Báo Hà Nội mới)
Không lơ là dịch bệnh trước thềm năm học mới
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại một số bệnh viện: Đa khoa Xanh Pôn; Đa khoa Đống Đa; Đa khoa Đông Anh; Hữu nghị Việt Nam - Cuba; Nhi trung ương,… số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang gia tăng. Cụ thể, từ đầu năm 2023 đến nay, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã khám cho 720 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó hơn 300 ca phải nhập viện điều trị. Tương tự, tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Đống Đa) cũng điều trị gần 300 ca. Còn tại Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, chỉ trong 3 tuần đầu tháng 8-2023 đã tiếp nhận gần 80 bệnh nhân sốt xuất huyết (tăng gần gấp đôi so với tháng 7-2023).
Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Mạnh Hà, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Đông Anh) lưu ý, giống như những năm trước, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có những biểu hiện như: Sốt đột ngột cấp tính, nhiệt độ cao liên tục kéo dài từ 2-7 ngày, kèm theo mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn, đau đầu, đau mỏi người, xuất huyết dưới da… Nặng hơn, người bệnh có xuất huyết niêm mạc, chảy máu chân răng, chảy máu cam… Trẻ em khi mắc sốt xuất huyết cũng có các dấu hiệu như người lớn. Gần đây, bệnh viện đã điều trị thành công cho nhiều ca nặng, nhập viện trong tình trạng tiểu cầu giảm sâu và nhanh, men gan tăng cao do dùng thuốc hạ sốt tại nhà không đúng cách.
Còn tại Bệnh viện Nhi trung ương, từ đầu tháng 8-2023 đến nay đã có 97 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nhập viện (tăng 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó có nhiều trường hợp tái mắc bệnh. Đơn cử như em V.H. (8 tuổi, ở Hà Nội) - một trong những trẻ mắc sốt xuất huyết có diễn biến nặng nhất. Cách đây 4 năm, H. từng bị sốt xuất huyết. Năm nay, em tái mắc bệnh và khi nhập viện bị sốt cao liên tục, có chấm sốt xuất huyết vùng mặt, sau đó xuất hiện mạch nhanh, khó bắt, huyết áp tụt, tiểu cầu giảm, men gan tăng... Sau 10 ngày điều trị, H. đã được xuất viện với sức khỏe ổn định.
Không chỉ sốt xuất huyết, hiện thành phố Hà Nội và một số tỉnh lân cận còn xuất hiện dịch viêm kết mạc cấp (hay còn gọi là đau mắt đỏ). Trong 3 tuần của tháng 8-2023, Bệnh viện Mắt trung ương đã tiếp nhận khoảng 2.500 trường hợp bị đau mắt đỏ (gấp gần 2 lần so với tháng 6-2023). Tương tự, 1 tháng trở lại đây, Khoa Mắt (Bệnh viện Nhi trung ương) cũng tiếp nhận gần 50 ca viêm kết mạc cấp, trong đó có 10-20% trẻ gặp biến chứng nặng.
Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt trung ương cho biết, đau mắt đỏ là bệnh lành tính, chữa được, ít có biến chứng và di chứng. Tuy nhiên, vẫn có khoảng từ 10-15% bị biến chứng và di chứng. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm giác mạc, viêm loét giác mạc, thường xảy ra ở người có sức khỏe yếu, người già, trẻ nhỏ.
Ngoài sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong những tuần gần đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận trung bình từ 40-50 ca mắc tay chân miệng/tuần. Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố có 1.169 ca tay chân miệng (giảm gần 100 ca so với cùng kỳ năm 2022) và 36 ổ dịch. Hiện còn 1 ổ dịch tay chân miệng đang hoạt động tại phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm với 2 ca bệnh. Ngoài ra, Hà Nội cũng đã có gần 2.000 ca thủy đậu (tăng gần 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái)…
(Báo Hà Nội mới)
Người đàn ông tử vong chỉ sau 2 ngày sốt cao do nhiễm liên cầu lợn
Theo thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, qua khai thác ban đầu được biết: Bệnh nhân mệt, sốt cao 2 ngày nay; không có các biểu hiện đau ngực, tiểu buốt… Tình trạng khó thở tăng dần. Lúc vào viện: Thở oxy kính, SpO2 88%, mạch 180 l/ph, huyết áp 110/70mmHg, nhịp thở 50l/ph, nổi vân tím toàn thân, ý thức kích thích vật vã. Xét nghiệm nhanh khí máu động mạch cho thấy có tình trạng nhiễm toan chuyển hóa nặng.
Chẩn đoán ban đầu: Sốc nhiễm khuẩn - Theo dõi nhiễm khuẩn huyết. Người bệnh được nhanh chóng xử trí truyền dịch, cấy máu, kháng sinh sớm, đặt ống nội khí quản, lấy máu và làm các xét nghiệm thăm dò. Tiên lượng ca bệnh rất nặng, các bác sĩ đã giải thích với gia đình về tình trạng cụ thể. Diễn biến tình trạng trụy tim mạch không đáp ứng vận mạch và hồi sức dịch, sau 2h vào viện thì ngừng tuần hoàn và cấp cứu sau 1h không tái lập, người bệnh tử vong.
Đây không phải là lần đầu tiên những trường hợp sốc nhiễm trùng nhiễm độc được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Nhưng với diễn biến nặng và tử vong khá đường đột như trường hợp người bệnh nói trên thì không những gia đình mà nhân viên y tế cũng thấy bất ngờ. Sau đó 2 ngày, xét nghiệm cấy máu của bệnh nhân cho kết quả dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn Streptococus suis. Với xét nghiệm này, bệnh viện đã có lý giải cho bệnh cảnh lâm sàng mà người bệnh gặp phải.
Theo thông tin tổng hợp từ Cục y tế dự phòng, bệnh do liên cầu lợn Streptococcus suis rất đa dạng bao gồm: viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não mủ. Những người bị bệnh nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa tạng, nhiễm khuẩn huyết… Tỷ lệ tử vong có thể tới 7%...
(Báo điện tử Tổ quốc)
Cả nước đã có hơn 68.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng
Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 68.096 ca mắc tay chân miệng, trong đó có 18 tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (44.724/3) số mắc tay chân miệng năm nay tính đến thời điểm này tăng 52%.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong tuần 33/2023 (từ ngày 14/8-20/8), cả nước ghi nhận 5.727 trường hợp mắc tay chân miệng, không ghi nhận ca tử vong. So với tuần trước (6.535/0) số mắc giảm 12%.
Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 68.096 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 18 tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (44.724/3) số mắc tay chân miệng năm nay tính đến thời điểm này tăng 52%, số ca tử vong tăng 15 trường hợp…