Sửa đổi, bổ sung các quy định còn vướng trong thực tiễn xét tặng Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú
Góp ý dự thảo Nghị định quy định xét tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú, các cơ sở y tế, cá nhân đều thống nhất cần chuyển đối tượng là cán bộ quản lý cơ sở y tế mà vẫn trực tiếp tham gia làm chuyên môn, kỹ thuật y tế như tiêu chuẩn thầy thuốc.
Phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định xét tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú và Tập huấn công tác thi đua, khen thưởng ngành Y tế năm 2023 khu vực miền Bắc do Bộ Y tế ( Vụ Tổ chức cán bộ) tổ chức chiều qua - 28/8, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nói: hội nghị nhằm phổ biến, quán triệt các chủ trương, quy định mới của Chính phủ, Bộ Y tế về công tác thi đua khen thưởng; nâng cao trình độ nghiệp vụ của cán bộ phụ trách công tác thi đua, khen thưởng trong toàn ngành; đồng thời nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật triển khai xét tặng danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân" (TTND), "Thầy thuốc ưu tú" (TTƯT).
Thứ trưởng cho biết thêm, hiện nay, Ban Thi đua khen thưởng Trung ương đang xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2022 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024.
Bộ Y tế được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan soạn thảo Nghị định của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu TTND, TTƯT.
Theo dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ về Dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu TTND, TTƯT, Bộ Y tế nêu rõ, việc xét phong tặng danh hiệu TTND, TTƯT thể hiện được sự quan tâm to lớn của Đảng, Nhà nước đối với ngành y tế, đối với thầy thuốc; ghi nhận những công lao, thành tích cống hiến của các đội ngũ thầy thuốc đố với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân;
Bảo đảm tính kế thừa những quy định còn phù hợp của Nghị định số 41/2015/NĐ-CP ngày 05/5/2015 của Chính phủ quy định về xét tặng , tiếp cận với các quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và các văn bản khác; bảo đảm cập nhật các quy định mới cho phù hợp trong việc triển khai thực hiện Nghị định;
Tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định còn vướng mắc trong thực tiễn áp dụng thời gian vừa qua, đặc biệt là các quy định liên quan đến: Cách tính thời gian công tác trong ngành y tế; kinh phí tổ chức xét tặng; tiêu chuẩn khen thưởng, tiêu chuẩn về đề tài, sáng kiến; tiêu chuẩn đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu; tỷ lệ % thông qua của Hội đồng các cấp… nhằm khắc phục những vướng mắc trong quá trình xét tặng mà vẫn bảo đảm tính khách quan, công bằng và tôn vinh được giá trị của danh hiệu vinh dự Nhà nước;
Đồng thời, tiếp tục quan tâm tới các thầy thuốc là trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các cơ sở y tế; thầy thuốc là nữ, thầy thuốc là người dân tộc thiểu số. Đặc biệt dành nhiều hơn nữa sự động viên tới các thầy thuốc công tác tại vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo;
Đối với cán bộ quản lý tại các cơ sở y tế thay đổi cách tính thời gian trực tiếp làm công tác chuyên môn kỹ thuật nhằm đánh giá đúng những đóng góp của đội ngũ cán bộ quản lý đối với nền Y học Việt Nam…
(Báo Sức khỏe và đời sống)
Hà Nội ghi nhận thêm hơn 1.000 ca mắc sốt xuất huyết, 81 ổ dịch
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, từ ngày 18 đến 25/8, Hà Nội ghi nhận 1.056 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng gấp 2 lần so với những tuần đầu tháng 8/2023).
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, TP đã có 5.564 ca mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2022).
Trong các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân, dẫn đầu là huyện Thạch Thất với 656 ca, tiếp đến là huyện Thanh Trì (467 ca), quận Hoàng Mai (459 ca), quận Bắc Từ Liêm (363 ca) và quận Hà Đông (332 ca).
Ngoài ra, cũng trong tuần qua, TP Hà Nội có thêm 81 ổ dịch sốt xuất huyết tại 19 quận, huyện, thị xã. Huyện Hoài Đức ghi nhận số ổ dịch cao nhất (với 13 ổ dịch), tiếp đến là quận Nam Từ Liêm (9 ổ dịch); quận Đống Đa (8 ổ dịch); 3 quận, huyện: Hoàng Mai, Thanh Trì, Ba Đình - mỗi nơi có 6 ổ dịch; 2 quận: Hà Đông, Hai Bà Trưng (5 ổ dịch); Cầu Giấy (4 ổ dịch); 3 quận, huyện: Thanh Oai, Thường Tín, Thanh Xuân - mỗi nơi 3 ổ dịch…
Tổng số ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn TP Hà Nội từ đầu năm đến nay là 407. Hiện còn 153 ổ dịch đang hoạt động tại 24 quận, huyện; trong đó, một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất có 362 bệnh nhân; xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất có 218 bệnh nhân; thôn Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì (229 bệnh nhân)…
Theo CDC Hà Nội, trong tuần này, công tác giám sát phòng, chống sốt xuất huyết tiếp tục được tập trung tại các ổ dịch ở các quận, huyện như: Thạch Thất, Hà Đông, Quốc Oai, Nam Từ Liêm, Thanh Oai, Thường Tín, Đống Đa.
Qua đó, CDC Hà Nội yêu cầu, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình bệnh nhân và kết quả giám sát côn trùng truyền bệnh sốt xuất huyết để tham mưu tăng cường chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các xã, phường, thị trấn. Các địa phương cũng cần huy động ban, ngành, đoàn thể và lực lượng khác tham gia hỗ trợ.
(Báo Kinh tế và đô thị)
Hà Nội bước vào chiến dịch kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu
Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu năm 2023, UBND TP Hà Nội đề nghị các sở ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm theo quy định pháp luật.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà vừa ký ban hành Kế hoạch số 218/KH-UBND về đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023. Thời gian triển khai kế hoạch từ ngày 28/8 đến 5/10/2023.
Mục đích của kế hoạch nhằm đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm phục vụ Tết Trung thu.
Thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, góp phần làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở, ban ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vi phạm về chất lượng và điều kiện vệ sinh an toàn trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm. Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo quy định pháp luật.
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục các kiến thức, quy định pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm; nâng cao nhận thức và ý thức cộng đồng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm...
(Báo Kinh tế và đô thị)
Dịch sốt xuất huyết hoành hành tại Hà Nội
Thống kê của ngành y tế Hà Nội cho thấy, tuần qua, Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm gần 1.000 ca mắc sốt xuất huyết và 71 ổ dịch mới tại 20 quận, huyện. Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội có hơn 4.500 ca mắc sốt xuất huyết, trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ có 1.270 ca.
Số liệu cũng cho thấy, số ca mắc và ổ dịch tập trung nhiều nhất ở những vùng ven, huyện ngoại thành, trong khi những năm trước, sốt xuất huyết tập trung đông ở khu vực nội thành.
Các chuyên gia y tế cho biết, thông thường, số ca sốt xuất huyết sẽ tăng mạnh vào tháng 10 và 11, nhưng năm nay đã bắt đầu gia tăng từ tháng 6. Đây là điều bất thường, dự kiến đỉnh dịch sẽ đến sớm hơn, rơi vào tháng 9, tháng 10.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) cho biết, những nơi có Chỉ số BI (Chỉ số Bọ gậy) từ 20 trở lên được xếp vào vùng nguy cơ cao bùng phát dịch. Kết quả kiểm tra một số ổ dịch trong tuần qua ghi nhận Chỉ số BI vượt ngưỡng nguy cơ như thôn Vĩnh Ninh (xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì), phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy).
Hiện tại, nơi có diễn biến dịch phức tạp và ca bệnh nhiều nhất của Thủ đô là các huyện Thanh Trì và Thạch Thất. Riêng tại Thạch Thất, 2 xã có ổ dịch phức tạp, kéo dài, ghi nhận nhiều bệnh nhân nhất là xã Phùng Xá (334 bệnh nhân) và xã Hữu Bằng (186 ca mắc).
Điều đáng nói là, năm 2022, ổ dịch sốt xuất huyết tại thôn Bùng (xã Phùng Xá) diễn biến phức tạp và kéo dài nhất của Hà Nội khi tồn tại vài tháng không dập dịch được. Năm nay, ổ dịch này lại bùng phát và trở thành một trong những ổ dịch phức tạp nhất của Thủ đô. Sự chủ quan của người dân và sự vào cuộc không ráo riết của chính quyền cơ sở ngay từ đầu đã dẫn đến tình trạng dịch bùng phát và lây lan nhanh chóng.
Còn trong tuần qua, Hoàng Mai là quận ghi nhận nhiều ổ dịch sốt xuất huyết nhất của Hà Nội với 13 ổ dịch. Đại diện Trạm Y tế phường Vĩnh Hưng cho hay, từ đầu năm tới nay, trên địa bàn ghi nhận 3 ổ dịch sốt xuất huyết với 14 ca bệnh, trong đó có nhiều ca là sinh viên thuê trọ. Phường đã tổ chức 3 lần diệt bọ gậy, vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi ở 3 ổ dịch.
Thừa nhận những khó khăn trong công tác phòng chống dịch, ông Vũ Cao Cương, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, qua kết quả kiểm tra, giám sát công tác xử lý ổ dịch tại xã Phùng Xá cho thấy, ổ dịch không được xử lý triệt để ngay từ ban đầu do thiếu lực lượng tham gia diệt bọ gậy. Thêm vào đó, kỹ năng diệt bọ gây của đội xung kích chưa tốt, để sót nhiều ổ bọ gậy; ý thức người dân chưa cao, không quan tâm đến các hoạt động phòng chống dịch. Sau đó, ổ dịch này đã lây lan sang xã Hữu Bằng là xã tiếp giáp với Phùng Xá.
Còn ổ dịch tại thôn Vĩnh Ninh (xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì), ghi nhận 217 bệnh nhân, Sở Y tế Hà Nội cho biết, ổ dịch này cũng không được xử lý triệt để ngay từ đầu. Kết quả kiểm tra của CDC Hà Nội đều ghi nhận Chỉ số BI cao vượt ngưỡng nguy cơ.
Trên bình diện chung, nguyên nhân bùng phát các ổ dịch phức tạp, theo đánh giá của lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, do một số nơi còn lơ là trong phòng chống. Nhiều địa phương cho biết, trước đây, hóa chất diệt muỗi do CDC Hà Nội cung ứng, nay đã chuyển về các quận, huyện đấu thầu mua sắm. Vì vậy, còn gặp khó khăn trong công tác đấu thầu mua hóa chất.
(Báo Đầu tư)
Số ca mắc uốn ván tăng gấp 3,5 lần cùng kỳ năm 2022
Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 18 đến 25-8), trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 2 ca mắc uốn ván. Trong đó, có cụ bà 83 tuổi (ở xã Đội Bình, huyện Ứng Hòa) mắc bệnh sau khi tự rạch mụn cơm ở ngón chân.
5 ngày sau khi tự "điều trị" mụn cơm, bệnh nhân xuất hiện cứng hàm, viêm họng, đau bụng vùng hạ vị, há miệng khó, co cứng cơ toàn thân. Bệnh nhân đã được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hà Đông điều trị. Tại đây, cụ bà được chẩn đoán mắc uốn ván.
Trường hợp thứ hai là nam bệnh nhân 53 tuổi (ở phường Hà Cầu, quận Hà Đông). Trước khi vào viện 10 ngày, bệnh nhân bị trượt ngã, đầu gối trái va đập mạnh vào nền đá gây xước da. Sau đó, bệnh nhân đi khám tại phòng khám tư và mua thuốc kháng sinh, giảm đau về uống, tuy nhiên không tiêm phòng uốn ván.
Sau khi điều trị 1 tuần không khỏi, bệnh nhân xuất hiện thêm hiện tượng cứng hàm, nói khó và được người nhà đưa đến Bệnh viện Quân y 103. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán mắc uốn ván.
Như vậy, từ đầu năm 2023 cho đến nay, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 20 ca mắc uốn ván (tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó 2 ca tử vong.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, uốn ván là bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao, đặc trưng bởi tăng trương lực cơ và các cơn co cứng. Thời kỳ ủ bệnh khoảng 4 - 21 ngày. Bệnh nhân có thể tử vong do suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật và ngừng tim. Đặc điểm chung của nhiều ca uốn ván thời gian gần đây là có thể mắc bệnh chỉ qua một vết xước hay vết thương nhỏ trên da trong quá trình sinh hoạt, lao động nhưng không tiêm phòng uốn ván. Chỉ đến khi xuất hiện tình trạng cứng hàm, nói khó, bệnh nhân mới tìm đến bệnh viện.
(Báo Hà Nội mới)