* Sốt xuất huyết tăng nhanh: Nguy cơ hệ thống y tế quá tải
Tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 40.000 ca sốt xuất huyết (SXH), trong đó, phía Bắc có hơn 1.000 ca, cao hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo các chuyên gia y tế, nếu số ca mắc SXH tiếp tục tăng nhanh có thể dẫn đến quá tải hệ thống y tế.
El Nino làm gia tăng lây truyền sốt xuất huyết
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, trong năm 2023 và 2024, hiện tượng El Nino có thể làm gia tăng sự lây truyền bệnh SXH và các loại arbovirus khác như: Zika, Chikungunya, viêm não Nhật Bản. Hiện tượng biến đổi khí hậu cũng thúc đẩy muỗi sinh sản và gia tăng các bệnh truyền nhiễm do muỗi truyền. Việt Nam là nước nhiệt đới với khí hậu nóng ẩm và nằm trong khu vực lưu hành cao các bệnh do muỗi truyền.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TPHCM, đặc trưng của hiện tượng thời tiết El Nino là nóng khắc nghiệt và thiếu nước. Năm 2023 được dự báo có thể phá kỷ lục về nhiệt độ cao nhất ở một số địa phương. Tuy nhiên, dù có xảy ra hiện tượng El Nino hay không, SXH và các bệnh truyền nhiễm phụ thuộc vào các yếu tố như vệ sinh môi trường khi thiếu nước và hạn hán; khả năng diệt muỗi và côn trùng khi mưa trở lại; tỷ lệ tiêm phòng vaccine… "Thiếu hụt yếu tố nào cũng có thể khiến bệnh tăng hơn ở khu vực, địa phương đó", bác sĩ Khanh phân tích.
Tại Hà Nội, thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết đã có hàng chục trường hợp SXH có dấu hiệu cảnh báo nặng điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới từ 2 tháng nay. Đây là điều bất thường ở khu vực phía Bắc, vì xảy ra sớm hơn mọi năm. Thông thường, dịch sẽ xuất hiện nhiều từ tháng 9 - 11 hàng năm nhưng thời điểm này dù mới đang tháng 7 mà dịch tại Hà Nội đã có nhiều bất thường. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, mỗi ngày tiếp nhận hàng chục trường hợp SXH, trong đó nhiều ca diễn tiến nặng.
Còn theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội (CDC), dịch SXH trên địa bàn có xu hướng gia tăng, đã xác định một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài. Kết quả kiểm tra giám sát tại các ổ dịch cho thấy các chỉ số côn trùng cao vượt mức nguy cơ... Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, các quận, huyện (Hà Đông, Thạch Thất, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Chương Mỹ, Thanh Oai, Tây Hồ, Thanh Trì và Cầu Giấy) là những khu vực ghi nhận nhiều bệnh nhân SXH.
Về nguy cơ lây lan bệnh, TS Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Kí sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết: Muỗi Aedes, vector truyền bệnh, là muỗi “thành phố”. Chúng không đẻ trứng ở ao tù nước đọng mà chỉ đẻ ở vùng nước sạch. Do đó, những vật dụng của người dân chứa nước sạch như nước mưa, nước điều hòa vô tình sẽ là ổ đẻ của muỗi. Mật độ đô thị càng đông đúc, muỗi càng phát triển. Người dân ở nội đô khả năng bị SXH càng cao.
Cũng theo TS Dũng, một trong những yếu tố tác động, gây ra sự biến động của bệnh SXH là ảnh hưởng của El Nino và hiệu ứng nhà kính. Tác động của El Nino khiến nhiệt độ tăng lên, do đó, muỗi trưởng thành nhanh hơn, chích đốt nhiều hơn. Virus tăng sinh nhanh hơn trong muỗi, làm giảm thời gian ủ bệnh bên ngoài, tỉ lệ muỗi có khả năng truyền nhiễm cao.
Phát hiện sớm giúp điều trị kịp thời
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hiện trung tâm đang điều trị cho nhiều ca SXH có dấu hiệu cảnh báo nặng. Để chẩn đoán chính xác bệnh nhân SXH cũng như mức độ giảm tiểu cầu cần làm xét nghiệm máu khá đơn giản và cho kết quả nhanh trong vòng vài giờ. Ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình từ 150 - 450 G/L. Khi SXH, xét nghiệm công thức máu sẽ thấy số lượng bạch cầu giảm, số lượng tiểu cầu giảm và hematocrit tăng (máu cô đặc). Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50 G/L.
Theo TS Cường, nếu tiểu cầu giảm nhanh hoặc có biểu hiện xuất huyết chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da, cũng như có hiện tượng cô đặc máu như chân tay lạnh, nôn mửa, đau bụng vùng gan, tụt huyết áp, men gan tăng cao, tràn dịch màng bụng - màng phổi… khi đó cần đi khám ngay để điều trị kịp thời.
Chia sẻ về những dấu hiệu nhận biết bệnh SXH, bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Hoài Nam - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Hữu Nghị) cho biết: Sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là bệnh do virus Dengue gây nên, muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu. Bệnh SXHD có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Theo bác sĩ Nam, người bệnh cần được khám và xét nghiệm máu hàng ngày, đặc biệt là giai đoạn ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Những trường hợp cần xem xét nhập viện điều trị là: Những người sống một mình; gia đình không có khả năng theo dõi sát; trẻ nhũ nhi; người thừa cân béo phì; phụ nữ có thai; người cao tuổi; người bị bệnh mạn tính đi kèm (thận, tim, gan, hen, đái tháo đường, thiếu máu tan máu...).
(Báo Đại Đoàn Kết)
* Không chủ quan với bệnh viêm phổi do vi khuẩn Mycoplasma ở trẻ
Thời gian qua, một số bệnh viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhi mắc viêm phổi do vi khuẩn Mycoplasma. Bệnh do vi khuẩn Mycoplasma nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh và có thể lây lan rộng ra cộng đồng.
Viêm phổi do Mycoplasma dễ nhầm với những tác nhân viêm phổi khác
Tại Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, thời gian qua, Trung tâm tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi nhập viện do viêm phổi. Trong đó, có nhiều trẻ bị viêm phổi do Mycoplasma với các triệu chứng không điển hình, dễ nhầm lẫn với cảm cúm thông thường.
Được biết, mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận từ 150-160 bệnh nhân điều trị nội trú, trong đó các ca nhiễm Mycoplasma Pneumoniae chiếm khoảng 30%. Nghĩa là hàng ngày có khoảng 30-40 bệnh nhân nằm điều trị.
Mới đây nhất là bệnh nhi B.N. (8 tuổi, Lào Cai). Trước đó, trẻ sốt cao liên tục, húng hắng ho, gia đình cho trẻ đi khám tại bệnh viện gần nhà, được chẩn đoán sốt virus. Trẻ được theo dõi tại nhà thêm 3 ngày nhưng tình trạng sốt không hết.
Trẻ vào Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương diễn biến bệnh ngày thứ 5, với biểu hiện sốt cao liên tục từng cơn, ho khan, phát ban toàn thân, chụp X-quang phổi có hình ảnh viêm phổi thuỳ. Được các bác sĩ chỉ định xét nghiệm chuyên sâu định danh chính xác tên loại vi khuẩn gây ra tình trạng trên.
Kết quả, xét nghiệm Mycoplasma Pneumoniae Real-time PCR dương tính. Sau 5 ngày điều trị với kháng sinh đặc hiệu, hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, hết sốt, không khó thở, phổi cải thiện rõ rệt.
PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh – Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, viêm phổi có nhiều căn nguyên, trong đó, Mycoplasma Pneumoniae (vi khuẩn không điển hình) là tác nhân quan trọng gây viêm phổi ở cộng đồng ở trẻ em. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên hay gặp ở nhóm trẻ lớn.
Khi vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae xâm nhập vào cơ thể, thời gian ủ bệnh khoảng từ 2 đến 3 tuần. Sau thời gian này, bệnh sẽ khởi phát và trải qua những triệu chứng sau: Ban đầu trẻ có những biểu hiện viêm long đường hô hấp như hắt hơi, sổ mũi, sốt.
Trẻ em bị viêm phổi có thể bị sốt cao, sốt liên tục từ 39 đến 40 độ C. Ngoài ra, trẻ còn ho nhiều, ho rũ rượi từng cơn, ho đi kèm khó thở, thở nhanh gấp gáp. Những trẻ lớn có thể có cảm giác đau ngực, đau đầu, đau cơ, cứng cơ…
Đặc biệt, trẻ bị viêm phổi do Mycoplasma có thể có biểu hiện những biến chứng ngoài phổi khác như có thể bị viêm kết mạc, nổi mày đay trên da, biến chứng tim mạch, biến chứng đường tiêu hoá, tiết niệu…
PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh lưu ý, triệu chứng viêm phổi do Mycoplasma ở trẻ rất dễ nhầm với những tác nhân viêm phổi khác như viêm phổi do virus, viêm phổi do vi khuẩn khác vì có biểu hiện như: Sốt, ho, khó thở hoặc chụp phim X-quang phổi có các tổn thương trên phim. Để chẩn đoán xác định tác nhân viêm phổi do Mycoplasma Pneumoniae cần phải làm xét nghiệm đặc hiệu.
Tương tự, thời gian gần đây, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cũng liên tục tiếp nhận các bệnh nhi mắc viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae. Một số ca biến chứng viêm phổi nặng phải thở oxy và một số ca bị viêm phổi thùy kháng thuốc.
Biến chứng khó lường
Bác sĩ Đỗ Hoàng Hải - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Mycoplasma pneumoniae (M.pneumoniae) có thể có biểu hiện nhẹ và có triệu chứng không đặc hiệu nhưng có thể chiếm tới 20% các ca mắc viêm phổi cộng đồng, đặc biệt là ở trẻ em. M.pneumoniae cũng là một trong những yếu tố khởi phát khò khè hoặc cơn hen ở trẻ, cũng như ảnh hưởng đến một số cơ quan khác ngoài phổi bao gồm: Da, niêm mạc, cơ, khớp, tim và hệ thần kinh trung ương.
Nhiễm trùng Mycoplasma pneumoniae phổ biến nhất ở trẻ em thanh thiếu niên trong độ tuổi đi học, nhưng cũng có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Những trẻ sống và học tập trong môi trường đông đúc có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Vi khuẩn lây truyền từ người này sang người khác qua các giọt nhỏ trong không khí, điều này chỉ xảy ra khi tiếp xúc gần. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất là nên đeo khẩu trang.
Bác sĩ Đỗ Hoàng Hải khuyến cáo, khi có dấu hiệu nghi ngờ viêm phổi không điển hình nên cho trẻ đi khám chuyên khoa Nhi để được chẩn đoán chính xác và được điều trị thích hợp.
Các biến chứng nghiêm trọng thường không phổ biến, nhưng có thể dẫn đến trẻ phải nhập viện và đôi khi tử vong. Các biến chứng bao gồm: Viêm phổi nặng, khởi phát đợt cấp của hen phế quản, viêm não, thiếu máu tan máu, suy thận, hội chứng Stevens-Johnson…
Bệnh do vi khuẩn Mycoplasma nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh và có thể lây lan rộng ra cộng đồng. Vì vậy, người dân nên đi khám bệnh ngay khi có những triệu chứng bất thường.
Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh cho hay, viêm phổi do vi khuẩn hay virus nói chung và viêm phổi do Mycoplasma Pneumoniae nói riêng con đường lây truyền tiếp xúc qua đường giọt bắn, cho đến nay chưa có vaccine phòng Mycoplasma.
Để đảm bảo dự phòng cho trẻ cha mẹ cần đảm bảo một số nguyên tắc: Rửa tay bằng xà phòng. Đảm bảo cho trẻ sống trong môi trường sạch sẽ, thoáng mát. Không tiếp xúc với những trẻ có những biểu hiện ho, sốt.
Ngoài ra, cho trẻ có những chế độ dinh dưỡng phù hợp, giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Ăn đủ ô vuông thức ăn có đầy đủ các thành phần dinh dưỡng, đảm bảo đầy đủ vitamin và khoáng chất.
Đặc biệt, cha mẹ nên cho trẻ tiêm phòng theo đúng lịch, bởi vì nhiễm Mycoplasma Pneumoniae có thể đồng nhiễm thêm những vi khuẩn khác như phế cầu, Hip….
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nếu thấy trẻ có những biểu hiện như: viêm long đường hô hấp, sốt cao, ho khó thở. Đặc biệt là xảy ra ở những trẻ lớn từ 4-10 tuổi nên đưa trẻ đến những cơ sở y tế chuyên khoa. Để được khám và làm xét nghiệm chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời.
(Báo Kinh tế &đô thị)
* Thu hồi trên toàn quốc lô kem dưỡng trắng, chống nắng
Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) có Công văn số 7930/QLD-MP gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Công ty TNHH Mỹ phẩm Ngọc Ý Châu về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm kem dưỡng trắng, chống nắng (Nhãn hàng HASUMI).
Theo đó, lô sản phẩm mang nhãn hàng HASUMI, loại hộp 1 lọ 10g; số lô: HSM-01/02; ngày sản xuất 1-2-2023; số công bố: 001250/22/CBMP-HCM, do Công ty TNHH mỹ phẩm Ngọc Ý Châu sản xuất.
Công ty này có địa chỉ ở 18/3/15 đường số 1B, Khu phố 27, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh.
Lý do thu hồi theo Cục Quản lý dược, đó là mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng do chứa thành phần chất bảo quản Methyl paraben và Propyl paraben không có trong thành phần công thức sản phẩm đã được cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Cục Quản lý dược đề nghị sở y tế các địa phương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng lô sản phẩm kem dưỡng trắng - chống nắng (Nhãn hàng HASUMI) - hộp 1 lọ 10g nêu trên và trả lại cơ sở cung ứng sản phẩm; đồng thời tiến hành thu hồi lô sản phẩm vi phạm.
Công ty TNHH mỹ phẩm Ngọc Ý Châu phải gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng lô sản phẩm nêu trên. Đồng thời, tiếp nhận sản phẩm trả lại từ các cơ sở kinh doanh và tiến hành thu hồi, tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm không đáp ứng quy định.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý dược cũng đề nghị Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra Công ty TNHH mỹ phẩm Ngọc Ý Châu trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý mỹ phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm.
(Báo Hà Nội mới)
* Chủ quan vì nghĩ u tuyến giáp lành tính không cần mổ, nam bệnh nhân diễn biến nặng
Được chỉ định nhập viện do chảy máu u giáp trái, khối u kích thước 7x8cm đã đè ép khí thực quản sang phải, tuy nhiên ông H. ở Mê Linh (Hà Nội) xin ra viện không mổ vì nghĩ u lành tính…
Thông tin từ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, u tuyến giáp là một trong những bệnh lý phổ biến. Hơn 90% các trường hợp u tuyến giáp là lành tính và có thể điều trị dứt điểm mà không để lại biến chứng.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn có nhiều người cho rằng điều trị bệnh lý ung bướu không nên động chạm dao kéo, nhất là những người mang khối u lành tính lại càng có tâm lý chủ quan, phó mặc cho số phận hoặc mong chờ bệnh tự khỏi.
Điển hình như trường hợp bệnh nhân N.H.H, 55 tuổi, ở Mê Linh, Hà Nội. Đầu tháng 3-2023, ông H. đến Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội khám, được bác sĩ chỉ định nhập viện do chảy máu u giáp trái, khối u kích thước 7x8cm chiếm gần hết nhu mô giáp trái, phát triển một phần xuống trung thất, đè ép khí thực quản sang phải. Tuy nhiên bệnh nhân xin ra viện không mổ vì lý do cá nhân.
Đến đầu tháng 7-2023, ông H. thấy khó thở, khàn tiếng và nuốt vướng, đi khám lại thì khối u đã có kích thước lên tới 10x10cm, giáp phải cũng có nang kích thước 2x3cm, đè đẩy các cấu trúc xung quanh, đường kính khí quản chỗ hẹp nhất còn 1,8x0,8cm.
Khối u quá lớn đã choán diện tích lớn, kéo dài từ sát xương hàm xuống dưới hõm ức, chèn lệch khí quản, chèn vào dây thần kinh thanh quản và cả một phần thực quản.
TS.BS. Phan Lê Thắng, Trưởng khoa Ngoại theo yêu cầu - Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội nhận định, trường hợp này tuy là u lành tính nhưng kích thước đã rất lớn lại có tiền sử chảy máu u, nếu không mổ sớm thì không chỉ khó xử trí, mà còn làm giảm chất lượng sống của người bệnh. Lúc này, bệnh nhân mới xin được phẫu thuật.
Sau ca mổ, bệnh nhân hồi phục tốt, không phải truyền máu, không còn tình trạng khó thở, nuốt vướng.
TS.BS. Phan Lê Thắng khuyến cáo, không nên chủ quan với những khối u lành tính vì nếu không điều trị, khối u phát triển cũng có thể gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh.
Người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện những bất thường trong cơ thể và có cơ hội chữa trị kịp thời.
(Báo An ninh Thủ đô)