* Bộ Y tế đề xuất tháo gỡ cơ chế mua sắm vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng
Để đáp ứng yêu cầu vaccine cấp bách hiện nay, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép thực hiện cơ chế mua sắm vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng từ nguồn ngân sách địa phương với nhiều nội dung.
Trong nhiều năm qua, Bộ Y tế đã triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng với 10 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em và phụ nữ trong cả nước.
Theo Bộ Y tế, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc cung ứng vaccine đã bị ảnh hưởng dẫn đến gián đoạn cung ứng, thiếu vaccine cục bộ tại một số địa phương.
Thực hiện nội dung của năm 2023 với mong muốn được tiếp tục thực hiện việc mua vaccine Chương trình tiêm chủng mở rộng, thuốc chống lao, thuốc kháng HIV ARV và vitamin A để phục vụ cho các địa phương như các năm trước, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho địa phương, Bộ Y tế đã có đề nghị Bộ Tài chính xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.
Trong đó, Bộ Y tế đề nghị bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ chuyển từ Chương trình mục tiêu y tế, dân số về nhiệm vụ thường xuyên để mua vaccine Chương trình tiêm chủng mở rộng, thuốc chống lao cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế, thuốc ARV và vitamin A cho trẻ em.
Tuy nhiên, các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu y tế, dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên của các bộ, ngành và địa phương nên theo quy định của Luật Đầu tư công, phân cấp ngân sách nhà nước, Bộ Y tế không được phân kinh phí để triển khai thực hiện nhiệm vụ này.
Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế cũng đã rà soát nguồn vaccine gối đầu từ năm 2022 chuyển sang đến nay, đối với các vaccine sản xuất trong nước, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã cung ứng đủ số lượng vaccine của năm 2022 và gối đầu đến tháng 7/2023.
Để bảo đảm vaccine năm 2023, Bộ Y tế đã làm việc, lắng nghe và trao đổi với các địa phương và đã trình Chính phủ tờ trình và dự thảo nghị quyết về nội dung này. Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ đạo quyết liệt Bộ Y tế phối hợp Bộ Tài chính bố trí kinh phí, ngân sách trung ương năm 2023 để Bộ Y tế triển khai mua sắm theo quy định như những năm trước đây.
Để triển khai nhiệm vụ này, Bộ Y tế đã có công văn gửi 63 tỉnh, thành phố, đến nay đã tổng hợp đủ nhu cầu của 63 địa phương liên quan đề nghị mua vaccine trong cả nước. Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị cung ứng vaccine sẵn sàng các công việc theo quy định như rà soát khả năng cung cấp, năng lực sản xuất cũng như xác định giá theo quy định.
Nhưng thực tế, Bộ Y tế nhận được văn bản của 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện. Theo đó, các vướng mắc chủ yếu tập trung vào việc mua sắm vaccine tiêm chủng mở rộng như: Việc bố trí kinh phí của địa phương; việc tham khảo giá mua sắm và tổ chức thực hiện… và đề nghị Bộ Y tế thực hiện việc đấu thầu tập trung, đặt hàng hoặc thực hiện đàm phán giá các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Do không thể thực hiện mua sắm theo hình thức đấu thầu tập trung cấp quốc gia hoặc mua sắm trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 của Luật đấu thầu đối với các vaccine tiêm chủng mở rộng sản xuất trong nước (do các đơn vị sản xuất trong nước là doanh nghiệp nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, nên không đủ tư cách hợp lệ tham gia đấu thầu theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Đấu thầu, khoản 4 Điều 2 Nghị định 63/2014/NĐ-CP và không thể mua sắm theo quy định từ điều 21 đến điều 25 Luật Đấu thầu), để đáp ứng yêu cầu vaccine cấp bách hiện nay, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép thực hiện cơ chế mua sắm vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng từ nguồn ngân sách địa phương với nội dung chính như sau:
Đối với 10 loại vaccine (bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT); vaccine uốn ván hấp phụ (TT); vaccine phòng lao đông khô (BCG); vaccine uốn ván, bạch hầu hấp phụ (Td); viêm não Nhật Bản; viêm gan B; Sởi; sởi-rubella (MRVAC); bại liệt (bOPV)) và rota sản xuất trong nước: Giao cho Bộ Y tế tổng hợp nhu cầu của các địa phương, thực hiện đặt hàng, tổng hợp phương án của các nhà sản xuất vaccine gửi Bộ Tài chính; các tỉnh, thành phố ủy quyền cho Bộ Y tế đặt hàng các đơn vị sản xuất trong nước; Bộ Tài chính thẩm định, phê duyệt giá làm cơ sở để các địa phương ký hợp đồng đặt hàng và thanh toán trực tiếp với đơn vị cung ứng.
Giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019, Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 và Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 để bảo đảm đủ căn cứ pháp lý thực hiện mua vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 2024.
(Báo Nhân dân)
* Cảnh báo hệ lụy khôn lường từ việc mua bán trứng, tinh trùng tràn lan
Tại một số địa phương đã xuất hiện những tình trạng không tuân thủ pháp luật như buôn bán tinh trùng, noãn, phôi; mang thai hộ vì mục đích thương mại... gây ra hệ lụy rất nguy hiểm.
Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế cho biết, gần đây báo chí đang nhiều về hiện tượng mua bán trứng, tinh trùng, phôi và mang thai hộ vì mục đích thương mại (đẻ thuê). Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em đã nhiều lần có văn bản chấn chỉnh gửi các Sở Y tế và các đơn vị hỗ trợ sinh sản trên toàn quốc, gần đây nhất là công văn đề ngày 31/3/2023.
Ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế cho biết, trong thời gian vừa qua, dịch vụ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã có những bước phát triển đáng khích lệ, mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình. Tuy nhiên tại một số địa phương đã xuất hiện những tình trạng không tuân thủ pháp luật như buôn bán tinh trùng, noãn, phôi; mang thai hộ vì mục đích thương mại và đã bị Cơ quan Công an điều tra, xử lý theo pháp luật.
Để bảo đảm việc thực thi các quy định của pháp luật, phòng tránh tình trạng mang thai hộ vì mục đích thương mại, buôn bán giao tử xảy ra trong cơ sở y tế, hoặc các hành vi tiếp tay, tham gia vào những đường dây phi pháp nêu trên của cán bộ y tế, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Giám đốc các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Thủ trưởng các đơn vị: Cục Quân Y - Bộ Quốc phòng, Cục Y tế - Bộ Công an, các Bệnh viện trực thuộc Bộ, Ngành và các Bệnh viện ngoài công lập có cung cấp dịch vụ thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (MTH vì MĐNĐ) chỉ đạo và thực hiện các biện pháp cần thiết ngăn chặn tình trạng này.
Các địa phương cần nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật về hỗ trợ sinh sản. Rà soát, xây dựng bổ sung quy trình chống nhầm lẫn đối với tất cả các trường hợp cần phải nhận diện bệnh nhân để kiểm soát việc nhầm lẫn hoặc tráo đổi bệnh nhân, tinh trùng, noãn, phôi. Trong đó, đặc biệt lưu ý các quy trình: lấy mẫu tinh dịch; chọc hút noãn; chuyển phôi; vận chuyển, tiếp nhận tinh trùng/noãn/phôi giữa các bệnh viện; MTH vì MĐNĐ.
Khuyến khích các bệnh viện quản lý các trường hợp cho/nhận tinh trùng/noãn/phôi, TTTON, MTH vì MĐNĐ trên phần mềm có sử dụng các kỹ thuật nhận diện sinh trắc học hiện đại như chụp ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt để phòng tránh nhầm lẫn hoặc tráo đổi bệnh nhân do sử dụng giấy tờ giả.
Các địa phương cần rà soát kỹ tính pháp lý của hồ sơ MTH vì MĐNĐ. Chỉ định các trường hợp MTH vì MĐNĐ và xét nghiệm di truyền tiền làm tổ nên được Hội đồng chuyên môn thông qua và Lãnh đạo bệnh viện ký xét duyệt để phòng tránh MTH vì mục đích thương mại và lựa chọn giới tính thai nhi.
Hoàn thiện quy trình và tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát nội bộ, bảo đảm không để cán bộ/nhân viên tham gia, dính líu, tiếp tay cho các đường dây buôn bán tinh trùng/noãn/phôi, đẻ thuê hoặc thực hiện lựa chọn giới tính thai nhi; xử lý nghiêm các nhân viên vi phạm quy định.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo pháp luật các trường hợp đẻ thuê, lựa chọn giới tính thai nhi xảy ra trong cơ sở y tế. Trong trường hợp phát hiện cán bộ, nhân viên có sai phạm; các bệnh viện phải báo cáo ngay về Bộ Y tế (Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Vụ Pháp chế) để giải quyết theo thẩm quyền.
Vụ Sức khỏe Bà mẹ -Trẻ em, Bộ Y tế yêu cầu nghiêm túc thực hiện Báo cáo định kỳ về thực hiện kỹ thuật TTTON và MTH vì MĐNĐ; Báo cáo về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự hiện tại đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật TTTON và MTH vì MĐNĐ.
(Báo Sức khỏe & đời sống)
* Phụ huynh Hà Nội đưa con đi uống Vitamin A từ sáng sớm để tránh nắng nóng
Từ ngày 1/6, Bộ Y tế tổ chức Chiến dịch bổ sung vitamin A đợt 1 cho trẻ em trên cả nước. Dù thời tiết nắng nóng, oi bức, người dân Hà Nội vẫn nườm nượp đưa trẻ trong độ tuổi 1- 5 tuổi tới các điểm uống Vitamin A.
Tại điểm uống Trạm Y tế phường Cầu Diễn (Nam Từ Liêm, Hà Nội), ngay từ sáng sớm, nhiều cha mẹ, ông bà đã đưa trẻ tới để uống Vitamin A. Trong điều kiện thời tiết nóng bức, Trạm Y tế đã bố trí sảnh thoáng mát, phân chia khu vực tiếp đón, hướng dẫn, làm thủ tục giấy tờ và khu vực uống Vitamin A, khu vực cân, đo; đồng thời tăng cường các loại quạt mát, nước uống cho người dân để đảm bảo sức khoẻ cho trẻ và người thân.
BS Trần Phạm Thái, Trạm trưởng Trạm y tế phường Cầu Diễn cho biết, số trẻ trong độ tuổi uống Vitamin A trên địa bàn phường là 1.991 cháu, trong đó, có 776 trẻ trong độ tuổi được cân, đo và 1.251 trẻ vừa cân đo, vừa uống Vitamin A.
“Để chuẩn bị cho Chiến dịch bổ sung Vitamin A cho trẻ em trên địa bàn phường, trước đó chúng tôi đã lên danh sách các trẻ trong độ tuổi, viết giấy mời nhờ các cộng tác viên dân số, các tổ dân phố, Đoàn Thanh niên… phối hợp để phát tới từng trẻ. Tại phường Cầu Diễn có 3 điểm uống là: Trạm Y tế phường Cầu Diễn, Nhà Văn hoá phường Cầu Diễn và Nhà C3, Tổ dân phố 10. Ngoài số trẻ đăng ký trên địa bàn phường, Trạm Y tế cũng dự trù một số lượng Vitamin A nhất định cho các trẻ đến từ khu vực khác”, BS Thái nói.
Còn tại các điểm uống khác như: Trạm y tế phường Mỹ Đình I, trạm y tế phường Mễ trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), sợ nắng nóng nên ngay từ sáng sớm, người dân cũng đã đưa trẻ đến các điểm tổ chức để được uống Vitamin A và cân đo.
Theo Ths.BS Hoàng Xuân Huệ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm, trong sáng 1/6, các trạm y tế, các điểm uống trên địa bàn quận đã đồng loạt triển khai Chiến dịch bổ sung Vitamin A cho trẻ em và được các bậc phụ huynh hưởng ứng, đưa trẻ đi uống và cân đo rất đông. Trên địa bàn quận có 31 điểm uống, với các phường địa bàn rộng thì tổ chức nhiều điểm uống để thuận lợi cho người dân đưa trẻ tới.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, trong Chiến dịch lần này, ngoài uống Vitamin A, Hà Nội cũng triển khai việc cân đo cho trẻ dưới 5 tuổi. Tổng số trẻ em được uống Vitamin A đợt này theo đúng đối tượng trên địa bàn thành phố là 392.000 trẻ với 1.744 điểm uống.
Chiến dịch bổ sung vitamin A của Hà Nội diễn ra trong 2 ngày (1-2/6) và uống vét và các ngày 3-4/6. Từ ngày 1-7/6, thành phố triển khai cân, đo cho toàn bộ trẻ dưới 5 tuổi sinh sống trên địa bàn.
Sở Y tế Hà Nội đã thực hiện cấp phát Vitamin A đến từng trạm y tế xã phường, thực hiện truyền thông để người dân đưa trẻ em đi uống Vitamin A. Sở cũng đã tập huấn cho cán bộ y tế về quy trình thực hiện cũng như chuyên môn; Tổ chức 3 đoàn kiểm tra giám sát trước, trong và sau chiến dịch để đạt hiệu quả cao nhất, làm sao để tất cả các cha mẹ đưa con đến điểm uống đúng lịch.
Tại các điểm uống, cần phân bổ số trẻ hợp lý; mời trẻ uống theo giờ, tránh tình trạng quá đông gây ùn tắc, quá tải, bảo đảm phòng chống nắng nóng. Đặc biệt, cán bộ y tế trực tiếp cho trẻ uống Vitamin A cần phải sàng lọc trước khi cho trẻ uống. Những trẻ có dấu hiệu chống chỉ định thì tạm dừng và cho uống bù vào thời gian thích hợp sau khi hết các dấu hiệu chống chỉ định này. Ngoài ra, cán bộ y tế cho trẻ uống phải bảo đảm đúng kỹ thuật, đúng đối tượng, đủ liều lượng được chỉ định theo lứa tuổi.
Kiểm tra công tác triển khai Chiến dịch bổ sung Vitamin A cho trẻ tại Hà Nội sáng 1/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, mục tiêu đặt ra của Chiến dịch này là trên 99,8% trẻ em từ 6 đến 35 tháng tuổi được uống vitamin A liều cao trong hai đợt chiến dịch (đợt 1 diễn ra vào tháng 6 và đợt 2 vào tháng 12/2023). Ngoài ra, trên 95% trẻ em dưới 5 tuổi được cân, đo chiều cao để đánh giá tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thiếu cân, thể thấp còi, thể gầy còm và tỷ lệ thừa cân, béo phì.
(Báo điện tử VOV.VN)
* Cả nước xảy ra 34 vụ ngộ độc thực phẩm
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 5-2023, cả nước xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm với 269 người bị ngộ độc, trong đó có 01 trường hợp tử vong. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 34 vụ ngộ độc thực phẩm với 613 người bị ngộ độc, trong đó có 09 người tử vong.
Các chuyên gia y tế khuyên cáo, vào mùa hè trong điều kiện thời tiết nắng nóng, nhiệt độ môi trường tăng cao, là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn nấm, mốc… phát triển nhanh chóng. Bên cạnh đó, trời nắng sẽ khiến thức ăn dễ bị hư hỏng, ôi thiu nếu không được bảo quản đúng cách. Để tránh bị ngộ độc thực phẩm vào mùa hè, người dân khi lựa chọn thực phẩm cần chú ý đến nguồn gốc xuất xứ. Trong quá trình chế biến thực phẩm cần vệ sinh tay sạch sẽ. Trước khi chế biến, tốt nhất nên rửa tay dưới vòi nước sạch. Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, mặt hàng ăn uống phải có trách nhiệm trong sản xuất, bảo quản thực phẩm để góp phần phòng tránh ngộ độc thực phẩm cho cộng đồng.
(Báo Hà Nội mới)
* Thiếu vaccine 5 trong 1: Do không có nhà thầu tham gia
Như đã thông tin, ở thời điểm hiện tại các địa phương trên cả nước đều rơi vào tình trạng thiếu vaccine 5 trong 1, đồng thời, những loại vaccine còn lại trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) cũng đang dần cạn kiệt. Để lý giải về nguyên nhân và những biện pháp khắc phục tình trạng này, ngày 1/6, Bộ Y tế đã có những trả lời chính thức.
Cụ thể, Bộ Y tế cho biết, hầu hết các vaccine sử dụng trong Chương trình TCMR được sản xuất trong nước, bao gồm: Phòng bệnh lao (BCG), uốn ván, bạch hầu - uốn ván (Td), DPT, viêm gan B, viêm não Nhật bản; vaccine bại liệt uống (bOPV), sởi; sởi - rubella.
Chỉ có 2 loại vaccine nhập khẩu từ nước ngoài là vaccine phối hợp 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, vaccine viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib và vaccine bại liệt tiêm (IPV).
Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc cung ứng vaccine đã bị ảnh hưởng dẫn đến gián đoạn cung ứng, thiếu vaccine cục bộ tại một số địa phương.
Theo Bộ Y tế, đối với các vaccine sản xuất trong nước, Chương trình TCMR đã cung ứng đủ số lượng vaccine của năm 2022 và gối đầu đến tháng 7/2023, riêng vaccine viêm gan B, vaccine phòng Lao sử dụng đến tháng 8/2023 và vaccine viêm não Nhật Bản có thể sử dụng đến hết tháng 9/2023, vaccine sởi, sởi - rubella, bOPV đủ dùng hết tháng 7/2023; vaccine uốn ván và IPV (bại liệt tiêm) hiện còn tại các tuyến đủ đáp ứng đến hết năm nay.
Trong đó, đối với thực trạng vaccine nhập khẩu 5 trong 1 bị thiếu trên toàn quốc từ tháng 2/2023, Bộ Y tế cho rằng, do năm 2022 đã tiến hành các thủ tục đấu thầu mua sắm vaccine theo quy định, tuy nhiên đã không có nhà thầu tham gia.
Đối với 9 loại vaccine sản xuất trong nước, do các đơn vị sản xuất vaccine trong nước là doanh nghiệp nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, nên không đủ tư cách hợp lệ tham gia đấu thầu theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Đấu thầu và khoản 4 Điều 2 Nghị định 63/2014/NĐ-CP. Như vậy, Bộ Y tế không thể thực hiện đấu thầu tập trung đối với vaccine sản xuất trong nước, ngay cả khi Bộ được bố trí ngân sách trung ương.
Về cơ chế mua theo phương thức đặt hàng, theo quy định, UBND tỉnh quy định “giá sản phẩm, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công và hàng hóa, dịch vụ được địa phương đặt hàng, giao kế hoạch sản xuất, kinh doanh sử dụng ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật”. Do đó, khi nhiệm vụ mua vaccine được chuyển về địa phương, thì thẩm quyền đặt hàng của địa phương là phù hợp với các quy định.
Theo quy định này, trường hợp không được bố trí ngân sách cho Bộ Y tế mua vaccine sẽ có vướng mắc. Cụ thể, Bộ Y tế không có thẩm quyền đặt hàng cũng như xác định giá đặt hàng. Bộ Y tế đặt hàng 9 loại vaccine sản xuất trong nước. Từ năm 2022 trở về trước, do Bộ Y tế được giao kinh phí ngân sách Trung ương nên có thẩm quyền đặt hàng.
Bộ Tài chính không có thẩm quyền phê duyệt giá khi Bộ Y tế đặt hàng. Bộ Tài chính không phê duyệt đơn giá đặt hàng khi thanh toán bằng nguồn ngân sách địa phương, chỉ phê duyệt đơn giá khi đặt hàng, thanh toán bằng nguồn ngân sách trung ương.
Bộ Y tế cho rằng, đối với vaccine sản xuất trong nước, nếu giao cho Bộ Y tế mua thì không thể thực hiện đấu thầu. Do đó, trường hợp mua theo phương thức đặt hàng, các địa phương cần đăng ký nhu cầu với Bộ Y tế, thực hiện ủy quyền cho Bộ Y tế đặt hàng. Bộ Y tế căn cứ vào số lượng, nhu cầu thông báo cho các cơ sở sản xuất để xây dựng phương án giá đặt hàng tính đủ các yếu tố chi phí. Sau đó, Bộ Y tế tổng hợp phương án giá, gửi Bộ Tài chính để thẩm định. Các địa phương căn cứ vào số lượng đã đăng ký, giá được duyệt, thực hiện ký hợp đồng mua và thanh toán trực tiếp cho đơn vị sản xuất.
Để thực hiện phương thức này, theo Bộ Y tế cần phải thực hiện một trong 2 phương án. Trong đó, phương án 1 là sửa đổi, bổ sung thành Bộ Tài chính là đơn vị chủ trì xây dựng, trình Chính phủ, việc sửa các nghị định sẽ mất rất nhiều thời gian, không đáp ứng yêu cầu cấp bách hiện nay.
Đối với phương án 2, Bộ Y tế đề nghị ban hành Nghị quyết của Chính phủ, cho phép Bộ Y tế thực hiện cơ chế đặt hàng đối với vaccine sản xuất trong nước trong chương trình TCMR.
Đối với vaccine nhập khẩu (trừ Rota), Bộ Y tế cho rằng, sử dụng nguồn viện trợ hoặc đấu thầu tập trung theo quy định hiện hành và không có vướng mắc.
Đối với 10 loại vaccine sản xuất trong nước (trong đó có Rota sản xuất trong nước), Bộ Y tế đề nghị được Chính phủ cho thực hiện mua theo phương thức đặt hàng.
Để đáp ứng yêu cầu vaccine cấp bách hiện nay, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết cho phép thực hiện cơ chế mua sắm vaccine cho Chương trình TCMR từ nguồn ngân sách địa phương. Giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định số 32/2019/NĐ-CP, Nghị định số 177/2013/NĐ-CP và Nghị định số 149/2016/NĐ-CP để bảo đảm đủ căn cứ pháp lý thực hiện mua vaccine cho Chương trình TCMR từ năm 2024.
(Báo Đại đoàn kết)