* Sở Y tế Hà Nội yêu cầu kiểm tra 3 cơ sở hành nghề y quảng cáo không phép
Các cơ sở vi phạm được Sở Y tế Hà Nội đề nghị kiểm tra là Phòng khám chuyên khoa nội tổng hợp An Thái Minh trực thuộc Công ty CP Thaidetox, địa chỉ 107A Bùi Thị Xuân, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng đăng tải hình ảnh quảng cáo phòng khám khi chưa được phê duyệt nội dung quảng cáo.
Phòng khám chuyên khoa Răng hàm mặt – Nha khoa Mê Linh, địa chỉ thôn Đại Bái, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh hoạt động khám bệnh, chữa bệnh không phép và đăng quảng cáo khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được phê duyệt nội dung quảng cáo.
Phòng khám chuyên khoa xét nghiệm trực thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư dịch vụ y tế The Medcare chi nhánh Mộ Lao, địa chỉ số LK 6D-1 khu nhà ở liền kề C17, khu đô thị Mỗ Lao, phường Mộ Lao, quận Hà Đông do phòng khám đăng tải hình ảnh quảng cáo khi chưa được phê duyệt nội dung.
Cùng với việc kiểm tra các cơ sở nói trên, Sở Y tế cũng đề nghị các quận, huyện rà soát, kiểm tra hoạt động của các cơ sở hành nghề y, dược trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở hành nghề không phép, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đăng tải quảng cáo trên mạng internet (website, mạng xã hội…) chưa được cấp phép.
(Báo Sức khỏe & đời sống)
Bộ Y tế yêu cầu cơ sở khám chữa bệnh thực hiện đúng quy chế chuyên môn
Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành, Thủ trưởng y tế bộ ngành khẩn trương chỉ đạo, chấn chỉnh các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện đúng các quy chế chuyên môn, quy trình khám, chữa bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn ngày 2/6 đã ký văn bản gửi Giám đốc Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Thủ trưởng Cơ quan quản lý về y tế của các Bộ/ngành về tăng cường quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo Bộ Y tế, ngày 30/5/2023 thông tin báo chí phản ánh về việc Công an thành phố Biên Hòa tỉnh Đồng Nai đồng loạt khám xét một số Phòng khám trên địa bàn, thu giữ nhiều tài liệu để điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm mua bán các loại giấy tờ, hồ sơ liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh như: Giấy chứng nhận nghỉ ốm hưởng BHXH, Giấy khám sức khỏe, hồ sơ bệnh án.
Để tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị Thủ trưởng các đơn vị thực hiện nghiêm một số nội dung sau, cụ thể:
Khẩn trương chỉ đạo, chấn chỉnh các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện đúng các quy chế chuyên môn, quy trình khám bệnh, chữa bệnh; quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế và các quy định khác của pháp luật có liên quan về khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt việc thực hiện cấp các loại giấy tờ, hồ sơ như: Giấy chứng nhận nghỉ ốm hưởng BHXH, Giấy khám sức khỏe, hồ sơ bệnh án…
Tăng cường tổ chức thực hiện kiểm tra, thanh tra theo kế hoạch hoặc đột xuất về công tác khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý nhằm kịp thời phát hiện các sai phạm. Xử lý nghiêm hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các tổ chức, cá nhân làm sai quy định (nếu có) theo đúng các quy định của pháp luật.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) trước ngày 15/6/2023.
(Báo Sức khỏe & đời sống)
* Cứu sống người phụ nữ 63 tuổi tắc động mạch phổi cấp, có tiền sử ung thư
Đang trong quá trình điều trị ung thư tử cung – buồng trứng di căn gan, điều trị hóa chất nhiều đợt, trước khi vào cấp cứu 30 phút, bệnh nhân đột ngột khó thở tăng nhanh được chẩn đoán bị tắc động mạch phổi cấp.
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), các bác sĩ bệnh viện đã chẩn đoán nhanh và kịp thời cứu sống bệnh nhân N.T.V sinh năm 1960 (tại phường Đức Giang, quận Long Biên) bị tắc động mạch phổi cấp. Khai thác tiền sử, bệnh nhân đang điều trị hóa chất do bệnh ung thư tử cung – buồng trứng di căn gan.
Trước khi vào cấp cứu 30 phút, bệnh nhân đột ngột khó thở và ngày càng tăng nhanh, ngay sau đó người nhà đã đưa bệnh nhân vào viện. Từ nhà đến viện khoảng 500m nhưng khi đến cửa Khoa Cấp cứu, bệnh nhân rơi vào tình trạng lơ mơ, thở ngáp, tím tái, SpO2 60-70%. Ngay lập tức, bệnh nhân được bóp bóng, đặt ống nội khí quản, thở máy và chuyển Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc.
Các bác sĩ tại Khoa Hồi sức tích cực ghi nhận, bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, mạch nhanh 120 l/p, huyết áp 80/60 mmHg, SpO2 92% thở máy FiO2 100%, áp lực dương tính cuối thì thở ra ở mức 5. Kết quả siêu âm tim tại giường có giãn thất phải. Điện tâm đồ có hình ảnh gợi ý tắc mạch phổi.
Các bác sĩ nhận định đây là một trường hợp thuyên tắc phổi, và chỉ định cho bệnh nhân chụp cắt lớp điện toán đa lát cắt ngực. Kết quả chụp cho thấy bệnh nhân thuyên tắc nhiều nhánh động mạch phổi.
Lập tức bệnh nhân được sử dụng thuốc chống đông Heparin không phân đoạn. May mắn sau 2 giờ sử dụng thuốc, tình trạng oxy máu của bệnh nhân nhanh chóng được cải thiện, huyết áp duy trì ổn định. Sau 1 ngày, bệnh nhân được rút ống nội khí quản, thở oxy kính.
Sau 6 ngày điều trị, bệnh nhân ổn định, tình trạng sức khỏe tốt. Bệnh nhân được xuất viện, điều trị tiếp theo đơn và tái khám sau 3 tuần.
Theo ThS. BS Nguyễn Thị Thủy, khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, bác sĩ trực tiếp cấp cứu cho bệnh nhân cho hay, đối với trường hợp trên, bệnh nhân đã được chẩn đoán và được dùng thuốc chống đông nhanh chóng, kịp thời, tình trạng bệnh được cải thiện rất sớm và bệnh nhân nhanh ổn định.
BS. Thủy cũng khuyến cáo, khi gặp trường hợp bệnh nhân khó thở cấp tính, trên nền có yếu tố nguy cơ của tăng đông như ung thư, bệnh nhân hạn chế vận động nằm 1 chỗ…, cần nghĩ đến tắc động mạch phổi, vì biến chứng của tắc mạch phổi xảy ra rất nhanh, có thể ngừng tuần hoàn nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.
(Báo Sức khỏe & đời sống)
* Bộ Y tế chỉ đạo khẩn
Chỉ trong tháng 5, huyện Tủa Chùa (Điện Biên) ghi nhận 3 ổ dịch bệnh than thể da với 13 trường hợp mắc, đều có tiền sử liên quan đến giết mổ và ăn thịt trâu, bò. Trước tình hình này, ngày 2/6, Bộ Y tế có công văn chỉ đạo khẩn.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên, từ ngày 5 đến ngày 30/5, trên địa bàn huyện Tủa Chùa ghi nhận 3 ổ dịch bệnh than thể da với 13 trường hợp mắc tại xã Mường Báng (1 ổ dịch), xã Xá Nhè (2 ổ dịch), chưa ghi nhận ca tử vong.
Tất cả các trường hợp mắc đều có tiền sử dịch tễ liên quan đến giết mổ và ăn thịt trâu, bò.
Để chủ động phòng chống lây nhiễm bệnh than từ động vật sang người, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh Điện Biên chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn khẩn trương theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của những người tham gia giết mổ và sử dụng cùng nguồn thịt trâu bò với các trường hợp mắc trên và những người tiếp xúc gần với với ca bệnh, nhằm dự phòng và điều trị kịp thời.
Đồng thời, tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh than, xử lý môi trường tại khu vực ổ dịch theo quy định.
Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế tỉnh Điện Biên tăng cường phối hợp với cơ quan thú y và các ban, ngành liên quan trong việc giám sát phát hiện bệnh than trên động vật, để có các biện pháp dự phòng kịp thời trên người; phối hợp trong điều tra, xử lý ổ dịch than trên động vật.
Tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng lây nhiễm bệnh than từ động vật sang người, đặc biệt chú ý những khu vực có nguy cơ cao và những người chăn nuôi, buôn bán và giết mổ trâu, bò; khuyến cáo người dân không giết mổ và sử dụng thực phẩm từ trâu, bò, ngựa ốm chết, không rõ nguồn gốc.
Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân và thông báo kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để điều tra, xử lý ổ dịch.
Bộ Y tế cũng yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ địa phương thực hiện điều tra, giám sát và theo dõi các trường hợp nghi nhiễm, các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh; xử lý ổ dịch theo quy định; hướng dẫn và hỗ trợ địa phương xét nghiệm khẳng định các mẫu bệnh phẩm từ các ca nghi nhiễm trên người; xem xét tập huấn nâng cao năng lực cho địa phương trong giám sát, phát hiện, điều tra và xử lý ổ dịch than trên người cũng như hướng dẫn phối hợp với ngành thú y.
Bệnh than hay còn gọi là bệnh nhiệt than thuộc nhóm các bệnh truyền nhiễm. Vi khuẩn gây bệnh than thường tồn tại trong điều kiện tự nhiên, trong đất hoặc ký sinh trên các loại động vật nuôi, động vật hoang dã.
Bệnh than lây truyền chủ yếu qua đường tiếp xúc với xác động vật chết do mắc bệnh than. Con người mắc bệnh do hít phải bào tử vi khuẩn than, ăn thịt động vật bị nhiễm khuẩn than.
Để phòng, chống bệnh than, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh như: Không được tiếp xúc, giết mổ và ăn thịt gia súc mắc bệnh; những người lao động thường xuyên tiếp xúc với gia súc phải trang bị ủng, găng tay, quần áo dài tay để phòng vệ; khi có vùng da bị hở do vết thương, da bị tổn thương nên tránh tiếp xúc với gia súc; vệ sinh tay chân cơ thể bằng xà phòng ngay sau khi tiếp xúc với gia súc; khi thấy các biểu hiện nghi mắc bệnh than phải kịp thời đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để khám, điều trị kịp thời.
(Báo Công lý)
* Bộ Y tế: Tăng cường quản lý khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế
Ngày 2/6, trong công văn gửi các cơ sở y tế, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị tăng cường quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; trong đó có Giấy chứng nhận nghỉ ốm hưởng BHXH, Giấy khám sức khỏe.
Ngày 2/6, trong công văn gửi Giám đốc Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng Cơ quan quản lý về y tế của các bộ, ngành, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị trên tăng cường quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Bộ Y tế cho biết ngày 30/5 vừa qua, thông tin báo chí phản ánh về việc Công an thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, đồng loạt khám xét một số phòng khám trên địa bàn, thu giữ nhiều tài liệu để điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm mua bán các loại giấy tờ, hồ sơ liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh như Giấy chứng nhận nghỉ ốm hưởng Bảo hiểm xã hội, Giấy khám sức khỏe, hồ sơ bệnh án.
Để tăng cường quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế yêu cầu lãnh đạo các đơn vị có tên trên khẩn trương chỉ đạo, chấn chỉnh các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện đúng các quy chế chuyên môn, quy trình khám, chữa bệnh.
Đồng thời, các đơn vị tuân thủ các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Y tế và các quy định khác của pháp luật có liên quan về khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt việc thực hiện cấp các loại giấy tờ, hồ sơ như Giấy chứng nhận nghỉ ốm hưởng Bảo hiểm xã hội, Giấy khám sức khỏe, hồ sơ bệnh án.…
Các đơn vị tăng cường tổ chức thực hiện kiểm tra, thanh tra theo kế hoạch hoặc đột xuất về công tác khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý nhằm kịp thời phát hiện các sai phạm; xử lý nghiêm hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các tổ chức, cá nhân làm sai quy định (nếu có) theo đúng các quy định của pháp luật.
Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện về Bộ (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) trước ngày 15/6 tới.