*Có 27 ca COVID-19 mới, cả nước không còn bệnh nhân nào thở máy
Bản tin phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế ngày 2/7 cho biết có 27 ca mắc mới, đây là ngày có số mắc mới thấp nhất trong hơn 2 tuần qua. Hôm nay cả nước không còn ca COVID-19 nào phải thở máy, oxy.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.620.623 ca nhiễm, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 117.435 ca nhiễm).
Tình hình điều trị COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 8 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.640.102 ca
2. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 0 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 0 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 0 ca
- Thở máy không xâm lấn: 0 ca
- Thở máy xâm lấn: 0 ca
- ECMO: 0 ca
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Trong ngày ghi nhận 0 ca tử vong.
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 0 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.206 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/231 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/231 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/50 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/50 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Tình hình tiêm vaccine COVID-19
Trong ngày 01/7 có 70 liều vaccine COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 266.492.219 liều, trong đó:
+ Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.811.300 liều: Mũi 1 là 70.909.533 liều; Mũi 2 là 68.457.351 liều; Mũi bổ sung là 14.344.123 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 52.161.864 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.938.429 liều.
+ Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.965.655 liều: Mũi 1 là 9.130.889 liều; Mũi 2 là 9.021.382 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.813.384 liều.
+ Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.715.264 liều: Mũi 1 là 10.232.433 liều; Mũi 2 là 8.482.831 liều.
(Báo Sức khỏe & đời sống)
* Từ 15/8, giá giường bệnh theo yêu cầu cao nhất 4 triệu đồng
Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 13/2023/TT-BYT quy định khung giá và phương pháp định giá khám bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám chữa bệnh (KCB) của Nhà nước cung cấp.
Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế ban hành thông tư liên quan giá KCB theo yêu cầu. Trước đây, Việt Nam chưa từng có quy định này, dẫn tới tình trạng mỗi nơi một giá.
Theo thông tư này, có 1.937 loại dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm theo yêu cầu được quy định mức giá tối đa và tối thiểu, sẽ được áp dụng từ ngày 15/8.
Theo Bộ Y tế, việc ban hành thông tư quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp sẽ tạo cơ sở pháp lý để các cơ sở KCB phát triển và cung cấp dịch vụ KCB theo yêu cầu theo đúng định hướng xã hội hóa công tác y tế.
Đồng thời, hạn chế người có khả năng kinh tế phải ra nước ngoài KCB và thu hút người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài KCB tại Việt Nam; tạo điều kiện phát triển các gói BHYT bổ sung.
Theo hướng dẫn này, giá KCB tại cơ sở y tế hạng đặc biệt, hạng 1 có mức giá từ 100.000 - 500.000 đồng; mức giá ở các cơ sở khác từ 30.500 đồng đến 300.000 đồng. Trường hợp mời nhân lực trong nước, ngoài nước đến khám và tư vấn sức khỏe cơ sở y tế thu theo giá thỏa thuận với người bệnh.
Giá giường bệnh theo yêu cầu ở cơ sở y tế loại 1 khung giá tối đa không vượt quá 4.000.000 đồng/giường; loại 2 không vượt quá 3.000.000 đồng/giường; loại 3 không vượt quá 2.400.000 đồng/giường; loại 4 không vượt quá 1.000.000 đồng/giường.
Ngoài ra, giá một số dịch vụ y tế có giá lớn khác như: Siêu âm Doppler màu tim 4D giá không vượt quá 826.000 đồng/lượt; chụp CT 32 dãy có thuốc cản quang giá không vượt quá 1.580.000 đồng/lượt. Chụp CT Scanertừ 262 dãy trở lên có thuốc cản quang giá không vượt quá 5.250.000 đồng/lượt.
Chụp động mạch vành hoặc thông tim chụp buồng tim dưới DSA giá không vượt quá 10.150.000 đồng/lượt. Chụp nút dị dạng và can thiệp các bệnh lý mạch thần kinh dưới DSA giá không vượt quá 23.111.000 đồng/lượt. Chụp cộng hưởng từ (MRI) có thuốc cản quang giá không vượt quá 3.701.000 đồng/lượt...
Như vậy, giá giường bệnh tại các cơ sở y tế công sẽ có thay đổi từ 15/8 tới đây khi Thông tư có hiệu lực.
(Báo Kinh tế & đô thị)
* Các bệnh viện được phép chọn giá cao nhất khi đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế
Theo quy định mới của Bộ Y tế, trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, trường hợp chủ đầu tư sử dụng từ 02 phương pháp xác định giá gói thầu trở lên thì có thể được lựa chọn giá cao nhất…
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 14 quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập. Thông tư này có hiệu lực từ tháng 7 đến hết năm 2023, nhằm thể chế hóa Nghị quyết 30 của Chính phủ.
Theo nội dung Thông tư, khi xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế, chủ đầu tư xác định giá gói thầu theo một trong các phương pháp:
- Thu thập báo giá do các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế cung cấp
- Khảo sát giá trúng thầu của hàng hóa, dịch vụ tương tự trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia
- Kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp thẩm định giá.
Thông tư này cũng quy định phương pháp được sử dụng đầu tiên là phương pháp thu thập báo giá của các nhà cung cấp. Trường hợp Chủ đầu tư sử dụng từ 02 phương pháp xác định giá gói thầu trở lên thì có thể được lựa chọn giá cao nhất, phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn.
Điều này được kỳ vọng sẽ khắc phục được tình trạng các cơ sở y tế phải mua trang thiết bị theo giá rẻ nhất nhưng không đáp ứng yêu cầu chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh.
Đối với việc xây dựng giá gói thầu trang thiết bị y tế và linh kiện, phụ kiện, vật tư thay thế sử dụng cho trang thiết bị y tế, phương pháp xây dựng giá tương tự với hàng hóa và cung cấp dịch vụ.
Thông tư của Bộ Y tế cũng hướng dẫn, sau khi xây dựng giá gói thầu và đăng tải yêu cầu báo giá, chủ đầu tư căn cứ số báo giá nhận được (kể cả trường hợp chỉ nhận được 01 hoặc 02 báo giá) và quyết định giá gói thầu.
Trường hợp trên thị trường Việt Nam chỉ có 01 hoặc 02 nhà cung cấp hoặc để bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền hoặc cần triển khai ngay, chủ đầu tư được phép gửi trực tiếp yêu cầu báo giá đến nhà cung cấp.
Trường hợp có từ 2 báo giá trở lên thì có thể được lựa chọn báo giá cao nhất, phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn…
Những quy định mới nhất nói trên giúp gỡ khó cho các bệnh viện trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, bởi họ không còn phải bắt buộc lấy đủ "3 báo giá" khi xây dựng giá đấu thầu như trước.
(Báo An ninh thủ đô)
* 40% trẻ mắc bệnh tay chân miệng do chủng virus nguy hiểm
Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), số ca mắc tay chân miệng đang ngày càng gia tăng, trung bình cả nước ghi nhận 350 ca/tuần phải nhập viện, trong đó 10% số bệnh nhi cần phải sử dụng thuốc đặc trị lmmunoglobulin.
Trong số chủng gây bệnh tay chân miệng có chủng Enterovirus 71 (EV71) có độc lực cao, gây bệnh nặng và dễ biến chứng nguy hiểm, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ có thể tử vong.
Theo Cục Y tế dự phòng, nếu đầu tháng 4, số ca mắc dương tính với chủng EV71 chiếm khoảng 6% trong các mẫu xét nghiệm, đến đầu tháng 6, tỷ lệ dương tính với chủng này đã tăng lên 40%. Các ca bệnh tay chân miệng tăng nhanh tại phía Nam, trong đó số trẻ nhiễm chủng EV71 tăng, nhiều trẻ vào viện đã ở tình trạng nặng, nguy kịch.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế đã thành lập 7 đoàn kiểm tra, giám sát dịch và tập trung vào khu vực miền Nam. Để phòng bệnh tốt nhất, cần phải quản lý chặt vấn đề vệ sinh đồ chơi cho trẻ, giữ sạch bát đĩa cho trẻ trong bữa ăn và luôn giữ tay sạch cho trẻ. Người trông giữ trẻ cần giữ bàn tay sạch, vệ sinh tay thường xuyên để tránh làm nguồn lây bệnh.
(Báo Công an nhân dân)
Đấu thầu mua sắm thiết bị y tế: Chủ đầu tư có thể chọn giá cao nhất
Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 14/2023/TT-BYT Quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập.
Để tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4/3/2023 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 14/2023/TT-BYT Quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập.
Thông tư này tạo hành lang pháp lý, khắc phục được các khó khăn vướng mắc để các đơn vị yên tâm, chủ động mua sắm được trang thiết bị y tế chuẩn phù hợp với yêu cầu chuyên môn.
Khắc phục tình trạng phải mua thiết bị giá rẻ nhất
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận, quy định mới của Bộ Y tế cho phép khi xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế, chủ đầu tư xác định giá gói thầu theo một trong các phương pháp:
- Thu thập báo giá do các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế cung cấp
- Khảo sát giá trúng thầu của hàng hóa, dịch vụ tương tự trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia
- Kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp thẩm định giá.
Thông tư này cũng quy định khi áp dụng phương pháp xác định giá gói thầu, phương pháp được sử dụng đầu tiên là phương pháp thu thập báo giá của các nhà cung cấp. Trường hợp chủ đầu tư sử dụng từ 02 phương pháp xác định giá gói thầu trở lên thì có thể được lựa chọn giá cao nhất, phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn.
Quy định này được kỳ vọng sẽ khắc phục được tình trạng các cơ sở y tế phải mua trang thiết bị theo giá rẻ nhất nhưng không đáp ứng yêu cầu chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh.
Đối với việc xây dựng giá gói thầu trang thiết bị y tế và linh kiện, phụ kiện, vật tư thay thế sử dụng cho trang thiết bị y tế, phương pháp xây dựng giá tương tự với hàng hóa và cung cấp dịch vụ, thông tư quy định: Nếu xây dựng giá gói thầu theo báo giá của nhà cung cấp, Bộ Y tế hướng dẫn, căn cứ vào số báo giá nhận được, kể cả trường hợp chỉ nhận được 1-2 báo giá, chủ đầu tư sẽ quyết định theo một trong các phương thức: Tự quyết định lựa chọn giá gói thầu hoặc giao hội đồng thực hiện việc xem xét, lựa chọn giá để trình chủ đầu tư xem xét, quyết định.
Trường hợp có từ 2 báo giá trở lên thì có thể được lựa chọn báo giá cao nhất, phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn.
Trường hợp để bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền hoặc cần triển khai ngay theo quy định của Luật Đấu thầu, chủ đầu tư được phép gửi trực tiếp yêu cầu báo giá đến nhà cung cấp.
Theo Thứ trưởng Lê Đức Luận, với thông tư mới, khi xây dựng giá gói thầu, chủ đầu tư quyết định việc thành lập Hội đồng hoặc đề nghị Sở Y tế hỗ trợ thành lập Hội đồng để lựa chọn danh mục, yêu cầu về tính năng và yêu cầu kỹ thuật cơ bản trên cơ sở yêu cầu về chuyên môn để đăng tải yêu cầu báo giá trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc trên Cổng thông tin điện tử... trong thời gian tối thiểu 10 ngày kể từ ngày thông tin đăng tải thành công, chủ đầu tư căn cứ số báo giá nhận được (kể cả trường hợp chỉ nhận được 01 hoặc 02 báo giá) và quyết định giá gói thầu.
Trường hợp trên thị trường Việt Nam chỉ có 01 hoặc 02 nhà cung cấp hoặc để bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền hoặc cần triển khai ngay, chủ đầu tư được phép gửi trực tiếp yêu cầu báo giá đến nhà cung cấp.
Đối với phương pháp xây dựng giá gói thầu theo kết quả khảo sát giá trúng thầu của hàng hóa, dịch vụ tương tự đã được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tối đa không quá 120 ngày tính từ ngày trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Đối với phương pháp xây dựng giá theo kết quả thẩm định giá, chủ đầu tư thực hiện lựa chọn đơn vị thẩm định giá, được sử dụng kết quả do cơ quan thẩm định giá cung cấp để xây dựng giá gói thầu và không phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định giá do đơn vị thẩm định giá cung cấp.
Chẳng hạn như khi lập giá gói thầu mua test, kit xét nghiệm của máy xét nghiệm hãng A, chủ đầu tư được quyền lấy báo giá từ hãng A hoặc nhà cung cấp được hãng A này chỉ định, ủy quyền…
Hướng dẫn này có hiệu lực từ tháng Bảy đến hết tháng 12/2023, thể chế hóa Nghị quyết 30 của Chính phủ.
Trình tự, thủ tục được rút gọn
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho hay mục đích ban hành Thông tư để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong mua sắm trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập, đặc biệt là xây dựng giá gói thầu, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4/3/2023 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế. Nghị quyết này "cho phép các cơ sở y tế được áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023".
Sau khi Nghị quyết số 30/NQ-CP được ban hành, Bộ Y tế đã tích cực triển khai đến các đơn vị, địa phương và trên thực tế đã góp phần tháo gỡ được những khó khăn, "nút thắt", điểm nghẽn trong mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, hóa chất, vật tư y tế.
Do vậy, để thể chế hóa Nghị quyết số 30/NQ-CP, khắc phục triệt để các khó khăn nêu trên, Chính phủ giao Bộ Y tế xây dựng và ban hành Thông tư Quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập trong quý II năm 2023 theo trình tự thủ tục rút gọn.
Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, thông tư này quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập, bao gồm: Mua sắm trang thiết bị y tế; mua sắm linh kiện, phụ kiện, vật tư thay thế sử dụng cho trang thiết bị y tế; dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn trang thiết bị y tế tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế công lập.
Về hiệu quả tác động, Bộ Y tế cho rằng thông tư này tạo hành lang pháp lý, khắc phục được các khó khăn vướng mắc, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm trong từng nội dung thực hiện nên các đơn vị yên tâm, chủ động, tích cực triển khai thực hiện, giúp cơ sở y tế công lập mua sắm được trang thiết bị y tế, linh kiện, vật tư thay thế cũng như dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế như sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn phù hợp với yêu cầu chuyên môn, bảo đảm vận hành, khai thác sử dụng hiệu quả thiết bị y tế của cơ sở y tế.
Trước đó, Nghị quyết 30 của Chính phủ đã tháo gỡ nhiều “nút thắt” trong mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế, trong đó bãi bỏ quy định tham khảo 3 báo giá từ các nhà cung cấp khác nhau khi xây dựng giá đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế; được lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối khi mua máy độc quyền.../.
(Báo vietnamplus.vn)