* Khi Covid-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A
"Việc chúng ta thay đổi tên bệnh từ nhóm A sang nhóm B không tác động nhiều tới cộng đồng nhưng rất quan trọng với công tác phòng chống dịch" - TS.BS Vũ Quốc Đạt, giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội.
Sự khác biệt giữa bệnh truyền nhiễm nhóm A và nhóm B
Bệnh truyền nhiễm nhóm A là nhóm truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có mức độ lây lan nhanh, kèm theo tỷ lệ tử vong cao. Nhóm B là nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh, nhưng tỷ lệ tử vong không cao.
Vào năm 2020, virus SARS-CoV-2 lây truyền nhanh, độc lực cao. Đến thời điểm hiện tại, virus có nhiều biến thể và rất dễ lây lan nhưng độc lực lại giảm thấp. Gần đây nhất là biến chủng XBB1.16 và những biến chủng sau này nữa có đặc điểm lây lan rất nhanh nhưng nguy cơ nhập viện, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe rất thấp.
Covid-19 hiện đã có vaccine, diện bao phủ ngày càng lớn. Đấy là yếu tố mang tính chất quyết định để 1 căn bệnh có nguy cơ cao trở thành 1 căn bệnh truyền nhiễm kiểm soát được.
“Theo những tiêu chí đó thì hiện nay chúng ta hoàn toàn nắm bắt được, giám sát được các biến chủng của Covid-19. Bệnh có thể vẫn còn, vẫn lây lan, vẫn có thể xảy ra nhưng về cơ bản là không gây nặng và tử vong” - TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội nhiễm khuẩn Hà Nội khẳng định.
Một điều nữa, bệnh truyền nhiễm nhóm B vẫn có tính chất lây cho người khác, vẫn phải có phác đồ điều trị riêng nhưng về cơ bản không phải áp đặt các biện pháp về hành chính, xã hội quá mức mà chủ yếu áp đặt các biện pháp về điều trị, cách ly đối với người nhiễm.
3 điều kiện cơ bản để chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B.
+Tỷ lệ bệnh nặng do mắc Covid-19 gây ra hầu như không còn. Những ca tử vong chủ yếu do bệnh nền nặng.
+Việt Nam đã đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine rộng, tiêm được hơn 266 triệu liều vaccine Covid-19.
+Tình hình dịch Covid-19 trên thế giới đã ổn định. Đầu tháng 5, Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.
Khi Covid-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A
"Đưa một bệnh truyền nhiễm từ nhóm A xuống nhóm B có thể làm chúng ta thoải mái hơn, tôi nghĩ rằng điều đó hoàn toàn không phải bởi vì đường lây truyền của bệnh vẫn như vậy". TS.BS Vũ Quốc Đạt giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội, thành viên Mạng lưới đánh giá và ứng phó về lâm sàng các bệnh mới nổi của WHO bày tỏ quan điểm.
Theo TS Đạt, bệnh vẫn có nguy cơ lây lan, vẫn có nguy cơ tử vong. Việc chúng ta thay đổi tên bệnh từ nhóm A sang nhóm B không tác động nhiều tới cộng đồng nhưng rất quan trọng với công tác phòng chống dịch.
Chúng ta có thể hạ bậc các ứng phó quốc gia với Covid - 19 nhưng bệnh vẫn cần được thông báo và cần được giám sát.
Khi chuyển từ nhóm A sang nhóm B thì chúng ta cần coi như bệnh lý chuyên khoa và xử lý như các bệnh lý chuyên khoa khác. Các cơ quan quản lý cũng như Bộ Y tế cần nhanh chóng đưa ra hướng dẫn về việc vận dụng chẩn đoán điều trị trong tình hình mới để người dân đi khám ở cơ sở y tế có thể sử dụng thẻ BHYT trong chi trả khám chữa bệnh một cách thuận lợi. Ban hành các hướng dẫn cụ thể của các cơ quan quản lý để hệ thống y tế vận hành một cách trơn tru nhịp nhàng, để người dân biết cách chăm lo sức khỏe trong tình hình mới khi bệnh Covid-19 chuyển sang nhóm B.
Đặc biệt người dân luôn ý thức là mầm bệnh luôn tiềm ẩn xung quanh chúng ta và chúng ta muốn khỏe mạnh thì phải thực hiện tốt 2K (rửa tay, đeo khẩu trang). Sự bình thường hóa này rất quan trọng, nó không còn là rào cản đối với quyền được tiếp cận chăm sóc sức khỏe của người dân, thậm chí họ được điều trị tốt hơn.
Chúng ta thay đổi hành vi để giúp cộng đồng được an toàn hơn khi gặp các vấn đề liên quan đến các bệnh nhóm B. Vì trong giai đoạn đỉnh điểm năm 2021, người mắc Covid-19 bị đưa đến khu vực điều trị riêng biệt, điều này làm cho việc tiếp cận điều trị bệnh nền của họ bị ảnh hưởng. Đã có rất nhiều người tử vong không phải vì Covid-19 mà là vì bệnh nền của họ không được xử lý đúng và kịp thời.
(Báo Điện tử vov2)
* Chuyển bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B: Không phải là ngừng các biện pháp phòng, chống
Việc chuyển bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B không có nghĩa là không cần dự phòng với căn bệnh này nữa, mà là chuyển từ “chiến đấu” cấp tập sang dự phòng dài hạn, có kiểm soát.
Sau hơn một năm đất nước kiểm soát được dịch Covid-19, chiều 3/6, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và thống nhất chuyển bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B để chuẩn bị công bố hết dịch.
Vậy khi chuyển từ nhóm A sang nhóm B, việc phòng ngừa dịch bệnh Covid -19 sẽ thay đổi như thế nào? Để kiểm soát dịch bệnh, về lâu dài, chúng ta cần có những giải pháp gì? Đó là nội dung cuộc trao đổi của chúng tôi với PGS.TS Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng Tiêm chủng miền Bắc Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.
Thưa PGS.TS Phạm Quang Thái! Ông có thể phân tích về điều kiện cũng như thời điểm công bố hết dịch Covid-19 tại nước ta?
PGS.TS Phạm Quang Thái: Việc công bố dịch Covid-19 nhằm huy động nhiều nguồn lực cho chống dịch, đồng thời, nâng cao cảnh giác của người dân, chính quyền, ban ngành, để sẵn sàng ứng phó với dịch.
Rất nhiều người thắc mắc vì sao vẫn có bệnh Covid-19, vẫn có người mắc Covid-19 nhập viện, vẫn có ổ dịch bùng phát, mà lại công bố hết dịch?
Theo quan điểm của Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, việc công bố hết dịch hay công bố hết tình trạng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu, là làm giảm bớt các hạn chế liên quan đến di chuyển, cũng như giúp hoạt động mở cửa, phục hồi kinh tế tốt hơn.
Nhưng điều đó không có nghĩa là ngừng theo dõi dịch, hay ngừng có biện pháp phòng, chống; mà nó có ý nghĩa chuyển từ “chiến đấu” cấp tập sang dự phòng dài hạn, có kiểm soát.
Khi chuyển cấp độ bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B, thì về mặt dịch tễ, 2 nhóm này có đặc điểm gì khác nhau, thưa ông?
PGS.TS Phạm Quang Thái: Thực ra, cả nhóm A và nhóm B đều là những bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao. Điểm phân biệt ở chỗ nhóm A nhấn mạnh đặc biệt nguy hiểm, truyền nhiễm rất nhanh, phát tán rộng, tử vong cao, hoặc chưa rõ tác nhân. Nhóm này gồm các bệnh bại liệt, dịch hạch, đậu mùa, Ebola, và gần đây là Covid-19. Đưa Covid-19 vào nhóm A vì đây là bệnh chúng ta chưa rõ về tác nhân tại thời điểm đó.
Còn nhóm B cũng là bệnh nguy hiểm, truyền nhiễm nhanh, có thể tử vong nhưng thấp hơn một chút so với nhóm A, như Adeno, HIV, cúm, bạch hầu, ho gà, sốt xuất huyết, hoặc viêm não... Các bệnh trong nhóm B không may mắc phải vẫn có thể tử vong, thậm chí không kém nhóm A, tuy nhiên, chúng ta đã rõ những tác nhân của nó và đã có các biện pháp để phòng và điều trị chủ động.
Với tỷ lệ tử vong ở bệnh Covid-19 còn ở mức cao so với các bệnh dịch nhóm B như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm vv…, theo ông, công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi chuyển xuống nhóm B sẽ theo cách thức nào?
PGS.TS Phạm Quang Thái: Nói về tỷ lệ tử vong, bệnh bạch hầu có tỷ lệ tử vong lên tới 50% nếu như không được điều trị và nếu có điều trị thì tỷ lệ tử vong là 2,5 đến 5%, như vậy cao hơn rất nhiều so với Covid-19. Nhưng do bệnh bạch hầu có vắc xin dự phòng chủ động, nên chỉ ở nhóm B, chứ không ở nhóm A.
Thực tế chúng ta thấy rằng, tử vong do Covid-19 hiện tại nằm chủ yếu ở nhóm bệnh lý nền, miễn dịch kém, còn ở người khỏe mạnh, tỷ lệ này rất thấp. Do đó, công tác dự phòng chống dịch của chúng ta sẽ chuyển hướng sang dự phòng chủ động, bảo vệ nhóm nguy cơ, thay vì làm dàn trải. Tức là việc phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay nhấn mạnh vấn đề quản lý người có bệnh nền, tiêm chủng vắc xin, giám sát sự biến đổi virus ở Việt Nam, cũng như theo dõi sát tình hình Covid-19 trên thế giới.
Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi!
(Báo Điện tử viettimes.vn)
* Tuyệt đối không để thiếu máu, gây ảnh hưởng đến người bệnh
Ngày 3/6, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có Công văn số 706 /KCB-QLCL&CĐT về việc phối hợp bảo đảm cung cấp máu và chế phẩm máu trong cấp cứu, điều trị cho người bệnh.
Theo đó, ngày 3/6/2023, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhận được Công văn số 760/SYT-NV của Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu về việc Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ thông báo tạm dừng cung cấp máu, chế phẩm máu cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu mà chỉ cung cấp cho người bệnh cấp cứu với số lượng hạn chế (nguyên nhân do khó khăn trong đấu thẩu, mua sắm vật tư, sinh phẩm xét nghiệm sàng lọc máu).
Sau khi nắm tình hình và báo cáo nhanh của các đơn vị liên quan, trước mắt, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh giao Giám đốc Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Trung tâm máu Quốc gia làm đầu mối điều phối.
Phối hợp với các trung tâm truyền máu thuộc (Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế; Bệnh viện Truyền máu - Huyết Học TP Hồ Chí Minh và các trung tâm truyền máu khác) bảo đảm cung cấp máu và chế phẩm.
Để hỗ trợ các bệnh viện thuộc phạm vi cung cấp máu của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ có đủ máu cho cấp cứu và điều trị người bệnh. Tuyệt đối không để thiếu gây ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh và chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.
Sở Y tế Cần Thơ khẩn trương chỉ đạo Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ thực hiện ngay các giải pháp trước mắt và lâu dài để cung cấp đủ máu và chế phẩm máu cho các bệnh viện trong phạm vi bao phủ cung cấp máu, chế phẩm được giao.
Thực hiện nghiêm chỉnh Công văn số 1758/BYT- KCB ngày 30/3/2023 của Bộ Y tế về việc thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/3/2023 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và Nghị định số 07/2023/NĐ-CP ngày 03/3/2023 của Chính phủ, nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Chịu trách nhiệm nếu thiếu máu, chế phẩm gây ảnh hưởng đến người bệnh.
Sở Y tế Bạc Liêu, Sở Y tế các tỉnh/TP có sử dụng máu, chế phẩm máu khu vực đồng bằng sông Cửu Long tích cực phối hợp với Sở Y tế TP Cần Thơ và các đơn vị liên quan trong cung cấp máu, chế phẩm và báo cáo văn phòng UBND tỉnh/TP kịp thời để giải quyết các khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong bảo đảm cung cấp đủ máu, chế phẩm.
(Báo Kinh tế & đô thị)
* Bộ Y tế đã đề nghị bố trí kinh phí thực hiện mua vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thông tin, năm 2023, để bảo đảm nguồn vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ đã xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, đề nghị bố trí kinh phí để Bộ Y tế thực hiện mua vaccine.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 diễn ra chiều 3/6 do Văn phòng Chính phủ tổ chức, báo chí đã đặt câu hỏi đến lãnh đạo Bộ Y tế liên quan đến việc bảo đảm nguồn vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thông tin, trong nhiều năm qua, Bộ Y tế đã triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng với 10 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em và phụ nữ trên cả nước.
Mặc dù trong đầu năm 2022 dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc triển khai các Chương trình y tế ở nhiều địa phương trong đó có chương trình tiêm chủng mở rộng, song Bộ và các tỉnh đã tăng cường triển khai tiêm chủng, tổ chức tiêm bù mũi vaccine, triển khai tiêm thêm mũi vaccine cho trẻ dưới 1 tuổi, triển khai một số chiến dịch tiêm chủng bổ sung trên diện rộng tại 32 tỉnh có nguy cơ cao. Với số lượng lớn trẻ em tại các vùng nguy cơ cao đã được tiêm chủng thường xuyên, tiêm vét, bổ sung các vaccine đã góp phần khống chế, kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm.
Bộ Y tế cũng đã rà soát nguồn vaccine gối đầu từ năm 2022 chuyển sang đến nay. Đối với các vaccine sản xuất trong nước, đã cung ứng đủ số lượng vaccine của năm 2022 và gối đầu đến tháng 7/2023. Vaccine Viêm gan B, vaccine phòng Lao còn đủ sử dụng đến tháng 8/2023, vaccine Viêm não Nhật Bản có thể sử dụng đến hết tháng 9/2023. Vaccine sởi, vaccine sởi - rubella, bOPV đủ dùng hết tháng 7/2023; vaccine uốn ván và bại liệt tiêm hiện còn đủ đáp ứng đến hết năm 2023. Đối với vaccine nhập khẩu 5 trong 1 đã đủ dùng đến đầu năm 2023.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết thêm, với sự lãnh đạo, quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương, ngành y tế với quyết tâm cao nhất đang tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cụ thể:
Giai đoạn 2016-2020 thực hiện Chương trình mục tiêu y tế dân số giai đoạn 2016-2020, Bộ Y tế được bố trí kinh phí ngân sách trung ương để thực hiện đặt hàng đối với 09 vaccine sản xuất trong nước. Các vaccine này chỉ có một nhà sản xuất trong nước và đây là các đơn vị thuộc Bộ Y tế nên Bộ đã thực hiện cơ chế đặt hàng. Đối với các vaccine nhập khẩu, Bộ Y tế đã thực hiện cơ chế mua sắm thông qua tổ chức UNICEF.
Giai đoạn năm 2021-2022, theo Luật Đầu tư công (sửa đổi) năm 2019 không còn Chương trình mục tiêu y tế, dân số mà chỉ còn một số hoạt động được lồng ghép vào nội dung chi của 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và không có nội dung mua vaccine, các nội dung còn lại chuyển thành các nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, các cơ quan trung ương và các địa phương. Vì vậy, để có lộ trình phù hợp khi chuyển đổi cơ chế từ mua sắm bằng ngân sách trung ương chuyển giao cho các địa phương triển khai thực hiện, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 129/2020 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021, theo đó, Bộ Y tế được giao nguồn dự toán từ ngân sách trung ương thực hiện mua sắm để cung ứng vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo cho 2 năm 2021, 2022 và gối đầu các tháng đầu năm 2023.
Năm 2023, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho địa phương, cần tiếp tục thực hiện việc mua vaccine Chương trình tiêm chủng mở rộng như các năm trước, Bộ Y tế đã xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, đề nghị bố trí kinh phí để Bộ Y tế thực hiện mua vaccine Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cũng thông tin, Bộ đã trình Chính phủ tờ trình và dự thảo nghị quyết về nội dung này. Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ đạo quyết liệt Bộ Y tế phối hợp cùng với Bộ Tài chính để bố trí kinh phí, ngân sách trung ương năm 2023 để triển khai mua sắm theo quy định như những năm trước đây. Bộ Y tế đã tổng hợp đủ nhu cầu vaccine của 63 tỉnh và đã chỉ đạo các đơn vị cung ứng vaccine sẵn sàng các công việc theo quy định. Đồng thời, Chính phủ và Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về nguồn lực phòng, chống COVID-19 và y tế cơ sở, y tế dự phòng đã đồng thuận trình Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và bổ sung nội dung bố trí nguồn ngân sách trung ương để thực hiện.
(Báo Sức khỏe & đời sống)