* Số mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận gần 400 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022…
Sáng nay, 4-7, UBND huyện Thanh Oai tổ chức phát động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết (SXH).
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Thanh Oai, năm 2022, toàn huyện ghi nhận 1.491 ca mắc, 106 ổ dịch SXH. Trong 6 tháng đầu năm 2023, huyện Thanh Oai ghi nhận tổng số 26 ca SXH, 01 ổ dịch; số mắc tăng 16 ca so với cùng kỳ 2022.
Dịp này, nhiều quận, huyện khác của Hà Nội cũng tổ chức tuyên truyền cho người dân về ý nghĩa của “Ngày ASEAN phòng chống SXH” năm 2023; tổ chức các đợt truyền thông phòng, chống SXH bằng nhiều hình thức phù hợp; thực hiện tổng vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, thau rửa các dụng cụ chứa nước, thả cá vào bể nhằm loại trừ các ổ bọ gậy…
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, năm 2022, toàn thành phố có hơn 19.000 trường hợp mắc SXH, trong đó có 25 trường hợp tử vong. Riêng từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận gần 400 trường hợp mắc SXH, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Hà Đông, Thạch Thất, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Chương Mỹ, Thanh Oai, Tây Hồ, Thanh Trì và Cầu Giấy.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, trong công tác phòng, chống dịch bệnh SXH, nếu chỉ ngành y tế vào cuộc là chưa đủ, mà cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị và mỗi người dân.
Ông Tuấn kêu gọi người dân cùng chung tay thực hiện tốt khẩu hiệu “không có bọ gậy, không có muỗi thì không có SXH”.
(Báo An ninh thủ đô)
Hà Nội xem xét hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người trên 70 tuổi
Theo UBND thành phố Hà Nội, việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế cho một số nhóm đối tượng từ ngân sách thành phố là đúng thẩm quyền, phù hợp với chủ trương đầu tư cho an sinh, phúc lợi xã hội.
Sáng 4/7, trong chương trình Kỳ họp thứ mười hai, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải thông tin dự kiến thời gian tới Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ trình Hội đồng Nhân dân thành phố xem xét ban hành chính sách hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế đối với người từ 70 tuổi trở lên, người khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2024-2025 chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế cho một số nhóm đối tượng trên từ ngân sách thành phố là đúng thẩm quyền, phù hợp với chủ trương “Đầu tư cho an sinh, phúc lợi xã hội đi trước một bước so với phát triển kinh tế” của thành phố.
Đồng thời, việc làm này giúp giảm áp lực tài chính của một số nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khi tham gia bảo hiểm y tế (khi cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, mức sống và thu nhập của người dân bị giảm sút, số lượng người tham gia bảo hiểm y tế chưa đạt mục tiêu Trung ương đề ra) và phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của Thủ đô.
Việc hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm y tế cho người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi, người khuyết tật nhẹ chưa có thẻ bảo hiểm y tế, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình từ ngân sách Nhà nước thể hiện sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền thành phố trong việc phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô.
Mặt khác, việc hỗ trợ kinh phí cũng giúp người dân tin tưởng các chính sách an sinh, xã hội của thành phố, tạo động lực từ đó làm tiền đề, tạo thói quen cho người dân tham gia bảo hiểm y tế để đảm bảo công tác chăm sóc y tế khi về già.
Trong những năm qua, thành phố Hà Nội luôn quan tâm đến công tác an sinh xã hội. Từ ngày 1/8/2022, Hà Nội hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người tham gia trên địa bàn; dự kiến, kinh phí dành cho chính sách này là gần 182 tỷ đồng, áp dụng tới ngày 31/12/2025.
Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội áp dụng từ ngày 1/8/2022, quy định mức hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thành phố có hiệu lực trong cả giai đoạn 2022-2025.
Đối tượng áp dụng là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18/02/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm Xã hội và bảo hiểm xã hội tự nguyện của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (trừ trường hợp đóng theo phương thức quy định tại Khoản 2 Điều 8 Chương III Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH), đăng ký thường trú tại thành phố Hà Nội, là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội./.
(Báo vietnamplus.vn)
Biến chứng nguy hiểm của sốt mò
Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 gần đây tiếp nhận nhiều ca bệnh sốt mò gặp ở mọi lứa tuổi, và xuất hiện các biến chứng khác nhau.
Bệnh sốt mò do loại vi khuẩn có tên Orientalis tsutsugamushi, thuộc họ Rickettsia, trung gian truyền bệnh là ấu trùng bọ ve mò. Nếu không phát hiện kịp thời, có hướng điều trị đúng, sốt mò biến chứng nguy hiểm, có thể gây viêm cơ tim, suy đa tạng, thậm chí là tử vong.
Vừa qua, Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận bệnh nhân nam Đ.Q, sinh năm 1971, nhập viện trong tình trạng sốt nóng, khó thở, mệt nhiều, đau đầu, huyết áp tụt 80/50mmHg, đau ngực. Ngay lập tức, bệnh nhân được xử trí duy trì liều thuốc vận mạch nâng cao huyết áp, bổ sung xét nghiệm máu cơ bản, siêu âm tim, điện tim…
Qua thăm khám, bác sĩ khai thác được bệnh nhân sốt kéo dài 7 ngày, kèm nhiều cơn rét run, đau đầu, mệt, chán ăn và có vết loét vảy đen 2x2cm ở vùng liên mấu chuyển bên phải, có rỉ ít dịch, ấn tức nhẹ, bệnh nhân chưa đi thăm khám, điều trị ở đâu. Khi cảm thấy mệt nhiều mới nhập viện dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Bệnh nhân nghi nhiễm Rickettsia và được điều trị thuốc đặc hiệu, đồng thời cùng lúc làm xét nghiệm chẩn đoán. Kết quả dương tính với Rickettsia. Sau 1 tuần được tích cực điều trị, lâm sàng cải thiện tốt, bệnh nhân hết sốt, tự thở tốt, huyết áp ổn định.
Đây là 1 trong rất nhiều trường hợp bệnh nhân chủ quan không đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám bệnh kịp thời, dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Các bác sĩ khuyến cáo, nếu gặp phải 1 trong các biểu hiện sau bạn cần đi khám ngay: Sốt cao đột ngột, sốt cao liên tục, kéo dài, kèm theo rét run, đau đầu, đau mỏi người; da xung huyết, kết mạc mắt xung huyết, có thể phù nhẹ dưới da vùng mặt và mu chân.
Các bác sĩ khuyến cáo, nếu gặp phải 1 trong các biểu hiện sau bạn cần đi khám ngay: Sốt cao đột ngột, sốt cao liên tục, kéo dài, kèm theo rét run, đau đầu, đau mỏi người; da xung huyết, kết mạc mắt xung huyết, có thể phù nhẹ dưới da vùng mặt và mu chân.
Mọi người cần phải để ý vết loét ngoài da với các dấu hiệu đặc trưng về bệnh sốt mò như vết loét hình bầu dục, kích thước từ 0,5-2cm, có vẩy đen hoặc đã bong vẩy tạo thành vết loét có gờ, đáy hồng, không tiết dịch hoặc rỉ ít dịch, thường không đau, không ngứa khu trú ở những vùng da mềm như nách, ngực, cổ…
Ban ngoài da thường xuất hiện vào cuối tuần thứ nhất của bệnh, có dạng dát sẩn, nổi toàn thân, có thể gặp ban xuất huyết. Sưng hạch lympho có thể gặp tại chỗ vết loét hoặc toàn thân, hạch mềm, đau.
Người mắc sốt mò có thể siêu âm phát hiện gan to, lách to, một số trường hợp có thể có vàng da.
Người bệnh thường có triệu chứng ho, những trường hợp sốt mò nặng có thể có khó thở, suy hô hấp cấp dẫn tới tử vong. Người bệnh sốt mò thường có tình trạng huyết áp tụt; nhiều trường hợp biến chứng viêm cơ tim.
Đại tá, Tiến sĩ, bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện truyền nhiễm, kiêm Chủ nhiệm Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa (A4B) chia sẻ và khuyến cáo, biến chứng của sốt mò rất nguy hiểm kéo theo tổn thương đa tạng như: Viêm cơ tim, trụy tim mạch; đông máu nội mạc rải rác; viêm phổi nặng, suy hô hấp; viêm não và màng não; suy gan cấp, tăng men gan; sốc nhiễm khuẩn; suy thận; xuất huyết nội tạng.
Đây là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính, để phòng bệnh hiệu quả là không để ấu trùng mò cắn đốt bằng cách phát quang bụi rậm, diệt ổ dịch, bôi thuốc diệt côn trùng, giữ gìn vệ sinh nhà cửa, giặt quần áo sau 1 lần sử dụng. Nếu nhà ở gần nhiều lùm cây, sông, suối cần được che chắn cẩn thận, phun thuốc diệt côn trùng, vệ sinh sạch sẽ.
Đặc biệt, không được tự ý điều trị bệnh tại nhà, không được chủ quan nên đến ngay cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt mò.
(Báo Nhân dân)