* Mùa hè gia tăng bệnh dại: Đừng chết vì chủ quan
Sự việc một phụ nữ 38 tuổi vừa tử vong do bệnh dại sau 3 tháng bị chó cắn và chưa tiêm phòng một lần nữa đã gióng lên hồi chuông báo động về căn bệnh mà đến nay y học chưa có thuốc chữa trị và sự chủ quan trong cộng đồng.
Tử vong do không tiêm phòng
Bệnh nhân nữ nói trên được chuyển từ một bệnh viện ở tỉnh Vĩnh Phúc đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương trên địa bàn Hà Nội trong tình trạng sợ nước, sợ gió. Trước khi vào viện 3 tháng, bệnh nhân bị chó cắn vào tay và vùng lưng khi cho chó ăn nhưng đã không đi tiêm phòng. Tại bệnh viện, bệnh nhân được làm xét nghiệm và có kết quả mắc bệnh dại. Sau đó, tình trạng bệnh nặng hơn, gia đình đã xin cho bệnh nhân về và tử vong tại nhà.
Trước đó, Hà Nội cũng đã ghi nhận 2 ca tử vong do bệnh dại tại huyện Phú Xuyên và Mê Linh. Cả 2 trường hợp đều có tiền sử bị chó cắn hoặc tham gia giết mổ chó. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo). Cho đến nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Bệnh dại dù nguy hiểm nhưng đã có vắc xin, tuy nhiên hằng năm, thành phố vẫn ghi nhận những trường hợp tử vong đáng tiếc.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mặc dù đã đạt được một số tiến bộ trong 10 năm qua, nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục báo cáo, có từ 70 đến 100 ca tử vong do bệnh dại mỗi năm. Riêng năm 2022, nước ta ghi nhận gần 60 ca tử vong do bệnh dại. Trong đó, khu vực miền Bắc chiếm số lượng cao nhất với 23 ca, sau đó đến miền Nam là 20 ca, Tây Nguyên 10 ca và miền Trung 5 ca.
Các chuyên gia y tế đánh giá, khi bị chó cắn, nạn nhân có thể bị ủ bệnh từ 9 ngày tới vài năm. Thời gian ủ bệnh tùy thuộc vị trí cắn, vị trí đường đi của vi rút dại tấn công lên thần kinh trung ương. Thế nhưng, nhiều người vẫn còn tâm lý chủ quan không tiêm hoặc tiêm vắc xin rất trễ. Thậm chí, có trường hợp còn đợi chó, mèo chết rồi mới đi tiêm. Nguy hiểm hơn, nhiều người còn quan niệm, bệnh dại có thể chữa bằng thuốc Nam, đắp lá cây, nhờ thầy lang… Hiện chưa có một bài thuốc đông y nào được nghiên cứu và công bố có thể chữa được bệnh dại. Cách phòng và điều trị bệnh dại duy nhất là tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại. Song, do tâm lý sợ tác dụng phụ của vắc xin dại là rào cản khiến nhiều người ngại đi tiêm phòng sau khi phơi nhiễm.
Trước thực tế trên, bác sĩ chuyên khoa I Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC lý giải, các loại vắc xin phòng dại thế hệ mới được sản xuất từ tế bào vero với quy trình khép kín giúp giảm nguy cơ tạp nhiễm, hiện giá kháng thể sau khi tiêm cao gấp 10 lần so với loại vắc xin cũ, không gây biến chứng về hệ thần kinh, không làm suy giảm trí nhớ như lời đồn. Hơn nữa, vắc xin thế hệ mới cũng giảm tối đa các tác dụng phụ tại chỗ như sưng, đau, sốt… so với vắc xin thế hệ cũ.
Tiêm phòng dại càng sớm càng tốt
Mùa hè nắng nóng, có những bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát, đặc biệt là bệnh dại. Do đó, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương lưu ý, người dân cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại định kỳ theo khuyến cáo của ngành Thú y để phòng, chống bệnh dại. Ngoài ra, người dân không được thả rông chó mèo, phải rọ mõm chó mèo khi cho ra đường; không đùa nghịch, trêu chó mèo; diệt ngay chó và động vật lên cơn dại hoặc nghi mắc dại.
“Người dân khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm vào da tổn thương hoặc niêm mạc cần rửa ngay vết thương bằng xà phòng, nước sạch và đến cơ sở tiêm phòng dại kịp thời. Tuyệt đối không tự chữa trị tại nhà hoặc dùng thuốc nam, đắp lá cây… sau khi bị chó, mèo cắn”, ông Vũ Cao Cương khuyến cáo.
Bác sĩ chuyên khoa I Bạch Thị Chính cũng cho rằng, sau khi bị động vật nghi dại cắn, hoặc cào, người dân phải tiêm phòng dại càng sớm càng tốt để cơ thể kịp sinh kháng thể ngăn chặn sự tấn công của vi rút dại. Đặc biệt, vết thương ở đầu, mặt, cổ càng phải tiêm sớm nhất có thể vì đây là những vị trí gần với não bộ. Khi vi rút dại xâm nhập sâu vào não bộ, người bệnh sẽ có biểu hiện mất ngủ, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió, hạ huyết áp, ăn uống khó khăn… và tử vong chỉ sau 1-7 ngày kể từ khi phát bệnh.
“Sau khi bị chó, mèo, động vật nghi dại cắn, cần tiêm vắc xin dại với liệu trình là 5 mũi vào các ngày 0, 3, 7, 14 và 28. Trong trường hợp phơi nhiễm độ III, cần phối hợp tiêm globulin miễn dịch kháng dại. Sau khi tiêm vắc xin dại, cần tránh làm việc quá sức, không uống rượu và các chất kích thích, không được dùng các thuốc ức chế miễn dịch; nếu bắt buộc phải dùng, cần có ý kiến của bác sĩ điều trị”, bác sĩ Bạch Thị Chính thông tin thêm.
(Báo Hà Nội mới)
* Khẩn trương ngăn chặn bệnh than
Bộ Y tế đã có báo cáo gửi Chính phủ về công tác phòng, chống dịch bệnh than trên người. Theo báo cáo từ hệ thống giám sát dịch bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế, từ ngày 5- 30/5, trên địa bàn huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên ghi nhận 3 ổ dịch bệnh than thể da với 13 trường hợp mắc.
Bộ Y tế cho hay, trước tình hình nói trên, Cục Y tế dự phòng vừa có công văn số đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn khẩn trương thực hiện theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của những người tham gia giết mổ và sử dụng cùng nguồn thịt trâu bò với các trường hợp mắc nói trên và những người tiếp xúc gần với với ca bệnh nhằm dự phòng và điều trị kịp thời; Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh than; xử lý môi trường tại khu vực ổ dịch theo quy định.
Bộ Y tế cho hay, các ca bệnh than vừa được phát hiện tại Điện Biên nói trên đều được ghi nhận ở những xã ở huyện Tủa Chùa, đây là những xã đều đã từng xuất hiện ổ dịch than trước đây. Các trường hợp mắc này đều liên quan tới việc tham gia giết mổ và sử dụng thịt của trâu, bò ốm chết do bệnh than. Hiện tại 119 người có liên quan tới ổ dịch (người tham gia giết mổ, ăn thịt trâu, bò ốm chết) đã được lập danh sách, theo dõi sức khỏe và hiện tại sức khỏe ổn định.
Theo Bộ Y tế, bệnh than còn gọi là bệnh nhiệt thán, là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm của các loài động vật máu nóng (gia súc, động vật hoang dã), có thể lây truyền từ động vật sang người qua việc tiếp xúc, giết mổ, ăn thịt gia súc đặc biệt là trâu, bò, ngựa bị bệnh, ốm chết hoặc tiếp xúc với môi trường, đất có vi khuẩn than. Bệnh than là bệnh lưu hành địa phương, thường xảy ra ở nơi có ổ dịch cũ. Những người mắc bệnh chủ yếu ở thể da, thường lành tính và rất hiếm khi lây trực tiếp từ người sang người.
Theo nhận định của Bộ Y tế, bệnh than hiện đang có dấu hiệu gia tăng tại khu vực miền núi phía Bắc, nguyên nhân do đây vẫn là bệnh lưu hành trên đàn gia súc và trên người ở một số tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam bao gồm Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Giang là những khu vực có địa hình đồi núi hiểm trở là một trong những trở ngại lớn trong việc tiếp cận thông tin liên lạc cũng như hạn chế các hoạt động giám sát và phòng, chống dịch.
Mầm bệnh tồn tại bền vững và lâu dài trong môi trường như đất, nước dẫn đến nguy cơ tiếp tục lây lan cho đàn gia súc và từ đó làm tăng nguy cơ lây sang người. Bệnh liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm và vệ sinh giết mổ động vật…
Bộ Y tế chỉ đạo tỉnh Điện Biên và các tỉnh miền núi phía Bắc có ổ dịch than trước đây cần tăng cường công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới. Tiếp tục theo dõi sức khoẻ các trường hợp tiếp xúc gần tại các ổ dịch bệnh than nêu trên.
Điều trị dự phòng bằng kháng sinh đối với những tiếp xúc gần theo Quyết định của Bộ Y tế về việc hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh than trên người. Tổ chức các hoạt động truyền thông đến hộ gia đình về sự nguy hiểm của bệnh than các biện pháp phòng, chống bệnh than, tuyên chuyền cho người dân không giết mổ, không ăn, không sử dụng, không buôn bán các sản phẩm từ gia súc mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
(Báo Đại đoàn kết)
* Gần 10 nghìn người mắc bệnh tay chân miệng, 3 ca tử vong
Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trong 5 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận 8.995 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, TP, trong đó có 3 trường hợp tử vong tại Đắk Lắk, Kiên Giang, Long An.
So với cùng kỳ năm 2022, số mắc giảm 28%, nhưng tử vong tăng 2 trường hợp. Trong đó ghi nhận cao nhất tại miền Nam (6.204 ca, 2 người tử vong), sau đó đến miền Bắc (2.007 ca), miền Trung (316), Tây Nguyên (130 ca, 1 người tử vong).
So với trung bình 5 năm gần đây, số mắc chưa có dấu hiệu tăng cao đột biến, tuy nhiên, số mắc trong các tuần gần đây có xu hướng gia tăng nhanh và đã ghi nhận 3 ca tử vong trong tháng 5. Kết quả giám sát vi sinh về tác nhân gây bệnh tay chân miệng năm 2023 đã ghi nhận gia tăng tỷ lệ các trường hợp dương tính Enterovirus 71 (EV 71) trong tổng số mẫu xét nghiệm. Sự xuất hiện của virus EV 71 có khả năng gây bệnh nặng ở một số trường hợp mắc bệnh.
Bộ Y tế tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch quốc tế và trong nước, đặc biệt tại các tỉnh ghi nhận số ca mắc gia tăng và triển khai các hoạt động phòng chống dịch tại địa phương.
(Báo Công an nhân dân)
* Cấp học bổng cho người học ngành tâm thần, pháp y, truyền nhiễm
Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi điều chỉnh về hỗ trợ cho đào tạo các chuyên ngành cần thu hút nhân lực. Theo đó, nhà nước cấp học bổng khuyến khích học tập cho người học ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm...
Bộ Y tế mới đây đã tổ chức hội nghị phổ biến luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB) sửa đổi đến các sở y tế, các bệnh viện công lập và tư nhân, chú trọng các điểm mới cơ bản sẽ triển khai khi luật có hiệu lực từ 1.1.2024. Theo Bộ Y tế, luật KCB sửa đổi với nhiều điểm mới tạo hành lang pháp lý quan trọng cho lĩnh vực KCB trên quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm, công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển.
GS-TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó chủ tịch phụ trách, điều hành Hội đồng Y khoa quốc gia, cho biết một trong những điểm mới quan trọng trong quản lý người hành nghề là quy định việc tổ chức thi đánh giá năng lực người hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề do Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện. Đây là một nội dung có ý nghĩa thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo của các trường thuộc khối ngành sức khỏe và nâng cao chất lượng người hành nghề.
Về chuyên môn kỹ thuật, luật KCB sửa đổi có các điểm mới như: bổ sung quy định về hoạt động cấp cứu ngoại viện, các nguyên tắc, chính sách của nhà nước về hệ thống cấp cứu ngoại viện, trong đó ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho đầu tư thiết lập hệ thống cơ sở cấp cứu ngoại viện của nhà nước; chi phí vận chuyển cấp cứu trong trường hợp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm…
Đáng lưu ý, luật điều chỉnh một số nội dung liên quan đến sai sót chuyên môn và thành lập hội đồng chuyên môn giải quyết tranh chấp trong KCB. Theo đó, trường hợp xảy ra tai biến y khoa với người bệnh, cơ sở KCB có trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.
Luật KCB sửa đổi điều chỉnh về hỗ trợ cho đào tạo các chuyên ngành cần thu hút nhân lực. Theo đó, nhà nước cấp học bổng khuyến khích học tập cho người học ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu, có kết quả học tập đủ điều kiện
(Báo Thanh niên)