* Có 61 ca COVID-19 mới, 5 bệnh nhân đang thở oxy
Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 4/7 của Bộ Y tế cho biết có 61 ca mắc mới COVID-19, giảm nhẹ so với ngày trước đó. Trong ngày có 18 bệnh nhân khỏi, 5 bệnh nhân đang thở oxy.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.620.769 ca nhiễm, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 117.437 ca nhiễm).
Tình hình điều trị COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 18 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.640.122 ca
2. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 5 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 3 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 0 ca
- Thở máy không xâm lấn: 2 ca
- Thở máy xâm lấn: 0 ca
- ECMO: 0 ca
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Trong ngày ghi nhận 0 ca tử vong.
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 0 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.206 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/231 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/231 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/50 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/50 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Tình hình tiêm vaccine COVID-19
Trong ngày 03/7 có 2.093 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 266.494.348 liều, trong đó:
+ Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.812.665 liều: Mũi 1 là 70.909.535 liều; Mũi 2 là 68.457.358 liều; Mũi bổ sung là 14.344.123 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 52.162.695 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.938.954 liều.
+ Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.965.655 liều: Mũi 1 là 9.130.889 liều; Mũi 2 là 9.021.382 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.813.384 liều.
+ Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.716.028 liều: Mũi 1 là 10.232.662 liều; Mũi 2 là 8.483.366 liều.
(Báo Sức khỏe&đời sống)
* Thời tiết càng nắng nóng, muỗi gây bệnh sốt xuất huyết càng hoành hành
Năm nay Hà Nội có thể sẽ bùng phát dịch sốt xuất huyết với số ca mắc ở thời điểm hiện tại đã tăng đến 60%. Thời tiết càng nắng nóng thì vòng đời của muỗi càng ngắn lại, khiến mật độ muỗi cao lên.
Số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao ở miền Bắc
TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương cho biết, đến thời điểm này, Việt Nam có hơn 40 nghìn ca mắc sốt xuất huyết trong đó có 8 ca tử vong. So với năm 2022 thì tình hình giảm gần 50% số người mắc. Tuy nhiên cũng không được chủ quan vì năm 2022 có số ca mắc và tử vong vì sốt xuất huyết (49 ca tử vong) nhiều nhất trong lịch sử.
Trong khoảng 2 tuần trở lại đây, số ca mắc sốt xuất huyết bắt đầu tăng dần. 6 tháng đầu năm ở miền Bắc có hơn 1000 ca mắc sốt xuất huyết (cao hơn 60% so với cùng kỳ so với năm ngoái), nên khả năng cao bùng phát dịch. Hà Nội hiện tại là điểm nóng nhất nước về sốt xuất huyết. Do có mật độ dân số cao nên tỉ lệ mắc thường tăng rất nhanh.
"Năm nay nắng mưa rất thất thường, miền Bắc có nhiệt độ trung bình cao, mưa nhiều, nắng lắm, làm môi trường sống của muỗi sốt xuất huyết phát triển. Những năm El Nino có nền nhiệt độ cao thì số ca mắc sốt xuất huyết cũng tăng theo. Đây là một trong những dấu hiệu cảnh báo để chúng ta không được phép chủ quan. Nhiệt độ cao thì vòng đời của muỗi ngắn lại khiến muỗi sinh sản nhiều hơn, khả năng tiếp xúc giữa muỗi và người cũng nhiều hơn. Chỉ cần có nguồn bệnh là sẽ bùng phát dịch", TS Dũng nói.
Theo TS Dũng, hiện nay thời tiết khá thất thường sẽ ảnh hưởng đến khả năng bùng dịch sốt xuất huyết. Chu kỳ trước đây là 4-5 năm lặp lại chu kỳ nhưng với sự biến động của thời tiết, quy luật này đã phá vỡ. Dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào, năm nay dịch ở miền Nam đã giảm hơn so với năm ngoái nhưng miền Bắc lại tăng đến 60% so với cùng kỳ. Năm 2017 số ca mắc và tử vong vì sốt xuất huyết rất cao, đến 2019 và 2022 cũng có số ca mắc rất cao. Đây đều không phải là các chu kỳ 4 năm.
Về nguyên nhân năm 2022 có số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao kỷ lục, TS Dũng cho biết, năm 2022 gần như mọi người đều mắc COVID-19, miễn dịch giảm xuống, khi mắc sốt xuất huyết thì số ca tử vong tăng cao. Những ca có dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm cũng tăng bất thường. "Chưa có số liệu chính thức nhưng các nhà khoa học đã nghĩ tới nguyên nhân này", TS Dũng nói.
Phòng bệnh tại nhà là biện pháp hữu hiệu nhất
Sốt xuất huyết là một trong những bệnh phòng chống phức tạp vì không chỉ dựa vào đội ngũ y tế mà phải dựa vào người dân. Sau dịch COVID-19, nguồn lực y tế dự phòng của chúng ta bị thay đổi rất nhiều, thiếu nhân lực là một thách thức lớn. Sắp tới cần phải quan tâm hơn nữa đến y tế dự phòng.
Sốt xuất huyết bắt đầu xuất hiện vào tháng 4 và kết thúc vào tháng 12. Tuy nhiên năm 2022 thì bệnh bùng phát không theo chu kỳ thường gặp. Năm nay, tháng 1-3 số người bị bệnh cao hơn năm 2022, còn ở miền Bắc lại tăng cao hơn. Nắng lắm mưa nhiều khiến miền Bắc năm nay có khả năng rất cao bùng phát dịch.
Để phòng chống sốt xuất huyết, người dân phải dọn dẹp sạch sẽ môi trường sống, không để nước đọng trong các xô chậu, chum vại… Muỗi đẻ trứng trong các thiết bị đồ dùng chứa nước trong nhà, chỉ cần không có nước đọng thì không có muỗi. Chỉ có người dân mới làm được chứ không có đội ngũ y tế nào làm thay được.
Muỗi sốt xuất huyết không đẻ trứng ở ao tù nước đọng, chúng chỉ đẻ trứng trong các thiết bị đựng nước sạch như nước mưa. Do vậy càng ở nội đô, khả năng bị sốt xuất huyết càng cao. Ở các vùng ngoại thành, bao giờ số lượng bệnh nhân cũng thấp hơn. Loại muỗi này sống gần người, mật độ đô thị càng đông thì muỗi càng phát triển. Đó là lý do ở các vùng dân tộc thiểu số miền núi hiếm khi gặp bệnh nhân sốt xuất huyết.
TS Dũng khẳng định, không có loăng quăng bọ gậy thì không có sốt xuất huyết. Khi xuất hiện muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thì phải phun hóa chất diệt muỗi, nhưng nên nhớ chỉ 1-2 tiếng là không còn tác dụng. Nếu không diệt bọ gậy thì chúng lại nở ra thành muỗi. Để phòng bệnh, hãy vệ sinh môi trường trong nhà và xung quanh nhà. Những dụng cụ nào không cần thiết thì tuyệt đối không được chứa nước.
"Người ở chung cư cao tầng cũng hoàn toàn có thể bị muỗi sốt xuất huyết đốt. Muỗi không bay cao được như vậy nhưng có một số con đường muỗi có thể phát tán như thang máy. Nhà cao tầng nên sử dụng các biện pháp cơ học như vợt muỗi do chỉ có một vài con thì không nhất thiết phải sử dụng hóa chất. Hóa chất diệt côn trùng ở góc độ nào đó cũng ảnh hưởng đến sức khỏe nên hạn chế sử dụng", TS Dũng nhấn mạnh.
Hiện trên thị trường có rất nhiều nhãn hàng hóa chất phòng chống diệt côn trùng. TS Dũng cho biết ông không bao giờ khuyên người dân mua hóa chất về phun diệt côn trùng. Để phun thì phải có kỹ năng và dụng cụ chuyên biệt mới an toàn cho sức khỏe. Nếu muốn phun hóa chất thì hãy sử dụng các dịch vụ cung cấp của các đơn vị rõ ràng. Không nên sử dụng các loại hóa chất không rõ ràng tránh những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thậm chí làm cho muỗi trở nên kháng thuốc.
Các tỉnh thành hiện đang tự chủ nguồn phòng chống sốt xuất huyết. Các Viện là cơ quan tham mưu cho Bộ Y tế để có chiến lược phòng bệnh tốt nhất. Mới đây, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Paster, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng, côn trùng Trung ương đã tham mưu cho Bộ Y tế để xây dựng lại hướng dẫn phòng chống bệnh sốt xuất huyết ban hành từ năm 2014, hiện đang chờ được phê duyệt.
TS Dũng cho biết, hiện nay đã có vaccine thế hệ 4 phòng chống sốt xuất huyết, đang chờ các thủ tục nhập về và lưu hành ở Việt Nam. Vaccine này có 4 tip (chủng khác nhau), chúng biến đổi rất nhanh nên việc nghiên cứ khá phức tạp. Tuy nhiên đến thời điểm này đã có đơn vị nghiên cứu thành công, hy vọng thời gian tới Việt Nam sẽ có thể lưu hành vaccine này.
(Báo Sức khỏe&đời sống)
* Nuôi sống bé sinh non nặng 400g, lọt thỏm bằng bàn tay bác sĩ
Ngày 4/7, thông tin từ Bệnh Viện Phụ Sản Hà Nội cho biết, bé gái chào đời khi mới 26 tuần thai, nặng 400g. Đây là em bé sinh non nhẹ cân nhất được bệnh viện chăm sóc và điều trị thành công.
Thông tin về ca sinh non đặc biệt này, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, mẹ bé, chị L.T. T. (32 tuổi, Thanh Hóa) có tiền sử sản khoa nặng nề, từng sảy thai và sinh non nhiều lần, lần mang thai này là lần thứ 7. Trong thai kỳ, chị T. bị tiền sản giật nặng, thai nhi có tình trạng suy dinh dưỡng trong tử cung, cạn ối.
Từ tuần thai 21, các bác sĩ đã chỉ định truyền ối cứu thai nhi. Đến tuần 26, tình trạng tiền sản giật của người mẹ ngày càng nặng nề, thai nhi đối diện nguy cơ mất tim thai nên gia đình có nguyện vọng đình chỉ thai nghén với mục đích chính là cứu người mẹ.
Để chuẩn bị cho em bé ra khỏi bụng mẹ, mọi thứ đều được chuẩn bị tốt, bác sĩ sơ sinh sẵn sàng đón bé, máy thở cũng được chuẩn bị sẵn. Sản phụ được gây chuyển dạ sinh thường và em bé được sinh ra trong 1 hình hài nhỏ xíu, chỉ nặng 400g.
Trong quá trình hồi sức sơ sinh ngay tại phòng sinh, các bác sĩ đã giải thích với gia đình để xác định tâm lý rằng em bé khó có thể qua khỏi. Sau khi được bóp bóng hồi sức tích cực 20 phút, da bé đã hồng hơn, bé có phản xạ tay chân, mở mắt.
Từ khoảnh khắc ấy, các bác sĩ hiểu rằng, bằng mọi cách phải cứu sống chiến binh nhỏ này, đảm bảo nuôi dưỡng để cải thiện cân nặng, điều trị bệnh lý cho bé. Bé nhanh chóng được chuyển về khoa Sơ sinh nằm lồng ấp, một cuộc hành trình bền bỉ bắt đầu.
Về hô hấp, rất may con không cần thở máy xâm nhập mà chỉ cần thở CPAP 1.5 tháng rồi chuyển thở oxy. Thông thường trẻ sinh non ở tuần thai 26 có cân nặng khoảng 600-700g, tuy nhiên, con bị suy dinh dưỡng chỉ nặng 400g, lọt thỏm trong lòng bàn tay của các bác sĩ.
(Báo Kinh tế&đô thị)
* Hà Nội hỗ trợ một lần Thầy thuốc ưu tú, Thầy thuốc nhân dân từ 15-20 triệu đồng
Hà Nội quyết định hỗ trợ một lần đối với thầy thuốc được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân” là 20 triệu đồng/người; Hỗ trợ thầy thuốc được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú" là 15 triệu đồng/người.
Sáng 4-7, tại kỳ họp thứ 12 HĐND TP Hà Nội, các đại biểu HĐND đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về 12 mức chi theo thẩm quyền.
Cụ thể gồm, mức chi xây dựng đối với dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng để phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn 1: từ năm 2021 đến 2025.
Quy định một số nội dung chi, mức chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Bao gồm: chi tuyên truyền, vận động thực hiện các chính sách giải phóng mặt bằng; chỉ điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, kiểm tra, đối chiếu giữa tờ khai với kết quả kiểm kê; chi lập, thẩm định, chấp thuận, phê duyệt, công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; chi hỗ trợ cho cán bộ tham gia công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của Hội đồng GPMB cấp huyện...
Sửa đổi, bổ sung quy định nội dung chi, mức chi các cuộc điều tra thống kê do ngân sách Thành phố đảm bảo quy định tại Phụ lục 01 Nghị quyết số 22/2016/NQ-HĐND ngày 8-12-2016;
Quy định cụ thể, sửa đổi, bổ sung chế độ chỉ xử lý kết quả điều tra của các cuộc điều tra dư luận xã hội của thành phố Hà Nội tương tự như chế độ chi xử lý kết quả Điều tra thống kê quy định tại Thông tư số 37/2022/TT-BTC ngày 22-6-2022 của Bộ Tài chính.
Sửa đổi, bổ sung mục 9, phần III, Phụ lục 01 ban hành kèm theo Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐND ngày 8-7-2019 của HĐND Thành phố quy định nội dung chi và mức chi thực hiện công tác điều tra dư luận xã hội của thành phố.
Quy định cụ thể, sửa đổi các văn bản quy định về chế độ, định mức chi dẫn chiếu tại một khoản chi quy định tại Phụ lục 01 do các văn bản quy phạm pháp luật đang dẫn chiếu đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế.
Sửa đổi bổ sung quy định về mức chỉ xử lý kết quả điều tra thống kê để phù hợp với quy định mới tại Thông tư số 37/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Sửa đổi, bổ sung chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chế độ tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam quy định tại phụ lục 02 Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐND ngày 8-7-2019 của HĐND TP.
Sửa đổi quy định mức chi quy định tại mục 01, biểu 03, phụ lục 02 Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐND ngày 8-7-2019 về chế độ chi tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chế độ chi tổ chức tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chế độ chi tiếp khách trong nước của thành phố Hà Nội.
Quy định nội dung chi và mức chi phục vụ các Đại hội nhiệm kỳ của các tổ chức chính trị xã hội, các Hội có tính chất đặc thù của thành phố; các chương trình làm việc của thành phố và các Hội nghị, sự kiện diễn ra trên địa bàn Thủ đô; địa bàn Thủ đô.
Quy định định mức lập dự toán thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước của thành phố Hà Nội.
Quy định một số nội dung mức chi thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Quy định một số nội dung, mức chi tập huấn, thi đấu và thuê chuyên gia huấn luyện các đội tuyển thể thao Hà Nội. Các đối tượng không phải là cán bộ công chức, viên chức nhà nước, bao gồm huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài, bác sỹ, chuyên gia, phiên dịch.
Quy định chế độ hỗ trợ đối với thầy thuốc được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú".
Quy định chế độ hỗ trợ một lần đối với thầy thuốc được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú”, cụ thể: “Thầy thuốc Nhân dân”: 20 triệu đồng/người. “Thầy thuốc Ưu tú”: 15 triệu đồng/người. -Nguồn kinh phí từ ngân sách cấp thành phố.
(Báo An ninh thủ đô)
* Nhiều chuyên gia hàng đầu về y học bào thai tham dự Hội nghị Y học Bào thai lần thứ I
Hội nghị Thường niên Y học Bào thai lần thứ I với chủ đề “Bất thường tim bẩm sinh: từ chẩn đoán trước sinh đến can thiệp sau sinh” do Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tổ chức sẽ có sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu về y học bào thai trên thế giới.
Y học bào thai là một lĩnh vực đang ngày càng được quan tâm và không ngừng phát triển trên toàn thế giới nhằm đem lại cơ hội phát hiện, chăm sóc và cứu sống tốt nhất cho những thai nhi ngay từ trong bụng mẹ.
Tại Việt Nam, trong những năm qua, lĩnh vực y học bào thai cũng ngày được chú trọng. Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội là bệnh viện công đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp bào thai, đem lại cơ hội cứu sống cho những thai nhi chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo.
Bệnh viện cũng đã không ngừng nỗ lực tổ chức các khóa đào tạo về y học bào thai cho các bác sĩ không chỉ chuyên ngành sản phụ khoa mà cả những chuyên ngành liên quan đến y học bào thai trên toàn quốc.
Một trong những chủ đề mà y học bào thai quan tâm nhất đó là bất thường tim bẩm sinh. Tim bẩm sinh là một trong các dị tật bẩm sinh có tỷ lệ xuất hiện cao nhất, khoảng 1% số trẻ sinh ra hàng năm.
Thai nhi được chẩn đoán có bất thường tim bẩm sinh cần có kế hoạch quản lý thai kỳ phát hiện tất cả các bất thường kèm theo và chiến lược hồi sức sơ sinh cũng như theo dõi và điều trị sau sinh.
Nếu bệnh lý tim bẩm sinh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, khả năng khỏi bệnh tương đối cao. Ngược lại, nếu không được phát hiện sớm và can thiệp đúng cách, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sau này như suy tim, loạn nhịp tim, nhiễm trùng tim, tăng áp động mạch phổi, thậm chí dẫn đến tử vong.
Với mong muốn thúc đẩy lĩnh vực y học bào thai, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội tổ chức Hội nghị thường niên Y học Bào thai lần thứ I với chủ đề “Bất thường tim bẩm sinh: từ chẩn đoán trước sinh đến can thiệp sau sinh” - một bệnh lý có tỷ lệ xuất hiện cao và là thách thức không chỉ trong sàng lọc, chẩn đoán, can thiệp trước sinh mà còn trong các chiến lược phối hợp quản lý, hồi sức sau sinh với sự tham gia của các Giáo sư đầu ngành về y học bào thai trên thế giới và tại Việt Nam.
Giáo sư Yves Ville là chuyên gia nổi tiếng thế giới về y học bào thai, ông giữ các vị trí như: Giáo sư kiêm Chủ nhiệm khoa Sản và Y học bào thai tại Bệnh viện Necker-Enfants-Malades thuộc Đại học Paris Descartes; Giám đốc của chương trình Thạc sĩ quốc tế về sinh lý thai nhi và bệnh lý thai nhi tại Đại học Paris-Cité và bằng cấp quốc gia về siêu âm sản phụ khoa; Thành viên của Hiệp hội Y học Chu sinh châu Âu (EAPM); Thành viên của Hiệp hội Sản phụ khoa Hoàng gia Anh (RCOG).
Giáo sư Ville là một trong những người tiên phong phát triển một số chỉ định và kỹ thuật điều trị thai nhi, đặc biệt là trong lĩnh vực nội soi thai nhi trong các trường hợp mang thai đơn phức tạp. Ông là cộng tác viên biên tập của AJOG và cũng là thành viên của Học viện Y khoa Quốc gia Pháp, tác giả của hơn 600 bài báo trên các tạp chí quốc tế uy tín.
Giáo sư cũng là diễn giả thường xuyên tại các hội nghị quốc tế, được mời thuyết trình tại Hội nghị thường niên về Y học bào thai và sản phụ SMFM 2023 (6-11/02/2023 tại San Francisco, Califonia, hoa Kỳ). Tại đây, ông đã trình bày về các chủ đề: “Hội chứng truyền máu song thai (TTTS): Khái niệm cơ bản” và “Hội chứng truyền máu song thai giai đoạn I: Theo dõi và quản lý”.
Tại hội nghị lần này, Giáo sư sẽ trình bày 3 chủ đề: “Tiếp cận toàn diện trong quản lý trước sinh thai có dị tật tim trên thế giới; Chiến lược quản lý sản khoa với các trường hợp thai có bệnh lý tim bẩm sinh; Can thiệp bào thai các bệnh lý tim bẩm sinh và Siêu âm khảo sát tim thai”. Giáo sư cũng sẽ thực hành trực tiếp về siêu âm khảo sát tim thai.
Một trong những chuyên gia hàng đầu về Y học bào thai của thế giới tham dự hội nghị lần này là giáo sư Mark Kilby – Giáo sư về chuyên ngành sản khoa và y học bào thai đến từ Vương quốc Anh.
Giáo sư Mark Kilby được bổ nhiệm làm Cố vấn danh dự về Sản khoa và Y học bào thai tại Birmingham Women’s Foundation Trust và Giảng viên cao cấp về Sản khoa và Y học bào thai tại trường Đại học Birmingham từ tháng 3 năm 1996. Đồng thời, ông cũng là giảng viên cao cấp tại trường Đại học Keele.
Năm 2007, ông là thành viên cao cấp của Hiệp hội Hoàng gia về Sản phụ khoa (MRCOG). Bên cạnh đó, ông còn là thành viên cao cấp của Hiệp hội Sinh học vào năm 2013 và thành viên danh dự của Hiệp hội Thầy thuốc Hoàng gia Ireland (FRCPI) vào năm 2015.
Ông đã tham gia một chuyến du khảo tại Khoa Y học Bào thai, Bệnh viện Mount Sinai và Viện Samuel Lunefeld, Đại học Toronto, Canada để làm nghiên cứu liên quan đến chức năng tim của thai nhi trong quá trình truyền máu trong tử cung cho thai thiếu máu.
Hội nghị do Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội tổ chức, diễn ra từ ngày 21-22/8/2023 tại Khách sạn Deawoo 360 Kim Mã, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội.
(Báo Nhân dân)