* Có 64 ca COVID-19 mới, không còn bệnh nhân thở máy
Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 5/7 của Bộ Y tế cho biết có 64 ca mắc mới COVID-19, tăng 3 ca so với ngày trước đó. Trong ngày có 16 bệnh nhân khỏi; cả nước hiện không còn ca COVID-19 nào phải thở máy.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.620.833 ca nhiễm, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 117.437 ca nhiễm).
Tình hình điều trị COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 16 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.640.138 ca
2. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 2 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 2 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 0 ca
- Thở máy không xâm lấn: 0 ca
- Thở máy xâm lấn: 0 ca
- ECMO: 0 ca
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Trong ngày ghi nhận 0 ca tử vong.
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 0 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.206 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/231 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/231 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/50 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/50 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Tình hình tiêm vaccine COVID-19
Trong ngày 04/7 có 0 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 266.494.348 liều, trong đó:
+ Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.812.665 liều: Mũi 1 là 70.909.535 liều; Mũi 2 là 68.457.358 liều; Mũi bổ sung là 14.344.123 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 52.162.695 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.938.954 liều.
+ Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.965.655 liều: Mũi 1 là 9.130.889 liều; Mũi 2 là 9.021.382 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.813.384 liều.
+ Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.716.028 liều: Mũi 1 là 10.232.662 liều; Mũi 2 là 8.483.366 liều.
(Báo Sức khỏe&đời sống)
* Nhiễm trùng, nổi u cục sau tiêm tan mỡ nơi spa của người quen
Sau khi tiêm thuốc tan mỡ để giảm béo tại spa của người quen, bệnh nhân xuất hiện nhiều khối u cục bất thường, một số chỗ vỡ chảy dịch đau tức,…
Thạc sĩ Phạm Duy Linh, Khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cho biết, chị L.T.T (40 tuổi, ở Thái Nguyên) đến viện trong tình trạng vùng má, nọng cằm, cánh tay 2 bên, bụng xuất hiện nhiều khối u cục bất thường, cứng chắc, viêm tấy, một số vị trí vỡ chảy dịch đau tức.
Qua khai thác, bệnh nhân cho biết, cách thời điểm vào viện khoảng 3 tháng, chị T. muốn giảm mỡ một số vùng trên cơ thể nhưng lo ngại không muốn phẫu thuật. Chị được giới thiệu tới một spa quen, được nhân viên tư vấn là tiêm thuốc tiêu mỡ "chỉ cần một liệu trình điều trị là hiệu quả giảm cân tức thì, không cần nghỉ dưỡng, không động chạm dao kéo".
Do tin tưởng, bệnh nhân đã đồng ý dịch vụ và được tiêm những hợp chất không rõ nguồn gốc vào nhiều vùng cơ thể.
Sau 2 tuần tiêm, vị trí tiêm mặt sau bắp tay 2 bên và nhiều vùng trên cơ thể xuất hiện những cục mụn bất thường. Đặc biệt, khi sờ vào có cảm giác cứng, tức khó chịu, nhưng cơ sở thẩm mỹ lại giải thích đây là do thuốc tác dụng chậm, tan từ từ.
Chia sẻ với bác sĩ Linh, chị T. cho biết 2 tháng sau tiêm, những khối u cục, mụn cứng chắc tăng lên, viêm tấy lan tỏa.
"Nhiều mụn nhỏ rỉ chảy dịch mủ, máu và đau", chị T. nhớ lại.
Bệnh nhân được cơ sở thẩm mỹ liên tục đưa cho nhiều đơn thuốc kháng sinh, giảm đau nhưng tình trạng lại không thuyên giảm, ngày càng chuyển biến xấu hơn nên chị đến bệnh viện khám.
Khám cho bệnh nhân, bác sĩ Linh nhận định vùng bắp tay 2 bên xuất hiện nhiều ổ viêm. Hai má, nọng cằm, vùng bụng có nhiều cục xơ cứng, nhiều ổ biểu hiện áp xe, viêm đỏ vỡ chảy dịch mủ.
Sau khi được phẫu thuật chích rạch những khối áp xe vỡ mủ, cấy khuẩn, làm sạch ổ viêm, chị tiếp tục được dùng thuốc kháng sinh, chống viêm hàng ngày. Kết quả tích cực sau 1 tuần điều trị, các cục u xơ đã teo nhỏ.
Tuy nhiên theo bác sĩ Linh, điều trị tai biến tiêm tan mỡ rất khó, bệnh nhân cần được theo dõi lâu dài. Sau điều trị ổn vẫn có thể tái phát, thậm chí có thể để lại di chứng sẹo xấu.
Theo bác sĩ Linh, có 3 nguyên nhân có thể gây xuất hiện tình trạng tai biến sau tiêm thuốc tan mỡ: Thuốc tiêm tan mỡ không rõ nguồn gốc; kỹ thuật tiêm sai và không đảm bảo vô trùng trong tiêm.
Đối với kỹ thuật tiêm tiêu mỡ vùng, nếu tiêm quá nông ở trên bề mặt da, thuốc có thể gây loét vùng da tại vị trí tiêm. Còn tiêm quá sâu, hệ quả không chỉ gây hoại tử tại chỗ tiêm mà còn lan đến các vùng khác của cơ thể.
Bác sĩ khuyến cáo người dân sau tiêm giảm béo, nếu xuất hiện biểu hiện sưng tấy, chảy mủ… cần phải đến bệnh viện để điều trị càng sớm càng tốt.
"Nhiều trường hợp, thuốc tiêm tan mỡ phá hủy luôn màng tế bào của các tổ chức mạch máu, thần kinh nơi thuốc đi đến, khiến tình trạng hoại tử lan rộng, ăn sâu vào trong càng gây khó cho quá trình điều trị khắc phục", bác sĩ Linh nói. Lúc đó, bệnh nhân sẽ phải được cắt lọc ổ hoại tử, nguy cơ mất tổ chức, có thể để lại sẹo xấu.
Để giảm mỡ, bác sĩ khuyên cần điều chỉnh chế độ ăn uống kèm với tập luyện. Nếu có nhu cầu can thiệp giảm béo, người bệnh nên đến các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ được cấp phép, bác sĩ được đào tạo, để thăm khám, tư vấn.
(Báo Giadinhonline.vn)
* Dịch sốt xuất huyết “đảo chiều”, miền Bắc có khả năng gia tăng bệnh nhân
Hiện nay, thời tiết khá thất thường sẽ ảnh hưởng đến khả năng bùng dịch sốt xuất huyết. Trước đây, chu kỳ lặp lại sau 4-5 năm nhưng với sự biến động của thời tiết quy luật này đang có dấu hiệu bị phá vỡ. Dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Dự báo Hà Nội sẽ là “điểm nóng” về sốt xuất huyết
Dịch sốt xuất huyết hiện đang có dấu hiệu “đảo chiều” so với năm 2022. Miền Nam có số lượng ca mắc giảm hơn một nửa so với năm ngoái. Trong khi đó, miền Bắc lại có dấu hiệu gia tăng.
Trước đó, năm 2017, số ca mắc và tử vong vì sốt xuất huyết rất cao, đến 2019 và 2022 cũng có số ca mắc rất cao. Đây đều không phải là các chu kỳ 4 năm. Điều này cho thấy, dịch sốt xuất huyết bây giờ diễn biến tùy từng vùng, tùy từng miền, không theo một chu kỳ nào cả.
TS Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, từ đầu năm tới nay, Việt Nam có hơn 40.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó, 8 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số ca giảm gần 50% nhưng người dân không được chủ quan.
Tại Hà Nội, trong khoảng 2 tuần trở lại đây, số ca mắc sốt xuất huyết bắt đầu tăng dần. Dự báo Hà Nội sẽ là “điểm nóng” về sốt xuất huyết. Tính tới thời điểm này, số ca mắc tại Hà Nội đã tăng 65%.
Nguyên nhân là do thời tiết thay đổi quá nhiều, mùa đông ở miền Bắc không quá lạnh, mùa hè thì quá nóng, mưa nhiều. Đây là cơ hội để muỗi gây bệnh sốt xuất huyết phát triển. Mưa nhiều sẽ tạo ra các ổ nước cho ổ bọ gậy phát triển, mật độ muỗi cao dẫn đến khả năng truyền bệnh cho con người cũng tăng lên.
Trong khi đó, báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, từ đầu năm nay đến giữa tháng 6/2023, Hà Nội ghi nhận gần 400 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022).
Qua theo dõi, đánh giá tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên thế giới, tại Việt Nam cũng như ở Hà Nội trong nhiều năm qua, ngành Y tế Thủ đô nhận định, dịch bệnh này năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp và công tác phòng, chống còn nhiều khó khăn.
Theo phân tích của Sở Y tế Hà Nội, điều kiện khí hậu hiện nay, nắng lắm, mưa nhiều tạo thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh là muỗi vằn sinh sôi, phát triển. Thêm vào đó, nhiều nơi còn xả rác thải chưa đúng nơi quy định, phế liệu đọng nước chưa được thu gom…
Người dân có thói quen tích trữ nước mưa, nước sinh hoạt, nước tưới cây trong các bể xây, thùng phi, xô, chậu… hay trồng cây cảnh, hòn non bộ đã vô tình tạo ra môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng và bọ gậy phát triển.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngay từ đầu tháng 5, tháng 6, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới đã rải rác tiếp nhận bệnh nhân nhập viện. Do thời gian này đầu mùa dịch, nhiều người khi bị sốt thì nghĩ là do mắc Covid-19, cúm hoặc một số bệnh khác nên không nghĩ mình mắc sốt xuất huyết.
Chỉ đến ngày thứ 4, thứ 5, lúc đó máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ thấp, hoặc trên các bệnh nhân có biểu hiện bệnh lý nền... thì mới đến viện. Lúc đó bệnh nhân phải truyền tiểu cầu hoặc dung dịch cao phân tử, một số trường hợp nặng dẫn đến suy đa tạng như men gan tăng, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu,….
(Báo Kinh tế &đô thị)
* Hà Nội đưa các loại vaccine mới trong chương trình tiêm chủng mở rộng
Ngày 5/7, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 483/KH-UBND về việc tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2023-2025 tại Hà Nội.
Theo đó, Kế hoạch nêu rõ: Với quy mô triển khai tiêm chủng các loại vaccine, đưa các loại vaccine mới trong chương trình Tiêm chủng mở rộng trên địa bàn toàn TP.
Đối tượng và lộ trình triển khai thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia đối với từng loại vaccine và từng đối tượng được thụ hưởng.
Cụ thể: Năm 2023 - 2024:
Trẻ sơ sinh: Vaccine Viêm gan B.
Trẻ dưới 1 tuổi: Vaccine Lao (BCG), Bại liệt uống (bOPV), Bại liệt tiêm (IPV), vaccine 5 trong 1: Bạch hầu, Ho gà, uốn ván, Viêm gan B, Haemophilus Influenzae type b (DPT-VGB-Hib), Rota, Sởi.
Trẻ 1-5 tuổi: Vaccine phòng Viêm não Nhật Bản;
Trẻ 18 tháng đến dưới 24 tháng: Vaccine phòng các bệnh Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván (DPT), vaccine Sởi-Rubella (MR);
Phụ nữ có thai: Vaccine uốn ván.
Năm 2025: Dự kiến đưa vaccine Phế cầu vào tiêm chủng mở rộng, đối tượng sử dụng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trong trường hợp huy động được nguồn viện trợ, hỗ trợ trong nước hoặc được bổ sung ngân sách Nhà nước, lộ trình này có thể được thực hiện sớm hơn với các loại vaccine theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Các hoạt động trọng tâm: UBND TP yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường truyền thông về đối tượng, mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, tác dụng, lợi ích, tính an toàn và hiệu quả phòng bệnh của các loại vaccine sử dụng trong chương trình Tiêm chủng mở rộng và các phản ứng có thể gặp phải sau tiêm chủng.
Tập huấn về xây dựng kế hoạch, điều tra đối tượng, bảo quản, sử dụng vaccine, khám sàng lọc, tiêm chủng an toàn, phòng và xử trí sốc phản vệ.
Đảm bảo tất cả cán bộ tham gia tiêm chủng phải được tập huấn và thực hiện đúng các quy định về tiêm chủng. Tổ chức hội nghị triển khai tiêm chủng các loại vaccine mới trong chương trình tiêm chủng mở rộng ở các tuyến.
Công tác tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, cấp phát, sử dụng vaccine và vật tư tiêm chủng ở các tuyến phải được thực hiện theo đúng quy định.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội là đầu mối tiếp nhận vaccine từ chương trình tiêm chủng Quốc gia khi được hỗ trợ. Căn cứ vào số lượng đối tượng thực tế của mỗi địa phương để xây dựng kế hoạch cấp vaccine cho các đơn vị.
Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã chuẩn bị đầy đủ thiết bị dây chuyền lạnh để thực hiện tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển, phân phối vaccine đến các điểm tiêm chủng tùy thuộc đối tượng tiêm chủng, đảm bảo tiết kiệm, hợp lý, đúng quy định.
Trạm Y tế xã, phường, thị trấn chuẩn bị đầy đủ các thiết bị, điều kiện dây chuyền lạnh để tiếp nhận vaccine. Thực hiện tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, sử dụng vaccine theo quy định.
(Báo Kinh tế &đô thị)