* Phát triển hệ thống y tế Hà Nội theo mô hình ba cấp
Trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), hệ thống y tế Hà Nội được định hướng xây dựng theo hướng tiên tiến và hiện đại, theo mô hình ba cấp, phù hợp với quy mô dân số, địa bàn phục vụ; phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện công lập và ngoài công lập.
Xây dựng theo hướng tiên tiến và hiện đại
Dự thảo Luật cũng quy định các cơ chế ưu đãi phát triển y tế Thủ đô như cơ sở y tế công lập trên địa bàn Thủ đô được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; được sử dụng quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp trong mua sắm, sửa chữa thực hiện theo quy định về mua sắm, sửa chữa nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của đơn vị sự nghiệp công lập.
Đồng thời, giao Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội quy định lộ trình, cơ chế tài chính, chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để thực hiện cơ chế khám bệnh, chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình; giao Chính phủ quy định việc phân bổ và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế để phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình trên địa bàn Thủ đô theo lộ trình do chính quyền thành phố Hà Nội đề nghị…
Dự thảo Luật cũng đề xuất phân quyền cho HĐND thành phố Hà Nội quy định đối tượng; nội dung chi, mức chi cụ thể cho an sinh xã hội khác trong khả năng cân đối ngân sách của Thành phố ngoài quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định liên quan; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đối tượng chính sách của thành phố Hà Nội...
Tại Hội nghị góp ý, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) liên quan đến lĩnh vực y tế, an sinh xã hội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức mới đây, các ý kiến đã góp ý quy định tại Khoản 1, Điều 26 Dự thảo Luật (Phát triển y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân): “Xây dựng hệ thống y tế Thủ đô tiên tiến và hiện đại, theo mô hình ba cấp, phù hợp với quy mô dân số, địa bàn phục vụ. Tập trung phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới. Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và năng lực hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, hệ thống bác sĩ gia đình của Thủ đô, đảm bảo chăm sóc liên tục, toàn diện sức khoẻ của nhân dân.
Phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện công lập và ngoài công lập. Chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan Nhà nước ở Trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội về chính quyền Thành phố Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, bệnh viện của các Trường đại học Y…”
Ngân sách Thành phố nên bảo đảm cho hoạt động y học gia đình
Đại diện Bộ Y tế góp ý, theo Luật Khám, chữa bệnh, không còn bệnh viện hạng đặc biệt; cần xem lại sự phù hợp việc chuyển các bệnh viện tuyến cuối thuộc Bộ Y tế quản lý (khoảng hơn 20 bệnh viện); nên chuyển giao 2 bệnh viện về địa phương theo lộ trình của Chính phủ.
Đồng thời, đại diện Bộ Y tế cũng góp ý kiến về vai trò bác sĩ gia đình, cho rằng ngoài nguồn bảo hiểm, ngân sách Thành phố nên bảo đảm cho hoạt động y học gia đình, khuyến khích y tế tư nhân và chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho y học gia đình, từ đó, tăng cường được y tế cơ sở.
Về nội dung “Chính phủ quy định chi tiết việc phân bổ và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế để phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, chi trả dịch vụ cấp cứu ngoại viện, khám sức khoẻ định kỳ hằng năm cho người cao tuổi trên địa bàn Thủ đô theo lộ trình do chính quyền Thành phố Hà Nội đề nghị”, các ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu bổ sung nguồn thu bảo hiểm y tế, tăng mức đóng theo lộ trình.
Về chính sách xã hội, an sinh xã hội của Thủ đô, các ý kiến nhất trí đề xuất, nên bỏ từ “tập trung” trong dự thảo: “Tiêu chí ưu tiên để lựa chọn các đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội tại Thủ đô, đặc biệt tại các khu công nghiệp tập trung; quyết định việc sử dụng vốn đầu tư phát triển địa phương để hỗ trợ xây dựng nhà ở, công trình phúc lợi cho người lao động có thu nhập thấp”…
Cũng góp ý xây dựng Luật Thủ đô, Ths.Bác sĩ Trần Việt Anh, Trường Đại học Y Hà Nội, cần xây dựng hành lang pháp lý minh bạch, khả thi, cho phép nhân sự y tế khối ngoài công lập được tham gia trong chuỗi cung ứng dịch vụ y tế công cho nhân dân cả dịch vụ y tế cơ bản và dịch vụ y tế theo yêu cầu.
Đồng thời, đa dạng các gói bảo hiểm y tế, phát triển bảo hiểm y tế Nhà nước và bảo hiểm y tế thương mại gồm nhiều mệnh giá tương ứng với các gói dịch vụ y tế khác nhau. Đa dạng hóa các gói bảo hiểm y tế để bảo đảm các dịch vụ an sinh và bảo đảm các dịch vụ theo nhu cầu thị trường (các gói dịch vụ bảo hiểm y tế bổ sung, nâng cao)...
Hiện, Hà Nội đang trực tiếp quản lý 41 bệnh viện trực thuộc; 1 Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội thuộc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn; 1 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội và 579 trạm y tế xã, phường thuộc 30 Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã (trong đó, đã có 82,73% trạm y tế thực hiện theo nguyên lý y học gia đình).
(Báo Lao động thủ đô)
* Hà Nội tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới
Thành phố Hà Nội là địa phương có dân số đứng thứ hai trên toàn quốc, số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm rất lớn và luôn biến động, nhu cầu về thực phẩm trung bình hằng năm cao. Vì vậy, vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm luôn được thành phố đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả.
Chỉ thị số 17-CT/TƯ ngày 21-10-2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” (viết tắt là Chỉ thị số 17-CT/TƯ) ra đời đã giúp cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
Sự vào cuộc của hệ thống chính trị
Ngay sau khi Chỉ thị số 17-CT/TƯ được ban hành, Thành ủy Hà Nội đã khẩn trương, nghiêm túc tổ chức quán triệt nội dung Chỉ thị tới các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, đồng thời, cụ thể hóa Chỉ thị bằng việc ban hành Chương trình hành động số 26-CTr/TU ngày 27-3-2023 của Thành ủy Hà Nội để thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TƯ. UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 177/KH-UBND về việc thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TƯ ngày 21-10-2022 của Ban Bí thư "Về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới". Trên cơ sở đó, nhiều địa phương, đơn vị đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị số 17-CT/TƯ, Chương trình hành động số 26-CTr/TU và kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện đến cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Cùng với đó, thành phố chỉ đạo các cơ quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng (Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Báo Kinh tế và Đô thị, Báo Hànộimới, Báo Tuổi trẻ Thủ đô…) tăng cường thời lượng phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm; phản ánh thực trạng công tác quản lý và tình hình an toàn thực phẩm trên địa bàn; kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm, trong đó, nêu rõ tên các cơ sở, sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm và các cơ sở, sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm rộng rãi đến người nhân dân.
Đồng thời, thành phố thường xuyên tổ chức tập huấn bồi dưỡng các văn bản quản lý an toàn thực phẩm cho Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm và hệ thống mạng lưới an toàn thực phẩm cấp quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn; tổ chức các hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn, nói chuyện lồng ghép trực tiếp và gián tiếp cho chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm, cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng; tuyên truyền qua băng rôn, khẩu hiệu, tờ gấp, tờ rơi, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh tại các quận, huyện, xã, phường, thị trấn…
Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TƯ, Chương trình hành động số 26-CTr/TU được thực hiện nghiêm túc, bài bản; luôn gắn với kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị. Bình quân mỗi năm, ngành y tế từ cấp thành phố tới cấp xã, phường, thị trấn thành lập hơn 800 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành về an toàn thực phẩm, với tổng số lượt thanh tra, kiểm tra các cơ sở lên tới hàng chục nghìn lượt, nhiều cơ sở vi phạm bị xử lý nghiêm và thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua kiểm tra, khảo sát, đã kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố tới quận, huyện, thị xã luôn được tăng cường và đảm bảo chặt chẽ, thường xuyên trao đổi, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc chưa được quy định rõ để thống nhất nội dung tuyên truyền về an toàn thực phẩm. Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội thường xuyên đăng tải các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, UBND thành phố đối với công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trên Trang thông tin điện tử Đảng bộ thành phố, Bản tin Thông tin nội bộ (trên 17.000 cuốn/tháng phục vụ sinh hoạt chi bộ) và Sổ tay điện tử đảng viên.
Thực hiện chỉ đạo của HĐND - UBND thành phố, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương đã lập chuyên mục an toàn thực phẩm tại website của Sở. UBND thành phố giao các Sở Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, Sở Thông tin - Truyền thông, Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Nội, Báo Hànộimới, Báo Kinh tế & Đô thị, website ngành, cổng giao tiếp điện tử của UBND thành phố, Đài Truyền hình Trung ương VTV24, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC14, loa đài phát thanh của xã, phường, thị trấn đưa tin bài, phóng sự... về công tác an toàn thực phẩm, các văn bản mới, quy định về an toàn thực phẩm...
Nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo
Sau gần 1 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TƯ, công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm của thành phố Hà Nội đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Đó là, những khó khăn, vướng mắc xuất phát từ thực trạng công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, số lượng cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn thành phố tăng nhanh nhưng trong đó có nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún; một số chủ cơ sở thực phẩm chưa có ý thức bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chạy theo lợi ích trước mắt mà thực hiện các hành vi không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Việc quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng internet thông qua các website, Facebook, Zalo, youtube và nhiều trang thông tin điện tử khác đang có xu hướng phổ biến tràn lan, khó kiểm soát, dẫn đến tình trạng một số thực phẩm chức năng được quảng cáo vượt quá công dụng của sản phẩm, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó là những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai hệ thống các văn bản pháp luật về lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Cùng với đó là sự phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện và các đơn vị có liên quan vẫn còn nhiều bất cập, cụ thể là: Để xây dựng các văn bản chỉ đạo, kế hoạch, báo cáo, chương trình, dự án, mô hình điểm… về an toàn thực phẩm định kỳ, đột xuất theo chỉ đạo của cấp trên cần phải có sự phối hợp của các đơn vị thuộc các ngành, các cấp quản lý theo từng lĩnh vực được phân công nên cơ quan thường trực phải có văn bản xin ý kiến, sau đó tổng hợp ý kiến để hoàn thiện văn bản, cần nhiều thời gian để thực hiện.
Mặt khác, thực tế vẫn có một số đơn vị hiểu chưa đúng, chưa rõ trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm theo lĩnh vực ngành, địa bàn quản lý mặc dù Thành phố đã có văn bản phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn nên dẫn đến sự chồng chéo trong quản lý cơ sở thực phẩm thuộc phạm vi chuyên ngành và trên địa bàn…
(Báo Hà Nội mới)
* 90% phụ nữ Việt Nam mắc các bệnh liên quan đến phụ khoa
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay có đến 90% phụ nữ Việt Nam mắc các bệnh liên quan đến phụ khoa. Đáng nói, số ca mắc bệnh phụ khoa mỗi năm tăng 15%-27%.
Bệnh liên quan đến phụ khoa ngày càng trẻ hóa
Chiều ngày 06/7/2023, tại Văn Phòng Bộ Y tế, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế phát động chiến dịch truyền thông dự phòng nhiễm khuẩn đường sinh sản với chủ đề "20 triệu phụ nữ phụ Việt Nam, phụ khoa đúng cách – Hạnh phúc trọn vẹn". Chiến dịch có mục tiêu giúp hàng triệu phụ nữ các độ tuổi khác nhau trên cả nước được tiếp cận và trang bị những kiến thức đúng đắn, hữu ích về cách chăm sóc sức khỏe phụ khoa từ đó nâng cao sức khỏe sinh sản và chất lượng cuộc sống.
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay có đến 90% phụ nữ Việt Nam mắc các bệnh liên quan đến phụ khoa. Đáng nói, số ca mắc bệnh phụ khoa mỗi năm tăng 15%-27%. Trong số các bệnh phụ khoa, viêm âm đạo là căn bệnh chị em hay mắc phải nhất. Điều đáng lo ngại là xu hướng trẻ hóa của bệnh lý này khi không chỉ ở những phụ nữ đã lập gia đình mà cả các thiếu nữ chưa từng quan hệ tình dục cũng có thể mắc viêm âm đạo. Song song với nguy cơ sẵn có, những yếu tố liên quan môi trường, đời sống xã hội hay thiếu hụt kiến thức đúng đắn trong việc vệ sinh vùng nhạy cảm cũng như giáo dục giới tính cũng khiến một số dạng bệnh phụ khoa có xu hướng tăng ở các bạn nữ trẻ.
Một vấn đề rất đáng quan ngại hiện nay đó chính là tâm lý e ngại ở nhiều chị em phụ nữ khi mắc bệnh viêm âm đạo. Theo đó, đa số các chị em khi bị bệnh dù có cảm giác khó chịu, biểu hiện ban đầu… nhưng vẫn cố chịu, thường có tâm lý e ngại, tự điều trị chứ không đi khám. Chỉ khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng mới đến bệnh viện, nhưng khi đó việc điều trị sẽ tốn kém, mất nhiều thời gian và có thể để lại hậu quả nặng nề ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của chị em phụ nữ. Hơn nữa, Phòng bệnh hơn chữa bệnh, việc cung cấp kiến thức đầy đủ để phụ nữ nhận thức được sự ảnh hưởng xấu của bệnh phụ khoa và chủ động thực hành phòng bệnh là rất quan trọng.
Nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng trên, chiến dịch "20 triệu phụ nữ phụ khoa đúng cách – Hạnh phúc trọn vẹn" xây dựng chuỗi hoạt động tư vấn, hội thảo truyền thông cách chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ ở độ tuổi từ 18 đến 25 tuổi và 25 đến 45 tuổi tại các thành phố trên cả nước. Bên cạnh đó, chiến dịch còn cung cấp các buổi chia sẻ kiến thức giữa hội viên trong Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
ThS.BS Dương Thị Hải Ngọc, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em cho biết, bệnh phụ khoa là nhiễm khuẩn đường sinh dục (RTIs) ở nữ (viêm âm hộ, âm đạo, CTC, tử cung, buồng trứng, vòi trứng) do các nguyên nhân. Trên thế giới, hàng năm ước tính có 340 triệu ca mắc mới các bệnh STIs.
Nguyên nhân mắc bệnh phụ khoa là do yếu tố ngoại sinh, do vi khuẩn, vi sinh vật xâm nhập vào đường sinh sản qua các thủ thuật can thiệp y tế chưa đảm bảo vô trùng. Do quan hệ tình dục (QHTD) không an toàn: ngoài QHTD không được bảo vệ, QHTD thô bạo cũng làm tổn thương âm đạo. Những vi khuẩn, vi sinh vật từ hậu môn, bộ phận sinh dục nam giới có thể đi sâu vào âm đạo phụ nữ và tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.
Hậu quả của nhiễm khuẩn được sinh sản, bệnh phụ khoa là viêm vùng chậu do nhiễm khuẩn đường sinh sản dưới không điều trị triệt để, nhiễm khuẩn đường sinh sản trên do viêm phần phụ, v Gây nhiễm trùng thai nghén, nhiễm trùng hậu sản: Sảy thai; Thai ngoài tử cung; Nhiễm khuẩn ối; Nhiễm khuẩn hậu sản; Đẻ non; Nhiễm khuẩn sơ sinh, Gây vô sinh; Gây ung thư cổ tử cung (nếu nhiễm virus HPV); Ảnh hưởng chất lượng cuộc sống; gánh nặng kinh tế.
Nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh phụ khoa còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đường tình dục khác như nhiễm khuẩn chlamydia và bệnh lậu, giảm khả năng mang thai, có thể dẫn tới vô sinh, chửa ngoài tử cung, ảnh hưởng đến quan hệ vợ chồng, hạnh phúc gia đình và sự tự tin của phụ nữ.
Cách phòng ngừa nhiễm khuẩn đường âm đạo
Báo cáo thống kê từ các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, mỗi năm có 8.839.785 lượt khám phụ khoa và 3.674.276 lượt điều trị bệnh phụ khoa. 89% phụ nữ đã và đang mắc phải các chứng bệnh phụ khoa với cấp độ khác nhau nhưng có 60% ngại ngùng không đi khám phụ khoa định kỳ. 35% bệnh phụ khoa có thể gây biến chứng nguy hiểm.
ThS.BS Dương Thị Hải Ngọc khuyên, để dự phòng nhiễm khuẩn đường sinh sản và bệnh phụ khoa, biện pháp dự phòng tốt nhất là ngăn chặn nhiễm trùng mới, theo 3 nhóm nguyên nhân. Dự phòng nhiễm trùng nội sinh gồm thay đổi thói quen sinh hoạt, vệ sinh đúng cách, cải thiện môi trường, điều kiện sống. Hạn chế, ngăn ngừa nhiễm trùng ngoại sinh, tuân thủ quy trình vô khuẩn, quy trình chuyên môn; đến cơ sở y tế tin cậy, an toàn để khám bệnh, chữa bệnh… Thực hành quan hệ tình dục an toàn, phòng bệnh lây qua đường tình dục bằng cách chung thuỷ 1 vợ-chồng; sử dụng bao cao su; không quan hệ tình dục khi đang mắc nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh phụ khoa.
Tại các chuỗi hoạt động của chiến dịch 20 triệu phụ nữ phụ khoa đúng cách – Hạnh phúc trọn vẹn", người tham gia có cơ hội được tiếp cận đến những thông tin chính xác, đáng tin cậy đến từ các chuyên gia, bác sĩ hàng đầu chuyên ngành phụ sản, được tư vấn và giải đáp các thắc mắc. Từ đó, chiến dịch mong muốn không chỉ giúp phụ nữ ở nhiều lứa tuổi trang bị kiến thức, kỹ năng để tự tin hơn trong giải quyết các vấn đề liên quan đến bệnh phụ khoa, sức khỏe sinh sản mà còn góp phần tác động tích cực đến nhận thức của cộng đồng xung quanh.
Ông Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ sức khỏe Bà Mẹ và Trẻ em, Bộ Y Tế cho biết, việc nâng cao nhận thức và chăm sóc cải thiện sức khỏe sinh sản cho phụ nữ là mục tiêu luôn được Bộ Y tế quan tâm. Thông qua hàng loạt các hoạt động đa dạng như truyền thông, tư vấn, tập huấn… ban tổ chức kỳ vọng, phụ nữ Việt Nam sẽ được chăm sóc sức khỏe phụ khoa, sức khỏe sinh sản tốt hơn, từ đó thêm tự tin để cân bằng sứ mệnh làm mẹ, làm vợ, đồng thời gặt hái nhiều thành công trong công việc, giúp phụ nữ hạnh phúc một cách trọn vẹn".
(Báo Sức khỏe &đời sống)