* Cảnh báo tai nạn thương tích ở trẻ em
Cứ mỗi năm vào kỳ nghỉ hè, số lượng trẻ bị tai nạn thương tích gia tăng do độ tuổi hiếu động, sự bất cẩn của trẻ và sự thiếu cảnh giác, lơ là, chủ quan của người lớn... Số trẻ nhập viện cũng tăng tại nhiều cơ sở y tế trong thời gian gần đây.
(Truyền hình Thông tấn vnews.gov.vn)
* Cảnh báo bệnh tay chân miệng gia tăng đột biến- Infographics
Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận 8.995 trường hợp mắc tay chân miệng. Đáng lo ngại, số ca mắc tay chân miệng có xu hướng tăng nhanh trong các tuần gần đây. Bộ Y tế khuyến cáo các địa phương và người dân cần tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng bệnh.
(Báo Tin tức)
* Liên tiếp trẻ đuối nước ở bể bơi: Đừng đánh mất “thời gian vàng” cứu trẻ
Nắng nóng kéo dài khiến các bể bơi luôn quá tải. Tuy mới bước vào hè, song đã có nhiều vụ trẻ bị đuối nước ở bể bơi và ao hồ quanh nhà. Chỉ trong 6 ngày (từ 30/5– 4/6), Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận 7 trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch do đuối nước tại bể bơi và ao hồ.
Trong số này, có 3 trẻ ngừng tim kéo dài và 4 trẻ suy hô hấp nguy kịch. Chỉ một chút sơ sểnh mà nhiều em bé đã suýt phải trả giá bằng tính mạng.
Suýt mất con vì sơ sểnh ở bể bơi
10 ngày sống trong lo lắng, tuyệt vọng trôi qua, giờ thấy con có thể ngồi chơi, nói chuyện, anh N.V.H (Hà Nội) vui mừng khôn xiết. Con trai anh H là cháu C.T (6 tuổi) bị đuối nước tại bể bơi vào ngày 31/5, khi đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương đã trong tình trạng nguy kịch. Việc cháu được cứu sống giống như một kỳ tích.
Theo anh H, chiều 31/5, cháu T được gia đình cho đi bơi ở gần nhà họ hàng ở nội thành Hà Nội. Chỉ vài phút sơ suất, cháu được mọi người xung quanh phát hiện đuối nước và đưa lên bờ trong tình trạng không tỉnh, tím tái, ngừng tim, ngừng thở. Sau khi được dốc ngược chạy quanh bể nhưng tình trạng không cải thiện, cháu V mới được đưa đến một bệnh viện cách đó khoảng 5 phút di chuyển. Tại đây, các bác sĩ nhanh chóng hồi sức tim phổi cho cháu T, sau 15 phút tim trẻ mới đập trở lại. Cháu được đặt nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị.
Khi đến Bệnh viện Nhi Trung ương, cháu vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp, suy tuần hoàn, tiên lượng rất nặng nề. Tại Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, các bác sĩ áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực, phối hợp với liệu pháp hạ thân nhiệt chủ động để bảo vệ não cho cháu bé. Sau 4 ngày hôn mê, cháu T dần tỉnh lại. Tới thời điểm hiện tại, cháu đã tỉnh, tự thở, tuy nhiên vẫn phải tiếp tục theo dõi lâu dài vì các di chứng thần kinh vẫn có thể xảy ra.
Cũng đang điều trị tại Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương vì đuối nước, nhưng bé B.M (20 tháng tuổi, Ninh Binh) không may mắn như bé C.T. Sau khi phát hiện đuối nước ở gần nhà, bé M. không được cấp cứu ban đầu mà bị vác ngược chạy vòng quanh. Khi không hiệu quả, trẻ được đưa đi cấp cứu nhưng thời gian di chuyển đến bệnh viện tỉnh quá dài, trên 30 phút. Vì vậy, dù bé có nhịp tim trở lại sau 15 phút cấp cứu ở tuyến dưới, song khi áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bé vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp, tiên lượng di chứng thần kinh nặng nề.
Vào mùa hè, Bệnh viện Nhi Trung ương thường tiếp nhận bệnh nhi bị đuối nước ở bể bơi. Nhiều người lớn cho rằng, trẻ bơi ở bể an toàn hơn ao, hồ nên đôi khi chủ quan, dù ngồi trên bờ nhưng không theo dõi con sát sao. Tại các bể bơi đều có nhân viên trông cứu hộ, song vào ngày hè, bể bơi quá đông người, vì vậy có cháu nhỏ không may đuối nước cũng không phát hiện kịp thời.
Tuyệt đối không bế dốc trẻ khi bị đuối nước
Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, trong những năm qua bệnh viện đã tiếp nhận hàng trăm bệnh nhi nặng và nguy kịch vì đuối nước. 7 trẻ đuối nước nguy kịch trong 6 ngày vừa qua (từ 30/5– 4/6) được đưa vào cấp cứu tại khoa Điều trị tích cực Nội khoa, có 3 trẻ ngừng tim kéo dài và 4 trẻ suy hô hấp nguy kịch. Điều đáng nói, trong số 7 trẻ chỉ có duy nhất 1 trẻ được hồi sức ban đầu đúng cách, các trường hợp còn lại đều được cấp cứu sai cách. Nhiều trường hợp dù không tỉnh, không thở nhưng vẫn không được cấp cứu ngừng tim ngay, thay vào đó là bế dốc chạy vòng quanh, làm chậm trễ cấp cứu.
Theo TS.BS Phan Hữu Phúc - Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Sức khoẻ Trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, Tổng thư ký Hội Nhi Khoa Việt Nam cho biết: Sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ đuối nước rất quan trọng vì nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ đuối nước là tổn thương não do thiếu oxy. Thời gian chịu đựng thiếu oxy của não tối đa chỉ khoảng từ 4-5 phút, nếu quá thời gian này sẽ dẫn tới tổn thương não không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh.
Để cứu sống trẻ trong khoảng “thời gian vàng” này, người cứu đuối đặc biệt chú ý, khi thấy một trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, ngừng tim thì cần phải hồi sức tim phổi (thổi ngạt, ép tim) ngay. Với trường hợp của bé C.T, thời gian trẻ bị ngừng tim kéo dài, không được hồi sức tim phổi ngay do sơ cứu sai cách bằng cách dốc ngược chạy. Song, may mắn là nơi trẻ gặp nạn gần kề cơ sở y tế. Bên cạnh việc hồi sức tích cực cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Trung ương, một phần rất lớn quyết định thành công của ca bệnh này đó chính là trẻ đã được cấp cứu ngừng tuần hoàn hiệu quả ở tuyến trước.
TS.BS Phan Hữu Phúc cho biết, để hồi sức thành công được các trường hợp ngừng tim do đuối nước cần áp dụng phối hợp rất nhiều biện pháp hồi sức tích cực. Bên cạnh các biện pháp hồi sức thường quy, tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã áp dụng liệu pháp hạ thân nhiệt chủ động theo đích, nghĩa là dùng các thiết bị đưa thân nhiệt cơ thể trẻ giảm xuống 33-34 độ C trong một vài ngày để bảo vệ não, tránh não tổn thương nặng hơn, giúp hồi phục trở lại. “Tuy nhiên, nếu trẻ chỉ ngừng tim 5-7 phút thôi nhưng không được xử lý cấp cứu ban đầu đúng cách thì kết quả điều trị sẽ không khả quan bằng”, BS Phúc nhấn mạnh.
BS cũng cho biết, cấp cứu ban đầu đúng cách sẽ quyết định sống còn của trẻ đuối nước. Nhưng đáng tiếc, vấn đề báo động là hiện nay vẫn còn rất nhiều người chưa nắm được kỹ năng cấp cứu đúng khi tiếp cận xử trí một trẻ bị đuối nước, mặc dù ngành y tế các cấp đã truyền thông rộng rãi.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong thập kỷ vừa qua, đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người trên toàn cầu. Ước tính, mỗi năm có khoảng 236.000 người tử vong do đuối nước. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em từ 5 đến 14 tuổi. Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện có gần 2.000 trẻ dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước mỗi năm. Do vậy, cha mẹ không được chủ quan kể cả khi đi bơi cùng trẻ, bởi tai nạn thương tích có thể xảy ra bất cứ lúc nào với trẻ.
(Báo Công an nhân dân)
* Hiểm họa khi chọn ngày đẹp đi bệnh viện
Nhiều người kiêng ngày rằm, mồng một, tháng "cô hồn" để đi viện, vừa gây quá tải, vừa khiến bệnh trở nặng, nguy hiểm tính mạng.
Đêm 27 Tết Nguyên đán 2023, bà Hường, 65 tuổi (ở Đống Đa), có dấu hiệu mệt mỏi, da xanh, môi tím, khó ăn uống và đi lại. Nhưng chồng bà, ông Lý, nhất định không đưa vợ đi khám vì sợ "mất Tết". Ông nghĩ "cả năm mới có một dịp Tết để sum vầy, sợ đi khám rồi bác sĩ bắt nhập viện".
Cầm cự đến mùng 4, thấy vợ ngày càng tiều tụy, ông và các con mới đưa bà vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán người bệnh thiếu máu thiếu sắt nặng, chỉ số tiểu đường và mỡ máu cao gấp ba lần bình thường. Bác sĩ nói trường hợp bà Hường nếu nhập viện đúng ngày có thể chỉ cần nhận đơn thuốc về uống. Song do đến viện muộn, sức khỏe suy yếu, các chỉ số đều ở mức nguy hiểm, buộc phải nhập viện điều trị biến chứng.
Tương tự, người phụ nữ 32 tuổi, mang thai 39 tuần, nhập viện trong tình trạng vỡ ối, có dấu hiệu nhiễm trùng, sốt cao do chồng trì hoãn đưa đi viện. Gia đình cho biết, chị vỡ ối chiều 29 Tết nhưng chồng không muốn sinh con vào cuối năm vì cho rằng không may mắn, khó nuôi. Người chồng cũng muốn chọn giờ đẹp trong năm mới Quý Mão, buộc chị phải nằm bất động tại nhà.
Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, bác sĩ Phan Chí Thành cho biết khi nhập viện, tình trạng bệnh nhân nguy kịch, nhịp tim tăng cao bất thường, ối cạn, đe dọa tính mạng, phải mổ ngay. Em bé chào đời bị rối loạn nhịp thở, thở nhanh, nhiễm trùng sơ sinh. Sản phụ bị nhiễm trùng phải điều trị kháng sinh liều cao, theo dõi tích cực.
Một sản phụ 29 tuổi cũng suýt tử vong do kiêng mổ ngày mồng một. Bệnh nhân bị tiền sản giật nặng ở tuần thai 37 nhưng không mổ vì nghĩ mồng một xui xẻo, không tốt cho con. Các bác sĩ kiên quyết thuyết phục, khẳng định nếu không mổ thì mất bé. Lúc này, gia đình mới đồng ý phẫu thuật.
Hôm 9/6, PGS.TS Nguyễn Văn Hướng, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết nhiều người dân có suy nghĩ kiêng ngày rằm và mùng một, đồng thời chọn ngày đẹp để đi khám bệnh. Đây là nét tâm lý đã ăn sâu vào đời sống văn hóa của người Việt, khi nhiều người quan niệm chọn ngày giờ tốt để thực hiện những việc quan trọng. Đặc biệt, khi đi khám, mọi người đều có kỳ vọng không muốn bị mắc bệnh.
Điều này dẫn đến tình trạng một số ngày trong tháng quá đông, một số ngày quá vắng. "Tuy những ngày rằm, mùng một trong tháng không quá nhiều, song vẫn gây áp lực lớn lên đội ngũ nhân viên y tế", bác sĩ nói.
Ông Hướng cho biết thêm, bệnh viện còn gặp tình trạng mọi người đổ xô khám vào buổi sáng, còn buổi chiều thưa thớt, gây quá tải cục bộ. Điều này dẫn đến việc điều phối khám chữa bệnh của bệnh viện gặp khó, gây chậm trễ trong điều trị cho bệnh nhân.
Ngoài ra, việc chọn ngày đẹp có thể ảnh hưởng tính mạng, nhất là với trường hợp nặng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ não. Ví dụ, bệnh đột quỵ não diễn biến rất nhanh, khung giờ vàng là trước 4,5 giờ. "Nếu chờ qua ngày Tết hoặc đi chọn ngày đẹp đi viện, dễ khiến bệnh nhân tử vong hoặc biến chứng nặng nề, khó hồi phục", bác sĩ cho hay.
Tình trạng chọn giờ đẹp cũng phổ biến ở nhiều mẹ bầu, với kỳ vọng sinh con thông minh, tài giỏi, hợp mệnh bố mẹ. Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện, cho rằng đây là quan niệm sai lầm. Bởi, sinh con là giai đoạn nguy hiểm, bác sĩ căn cứ trước tiên vào tình trạng, sức khỏe thai phụ, sau đó mới cân nhắc đến nguyện vọng gia đình. Ví dụ, thai phụ có dấu hiệu chuyển dạ sớm vẫn phải sinh, không vì kiêng mùng một mà dời đến ngày sau. Hay trường hợp mẹ bị nhau tiền đạo, ra máu, tiền sản giật, buộc phải nhập viện mổ lấy thai ngay, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng mẹ con.
Theo bác sĩ, trẻ sinh đủ tháng đảm bảo sức khỏe, cân nặng, mẹ cũng an toàn. Do đó, mẹ bầu không nên quá mê tín, cứng nhắc "ép" đứa trẻ ra đời theo mong muốn. Khi có dấu hiệu chuyển dạ, thai phụ cần nhập viện, tuyệt đối không kiêng hoặc trì hoãn thời gian chờ đến ngày đẹp.
Cùng quan điểm, bác sĩ Phan Chí Thành, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho rằng chưa có số liệu chính xác số trường hợp gia đình chọn giờ sinh con, song tỷ lệ ngày một tăng lên và nhiều trẻ bị "cưỡng bức" chào đời dẫn đến thiếu tháng, viêm phổi, viêm hô hấp.
Để giảm tải cho bệnh viện, mọi người có thể liên hệ đặt lịch khám qua tổng đài; đặc biệt, nhóm người già, trẻ nhỏ, thai phụ, có bệnh nền nên đặt lịch để được ưu tiên khám sớm.
Theo bác sĩ Hướng, người tái khám có thể chủ động đến bệnh viện vào buổi chiều, vì những trường hợp này chỉ cần kiểm tra cơ bản, tư vấn hoặc điều chỉnh đơn thuốc, không cần đến vào buổi sáng. Khi có biểu hiện bất thường, người bệnh cần nhập viện ngày, tuyệt đối không nên chọn giờ, ngày.
"Sức khỏe luôn được ưu tiên hàng đầu, đặc biệt trong điều trị cần càng nhanh càng tốt", bác sĩ nói.
(Báo Điện tử vnexpress)