* Mắc ung thư vú nhưng từ chối nhập viện để về đắp thuốc nam, nữ bệnh nhân nguy kịch
Ung thư vú nếu phát hiện sớm có thể điều trị hiệu quả, tuy nhiên người phụ nữ 52 tuổi ở Hà Nội khi được bác sĩ chẩn đoán ung thư vú đã không nhập viện mà về điều trị bằng thuốc nam…
Thông tin từ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, trong điều trị ung thư, phát hiện bệnh giai đoạn sớm là yếu tố quyết định khả năng chữa khỏi. Tuy nhiên có không ít người dù được phát hiện bệnh sớm nhưng lại chủ quan, đặt niềm tin sai chỗ mà bỏ lỡ giai đoạn “vàng” trong điều trị.
Mới đây, bệnh viện tiếp nhận nữ bệnh nhân 52 tuổi ở Hoàng Mai (Hà Nội) vào viện trong tình trạng biến chứng nguy kịch do tự điều trị ung thư vú.
Một năm trước, bệnh nhân này phát hiện có khối u tại vú phải, đi khám tại Bệnh viện K được chẩn đoán ung thư tuyến vú thể tiểu thùy xâm nhập, bác sĩ chỉ định nhập viện phẫu thuật. Tuy nhiên bệnh nhân không điều trị, tự về uống thuốc nam, đắp thuốc lá.
Đến đầu năm 2023, khối u tăng kích thước, sùi loét, hoại tử, bệnh nhân mới đến khám tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội. Lúc này, u vú phải có kích thước lên đến 20-25cm, loét da, chảy dịch, thâm nhiễm tổ chức da và cơ ngực lớn, hạch hố nách phải gồm nhiều hạch dính thành chùm, bác sỹ kết luận ung thư vú phải giai đoạn 3C.
Bệnh nhân gầy mòn, suy kiệt phải truyền máu và kết hợp xạ trị, hóa chất điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng trước khi tiến hành phẫu thuật.
Kíp phẫu thuật đã tiến hành cắt toàn bộ tuyến vú phải và vét hạch. Hạch lớn nhất to bằng quả trứng vịt dính vào tĩnh mạch nách, ăn sâu vào hạ đòn và nhiều hạch nhỏ khác đã được vét hết. Sau mổ, tình trạng bệnh nhân ổn định, lỗ khuyết hổng lớn khi cắt khối u đã được khép lại và liền tốt.
TS.BS. Vũ Kiên, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội kiêm Trưởng khoa Ngoại Vú – Phụ khoa cho biết, việc nhiều bệnh nhân mù quáng tin tưởng vào các phương pháp điều trị chưa được khoa học chứng minh không chỉ gây tốn kém, lãng phí tiền bạc mà còn có thể gây hại đến sức khỏe, làm bệnh tình thêm nguy hiểm và tiến triển xấu đi.
Báo An ninh thủ đô
* Kết thúc tình trạng khẩn cấp không đồng nghĩa kết thúc dịch Covid-19
Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố dịch Covid-19 không còn được coi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế. Tuy nhiên, hiện Covid-19 vẫn tiếp tục là một đại dịch và vi-rút SARS-CoV-2 vẫn đang tiếp tục biến đổi.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra công bố dịch Covid-19 không còn được coi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế hôm 5/5/2023 dựa trên các chỉ số quan trọng như số lượng người bệnh tử vong và tỷ lệ tử vong do Covid-19 đã giảm nhanh và ổn định trong thời gian gần đây. Đồng thời, số lượng người bệnh phải nhập viện và trường hợp nặng, đòi hỏi điều trị tích cực đã giảm đáng kể. Điều này cho thấy những biện pháp kiểm soát dịch bệnh mà thế giới triển khai đạt được kết quả tích cực.
Tuy nhiên, việc kết thúc tình trạng khẩn cấp toàn cầu không đồng nghĩa với việc dịch bệnh đã hoàn toàn kết thúc. Covid-19 vẫn tiếp tục là một đại dịch và vi-rút vẫn đang tiếp tục biến đổi. Mỗi tuần, hàng trăm nghìn người mắc bệnh và hàng nghìn người tử vong vẫn được ghi nhận trên toàn thế giới. Ngoài ra, một người nhiễm trong số mười người có thể phải đối mặt với tình trạng hậu Covid-19, ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng cuộc sống.
Do đó, việc kết thúc tình trạng khẩn cấp toàn cầu chỉ là một bước chuyển để giảm các biện pháp hạn chế di chuyển, trong khi các quốc gia vẫn cần duy trì biện pháp phòng, chống dịch bệnh và không được lơ là.
Đã có một số quốc gia hiểu sai thông điệp từ WHO và không áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Các nước cần áp dụng một chiến lược ứng phó với Covid-19 một cách phù hợp hơn. Thay vì duy trì trạng thái khẩn cấp, cần chuyển sang quản lý bệnh Covid-19 giống như các bệnh truyền nhiễm khác, đồng thời đánh giá nguy cơ một cách thường xuyên.
Việt Nam đạt được kết quả tốt trong việc kiềm chế sự gia tăng các ca nặng, nhập viện và tử vong nhờ tỷ lệ tiêm chủng ở mức cao. Nhưng hiệu quả bảo vệ của vắc-xin có thể giảm dần theo thời gian, do đó, WHO đã khuyến nghị tích hợp vắc-xin phòng Covid-19 vào chương trình tiêm chủng quốc gia cho nhóm nguy cơ cao.
Trong thời gian tới, Việt Nam cần duy trì tinh thần cảnh giác và không chủ quan trong việc kiểm soát Covid-19. Các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách xã hội, rửa tay thường xuyên và hạn chế các hoạt động tập trung vẫn là cách hiệu quả để giảm sự lây lan của vi-rút. Đồng thời, cần tăng cường năng lực xét nghiệm và theo dõi tiếp xúc để phát hiện sớm và cách ly các trường hợp nhiễm bệnh.
Việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng của Covid-19 là một tin tức gây quan ngại quốc tế, nhưng đáng để ăn mừng. Tại nhiều nơi, người dân đang tổ chức các sự kiện ăn mừng, tin rằng dịch bệnh đã kết thúc. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm để xem xét lại các biện pháp ứng phó toàn diện đã triển khai đối với đại dịch này.
Chúng ta cần nhìn vào những thành tựu của quốc gia trong cuộc chiến này. Cần nhận định đúng, Covid-19 vẫn tiếp tục là một mối đe dọa và việc công bố kết thúc tình trạng khẩn cấp chỉ đơn giản là khẳng định rằng chúng ta cần phải tăng tốc và lập kế hoạch cho quản lý dài hạn đối với vi-rút này.
Qua quá trình ứng phó với Covid-19, Việt Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và bài học quý. Chúng ta cần xem xét cách cải thiện hệ thống y tế và năng lực xét nghiệm, bảo đảm sẵn sàng đối phó với bất kỳ tình huống khẩn cấp nào trong tương lai. Ngoài ra, nâng cao nhận thức và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa cũng là điều rất quan trọng. Việc tăng cường nghiên cứu và phát triển vắc-xin, cùng với việc tích hợp vắc-xin Covid-19 vào chương trình tiêm chủng quốc gia, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm sự lây lan của vi-rút. Ngoài ra, duy trì một hệ thống theo dõi tiếp xúc hiệu quả và khả năng phản ứng nhanh chóng cũng sẽ đóng góp ngăn chặn sự lan truyền của dịch bệnh.
Trong bài phát biểu, Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh, đại dịch này đã và đang để lại những vết sẹo sâu đậm trên toàn cầu và tác động mạnh mẽ đến sức khỏe, kinh tế và xã hội của mọi quốc gia. Để tránh lặp lại những sai lầm trong quá trình ứng phó với đại dịch Covid-19, cần cam kết với các thế hệ tương lai rằng chúng ta sẽ không quay trở lại chu kỳ hoảng loạn và bỏ bê, làm tổn thương thế giới của chúng ta.
Thay vào đó, phải tiến về phía trước với một cam kết chung để đối mặt với những mối đe dọa chung thông qua một phản ứng chung. Để thực hiện cam kết này, cần tăng cường sự hợp tác và đoàn kết quốc tế; chia sẻ thông tin, tài nguyên và kinh nghiệm sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vi-rút và cách ứng phó hiệu quả với nó. Ngoài ra, cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để phát triển các phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị mới.
Một khía cạnh quan trọng khác là tăng cường hệ thống y tế và phòng, chống dịch bệnh, nâng cao khả năng phát hiện, giám sát và phản ứng nhanh chóng đối với các dịch bệnh mới nổi, đồng thời tăng cường hệ thống chăm sóc y tế cơ bản và cung cấp đủ tài nguyên cho việc chữa trị và bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.
Trong cuộc họp khẩn giữa Bộ Y tế Việt Nam với đại diện WHO tại Việt Nam, Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, chiến lược của Việt Nam đối với Covid-19 được nêu rõ là: duy trì năng lực quốc gia và xây dựng kế hoạch hành động quốc gia, bảo đảm sẵn có các nguồn lực như vắc-xin, phương tiện chẩn đoán và điều trị để ứng phó với các tình huống bùng phát dịch; tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng, chống lây nhiễm trong bệnh viện, chú trọng bảo vệ người bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh nền và phụ nữ mang thai; lồng ghép tiêm vắc-xin phòng Covid-19 vào chương trình tiêm chủng quốc gia, tăng cường tiêm chủng cho nhóm nguy cơ cao và lưu ý về việc tiêm nhắc lại, đặc biệt là đối với nhóm di biến động, người mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch và phụ nữ mang thai; huy động sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể.
Triển khai lồng ghép giám sát bệnh Covid-19 vào giám sát bệnh viêm phổi và duy trì báo cáo số liệu; theo dõi sự biến đổi của vi-rút thông qua giải trình tự gen và nghiên cứu sâu hơn về tình trạng hậu Covid-19.
Phát triển chiến lược quản lý dài hạn đối với Covid-19 dựa trên bối cảnh và đánh giá nguy cơ. Tiếp tục duy trì truyền thông về các hoạt động phục hồi sau đại dịch và hiểu đúng về dịch Covid-19; truyền thông các vấn đề liên quan đến mức độ nghiêm trọng của dịch và cân nhắc chuyển đổi phân loại bệnh từ nhóm A sang nhóm B.
Tiếp tục dỡ bỏ các biện pháp về giới hạn y tế liên quan đến di chuyển dựa trên đánh giá nguy cơ của quốc gia. Covid-19 vẫn chưa thành bệnh theo mùa vì các nước vẫn xảy ra ca bệnh vào nhiều thời điểm khác nhau và khó dự đoán. Bệnh vẫn còn khá mới và chưa có quy luật rõ ràng, khó dự báo và còn nhiều điều chưa biết về nó vì vậy cần áp dụng cách tiếp cận theo thời điểm tùy theo tình hình dịch một cách thận trọng.
Với cách tiếp cận này, Bộ Y tế cần sớm đưa ra một chiến lược quản lý dài hạn đối với Covid-19, trong đó điều chỉnh các kịch bản ứng phó với dịch, đồng thời xây dựng một khung hành động với các biện pháp cụ thể để đối phó với các tình huống dịch bùng phát, thực hiện giám sát thường xuyên đối với Covid-19.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền cần tập trung vào tình hình dịch bệnh, tiếp tục thực hiện tốt nguyên tắc “2K” (khẩu trang và khử khuẩn) kèm theo vắc-xin, điều trị và sử dụng công nghệ, cũng như nâng cao ý thức của người dân đặc biệt tại các cơ sở y tế, trên phương tiện công cộng, nhà ga, bến xe và các địa điểm, sự kiện tập trung đông người. Phối kết hợp các biện pháp một cách tổng thể mới có thể giúp bảo đảm khả năng kiểm soát dịch, giảm nguy cơ bùng phát và quá tải hệ thống y tế xuống mức thấp nhất trong thời gian tới.
Báo Nhân dân
* Việt Nam có thể thanh toán ung thư cổ tử cung trong 30 năm tới
Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Việt Nam hoàn toàn có thể thanh toán ung thư cổ tử cung trong 30 năm tới nếu việc tiêm chủng HPV được triển khai cho 90% trẻ em gái vị thành niên; 70% phụ nữ được khám sàng lọc ung thư cổ tử cung.
Ngày 10-5, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) công bố Nghiên cứu về hiệu quả đầu tư tiêm chủng HPV (ung thư cổ tử cung) tại Việt Nam do tổ chức này phối hợp thực hiện cùng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Đại học Victoria và Viện Daffodil (Australia).
Theo nghiên cứu này, ung thư cổ tử cung đang là căn bệnh mang lại mối quan tâm lớn cho sức khỏe cộng đồng. Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung là do nhiễm vi rút HPV (một loại vi rút gây u nhú ở người - Human Papillomavirus). Năm 2018, ung thư cổ tử cung xếp thứ 6 trong danh sách các loại ung thư phổ biến nhất với phụ nữ Việt Nam, với 4.200 ca mắc mới và 2.420 ca tử vong.
Tuy nhiên, ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể ngăn ngừa được. Với mục tiêu thanh toán căn bệnh này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới có các biện pháp cụ thể để bảo đảm 90% trẻ em gái trước 15 tuổi được tiêm chủng HPV, 70% phụ nữ trước 35 tuổi được khám sàng lọc ung thư cổ tử cung sử dụng các hình thức xét nghiệm với độ chính xác cao, và họ được tái xét nghiệm trước 45 tuổi. Đồng thời, bảo đảm chữa trị cho 90% phụ nữ được phát hiện tiền ung thư và 90% phụ nữ đã bị ung thư xâm lấn cho đến năm 2030.
Tại Việt Nam, tỷ lệ tiêm chủng HPV và sàng lọc ung thư cổ tử cung vẫn còn thấp. Theo Điều tra các chỉ tiêu Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) về Phụ nữ và Trẻ em do Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2021 với sự hỗ trợ của UNFPA và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), chỉ 12% phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi 15-29 đã tiêm vắc xin và chỉ 28% phụ nữ từ 30-49 tuổi đã được khám sàng lọc ung thư.
Nghiên cứu đã chỉ ra, Việt Nam hoàn toàn có thể thanh toán ung thư cổ tử cung trong 30 năm tới nếu việc tiêm chủng HPV được triển khai cho 90% trẻ em gái vị thành niên; 70% phụ nữ được khám sàng lọc ung thư cổ tử cung và 90% phụ nữ bị tiền ung thư hoặc đang bị ung thư cổ tử cung được điều trị đầy đủ.
Nếu kết hợp tiêm chủng HPV với sàng lọc và điều trị thì Việt Nam có thể thanh toán ung thư cổ tử cung chỉ trong vòng 29 năm, sớm hơn nếu chỉ thúc đẩy tiêm chủng HPV.
Nghiên cứu cũng ước tính rằng, một đô la đầu tư vào các chương trình ngăn ngừa ung thư cổ tử cung có thể mang lại lợi ích kinh tế tương đương từ 5 đến 11 đô la. Số tiền này tăng lên vào khoảng từ 8 đến 20 đô la nếu kết hợp lợi ích kinh tế và xã hội.
Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (Bộ Y tế), nghiên cứu đã cho thấy những bằng chứng mạnh mẽ về hiệu quả chi phí và lợi ích từ việc đầu tư và đưa ra tiến độ thanh toán ung thư cổ tử cung ở Việt Nam. Những bằng chứng khoa học này đáng để Chính phủ cân nhắc, bố trí nguồn lực cần thiết cho việc xây dựng các chiến lược tối ưu về phòng chống ung thư cổ tử cung ở nước ta.
UNFPA cũng cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và các đối tác triển khai thực hiện tiêm chủng HPV tại Việt Nam.
Báo Hà Nội mới
* Bụng to, rong kinh bất thường, người phụ nữ phát hiện u xơ tử cung
Thông tin từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bác sĩ Nguyễn Xuân Hải - Trưởng khoa Phụ nội tiết A1 của bệnh viện đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhân T.T.N. lấy ra khối u kích thước 120 x 160 mm.
Chị T.T.N. 54 tuổi ở Thuỵ Khuê, Hà Nội nhận thấy bụng to, rong kinh bất thường nên đến Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội để thăm khám. Qua hình ảnh siêu âm, các bác sĩ phát hiện tử cung kích thước to hơn bình thường, thành sau đáy tử cung có khối hỗn hợp âm kích thước 120 x 160 mm – hình ảnh u xơ tử cung L6 theo FIGO. Chị N. phải nhập viện để phẫu thuật.
Chị N. đã lựa chọn bác sĩ Nguyễn Xuân Hải - Trưởng khoa Phụ nội tiết A1 mổ theo yêu cầu. Sau mổ, bệnh nhân ổn định chuyển theo dõi hậu phẫu tại khoa A5.
Theo các bác sĩ, u xơ tử cung hay còn gọi là nhân xơ tử cung là một bệnh lý lành tính của tử cung. Tuy nhiên, u xơ tử cung có thể dẫn đến hậu quả nặng nề cho sức khỏe của chị em do gây ra các triệu chứng như: Kinh nguyệt kéo dài, rong kinh, chảy máu bất thường giữa kỳ kinh….
Nếu tình trạng chảy máu kéo dài, chị em có thể bị thiếu máu, rất nguy hiểm. Một biến chứng khác nguy hiểm nhưng hiếm gặp hơn là các khối u xơ lớn có thể đè lên bàng quang và niệu quản, áp lực này có thể dẫn đến tổn thương thận. Các biến chứng khác bao gồm vô sinh và sảy thai nhiều lần…
Chuyên gia y tế khuyến cáo, chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng 1 lần để giúp chị em phát hiện và điều trị sớm nếu có bệnh lý bất thường.
Báo Kinh tế đô thị