* Khắc phục ngay tình trạng thiếu vaccine trước ngày 24/6/2023
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 218/TB-VPCP ngày 10/6/2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về việc giải quyết vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Chương trình Tiêm chủng mở rộng phòng các bệnh truyền nhiễm có thể gây thành dịch cho trẻ em dưới 5 tuổi là chương trình Quốc gia để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em. Vì vậy, cần được triển khai thực hiện thống nhất trên cả nước, trong đó có việc mua sắm tập trung vaccine, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. Bộ Y tế cần tổ chức truyền thông để thấy rõ hiệu quả của chủ trương này.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện đang thiếu một số loại vaccine thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng: (i) Vaccine DPT (phòng bệnh bạch hầu - Ho gà - Uốn ván); (ii) vaccine 5 trong 1 (phòng bệnh Viêm gan B, Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván và phòng bệnh viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib). Việc bảo đảm có vaccine sớm nhất là một nhiệm vụ cấp bách, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Y tế căn cứ Điều 22 của Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ hướng dẫn Luật Đấu thầu, Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ để áp dụng mua sắm vaccine cho tiêm chủng mở rộng với hình thức cấp bách này với hình thức chỉ định thầu, đấu thầu, đàm phán giá, đặt hàng.
Bộ trưởng Bộ Y tế, theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động, khẩn trương chỉ đạo, thực hiện ngay các giải pháp phù hợp để kịp thời khắc phục ngay tình trạng thiếu vaccine trước ngày 24/6/2023.
Bộ trưởng Bộ Y tế trong ngày 10/6/2023 làm việc ngay với các đơn vị sản xuất trực thuộc Bộ Y tế để cung ứng vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng; làm việc với các nhà sản xuất, cung cấp, nhập khẩu để thương thảo, thực hiện cơ chế mua sắm trước, trả tiền sau. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đưa ra các giải pháp khoa học để đánh giá ảnh hưởng, có các phương án phù hợp với các trường hợp trẻ chưa được tiêm chủng.
Ngày 10/6, trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về bố trí ngân sách mua vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế xây dựng dự thảo Nghị quyết về bố trí ngân sách Trung ương cho Bộ Y tế để mua vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng; trình Chính phủ trong ngày 10/6/2023.
Sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định phân bổ ngân sách, Bộ Y tế khẩn trương tổng hợp nhu cầu, dự toán kinh phí gửi Bộ Tài chính để trình cấp có thẩm quyền quyết định; tổ chức triển khai ngay việc mua, cung ứng vaccine cho các địa phương.
Bộ trưởng Bộ Y tế làm việc với cơ quan y tế nước ngoài, Tổ chức y tế thế giới; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài tìm kiếm các nguồn hỗ trợ, viện trợ,… về vaccine cho tiêm chủng mở rộng, nhất là vaccine phối hợp 5 trong 1 để đáp ứng ngay yêu cầu cấp bách của Chương trình tiêm chủng mở rộng.
(Báo Kinh tế & đô thị)
* Chưa có cơ sở bố trí ngân sách mua vaccine tiêm chủng mở rộng năm 2023
Bộ Tài chính cho biết không có quy định ngân sách TW bảo đảm kinh phí mua vaccine trong tiêm chủng mở rộng mà thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước về phân cấp ngân sách Nhà nước.
Bộ Tài chính vừa có văn bản số 5609/BTC-HCSN gửi Văn phòng Chính phủ về góp ý mua sắm vaccine chương trình tiêm chủng mở rộng, thuốc ARV, thuốc lao và vitamin A.
Theo đó, liên quan đến việc bố trí kinh phí mua vaccine Chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023, Bộ Tài chính cho biết sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt 3 chương trình mục tiêu quốc gia, năm 2022, Bộ Tài chính đã rà soát các quy định pháp luật hiện hành về cơ sở bố trí nguồn kinh phí mua vaccine tiêm chủng mở rộng khi không còn thực hiện cơ chế chương trình mục tiêu y tế-dân số giai đoạn 2016-2020.
Bộ Tài chính cho biết không có quy định ngân sách Trung ương bảo đảm kinh phí mua vaccine trong tiêm chủng mở rộng mà thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước về phân cấp ngân sách nhà nước. Kinh phí mua vaccine tiêm chủng mở rộng tại địa phương do ngân sách địa phương bảo đảm.
Trên cơ sở đó, từ năm 2022, Bộ Tài chính đã có 3 công văn trao đổi với Bộ Y tế về cơ sở pháp lý bố trí kinh phí từ ngân sách trung ương để mua vaccine chương trình tiêm chủng mở rộng tại các địa phương.
Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Y tế xây dựng dự toán năm 2023 đối với các nhiệm vụ, nội dung do Bộ Y tế thực hiện theo quy định và có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện từ nguồn ngân sách địa phương. Trường hợp cần thiết bố trí ngân sách Trung ương thực hiện mua một số thuốc, vaccine, cho trẻ em dưới 5 tuổi (ngoài các đối tượng thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia) đề nghị Bộ Y tế trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để có cơ sở bố trí kinh phí ngân sách trung ương.
Bộ Tài chính đã có công văn gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố hướng dẫn thực hiện một số nhiệm vụ thuộc chương trình mục tiêu y tế-dân số giai đoạn 2016-2020 chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên. Đến nay, Bộ Y tế không trình cấp có thẩm quyền quyết định về việc bố trí ngân sách trung ương (cụ thể là bố trí dự toán cho Bộ Y tế) để mua vaccine tiêm chủng mở rộng.
Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn các địa phương về triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc chương trình mục tiêu y tế-dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên, trong đó có nội dung đề nghị địa phương bố trí nguồn ngân sách địa phương để mua vaccine năm 2023 theo quy định.
Vì vậy, Bộ Tài chính cho biết chưa có cơ sở để bố trí ngân sách Trung ương cho Bộ Y tế để mua vaccine tiêm chủng mở rộng năm 2023.
Liên quan đến vướng mắc của các địa phương, Bộ Tài chính cho hay theo Tờ trình số 669/TTr-BYT, đến nay Bộ Y tế nhận được văn bản của 16 tỉnh, thành phố báo cáo một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện.
Theo đó, các địa phương chủ yếu vướng mắc trong việc mua sắm vaccine tiêm chủng mở rộng, thuốc lao, thuốc ARV và Vitamin A như việc bố trí kinh phí của địa phương, việc tham khảo giá mua sắm và tổ chức thực hiện...; đồng thời đề nghị Bộ Y tế thực hiện việc đấu thầu tập trung, đặt hàng hoặc thực hiện đàm phán giá.
Do vậy, Bộ Tài chính cho rằng, các địa phương không có vướng mắc về cơ chế chính sách, chủ yếu vướng mắc trong khâu tổ chức thực hiện bố trí kinh phí, đấu thầu, đặt hàng.
Liên quan đến mua sắm thuốc ARV, thuốc lao và Vitamin A, đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương thực hiện theo quy định như ý kiến của Bộ Tài chính tại công văn số 10095/BTC-HCSN ngày 04/10/2022.
Để kịp thời có vaccine tiêm chủng mở rộng, Bộ Tài chính cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chính phủ đưa vào nghị quyết việc ngân sách Trung ương tiếp tục bố trí cho Bộ Y tế để mua vaccine tiêm chủng mở rộng toàn quốc từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương và bổ sung dự toán ngân sách năm 2023 cho Bộ Y tế để thực hiện.
Đồng thời giao Bộ Y tế trình Chính phủ sửa Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 quy định về hoạt động tiêm chủng, trong đó quy định ngân sách trung ương (bố trí cho Bộ Y tế) bảo đảm kinh phí sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế cho trẻ em, phụ nữ có thai phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng.
(Báo Vietnamplus)