* Dân số Hà Nội đông đúc, cao gấp 8,2 lần mật độ dân số cả nước
Hà Nội là địa phương đông dân thứ hai của cả nước và có mật độ dân số cao thứ hai trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Sáng 10/7, Sở Y tế Hà Nội tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11/7 với chủ đề “Phát huy sức mạnh của bình đẳng giới: Nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái để giải phóng tiềm năng vô hạn của thế giới chúng ta”.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Trong những năm qua để cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 21, ngành dân số cùng các cấp, các ngành đã triển khai đồng bộ các hoạt động trên các lĩnh vực, quy mô, cơ cấu và nâng cao chất lượng dân số phù hợp với yêu cầu chuyển hướng công tác dân số.
Hà Nội là địa phương đông dân thứ hai của cả nước và có mật độ dân số cao thứ hai trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Với mật độ dân số là 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số cả nước.
Hà Nội đã đạt mức sinh thay thế, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tuy có giảm so mỗi năm nhưng chưa bền vững; tỷ lệ tăng dân số hàng năm ở mức cao tạo ra áp lực lớn cho kinh tế - xã hội Thủ đô.
Hiện nay, chất lượng dân số đã từng bước được nâng cao, thành phố phê duyệt và triển khai thực hiện đồng bộ các đề án, chương trình, kế hoạch, hoạt động mô hình về nâng cao chất lượng dân số ở 30/30 quận, huyện, thị xã; 579/579 xã, phường, thị trấn.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, kết quả 6 tháng đầu năm 2023, các chỉ tiêu cơ bản hoàn thành kế hoạch: tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đạt 7,0 % (giảm 0,04% so cùng kỳ 2022); tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt 68,2 % (tăng 4% so cùng kỳ 2022); tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 85,0% (tăng 1,07% so cùng kỳ 2022); tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 88,0 % (tăng 1,67% so cùng kỳ 2022); tỷ lệ cặp nam nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 45,0 % (tăng 17% so cùng kỳ 2022); tỷ số giới tính khi sinh ở mức 112,1 trẻ trai/100 trẻ gái.
Ngoài ra, nhiều mô hình được duy trì và nhân rộng tại các địa bàn trên toàn thành phố như mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng; mô hình can thiệp truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản – kế hoạch hóa gia đình tới vùng dân cư đặc thù; mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân và mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên…
Tuy nhiên, công tác dân số của Hà Nội vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức do cơ cấu dân số trẻ nên hàng năm số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ vẫn ở mức cao, góp phần làm tăng số sinh của thành phố; tốc độ gia tăng dân số cơ học hàng năm ở mức cao, góp phần làm tăng quy mô dân số.
Bên cạnh đó, quy mô dân số lớn, địa bàn dân cư rộng, dân trí không đồng đều, nhận thức và tâm lý muốn có nhiều con và thích có con trai vẫn là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao.
Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 21 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và các đề án, chương trình, kế hoạch trọng tâm về công tác dân số của thành phố theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia của các ngành, đoàn thể, nâng cao hiệu quả Ban chỉ đạo công tác dân số các cấp, phát huy mạnh mẽ vai trò của MTTQ, các đoàn thể, nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội và tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sàng dân số và phát triển.
Đổi mới, đa dạng hóa hình thức, phương pháp truyền thông, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, chính sách về dân số.
Mở rộng toàn diện nội dung truyền thông về quy mô, cơ cấu, quản lý và phân bố dân số đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số.
Tuyên truyền các nội dung về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân; sàng lọc trước sinh và sơ sinh, quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đặc biệt là những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.
Tại lễ mít tinh, ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế ghi nhận và đánh giá cao công tác dân số của thành phố Hà Nội đạt được trong thời gian qua.
Hà Nội đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác dân số nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 21 của Ban chấp hành Trung ương trong tình hình mới.
Thời gian tới, đồng chí Phạm Vũ Hoàng đề nghị thành phố Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch số 74 của Thành ủy Hà Nội và Kế hoạch số 94 của UBND TP về công tác dân số; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia của các ngành, đoàn thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo dân số của thành phố và các cấp, đưa công tác dân số thành một nội dung quan trọng trong chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm, tăng cường tham gia phối hợp chặt chẽ và đồng bộ của các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác dân số, nâng cao chất lượng dân số Thủ đô.
(Báo Sức khỏe và đời sống)
* Bệnh viện rà soát, xây dựng giá dịch vụ khám chữa bệnh phù hợp
Thông tư 13 của Bộ Y tế mới ban hành quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) của các bệnh viện công. Đây là thông tư quan trọng, tạo điều kiện cho các bệnh viện nâng cao chất lượng KCB, giúp bệnh nhân, nhân viên y tế đều hưởng lợi.
Thống nhất mức giá
Nhiều năm nay, các bệnh viện trong cả nước đã triển khai dịch vụ KCB theo yêu cầu. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn cụ thể về khung giá chung nên mỗi bệnh viện đưa ra một giá khác nhau, chưa thống nhất.
Vì vậy, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 13/2023/TT-BYT (Quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ KCB theo yêu cầu do cơ sở KCB của Nhà nước cung cấp đã hướng dẫn chi tiết cho các bệnh viện về các nội dung liên quan đến KCB theo yêu cầu.
Thông tư nhằm thống nhất giá và các điều kiện khám dịch vụ cho bệnh viện công, không để tình trạng mỗi nơi một giá hoặc điều kiện vật chất, dịch vụ chưa tương xứng với giá mà bệnh viện quy định. Thông tư này có có hiệu lực từ ngày 15/8 tới.
Đồng thời, thông tư cũng là cơ sở hành lang pháp lý quan trọng để các bệnh viện dựa vào đó ban hành giá kỹ thuật cho dịch vụ KCB theo yêu cầu. Đây cũng là thông tư quan trọng, đáp ứng nhu cầu phát triển của các bệnh viện và nhu cầu KCB ngày càng cao của người dân. Hiện, các bệnh viện đang rà soát để xây dựng lại giá phù hợp và đảm bảo không vượt quá khung giá trên để có thể triển khai.
Theo tìm hiểu của PV, tại Bệnh viện Bạch Mai, trung bình mỗi ngày KCB khoảng 6.000- 8.000 lượt người bệnh, cao điểm có dịp lên đến hơn 8.000 lượt người bệnh. Tại Khoa Khám bệnh theo yêu cầu của bệnh viện, hiện giá khám bệnh theo yêu cầu cao nhất được quy định là 150.000 đồng/lượt. Mức giá này thực hiện theo giá bảo hiểm y tế (BHYT) quy định và chỉ thu thêm một phần để chi trả tiền ngoài giờ cho bác sĩ.
Trong 3 năm qua, hầu hết giá khám và giá dịch vụ khác đều là theo giá BHYT. Giá khám của GS.PGS là 150.000 đồng/ lượt; TS và BSCKII là 120.000 đồng/lượt; Thạc sĩ và BSCKI là 70.000 đồng/ lượt, tuy nhiên, mức thu như vậy ở một bộ phận người dân khám theo yêu cầu.
Từ sau đại dịch Covid-19, đây là cơ sở y tế tuyến cuối, luôn trong tình trạng quá tải. Tuy nhiên, với mức giá khám bệnh theo yêu cầu này, bệnh viện khó đảm bảo thu nhập cho đội ngũ nhân lực chất lượng cao và không thể phát triển các dịch vụ chất lượng cao.
Nêu quan điểm về Thông tư 13, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, Thông tư 13 hết sức mở cho các bệnh viện. Bởi vì không quy định, cố định giá mà có dải giá từ mức tối thiểu đến tối đa để các bệnh viện căn cứ vào điều kiện của mình và người bệnh xây dựng giá phù hợp với từng bệnh viện, điều kiện cơ sở vật chất.
Thực tế, hiện nay, nhu cầu KCB của người dân ngày càng cao, một bộ phận người dân đi nước ngoài KCB tiêu tốn nguồn lực kinh tế lớn. Vì vậy, thông tư này sẽ đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của người dân và giữ chân một bộ phận người dân ra nước ngoài.
“Thông tư lần này cũng cho phép các bệnh viện, cơ sở y tế công lập có thể thực hiện được các hợp tác công tư và liên doanh, liên kết hợp tác. Đặc biệt, có thể hợp tác với các cơ sở y tế nước ngoài, bệnh viện, chuyên gia y tế nước ngoài để KCB cho người dân ở trong nước” – PGS.TS Đào Xuân Cơ nêu rõ.
Còn tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trước đây, giá khám bệnh theo yêu cầu tối đa là 450.000 đồng/lượt. Tuy nhiên cách đây một thời gian, bệnh viện đã chủ động điều chỉnh giá khám tối đa 300.000 đồng/lượt, không có sự phân biệt khi khám GS hay bác sĩ giỏi.
Về giá giường bệnh dịch vụ tại bệnh viện hiện là 2,2 triệu/ giường/ phòng. Tuy nhiên, bệnh viện chỉ có 7 phòng bệnh có giường ở mức giá này. Giường dịch vụ thấp nhất giá 320.000 đồng/ giường.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày, bệnh viện thăm khám khoảng 4.500 - 5.000 lượt người bệnh, trong đó, khoảng 30% khám bệnh theo yêu cầu. Bệnh viện cũng đã đưa ra yêu cầu các chuyên gia hạn chế số khám theo yêu cầu tối đa trong một ngày để đảm bảo dành phần lớn thời gian phục vụ người bệnh khám thông thường.
Đề cập đến Thông tư 13, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, việc ban hành Thông tư 13 của Bộ Y tế là kịp thời để đón đầu cho Luật KCB sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.
“Thông tư 13 tạo điều kiện cho các bệnh viện nâng cao chất lượng KCB, điều này giúp cả bệnh nhân và nhân viên y tế đều hưởng lợi. Việc Bộ Y tế quy định dải giá rộng như thế, tạo điều kiện cho các bệnh viện sẽ lựa chọn được mức giá phù hợp theo cơ chế thị trường”- PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ.
Nguồn tham khảo cụ thể để xây dựng giá phù hợp
Thông tư 13 cũng là cơ sở để các bệnh viện đa khoa hạng I có thể áp dụng và xây dựng dựa trên cơ sở hạ tầng để đáp ứng theo các mức giá khác nhau.
Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Văn Thường – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho hay: “Để xây dựng giá KCB phù hợp với từng bệnh viện thì các bệnh viện phải nghiên cứu kỹ về cơ sở hạ tầng, trình độ bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện có đáp ứng được không? Hay nhóm bệnh nhân vào bệnh viện ở phân khúc nào. Họ sẵn sàng chi trả khoảng bao nhiêu?
Bởi, nếu chúng ta xây dựng giá quá cao, vượt phân khúc thì bệnh nhân cũng không đến với mình. Ngược lại, bệnh viện không đáp ứng được cơ sở hạ tầng, điều kiện về chuyên môn, kỹ thuật của nhân viên y tế thì cũng không đảm bảo”.
TS Nguyễn Văn Thường cũng thông tin, sau khi có Thông tư 13, chúng tôi tham khảo có thể sẽ phải xây dựng lại. Nhưng bệnh viện cũng phải tính đến nhóm bệnh nhân có thể vào bệnh viện. Nếu xây dựng giá cao quá, người bệnh không đến bệnh viện thì lại không có tác dụng.
Thông tư 13 được ban hành đã tạo hành lang pháp lý để bệnh viện có căn cứ vào cơ sở xây dựng bảng giá cho phù hợp. Giá dịch vụ KCB theo yêu cầu được xây dựng trên 6 yếu tố bao gồm: Chi phí trực tiếp, tiền lương, quản lý đề phòng rủi ro, khấu hao tài sản và chi phí tích lũy để tái đầu tư.
Qua khảo sát của Bộ Y tế, tỷ lệ bệnh nhân lựa chọn KCB theo yêu cầu chỉ dưới 10% tại các bệnh viện tuyến Trung ương và tỉnh. Ở tuyến huyện, hầu như không có. Với những trường hợp có BHYT vẫn được thanh toán theo quy định.
Để xây dựng khung giá này, thời gian qua, Bộ Y tế đã khảo sát gần 100 bệnh viện từ Trung ương đến tuyến huyện có cung ứng dịch vụ KCB theo yêu cầu. Với Thông tư 13, khung giá khám bệnh theo yêu cầu quy định từ 500.000 đồng/lượt đối với hạng đặc biệt và thấp nhất là trên 30.000 đồng.
Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Y tế Dương Đức Thiện cho biết, trước đây, các cơ sở KCB đang triển khai cung ứng dịch vụ KCB theo yêu cầu dựa trên nhiều văn bản quy phạm khác nhau. Hiện nay, với thông tư này, các cơ sở y tế có một nguồn tham khảo cụ thể để xây dựng giá KCB phù hợp với điều kiện của cơ sở y tế và đảm bảo đúng quy định.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận, mục đích ban hành thông tư này là tạo cơ sở pháp lý để các cơ sở KCB phát triển và cung cấp dịch vụ KCB theo yêu cầu theo đúng định hướng xã hội hóa công tác y tế. Hướng dẫn cơ sở KCB xây dựng bảng giá dịch vụ KCB theo yêu cầu đúng quy định.
Hạn chế người có khả năng kinh tế phải ra nước ngoài KCB và thu hút người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài KCB tại Việt Nam; tạo điều kiện phát triển các gói BHYT bổ sung.
Bộ Y tế nhấn mạnh, giá dịch vụ KCB theo yêu cầu chỉ áp dụng cho người tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ KCB theo yêu cầu và không ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT hoặc không có nhu cầu KCB tự nguyện.
Do đó, với các bệnh viện đang thực hiện giá cao hơn mức quy định, tức là trên 500.000 đồng/lượt khám, Bộ đã yêu cầu rà soát và điều chỉnh cho phù hợp với khung giá ban hành. Đồng thời, các cơ sở y tế khi ban hành giá dịch vụ theo yêu cầu cần phải đánh giá về cơ sở hạ tầng và chất lượng điều trị.
Với trường hợp KCB tại bệnh viện không phải là bệnh nhân chuyển tuyến, khi không có nhu cầu KCB theo yêu cầu, bệnh viện không được phân luồng, ép buộc KCB theo yêu cầu và được lựa chọn KCB theo đúng quy định. Thông tư cũng quy định một số chỉ tiêu chất lượng, nguyên tắc các cơ sở y tế sẽ phải thực hiện khi cung cấp dịch vụ KCB theo yêu cầu.
Theo các chuyên gia, việc ban hành khung giá KCB theo yêu cầu sẽ khuyến khích các cơ sở y tế nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần cải thiện thu nhập để cán bộ y tế yên tâm phục vụ lâu dài.
(Báo Kinh tế& đô thị)
* Bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ: Cấp cứu thành công nhiều ca bệnh nặng
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ đã cấp cứu thành công nhiều ca bệnh nặng như cấp cứu ngừng tuần hoàn, băng huyết sau đẻ, phẫu thuật cấp cứu thành công ca sản phụ suy thai cấp, rau tiền đạo, vết mổ đẻ cũ lần 3.
Ngày 10/7, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đã có buổi làm việc với Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ về công tác triển khai hoạt động chuyên môn của đơn vị.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ Đỗ Viết Tuyến cho biết, đơn vị là bệnh viện đa khoa hạng 2 tuyến huyện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, có 19 khoa, phòng, với tổng số hơn 300 cán bộ, viên chức, người lao động.
Năm 2023, bệnh viện được Sở Y tế Hà Nội giao chỉ tiêu 290 giường kế hoạch, bệnh viện đã giao các khoa lâm sàng thực kê 365 giường.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, bệnh viện đã thực hiện cấp cứu thành công nhiều ca bệnh nặng như: cấp cứu ngừng tuần hoàn, băng huyết sau đẻ, phẫu thuật cấp cứu thành công ca sản phụ suy thai cấp, rau tiền đạo, vết mổ đẻ cũ lần 3.
Triển khai các kỹ thuật cao như: thay khớp háng, kết xương đùi, phẫu thuật tắc ruột, xoắn ruột, phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn, phẫu thuật nội soi hệ tiết niệu, tuyến giáp, sản phụ khoa,… Trong 6 tháng đầu năm đã có gần 100.000 lượt người đến khám và điều trị.
Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, bệnh viện đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khám bệnh, chữa bệnh. Triển khai khám chữa bệnh bằng căn cước công dân, qua ứng dụng VNeID, VssiD; sử dụng cây lấy số tự động, triển khai đặt lịch khám online, thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng phần mềm LIS cho khoa xét nghiệm,...
Thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với bệnh viện tuyến trên và chuyên khoa đầu ngành triển khai và đưa kỹ thuật mới, kỹ thuật vượt tuyến vào điều trị cho bệnh nhân, hạn chế bệnh nhân chuyển lên tuyến trên. Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ khám và điều trị cho người bệnh.
Để tiếp tục làm tốt công tác khám chữa bệnh, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đề nghị bệnh viện cần xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định phương hướng hoạt động rõ ràng theo từng giai đoạn. Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Không ngừng thay đổi nhận thức, tinh thần, thái độ, giao tiếp ứng xử, nâng cao chất lượng chăm sóc, phục vụ của cán bộ y tế, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Trước đó, Sở Y tế đã phối hợp với bệnh viện giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ bệnh viện trong hoạt động chuyên môn. Triển khai thực hiện Chương trình khám, quản lý sức khỏe cho Nhân dân trên địa bàn huyện, đây là hoạt động nhằm cụ thể hóa Chương trình số 08 của Thành ủy Hà Nội khóa 17 về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025”.
Đồng thời, tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn giúp bệnh viện tối ưu hóa, nâng cao hiệu suất khám, chữa bệnh với mục tiêu nhanh, chính xác và người dân thuận tiện hơn.
Theo dõi được tình trạng của bệnh nhân qua các lần khám, điều trị, quản lý hồ sơ sức khỏe. Việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng là tiền đề để xây dựng y tế thông minh, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Y tế trong thời gian tới.
(Báo Kinh tế &đô thị)