*WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
Ngày 11-5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây quan ngại quốc tế (PHEIC).
Tháng 7-2022, WHO đã tuyên bố đậu mùa khỉ là PHEIC và tái khẳng định quy chế này vào tháng 11-2022 và tháng 2-2023. PHEIC là mức cảnh báo cao nhất mà WHO đưa ra đối với một dịch bệnh. Covid-19 là ví dụ điển hình về PHEIC, vừa được WHO tuyên bố kết thúc vào ngày 5-5 vừa qua sau hơn 3 năm.
Phát biểu tại họp báo trực tuyến, Tổng Giám đốc WHO Adhanom Ghebreyesus cho biết sau khi số ca nhiễm giảm mạnh, ông đã chấp nhận đề nghị của Ủy ban khẩn cấp WHO về đậu mùa khỉ về việc dỡ bỏ mức cảnh báo cao nhất.
Trước đó, trong cuộc họp của ủy ban này, ông Ghebreyesus cho biết số ca đậu mùa khỉ được báo cáo trên toàn cầu trong 3 tháng qua ít hơn tới 90% so với số ca của 3 tháng trước đó.
Theo số liệu mới nhất của WHO, từ đầu năm 2022 đến ngày 8-5 vừa qua, đã có trên 87.000 người mắc bệnh đầu mùa khỉ tại trên 100 nước trên thế giới.
Báo Hà Nội mới
*Hà Nội thu hồi thuốc PMRemem giảm di chứng tai biến không đạt chất lượng
Sở Y tế Hà Nội đã có Công văn số 2001/SYT-NVD về việc thu hồi thuốc PMRemem không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Thực hiện công văn số 4568/QLD-CL ngày 5/5/2023 của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế về việc mẫu thuốc PMRemem không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Sở Y tế thông báo thu hồi trên địa bàn Hà Nội thuốc PMRemem (Ginkgo biloba leaf ext dry conc (50:1) 120mg tương đương ginkgo biloba (dry) 6g), SDK: VN-11788-11, Lô SX: 918874, NSX: 03/02/2022, HD: 03/02/2025, Công ty Probiotec Pharm Pty. Ltd. (Australia) sản xuất, Công ty CP Dược phẩm Hà Tây nhập khẩu.
Mẫu thuốc lấy tại Công ty TNHH MTV 120 Armephaco không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định tính, định lượng, độ tan rã và giới hạn nhiễm khuẩn.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Hà Tây, Công ty CP Thương mại Dược phẩm và trang thiết bị y tế Thuận Phát, Công ty TNHH MTV 120 Armephaco. Thực hiện thu hồi triệt để thuốc PMRemem (Ginkgo biloba leaf ext dry conc (50:1) 120mg tương đương ginkgo biloba (dry) 6g), SDK: VN- 11788-11, Lô SX: 918874 không đạt tiêu chuẩn chất lượng trên địa bàn Hà Nội và các cơ sở đã mua lô thuốc này từ Công ty TNHH MTV 120 Armephaco; gửi báo cáo thu hồi, hồ sơ thu hồi theo quy định tại công văn số 4568/QLD-CL.
Sở Y tế sẽ kiểm tra, giám sát việc thu hồi của các đơn vị và việc báo cáo tình hình phân phối, gửi mẫu bổ sung để kiểm tra chất lượng của Công ty CP Dược phẩm Hà Tây.
Các cơ sở y tế công lập trực thuộc ngành, các cơ sở y tế ngoài công lập, các DN kinh doanh thuốc, các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn khẩn trương rà soát, thu hồi lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên.
Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã thông báo đến cơ sở hành nghề trên địa bàn quản lý; tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu hồi của cơ sở (nếu có).
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội đăng thông tin và phối hơp với các cơ quan truyền thông thông tin tới cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn bán, sử dụng.
Báo Kinh tế đô thị
*Ngày Quốc tế Điều dưỡng (12/5): Khẳng định vai trò đặc biệt của điều dưỡng trong hệ thống y tế
Ngày 11/5, phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Điều dưỡng (12/5), Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Năm 2023, Hội đồng Điều dưỡng Thế giới đã đưa ra thông điệp hành động là: "Điều dưỡng chúng ta -Tương lai của chúng ta".
“Hưởng ứng thông điệp nêu trên của Hội đồng Điều dưỡng Thế giới, Bộ Y tế tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Điều dưỡng để ghi nhận, tôn vinh đóng của người điều dưỡng, hộ sinh đồng thời thể hiện chiến lược, định hướng của ngành Y tế Việt Nam trong việc từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc người bệnh tiến tới hội nhập điều dưỡng khu vực và quốc tế”, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ.
Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao và biểu dương nỗ lực, đóng góp quan trọng, hiệu quả của đội ngũ điều dưỡng trong xây dựng chính sách, tổ chức quản lý chăm sóc, đào tạo, thực hành chăm sóc và nghiên cứu khoa học.
Chất lượng chăm sóc người bệnh đã có chuyển biến rõ rệt thông qua việc đổi mới các mô hình phân công chăm sóc, tổ chức chăm sóc người bệnh, chuẩn hóa các kỹ thuật điều dưỡng. Dịch vụ do người điều dưỡng, hộ sinh cung cấp ngày càng góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân và nâng cao vị thế nghề nghiệp, hình ảnh của người điều dưỡng, hộ sinh. Đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, điều dưỡng, hộ sinh đã đóng góp rất hiệu quả cùng với các bác sỹ và nhân viên y tế khác từng bước đẩy lùi bệnh dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, hiện tại, công tác điều dưỡng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều nơi còn quan niệm cho rằng “Nghề điều dưỡng là nghề phục vụ, điều dưỡng chỉ là người làm theo y lệnh của bác sỹ”. Nguồn nhân lực điều dưỡng thiếu nhiều về số lượng và năng lực chuyên môn thấp hơn so với nhiều nước khu vực. Công tác chăm sóc người bệnh tại các cơ sở y tế còn phụ thuộc nhiều vào người nhà người bệnh. Điều dưỡng hành nghề chưa phù hợp với văn bằng đào tạo. Đào tạo điều dưỡng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và hội nhập. Hệ thống lãnh đạo, quản lý điều dưỡng chưa phù hợp...
“Trong thời gian tới, ngành Y tế tập trung các giải pháp nhằm đổi mới căn bản và toàn diện về công tác điều dưỡng. Trong đó, ngành tập trung nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác điều dưỡng, phát triển nguồn nhân lực điều dưỡng, thúc đẩy phát triển công nghệ và trang thiết bị phục vụ nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh toàn diện trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu chăm sóc thực tiễn và hội nhập điều dưỡng khu vực ASEAN”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, các cấp lãnh đạo ngành Y tế tiếp tục quan tâm, đầu tư, ghi nhận và tôn vinh vai trò của người điều dưỡng vì một tương lai tươi sáng của nghề điều dưỡng, cũng như của ngành Y tế nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững, bảo hiểm y tế toàn dân và sức khỏe cho mọi người.
Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam ghi nhận vai trò đặc biệt quan trọng của các điều dưỡng, hộ sinh, nhất là trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19; đồng thời khẳng định vai trò của đội ngũ điều dưỡng trong chăm sóc sức khỏe người bệnh.
“Như chúng ta đã thấy trong đại dịch COVID-19, điều dưỡng và hộ sinh là trụ cột của lực lượng nhân viên y tế, là trái tim đang đập của hệ thống y tế. Điều dưỡng có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống y tế cơ sở - là tương lai của chúng ta”, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh.
Tiến sĩ Angela Pratt cho biết, nhằm nâng cao tầm quan trọng của vai trò của điều dưỡng và hộ sinh, vào năm 2020, WHO đã xuất bản "Báo cáo thực trạng điều dưỡng thế giới". Năm 2021, WHO tiếp tục công bố "Báo cáo thực trạng hộ sinh thế giới", cung cấp bằng chứng về tình tình hình hiện tại của ngành Điều dưỡng và hộ sinh, lĩnh vực ưu tiên cần tập trung. Gần đây, WHO đã xuất bản "Định hướng Chiến lược toàn cầu cho điều dưỡng và hộ sinh" giai đoạn 2021 - 2025, trong đó xác định 4 định hướng chiến lược để tăng cường lực lượng điều dưỡng, hộ sinh.
Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của ngành Y tế Việt Nam nhằm cải thiện đào tạo, chuyên môn và môi trường làm việc của điều dưỡng; khẳng địnhnWHO cam kết hỗ trợ tối đa cho những nỗ lực này.
Tiến sĩ Trần Quang Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam chia sẻ: Trên thực tế, điều dưỡng đóng vai trò không thể thiếu trong chăm sóc và phục hồi sức khỏe cho người bệnh. Họ là những người đầu tiên tiếp cận người bệnh khi đến bệnh viện, có trách nhiệm chăm sóc, theo dõi, phối hợp đồng nghiệp, cán bộ y tế khác nhằm thực hiện những can thiệp chăm sóc, điều trị toàn diện với chất lượng tốt nhất cho người bệnh trong suốt quá trình điều trị. “Người điều dưỡng cũng là cán bộ y tế cuối cùng tiếp xúc với người bệnh trước khi họ xuất viện; hướng dẫn, tư vấn sức khỏe, dặn dò điều cần thiết sau khi người bệnh xuất viện cũng như hoàn thiện thủ tục hành chính khi xuất viện”.
Lực lượng điều dưỡng đóng góp quan trọng vào nghiên cứu và phát triển y tế, đưa ra hoặc áp dụng các phương pháp chăm sóc điều trị mới, cải tiến các quy trình chăm sóc, nâng cao chất lượng chăm sóc y tế. Vì vậy, ngành Điều dưỡng đóng một vai trò rất quan trọng không chỉ ở hiện tại mà còn cả trong tương lai của hệ thống y tế.
Thông tấn xã Việt Nam
*Báo động tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên
Hiện tình trạng trẻ vị thành niên (VTN) mang thai, sinh con không còn là hiếm mà đã trở thành vấn nạn báo động của toàn xã hội. Theo các bác sĩ, việc mang thai và sinh nở khi còn quá sớm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống tương lai của trẻ, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dân số và xã hội.
Nhiều hệ lụy khi mang thai ở tuổi VTN
Vừa qua, theo thông tin từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, các bác sĩ bệnh viện đã tiếp nhận đỡ đẻ cho một sản phụ mới chỉ 13 tuổi, đẻ thường, em bé chào đời nặng 2,9kg.
Bé gái này được chuyển cấp cứu từ tuyến dưới lên khi tới viện, các bác sĩ vừa đưa vào phòng sinh thì sản phụ đã đẻ ngay. Sau sinh, sức khỏe hai mẹ con bình thường, hiện đã ra viện.
Tương tự, tại Khoa Sức khỏe VTN - Bệnh viện Nhi Trung ương cũng từng tiếp nhận điều trị một trẻ 14 tuổi, mang thai và không có kiến thức làm mẹ ở tuổi vị thành niên. Hay trước đó, tại Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng đã tiếp nhận một nữ sinh sinh con. Cô gái trẻ sinh năm 2009 phát hiện mình mang thai khi vừa học hết lớp 11, rất may mắn vì mẹ tròn, con vuông.
Theo bác sĩ Khoa sản Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, đây không phải trường hợp đầu tiên Khoa tiếp nhận các sản phụ còn là học sinh lứa tuổi đang ngồi trên ghế nhà trường.
Thực tế cho thấy, không có kiến thức về sức khỏe sinh sản, gia đình chưa quan tâm, bị lạm dụng hay không ít trường hợp đơn giản chỉ là tò mò đã khiến trẻ VTN mang thai. Đáng lo ngại, có những em không hề biết là mình đang mang thai. Chỉ đến khi gia đình nhận thấy bất thường và đưa đi khám, tuổi thai đã rất lớn.
Qua tư vấn và trao đổi, các bác sĩ nhận thấy hầu hết các em đều không có kiến thức về phòng tránh thai hay sức khỏe sinh sản. Đây là nguyên nhân khiến nhiều trường hợp thai 32 tuần tuổi gia đình mới biết.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Loan, Trưởng Khoa Sức khỏe VTN, Bệnh viện Nhi Trung ương: VTN là những trẻ từ 10 đến 19 tuổi. Vào thời điểm này, trẻ phát triển các chức năng sinh dục, sinh sản, nhu cầu tình dục xuất hiện và chưa đủ kỹ năng để kiểm soát ham muốn tình dục.
Đồng thời, trẻ thiếu tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, chưa được giáo dục đầy đủ về sức khỏe giới tính, cha mẹ còn hời hợt về việc giáo dục cho con em… dẫn đến nguy cơ mang thai ngoài ý muốn rất cao và để lại nhiều hệ lụy trong tương lai.
Đặc biệt bác sĩ Loan lưu ý, mang thai ở tuổi VTN trẻ dễ gặp những nguy cơ khi tiếp tục giữ thai và sinh đẻ. Cụ thể, mang thai ở tuổi VTN ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, nguy cơ tử vong mẹ vẫn còn cao so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành. Mẹ dễ bị thiếu máu, tiền sản giật, đẻ non, sẩy thai, chuyển dạ đình trệ, bất tương xứng thai khung chậu. Trong lúc sinh thường hay đẻ khó, dễ phải can thiệp bằng các thủ thuật và phẫu thuật.
Cùng với đó, tỷ lệ tử vong trẻ em sinh ra do các bà mẹ tuổi VTN trong năm đầu cao hơn so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành. Con của các bà mẹ VTN thường có tỉ lệ nhẹ cân, bệnh tật và tử vong cao gấp nhiều lần so với con của các bà mẹ tuổi trưởng thành.
“Bên cạnh đó, về mặt kinh tế - xã hội, khi có thai ở tuổi VTN trẻ phải gián đoạn việc học hành, khó khăn về kinh tế và không kiếm được việc làm dễ bị bế tắc, ảnh hưởng đến tương lai. Trẻ dễ bị phân biệt đối xử. Đặc biệt, khi làm mẹ sớm trẻ dễ bị căng thẳng và khủng hoảng tâm lý”, bác sĩ Loan phân tích.
Phòng ngừa mang thai ở tuổi VTN
Cũng do mặc cảm, xấu hổ nên khi có thai ngoài ý muốn trẻ VTN thường tìm kiếm dịch vụ phá thai không an toàn. Theo các chuyên gia, nếu trẻ VTN nạo, phá thai sẽ phải đối mặt với nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý, đặc biệt nguy cơ có thể dẫn đến vô sinh.
Để hạn chế tình trạng nạo, phá thai ở trẻ VTN, vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là cần trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản cho trẻ trên cơ sở phát huy vai trò của gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội.
Bác sĩ Loan cho biết, VTN là giai đoạn thay đổi về thể chất và tâm sinh lý. Vì thế, khi có con trong độ tuổi này, cha mẹ nên quan tâm đến con cái nhiều hơn. Các bậc cha mẹ nên dành nhiều thời gian trò chuyện tâm sự với con những định hướng đúng đắn về tình cảm. Các bậc phụ huynh và nhà trường nên phối hợp để trang bị cho trẻ những kiến thức về sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính, giúp các em có kiến thức và nhận thức đúng đắn, tránh được những sai lầm không đáng có.
Bên cạnh đó, ngành chức năng cần tăng cường giáo dục, chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, hướng dẫn các biện pháp tránh thai phù hợp, hạn chế tình trạng phá thai và ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục.
Đặc biệt, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường - gia đình - xã hội. Từ đó, giúp các em được trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính và sức khỏe sinh sản, góp phần nâng cao chất lượng dân số trong tương lai.
Hiện nay, Khoa Sức khỏe VTN, Bệnh viện Nhi Trung ương đã và đang thực hiện các chương trình giáo dục giới tính, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục lồng ghép các chương trình giáo dục tại các trường học nhằm giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn ở trẻ trong độ tuổi này.
Tương tự, trong tháng 4/2023, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã phối hợp với Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội, phòng Giáo dục Đào tạo các quận huyện trong Thành phố tổ chức các buổi Giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên tại các điểm trường trung học cơ sở trên địa bàn Hà Nội.
Tại các buổi Giáo dục sức khỏe, các bác sĩ, nhân viên y tế của các bệnh viện, trung tâm y tế đã mang đến cho học sinh những nội dung về giới tính, tình bạn, tình yêu, tình dục, phòng tránh thai, phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục...
Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh tới nội dung các nguy cơ và cách phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em.Thông qua buổi truyền thông đã trang bị cho các em học sinh những kiến thức để tự chăm sóc sức khỏe tuổi VTN, kỹ năng ứng xử trước sự thay đổi về tâm, sinh lý, cũng như nâng cao sức khỏe cho bản thân…
Báo Lao động thủ đô
*Chỉ có 3 thuốc Vitamin A còn hiệu lực Giấy đăng ký lưu hành, Bộ Y tế đề nghị tăng sản xuất, tìm nguồn cung, nhập khẩu
Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đề nghị các cơ sở sản xuất thuốc, cơ sở nhập khẩu thuốc tăng cường nghiên cứu, sản xuất, tìm nguồn cung ứng và nhập khẩu thuốc Vitamin A nói chung và Vitamin A liều cao để cung ứng cho các chương trình y tế.
Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các cơ sở sản xuất thuốc, cơ sở nhập khẩu thuốc về việc tăng cường nguồn cung ứng Vitamin A đơn thành phần dược chất.
Cục Quản lý Dược cho biết đã nhận được Công văn số 3133/SYT-NVD đề ngày 27/04/2023 của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh về việc thiếu nguồn cung ứng thuốc Vitamin A đơn thành phần dược chất (gọi tắt là Vitamin A) để sử dụng cho chương trình y tế.
Theo Cục Quản lý Dược, trước đây, Vitamin A liều cao (hàm lượng 100.000 IU và 200.000 IU) dùng để bổ sung cho trẻ từ 6 đến 60 tháng tuổi theo Quyết định số 3893/QĐ-BYT ngày 11/10/2007 của Bộ Y tế được các tổ chức nước ngoài viện trợ, nhập khẩu vào Việt Nam và phân bổ cho các tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương theo nhu cầu.
Theo Công văn số 1810/BYT-KH-TH ngày 03/04/2023 của Bộ Y tế về việc triển khai các nhiệm vụ thuộc CTMT Y tế - Dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên và Công văn số 389/VDD-KHTH ngày 18/04/2023 của Viện Dinh dưỡng về việc chủ động bố trí nguồn kinh phí mua sắm Vitamin A liều cao cấp cho trẻ em và phụ nữa sau sinh: Từ năm 2023, các tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương phải chủ động xây dựng kế hoạch mua sắm Vitamin A từ nguồn kinh phí của địa phương hoặc từ nguồn của các Chương trình Mục tiêu quốc gia đã được phân bổ cho địa phương.
Cục Quản lý Dược cho biết, hiện nay, chỉ có 03 thuốc Vitamin A (hàm lượng 5.000 IU) có Giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam. Do đó, để đảm bảo nguồn cung ứng thuốc Vitamin A nói chung và Vitamin A liều cao nói riêng, Cục Quản lý Dược đề nghị các cơ sở sản xuất thuốc, cơ sở nhập khẩu thuốc tăng cường nghiên cứu, sản xuất, tìm nguồn cung ứng và nhập khẩu thuốc Vitamin A nói chung và Vitamin A liều cao (hàm lượng 100.000 IU và 200.000 IU) để cung ứng cho chương trình y tế.
Cục Quản lý Dược nhấn mạnh: Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ sở báo cáo kịp thời về Cục Quản lý Dược để xem xét, giải quyết theo quy định.
Báo Sức khỏe đời sống