*Đến trung tâm y tế quận, Đại biểu Quỹ Toàn cầu bất ngờ trước kết quả phòng, chống HIV/AIDS
Ngày 12/5/2023, Đoàn chuyên gia của Quỹ Toàn cầu đã có buổi thăm và làm việc với Trung tâm y tế quận Nam Từ Liêm về hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, lao và các hoạt động liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh…
Đây là một trong những hoạt động bên lề Hội nghị cấp cao lần thứ 49 của Ban Điều hành Quỹ Toàn cầu, diễn ra trong 4 ngày (8-12/5) tại Hà Nội.
Phát biểu tại buổi làm việc, BS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm cho biết, Trung tâm là đơn vị sự nghiệp y tế công lập đa chức năng, gồm 3 phòng chức năng, 5 chuyên khoa chuyên môn, 1 phòng khám đa khoa và 10 trạm y tế phường.
Năm 1989, Trung tâm quản lý ca nhiễm HIV đầu tiên trên địa bàn quận. Các dịch vụ triển khai tại phòng khám hiện nay bao gồm: Tư vấn xét nghiệm HIV; cung cấp bơm kiêm tiêm, bao cao su; điều trị PrEP, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; điều trị methadone, điều trị ARV, viêm gan C, lao và dự phòng lao, các bệnh không lây nhiễm, hỗ trợ cai nghiện thuốc lá cho người nhiễm HIV…
Từ năm 2009, Trung tâm tiến hành điều trị ARV bằng nguồn thuốc của dự án Quỹ Toàn cầu. Đến nay đã điều trị ARV cho 1.712 người. 100% người có HIV dương tính xét nghiệm tại phòng khám ngoại trú (OPC), được điều trị trong 24 giờ; 100% bệnh nhân được theo dõi tải lượng virus, trong đó 96,7% xét nghiệm trong vòng 12 tháng. Tỷ lệ ức chế virus đạt 99,5% và tỷ lệ không phát hiện là 96,5%.
Tất cả bệnh nhân điều trị HIV được sàng lọc, điều trị/điều trị dự phòng lao; được sàng lọc sức khỏe tâm thần và hỗ trợ can thiệp cho người bệnh; 94% được sàng lọc và điều trị các bệnh lý kèm theo như viêm gan B, C và các bệnh không lây nhiễm…; 100% được kết nối chuyển gửi trong trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn của trung tâm…
Về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), đến nay có 1.039 người được điều trị; trong đó 62% là MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới); 100% được hỗ trợ thuốc và các xét nghiệm liên quan. Ngoài kinh phí Nhà nước cấp, còn có sự hỗ trợ của các dự án, trong đó có Quỹ Toàn cầu.
Có được kết quả trên, BS. Trang cho biết, là nhờ có sự lồng ghép các dịch vụ tại 1 cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh đến khám và điều trị; sử dụng tối đa quyền lợi bảo hiểm y tế, giảm chi phí của người bệnh và tăng tiếp cận sử dụng dịch vụ; tối ưu hóa sử dụng nguồn nhân lực giúp nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị toàn diện cho người bệnh…
Bà ErikaPlacella, Thành viên ban điều hành Quỹ Toàn cầu, đại diện Đoàn cho biết, bà rất ấn tượng với những thành tựu mà Trung tâm đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là vấn đề lồng ghép cũng như tích hợp các dịch vụ trong chăm sóc y tế, khám chữa bệnh liên quan tới lao, HIV/AIDS.
"Con số làm tôi thực sự ấn tượng liên quan tới tải lượng virus cũng như dịch vụ PrEP cung cấp cho bệnh nhân. Tuy nhiên vẫn còn những dư địa để chúng ta có thể phát triển hơn nữa. Đó là làm thế nào để chúng ta có thể cân bằng giữa cung và cầu, cải thiện và đa dạng hóa hơn nữa các cách tiếp cận khác nhau, để có thể vươn tới các nhóm yếu thế trong cộng đồng…", bà ErikaPlacella nói.
Báo Sức khỏe đời sống
*Tăng cường phòng chống ngộ độc thực phẩm
Thời tiết nắng nóng khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn, cộng với thói quen sử dụng, chế biến, bảo quản thực phẩm không đúng cách làm gia tăng nỗi lo ngộ độc.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 4/2023, cả nước xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm với 117 người bị ngộ độc. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 25 vụ với 344 người bị ngộ độc, trong đó có 8 người tử vong. Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân xảy ra ngộ độc thực phẩm có thể đến ở mọi khâu, từ lựa chọn nguyên liệu, sơ chế, chế biến, cho đến bảo quản, bày bán...
Khảo sát tại một số quán cơm bình dân trên phố Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội), không khó để bắt gặp cảnh nhân viên dùng chung dao thớt khi chế biến đồ ăn chín và đồ tươi sống. Khi chế biến, nhân viên lúc dùng tay bốc thịt sống, lúc lại thái thịt chín.
Lúc đông khách, các loại đĩa đựng đồ tươi sống chỉ được lau qua trước khi đựng đồ ăn chín. Một bộ phận người tiêu dùng có thói quen sử dụng thức ăn đường phố.
Hình ảnh gánh hàng rong với vài vật dụng đơn sơ vẫn thu hút đông thực khách khá phổ biến trên phố phường Hà Nội. Nhiều cửa hàng bán thực phẩm chế biến sẵn không có tủ kính che đậy, bày bán trên vỉa hè, đường phố nườm nượp người qua lại.
Ảnh hưởng của ngộ độc thực phẩm tới sức khỏe biểu hiện ở nhiều mức độ; nhẹ nhất là đau bụng, nôn, tiêu chảy, mất nước...; nặng hơn là tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, liệt, co giật, hôn mê, thậm chí tử vong.
Theo các chuyên gia y tế, ngộ độc thực phẩm có nhiều nguyên nhân, nhưng phổ biến nhất là do vi khuẩn và do các độc tố của vi khuẩn. Tiếp theo là ngộ độc do hóa chất bảo vệ thực vật, chất phụ gia, chất bảo quản… Ảnh hưởng của ngộ độc thực phẩm tới sức khỏe biểu hiện ở nhiều mức độ; nhẹ nhất là đau bụng, nôn, tiêu chảy, mất nước...; nặng hơn là tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, liệt, co giật, hôn mê, thậm chí tử vong.
Trước những nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), thành phố Hà Nội và các tỉnh đã triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023, với chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.
Thực hiện từ ngày 15/4 đến 15/5, Tháng hành động vì ATTP năm 2023 của Hà Nội mang nhiều hoạt động như:
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, ATTP; đề cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực hiện pháp luật về ATTP; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, ATTP;
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, ATTP; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, ATTP; nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.
Báo Nhân dân
*Không chủ quan trong phòng, chống dịch Covid-19
Đúng như dự đoán của các nhà chuyên môn, số ca mắc mới Covid-19 tăng mạnh trở lại sau 5 ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30-4 và 1-5. UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương chủ động tăng cường giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, sẵn sàng đáp ứng với những tình huống thực tế. Đồng thời, đặc biệt chú trọng tới công tác tuyên truyền để người dân không chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là phòng dịch
Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại các chợ truyền thống như Nhân Chính, Thành Công, Cầu Diễn... cho thấy, người dân có tâm lý chủ quan, lơ là phòng, chống dịch Covid-19. Nhiều người không đeo khẩu trang khi mua sắm, bán hàng ở nơi đông người. Hoạt động mua bán, giao tiếp diễn ra bình thường. Người dân đứng sát nhau mua hàng, tiếp xúc trực tiếp với người bán hàng nhưng không hề có ý e ngại về khả năng lây lan dịch bệnh. Tại chợ Thành Công, chị Nguyễn Thị Hằng (phường Láng Hạ, quận Đống Đa) cho biết: "Tôi tranh thủ chạy ra chợ mua ít hoa, quả nên quên mang theo khẩu trang".
Ở các bến xe như Mỹ Đình, Nước Ngầm... hiếm thấy người dân tìm đến vị trí đặt nước sát khuẩn để sử dụng như trước. Ngay cả khi lên phương tiện công cộng như xe buýt, nhiều hành khách cũng không đeo khẩu trang. Trong khi đó, dịch vụ vận tải khác cũng tương tự. Anh Nguyễn Lân Huy (phường Định Công, quận Hoàng Mai) cho biết, trong ngày 10-5, người lái xe máy công nghệ đón anh khi kéo khẩu trang xuống dưới cằm, đến khi anh nhắc thì mới kéo khẩu trang lên.
Còn tại những địa điểm công viên, vườn hoa như: Công viên Thanh Xuân (quận Thanh Xuân), Công viên hồ Thành Công (quận Ba Đình)... có lượng người vào tập thể dục buổi sáng và chiều khá đông nhưng hầu hết mọi người đều lơ là việc đeo khẩu trang, không chú trọng bảo vệ sức khỏe bản thân. Trong đó, có không ít người cao tuổi, là đối tượng nguy cơ cao, dễ nhiễm vi rút. Thấy các triệu chứng mệt mỏi, ho, sốt ngay sau dịp nghỉ lễ dài ngày, chị Nguyễn Đỗ Hà Minh (quận Hai Bà Trưng) test nhanh thì nhận kết quả dương tính với Covid-19 nên đã xin nghỉ làm việc để điều trị. “Điều lo lắng nhất là tôi cùng các con đi chơi khá nhiều nơi, về nhà ông bà nội, ngoại nên nếu lần lượt lây nhau thì sẽ rất mệt mỏi”, chị Nguyễn Đỗ Hà Minh lo lắng.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30-4 và 1-5, gần 2.500 bệnh nhân Covid-19 điều trị nội trú, trong đó 7 trường hợp tử vong tại bệnh viện và 10 trường hợp tiên lượng tử vong được gia đình xin về. Đặc biệt, số ca mắc Covid-19 tăng hơn 1.000 ca so với trước dịp nghỉ lễ.
Chủ động bảo vệ sức khỏe người dân
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, do vi rút SARS-CoV-2 vẫn biến đổi không ngừng tạo ra các biến chủng mới có khả năng lây lan nhanh, né tránh được hệ miễn dịch, trong khi người dân có tâm lý chủ quan không thực hiện những biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, tiêm vắc xin nhắc lại... nên số ca mắc Covid-19 tăng trong thời gian vừa qua. Sở sẽ theo dõi sát diễn biến dịch để xử lý kịp thời, không để dịch bùng phát.
Nhằm chủ động ứng phó với diễn biến dịch Covid-19 sau dịp nghỉ lễ, các địa phương đều tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân và chuẩn bị đầy đủ lượng vắc xin phục vụ người dân có nhu cầu tiêm chủng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện hiện tương đối ổn định. Huyện đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại xã, thị trấn; tăng thời lượng phát thanh, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác trên hệ thống phát thanh; khuyến cáo người dân nghiêm túc thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì Khuất Văn Sơn cho biết, Trung tâm Y tế huyện tổ chức 2 điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân tại Trạm y tế xã Tân Triều và Trạm y tế xã Đại Áng để phục vụ người dân đến tiêm chủng. Cùng với việc phòng, chống dịch bệnh mùa hè khác, Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì đặc biệt tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của thành phố trong đó liên tục tuyên truyền về việc không được chủ quan trong phòng bệnh.
Để bảo đảm công tác tiêm chủng an toàn, chất lượng và chủ động trong phòng, chống dịch Covid-19, Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy cũng triển khai 2 điểm tiêm chủng cố định để tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Trạm y tế phường Yên Hòa và phường Mai Dịch. Các trạm y tế khác trên địa bàn rà soát, lập danh sách đối tượng chưa tiêm và chưa tiêm đầy đủ, tuyên truyền, vận động họ tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bên cạnh những nỗ lực của thành phố Hà Nội và cơ quan chức năng trong việc chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch, cũng như sự tham gia của chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể triển khai truyền thông phòng, chống dịch bệnh thì người dân cũng cần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong bảo vệ sức khỏe gia đình và cộng đồng.
Báo Hà Nội mới
*Điều chỉnh việc tiêm vắc xin phòng COVID-19
Mặc dù dịch COVID-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu, nhưng đại dịch chưa kết thúc vì vậy Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu người dân tiêm vắc xin phòng COVID-19, thực hiện tiêm nhắc lại cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao.
Trả lời câu hỏi trong thời gian tới, Bộ Y tế có khuyến cáo thế nào về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 sau khi đã tiêm đủ 4 mũi, hoặc tiêm mũi nhắc lại thứ 2 hoặc triển khai thêm mũi tăng cường cho những người thuộc nhóm nguy cơ, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay: “Theo khuyến cáo cập nhật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) các nhóm cần ưu tiên tiêm nhắc vắc xin COVID-19 gồm: người lớn tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng, những người suy giảm miễn dịch, người có bệnh lí nền, bệnh lí mạn tính cần được tiêm đủ liều cơ bản và tiêm nhắc lại, các mũi tiêm nhắc sau liều cuối cùng từ 6 đến 12 tháng.
Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ thì tất cả các đối tượng từ 6 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản cần được tiêm bổ sung 1 liều vắc xin cập nhật. Ngoài ra, người từ 65 tuổi trở lên cần được tiêm thêm 1 liều vắc xin cập nhật thứ 2 sau 4 tháng trở ra, người suy giảm miễn dịch cũng cần tiêm thêm 1 liều vắc xin cập nhật thứ 2 sau ít nhất là 2 tháng sau liều tiêm thứ nhất”.
“Hiện nay, tỉ lệ tiêm mũi 3 và 4 ở nhóm nguy cơ cao mới đạt 80%, tức là vẫn còn 20% chưa thực hiện đủ các mũi tiêm này. Vì vậy, người dân cần đăng kí tiêm bổ sung các mũi nhắc lại (mũi 3 và 4) để phòng bệnh. Vắc xin tiêm nhắc lại cho đối tượng này tại các điểm tiêm chủng là vắc xin AstraZeneca” - PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
Bà Dương Thị Hồng cho biết thêm, Việt Nam sẽ cập nhật theo khuyến cáo của WHO, và thông qua Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin, tiếp theo Bộ Y tế sẽ đưa ra hướng dẫn tiêm chủng vắc xin COVID-19 phù hợp cho nhóm đối tượng nguy cơ cao trong thời gian tới.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, trong 1 tháng qua, số mắc COVID-19 thường xuyên ở mức hơn 2000 ca/ngày và có xu hướng gia tăng số mắc những ngày gần đây. Do đó khuyến cáo người dân cần tiêm đủ liều cơ bản và nhắc lại theo hướng dẫn hiện tại của Bộ Y tế: người từ 18 tuổi trở lên cần tiêm đủ liều cơ bản và nhắc lại, trẻ em từ 12 đến 17 tuổi tiêm đủ liều cơ bản và tiêm nhắc, trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cần tiêm đủ liều cơ bản. Đặc biệt những người nguy cơ cao mắc COVID 19 như người suy giảm miễn dịch, người có bệnh lí nền, bệnh mạn tính cần thực hiện tiêm chủng đầy đủ mũi 3, mũi 4 theo lịch và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đưa tiêm vắc xin COVID-19 vào tiêm chủng mở rộng
PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết thời gian tới, ngành y tế sẽ không tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 liên tục thường xuyên như trước đây mà thực hiện lồng ghép vào công tác tiêm chủng mở rộng tại các trạm y tế xã, phường. Hiện nay, mỗi trạm y tế đều thực hiện 3-4 buổi tiêm/tháng. Việc tiêm chủng vắc xin COVID-19 sẽ được thực hiện tại các buổi tiêm chủng mở rộng. “Các cơ sở tiêm chủng đều thuần thục về thực hành tiêm vắc xin COVID-19, phương thức bảo quản. Việc cung cấp vắc xin COVID-19 có ở các tuyến trung ương, tuyến khu vực, tuyến tỉnh, tuyến huyện và đều thuận lợi. Chúng tôi hoàn toàn có đủ năng lực để triển khai lồng ghép tiêm vắc xin COVID-19 cùng các vắc xin khác”, PGS Hồng khẳng định.
GS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Y tế Dự phòng, cho biết Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch ứng phó bền vững với đại dịch trong tình hình mới, phù hợp với các khuyến nghị của WHO. Trong đó, kế hoạch tính đến bối cảnh xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm, dịch lan rộng; tăng cường giám sát lồng ghép COVID-19 và các bệnh viêm đường hô hấp khác. “Chúng tôi đa dạng hóa các hoạt động giám sát dịch bệnh để có thể đánh giá đúng tình hình dịch nhằm triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, vừa tăng cường giám sát trọng điểm, thường xuyên, lồng ghép, giám sát theo sự kiện, vừa giám sát ngẫu nhiên”, GS.TS Phan Trọng Lân nói.
Về điều trị, TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Quản lí Khám, chữa bệnh, cho biết Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đang xem xét hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và cách li đối với người bệnh. Về cơ bản, các chuyên gia thống nhất sẽ điều chỉnh một số nội dung, tập trung chủ yếu vào sử dụng thuốc kháng virus, một số thuốc kháng thể đối với COVID-19.
GS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Y tế Dự phòng, cho biết Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch ứng phó bền vững với đại dịch trong tình hình mới, phù hợp với các khuyến nghị của WHO. Trong đó, kế hoạch tính đến bối cảnh xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm, dịch lan rộng; tăng cường giám sát lồng ghép COVID-19 và các bệnh viêm đường hô hấp khác.
Báo Tiền phong
*Hy vọng sinh con khỏe mạnh với những cặp vợ chồng mang gene bệnh di truyền
Có nhiều cặp vợ chồng hoàn toàn khỏe mạnh nhưng khi sinh con, con lại không may mắc các bệnh lý di truyền… với nhiều biến chứng nguy hiểm. Hiện nay, thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) kết hợp xét nghiệm chẩn đoán di truyền tiền làm tổ (PGT) đã giúp nhiều cặp vợ chồng lựa chọn được phôi khỏe mạnh, sinh ra những em bé bình thường, loại trừ được nguy cơ mắc bệnh di truyền trong tương lai.
Từ ngày 29/4 đến 14/5, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội nhận hồ sơ hỗ trợ 20 ca miễn phí sàng lọc phôi mang gene bệnh lý di truyền (không giới hạn số phôi) với mong muốn có thật nhiều em bé chào đời khỏe mạnh, giảm bớt khó khăn cho các cặp vợ chồng hiếm muộn nghèo.
Mang gene bệnh teo cơ tủy vẫn sinh con khoẻ mạnh
Chị N.T.H và anh L.V.T (quê Vĩnh Phúc) kết hôn năm 2015, không lâu sau chị H có thai tự nhiên và sinh em bé đầu lòng. Năm đầu tiên sau sinh, em bé khỏe mạnh, bụ bẫm như bao đứa trẻ khác, chỉ có một điều duy nhất là bé không biết bò. Chị nghĩ có thể do con “trốn bò” nên không cho con đi thăm khám. Thế nhưng hơn 1 tuổi, chị bắt đầu quan sát thấy con có biểu hiện cơ chân tay yếu hơn những trẻ cùng độ tuổi, ngồi không vững, chưa biết đi nên hai vợ chồng cho con đi thăm khám và làm các xét nghiệm chuyên sâu thì nhận thông báo của bác sĩ rằng, con trai anh chị bị bệnh teo cơ tủy. Bác sĩ cho biết, hệ thống cơ xương khớp của con sẽ ngày càng yếu. Đến nay con gần 7 tuổi nhưng không đứng hay đi lại được mà chỉ có thể ngồi tựa khi có sự nâng đỡ của mọi người.
Bác sĩ giải thích bệnh teo cơ tủy là bệnh lý di truyền nên vợ chồng chị H quyết định đi làm các xét nghiệm về gene, kết quả cho thấy cả hai vợ chồng chị H đều mang gene bệnh teo cơ tủy. Được biết, trường hợp vợ chồng mang gene lặn (là người khỏe mạnh, không biểu hiện bệnh) như anh T, chị H có nguy cơ 25% sinh con mắc bệnh do nhận cả hai gene, 50% sinh con chỉ có một gene (người lành mang gene giống bố mẹ) và 25% sinh con hoàn toàn khỏe mạnh (không mang gene bệnh).
Năm năm nuôi dưỡng người con đầu mang bệnh đầy khó khăn vất vả, vợ chồng chị H tìm hiểu khắp nơi về phương pháp để có thể sinh thêm con khỏe mạnh. Sau nhiều lần đặt chân đến các bệnh viện lớn nhỏ, chị H được biết, để có cơ hội cao sinh con khỏe mạnh, anh chị cần làm thụ tinh trong ống nghiệm, thực hiện sàng lọc phôi để phát hiện các phôi mang gene bệnh, từ đó chọn lựa phôi tốt chuyển vào cơ thể mẹ.
May mắn đã mỉm cười với họ khi vào năm 2021, một thành viên chia sẻ bài đăng Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội có chương trình Tuần Lễ Vàng hỗ trợ miễn phí 20 ca sàng lọc phôi mang gene bệnh hiếm. Chị H gọi điện đến bệnh viện hỏi thêm về chương trình và được hướng dẫn nộp hồ sơ đăng ký xét duyệt online do tình hình dịch bệnh căng thẳng.
Năm đó, gia đình chị H là một trong số 20 gia đình được nhận hỗ trợ miễn phí và bắt đầu bước vào quá trình kích trứng, tạo phôi, nuôi phôi và chọn ra những phôi tốt không mang gene bệnh để thực hiện chuyển phôi. Bệnh viện đã thực hiện kỹ thuật sàng lọc di truyền tiền làm tổ (PGT) tìm ra 4 phôi tốt ngày 5 để chuyển. Ngay lần chuyển 1 phôi đầu tiên, chị H đã đậu thai thành công. Hơn 9 tháng sau, chị H sinh em bé khoẻ mạnh trong niềm hạnh phúc vô bờ.
Thắp lên hy vọng
Theo BSCKI Nguyễn Thành Trung, Trưởng khoa Khám Bệnh – Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội: Hiện nay số lượng trẻ mắc các bệnh lý di truyền như teo cơ tủy, loạn dưỡng cơ Duchenne, tan máu bẩm sinh (Thalassemia), máu khó đông (Hemophilia)… ở nước ta không hề nhỏ. Việc tư vấn, ứng dụng công nghệ sàng lọc di truyền tiền làm tổ vào quá trình thực hiện hỗ trợ sinh sản là cần thiết để loại bỏ các phôi bất thường, sàng lọc bệnh lý đơn gene trước khi chuyển phôi vào tử cung của người mẹ, gia tăng tỷ lệ đậu thai thành công và sinh ra những em bé khỏe mạnh không mang gene bệnh từ bố mẹ.
Xét nghiệm di truyền tiền làm tổ là kỹ thuật được sử dụng để chẩn đoán di truyền các phôi trước khi chuyển vào buồng tử cung của người mẹ. Từ đó giúp tăng khả năng thành công; giảm tỷ lệ sảy lưu thai, thai dị tật hoặc mang các bệnh lý di truyền. Ngoài ra, xét nghiệm di truyền tiền làm tổ còn được chỉ định thực hiện trong các trường hợp: Người vợ lớn tuổi (>35 tuổi) có nguy cơ sinh con bất thường; các trường hợp lưu sảy thai liên tiếp, thất bại làm tổ nhiều lần, tiền sử sinh con bất thường….
Để ứng dụng xét nghiệm di truyền tiền làm tổ cần phải thực hiện IVF tạo phôi, nuôi phôi đến giai đoạn phôi nang (ngày 5, 6); sau đó tiến hành sinh thiết phôi lấy tế bào xét nghiệm di truyền đồng thời đông lạnh phôi; khi có kết quả, bác sĩ sẽ tư vấn về các vấn đề di truyền phôi, qua đó lựa chọn phôi bình thường về di truyền, khỏe mạnh để chuyển vào buồng tử cung người mẹ.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, nhiều năm nay, chương trình Tuần lễ Vàng – Ươm mầm hạnh phúc đã thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí cho hàng chục cặp vợ chồng hiếm muộn nghèo và giúp họ tìm được con yêu. Năm nay, Bệnh viện tiếp tục hỗ trợ 20 ca miễn phí sàng lọc phôi mang gene bệnh lý di truyền để cho ra đời những đứa con khoẻ mạnh.
Báo Công an nhân dân