* Có 49 ca COVID-19 mới, không còn bệnh nhân phải thở máy
Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 12/7 của Bộ Y tế cho biết có 49 ca mắc mới COVID-19. Trong ngày có 13 bệnh nhân khỏi. Hôm nay là ngày thứ 4 liên tiếp không còn bệnh nhân COVID-19 nặng phải thở oxy, thở máy.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.621.192 ca nhiễm, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 117.441 ca nhiễm).
Tình hình điều trị COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 13 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.640.215 ca
2. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 0 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 0 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 0 ca
- Thở máy không xâm lấn: 0 ca
- Thở máy xâm lấn: 0 ca
- ECMO: 0 ca
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Trong ngày ghi nhận 0 ca tử vong.
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 0 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.206 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/231 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/231 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/50 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/50 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Tình hình tiêm vaccine COVID-19
Trong ngày 11/7 có 140 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 266.531.903 liều, trong đó:
+ Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.840.968 liều: Mũi 1 là 70.909.934 liều; Mũi 2 là 68.457.786 liều; Mũi bổ sung là 14.344.231 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 52.171.443 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.957.574 liều.
+ Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.965.655 liều: Mũi 1 là 9.130.889 liều; Mũi 2 là 9.021.382 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.813.384 liều.
+ Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.725.280 liều: Mũi 1 là 10.236.628 liều; Mũi 2 là 8.488.652 liều
(Báo Sức khỏe và đời sống)
* Sốt xuất huyết tăng mạnh ở Hà Nội
Ngành Y tế Hà Nội nhận định, dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp và công tác phòng, chống còn nhiều khó khăn. Dự báo, thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch.
Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp
Những năm gần đây, sốt xuất huyết không còn quy luật cứ 4 - 5 năm lại xuất hiện một đợt đỉnh dịch. Thay vào đó, dịch căng thẳng hằng năm do thời tiết mưa, nắng thất thường. Đặc biệt, năm 2023 hiện tượng El Nino khiến thời tiết nóng, ẩm, mưa nhiều dẫn đến sốt xuất huyết sẽ gia tăng.
Mới đầu tháng 7 nhưng dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội đã có nhiều bất thường. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, TP đã ghi nhận 170 ca mắc sốt xuất huyết tại 23 quận, huyện và không có ca tử vong. Từ đầu năm 2023 đến nay có 823 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gần 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022). Bệnh nhân phân bố tại 29/30 quận, huyện; 246/579 xã, phường, thị trấn.
Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có tổng cộng 48 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện còn 13 ổ dịch đang hoạt động. Theo CDC Hà Nội, kết quả kiểm tra giám sát tại các ổ dịch cho thấy, các chỉ số côn trùng cao vượt mức nguy cơ...
Qua kiểm tra thực tế một số địa phương trên địa bàn Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, vẫn phát hiện bọ gậy tại các hộ dân cũng như môi trường xung quanh.
Vì vậy, Phó Giám đốc Trung tâm CDC Hà Nội yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường truyền thông, đặc biệt truyền thông trực tiếp để người dân hiểu sự nguy hiểm của dịch bệnh, nâng cao hơn nữa ý thức của người dân.
Đối với các hộ gia đình có bãi đất trống với nhiều phế thải, phế liệu tồn đọng yêu cầu dọn dẹp xử lý môi trường ngay. Tích cực diệt bọ gậy bằng cách thả cá hoặc thả hóa chất vào các dụng cụ chứa nước đọng.
Dự báo, thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt là tại các khu vực ổ dịch cũ, các xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.
Thời gian qua, số ca sốt xuất huyết nhập viện điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cũng tăng bất thường. Trong đó, có nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng khá nặng do chủ quan.
PGS.TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện, Trung tâm tiếp nhận và điều trị cho 8 bệnh nhân, đa số đều là ca nặng, tiểu cầu giảm thấp. Hầu hết bệnh nhân ở đây có tình trạng cô đặc máu, xuất huyết khá nặng.
Đang nằm điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, ông T.V.H. (quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ, đây là lần đầu tiên ông mắc sốt xuất huyết. Nhà ông H. nằm trong vùng lưu hành thường xuyên của dịch bệnh sốt xuất huyết. Khi thấy có biểu hiện sốt cao, ớn lạnh, ông H. đã đi lấy máu, kiểm tra phát hiện dương tính với sốt xuất huyết. Sau khi cắt sốt, lại thấy đau mỏi người, đau bụng nhiều nên ông H. đã được chỉ định nhập viện theo dõi tại Bệnh viện Bạch Mai.
Đặc biệt, tại Trung tâm có 2 chị em ruột tại Ba Đình, Hà Nội bị sốt xuất huyết biến chứng khá nặng. Theo người nhà, cả 3 mẹ con bị sốt xuất huyết, người mẹ nhẹ hơn nên theo dõi tại nhà. Con gái lớn tên N.L. có triệu chứng mệt mỏi, sốt và 4 ngày sau ra máu âm đạo, chảy máu chân răng nên vào viện cấp cứu. Tại đây, bác sĩ làm xét nghiệm tiểu cầu của L. giảm sâu chỉ còn 40 g/L.
Em trai của L., cũng bị nặng, xuất huyết dưới da, tiểu cầu giảm có thời điểm còn 6g/L, cô đặc máu. Dù đã điều trị được vài ngày nhưng bệnh nhân vẫn đi tiểu ra máu.
(Báo Kinh tế và đô thị)
* 8 trường hợp mắc sốt xuất huyết được xem xét chỉ định nhập viện
Ngoài việc chỉ định nhập viện đối với các trường hợp mắc sốt xuất huyết ở mức độ cảnh báo và mức độ nặng, theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, khi mắc sốt xuất huyết ở mức độ 1, có 8 trường hợp cũng được xem xét chỉ định nhập viện.
Bộ Y tế vừa có Quyết định số 2760/QĐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết. Quyết định này thay thế Quyết định số 3705/QĐ-BYT về hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết do Bộ Y tế ban hành ngày 22-8-2019.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh sốt xuất huyết được chia làm 3 mức độ: Sốt xuất huyết Dengue, sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết nặng.
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với sốt xuất huyết. Phần lớn các trường hợp mắc bệnh đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời.
Ngoài việc chỉ định nhập viện đối với các trường hợp mắc sốt xuất huyết ở mức độ cảnh báo và mức độ nặng, theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, khi mắc sốt xuất huyết ở mức độ 1, có 8 trường hợp cũng được xem xét chỉ định nhập viện, gồm: Sống một mình; nhà xa cơ sở y tế, không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng; gia đình không có khả năng theo dõi sát; trẻ nhũ nhi; dư cân, béo phì; phụ nữ có thai; người từ 60 tuổi trở lên; bệnh mạn tính đi kèm (như: Thận, tim, gan, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) kém kiểm soát, đái tháo đường, thiếu máu, tan máu…).
Bộ Y tế cũng lưu ý, chỉ định truyền dịch cho bệnh nhân sốt xuất huyết khi có ít nhất 1 trong các dấu hiệu sau, đó là: Lừ đừ, không uống được nước, nôn ói nhiều, đau bụng nhiều, có dấu hiệu mất nước, Hct tăng cao (tỷ lệ phần trăm tế bào hồng cầu trong máu tăng cao).
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có hơn 34,9 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết. Riêng tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, từ đầu năm 2023 đến nay có 823 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gần 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022).
Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có tổng cộng 48 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện còn 13 ổ dịch đang hoạt động. Theo CDC Hà Nội, kết quả kiểm tra giám sát tại các ổ dịch cho thấy, các chỉ số côn trùng cao vượt mức nguy cơ...
Dự báo, thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt là tại các khu vực ổ dịch cũ, các xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.
Để phòng bệnh sốt xuất huyết, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, hiện vắc xin phòng bệnh đang tiếp tục được đánh giá. Do đó, biện pháp phòng bệnh chủ yếu là kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh như tránh muỗi đốt, diệt bọ gậy (loăng quăng), diệt muỗi trưởng thành, vệ sinh môi trường, loại bỏ ổ chứa nước đọng.
Để phòng bệnh sốt xuất huyết, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, hiện vắc xin phòng bệnh đang tiếp tục được đánh giá. Do đó, biện pháp phòng bệnh chủ yếu là kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh như tránh muỗi đốt, diệt bọ gậy (loăng quăng), diệt muỗi trưởng thành, vệ sinh môi trường, loại bỏ ổ chứa nước đọng
(Báo Hà Nội mới)
* Đột quỵ do sốc nhiệt: Mối nguy sức khoẻ trong thời tiết nắng nóng kéo dài
Thời tiết miền Bắc và miền Trung đang bước vào đợt nắng nóng cao điểm với nhiệt độ có lúc lên đến 38 - 40 độ C. Các chuyên gia y tế lưu ý thời tiết nắng nóng tác động rất nhiều đến sức khỏe, làm gia tăng các ca đột quỵ, sốc nhiệt...
Thời tiết miền Bắc và miền Trung đang bước vào đợt nắng nóng cao điểm với nhiệt độ có lúc lên đến 38 - 40 độ C. Các chuyên gia y tế lưu ý thời tiết nắng nóng tác động rất nhiều đến sức khỏe, làm gia tăng các ca đột quỵ, sốc nhiệt...
Những đối tượng có nguy cơ cao bị đột quỵ do nắng nóng
Khi thời tiết nắng nóng dễ dẫn đến nguy cơ sốc nhiệt, nhất là với những người thường xuyên hoạt động ngoài trời, hoạt động thể lực mạnh, lại uống ít nước... Triệu chứng của sốc nhiệt hay còn gọi là đột quỵ do sốc nhiệt hay đột quỵ do nắng nóng là tình trạng tăng thân nhiệt, viêm nhiễm, dẫn tới tổn thương nhiều cơ quan, nhất là tổn thương thần kinh, như run cơ, co giật hoặc hôn mê.
ThS.BS Nguyễn Duy Chinh, khoa Các bệnh mạch máu, Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, các đối tượng dễ bị đột quỵ là:
Trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 4 tuổi, người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên, người đang mắc bệnh mãn tính như bệnh tim, phổi, thận, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, rối loạn chuyển hóa, bệnh tâm thần, những người có lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá, uống quá nhiều rượu bia, người không uống đủ nước,...
Người già và trẻ em dễ gặp phải biến cố đột quỵ do nắng nóng vì nhóm đối tượng này thích nghi với sự tăng nhiệt chậm hơn so với những người khác.
Ngoài ra, người sống trong khu vực đô thị thường có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn những người cư trú ở vùng nông thôn. Nguyên nhân là vì ban ngày trời nóng, những người ở thành phố chịu hiệu ứng đô thị, dẫn đến nhiệt độ môi trường đô thị thường tăng cao hơn mức nhiệt thời tiết. Trong khi đó, vào ban đêm lại xảy ra hiện tượng “đảo nhiệt”, tức là nhiệt độ từ đường nhựa, bê tông phả ra ngoài, khiến cho nhiệt độ buổi tối giảm chậm hơn so với ở vùng nông thôn. Với thời tiết nắng nóng, nguy cơ bị đột quỵ thường xảy ra khi nhiệt độ ngoài trời dao động từ 32 độ C trở lên.
Theo BS Chinh, thời tiết nắng nóng khiến nhiệt độ cơ thể tăng, bài tiết nhiều mồ hôi từ đó gây mất nước. Nếu người bệnh không bổ sung nước kịp thời sẽ khiến máu dễ bị kết dính và lưu thông kém. Hậu quả làm tăng huyết áp, dễ hình thành cục máu đông và gây tắc nghẽn mạch máu. Từ đó, tăng nguy cơ sốc nhiệt và đột quỵ.
Dấu hiệu của đột quỵ do nắng nóng:
Triệu chứng điển hình nhất là nhiệt độ cơ thể tăng cao, có khi lên đến 40 độ C, kèm theo ngất xỉu. Ngoài ra còn có một số biểu hiện khác, bao gồm:
Đau nhức đầu
Choáng váng, hoa mắt.
Không đổ mồ hôi, mặc dù cơ thể đang rất nóng
Da đỏ, khô, nóng hừng
Chuột rút, tê người
Buồn nôn và nôn
Tim đập nhanh
Thở nông
Những thay đổi về hành vi, như rối loạn tâm thần, mất phương hướng
Phát cơn co giật, động kinh
Ngất xỉu, bất tỉnh.
Cách phòng ngừa sốc nhiệt dẫn đến nguy cơ đột quỵ
Cách sơ cứu khi bị đột quỵ do nắng nóng:
Nếu nghi ngờ người thân hoặc ai đó đang lên cơn đột quỵ do nắng nóng, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức hoặc chuyển nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Trong khi chờ cấp cứu, nên đưa nạn nhân vào nơi có bóng râm thoáng mát, cởi bỏ bớt quần áo. Nếu nhận thấy thân nhiệt nạn nhân quá nóng, hãy dùng mọi cách để làm mát cho họ như:
Dùng quạt để làm mát, áp khăn thấm ướt lên người nạn nhân.
Chườm nước đá vào các vùng bẹn, nách, vì đây là những vị trí có nhiều mạch máu gần với da, khi được làm mát có thể nhanh chóng làm giảm thân nhiệt.
Cho nạn nhân vào bồn tắm, xả nước mát vào.
(Báo Đại đoàn kết)