*Nổi u cục khắp người sau khi tiêm tan mỡ giảm béo ở 'spa người quen'
Muốn giảm mỡ, giảm cân nhiều vùng không phải phẫu thuật, chị T. đến spa người quen để tiêm hợp chất tan mỡ không rõ nguồn gốc. Sau đó, cơ thể chị xuất hiện u cục bất thường.
Thạc sĩ Phạm Duy Linh, Khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cho biết bệnh nhân là chị L.T.T (40 tuổi, ở Thái Nguyên), đến viện trong tình trạng vùng má, nọng cằm, cánh tay 2 bên, bụng xuất hiện nhiều khối u cục bất thường, cứng chắc, viêm tấy, một số vị trí vỡ chảy dịch đau tức.
Cách thời điểm vào viện khoảng 3 tháng, chị T. muốn giảm mỡ một số vùng trên cơ thể, nhưng lo ngại không muốn phẫu thuật. Chị được giới thiệu tới một spa quen, được nhân viên tư vấn là tiêm thuốc tiêu mỡ "chỉ cần một liệu trình điều trị là hiệu quả giảm cân tức thì, không cần nghỉ dưỡng, không động chạm dao kéo".
Do tin tưởng, bệnh nhân đã đồng ý dịch vụ và được tiêm những hợp chất không rõ nguồn gốc vào nhiều vùng cơ thể.
Sau 2 tuần tiêm, vị trí tiêm mặt sau bắp tay 2 bên và nhiều vùng trên cơ thể xuất hiện những cục mụn bất thường. Đặc biệt, khi sờ vào có cảm giác cứng, tức khó chịu, nhưng cơ sở thẩm mỹ lại giải thích đây là do thuốc tác dụng chậm, tan từ từ.
Chia sẻ với bác sĩ Linh, chị T. cho biết 2 tháng sau tiêm, những khối u cục, mụn cứng chắc tăng lên, viêm tấy lan tỏa. "Nhiều mụn nhỏ rỉ chảy dịch mủ, máu và đau", chị T. nhớ lại.
Bệnh nhân được cơ sở thẩm mỹ liên tục đưa cho nhiều đơn thuốc kháng sinh, giảm đau nhưng tình trạng lại không thuyên giảm, ngày càng chuyển biến xấu hơn nên chị đến bệnh viện khám.
Khám cho bệnh nhân, bác sĩ Linh nhận định vùng bắp tay 2 bên xuất hiện nhiều ổ viêm; hai má, nọng cằm, vùng bụng có nhiều cục xơ cứng, nhiều ổ biểu hiện áp xe, viêm đỏ vỡ chảy dịch mủ.
Sau khi được phẫu thuật chích rạch những khối áp xe vỡ mủ, cấy khuẩn, làm sạch ổ viêm, chị tiếp tục được dùng thuốc kháng sinh, chống viêm hàng ngày. Kết quả tích cực sau 1 tuần điều trị, các cục u xơ đã teo nhỏ. Tuy nhiên theo bác sĩ Linh, điều trị tai biến tiêm tan mỡ rất khó, bệnh nhân cần được theo dõi lâu dài. Sau điều trị ổn vẫn có thể tái phát, thậm chí có thể để lại di chứng sẹo xấu.
Theo bác sĩ Linh, có 3 nguyên nhân có thể gây xuất hiện tình trạng tai biến sau tiêm thuốc tan mỡ: Thuốc tiêm tan mỡ không rõ nguồn gốc; kỹ thuật tiêm sai và không đảm bảo vô trùng trong tiêm.
Đối với kỹ thuật tiêm tiêu mỡ vùng, nếu tiêm quá nông ở trên bề mặt da, thuốc có thể gây loét vùng da tại vị trí tiêm. Còn tiêm quá sâu, hệ quả không chỉ gây hoại tử tại chỗ tiêm mà còn lan đến các vùng khác của cơ thể.
Bác sĩ khuyến cáo người dân sau tiêm giảm béo, nếu xuất hiện biểu hiện sưng tấy, chảy mủ… cần phải đến bệnh viện để điều trị càng sớm càng tốt.
"Nhiều trường hợp, thuốc tiêm tan mỡ phá hủy luôn màng tế bào của các tổ chức mạch máu, thần kinh nơi thuốc đi đến, khiến tình trạng hoại tử lan rộng, ăn sâu vào trong càng gây khó cho quá trình điều trị khắc phục", bác sĩ Linh nói. Lúc đó, bệnh nhân sẽ phải được cắt lọc ổ hoại tử, nguy cơ mất tổ chức, có thể để lại sẹo xấu.
Để giảm mỡ, bác sĩ khuyên cần điều chỉnh chế độ ăn uống kèm với tập luyện. Nếu có nhu cầu can thiệp giảm béo, người bệnh nên đến các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ được cấp phép, bác sĩ được đào tạo, để thăm khám, tư vấn.
Báo Vietnamnet
*Thiếu niên 17 tuổi nhập viện với cánh tay "rỗ như tổ ong"
Bị dị dạng động tĩnh mạch bẩm sinh, cánh tay trái cậu thiếu niên (17 tuổi, Hà Nam) xuất hiện nhiều u máu, khiến tay bị biến dạng, yếu, đau tức. Cậu đã đi khám nhiều nơi nhưng không xử lý được.
Bệnh nhân H.V.K. (17 tuổi, ở Hà Nam) là một trong 3 bệnh nhân được chọn can thiệp trong chương trình trao đổi kinh nghiệm chuyên môn về bệnh lý mạch máu ngoại biên diễn ra ngày 13/5 tại Bệnh viện Tim Hà Nội.
Bệnh nhân được chẩn đoán bị dị dạng động tĩnh mạch bẩm sinh, là sự nối thông bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch. Hậu quả là các khối u máu xuất hiện, khiến cánh tay trái của bệnh nhân từ trên vai trở xuống bị biến dạng.
Mẹ bệnh nhân cho biết, lúc mới sinh thấy tay con có màu xanh, gia đình chỉ nghĩ cháu bị chàm. Tuy nhiên, đến một tháng tuổi, tay của trẻ bắt đầu phồng to lên, đau. Gia đình đã đưa con đi khám tại nhiều bệnh viện. Có nơi bảo trẻ bị u máu, có nơi lại bảo bị giãn tĩnh mạch tay.
"Khi đó, các bác sĩ đều bảo bệnh của con tôi chưa chữa được, cứ nuôi trẻ lớn. Sau này có đoàn chuyên gia nước ngoài đến chữa được thì đưa trẻ đến. Tay của cháu nổi u tưởng là hạch nhưng bác sĩ bảo là do máu không lưu thông được. Cánh tay trái của cháu yếu hẳn, bình thường chỉ để xuôi xuống, đau, tức", mẹ bệnh nhân kể lại.
Vì thế, lần này đưa con quay lại Bệnh viện Tim Hà Nội, chị rất mừng khi biết bệnh của con đã có thể can thiệp được.
PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, đây là một ca bệnh phức tạp. Trước đó, bệnh nhân đã đi khám tại nhiều cơ sở y tế nhưng không xử lý được. Kết quả chụp cắt lớp điện toán đa lát cắt cho thấy cánh tay trái của bệnh nhân "rỗ như tổ ong". Bệnh nhân bị hạn chế hoạt động, tay trái yếu, bị chèn ép thần kinh.
"Nếu phẫu thuật thì chỉ có cách cắt cụt tay, điều này sẽ là thiệt thòi rất lớn với bệnh nhân. Trong khi đó, nếu không can thiệp, bệnh nhân vẫn sẽ phải sống chung với cơn đau, thậm chí có thể dẫn đến suy tim, chảy máu trong cơ hình thành huyết khối gây biến chứng nhiễm trùng chảy máu tắc mạch, nặng hơn nữa sẽ phải cắt cụt chi", PGS Hiền nói.
Ca bệnh này đã được hội chẩn với sự tham gia của các bác sĩ Singapore, để từ đó đưa ra phương án điều trị tối ưu nhất cho người bệnh.
Cụ thể, thông qua các hình ảnh chụp, bác sĩ xác định được các vị trí tổn thương. Trong lần can thiệp đầu tiên này, các bác sĩ dùng keo, hóa chất để bít các tổn thương nhằm khu trú dần tổn thương đồng thời tiêm xơ các búi mạch. Mục đích là để bảo tồn và phục hồi chức năng của chi, tránh biến chứng.
Vì không thể cùng một lúc bít tất cả các vị trí tổn thương nên dự kiến, bệnh nhân phải cần 5-7 lần can thiệp mới hy vọng chữa lành được tổn thương.
Báo Dân trí
*Tỷ lệ di truyền của bệnh đái tháo đường có thể lên tới 70%
Nếu cả bố và mẹ đều mắc bệnh đái tháo đường thì có thể làm tăng 70% nguy cơ mắc bệnh ở con cái.
Những trường hợp nào tỷ lệ di truyền cao?
Tạp chí nghiên cứu sức khỏe Verywell Health đã đưa ra thông tin đáng quan tâm: Người có bố hoặc mẹ mắc bệnh tiểu đường thì nguy cơ mắc bệnh này lên tới 40%. Người có cả bố và mẹ mắc bệnh tiểu đường nguy cơ là 70. Người có bố mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh tiểu đường nguy cơ sẽ cao gấp 3 lần.
Trong nhiều nghiên cứu, Tổ chức Y tế thế giới đã chỉ ra, bệnh tiểu đường không phải bệnh truyền nhiễm nhưng có thể sẽ di truyền. Vì vậy, nếu bố mẹ bị bệnh này thì khả năng cao trẻ cũng sẽ mắc bệnh mặc dù khi trẻ được sinh ra chưa có bất kỳ dấu hiệu nào mắc bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, nếu bố hoặc mẹ có những biến thể trong gen thì khi có thai những biến thể trong gen đó cũng có thể gây ra bệnh tiểu đường do mắc bệnh theo gen di truyền.
Theo các chuyên gia y tế, tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa glucose do thiếu hụt hormone Insulin (tiểu đường type 1) hoặc suy giảm chức năng của hormone Insulin (tiểu đường type 2).
Có 2 nhóm yếu tố nguy cơ chính gây hình thành bệnh tiểu đường gồm: Gen di truyền gây bệnh và yếu tố môi trường tác động.
Tiền sử gia đình đóng vai trò quan trọng, nhiều người mang một số gene nhất định (truyền từ cha mẹ sang con cái) khiến họ có nhiều khả năng bệnh type 1 hơn. Tuy nhiên, không phải tất cả trong số này đều bị bệnh ngay cả khi có yếu tố gene di truyền. Thậm chí, với những cặp song sinh giống hệt nhau (gene giống nhau) đôi khi người này mắc bệnh, người kia thì không.
Lúc này, yếu tố môi trường, thói quen ăn uống chung được xem là nguyên nhân. Yếu tố khởi phát trong môi trường sống như nhiễm virus có thể góp phần đáng kể phát triển căn bệnh này.
Điều trị như thế nào để hiệu quả?
Hiện nay chưa có vắc xin hay phương pháp phòng bệnh tiểu đường do di truyền hữu hiệu. Tuy nhiên có thể giảm tỷ lệ này xuống ở mức tối đa với lối sống lành mạnh, đó là: Duy trì chế độ luyện tập, tập thể dục thường xuyên; ăn uống ít mỡ, ít tinh bột, đường, bánh kẹo, rượu, bia, thuốc lá…; ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi chứa hàm lượng chất xơ nhiều; giữ cân nặng ở mức độ vừa phải, tránh béo phì; giảm căng thẳng tối đa; khám bệnh định kỳ, xử lý bệnh sớm nhất có thể.
Hiệp hội Tiểu đường Mỹ đề xuất nên kiểm tra mức đường huyết hàng năm cùng với kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt người trên 45 tuổi. Người cao huyết áp và bị mỡ máu cao hoặc gan nhiễm mỡ có nguy cơ cao hơn, cần kiểm tra thường xuyên mức đường huyết.
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Phương Huệ - Trưởng Khoa Nội tiết, Bệnh viện Thanh Nhàn – cho hay: Bệnh đái tháo đường không được xem là bệnh di truyền nhưng có yếu tố di truyền. Không phải trường hợp nào có bố mẹ mắc đái tháo đường con cũng mắc đái tháo đường. Mỗi người bệnh đái tháo đường cần biết đây là bệnh rối loạn chuyển hóa glucose mạn tính.
Bệnh có thể kiểm soát bằng duy trì lối sống khoa học: Chế độ ăn, tập luyện, sử dụng thuốc điều độ, khám định kỳ. Người bệnh không nên tin vào các thuốc quảng cáo chữa khỏi đái tháo đường. Từ đó dẫn tới bỏ thuốc hay không tuân thủ quá trình điều trị. Điều này có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.
Nguyên tắc dùng thuốc điều trị bệnh đái tháo đường phải đúng liều, đúng giờ theo đơn của bác sĩ. Khi thấy đường huyết ổn định tuyệt đối không ngưng thuốc đột ngột. Việc ngưng thuốc đột ngột là điều tối kị với người mắc bệnh tiểu đường, dễ gây những hậu quả xấu.
Ở người bệnh đái tháo đường type 2 không cần ăn nhiều bữa, tuy nhiên bệnh nhân đái tháo đường đang tiêm insulin có thể chia làm 5 bữa (3 bữa chính và 2 bữa phụ). Việc phân bổ thức ăn dù nhiều hay ít vẫn nằm trong tổng số năng lượng đã tính toán.
|
Báo Công thương
*Sớm ban hành thông tư hướng dẫn xây dựng giá gói thầu thiết bị y tế
Theo thống kê của BộY tế,hàng năm có khoảng trên 10.000 sản phẩm thiết bị y tế được đăng ký cấp số lưu hành, cấp giấy phép nhập khẩu để phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.
Cùng với đó, Bộ Y tế đã gia hạn hiệu lực đến 31/12/2024 cho trên 12.500 giấy phép nhập khẩu thiết bị y tế và giải quyết được cơ bản tình trạng thiếu thiết bị y tế.
Tính đến nay, cả nước đã có khoảng trên 1.000 đơn vị sản xuất trang thiết bị y tế trong nước, hơn 2.500 đơn vị nhập khẩu với hàng trăm ngàn loại thiết bị khác nhau. Hàng năm, việc mua bán trang thiết bị y tế chỉ tính riêng trong các cơ sở y tế công lập trên cả nước đã lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế cho hay, trong những năm qua Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành nhiều nghị định, thông tư và các văn bản về quản lý, hướng dẫn quản lý trang thiết bị y tế.
Hiện Bộ Y tế đang xây dựng các văn bản pháp quy để thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4/3/2023 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, trong đó sẽ ban hành thông tư hướng dẫn xây dựng giá gói thầu và thực hiện đăng tải thông tin chào giá trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, hoàn thành trong quý II/2023.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, dự kiến trong tháng 5 này, Bộ Y tế sẽ hoàn thành, ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2021/TT-BYT; ban hành thông tư về danh mục thiết bị y tế phải kê khai giá và hướng dẫn thông tin kê khai giá, dự kiến ban hành trong quý III/2023.
Về giá thiết bị y tế, đại diện Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cho hay, Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ không còn bắt buộc phải tham khảo 3 báo giá khi đấu thầu, mua sắm.
Khi xây dựng giá gói thầu, trường hợp cùng một chủng loại trang thiết bị y tế nhưng có nhiều hãng sản xuất khác nhau, chủ đầu tư xem xét, quyết định việc giao Hội đồng khoa học của đơn vị thực hiện việc xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật theo yêu cầu chuyên môn của đơn vị. Trên cơ sở tính năng, cấu hình kỹ thuật do Hội đồng khoa học xây dựng, đơn vị tổ chức lấy báo giá theo quy định.
Cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu.
Chia sẻ giải pháp nâng cao quản lý nhà nước liên quan đến trang thiết bị y tế ông Lợi cho hay, về phát triển công nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế trong nước cần có chính sách ưu đãi phù hợp cho các hoạt động nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao công nghệ sản xuất trang thiết bị y tế thuộc danh mục ưu tiên đầu tư;
Bên cạnh đó, có chính sách thuế phù hợp đối với các trang thiết bị y tế nhập khẩu nhằm tạo động lực và khuyến khích đối với các sản phẩm trong nước đã sản xuất được.
Ngoài ra, chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho nghiên cứu, sản xuất trang thiết bị y tế, nguyên liệu sản xuất; đào tạo chuyên đề và chuyên sâu về sản xuất trang thiết bị y tế, nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng trong chương trình đào tạo nhân lực về thiết bị y tế trình độ đại học, sau đại học.
Quản lý chất lượng trang thiết bị y tế, thực hiện việc cấp phép lưu hành đối với thiết bị có nguy cơ cao trong quá trình sử dụng; đánh giá trên lâm sàng đối với trang thiết bị y tế đối với thiết bị có nguy cơ cao trong quá trình sử dụng;
Thực hiện việc kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị y tế trong quá trình sử dụng; thiết lập hệ thống theo dõi sự cố bất lợi của thiết bị y tế trên thị trường; cùng đó thiết lập hệ thống đánh giá và tăng cường công tác hậu kiểm chất lượng trang thiết bị y tế trong quá trình lưu hành.
Về quản lý hoạt động mua bán, lưu hành, sử dụng trang thiết bị y tế thiết lập hệ thống quản lý theo vòng đời sản phẩm, cơ sở dữ liệu quốc gia về thiết bị y tế và quá trình mua bán, lưu hành, sử dụng trang thiết bị y tế trên thị trường và tại các cơ sở y tế; hoàn thiện thể chế về tổ chức mua sắm, đấu thầu, quản lý giá, xã hội hoá, đối tác công tư; thuê, đặt thiết bị y tế tại cơ sở y tế công lập.
Cùng với đó, hoàn thiện thể chế, thiết lập hệ thống và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo hướng hậu kiểm các hoạt động mua bán, lưu hành, sử dụng trang thiết bị y tế.
Trước đó, ngày 3/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế để giải quyết các tồn tại, hạn chế, bất cập trong quản lý trang thiết bị y tế thời gian vừa qua,
Bên cạnh đó, từng bước hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về trang thiết bị y tế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, yêu cầu hội nhập quốc tế trong lĩnh vực trang thiết bị y tế.
Những nội dung sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 07/2023/NĐ-CP liên quan tới quản lý thiết bị y tế, bao gồm: Giải quyết những vướng mắc liên quan đến giấy phép nhập khẩu, số đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế;
Đẩy mạnh việc cấp số đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế và tháo gỡ khó khăn trong thu hồi số lưu hành và xử lý trang thiết bị y tế bị thu hồi số lưu hành; sửa đổi quy định về xuất nhập khẩu và tạm nhập, tái xuất trang thiết bị y tế; sửa đổi quy định để giải quyết vướng mắc bất cập từ thực tiễn về kê khai giá.
Cụ thể, để giải quyết tình trạng thiếu trang thiết bị, Nghị định số 07/2023/NĐ-CP quy định gia hạn hiệu lực giấy phép nhập khẩu, số lưu hành trang thiết bị y tế: Giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế đã được cấp từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2021 được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2024;
Số đăng ký lưu hành đối với trang thiết bị y tế là sinh phẩm chẩn đoán in vitro đã được cấp từ ngày 1/1/2014 đến ngày 31/12/2019 được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.
Các tổ chức đã được cấp giấy phép nhập khẩu, số lưu hành trang thiết bị y tế phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm bảo đảm chất lượng, số lượng, chủng loại, mục đích sử dụng của trang thiết bị y tế.
Bộ Y tế sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra và thu hồi giấy phép nhập khẩu, số lưu hành trang thiết bị y tế đối với các trường hợp vi phạm quy định về quản lý trang thiết bị y tế.
Liên quan tới nội dung đẩy mạnh việc cấp số đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế và tháo gỡ khó khăn trong thu hồi số lưu hành và xử lý trang thiết bị y tế bị thu hồi số lưu hành, trong thời gian từ nay đến 31/12/2024, Bộ Y tế tập trung triển khai thực hiện việc cấp số đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế có giá trị không thời hạn để thay thế hoàn toàn cho các giấy phép nhập khẩu.
Đồng thời, Nghị định số 07/2023/NĐ-CP cũng quy định về trách nhiệm hậu kiểm của Bộ Y tế; bổ sung Điều 39a về việc xử lý thiết bị y tế sau khi thu hồi số lưu hành.
Theo đó, các trang thiết bị y tế đã bán cho các cơ sở y tế hoặc người sử dụng được tiếp tục sử dụng đến khi bị thanh lý theo quy định pháp luật hoặc đến khi hết hạn sử dụng của sản phẩm, trừ các trang thiết bị y tế không thể khắc phục được yếu tố lỗi gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng theo quy định.
Trường hợp trang thiết bị y tế có số lưu hành bị thu hồi nhưng chưa bán đến người sử dụng hoặc cơ sở y tế, chủ sở hữu số lưu hành có trách nhiệm dừng lưu hành trang thiết bị y tế và thực hiện các biện pháp thu hồi các trang thiết bị y tế.
Về nội dung sửa đổi quy định về xuất nhập khẩu và tạm nhập, tái xuất trang thiết bị y tế, Nghị định 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 46, Điều 48 Nghị định số 98/2021/NĐ-CP theo hướng việc nhập khẩu trang thiết bị y tế đã qua sử dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương; Bộ Y tế không cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế đã qua sử dụng.
Còn với nội dung sửa đổi quy định để giải quyết vướng mắc bất cập từ thực tiễn về kê khai giá, nhằm khắc phục những vướng mắc tại Nghị định số 98/2021/NĐ-CP trong việc áp dụng quy định kê khai giá trong đấu thầu, Nghị định số 07/2023/NĐ-CP bãi bỏ quy định "Không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán" do trong quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp và các cơ sở y tế.
Nghị định số 07/2023/NĐ-CP cũng quy định chỉ thực hiện kê khai giá đối với trang thiết bị y tế khi có biến động bất thường về giá ảnh hưởng đến nguồn cung cấp trang thiết bị y tế, khả năng chi trả của người mua, khả năng thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế.
Báo Đầu tư
*Kiểm tra, giám sát biện pháp kiểm soát lây nhiễm bệnh tại cơ sở y tế
Sở Y tế Hà Nội đã có Công văn số 2064/SYT-NVY về việc tăng cường phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh trong các cơ sở khám chữa bệnh (KCB).
Theo đó, ngày 5/5/2023 Sở Y tế nhận được Công văn số 2639/BYT-KCB ngày 04/05/2023 của Bộ Y tế về việc tăng cường phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh trong các cơ sở KCB, Sở Y tế yêu cầu:
Các cơ sở y tế nghiêm túc triển khai thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 2639/BYT- KCB ngày 4/5/2023 của Bộ Y tế về việc tăng cường phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh trong cơ sở KCB.
Sở Y tế Hà Nội giao Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (CKĐN Kiểm soát nhiễm khuẩn) tổ chức hướng dẫn, tập huấn lại cho các đơn vị những nội dung liên quan đến biện pháp kiểm soát lây nhiễm Covid–19 như Quyết định số 2355/QĐ - BYT ngày 30/8/2022 ban hành hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở KCB và các văn bản hiện hành, đặc biệt tuân thủ vệ sinh tay và sử dụng khẩu trang...
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang kiểm tra, giám sát các đơn vị trong việc thực hiện nghiêm hướng dẫn của Bộ Y tế liên quan đến biện pháp kiểm soát lây nhiễm Covid-19.
Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thực hiện truyền thông biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh Covid-19 trong các cơ sở KCB trên trang thông tin điện tử của ngành và những phương tiện truyền thông khác.
Trong quá trình triển khai thực hiện, đơn vị báo cáo kịp thời về Sở Y tế (Phòng Nghiệp vụ Y) những sự cố, tình huống bất thường, Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện trong việc phát hiện và khống chế kịp thời các vụ dịch xảy ra tại đơn vị bao gồm cả nhiễm khuẩn bệnh viện.
Báo Kinh tế đô thị