Tính đến sáng 30/4, đã có 19 người tử vong do tai nạn giao thông, bao gồm cả tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh, trên đường đến cơ sở khám chữa bệnh, 19 trường hợp tiên lượng tử vong xin về... Tổng số người bệnh tai nạn giao thông đang điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh cả nước là 2.533 người.
Báo cáo nhanh công tác bảo đảm khám chữa bệnh, cấp cứu tai nạn giao thông, COVID-19 từ 7 giờ ngày 29/4 đến 7 giờ ngày 30/4 của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, tính đến 7 giờ ngày 30/4, tổng số người bệnh đang điều trị tại các cơ sở y tế trong cả nước là 177.753 người.
Trong đó, tổng số người bệnh khám, cấp cứu là 59.664 người bệnh, 22.149 người nhập viên điều trị nội trú, 16.788 người được ra viện và 1.975 người bệnh chuyển viện. Số người bệnh tử vong bao gồm cả tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh, trên đường đến cơ sở khám chữa bệnh, tiên lượng tử vong xin về là 205 người bệnh; số ca nặng, nguy kịch đang điều trị là 2.049 người.
Cũng trong thời điểm từ 7 giờ ngày 29/4 đến 7 giờ ngày 30/4, các cơ sở y tế đã tiếp nhận 2.984 người đến khám do tai nạn giao thông. Số ca tai nạn giao thông phải nhập viện điều trị, theo dõi là 1.437 người; số phải chuyển viện là 365 người bệnh và 540 người bệnh được ra viện.
Thời điểm này, đã có 19 người tử vong do tai nạn giao thông, bao gồm cả tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh, trên đường đến cơ sở khám chữa bệnh, tiên lượng tử vong xin về là 19 người bệnh. Số ca tai nạn giao thông nặng, nguy kịch đang điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh là 43 người.
Như vậy, đến 7 giờ ngày 30/4, tổng số người bệnh tai nạn giao thông đang điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh cả nước là 2.533 người.
Trong ngày 29/4, ghi nhận từ Sở Y tế tỉnh Lào Cai, vào 3 giờ cùng ngày, một vụ tai nạn xe ô tô khách xảy ra tại Km183 cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Hậu quả làm một lái xe tử vong, một người bị thương nặng chuyển cấp cứu tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức; 16 nạn nhân còn lại (trong đó có 9 người nước ngoài) vết thương phần mềm nhẹ, được sơ cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai và xuất viện trong ngày.
Tỉnh đến 7 giờ ngày 30/4, cả nước có 3.453 người bệnh COVID-19; trong đó có 76 người trong tình trạng nặng đang điều trị.
Đánh giá về công tác công tác khám, chữa bệnh trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5/2023 và Giỗ Tổ Hùng Vương của các cơ sở y tế, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế về bảo đảm công tác khám chữa bệnh, cấp cứu tai nạn giao thông, thu dung điều trị COVID-19 phục vụ nhân dân.
Trước đó, tại công văn gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và trường đại học; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Y tế các Bộ, ngành về việc bảo đảm công tác khám, chữa bệnh trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5/2023 và Giỗ Tổ Hùng Vương, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã yêu cầu các bệnh viện không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ trường hợp cấp cứu người bệnh.
Các cơ sở y tế tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh, bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ trường hợp cấp cứu. Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa cần xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác.
Báo Sức khoẻ và đời sống
*Không nương tay với vi phạm an toàn thực phẩm
Sau hơn hai tuần ra quân thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm 2023 (từ ngày 15-4 đến nay), các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của thành phố đã kịp thời phát hiện và chấn chỉnh nhiều vấn đề, từ những vi phạm nhỏ nhất. Không chỉ dừng lại ở một tháng, công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục được thành phố Hà Nội tăng cường, trên tinh thần “không nương tay với vi phạm”.
Ngăn chặn từ những lỗi nhỏ nhất
Trên địa bàn huyện Mê Linh hiện có tổng số 2.112 cơ sở thực phẩm. Triển khai thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm 2023 (từ ngày 15-4 đến 15-5), toàn huyện đã kiểm tra được 183 cơ sở, qua đó xử phạt 9 cơ sở vi phạm với số tiền 26 triệu đồng. Trưởng phòng Y tế huyện Mê Linh Nguyễn Thành Khang cho biết, các lỗi vi phạm chủ yếu là Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hiệu lực; nơi kinh doanh, bày bán, bảo quản thực phẩm bị côn trùng, động vật gây hại xâm nhập, kinh doanh thực phẩm nhập lậu...
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm của thành phố Hà Nội cũng vừa kiểm tra Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Hải Quang (huyện Mê Linh) - doanh nghiệp chuyên sản xuất đậu phụ. Tại thời điểm kiểm tra, khu vực sản xuất có côn trùng xâm nhập, giá kệ đựng thực phẩm hoen gỉ, kho chứa nguyên liệu chưa bảo đảm khép kín… Còn tại Công ty cổ phần Phú Đức (huyện Đông Anh), qua kiểm tra, công ty chưa cung cấp đầy đủ các hồ sơ, giấy tờ theo quy định về nguồn gốc các loại hàng hóa kinh doanh...
Theo đánh giá của các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm của thành phố Hà Nội, ý thức chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực; tuy nhiên vẫn tồn tại những vi phạm. Trực tiếp kiểm tra ở một số địa bàn, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong yêu cầu, các cơ sở khẩn trương, nghiêm túc khắc phục ngay từ những tồn tại, sai sót nhỏ nhất. Bởi từ những sai sót nhỏ như: Dùng tay trần bốc thức ăn, vệ sinh khay bát không sạch… đều gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Đối với các quận, huyện, thị xã, quá trình triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cũng gặp không ít khó khăn. Theo Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm Phạm Thị Thanh Nhàn, đội ngũ cán bộ làm công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại tuyến phường còn mỏng, thường xuyên có sự thay đổi nên khó tập trung cho hoạt động kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Mặt khác, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, quán ăn trên địa bàn quận có diện tích nhỏ, hẹp và kinh doanh không cố định, mở bán hàng vào buổi đêm nên gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý.
Cũng đối mặt với những khó khăn tương tự, Trưởng phòng Y tế huyện Mê Linh Nguyễn Thành Khang nêu thực trạng các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, xen kẽ trong khu dân cư nên khó có thể theo dõi, quản lý thường xuyên... Thêm vào đó, công tác kiểm tra việc thực hiện nội dung đã cam kết về công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm của các cơ sở và việc tổ chức hậu kiểm còn hạn chế. Việc xử lý vi phạm, nhất là tại tuyến xã, chưa triệt để.
Giám sát việc khắc phục sai phạm
Để tiếp tục triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm đạt hiệu quả, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong yêu cầu, trong công tác kiểm tra cần thực hiện với tinh thần xử lý nghiêm các vi phạm và tuyên truyền công khai các vi phạm này trên phương tiện thông tin đại chúng, website của ngành để người dân biết. Sau khi xử lý vi phạm, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm các quận, huyện, thị xã phải dành thời gian giám sát, hậu kiểm việc khắc phục sai phạm của các cơ sở.
“Sau khi thẩm định, chỉ khi cơ sở khắc phục được tồn tại, tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm mới được phép cho hoạt động; nếu không phải có biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn. Đối với những cơ sở vi phạm nghiêm trọng phải ra quyết định đình chỉ hoạt động”, ông Đặng Thanh Phong nhấn mạnh.
Còn theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, kết thúc đợt cao điểm của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, các quận, huyện, thị xã vẫn tiếp tục duy trì công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm định kỳ và đột xuất xuyên suốt trong cả năm. Qua hoạt động kiểm tra, các đoàn kiểm tra, nhất là tuyến xã, phường phải kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh có vi phạm. Đồng thời, duy trì hệ thống thông tin cảnh báo nhanh sự cố an toàn thực phẩm; nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Ngoài việc kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, các nhà hàng, quán ăn, thời gian tới, các đoàn kiểm tra của thành phố tiếp tục tập trung kiểm tra định kỳ và đột xuất công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn trường học, bếp ăn khu công nghiệp.
Báo Hà Nội mới
*Gần 800 người tử vong trong 2 ngày nghỉ lễ, 7 ca liên quan Covid-19
Bộ Y tế chiều 1/5 cho biết trong 2 ngày nghỉ lễ 30/4-1/5, hơn 45.000 người nhập viện, 786 ca tử vong, trong đó, 34 nạn nhân tai nạn giao thông, 7 ca liên quan Covid-19.
Chiều 1/5, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) có báo cáo nhanh trong 2 ngày nghỉ lễ (từ 7h sáng 29/4 đến 7h sáng 1/5) về công tác bảo đảm khám chữa bệnh, cấp cứu tai nạn giao thông, Covid-19. Báo cáo này được tổng hợp từ thông tin của các cơ sở y tế của 63 địa phương, y tế ngành và các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế.
Cụ thể, từ 7h sáng 30/4 đến sáng 1/5, hơn 48.000 người bệnh khám, cấp cứu, trong đó có 22.000 người điều trị nội trú, gần 2.000 ca phải chuyển viện.
Số người bệnh tử vong bao gồm cả tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh, trên đường đến cơ sở khám chữa bệnh và tiên lượng tử vong xin về là 578. Số ca nặng, nguy kịch đang điều trị tại các bệnh viện tới sáng nay là gần 1.800.
Tổng hợp sau 2 ngày nghỉ lễ, 786 người bệnh tử vong. Trong số này, 34 người tử vong vì tai nạn giao thông, đa số tử vong trên đường đến viện (22 ca), số còn lại tiên lượng tử vong xin về và tử vong tại viện.
Chỉ trong 24 giờ từ 7h sáng ngày 30/4 tới 7h sáng 1/5, hơn 1.500 người bệnh nhập viện vì tai nạn giao thông, 330 ca nặng phải chuyển viện, 19 ca tử vong, 47 ca nặng, nguy kịch đang điều trị tại bệnh viện.
Riêng về khám chữa bệnh Covid-19, trong 2 ngày nghỉ lễ, hơn 2.000 ca tới khám, hơn 1.100 ca nhập viện điều trị nội trú. Đặc biệt, từ sáng 30/4 tới 1/5, nước ta có thêm 4 ca tử vong liên quan Covid-19, nâng tổng số ca tử vong trong 2 ngày nghỉ lễ lên 7 người. Hiện, 78 ca Covid-19 mức độ nặng, nguy kịch đang điều trị.
Tạp chí tri thức Zing News
*Ngộ độc thuốc Nam: Vấn nạn trầm kha
Dù các ca ngộ độc thuốc Nam xảy ra thường xuyên nhưng dường như vẫn chưa đủ để cảnh tỉnh với nhiều người.
Một bệnh nhân 63 tuổi, ở Thanh Trì, TP. Hà Nội có tiền sử đái tháo đường. Sau khi nghe quảng cáo từ người quen có thuốc chữa đái tháo đường rất tốt, đã có người nhà sử dụng. Đó là loại thuốc nam dạng viên, bán 20 gói với giá 10 triệu đồng.
Sau khi mua và sử dụng thuốc được gần 20 ngày, bệnh nhân xuất hiện tình trạng: đau bụng, nôn mửa, nên được người nhà đưa đến Bệnh viện Bạch Mai, sau đó nhập viện vào Trung tâm Chống độc.
TS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh, đau bụng, khó thở, nhiễm toan chuyển hóa nặng.
Sau khi làm các xét nghiệm, các bác sĩ đã tiến hành điều trị hồi sức tích cực và lọc máu cấp cứu. Hiện tại, tình hình bệnh nhân đã cải thiện tốt hơn rất nhiều.
Theo bác sĩ Nguyên, kết quả xét nghiệm viên thuốc y học cổ truyền bệnh nhân uống đã tìm thấy thành phần thuốc là phenformin.
Đây là loại thuốc chữa đái tháo đường cũ, vì độc tính rất cao, gây tử vong cho nhiều người nên thế giới đã thu hồi và cấm sử dụng từ những năm 1970.
Tuy nhiên, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, nhiều người đã trộn loại chất bị cấm này vào trong các thuốc chữa đái tháo đường dởm, mạo danh các thuốc y học cổ truyền, thuốc nam, thực phẩm chức năng để bán ra thị trường gây ra ngộ độc.
Chuyên gia cho hay ở Việt Nam, những năm gần đây đã gặp nhiều trường hợp ngộ độc nặng và tử vong.
Các trường hợp ngộ độc thuốc chữa đái tháo đường phenformin thường xảy ra ở người gần đây hoặc đang sử dụng thuốc y học cổ truyền, các thực phẩm chức năng hoặc các sản phẩm khác quảng cáo chữa đái tháo đường.
Tuy nhiên hiện nay xuất hiện thêm các biểu hiện nhiễm toan chuyển hóa, nồng độ lactat trong máu cao, tụt huyết áp, rất dễ nhầm hoặc lẫn lộn với sốc nhiễm khuẩn, suy gan, nên dễ bị bỏ sót. Kể cả khi điều trị tích cực tỷ lệ tử vong cũng rất cao.
Còn thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, các bác sĩ của Khoa Da liễu bệnh viện này vừa điều trị thành công cho nữ bệnh nhân N.T.H (49 tuổi, ngụ H.Cẩm Thủy, Thanh Hóa) bị hoại tử thượng bì nhiễm độc (hội chứng lyell) sau khi dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc để điều trị chứng đau khớp.
Qua lời người nhà, bệnh nhân H. nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, tiếp xúc kém, sốt cao liên tục, loét, chảy máu vùng miệng, loét bộ phận sinh dục, đỏ da toàn thân, trớt da 80% diện tích cơ thể. Tiên lượng tình trạng bệnh nhân bị rất nặng.
Sau khi đánh giá triệu chứng trên lâm sàng và làm các xét nghiệm cơ bản, các bác sĩ kết luận bệnh nhân H. bị dị ứng thuốc thể hoại tử thượng bì nhiễm độc, kèm theo đái tháo đường loại 2 (chẩn đoán lần đầu).
Trước đó tại các cơ sở cũng có nhiều bệnh nhân nhập viện do ngộ độc thuốc Nam. Theo đó, vừa qua tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ liên tục tiếp nhận các ca ngộ độc thuốc Nam thương tâm.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thời gian qua cũng liên tiếp điều trị các trường hợp ngộ độc thuốc Nam. Theo bác sĩ Nguyễn Viết Nam (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), đơn vị này vừa tiếp nhận cụ bà 73 tuổi nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, tổn thương ở gan và thận rất nặng.
Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân bị viêm khớp và viêm gan B đã lâu, song không điều trị theo phác đồ mà mua thuốc Nam theo truyền miệng để uống.
Ngay sau khi được bệnh viện tiếp nhận, bệnh nhân đã được thở oxy liều cao, sử dụng các thuốc ổn định chức năng gan, thận, hiện sức khỏe đã dần ổn định.
Ngoài ra, theo các bác sĩ tại đây, cơ sở cũng đang điều trị cho ca bệnh vì muốn sinh con trai nên đã tự mua thuốc Nam không rõ nguồn gốc về uống. 20 ngày sau, bệnh nhân đau bụng dữ dội, men gan tăng gấp nhiều lần và phải nhập viện cấp cứu.
Một trường hợp khác là bà B.T.H., 64 tuổi, quê Nam Định. Bà H. tới khám tại Khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng mệt mỏi, ăn kém, bụng chướng tăng dần, phù hai chân.
Chồng bà cho biết, cách đây 2 năm, bà bị xơ gan do virus viêm gan B, nhưng lúc đó tình trạng còn nhẹ, nên được về nhà điều trị.
Nghe người xung quanh mách, ông bà tìm đến một nhà thuốc gia truyền ở Hòa Bình chuyên chữa gan và dạ dày. Thuốc có giá 60.000 đồng/thang, kê toa 15 thang/tháng. Đến nay, bà H. đã uống được khoảng một năm.
Đến bệnh viện, sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán, bà H. bị viêm gan mạn tính, xơ gan cổ chướng giai đoạn cuối, tràn dịch ổ bụng. Nguyên nhân là bệnh nhân đã bỏ điều trị thuốc kháng virus và dùng thuốc Nam.
Các bác sĩ khuyến cáo, việc sử dụng thuốc điều trị bệnh phải theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua và sử dụng thuốc để tránh nguy cơ dị ứng với các thành phần của thuốc, đặc biệt cảnh giác với các loại thuốc không rõ thành phần, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có cơ sở khoa học.
Ngay khi có hoặc nghi ngờ có bất kỳ dấu hiệu bất thường sau khi sử dụng thuốc, người dân cần phải ngay lập tức đến khám chuyên khoa Da liễu hoặc các cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất để theo dõi hoặc nhập viện điều trị.
Báo Đầu tư
*Ghi nhận thêm 1986 ca mắc COVID-19, 3 ca tử vong
Thông tin từ Bộ Y tế, trong 24h qua ghi nhận thêm 1983 ca mắc COVID-19, có 3 trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19.
Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.561.848 ca nhiễm, đứng thứ 13/230quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.841 ca nhiễm).
Số bệnh nhân đang thở ô xy là 62 ca trong đó thở ô xy qua mặt nạ 56 ca. Trong ngày ghi nhận 3 ca tử vong tại. Ba ca mắc được ghi nhận tại Bắc Giang, Bình Dương và Đồng Nai.
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua 1 ca, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.191 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Trong ngày 29/4 có 1.597 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 266.223.732 liều.
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.596.495 liều: Mũi 1 là 70.908.231 liều; Mũi 2 là 68.451.969 liều; Mũi bổ sung là 14.343.895 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 52.096.311 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.796.089 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.965.543 liều: Mũi 1 là 9.130.889 liều; Mũi 2 là 9.021.366 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.813.288 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.661.694 liều: Mũi 1 là 10.213.294 liều; Mũi 2 là 8.448.400 liều.
Báo Công luận