* Chi phí điều trị Covid-19 khi chuyển sang nhóm B
Chiều ngày 14/6, tại Tọa đàm về truyền thông y tế diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết khi chuyển Covid-19 từ nhóm A sang B sẽ chuyển thay đổi trong thanh toán chi trả viện phí. Phác đồ và phương thức điều trị vẫn như bình thường.
Bà Hương cho biết thêm, Bộ Y tế đang cùng Bộ Tư pháp tham mưu Thủ tướng Chính phủ để có quyết định chuyển đổi này vào cuối tháng 6. Việc chuyển nhóm Covid-19 sẽ kéo theo một chuỗi công việc cần giải quyết khi người bệnh sẽ không được điều trị miễn phí mà phải chi trả tiền khám, chữa bệnh. Trách nhiệm của các địa phương lớn hơn, cần phải có kế hoạch phòng, chống dịch bệnh vững, lồng ghép giám sát Covid-19 với các tác nhân gây bệnh đường hô hấp.
Nhóm A là danh mục các bệnh nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng, tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Nhóm B là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh, có thể gây tử vong. Từ khi xuất hiện vào cuối năm 2019, Covid-19 được xếp vào bệnh nhóm A, Chính phủ công bố dịch vào đầu tháng 4/2020, từ đó áp dụng các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch.
Phân loại Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B, đồng nghĩa với việc xem đây là bệnh thông thường, bệnh lưu hành hàng năm và là một bước tiến tới tuyên bố hết dịch.
Trước đó, ngày 3/6, tại phiên họp thứ 20 Ban Chỉ đạo chống dịch quốc gia thống nhất đủ điều kiện chuyển bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B. Đây là dấu mốc quan trọng ghi nhận sự thành công trong phòng, chống dịch tại Việt Nam.
Cùng về vấn đề này, GS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết sẽ rà soát, sửa đổi, cập nhật hướng dẫn giám sát và phòng, chống Covid-19 phù hợp tình hình dịch. Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam luôn giám sát đồng bộ về tình hình dịch bệnh.
“Hoạt động giám sát Covid-19 sẽ được lồng ghép vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp, bao gồm cả giám sát cúm trọng điểm. Mục đích là khi bệnh có biến đổi bất thường, chúng ta có thể phát hiện nhanh chóng, nhất là khi có biến thể mới. Đặc biệt, công tác giải trình tự gene virus vẫn tiếp tục tiến hành đồng thời giám sát các ca viêm phổi nặng, bệnh nặng, ổ dịch có diễn biến bất thường; bảo đảm năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại cơ sở y tế” - ông Lân cho biết.
Thông tin của Bộ Y tế, từ đầu năm 2023 đến ngày 29/5/2023, cả nước ghi nhận 85.493 ca mắc Covid-19, trung bình hàng tháng ghi nhận 17.000 ca mắc (giảm 8,5 lần so với 2021, giảm 48 lần so với 2022); ghi nhận 20 ca tử vong do Covid-19, tỷ lệ tử vong giảm mạnh xuống còn 0,02% (năm 2021 là 1,86%, năm 2022 là 0,1%).
Các ca tử vong ghi nhận trong thời gian này đều là những trường hợp có bệnh nền nặng đang điều trị từ trước, phần lớn có tiền sử chưa tiêm đủ mũi vaccine phòng Covid-19. Hiện nay, tỷ lệ người bệnh Covid-19 nhập viện thấp hơn; tỷ lệ nặng cũng giảm bằng hoặc thấp hơn một số bệnh truyền nhiễm nhóm B.
(Báo Đại đoàn kết)
* Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Ngành Y tế chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, tiếp tục ưu tiên cải cách thủ tục hành chính
Thời gian qua ngành y tế đã cố gắng vượt qua những khó khăn trong bối cảnh vừa bước ra khỏi đại dịch COVID-19 và không ngừng nỗ lực đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Ngành chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, tham mưu, đề xuất các chính sách để quan tâm, củng cổ y tế dự phòng, y tế cơ sở...
Chia sẻ thông tin tại toạ đàm - trao đổi về truyền thông y tế diễn ra chiều 14/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết trong năm 2022, và 6 tháng đầu năm 2023, ngành y tế đã cố gắng vượt qua những khó khăn trong bối cảnh vừa bước ra khỏi đại dịch COVID-19 và không ngừng nỗ lực đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước.
Theo đó, ngành Y tế đã đạt và vượt 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao, trong đó:
Chỉ tiêu số bác sĩ/10.000 dân đạt 9,4 bác sĩ, thực hiện đạt 11,5 bác sĩ, vượt chỉ tiêu được giao;
Chỉ tiêu số giường bệnh/10.000 dân đạt 29,5 giường bệnh, thực hiện là 31 giường bệnh, vượt chỉ tiêu được giao;
Tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 92% dân số, thực hiện được 92,03% dân số, đạt chỉ tiêu được giao.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng thông tin trong bối cảnh bộc lộ những bất cập sau đại dịch, ngành Y tế đã chú trọng công tác hoàn thiện thể chế. Ngành đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đồng thời rốt ráo tham mưu, lên kế hoạch xây dựng, trình cấp có thẩm quyền các văn bản quan trọng khác như Luật BHYT sửa đổi, Luật Dược sửa đổi, Luật Phòng bệnh, Luật Trang thiết bị y tế, Luật cấy ghép hiến mô tạng, Luật Dân số.
Bên cạnh đó hàng loạt các Nghị định khác xuất phát từ bất cập của thực tiễn cần thiết ban hành, sửa đổi cũng đã được Bộ Y tế tham mưu, xây dựng trình Chính phủ ban hành.
Đồng thời, Bộ Y tế tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ những vướng mắc của ngành như các luật về bảo hiểm y tế, dược, dân số, trang thiết bị y tế… Tích cực hoàn thiện các chiến lược, quy hoạch, đề án lớn, tạo cơ sở quan trọng để tiếp tục phát triển ngành, như quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xây dựng xong và đang trình chờ Hội đồng thẩm định quy hoạch của nhà nước thẩm định, phê duyệt.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết thêm để củng cố lại lực lượng y tế dự phòng và y tế cơ sở, tăng cường sự quan tâm cho lực lượng này, Bộ Y tế đã xây dựng trình Ban Bí thư Chỉ thị về phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới; tham gia đoàn giám sát tối cao của Quốc hội liên quan đến việc huy động, sử dụng quản lý nguồn lực phòng chống COVID-19, các chính sách pháp luật liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng. Chính phủ đã trình dự thảo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này.
Ngoài ra, vấn đề phục hồi chức năng, y tế biển đảo... cũng đã được Bộ Y tế ban hành các văn bản về những nội dung này.
Hoạt động khám, chữa bệnh thông thường hồi phục nhanh sau dịch bệnh COVID-19. Ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khám chữa bệnh từ xa thông qua hệ thống telemedicine song song với việc chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị và áp dụng các tiến bộ khoa học trong nghiên cứu, kiểm soát dịch bệnh và điều trị. Những nỗ lực về tiêm chủng được quốc tế đánh giá cao tiếp tục được triển khai.
Song song với đó, theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, ngành y tế tiếp tục ưu tiên công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Hệ thống tổ chức, bộ máy của ngành được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn đầu mối gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Nhiều lĩnh vực y tế chuyên sâu, mũi nhọn của Việt Nam được thế giới đánh giá cao (phẫu thuật nội soi tuyến giáp, ghép tạng, can thiệp tim mạch, bấm huyệt, châm cứu…)...
(Báo Sức khỏe & đời sống)
* Việt Nam sắp có hơn 200.000 liều vaccine 5 trong 1 tiêm cho trẻ từ nguồn hỗ trợ
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương, WHO tại Việt Nam, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc cho biết sẽ hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam hơn 200.000 liều vaccine 5 trong 1 để tiêm cho trẻ trong độ tuổi theo quy định.
Bộ Y tế đã rất cố gắng để có vaccine tiêm chủng cho trẻ em
Liên quan vấn đề vaccine tiêm chủng mở rộng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trong chia sẻ với báo chí tại toạ đàm - trao đổi về truyền thông y tế chiều 14/6 đã khẳng định: "Không có hiện tượng Bộ Y tế đùn đẩy xuống địa phương. Với trách nhiệm của mình, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã rất cố gắng để có vaccine tiêm chủng cho trẻ em".
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng cho biết, trong dự thảo nghị quyết trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội mới đây liên quan đến phòng chống dịch COVID-19, y tế dự phòng và y tế cơ sở, Bộ Y tế đã làm việc với Uỷ ban Xã hội và đã được đoàn giám sát của Quốc hội thống nhất đồng ý đưa nội dung về việc tiếp tục bố trí ngân sách trung ương để thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo một cách hiệu quả thống nhất trên toàn quốc.
"Chúng ta phải đi từ các Nghị quyết của Quốc hội. Với Nghị quyết này của Quốc hội thì chắc chắn việc triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng năm nay và những năm sau không bị vướng" - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Người đứng đầu ngành y tế cho biết, để triển khai việc này, ngành y tế đã chủ động báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng cũng đã giao Bộ Tài chính xây dựng dự thảo về Nghị quyết của Chính phủ bổ sung kinh phí từ nguồn ngân sách dự phòng năm 2023 cho Bộ Y tế mua vaccine trong tiêm chủng mở rộng để triển khai thực hiện trong toàn quốc.
Dự thảo nghị quyết đã được xin ý kiến các thành viên Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Y tế mong Nghị quyết sớm được ban hành trong thời gian tới.
Để triển khai nhanh chóng việc tiêm vaccine cho trẻ, Bộ Y tế đã phối hợp với 63 tỉnh, thành phố rà soát số lượng, nhu cầu vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng để phân bổ phù hợp.
Trong các loại vaccine tiêm chủng mở rộng sản xuất trong nước, hiện nay có vaccine DPT (Bạch hầu, Ho gà, uốn ván).
"Chúng tôi cũng có thông tin hiện nhà sản xuất có bao nhiêu vaccine DPT trong kho và sẵn sàng cung ứng cho tiêm chủng mở rộng khi có các quyết định của các cấp có thẩm quyền. Còn các vaccine khác cơ bản và hiện vẫn tiêm bình thường ở các trạm y tế xã" - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Sắp có thêm hơn 200.000 liều vaccine 5 trong 1 từ nguồn hỗ trợ khẩn cấp
Liên quan đến vaccine 5 trong 1, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin, để chủ động cho việc triển khai chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ, Bộ Y tế vẫn tiếp tục mua vaccine. Hiện Bộ Y tế đã giao các đơn vị liên quan xây dựng xong các phương án giá; Bộ đã thành lập 2 tổ thẩm định giá gửi sang Bộ Tài chính để thẩm định sớm theo quy định. Trên cơ sở đó cũng là căn cứ đặt hàng đối với vaccine đặt hàng, đối với vaccine nào phải đàm phán giá thì Bộ Y tế cũng đã giao các đơn vị triển khai theo quy định.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan chia sẻ: "Từ nay đến lúc mua được vaccine theo ngân sách trung ương, làm thế nào để đảm bảo vaccine tiêm cho trẻ là việc chúng tôi rất đau đáu. Tôi và các đồng chí lãnh đạo Bộ mà trực tiếp là Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cùng các đơn vị đã làm việc với các đối tác. Thực sự các đối tác rất khó khăn nhưng trước đề nghị của Bộ Y tế, họ cũng tìm mọi cách để có nguồn hỗ trợ cho Việt Nam".
Bộ trưởng cho biết, đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương, WHO tại Việt Nam, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc đã thống nhất sẽ hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam trên 200.000 liều vaccine 5 trong 1 để tiêm cho trẻ. Ngoài ra, còn có hơn 65.000 liều vaccine 5 trong 1 từ nguồn tài trợ trong nước. Số vaccine này đảm bảo để tiêm cho trẻ em thuộc nhóm phải tiêm vaccine 5 trong 1.
"Số vaccine này sẽ ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa – nơi trẻ khó tiếp cận được với nguồn vaccine 5 trong 1 dịch vụ" - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói và cho biết thêm: Các đơn vị của Bộ Y tế đang hoàn tất các thủ tục để sớm tiếp nhận nguồn viện trợ nhằm có vaccine tiêm cho trẻ.
Cũng liên quan đến vấn đề vaccine, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) Phan Trọng Lân cho biết, có 10 loại vaccine được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Trong đó, đa phần các vaccine sản xuất trong nước cơ bản đáp ứng đến tháng 7,8 do được gối đầu của năm 2022. Vaccine 5 trong 1 là vaccine nhập khẩu, là một trong những vaccine tiêm đạt tỷ lệ cao nhất so với các vaccine khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Ước tính khoảng trên 200.000 trẻ em chưa được tiêm.
Với các bệnh bạch hầu, ho gà, Bộ Y tế đã yêu các địa phương tăng cường các biện pháp giám sát. Những bệnh này dễ gây thành dịch khi có.
Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã có hướng dẫn tiêm bù đầy đủ, đặc biệt chú trọng vùng lõm để có vaccine là tiêm ngay, đặc biệt là các huyện miền núi.
(Báo Sức khỏe & đời sống)
* Kế hoạch thẩm định Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà - Chủ tịch Hội đồng thẩm định Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch) vừa ký Quyết định số 43/QĐ-HĐTĐQH ban hành Kế hoạch tổ chức thẩm định Quy hoạch.
Mục đích của Kế hoạch nhằm đảm bảo tiến độ trong quá trình tổ chức thẩm định quy hoạch ngành quốc gia đối với Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch; phân công trách nhiệm, tổ chức thực hiện và theo dõi, đôn đốc việc thẩm định quy hoạch theo đúng quy trình và kế hoạch đề ra.
Quyết định phân công rõ nhiệm vu, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng thẩm định
Theo đó, các thành viên Hội đồng có trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ trình thẩm định quy hoạch, chuẩn bị ý kiến góp ý bằng văn bản tại cuộc họp của Hội đồng thẩm định; thẩm định các nội dung của quy hoạch theo quy định Điều 32 Luật Quy hoạch, trong đó nghiên cứu, tham gia ý kiến đối với các nội dung liên quan căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành, đơn vị được cử đại diện và tham gia ý kiến đối với các vấn đề liên quan khác của quy hoạch nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của Quy hoạch.
Các thành viên Hội đồng có trách nhiệm chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng thẩm định và Thủ trưởng cơ quan về nội dung công việc được Chủ tịch Hội đồng thẩm định giao nhiệm vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những ý kiến tham gia đối với Quy hoạch; phối hợp với cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch rà soát các nội dung giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định trong hồ sơ, tài liệu quy hoạch trước khi hồ sơ, tài liệu quy hoạch được đóng dấu xác nhận.
Thành viên phản biện nghiên cứu, đánh giá và báo cáo Hội đồng thẩm định toàn bộ nội dung quy hoạch; thực hiện trách nhiệm và quyền hạn theo Điều 35 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ.
Các thành viên Hội đồng có trách nhiệm tham gia đầy đủ các phiên họp của Hội đồng thẩm định khi được triệu tập; thực hiện các nhiệm vụ được phân công và các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng thẩm định giao.
Các thành viên Hội đồng có quyền yêu cầu cơ quan thường trực hội đồng cung cấp các hồ sơ, tài liệu quy hoạch; bảo lưu ý kiến của mình.
Quyền và trách nhiệm của Cơ quan thường trực hội đồng
Cơ quan thường trực hội đồng thực hiện theo Điều 34 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ và các nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch; chuẩn bị nội dung, chương trình họp Hội đồng thẩm định; mời họp và chuẩn bị tài liệu và phương tiện phục vụ các cuộc họp Hội đồng thẩm định.
Đồng thời, đôn đốc các thành viên Hội đồng thẩm định triển khai công tác thẩm định theo nhiệm vụ được giao; tổng hợp các nội dung có ý kiến khác nhau liên quan đến ngành, địa phương trong quá trình thẩm định, báo cáo Chủ tịch Hội đồng xem xét, quyết định.
(Báo Kinh đế & đô thị)