* Bộ trưởng Đào Hồng Lan kiểm tra công tác tổ chức chiến dịch bổ sung Vitamin A tại Hà Nội
Trong chiến dịch đợt 1, dự kiến có hơn 6 triệu trẻ trên toàn quốc được uống bổ sung Vitamin A, trong đó tính riêng trên địa bàn Hà Nội dự kiến có hơn 392 nghìn trẻ.
Ngày 01/6, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Đào Hồng Lan làm Trưởng đoàn đã đến thăm và kiểm tra công tác tổ chức Chiến dịch bổ sung Vitamin A cho trẻ em của thành phố Hà Nội tại điểm Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, số 40 Nguyễn Thái Học, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình.
Tại điểm kiểm tra, Sở Y tế thành phố Hà Nội đã báo cáo công tác chuẩn bị tổ chức Chiến dịch trên địa bàn thành phố và đoàn công tác đã trực tiếp kiểm tra việc chuẩn bị bố trí, sắp xếp các bàn uống Vitamin A tại điểm trường.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đánh giá cao tập thể lãnh đạo Sở Y tế trong thời gian rất ngắn đã chỉ đạo hệ thống y tế tuyến quận, huyện và y tế cơ sở chuẩn bị rất chu đáo, kỹ lưỡng về nhân lực, cơ sở vật chất, thuốc, trang thiết bị để tổ chức cho các cháu được uống Vitamin A kịp thời, đúng lịch.
Để chuẩn bị cho chiến dịch bổ sung Vitamin A cho trẻ em trên toàn quốc, Bộ Y tế đã giao cho các đơn vị triển khai thực hiện phối hợp với các nhà cung cấp lựa chọn thuốc, đến thời điểm này thuốc đã được nhập khẩu về Việt Nam với đủ số lượng cho trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc sử dụng.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, hiện nay số lượng Vitamin A nhập về đã được các địa phương tiếp nhận và triển khai trên toàn quốc để tăng cường vi chất dinh dưỡng và thể trạng sức khỏe cho trẻ em Việt Nam. Vào ngày 1/6 hàng năm, hưởng ứng tháng hành động vì trẻ em, Bộ Y tế phát động chương trình uống Vitamin A cho trẻ.
Để chiến dịch bổ sung Vitamin A đợt 1 được tổ chức thành công, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị Sở Y tế Hà Nội tiếp tục chỉ đạo, giám sát việc thực hiện triển khai chiến dịch bổ sung Vitamin A theo đúng hướng dẫn chuyên môn, đảm bảo cơ số thuốc, đảm bảo vệ sinh, an toàn cho trẻ.
Đồng thời đề nghị chính quyền địa phương, ban, ngành, đoàn thể các cấp, các cơ quan truyền thông tích cực tham gia vận động các bậc phụ huynh đưa trẻ đến uống Vitamin A và tẩy giun định kỳ đầy đủ, đạt được các chỉ tiêu đã đề ra.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở đã thực hiện cấp phát Vitamin A đến từng trạm y tế xã phường, thực hiện truyền thông để người dân đưa trẻ em đi uống Vitamin A. Sở cũng đã tập huấn cho cán bộ y tế về quy trình thực hiện cũng như chuyên môn.
Ngày 1/6 cũng là thời điểm các cháu nghỉ hè, Hà Nội đã tổ chức các điểm uống Vitamin A thuận lợi nhất cho người dân. Sở Y tế cũng tổ chức 3 đoàn kiểm tra giám sát trước, trong và sau chiến dịch để đạt hiệu quả cao nhất, làm sao để tất cả các cha mẹ đưa con đến điểm uống đúng lịch.
"Trong chiến dịch này, ngoài uống Vitamin A, Hà Nội cũng triển khai việc cân đo cho trẻ dưới 5 tuổi. Tổng số trẻ em được uống Vitamin A đợt này theo đúng đối tượng là 392.000 trẻ với 1.744 điểm uống. Số trẻ em được cân đo dưới 5 tuổi cũng đã được rà soát rất tốt. Tất cả các cán bộ ở các trạm y tế trên địa bàn được huy động tham gia vào chiến dịch này, đồng thời một số bệnh viện tuyến trên cũng tham gia ứng trực cấp cứu", bà Trần Thị Nhị Hà cho biết.
Nhân ngày vi chất dinh dưỡng 1-2 tháng 6, Bộ Y tế đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục chung tay với ngành y tế tuyên truyền vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống suy dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ em như tăng cường đảm bảo an ninh lương thực hộ gia đình, cải thiện chất lượng bữa ăn, sử dụng đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày, ưu tiên lựa chọn và sử dụng thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng.
Đối với trẻ nhỏ, cần thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn dặm đảm bảo đủ các thành phần dinh dưỡng và phù hợp với độ tuổi. Đối với bà mẹ mang thai và trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cần được bổ sung các sản phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng hằng ngày. Đó là những việc làm hết sức cần thiết để chúng ta đạt được các mục tiêu của Chiến lược dinh dưỡng quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 05/01/2022.
Năm 2023, Bộ Y tế tổ chức Chiến dịch bổ sung vitamin A đợt 1 cho trẻ em bắt đầu từ ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6/2023, đồng thời cũng là ngày vi chất dinh dưỡng. Chiến dịch sẽ được tổ chức trên toàn quốc, trong đó tại 22 tỉnh miền núi khó khăn mỗi trẻ từ 6-59 tháng được uống 1 liều Vitamin A, trẻ từ 24-59 tháng được tẩy giun định kỳ; tại 41 tỉnh, thành phố còn lại trẻ em từ 6-35 tháng tuổi được uống 1 liều Vitamin A. Nguồn thuốc sử dụng trong chiến dịch do tổ chức Vitamin Angel - Hoa Kỳ viện trợ.
Trong chiến dịch đợt 1, dự kiến có hơn 6 triệu trẻ trên toàn quốc được uống bổ sung Vitamin A, trong đó tính riêng trên địa bàn Hà Nội dự kiến có hơn 392 nghìn trẻ.
(Báo Sức khỏe và đời sống)
* Tin mới về y tế ngày 1/6: Hà Nội tổ chức cho trẻ uống vitamin A; Nguy cơ nhồi máu não do sử dụng bia rượu
Kế hoạch tổ chức chiến dịch bổ sung vitamin A và triển khai hoạt động Ngày vi chất dinh dưỡng năm 2023 diễn ra trong 2 ngày (1 và 2/6) và uống vét ngày 3 và 4/6 tại Hà Nội.
Đồng loạt bổ sung vitamin A
Đối tượng được bổ sung vitamin A là trẻ từ 6 đến 35 tháng tuổi đang có mặt tại địa phương, kể cả trẻ vãng lai, trẻ đang điều trị tại các cơ sở y tế.
Dự kiến số trẻ trong độ tuổi được uống vitamin A đợt này khoảng 392.131 trẻ và được tổ chức tại 1.715 điểm uống trên địa bàn toàn thành phố.
Ngoài ra, từ ngày 1 - 7/6, Hà Nội cũng triển khai chiến dịch cân, đo cho toàn bộ trẻ dưới 5 tuổi sinh sống trên địa bàn.
Mục tiêu chiến dịch này phấn đấu trên 99,8% trẻ em từ 6 đến 35 tháng tuổi được uống vitamin A liều cao trong hai đợt chiến dịch (đợt 1 diễn ra vào tháng 6 và đợt 2 vào tháng 12/2023).
Ngoài ra, trên 95% trẻ em dưới 5 tuổi được cân, đo chiều cao để đánh giá tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thiếu cân, thể thấp còi, thể gầy còm và tỷ lệ thừa cân, béo phì.
Đơn vị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội được giao nhiệm vụ thường trực phối hợp triển khai chiến dịch bổ sung vitamin A và các hoạt động ngày vi chất dinh dưỡng đợt 1;
Các Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch triển khai uống bổ sung vitamin A cho trẻ từ 6 - 35 tháng tuổi, tích cực điều tra, rà soát, gửi giấy mời các đối tượng;
Tập huấn cho các cán bộ y tế cộng tác viên trực tiếp tham gia chiến dịch về kỹ thuật, quy trình cho trẻ uống bổ sung vitamin A, cách bố trí sắp xếp trang thiết bị dụng cụ, kỹ thuật cho trẻ uống, liều lượng theo phác đồ của Bộ Y tế, thông kê báo cáo...
Ngay sau khi phát động chiến dịch, Sở Y tế giao các đơn vị chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị và vitamin A, nhân lực....
Đồng thời, tập huấn kỹ thuật cân, đo, thống kê báo cáo và sử dụng biểu đồ tăng trưởng đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dinh dưỡng tại 30 quận, huyện, thị xã.
Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, Sở đã yêu cầu các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng kế hoạch trển khai chiến dịch uống bổ sung vitamin A cho trẻ đảm bảo an toàn, hiệu quả; các đơn vị đẩy mạnh công tác truyền thông trước, trong những ngày diễn ra chiến dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bên cạnh đó, Phó giám đốc Sở Y tế cũng lưu ý, cán bộ y tế trực tiếp cho trẻ uống vitamin A cần phải sàng lọc trước khi cho trẻ uống.
Những trẻ có dấu hiệu chống chỉ định thì tạm dừng và cho uống bù vào thời gian thích hợp sau khi hết các dấu hiệu chống chỉ định này. Ngoài ra, cán bộ y tế cho trẻ uống phải bảo đảm đúng kỹ thuật, đúng đối tượng, đủ liều lượng được chỉ định theo lứa tuổi.
Năm 2023, Bộ Y tế tổ chức Chiến dịch bổ sung vitamin A đợt 1 cho trẻ em bắt đầu từ ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, đồng thời cũng là ngày vi chất dinh dưỡng…
Vitamin A có vai trò quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ. Hằng năm, Bộ Y tế tổ chức chiến dịch bổ sung Vitamin A liều cao cho hơn 6 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 6 – 54 tháng tuổi trên quy mô toàn quốc (mỗi năm có 2 đợt: đợt 1 vào tháng 6; và đợt 2 vào tháng 12).
Trong các chiến dịch này, trẻ em trong độ tuổi được cho uống bổ sung viên nang Vitamin A liều cao. Trong thời gian qua, các chiến dịch bổ sung Vitamin A đã giúp cho Việt Nam thanh toán được bệnh mù loà do thiếu Vitamin A vào năm 2000.
Năm 2023, Bộ Y tế tổ chức Chiến dịch bổ sung vitamin A đợt 1 cho trẻ em bắt đầu từ ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, đồng thời cũng là ngày vi chất dinh dưỡng.
Chiến dịch sẽ được tổ chức trên toàn quốc, trong đó tại 22 tỉnh miền núi khó khăn mỗi trẻ từ 6-59 tháng được uống 1 liều Vitamin A, trẻ từ 24-59 tháng được tẩy giun định kỳ; tại 41 tỉnh, thành phố còn lại trẻ em từ 6-35 tháng tuổi được uống 1 liều Vitamin A. Nguồn thuốc sử dụng trong chiến dịch do tổ chức Vitamin Angel, Hoa Kỳ viện trợ.
Theo Bộ Y tế, vi chất dinh dưỡng rất cần thiết cho quá trình tăng trưởng, phát triển về thể lực, tầm vóc và trí tuệ, nâng cao sức khỏe, sức đề kháng của cơ thể.
Để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người, mọi gia đình hãy thực hiện bữa ăn hàng ngày cần đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm; lựa chọn và sử dụng thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng.
Sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng sẵn có ở địa phương cho bữa ăn bổ sung hàng ngày của trẻ; thêm mỡ hoặc dầu ăn để tăng cường hấp thu Vitamin A, vitamin D. Cho trẻ trong độ tuổi uống Vitamin A 2 lần/năm.
Trẻ từ 24 đến 59 tháng tuổi cần được uống thuốc tẩy giun 2 lần/năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để phòng chống nhiễm giun, sán.
Phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai cần uống viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn. Hãy đưa trẻ trong độ tuổi đi uống Vitamin A theo hướng dẫn của trạm y tế xã/phường.
Nguy cơ nhồi máu não do sử dụng bia rượu
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), đơn vị vừa cấp cứu thành công bệnh nhân nam giới bị nhồi máu não.
Bệnh nhân tên V.V.C. (SN 1968, trú tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai) nhập viện trong tình trạng liệt hoàn toàn 1/2 người bên phải, không nói được, méo miệng, huyết áp 180/100 mmHg.
Bệnh nhân cho hay, khi đang trên đường trở về nhà thì bị ngã ra đường, không nói được kèm liệt nửa người bên phải. Sau khi chụp CT sọ não, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não cấp giờ thứ I. Bệnh nhân còn có tiền sử bị viêm tụy cấp, thường xuyên sử dụng rượu bia.
Sau khi đánh giá toàn diện, các bác sĩ Khoa Cấp cứu đã chỉ định sử dụng thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch (tiêu sợi huyết) và kiểm soát huyết áp, đường máu.
Khoảng 1 giờ sau khi dùng thuốc, bệnh nhân cải thiện tình trạng, chân tay đã cử động được. Một ngày sau đó, bệnh nhân C. có thể vận động được, đi lại được, nói chuyện bình thường, gần như không để lại di chứng.
BSCKI Nguyễn Văn Học, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho hay, đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 sau bệnh tim mạch, ung thư.
Đột quỵ não cũng là nguyên nhân thường gặp nhất gây tàn tật tại các nước phát triển. Do vậy, gánh nặng của bệnh đột quỵ não để lại cho gia đình và xã hội rất lớn.
Đột quỵ não gồm 2 thể là đột quỵ nhồi máu não và đột quỵ chảy máu não (xuất huyết não). Đột quỵ nhồi máu não chiếm 80 - 85%. Việc tái thông mạch sau nhồi máu não cấp tác động mạnh đến cải thiện kết cục lâm sàng, giảm tỉ lệ tử vong.
Cũng theo bác sĩ Văn Học, thời gian “vàng” để điều trị tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch là trong 4,5 giờ từ khi có dấu hiệu nhồi máu não cấp.
Phương pháp này làm giảm tỷ lệ tử vong cũng như mức độ tàn tật. Tỷ lệ tái thông mạch não sau tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch chỉ xấp xỉ 30%.
Chuyên gia khuyến cáo, uống nhiều rượu bia có thể làm tăng huyết áp và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm ở bệnh nhân tăng huyết áp, đặc biệt là nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Không ít trường hợp rơi vào tình trạng nhồi máu não sau chầu
Nhập viện vì nhiễm loại hóa chất cực độc khi rửa kính
Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam 55 tuổi (ở Hưng Yên) vào điều trị trong tình trạng 5 ngón tay phải nhợt nhạt, nhức nhối, đau buốt.
Theo lời kể của người bệnh, trước đó ông này mua một chai nước xịt tẩy rửa gương kính thương hiệu V300, mua trên mạng với giá 180.000 đồng/ chai.
Tuy nhiên, khi dùng để tẩy rửa gương kính phòng tắm, chỉ được khoảng 15-20 phút, người bệnh bắt đầu thấy các ngón tay đau, nhức buốt, giống như bị một loại côn trùng cực độc cắn… nên vội rửa tay và gọi người thân hỗ trợ.
Tại Trung tâm Chống độc, bệnh nhân được chỉ định ngâm các ngón tay vào dung dịch canxi gluconat 10% để thải độc.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, thời điểm nhập viện, bệnh nhân có mang theo chai hóa chất đã dùng. Đây là chai hóa chất có tên V300 nhưng trên nhãn không có tên thành phần, cơ sở sản xuất.
Cũng theo bác sĩ Nguyên, rất có thể sản phẩm này chứa loại hóa chất HF rất độc. Hóa chất này có thể hòa tan kính, làm mòn thủy tinh nên có thể gây thủng cốc chén, chai lọ bằng thủy tinh nếu dùng để đựng hóa chất…. Nếu tiếp xúc với hóa chất này có thể gây ra các vết thương nặng, hoại tử thịt, thậm chí ăn mòn, phá hủy mô xương.
Do đó, tiếp xúc với hóa chất này phải chuẩn bị kỹ về đồ bảo hộ để tránh gây hại đến sức khỏe.
(Báo điện tử baodautu.vn)
*Phát hiện viêm gan B giai đoạn muộn, người đàn ông có nguy cơ tử vong
Tình cờ phát hiện mắc viêm gan B trong đợt ốm nặng, ông H. sốc khi bệnh đã ở giai đoạn muộn có biến chứng xơ gan, chưa loại trừ nguy cơ ung thư gan, tiên lượng xấu...
Ngày 1/6, thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân N.K.H (68 tuổi, ở Tiên Du, Bắc Ninh), có tiền sử mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) nhiều năm. Hai tháng nay, ông thường xuyên xuất hiện những cơn khó thở và tự ý mua thuốc nam về uống nhưng tình trạng khó thở không cải thiện, tăng dần lên.
Bệnh nhân đến bệnh viện huyện để điều trị đợt cấp COPD. Khi có kết quả xét nghiệm men gan tăng, bệnh nhân được chuyển tuyến lên bệnh viện đa khoa tỉnh, xét nghiệm có HBsAg dương tính, chẩn đoán xác định viêm gan B mạn.
Sau 3 tuần điều trị, tình trạng vàng da, bụng chướng tăng lên, ông được chuyển tiếp lên bệnh viện tuyến trên để điều trị. 10 ngày sau, tình trạng bệnh đỡ, ông trở lại bệnh viện đa khoa tỉnh điều trị tiếp. Tuy nhiên, chỉ một thời gian, ông H. rơi vào ý thức chậm dần, mệt mỏi, vàng da, chướng bụng tăng dần kèm khó thở.
Các bác sĩ tuyến dưới chuyển bệnh nhân đến Khoa Viêm gan - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng da củng mạc mắt vàng, phù 2 chi dưới, tiểu ít, bụng chướng căng được chẩn đoán suy gan cấp, viêm phổi/viêm gan B – COPD.
Ngày 19/5/2023, ông H. được chuyển khoa Hồi sức tích cực với chẩn đoán: Nhiễm khuẩn huyết – Tiền hôn mê gan - Xơ gan - Theo dõi hội chứng gan thận/Viêm gan B mạn/COPD.
Quá trình điều trị, ông H. xuất hiện đau bụng, bụng chướng căng, dẫn lưu ổ bụng ra 1000ml máu đỏ tươi, da xanh, mạch nhanh khó bắt, nổi vân tím toàn thân, sonde dạ dày không có máu. Khi được siêu âm ổ bụng cấp thấy khối dưới gan theo dõi u dưới gan chưa loại trừ xuất huyết vùng túi mật.
Bệnh nhân được truyền máu tối cấp, truyền dịch, mạch bắt rõ hơn, huyết áp 100/60mmHg. Tuy nhiên bụng bệnh nhân còn chướng, dẫn lưu dịch ổ bụng vẫn tiếp tục chảy, không cầm máu. Bác sĩ giải thích tình trạng bệnh nhân nặng, tiên lượng tử vong, gia đình xin về chăm sóc tại nhà.
ThS.BS Nguyễn Quốc Phương - Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, tại Việt Nam có 8-10% dân số mắc viêm gan B (tương đương khoảng 8-10 triệu người). Bệnh viêm gan B không biểu hiện ra triệu chứng bên ngoài (trừ viêm gan B cấp hoặc đợt cấp của viêm gan B mạn). Vì vậy người bệnh không đi khám và không phát hiện được mình bị nhiễm virus viêm gan B.
Trường hợp ông H. là một ví dụ điển hình. Ông H. đã dùng thuốc nam để điều trị bệnh COPD. Ông chỉ được phát hiện viêm gan B tình cờ (không chủ động kiểm tra) trong đợt ốm nặng. Lúc đó bệnh viêm gan đã ở giai đoạn muộn, có biến chứng xơ gan (xơ gan mất bù), chưa loại trừ ung thư gan.
Để phòng bệnh và quản lý theo dõi, điều trị tốt bệnh viêm gan B, theo ThS.BS Nguyễn Quốc Phương khuyến cáo người dân:
- Nên chủ động đi xét nghiệm, sàng viêm gan B xem có bị mắc viêm gan B không để còn có kế hoạch quản lý, theo dõi và điều trị.
- Nếu người bệnh đã có bệnh về gan thì tuyệt đối không được dùng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là thuốc nam, thuốc Đông y không rõ nguồn gốc.
- Khi phát hiện bị viêm gan B cần phải theo dõi định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để phát hiện sớm và xử trí kịp thời các biến chứng viêm gan B gây ra như xơ gan và ung thư gan. Ung thư gan nguyên phát (HCC) có thể xuất hiện trên nền gan lành (chưa xơ hóa hay xơ gan) ở người bệnh viêm gan B. Nếu được chẩn đoán sớm thì sẽ có những can thiệp điều trị sớm và tốt nhất cho người bệnh.
(Báo Sức khỏe và đời sống)
* Có bệnh nền, đừng chủ quan khi mắc thủy đậu
Theo các chuyên gia y tế, tuy là bệnh truyền nhiễm lành tính, song nếu bệnh nhân thủy đậu trên nền bị các bệnh suy giảm miễn dịch thì có thể xảy ra biến chứng viêm phổi nặng, thậm chí tử vong. Đáng lo ngại, nhiều người vẫn nghĩ rằng chỉ trẻ em mới mắc thủy đậu, trong khi đã xuất hiện nhiều ca bệnh ở người lớn với những diễn biến khó lường.
Hậu quả khôn lường
Đơn cử, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận và điều trị khá nhiều ca mắc thủy đậu. Đáng tiếc, có ca đã tử vong khi mới 32 tuổi. Chia sẻ về ca mắc thủy đậu này, Phó Giáo Sư, Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Qua khai thác bệnh sử thì đây là một thanh niên khỏe mạnh. Tuy nhiên, chỉ sau 4 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng, bệnh nhân đã tử vong. Theo thông tin từ gia đình bệnh nhân cung cấp, bệnh nhân mắc thủy đậu do trước đó con trai của bệnh nhân bị thủy đậu và vừa được điều trị khỏi vài ngày.
Ban đầu, bệnh nhân xuất hiện những nốt phỏng trên trán, rồi lan xuống ngực. Bệnh nhân có đến phòng khám tư khám và cho thuốc điều trị nhưng không rõ mắc bệnh gì. Hai ngày sau bệnh nhân xuất hiện tình trạng mệt, khó thở và được nhập bệnh viện tỉnh điều trị. Sau hai ngày điều trị bệnh diễn tiến nặng hơn nên bệnh nhân đã được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.
Kết quả chẩn đoán tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, bệnh nhân mắc thủy đậu, có biến chứng viêm phổi nặng, suy gan cấp, rối loạn đông máu… Chưa đầy 12 giờ nhập viện, các triệu chứng tiến triển rất nhanh, bệnh nhân sốt cao liên tục, suy hô hấp, suy đa phủ tạng, viêm cơ tim, rối loạn ý thức và đã tử vong. Ngoài trường hợp này, Trung tâm Bệnh nhiệt đới còn tiếp nhận 2 nữ bệnh nhân khá nặng, hiện vẫn đang điều trị, trong đó một phụ nữ mang thai, người còn lại có tiền sử dùng thuốc corticoid (thuốc chống viêm).
Theo bác sĩ Cường lý giải, với người khỏe mạnh mắc thủy đậu, sau 1-2 tuần điều trị sẽ khỏi. Tuy nhiên, với những người có cơ địa suy giảm miễn dịch hoặc người có bệnh nền dùng các thuốc ức chế miễn dịch, khi mắc thủy đậu thường có biến chứng nặng gây viêm phổi, viêm não, suy đa phủ tạng... Điều đó gióng lên hồi chuông cảnh báo để mọi người không nên chủ quan, cần biết cách phòng ngừa và nhận diện sớm dấu hiệu của bệnh.
Tiêm vắc xin phòng bệnh hiệu quả
Bác sĩ Cường cũng cho biết: Thuỷ đậu là bệnh truyền nhiễm do vi rút Varicella zoster (VZV) gây ra, bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp. Do đó, đa số trường hợp người khỏe mạnh nhiễm thủy đậu là do tiếp xúc với người bệnh thông qua không khí như hít phải những giọt nước bọt bắn ra ngoài khi bệnh nhân ho, hắt hơi, hay tiếp xúc chất dịch từ mụn nước. Bệnh thường gặp ở trẻ em, hoặc ở người trưởng thành nếu chưa được tiêm phòng vắc xin. Người lớn nếu không có miễn dịch khi tiếp xúc với người bệnh cũng dễ bị lây và có xu hướng nặng hơn trẻ em.
Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy, có khoảng 90% người chưa có miễn dịch thủy đậu sẽ mắc bệnh nếu tiếp xúc với người bệnh. Bệnh thủy đậu có thể lây nhiễm trong khoảng thời gian từ 1 - 2 ngày trước khi xuất hiện mụn nước, cho đến lúc các mụn nước khô lại và bong tróc vảy. Ngoài ra, bệnh thủy đậu còn có thể lây truyền từ mẹ sang con. Phụ nữ mang thai bị thủy đậu có thể lây truyền cho thai nhi qua nhau thai hoặc lây sau khi sinh nở.
Thời gian ủ bệnh thủy đậu thường từ 2 đến 3 tuần. Sau ủ bệnh, bệnh bắt đầu giai đoạn khởi phát với những biểu hiện của thủy đậu thường gặp như: Sốt, đau đầu, mệt mỏi, phát ban. Ở giai đoạn toàn phát, triệu chứng thường là sốt cao, đau đầu, chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn, đau cơ. Điển hình là xuất hiện những mụn nước với đường kính 1 - 3 mm xuất hiện toàn thân, tập trung nhiều ở mặt, thân mình rồi lan ra toàn thân, thậm chí xuất hiện cả trong niêm mạc miệng, gây ngứa rát, khó chịu cho người bệnh.
Nếu không có biến chứng, giai đoạn hồi phục bệnh thủy đậu thường sau 7 - 10 ngày. Khi đó, các vết mụn nước sẽ khô dần, bong vảy, da thâm và khỏi lâu sẽ trở lại bình thường không để lại sẹo. Trong giai đoạn này, việc vệ sinh cơ thể cần đặc biệt chú trọng, tránh để nhiễm trùng nốt phỏng dẫn đến sẹo. Trong những trường hợp nặng, mụn nước sẽ to hơn. Khi nhiễm trùng, mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ. Đặc biệt, phụ nữ mang thai bị thuỷ đậu ở 3 tháng đầu của thai kỳ có nguy cơ sảy thai, hoặc khi sinh ra trẻ có thể mắc một số dị tật bẩm sinh.
Bởi vậy, bác sĩ Cường nhấn mạnh: Các bệnh nhân có miễn dịch yếu, đang dùng thuốc corticoid, thuốc điều trị ung thư, đang xạ trị khi mắc thủy đậu sẽ dễ chuyển nặng và biến chứng. Ngoài ra, với những trường hợp khỏe mạnh cũng không nên chủ quan. Khi mắc bệnh cần đến cơ sở y tế để bác sĩ có chuyên môn chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Theo Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay bệnh đã có thuốc điều trị đặc hiệu chống vi rút thuỷ đậu là Acyclorvir nhưng cần phải điều trị sớm trong những ngày đầu thì mới có hiệu quả. Bên cạnh đó, dùng thuốc chữa triệu chứng như hạ sốt, bôi các dung dịch sát khuẩn làm se các nốt phỏng tránh bội nhiễm (xanh methylen), vệ sinh thân thể tránh các biến chứng bội nhiễm, không cần phải kiêng cữ nhiều (kiêng gió, kiêng nước,...). Điều quan trọng là người bệnh cần phải theo dõi và phát hiện kịp thời các biến chứng, giữ gìn vệ sinh và tránh tự ý sử dụng các thuốc có thể gây bệnh nặng hơn như corticoid.
Cách phòng ngừa bệnh thuỷ đậu hiệu quả hiện nay là tiêm phòng vắc xin. Trẻ có thể bắt đầu tiêm phòng từ 12 tháng tuổi hay bất kỳ ở lứa tuổi nào sau đó khi có điều kiện. Đối với phụ nữ, khi có kế hoạch sinh con, nên tiêm phòng thủy đậu trước khi có thai ít nhất là 3 tháng. “Hiện vắc xin phòng bệnh rất sẵn, trẻ nhỏ, người lớn hoàn toàn có thể tiêm phòng theo hướng dẫn. Tuy nhiên, có thể vì chủ quan nên nhiều người trì hoãn không tiêm, điều này là rất nguy hiểm”, bác sĩ Cường cảnh báo thêm.
(Báo Lao động thủ đô)
* Khắc phục hạn chế, bất cập trong đào tạo và sử dụng nhân lực y tế dự phòng
Cùng với đội ngũ y sĩ, bác sĩ tại tuyến cơ sở, những người làm trong lĩnh vực y tế dự phòng có rất nhiều đóng góp cho công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Để y tế dự phòng làm tốt sứ mệnh của mình cần có những giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập trong đào tạo và sử dụng đội ngũ bác sĩ y học dự phòng.
Những năm qua, nhân lực y tế dự phòng, trong đó nòng cốt là đội ngũ bác sĩ y học dự phòng và bác sĩ làm công tác dự phòng đã khẳng định được vai trò của mình đối với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Việt Nam đã khống chế thành công nhiều dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi như dịch SARS, cúm A/H5N1, A/H1N1... Đặc biệt trong ba năm ứng phó đại dịch Covid-19 vừa qua, lực lượng y tế dự phòng luôn ở tuyến đầu chống dịch, họ là những người đầu tiên có mặt tại các “điểm nóng” tham gia sàng lọc, xét nghiệm, phân loại… người mắc Covid-19.
Đóng góp của đội ngũ nhân lực y tế dự phòng là rất lớn nhưng thực tế hiện nay vẫn còn những hạn chế, bất cập trong đào tạo và sử dụng nhân lực y tế, nhất là bác sĩ y học dự phòng. Cụ thể như: chưa xác định rõ vai trò, vị trí việc làm; trong khi đó chế độ chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ còn thấp so với lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh; điều kiện làm việc còn khó khăn, điều này làm cho số sinh viên theo học ngành bác sĩ y học dự phòng và chọn làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng có xu hướng giảm liên tục trong những năm qua. Phần lớn những cán bộ y tế xin nghỉ việc, chuyển công tác trong hai năm qua đều là những người công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Theo Phó Viện trưởng Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) Khương Anh Tuấn, nhân lực y tế dự phòng nước ta hiện có khoảng 2.204 người làm việc tại tuyến trung ương; 8.637 người làm việc tại tuyến tỉnh, thành phố; 81.824 người làm việc tại tuyến huyện và 57.249 người làm việc tại tuyến xã. So với nhu cầu thì số nhân lực y tế dự phòng hiện nay đang thiếu khoảng 23.800 người, trong đó thiếu khoảng 8.075 bác sĩ y học dự phòng và 3.993 cử nhân y tế công cộng.
Các bất cập trong sử dụng nguồn nhân lực bác sĩ y học dự phòng mà các đơn vị đang gặp phải như: bác sĩ y học dự phòng được cấp chứng chỉ hành nghề “khám, chữa bệnh thông thường”, nhưng chưa có danh mục kỹ thuật và hoạt động chuyên môn cụ thể thuộc “các bệnh thông thường”; được “khám, chữa bệnh thông thường” nhưng định biên trạm y tế lại không có bác sĩ y học dự phòng. Do chưa có quy định cụ thể về các vị trí chức danh nghề nghiệp đã được mô tả cho bác sĩ y học dự phòng dẫn đến các bác sĩ này chưa được thực hiện đúng vai trò và năng lực chuyên môn tại các cơ sở y tế…
Thống kê của Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) hiện cả nước có 32 trường đào tạo bác sĩ, trong đó có 10 trường đào tạo bác sĩ y học dự phòng. Về quy mô đào tạo, theo thống kê năm 2022 cho thấy số nhân lực bác sĩ y học dự phòng tốt nghiệp chỉ bằng 5% tổng số bác sĩ tốt nghiệp; số học viên tốt nghiệp sau đại học chuyên ngành y học dự phòng đạt 0,8% trong tổng số học viên sau đại học các ngành, chuyên ngành lĩnh vực sức khỏe.
Vấn đề tuyển dụng, sử dụng và quản lý bác sĩ y học dự phòng cũng đã bộc lộ nhiều bất cập. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) nêu rõ: Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã xác định: Y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng. Tuy nhiên, thời gian qua đội ngũ viên chức giữ chức danh bác sĩ y học dự phòng nói riêng và hệ thống y tế dự phòng chưa được quan tâm đúng mức; quy định cụ thể về phạm vi hoạt động của bác sĩ y học dự phòng còn nhiều bất cập; chưa có chính sách mạnh nhằm thu hút nhân lực bác sĩ y học dự phòng…
Tại phiên thảo luận ngày 29/5 của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhiều ý kiến đã chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng. Tổ chức, bộ máy của hệ thống này thay đổi nhiều qua các năm, nguồn nhân lực thiếu, chất lượng chưa bảo đảm; chính sách cho cán bộ y tế chưa tương xứng với nhiệm vụ... Do vậy, nhiệm vụ phát triển y tế cơ sở, y tế dự phòng được đánh giá là thách thức lớn nhất trong giai đoạn hiện nay.
Để công tác y tế cơ sở và dự phòng đi vào nền nếp và phát huy hiệu quả, cần đầu tư nguồn lực xây dựng cơ sở tốt; đồng thời đổi mới chính sách và phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhất là nhân lực làm việc tại trạm y tế xã. Nghiên cứu bảo đảm chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc. Nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, nhất là trong sản xuất vắc-xin và thuốc điều trị trong nước.
Tại hội thảo về công tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực bác sĩ y học dự phòng được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các cơ quan chuyên môn cần tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các kiến nghị với các cơ quan liên quan nhằm xây dựng văn bản quy định phạm vi hoạt động chuyên môn của bác sĩ y học dự phòng.
Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và ban hành các thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn và xếp bậc lương viên chức theo hướng tiếp thu ý kiến của các địa phương, đơn vị cơ sở phù hợp các quy định pháp luật hiện hành nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của chức danh nghề nghiệp bác sĩ y học dự phòng trong giai đoạn mới.
(Báo Nhân dân)