*Hà Nội: Hai người giết mổ và bán thịt lợn nhập viện vì liên cầu khuẩn, một người tử vong
Chỉ trong tuần qua, một người tham gia giết mổ lợn ở huyện Ba Vì và một người bán thịt lợn ở huyện Chương Mỹ phải nhập viện do nhiễm liên cầu khuẩn, một người đã tử vong…
Theo báo cáo dịch tễ từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận thêm 2 bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn.
Ca bệnh thứ nhất là nam 48 tuổi, địa chỉ ở xã Phú Châu, huyện Ba Vì. Bệnh nhân này tham gia giết mổ lợn bệnh. Trong quá trình giết mổ, bệnh nhân không sử dụng biện pháp bảo hộ.
Hai ngày sau khi giết mổ lợn, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, rét run, mệt mỏi, đau cơ, đau mỏi người, buồn nôn, nôn; rồi tiếp tục xuất hiện ban xuất huyết vùng đầu và trên cơ thể nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì.
Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn và được chuyển đến Bệnh viện Quân y 105 để điều trị. Sau đó, bệnh nhân tử vong với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân nữ, 43 tuổi, địa chỉ ở xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ. Bệnh nhân làm nghề bán thịt lợn tại chợ Đông Phương Yên. Bệnh nhân xuất hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, ý thức kém, lơ mơ và được người nhà đưa vào Bệnh viện Quân y 103 điều trị. Tại đây, bệnh nhân được lấy mẫu dịch não tủy nuôi cấy và kết quả dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn (Streptococcus suis).
Như vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã có 5 ca mắc bệnh này, trong đó có 1 ca tử vong; trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca mắc.
Báo An ninh thủ đô
*Bệnh truyền nhiễm gia tăng, vắc xin phòng ngừa hiệu quả nhất
Chiều 15-5, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, nếu như trong các tuần trước đó, số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu trên địa bàn thành phố đều giảm thì trong tuần vừa qua, lại gia tăng.
Cụ thể, trong tuần (từ ngày 5 đến 12-5), trên địa bàn thành phố ghi nhận 16 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 11 ca so với tuần trước đó). Như vậy, cộng dồn từ đầu năm đến nay, thành phố đã có 248 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái).
Ngoài ra, tuần qua cũng có thêm 2 ổ dịch sốt xuất huyết tại quận Nam Từ Liêm và huyện Thạch Thất. Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận 12 ổ dịch.
Về bệnh tay chân miệng, tuần qua có thêm 46 ca mắc (tăng 11 ca so với tuần trước đó). Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 552 ca mắc (tăng gần 8,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái). Ngoài ra, trong tuần qua cũng ghi nhận 1 ổ dịch tay chân miệng tại phường Trung Tự (quận Đống Đa). Như vậy, từ đầu năm đến nay, thành phố có 24 ổ dịch tay chân miệng.
Ngoài ra, tuần qua, thành phố cũng ghi nhận thêm 54 ca mắc thuỷ đậu (tăng 19 ca so với tuần trước đó). Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 1.439 ca mắc thuỷ đậu (tăng hơn 21 lần so với cùng kỳ năm ngoái).
Theo đánh giá của CDC Hà Nội, những ngày qua, thời tiết thay đổi thất thường. Sau mưa dông, trời mát mẻ rồi lại chuyển sang nắng nóng, tạo điều kiện cho muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết và vi rút gây bệnh thuỷ đậu, tay chân miệng phát triển. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới số ca mắc các bệnh này lại gia tăng.
Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, tiêm vắc xin là biện pháp phòng các bệnh truyền nhiễm hiệu quả và an toàn nhất.
Đơn cử, vắc xin cúm tứ giá Vaxigrip Tetra (Pháp) và Influvac Tetra (Hà Lan) giúp phòng ngừa 4 chủng vi rút cúm gây bệnh nặng gồm cúm A/H1N1, H3N2 và 2 chủng cúm B/Yamagata và Victoria. Hay hai loại vắc xin Prevenar 13 (Bỉ) và Synflorix (Bỉ) đang lưu hành ở Việt Nam có thể phòng ngừa các bệnh do phế cầu khuẩn.
Ngoài ra, nước ta cũng đang sử dụng vắc xin MVVac (Việt Nam) phòng sởi cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn; vắc xin phối hợp Priorix (Bỉ)/MMR II (Mỹ) phòng sởi - quai bị - rubella…
Báo Hà Nội mới
*Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Bệnh viện có thể quyết định mua thuốc không thuộc BHYT
Bệnh viện (BV) có thể tự quyết định về hình thức, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu khi mua thuốc không thuộc danh mục thanh toán BHYT.
Theo Bộ Y tế, đây là điểm mới trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Nội dung này nhằm giúp bác sĩ và bệnh nhân tăng khả năng tiếp cận và quyền lựa chọn thuốc điều trị, nhất là với nhóm bệnh nhân tự nguyện chi trả. Trước đây BV mua sắm thuốc theo cơ chế đấu thầu tập trung hoặc đấu thầu riêng nếu được phép.
Ngoài ra, Luật Đấu thầu (sửa đổi) có thể cho áp dụng đàm phán giá, sử dụng danh sách nhà thầu nhiều lần để BV chủ động trong mua sắm.
Dự luật này đang được lấy ý kiến tại kỳ họp các Ủy ban chuyên trách của Quốc hội, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, khai mạc ngày 22/5. Hiện, 95% giường bệnh thuộc các BV công lập. Vì vậy, tháo gỡ những “nút thắt” thể chế trong quản lý mua sắm thuốc, nhất là các loại thuốc mới, biệt dược gốc sẽ giúp tăng cơ hội tiếp cận thuốc mới của người bệnh và phương pháp điều trị tiên tiến cho bác sĩ.
Theo Bộ Y tế, giá biệt dược gốc tại Việt Nam ở mức thấp so các nước trong khu vực ASEAN (với hầu hết nhóm điều trị chính). Tỷ trọng sử dụng thuốc biệt dược gốc tại các cơ sở y tế Việt Nam là 11%, trong khi các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương tỷ lệ trung bình hơn 27%.
Dữ liệu của Tổ chức nghiên cứu ngành y dược IQVIA MIDAS cập nhật quý I/2022, cho rằng bệnh nhân Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi trong việc tiếp cận thuốc mới so với các nước trong khu vực. Cụ thể, năm 2022, chỉ 9% thuốc mới có mặt tại Việt Nam (trên tổng 460 thuốc mới ra thị trường từ 2012 tới cuối 2021).
Trả lời báo chí, TS.BS Nguyễn Trọng Thế, Phó Chủ nhiệm Khoa Bệnh lây đường hô hấp và hồi sức, BV Trung ương Quân đội 108, cho biết khi điều trị, bác sĩ luôn ưu tiên lựa chọn những loại thuốc phù hợp với người bệnh nhất. Trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch được ưu tiên sử dụng thuốc có hiệu quả ngay tức thì.
"Việc đa dạng hóa lựa chọn thuốc cho chúng tôi sử dụng cũng vô cùng quan trọng vì cùng một bệnh thì có nhiều mức độ khác nhau", BS Thế nói.
Thời gian qua, một số BV gặp khủng hoảng vì vướng mắc quy định mua sắm. Để tháo gỡ, Chính phủ đã cho phép BV thí điểm một số cơ chế mới mua sắm thông qua Nghị quyết 30 và Nghị định 07. Lãnh đạo các BV cho biết ngay khi được tháo gỡ những vướng mắc, BV đã đẩy nhanh tiến độ đấu thầu, mua sắm. Tuy nhiên, các BV đề nghị cần sửa đổi sớm Luật Đấu thầu.
Như BV Răng Hàm Mặt Trung ương hay BV Bạch Mai, lãnh đạo cho biết sau khi Chính phủ tháo gỡ, 90 - 95% băn khoăn của BV đã được gỡ vướng. Các BV gấp rút mời thầu, mua sắm để giải quyết tình trạng trước mắt. "Song, BV đề nghị cần sửa đổi sớm Luật Đấu thầu để phục vụ công tác khám, chữa bệnh dài hạn của bệnh viện", PGS.TS Trần Cao Bính, Giám đốc BV Răng Hàm Mặt Trung ương, nói.
Hồi giữa tháng 3, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, những khó khăn trong ngành không thể giải quyết triệt để ngay, cần sửa nhiều luật như: Giá, Đấu thầu, Dược để đồng bộ sau khi được Chính phủ gỡ vướng.
"Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các Bộ Tài chính, KH&ĐT để sửa Luật Giá, Luật Đấu thầu. Nếu không đồng bộ được tất cả văn bản thì không thể giải quyết được vướng mắc", ông Tuyên nói khi hướng dẫn sở y tế, BV, DN trên cả nước, triển khai các nghị định, nghị quyết gỡ vướng của Chính phủ.
Các chuyên gia cho rằng các luật được đồng bộ, có thể tháo gỡ từng bước “nút thắt” thể chế trong quản lý mua sắm thuốc, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiếp cận thuốc mới, biệt dược gốc của bác sĩ, người bệnh. Khi đó, ngành Y tế sẽ giữ chân được người bệnh điều trị trong nước, ngăn chặn tình trạng “chảy máu ngoại tệ” từ dòng người bệnh ra nước ngoài chữa trị.
Báo Pháp luật Việt Nam
*Bộ Y tế đình chỉ lưu hành, thu hồi toàn quốc lô kem đánh răng không đạt chất lượng
Lô mỹ phẩm BIS UP ICE CARE TOOTHPASTE – Tuýp 100g - kem đánh răng BIS - UP đã bị Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc.
Ngày 15/5, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc đối với lô mỹ phẩm BIS UP ICE CARE TOOTHPASTE – Tuýp 100g (Số lô: OJ4B; NSX: 20/10/2020; HD: 19/10/2023) trên nhãn ghi thông tin: số GP CBMP 139040/20/CBMP-QLD; Nhà sản xuất: Green Wonil Co.,Ltd; Nhập khẩu và phân phối: Công ty cổ phần thương mại Imexco Việt Nam, địa chỉ: Lô 02-04 cụm Tiểu thủ công nghiệp Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội do không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Theo đó, trong văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công ty cổ phần thương mại Imexco Việt Nam (Địa chỉ trụ sở chính: Số 136, phố Kim Ngưu, Phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội), Cục Quản lý Dược cho biết, mẫu kiểm nghiệm lô mỹ phẩm này do Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm, Thực phẩm TP Hồ Chí Minh tiến hành kiểm nghiệm cho thấy mẫu thử không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm theo quy định.
Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng lô sản phẩm BIS UP ICE CARE TOOTHPASTE – Tuýp 100g nêu trên và trả lại cơ sở cung ứng sản phẩm;
Tiến hành thu hồi lô sản phẩm vi phạm nêu trên; kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.
Đối với Công ty cổ phần thương mại Imexco Việt Nam, Cục Quản lý Dược yêu cầu gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng lô sản phẩm BIS UP ICE CARE TOOTHPASTE – Tuýp 100g nêu trên; Tiếp nhận sản phẩm trả lại từ các cơ sở kinh doanh, tiến hành thu hồi và tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm không đáp ứng quy định; Gửi báo cáo thu hồi lô sản phẩm nêu trên về Cục Quản lý Dược trước ngày 10/6/2023.
Cục Quản lý Dược cũng đề nghị Sở Y tế TP Hà Nội kiểm tra Công ty cổ phần thương mại Imexco Việt Nam trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về nhập khẩu, kinh doanh mỹ phẩm; Giám sát công ty thực hiện thu hồi lô sản phẩm BIS UP ICE CARE TOOTHPASTE – Tuýp 100g không đáp ứng quy định; Xử lý, xử phạt vi phạm theo quy định hiện hành và báo cáo kết quả về Cục Quản lý Dược trước ngày 30/6/2023.
Báo Sức khỏe đời sống