*Lừa đảo, mạo danh bệnh viện cung cấp dịch vụ chăm sóc sau sinh
Ngày 17/5, thông tin từ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cho biết, hiện nay có một số đối tượng mạo danh nhân viên của Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đến nhà khách hàng thực hiện các dịch vụ sau sinh như: tắm bé, massage bé, bán thuốc tại nhà...
Fanpage đã tiếp nhận phản ánh có bên thứ 3 giả danh đơn thuốc của bệnh viện.
Bệnh viện khẳng định, hiện tại, chưa cung cấp dịch vụ chăm sóc sau sinh tại nhà hay liên kết với bất kỳ bên thứ 3 nào, vì vậy, mọi cá nhân hay tổ chức lấy danh nghĩa Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội liên hệ với khách hàng hoặc đến nhà thực hiện dịch vụ đều là giả mạo.
Bệnh viện khuyến cáo, khách hàng không nên để các đối tượng mạo danh vào nhà; không sử dụng dịch vụ chăm sóc sau sinh, đơn điều trị, thuốc, thực phẩm... từ các đối tượng mạo danh.
Khách hàng cần cẩn trọng khi cung cấp thông tin cá nhân (tuần thai, số điện thoại,...) với các bên thứ 3 như: cộng đồng mạng xã hội, nhóm chăm sóc sức khỏe, phòng khám tư nhân, quầy tiếp thị sản phẩm khuyến mãi,...
Bất cứ khi nào cần xác thực thông tin, khách hàng có thể inbox với fanpage bệnh viện.
Báo Kinh tế đô thị
*Có hơn 2.000 ca mắc Covid-19 trong 24 giờ qua
Chiều 16-5, theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 2.015 ca mắc Covid-19, trong đó có 2.013 ca trong nước và 2 ca nhập cảnh. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp số ca mắc mới gia tăng trở lại. Ngoài ra, có thêm 275 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh và còn 81 ca đang thở ô xy.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.594.619 ca nhiễm, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 117.172 ca nhiễm).
Về tình hình điều trị, có thêm 275 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 10.632.851 ca. Ngoài ra, hiện có 81 bệnh nhân đang thở ô xy, trong đó có 73 ca thở ô xy qua mặt nạ, 3 ca thở ô xy dòng cao HFNC, 1 ca thở máy không xâm lấn và 4 ca thở máy xâm lấn.
Hiện chưa ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 tử vong. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay vẫn là 43.201 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/231 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/231 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/50 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/50 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Về tình hình tiêm vắc xin, theo báo cáo của Bộ Y tế, trong ngày 15-5 có 4.867 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 266.339.668 liều, trong đó tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.693.897 liều; tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.965.543 liều và tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.680.228 liều.
Báo Hà Nội mới
*Người dân huyện Mê Linh phấn khởi vì được khám sức khỏe miễn phí
Tới khám bệnh tại chương trình khám sức khỏe miễn phí do huyện Mê Linh và Sở Y tế thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức, hầu hết người dân trên địa bàn huyện đều bày tỏ sự phấn khởi, vui mừng. Thông qua buổi khám bệnh, họ đã được các bác sĩ khám, tư vấn cách điều trị bệnh kịp thời, hiệu quả.
Nhằm chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn huyện, ngày 15/5, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Mê Linh đã phối hợp với Sở Y tế thành phố Hà Nội tổ chức chương trình phát động chương trình khám, quản lý sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn huyện.
Hoạt động tổ chức khám được bắt đầu triển khai từ ngày 24/4/2023 đến hết tháng 5/2023 với sự tham gia của hơn 400 các y, bác sĩ giỏi, có nhiều kinh nghiệm đến từ 15 bệnh viện lớn của Trung ương, Thành phố; đồng thời huy động đông đoàn viên, thanh niên, hội viên các đoàn thể, giáo viên, các tình nguyện viên tham gia hỗ trợ.
Trong chiến dịch khám sức khỏe lần này, toàn huyện dự kiến sẽ tập trung khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho hơn 180 nghìn người. Bắt đầu từ ngày 24/4/2023 đến nay, toàn huyện đã tổ chức khám, thiết lập hồ sơ quản lý sức khoẻ điện tử cho 41.352 người dân tại các xã, thị trấn: Quang Minh, Chi Đông, Kim Hoa, Thanh Lâm, Tiền Phong, Thạch Đà, Liên Mạc, Tự Lập, Tiến Thịnh, Chu Phan, Đại Thịnh… tạo đà thuận lợi để triển khai ở các địa bàn tiếp theo.
Người dân được khám các bệnh liên quan đến huyết áp, nhịp thở, thị lực; khám nội như tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, cơ xương khớp, thần kinh; khám ngoại tổng hợp như da liễu, vận động và khám chuyên khoa tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt, mắt. Ngoài ra, trong quá trình khám bệnh, bác sĩ có thể phát hiện những nguy cơ khác hoặc có chỉ định thêm với các trường hợp cần thiết. Đặc biệt, từ kết quả khám sàng lọc, nếu phát hiện trường hợp mắc bệnh nan y, huyện sẽ chỉ đạo cơ sở y tế quan tâm kiểm tra, tư vấn cho người bệnh, trường hợp cần chuyển tuyến thì giúp đỡ bệnh nhân liên hệ với các bệnh viện chuyên khoa tuyến trên để điều trị kịp thời.
Ngay sau khi khám xong, người dân được hướng dẫn cài app (ứng dụng) trên điện thoại thông minh để có thể tra cứu ngay kết quả và theo dõi thông tin sức khỏe của bản thân. Hồ sơ sức khỏe này sẽ được sử dụng cho những lần khám bệnh sau và theo người dân trọn đời. Đặc biệt, huyện sẽ đồng bộ hóa những dữ liệu này vào hệ thống quản lý sức khỏe toàn dân, qua đó làm cơ sở để kiểm soát, sàng lọc, tư vấn, chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn được tốt hơn.
Tham gia chương trình khám bệnh miễn phí, bà Lê Thị Hoa (sinh năm 1967, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi khi được tham gia khám sức khỏe. Bà Hoa cho biết, bà vốn bị bệnh tim, thời gian gần đây bà hay đi tiểu đêm, đau đầu, viêm xoang, do đó, hôm nay bà tới kiểm tra tình hình sức khỏe để có hướng điều trị kịp thời. Bà Hoa bày tỏ mong muốn, thời gian tới huyện Mê Linh tiếp tục duy trì hoạt động khám sức khỏe cho nhân dân để người dân được chăm sóc sức khỏe tốt nhất.
Cũng giống như bà Hoa, bà Phạm Thị Doanh (thôn Đại Bái, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh) cho biết do tuổi cao nên bà hay mắc các bệnh tuổi già như: Xương khớp, viêm họng, mắt mờ… Tuy nhiên, chỉ khi cảm thấy mệt mỏi thì bà mới đi khám bệnh mà không có điều kiện khám sức khỏe định kỳ. Bởi vậy, buổi khám bệnh hôm nay rất có ý nghĩa với bà Doanh. “Tham gia khám sức khỏe tại đây chúng tôi không phải đợi chờ lâu và được các bác sĩ khám, tư vấn nhiệt tình. Tôi rất cảm ơn huyện Mê Linh và Sở Y tế thành phố Hà Nội đã tổ chức chương trình vô cùng thiết thực, hiệu quả trong việc chăm sức khỏe cho nhân dân”- bà Doanh chia sẻ.
Bày tỏ sự phấn khởi về hoạt động ý nghĩa trên, ông Nguyễn Văn Hưng (thôn Đại Bái, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh) cho biết: Tham gia buổi khám sức khỏe, ngoài được các bác sĩ có chuyên môn cao từ các viện lớn trực tiếp thăm khám, mọi người còn được tra cứu kết quả khám và theo dõi, quản lý thông tin sức khỏe của bản thân bằng ứng dụng điện tử trên điện thoại thông minh rất nhanh và thuận tiện. Cùng đó, hồ sơ sức khỏe của sẽ được sử dụng cho những lần khám bệnh sau và theo dõi sức khỏe trọn đời.
Ông Hưng cũng bày tỏ sự cảm ơn tới các đồng chí lãnh đạo, cấp ủy, chính quyền các cấp, đội ngũ y, bác sỹ, các lực lượng hội viên, đoàn viên, thanh niên… đã quan tâm tổ chức, hỗ trợ việc khám, quản lý sức khỏe nhân dân trên địa bàn huyện đạt kết quả cao.
Đánh giá về kết quả của chương trình, Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm cho biết: Qua một thời gian ngắn triển khai tập trung, khẩn trương và chu đáo, bước đầu ghi nhận người dân hết sức vui mừng, phấn khởi khi lần đầu tiên được các y, bác sĩ của các bệnh viện lớn, có uy tín của Trung ương và Thành phố về khám sức khoẻ miễn phí cho toàn thể người dân. Người dân cũng bày tỏ lời cảm ơn và sự tin tưởng, ủng hộ sâu sắc tới cán bộ y tế, các cấp, các ngành đã quan tâm chăm lo sức khỏe cho nhân dân.
"Niềm tin tưởng của bà con nhân dân cũng chính là nguồn động lực quan trong trọng cổ vũ, động viên cho Đảng bộ, chính quyền, đặc biệt là cán bộ ngành y tế tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của đợt khám sức khỏe toàn dân năm 2023 nói riêng cũng như công tác y tế của huyện Mê Linh nói chung", ông Liêm nhấn mạnh.
Để công tác khám, chữa bệnh trên địa bàn huyện Mê Linh đạt kết quả cao, bên cạnh sự quyết tâm và vào cuộc tích cực của ngành Y tế huyện, Bệnh viện Đa khoa Mê Linh, huyện đã nhận được sự chỉ đạo, đồng hành sát sao của Sở Y tế thành phố Hà Nội thông qua việc huy động sự giúp đỡ của lực lượng đông đảo gần 500 cán bộ y tế thuộc 15 bệnh viện tuyến Trung ương và Thành phố. Cùng đó, huyện còn huy động gần 1 nghìn đoàn viên, thanh niên, hội viên các đoàn thể, giáo viên, các tình nguyện viên tham gia dây chuyền nhập liệu vào phần mềm và hỗ trợ, phục vụ tại các điểm khám.
Báo Lao động thủ đô
*Người bệnh tử vong do COVID-19 thường ở nhóm nguy cơ cao
Theo thống kê của Bộ Y tế từ ngày 15/4 - 16/5, nước ta ghi nhận 15 ca tử vong do COVID-19.
Sau khi xem xét, phân tích các ca bệnh tử vong thời gian qua, các chuyên gia y tế nhận định, tất cả ca tử vong đều là những người bệnh có nguy cơ cao, bệnh nền, cao tuổi hoặc là có rất nhiều bệnh kèm theo, bản thân bệnh nhân cũng đã có tình trạng nặng từ trước. Không phát hiện một trường hợp nào người bệnh tử vong không có bệnh nền hay là người trẻ tuổi không có bệnh nền.
Làm gì để giảm tử vong do COVID-19?
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, ước tính tỷ lệ tử vong hiện nay chiếm 0,47% số bệnh nhân nằm viện. Các bệnh nhân COVID-19 phải nằm viện đều có bệnh nền, có triệu chứng nặng. Những trường hợp nhẹ, hoặc triệu chứng chưa đến mức phải can thiệp y tế nhiều hầu hết được điều trị tại nhà hoặc được theo dõi tại các cơ sở y tế mà không phải bệnh viện.
Theo ghi nhận của Bộ Y tế, tỉ lệ tử vong do COVID-19 ở Việt Nam từ trước đến nay ở mức 0,37%, thấp hơn nhiều tỷ lệ chung của thế giới (0,99%). Đây là con số thể hiện rất nhiều nỗ lực của hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh trong công tác điều trị COVID-19 suốt 3 năm qua, với việc chuyển đổi rất kịp thời các hình thức từ cách ly tuyệt đối, điều trị 100% tại bệnh viện cho đến triển khai các cơ sở điều trị theo mô hình tháp ba tầng và sau đó là triển khai điều trị, theo dõi, giám sát tại nhà.
Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, để giảm tử vong, các cơ sở y tế cần tiếp tục cảnh giác với COVID-19, phát hiện sớm các trường hợp bệnh. Các đơn vị hồi sức, chạy thận, có những bệnh nhân nặng đang điều trị phải theo dõi, giám sát chặt chẽ để sớm phát hiện những ca COVID-19, cách ly ra khỏi khu vực đang điều trị, tránh để lây nhiễm vào các bệnh nhân đang điều trị cùng đơn vị. Bởi nếu xảy ra lây nhiễm, thường lây nhiễm vào bệnh nhân có bệnh nền, nguy cơ cao, như vậy tỉ lệ tử vong có thể gia tăng;
Các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục theo dõi, giám sát và tăng cường hội chẩn với tuyến trên khi điều trị ca bệnh nặng, đảm bảo có sự liên thông chặt chẽ giữa các tuyến, chỉ chuyển tuyến trong trường hợp cần thiết và có sự liên hệ trước để có thể chủ động điều trị ca bệnh nặng, mang đến hiệu quả cao nhất; hạn chế chuyển tuyến trong trường hợp số ca bệnh tăng cao. Đặc biệt, khi những bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh quá tải, các tỉnh, địa phương buộc phải giữ bệnh nhân lại điều trị.
Cùng với tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm để hạn chế dịch bệnh lây lan COVID-19 trong bệnh viện, các cơ sở khám, chữa bệnh cần nghiêm túc thực hiện cách ly những ca bệnh. Khu vực lâm sàng, khu vực có người bệnh phải tuân thủ tuyệt đối việc mang khẩu trang theo quy định; đặc biệt chú trọng bảo vệ những đối tượng có nguy cơ cao. Người đến khám có dấu hiệu, triệu chứng của COVID-19 phải được xét nghiệm bằng cả phương pháp khẳng định là PCR và dùng test nhanh để chẩn đoán sớm, cách ly ngay.
Cơ sở y tế theo dõi, đánh giá các ca lâm sàng COVID-19 phải nhập viện, một số trường hợp phải gửi xét nghiệm, giải trình tự gen để phát hiện sớm những biến thể mới của virus. Các bệnh viện phải hết sức chú ý đến những trường hợp người bệnh nặng, tử vong để có xét nghiệm giải trình tự gen, phát hiện sớm những biến thể. Đặc biệt, các cơ sở y tế lưu ý những trường hợp không có bệnh nền mắc COVID-19 có dấu hiệu nặng, vì đây là những trường hợp đáng lo ngại, cần giám sát chặt chẽ để có thể phát hiện sớm những biến chủng làm tăng tình trạng nặng.
Sẵn sàng tình huống dịch bệnh bùng phát
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa, mặc dù hiện nay, tỷ lệ tử vong do COVID-19 đã giảm đi rất thấp so với trước đây vào giai đoạn bùng phát mạnh năm 2021. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở mức 0,37%, vẫn cao hơn nhiều so với những bệnh truyền nhiễm khác (trong đó có sốt xuất huyết tỷ lệ tử vong ở Việt Nam khoảng 0,09%). Vì vậy, chúng ta không thể chủ quan và phải luôn sẵn sàng ứng phó, nâng cao năng lực chuyên môn cũng như có các kế hoạch, phương án để linh hoạt, chuyển đổi đáp ứng điều trị khi cần thiết.
“Trong trường hợp các ca bệnh nhập viện tăng lên, gây quá tải bệnh viện hoặc xuất hiện các biến chủng nguy hiểm gây bệnh nặng, chúng ta cũng phải chuẩn bị để quay trở lại giải pháp thành lập các cơ sở điều trị COVID-19 như trước đây trong giai đoạn bùng phát dịch. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh phải chuẩn bị kế hoạch, phương án sẵn sàng quay trở lại với tình huống dịch bệnh bùng phát”, Phó cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, mặc dù COVID-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu, nhưng theo Tổ chức Y tế thế giới đại dịch chưa kết thúc. Vì vậy, Việt Nam vẫn cần duy trì các biện pháp phòng, chống dịch trong đó có việc tiêm vaccine.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các nhóm cần ưu tiên tiêm nhắc vaccine phòng COVID-19 gồm: người lớn tuổi có nguy cơ cao mắc COVID-19 nghiêm trọng, những người suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính cần được tiêm đủ liều cơ bản và tiêm nhắc lại, các mũi tiêm nhắc sau liều cuối cùng từ 6 đến 12 tháng.
“Trong tình hình COVID-19 có xu hướng gia tăng số mắc những ngày gần đây, người dân hãy thực hiện các biện pháp phòng, chống theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cần tiêm đủ liều cơ bản và nhắc lại theo hướng dẫn hiện tại của Bộ Y tế: Người từ 18 tuổi trở lên cần tiêm đủ liều cơ bản và nhắc lại, trẻ từ 12 - 17 tuổi tiêm đủ liều cơ bản và tiêm nhắc, trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cần tiêm đủ liều cơ bản. Đặc biệt, những người nguy cơ cao mắc COVID-19 như người suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính cần thực hiện tiêm chủng đầy đủ mũi 3, mũi 4 theo lịch và hướng dẫn của Bộ Y tế”, bà Hồng khuyến cáo.
Thông tấn xã Việt Nam
*Không tự ý sử dụng thuốc dự phòng Covid-19
Lo lắng trước tình trạng số ca mắc Covid-19 có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, không ít người đã tìm đến những loại thuốc được bày bán trên mạng với quảng cáo có tác dụng phòng ngừa, điều trị dự phòng Covid-19. Tuy nhiên, theo chuyên gia y tế, đây là những quan niệm sai lầm.
Trao đổi xung quanh thực trạng này, Thượng tá, BS Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng cho hay, các loại thuốc được quảng cáo trên mạng xã hội hiện nay không có tác dụng dự phòng với Covid-19.
“Một vài loại thuốc được rao bán như thuốc chữa cúm của Nhật hay thuốc kháng virus của Nga đều ẩn chứa những nguy cơ tới sức khỏe của người dùng nếu sử dụng một cách bừa bãi. Đơn cử như thuốc chữa cúm của Nhật chỉ có tác dụng khi người dùng mắc cúm và không có tác dụng dự phòng Covid-19.
Ngoài ra, việc sử dụng vô tội vạ có thể làm tăng các tác dụng phụ, gây nguy hiểm cho người bệnh. Còn đối với thuốc kháng virus của Nga, loại thuốc này chỉ có tác dụng trong 48 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng mà không có tác dụng dự phòng Covid-19.
Trên thực tế, các thuốc kháng virus Nga, có loại có tác dụng và có loại không tác dụng trong việc ngăn sự nhân lên của virus SARS-CoV-2. Hiện tại, thuốc kháng virus molnupiravir đã được Bộ Y tế cấp phép cũng phải được sử dụng đúng đối tượng và thời gian. Việc dùng thuốc kháng virus cũng chỉ sử dụng trên một số đối tượng bệnh nhân Covid-19 nhất định. Các thuốc này cũng có nhiều chống chỉ định, đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ và phải được giám sát cẩn thận các tác dụng phụ để tránh các rủi ro đáng tiếc. Chỉ dùng các thuốc kháng virus này khi có chỉ định của bác sĩ. Việc uống thuốc kháng virus Nga để dự phòng không giúp giảm nguy cơ mắc bệnh mà có thể gây những ảnh hưởng đến sức khỏe”.
BS Hoàng nhấn mạnh, tuyệt đối không tự ý tìm mua, dùng thuốc dự phòng Covid-19 theo mách bảo. Ngoài việc không tác dụng, tốn tiền... thì việc tự ý sử dụng thuốc cúm Nhật hay thuốc kháng virus Nga để dự phòng lây nhiễm SARS-CoV-2 còn khiến gan, thận bị quá tải, và xuất hiện tâm lý chủ quan, từ đó lơ là các biện pháp phòng, chống khác.
Chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân không nên hoang mang khi số ca Covid-19 hiện nay gia tăng. Mỗi người nên duy trì nguyên tắc đeo khẩu trang nơi công cộng và thường xuyên khử khuẩn tay. Điều này không chỉ giúp phòng Covid-19 mà còn cả các bệnh viêm đường hô hấp khác như cúm A, cúm B và các bệnh truyền nhiễm khác. Bên cạnh đó, người dân không nên tích trữ, tùy tiện sử dụng những loại thuốc trôi nổi mà không có hướng dẫn của bác sĩ.
Khi thấy xuất hiện triệu chứng của bệnh nên thông báo cho cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc sức khỏe theo quy định.
Có thể dự phòng bằng việc tiêm đầy đủ vaccine phòng Covid-19, thực hiện tốt khuyến cáo của Bộ Y tế kết hợp với chế độ ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý.
Báo Đại đoàn kết