* Mối đe dọa toàn cầu từ siro ho cho trẻ em bị nhiễm độc
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 16/6 đưa ra cảnh báo về mối đe dọa toàn cầu do siro ho chứa chất độc gây ra; đồng thời cho biết, đang hợp tác với thêm 6 nước để truy tìm các loại thuốc dành cho trẻ em có nguy cơ chứa chất gây chết người.
WHO từng nêu tên 9 quốc gia mà loại siro có chứa chất độc có thể đã được bán, sau cái chết của hơn 300 trẻ sơ sinh ở nhiều nước vào năm ngoái có liên quan đến loại siro này.
Rutendo Kuwana, trưởng nhóm của WHO về các sự cố thuốc giả và kém chất lượng, không nêu tên 6 quốc gia mới được thêm vào danh sách mà cơ quan này đang hợp tác nhưng cho biết, các cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành.
Một số chuyên gia sản xuất dược phẩm bày tỏ phẫn nộ khi những kẻ vô đạo đức đôi khi thay thế propylene glycol, thành phần có trong siro ho, bằng các chất thay thế độc hại như ethylene glycol và diethylene glycol, vì giá thành rẻ hơn.
Các chất thay thế nói trên vốn được sử dụng phổ biến hơn trong dầu phanh và các sản phẩm khác không dành cho con người.
Kuwana cho biết, WHO nhận định, vào năm 2021, khi giá propylene glycol tăng vọt, một hoặc nhiều nhà cung cấp đã trộn chất lỏng độc hại rẻ hơn với hóa chất hợp pháp.
Các nhà sản xuất dược phẩm, bao gồm cả những nhà sản xuất bị cáo buộc đã sản xuất siro nhiễm độc được tìm thấy cho đến nay, thường lấy nguyên liệu từ các nhà cung cấp bên ngoài.
Ông Kuwana cho biết, hiện tại không có rủi ro nào đối với người dân ở các quốc gia mà WHO đã nêu tên. Ông này giải thích các loại siro bị nhiễm độc đã bị thu hồi hoặc ngăn chặn từ lúc nhập khẩu.
Từ năm 2001, WHO đã khuyến cáo không nên cho trẻ em dưới 5 tuổi uống siro ho, vì không có nhiều bằng chứng cho thấy hiệu quả của chúng và những tác dụng phụ mà chúng có thể gây ra vẫn chưa được làm rõ.
Mới đây, nhà chức trách Ấn Độ đã mở cuộc điều tra cáo buộc hối lộ liên quan đến loại siro ho nhiễm độc được cho là nguyên nhân khiến hàng chục trẻ em tử vong ở Gambia, Uzbekistan.
Sản phẩm siro ho sản xuất tại Ấn Độ được cho là liên quan đến 70 trường hợp trẻ em tử vong ở Gambia và 18 trẻ em tử vong ở Uzbekistan do tổn thương thận cấp tính.
Cơ quan quản lý y tế của Cameroon hồi tháng Tư cũng mở cuộc điều tra cái chết của sáu trẻ em liên quan đến một loại siro ho có nhãn hiệu Naturcold. Nhà sản xuất có tên trên nhãn hiệu là Tập đoàn Fraken của Trung Quốc.
(Báo Công an nhân dân)
* Biến chứng khiến gần 2 triệu người mắc đái tháo đường có nguy cơ mất thị lực
Ngày 16/6, tại cuộc họp phổ biến “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và quản lý Bệnh võng mạc đái tháo đường” do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức, Phó Cục trưởng Vương Ánh Dương cho biết, đái tháo đường là một nhóm các bệnh lý chuyển hóa đặc trưng bởi tăng glucose máu. Tăng glucose máu mạn tính trong đái tháo đường sẽ gây tổn thương nhiều cơ quan, đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu.
“Cứ 10 ca đái tháo đường thì có 6 ca biến chứng tại mắt, đặc biệt là bệnh võng mạc do đái tháo đường khoảng từ 20% đến 35% người mắc đái tháo đường, đây là nguyên nhân gây bệnh lý bán phần sau phổ biến nhất hiện nay”, Tiến sĩ Vương Ánh Dương cho biết.
Nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực và mù lòa
Tại cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối với hơn 700 điểm cầu, Phó Cục trưởng Vương Ánh Dương cho biết, đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên thế giới. Năm 2021, theo báo cáo của Hiệp hội đái tháo đường thế giới (IDF Diabetes Atlas), tỷ lệ bệnh đái tháo đường ở người lớn đã tăng gấp 3 lần so với năm 2000, từ 151 triệu người lên 537 triệu người (chiếm 10,5% dân số thế giới).
Tại Việt Nam trong vòng 10 năm qua, bệnh đái tháo đường đã có mức gia tăng nhanh (từ 2,7% dân số năm 2002, lên 5,4% năm 2012, 7,06% năm 2021 trong độ tuổi điều tra 18-69), với gần 4,5 triệu người mắc bệnh.
Theo nghiên cứu năm 2020 của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, tỷ lệ đái tháo đường trên toàn quốc là 7,3% (lứa tuổi từ 30-69), trong đó tỷ lệ đái tháo đường tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 8,3%. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, khoảng từ 20% đến 35% người mắc đái tháo đường bị bệnh võng mạc đái tháo đường.
Bệnh võng mạc đái tháo đường là biến chứng của bệnh đái tháo đường, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực và mù lòa trên thế giới. Bệnh diễn ra âm thầm, đa số người bệnh mắc bệnh võng mạc đái tháo đường thường không biết cho đến khi tiến triển nặng, không thể hồi phục ngay cả được điều trị.
Tổn thương võng mạc do đái tháo đường biểu hiện rất đa dạng như: tăng sinh mạch máu võng mạc, phù hoàng điểm, xuất huyết, xuất tiết, bong võng mạc… Những tổn thương này sẽ gây suy giảm thị lực hoặc mù lòa không hồi phục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của bệnh nhân, gia tăng gánh nặng kinh tế cho bản thân người bệnh, gia đình và xã hội. Hậu quả của tình trạng này là gần 2 triệu bệnh nhân đái tháo đường ở Việt Nam đang có nguy cơ mất thị lực.
Khám sớm để phát hiện các tổn thương võng mạc
Phó Cục trưởng Vương Ánh Dương cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của bệnh đái tháo đường nói chung và bệnh võng mạc đái tháo đường nói riêng, Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ để ban hành Quyết định số 2560/QĐ-TTg ngày 31/12/2016 phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống mù lòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Phòng chống bệnh về mắt liên quan đến đái tháo đường là một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược này.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cùng nhiều đơn vị liên quan đã phối hợp xây dựng, ban hành hướng dẫn chuyên môn là Quyết định số 2558/QĐ-BYT ngày 20/9/2022 của Bộ Y tế “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và quản lý Bệnh võng mạc đái tháo đường” ; Quyết định số: 2557/QĐ-BYT ngày 20/9/2022 của Bộ Y tế Về việc ban hành Tài liệu chuyên môn "Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chụp ảnh đáy mắt không huỳnh quang phát hiện sớm bệnh võng mạc đái tháo đường".
Việc xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và quản lý Bệnh võng mạc đái tháo đường, áp dụng chung trên toàn quốc là hết sức cần thiết. Một trong những điểm quan trọng là giúp các đơn vị tăng cường nhận thức về quản lý bệnh vòng mạc đái tháo đường bao gồm khám phát hiện sớm và phân cấp quản lý tại các tuyến theo mức độ bệnh.
Việc khám sớm cũng giúp phát hiện các tổn thương trên võng mạc và kịp thời chuyển bác sĩ chuyên khoa mắt khám, điều trị tránh nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn, mù lòa. Bên cạnh đó, phân cấp quản lý giữa các tuyến cũng giúp thuận lợi trong việc theo dõi người bệnh bị bệnh võng mạc đái tháo đường, giảm gánh nặng cho hệ thống y tế tuyến trên.
Khi nào nên tầm soát bệnh võng mạc đái tháo đường?
Tại cuộc họp, các các bộ y tế tại hơn 700 điểm cầu ở các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế, các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế và đại diện các Khoa, Phòng liên quan có đến công tác chẩn đoán, điều trị và quản lý Bệnh võng mạc được các chuyên gia hướng dẫn quy trình kỹ thuật chụp ảnh đáy mắt không huỳnh quang phát hiện sớm bệnh võng mạc đái tháo đường.
Theo các chuyên gia y tế, thời điểm khám phát hiện sớm bệnh võng mạc đái tháo đường đối với bệnh nhân mắc đái tháo đường tuýp 1 là sau chẩn đoán 5 năm; đối với người mắc đái tháo đường tuýp 2 là ngay tại thời điểm chẩn đoán. Đối với phụ nữ mắc đái tháo đường đang có thai thì thực hiện ngay sau khi được chẩn đoán và trước khi kết thúc 3 tháng đầu của thai kỳ.
Theo Tiến sĩ Vương Ánh Dương, đây là phương pháp dùng máy chụp ảnh đáy mắt để đánh giá hình ảnh tổn thương đáy mắt do bệnh đái tháo đường, được áp dụng cho tất cả các trường hợp cần ghi lại hình ảnh đáy mắt (võng mạc, đĩa thị, mạch máu...) ở những người bệnh đái tháo đường.
Đây là kỹ thuật đơn giản, với thời gian thực hiện chỉ trong 5 phút và có thể được thực hiện tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đái tháo đường và bệnh võng mạc đái tháo đường từ tuyến huyện và tương đương trở lên. Người thực hiện có thể là bác sĩ chuyên khoa mắt, chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh, khúc xạ nhãn khoa hoặc kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh...
Kết quả sẽ được đọc bởi người đọc cấp I là bác sỹ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh hoặc khúc xạ nhãn khoa hoặc kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh và được thẩm định bởi người đọc cấp II là bác sĩ chuyên khoa mắt tại tuyến chụp ảnh.
(Báo Tin tức)