* Có 27 ca COVID-19 mới, cả nước không còn bệnh nhân nào nặng
Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 16/7 của Bộ Y tế cho biết có 27 ca mắc mới. Đây là ngày có số mắc mới thấp nhất trong 1 tuần qua. Trong ngày có 5 bệnh nhân khỏi. Cả nước không còn bệnh nhân COVID-19 nào nặng.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.621.347 ca nhiễm, đứng thứ 13/231quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 117.442 ca nhiễm).
Tình hình điều trị COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 5 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.640.243 ca
2. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 0 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 0 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 0 ca
- Thở máy không xâm lấn: 0 ca
- Thở máy xâm lấn: 0 ca
- ECMO: 0 ca
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Trong ngày ghi nhận 0 ca tử vong.
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 0 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.206 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/231 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/231 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/50(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/50 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Tình hình tiêm vaccine COVID-19
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 266.531.903 liều, trong đó:
+ Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.840.968 liều: Mũi 1 là 70.909.934 liều; Mũi 2 là 68.457.786 liều; Mũi bổ sung là 14.344.231 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 52.171.443 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.957.574 liều.
+ Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.965.655 liều: Mũi 1 là 9.130.889 liều; Mũi 2 là 9.021.382 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.813.384 liều.
+ Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.725.280 liều: Mũi 1 là 10.236.628 liều; Mũi 2 là 8.488.652 liều.
(Báo Sức khỏe và đời sống)
* Dịch sốt xuất huyết gia tăng, người dân tuyệt đối không chủ quan
Thời gian gần đây, số ca mắc có xu hướng gia tăng, diễn biến bất thường, trong đó, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng. Dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục có xu hướng tăng thời gian tới.
Dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng mạnh
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần qua, từ ngày 7/7 đến ngày 14/7, TP Hà Nội ghi nhận 291 ca mắc mới sốt xuất huyết, tăng gần 2 lần so với những tuần trước đó. Ngoài ra, tuần qua có thêm 22 ổ dịch sốt xuất huyết tại 10 quận, huyện.
Tuần qua, Hà Nội có thêm 291 ca mắc mới sốt xuất huyết tại 29 quận, huyện, thị xã, tăng gần 2 lần so với những tuần trước, không có ca tử vong. Trong đó, một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Huyện Thạch Thất (47), Hoàng Mai (31), Bắc Từ Liêm (29), Thanh Trì (16), Phú Xuyên (15), Thường Tín (14), Cầu Giấy (13), Hà Đông (12), Hoài Đức (12), Nam Từ Liêm (10), Đan Phượng (10).
Ngoài ra, tuần qua cũng ghi nhận 22 ổ dịch tại 10 quận, huyện. Trong đó, đứng đầu là Hoàng Mai với 8 ổ dịch, Nam Từ Liêm (3), Bắc Từ Liêm (3), Đan Phượng (2). Còn lại các quận, huyện: Thanh Trì, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoài Đức có 1 ổ dịch.
Như vậy, tính từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã có tổng số 1.114 ca mắc sốt xuất huyết. Số ca mắc tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022, không có ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 285/579 xã, phường, thị trấn. Toàn TP Hà Nội ghi nhận 72 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện, còn 27 ổ dịch, trong đó, một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (160); thôn Nguyên Hanh, xã Văn Tự, huyện Thường Tín (24); xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (29); phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm (11); thôn Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên (9).
Theo nhận định của CDC Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục có xu hướng tăng trong thời gian tới. Hiện đã xác định một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài. Dự báo, thời gian tới, số ca mắc mới sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt là tại khu vực ổ dịch cũ, xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nếu như hằng năm, thời điểm này, số ca mắc sốt xuất huyết chỉ rải rác thì năm nay, hiện bệnh viện có khoảng 30 bệnh nhân đang điều trị nội trú. Riêng tại Khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có 13 bệnh nhân.
Đặc biệt, gần hai tuần trở lại đây số ca mắc có xu hướng gia tăng, trong đó, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng.
Điển hình, nam bệnh nhân N.Đ.V. (huyện Thạch Thất, Hà Nội) bắt đầu xuất hiện tình trạng đau đầu từ khoảng một tuần trước. Dù nằm trong khu vực có dịch sốt xuất huyết gia tăng nhưng bệnh nhân không tới bệnh viện thăm khám, luôn mang tới cơ sở của một bác sĩ gần nhà.
Sau 3 ngày uống thuốc không đỡ, thậm chí, tình trạng ngày càng nặng nề hơn, mệt mỏi kéo dài, anh V. mới đến bệnh viện. Lúc này tiểu cầu đã hạ thấp xuống 13 G/L, tràn dịch màng phổi, ổ bụng, các bác sĩ chỉ định phải nhập viện gấp.
Tương tự, nữ bệnh nhân N.T.L. (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cũng được chỉ định nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, thậm chí, từng ngất xỉu tại nhà. Đặc biệt, men gan của bệnh nhân tăng cao tới 1800 UI/L, gấp hơn 40 lần so với bình thường, phổi bắt đầu có dịch.
Chị L. cho biết, chị thấy mệt mỏi, không ăn được, miệng đắng, buồn nôn, đi ngoài. Hôm sau, chị đến Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức khám, bác sĩ đề nghị nhập viện nhưng chị xin về để lo cho con, hôm sau sẽ nhập viện. Tuy nhiên, trong quá trình về nhà, chị thấy mệt mỏi, hôm sau nhập viện với nhiều biểu hiện nặng, chị được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Dịch diễn biến bất thường, nhiều ca diễn biến nặng
Bác sĩ Trần Duy Hưng – Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, sốt xuất huyết không phải là miễn dịch bền vững nên có thể bị nhiều lần khác nhau. Thậm chí, cá biệt có những người một mùa dịch có thể mắc tới 2 lần, có thể 2 lần khác nhau.
Nếu người dân mắc một lần, cơ thể có kháng thể để chống lại. Nếu mắc lần sau, kháng thể tạo ra các phản ứng trong cơ thể, làm cho phản ứng dữ dội hơn, biểu hiện nặng hơn.
Bác sĩ Trần Duy Hưng cảnh báo, nếu bệnh nhân không được phát hiện sớm hoặc bệnh nhân đến viện muộn dẫn đến tình trạng bệnh nặng. Nguy cơ bệnh nặng hay gặp nhất là trường hợp thoát huyết tương gây ra trụy mạch (suy tuần hoàn). Trường hợp thứ hai là tiểu cầu giảm thấp quá gây ra chảy máu dưới da, chảy máu ở trong niêm mạc gây ra mất máu cấp.
“Với những bệnh nhân sốt xuất huyết không có thuốc điều trị đặc hiệu từ ban đầu, chủ yếu theo dõi, điều trị triệu chứng, hỗ trợ và phát hiện sớm những trường hợp nặng để điều trị kịp thời” - bác sĩ Trần Duy Hưng khuyến cáo.
Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, riêng trong tháng 6 đã ghi nhận 20 ca sốt xuất huyết nặng có dấu hiệu cảnh báo. Thời gian này, nhiều người khi bị sốt chỉ nghĩ mình mắc Covid-19 hay cúm mà không nghĩ đến sốt xuất huyết. Chỉ đến ngày thứ 4, thứ 5, lúc này, máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ thấp, họ mới đến bệnh viện.
PGS.TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết đang điều trị đều chủ quan. Nhiều người quan niệm, phải có xuất huyết dưới da thì mới là sốt xuất huyết. Tuy nhiên, đây là quan điểm sai lầm, tình trạng xuất huyết xảy ra thì bệnh nhân đã mắc bệnh 3-4 ngày, lúc đó bệnh đã trở nặng.
Chuyên gia lưu ý, người dân khi có biểu hiện sốt nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán đơn giản như NS1Ag để phát hiện sốt xuất huyết sớm từ những ngày đầu tiên. Nếu người bệnh bị sốt xuất huyết sẽ được các bác sĩ theo dõi, tư vấn và điều trị kịp thời.
Các chuyên gia khuyến cáo, hiện chưa có vaccine, việc phòng sốt xuất huyết vẫn chủ yếu là phòng tránh muỗi đốt, vệ sinh môi trường không cho muỗi đẻ trứng, kết hợp các biện pháp diệt bọ gậy. Người dân không được chủ quan, lưu ý giữ gìn vệ sinh môi trường khi có những bất thường về sức khỏe cần tới cơ sở y tế, điều trị.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện tượng El Nino có khả năng cao xảy ra vào nửa cuối năm 2023. Ngoài ra, hiện nay thời tiết đang bắt đầu vào mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển mạnh.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bùng phát, lan rộng, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị, địa phương triển khai mạnh mẽ các hoạt động diệt loăng quăng/bọ gậy trên địa bàn ngay trong tháng 7/2023. Duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, loăng quăng/bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại.
Các đơn vị, địa phương đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt bọ gậy. Ngành y tế theo dõi, giám sát chặt chẽ và xử lý triệt để ổ dịch bệnh truyền nhiễm tại địa phương. Đảm bảo 100% các ổ dịch được phát hiện và xử lý kịp thời theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
(Báo Kinh tế và đô thị)
* Thường xuyên ăn lòng lợn tiết canh, người đàn ông ở Hà Nội nhiễm liên cầu khuẩn
Có thói quen ăn sáng tại các quán lòng lợn, tiết canh, người đàn ông 60 tuổi ở Hà Nội vừa phải nhập viện vì nhiễm liên cầu khuẩn…
Ngày 16-7, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận thêm một bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn.
Người bệnh là nam, 60 tuổi, ở thôn Đông, thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì). Trước khi nhập viện, người này thường xuyên ăn sáng tại các quán lòng lợn, tiết canh.
Ngày 20-6, bệnh nhân xuất hiện đau mỏi hai bên thắt lưng kèm run tay chân. Sau đó, bệnh nhân đi khám tại phòng khám tư và được kê thuốc giảm đau và về nhà điều trị nhưng không đỡ.
Đến ngày 21-6, bệnh nhân thấy đau lan lên vùng vai gáy, kèm theo ý thức chậm chạp. Bệnh nhân được người nhà đưa đến phòng khám Quảng Tây. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi đột quỵ và được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì điều trị.
Ba ngày sau đó, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, đau đầu, cứng gáy, ý thức chậm và được chẩn đoán theo dõi viêm màng não mủ, sảng rượu. Ngày 26-6, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Quân Y 105. Sau đó được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai. Kết quả xét nghiệm cấy máu và dịch não tủy cho thấy, bệnh nhân dương tính với liên cầu lợn.
Như vậy, đây đã là ca mắc liên cầu lợn thứ 12 của Hà Nội kể từ đầu năm 2023 đến nay (1 ca tử vong), trong khi cùng kỳ năm 2022 toàn thành phố chỉ ghi nhận 1 ca mắc. Sự gia tăng này là rất đáng lo ngại.
Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo CDC Hà Nội phối hợp với Chi cục Thú y – Sở NN&PTNT nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh trên đàn lợn để chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên người.
Ngành y tế khuyến cáo người dân không ăn các sản phẩm được chế biến từ lợn chưa được nấu chín, như: Tiết canh, nem chua, nem chạo... vì dễ mắc liên cầu khuẩn lợn.
(Báo An ninh thủ đô)