*Hành lang pháp lý quan trọng cho công tác khám bệnh, chữa bệnh
Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 9/1/2023 thay thế cho Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009 có hiệu lực từ 1/1/2024 với nhiều điểm mới thể hiện sự tiến bộ trong việc tiếp cận, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh trên quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm, công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển.
Ngày 18/5, Bộ Y tế tổ chức hội nghị phổ biến Luật khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15, với kết nối trực tuyến tại hơn 1.000 điểm cầu trên cả nước.
GS, TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Y tế, Phó Chủ tịch phụ trách Hội đồng Y khoa Quốc gia cho biết, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi lần này cũng đã tháo gỡ một số vướng mắc, giải quyết những bất cập, điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với bối cảnh thực tế, thể hiện rõ chính sách ưu tiên trong khám bệnh, chữa bệnh.
Một trong những điểm mới quan trọng về quản lý người hành nghề đó là Luật đã quy định việc tổ chức thi đánh giá năng lực người hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề do Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện.
Đây là một nội dung quan trọng, thể chế hóa Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và là bước đột phá trong hội nhập quốc tế, là hoạt động thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo của các trường thuộc khối ngành sức khoẻ và nâng cao chất lượng người hành nghề, đáp ứng mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm, mặc dù, quy định này sẽ tạo thêm áp lực cho người mới ra trường, phải trải qua kỳ thi đánh giá năng lực.
Luật cũng đã bổ sung thêm một số đối tượng, bao gồm cấp cứu viên ngoại viện, dinh dưỡng lâm sàng, tâm lý lâm sàng, vào đối tượng phải cấp giấy phép hành nghề. Luật cũng quy định thời hạn giấy phép hành nghề là 5 năm, sau đó phải tiếp tục gia hạn giấy phép sau khi đã có đủ điều kiện về cập nhật kiến thức y khoa liên tục.
Các quy định về chuyên môn kỹ thuật cũng có nhiều điểm mới. Đó là Luật đã bổ sung quy định về hoạt động cấp cứu ngoại viện, các nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hệ thống cấp cứu ngoại viện, trong đó ngân sách Nhà nước bảo đảm kinh phí cho đầu tư thiết lập hệ thống cơ sở cấp cứu ngoại viện của Nhà nước, hệ thống tiếp nhận thông tin và điều phối cấp cứu ban đầu; chi phí vận chuyển cấp cứu trong trường hợp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chi phí quản lý, vận hành cơ sở cấp cứu ngoại viện của nhà nước.
Luật đã bổ sung quy định liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh lưu động (bao gồm khám bệnh, chữa bệnh tại nhà), khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa; khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình; chính sách ưu đãi đối với khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận.
Bổ sung quy định liên quan đến thử nghiệm lâm sàng trong khám bệnh, chữa bệnh. Điều chỉnh một số nội dung liên quan đến sai sót chuyên môn và thành lập hội đồng chuyên môn giải quyết tranh chấp trong khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh.
Đáng chú ý, về các điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh, Luật đã điều chỉnh phân cấp chuyên môn kỹ thuật từ 4 cấp hành chính (Trung ương, tỉnh, huyện, xã) thành 3 cấp chuyên môn: ban đầu, cơ bản và chuyên sâu.
Quy định việc hỗ trợ cho đào tạo các chuyên ngành cần thu hút gồm tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu…
Luật quy định một số nội dung về cơ chế tự chủ của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, quy định cụ thể về giá khám bệnh, chữa bệnh, trong đó cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước được quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu và phải kê khai giá, niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.
Đồng thời, cụ thể hóa một số nội dung về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, các hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; quản lý, kiểm soát chi phí khám bệnh, chữa bệnh; quy định cụ thể trách nhiệm thiết lập và vận hành hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh…
Luật cũng bổ sung một số nội dung về bảo đảm an ninh trật tự cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề...
Theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đang xây dựng các văn bản và các đề án để hướng dẫn chi tiết một số nội dung thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó Bộ Y tế chịu trách nhiệm đầu mối chính xây dựng Nghị định, Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Bộ Quốc phòng cũng đã được giao xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số nội dung hướng dẫn thi hành Luật.
Báo Nhân dân
*Viêm gan B: Kẻ giết người thầm lặng
Chủ quan không điều trị viêm gan B nhiều năm, nam thanh niên bàng hoàng khi phát hiện ung thư biểu mô tế bào gan.
Nam thanh niên 36 tuổi, trú tại Hà Nội biết mình mắc bệnh viêm gan B nhiều năm, nhưng anh vẫn bỏ ngoài tai việc tuân thủ điều trị của bác sĩ.
Trong lần đi khám tình cờ gần đây, anh và gia đình vô cùng bất ngờ với kết quả ung thư biểu mô tế bào gan, cần điều trị để tránh hậu quả khôn lường.
Mặc dù biết mình bị viêm gan B nhiều năm nay, nhưng nam thanh niên này vẫn chủ quan, thờ ơ không điều trị.
Trong lần kiểm tra định kỳ mới đây tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec, bệnh nhân và gia đình vô cùng bất ngờ với kết luận ung thư biểu mô tế bào gan.
Nhận kết quả trong sự bàng hoàng, bệnh nhân chia sẻ, trong lần khám này, tôi không xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như không đau tức ngực, không ho, không khó thở, không gầy sụt cân, không đau bụng, ăn uống bình thường và đại tiểu tiện bình thường nên vẫn nghĩ sức khỏe ổn định như mọi lần.
“Tôi đâu có ngờ bệnh lại diễn biến thầm lặng, nhanh như vậy. Tôi vô cùng ân hận không nghe lời bác sĩ, chỉ vì chủ quan không điều trị viêm gan B mà hậu quả để lại khôn lường như vậy”, bệnh nhân nghẹn ngào nói.
Dựa vào tiền sử viêm gan B nhiều năm, bác sĩ chỉ định bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm đánh giá sức khỏe của lá gan gồm xét nghiệm, siêu âm đo độ đàn hồi mô gan.
Thăm khám cơ quan, bộ phận bình thường. Siêu âm tổng quát có đàn hồi mô gan: hình ảnh khối giảm âm trong gan/Gan nhiễm mỡ độ II. Độ cứng gan tương đương F2 (theo Metavir-LB).
Sau đó, bệnh nhân được chỉ định chụp CT ổ bụng để chẩn đoán xác định tình trạng lá gan. Hình ảnh chụp CT xuất hiện các nốt tổn thương gan phải nghĩ đến các ổ áp xe do sán.
Xét nghiệm chức năng gan, men gan tăng, viêm gan B (dương tính), xét nghiệm đo tải lượng virus HBV-DNA tăng: 2.940.000 (IU/mL) và HBV-DNA tăng tương đương 14.700.000 Copies/mL.
Xét nghiệm PIVKA-II có giá trị hỗ trợ chẩn đoán, theo dõi đáp ứng điều trị, tái phát và tiên lượng ung thư biểu mô tế bào gan tăng cao (kết quả 255 mAU/mL, bình thường
Dựa vào các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và giải phẫu bệnh, kết quả chẩn đoán xác định của bệnh nhân là Carcinoma tế bào gan/Viêm gan B mạn và đái tháo đường type II.
Sau đó, bệnh nhân được bác sĩ giải thích về kết quả Carcinoma tế bào gan (còn gọi là ung thư biểu mô tế bào gan), đây là tổn thương ác tính của các tế bào biểu mô nhu mô gan, nếu phát hiện muộn thì tiên lượng xấu và tỷ lệ tử vong cao.
Hiện tại sau 2 đợt điều trị bằng nút mạch, đốt sóng cao tần, bệnh nhân may mắn có sức khỏe ổn định, xét nghiệm lại hai marker ung thư gồm AFP, PIVKA-II về giá trị bình thường và sức khỏe được bình phục trở lại.
Viêm gan B là một trong những bệnh truyền nhiễm hay gặp, người dân không nên chủ quan. Bởi bệnh truyền nhiễm này có nguy cơ lây nhiễm gấp 100 lần so với HIV.
Khi bị nhiễm virus viêm gan B, đa số trường hợp (90%) người trưởng thành sẽ có khả năng loại virus viêm gan B ra khỏi cơ thể trong vòng 6 tháng và chỉ có khoảng 9-10% trở thành viêm gan B mạn tính.
Khi bệnh chuyển thành viêm gan B mạn tính thì nguy cơ tiến triển thành xơ gan và ung thư gan là rất cao.
Các nghiên cứu cho thấy, khoảng 10-20% bệnh nhân xơ gan có thể biến thành ung thư gan. Bệnh nhân bị nhiễm virus B có xác suất ung thư gan cao gấp 200 lần người bình thường.
Ung thư gan giai đoạn đầu thường khó nhận biết, đa số các trường hợp phát hiện bệnh thường ở giai đoạn tiến triển, lúc này gây tốn kém thời gian, chi phí điều trị, cũng như rút ngắn tuổi thọ của bệnh nhân.
Theo bác sĩ nội trú Trần Tiến Tùng, chuyên khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, để an tâm lá gan khỏe mạnh, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng tránh như sau tiêm phòng vắc-xin viêm gan B để tạo lá chắn thép bảo vệ sức khỏe, tránh mắc virus HBV;
Kiểm tra định kỳ, nhất là những người có nguy cơ cao như người mắc bệnh về xơ gan, viêm gan B, C, hoặc đi kiểm tra ngay nếu có dấu hiệu bất thường như chán ăn, ăn không ngon miệng, chướng bụng, đầy hơi, mệt mỏi, sụt cân...
Tránh uống bia rượu, hút thuốc lá, không ăn thực phẩm nấm mốc; Thực hiện chế độ ăn uống khoa học như tăng cường rau xanh, đồ ăn ít dầu mỡ, tránh sử dụng đồ chế biến sẵn và chế độ nghỉ ngơi hợp lý;
Với những bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc viêm gan B, C cần tuân thủ điều trị theo tư vấn của bác sĩ (nếu có), cũng như chủ động tầm soát ung thư gan định kỳ để phát hiện bệnh sớm, cũng như tăng hiệu quả chữa trị.
Báo Đầu tư
*Kiểm soát chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế
Bộ Y tế cho biết đang hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của luật Bảo hiểm y tế (BHYT).
Dự thảo nghị định tập trung vào một số nhóm vấn đề: nguyên tắc thanh toán, quyết toán các chi phí khám, chữa bệnh (KCB) BHYT; nhóm các trường hợp được hỗ trợ mức đóng BHYT; tỷ lệ đồng chi trả chi phí KCB BHYT đối với một số trường hợp, KCB BHYT tại tuyến y tế cơ sở…
Chiều 16.5, tại buổi làm việc với lãnh đạo các bộ: Y tế, Tài chính, Tư pháp và các đơn vị, cơ quan liên quan về hoàn thiện dự thảo nghị định này, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Y tế tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện quy định thanh toán, quyết toán chi phí KCB BHYT về trình tự thủ tục, thẩm quyền xây dựng, phê duyệt, phân bổ, điều chỉnh dự toán chi KCB BHYT cho các cơ sở y tế, tổng mức chi cho y tế năm sau phải tăng hơn năm trước; bảo đảm thực hiện được các mục tiêu của chính sách BHYT theo luật. Dự thảo nghị định phải quán triệt nguyên tắc của BHYT là chia sẻ rủi ro, tập trung nguồn lực điều trị cho những người không may mắn, yếu thế; cần quan tâm hơn đến y tế cơ sở trong phân bổ dự toán chi KCB BHYT để thực hiện tốt các nhiệm vụ về chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý một số bệnh mãn tính, y tế dự phòng, để người dân thuận lợi tiếp cận dịch vụ y tế, quản lý, theo dõi sức khỏe.
Phó thủ tướng cũng lưu ý Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn các cơ sở y tế lập dự toán chi hằng năm dựa trên khối lượng công việc, nhiệm vụ được giao, không áp dụng cứng nhắc nguyên tắc lập dự toán trên cơ sở tổng chi năm trước đó.
Cùng với đó, Bộ Y tế ban hành đầy đủ phác đồ điều trị để tối ưu hóa hiệu quả điều trị. Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội VN và các bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung luật BHYT, luật Bảo hiểm xã hội theo hướng đa dạng các gói BHYT đáp ứng khả năng chi trả khác nhau của người dân; cơ chế thanh toán chi phí chênh lệch đối với những người bệnh BHYT có nhu cầu sử dụng phác đồ điều trị, gói dịch vụ KCB có mức chi trả cao hơn gói dịch vụ BHYT cơ bản; xây dựng, cập nhật, chia sẻ cơ sở dữ liệu KCB giữa Quỹ BHYT và các cơ sở y tế để kiểm soát chất lượng điều trị.
Báo Thanh niên
*Nỗ lực kết thúc dịch AIDS từ việc thúc đẩy chiến dịch K=K
"Không phát hiện = không lây truyền" (hay còn gọi là K=K) là thông điệp mới về lợi ích của điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) với người nhiễm HIV. Để hiểu rõ hơn về những lợi ích mà chiến dịch K=K mang lại và những giải pháp cho chiến dịch trong tương lai, Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã có cuộc trao với báo chí.
Phóng viên: K=K là một thông điệp mới về lợi ích của điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) với người nhiễm HIV. Xin bà cho biết cụ thể hơn, K=K là gì, dựa trên bằng chứng khoa học nào?
PGS.TS Phan Thị Thu Hương: K=K nghĩa là một người nhiễm HIV uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định, đạt được và duy trì tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện sẽ thực sự không có nguy cơ làm lây truyền HIV qua đường tình dục sang cho bạn tình không nhiễm HIV.
Tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện được quy ước là dưới 200 bản sao/1ml máu. Ít nhất đã có 4 nghiên cứu khác nhau trên hàng chục nghìn người không nhiễm HIV, với tổng số 128.000 lần quan hệ tình dục với người nhiễm HIV đang điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới 200 bản sao/1ml máu (không phát hiện), cho thấy không có trường hợp nào bị lây nhiễm HIV (không lây truyền).
Những người không nhiễm HIV trong các nghiên cứu trên gồm những người có quan hệ tình dục đồng giới, khác giới và không sử dụng bao cao su hay thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).
Các bằng chứng khoa học trên đã được công bố tại các Hội nghị toàn cầu về Phòng, chống về HIV/AIDS năm 2017 tại Pháp và năm 2018 tại Hà Lan. Đến nay đã có hơn 1.000 tổ chức quốc tế tuyên bố đồng thuận, xác nhận với phát hiện này bao gồm các tổ chức uy tín như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); Tổ chức Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS); Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (U.S CDC)...
Phóng viên: Việt Nam được đánh giá là có tỉ lệ ức chế HIV thuộc hàng cao nhất thế giới. Xin bà cho biết vì sao Việt Nam đạt được thành quả này?
PGS.TS Phan Thị Thu Hương: Hiện nay, tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, dưới ngưỡng phát hiện đạt 94%. Việt Nam được Tổ chức Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ thông báo là nước đạt tỉ lệ rất cao trên thế giới, cao nhất trong các nước mà PEPFAR đang hỗ trợ.
Để đạt được kết quả này theo tôi có một số lý do. Thứ nhất, do chúng ta làm tốt công tác truyền thông tư vấn tốt nên bệnh nhân hiểu lợi ích điều trị sớm; lợi ích của duy trì và tuân thủ điều trị.
Thứ hai, chúng ta liên tục cập nhật các phác điều trị theo khuyến cáo của các WHO nên bệnh nhân được hưởng các loại thuốc và phác đồ tốt nhất theo khuyến cáo WHO.
Thứ ba, chúng ta có mạng lưới điều trị rộng khắp ở tất cả các tỉnh thành và phần lớn các quận huyện cũng hơn gần 500 điểm cấp phát thuốc tại xã, phường nên bệnh nhân tiếp cận và duy trì điều trị dễ dàng.
Thứ tư, chúng ta có nhiều mô hình và sáng kiến được triển khai như: Điều trị 2.0; mở rộng điều trị trong ngày; cấp phát thuốc nhiều tháng... cũng là tạo điều kiện cho bệnh nhân tiếp cận và tuân thủ điều trị.
Phóng viên: Xin bà cho biết, việc triển khai chiến dịch K=K mang lại những hiệu quả, lợi ích gì cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam?
PGS.TS Phan Thị Thu Hương: Ngay từ năm 2017, khi thông điệp này được phổ biến tại Hội nghị Quốc tế về AIDS tại Hà Lan, Việt Nam cũng đã ủng hộ và tổ chức tuyên truyền cho thông điệp này.
Tháng 9/2019 Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã chính thức có văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai Chiến dịch dịch K=K cho tất cả 63 tỉnh, thành phố và Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế chính thức phát động chiến dịch quốc gia về K=K với hàng loạt hoạt động bao gồm truyền thông, tập huấn cho cán bộ và tổ chức sự kiện… Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng đã phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai tổ chức khởi động Chiến dịch cấp quốc gia vào ngày 22/10/2019.
Thực hiện Hướng dẫn của Cục Phòng, chống HIV/AIDS các địa phương cũng đã tổ chức khởi động Chiến dịch này tại các tinh, thành phố. Mở đầu là sự kiện tại hai thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh sau đó lan ra các tỉnh, thành phố.
Trung ương và các tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế và phóng viên báo chí về K=K; các thông điệp K=K cũng được lồng ghép vào các lớp tập huấn khác cho người cung cấp dịch vụ cũng như các tổ chức cộng đồng. Các bộ ngành, cơ quan, đơn vị liên quan cũng tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông xã hội và sự kiện cộng đồng.
Tổ chức chuỗi sự kiện nhân Tháng hành động quốc gia Phòng, chống AIDS hàng năm đều lồng ghép thông điệp K=K; tình trạng HIV trung tính và điều trị là dự phòng. Chiến dịch này được lan tỏa mang lại nhiều ý nghĩa tùy thuộc vào từng nhóm đối tượng.
Đối với người chưa nhiễm HIV, chiến dịch giúp họ chủ động đi xét nghiệm HIV sớm hoặc xét nghiệm định kỳ để nếu nhiễm HIV sẽ được điều trị ARV sớm giúp đạt được tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện.
Chiến dịch cũng giúp cộng đồng hiểu rõ hơn, không kỳ thị với những người nhiễm HIV vì dù họ HIV nhưng nếu được điều trị ARV và đạt tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện, họ vẫn sống khỏe mạnh và không làm lây truyền HIV cho người khác qua đường tình dục. Bên cạnh đó, không lo sợ lây nhiễm HIV từ bạn tình nhiễm HIV khi họ đã được điều trị ARV và có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện.
Đối với người nhiễm HIV, chiến dịch K=K giúp họ tiếp cận điều trị ARV sớm để đạt được tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện; tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn của thầy thuốc; không tự kỳ thị, vì người nhiễm HIV vẫn sống khỏe mạnh và không làm lây truyền HIV cho người khác qua đường tình dục.
Người nhiễm HIV có thêm lợi ích là sẽ chủ động xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ để biết tải lượng HIV của mình có ở mức "dưới ngưỡng phát hiện" và cũng là để biết kết quả điều trị HIV. Đồng thời, tham gia bảo hiểm y tế để được điều trị ARV liên tục, lâu dài.
Đối với các cán bộ y tế, tham gia thực hiện chiến dịch K=K sẽ ngăn chặn tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị với người nhiễm HIV; giúp họ biết được hiệu quả điều trị ARV của người bệnh; tư vấn cho người nhiễm HIV và bạn tình của họ về tầm quan trọng của điều trị ARV và tuân thủ điều trị.
Đối với cộng đồng, giúp cộng đồng nâng cao kiến thức, hiểu rõ hơn về lợi ích điều trị của ARV; không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Đồng thời, truyền tải thông điệp về lợi ích của điều trị ARV và tuân thủ điều trị trong cộng đồng và cho nhóm đối tượng đích.
Phóng viên: Theo bà, chúng ta cần thực hiện những giải pháp gì để tiếp tục duy trì chiến dịch K=K ở Việt Nam?
PGS.TS Phan Thị Thu Hương: Theo tôi, để duy trì chất lượng điều trị HIV/AIDS, duy trì chiến dịch K=K, Bộ Y tế cần tiếp tục thực hiện truyền thông về K=K và tình trạng trung tính HIV, điều trị là dự phòng.
Cải tiến công tác xét nghiện HIV theo hướng thuận lợi cho những người có hành vi nguy cơ cao với các mô hình khác nhau như xét nghiệm tại cộng đồng, qua trang web, tự xét nghiệm để phát hiện sớm nhiễm HIV và được điều trị ARV sớm, hỗ trợ tuân thủ điều trị để bệnh nhân sớm đạt tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện.
Áp dụng những khuyến cáo của WHO trong việc tổ chức hệ thống xét nghiệm, điều trị HIV/AIDS và theo dõi kết quả điều trị.
Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông về hiệu quả của điều trị HIV/AIDS để người có hành vi nguy cơ dễ lây nhiễm tiếp cận sớm với các dịch vụ xét nghiệm, điều trị; để cán bộ y tế, người thân, gia đình và cộng đồng không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; người nhiễm HIV và người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cũng phải tự vươn lên, vượt qua khó khăn, rào cản, không tự kỳ thị chính mình.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Báo Lao động thủ đô