* Ngành y tế sẵn sàng ứng phó với bão số 1
Ngày 17/7, Bộ Y tế đã có Công điện gửi Sở Y tế các tỉnh, TP từ Quảng Ninh đến Nghệ An; các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ về việc triển khai công tác y tế ứng phó với bão số 1 năm 2023.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong 24 giờ tới bão số 1 di chuyển hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h; cường độ cấp 11-12, giật cấp 15. Từ gần sáng ngày 18/7, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9-10, giật cấp 13; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ cấp 6-7, giật cấp 9.
Trong 24 đến 36 giờ tới, bão số 1 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km/h và suy yếu dần. Hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn kéo dài, nhất là tại khu vực phía Đông Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét tại miền núi, ngập úng cục bộ tại các đô thị và vùng thấp trũng, ven sông, suối.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão và mưa lũ, Bộ Y tế (Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn) yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, TP từ Quảng Ninh đến Nghệ An, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện về việc chủ động ứng phó với diễn biến của bão và mưa lũ.
Các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin để có phương án chuẩn bị phòng, chống.
Bên cạnh đó, các đơn vị tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, bão gây ra; không để gián đoạn công tác cấp cứu, điều trị cho người dân. Các tỉnh ven biển, khu vực miền núi đề phòng nguy cơ úng lụt, sạt lở đất do mưa bão gây ra.
Rà soát kế hoạch phòng chống lụt bão, các phương án bảo vệ các cơ sở y tế tại các vùng cơ nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa bão, sẵn sàng sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng có nguy cơ bị ngập úng, sạt lở đất.
Ngoài ra, các đơn vị chỉ đạo các cơ sở y tế thuộc quyền quản lý chuẩn bị lực lượng, phương tiện cơ động sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có yêu cầu. Đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho Nhân dân, kịp thời bổ sung lượng dự trữ thuốc, hoá chất, vật tư dự trữ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
(Báo Kinh tế&đô thị)
* Nhiều ca thủy đậu nặng nhập viện, 2 người tử vong
Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai thời gian gần đây tiếp nhận nhiều trường hợp mắc bệnh thủy đậu nặng, phải nhập viện, trong đó 2 trường hợp đã tử vong.
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay các ca bệnh thủy đậu có diễn biến khá phức tạp. Trong một tháng vừa qua đã có những ca tử vong, mặc dù tiền sử bệnh nhân không có bệnh nền. Thủy đậu thường mắc ở trẻ em do không có tiêm phòng, nên chưa có miễn dịch và lây qua đường hô hấp. Nhiều người dân vẫn nghĩ rằng chỉ trẻ em mới mắc thủy đậu nên rất chủ quan, dẫn đến những biến chứng khó kiểm soát.
"Những trường hợp bệnh nhân có biểu hiện nặng mắc các bệnh nền như ung thư, viêm phổi, viêm não, suy gan, nằm trong bệnh cảnh suy đa phủ tạng, hay đang phải sử dụng các loại thuốc như corticoid, loại thuốc ức chế miễn dịch để chữa bệnh gout, phổi, thận.
Đặc biệt một số bệnh nhân nhập viện trên cơ địa đặc biệt hay phụ nữ có thai. Đây là những đối tượng đặc biệt khi mắc bệnh thì virus sẽ bùng lên và tổn thương nặng. Bệnh nhân có thể tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, một số trường hợp có biến chứng như viêm phổi, viêm não, hoặc suy gan, thậm chí là suy đa phủ tạng cần lọc máu" – PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết thêm.
Hiện tại ở Trung tâm vừa tiếp nhận thêm một bệnh nhân nam, 29 tuổi, ở Bắc Ninh. Qua khai thác người nhà cho biết, bệnh nhân có dấu hiệu bị thủy đậu, nhưng đi khám thì chỉ uống thuốc rồi về, 2 hôm sau bệnh nhân thấy có dấu hiệu khó thở hơn. Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hồng cầu tụt, khó thở, phải hỗ trợ thở oxy, tình trạng tổn thương da toàn thân, nổi các nốt phỏng, sốt.
Theo PGS. Cường, đây là trường hợp thủy đậu nặng, có biến chứng, suy gan, suy hô hấp, có biểu hiện tổn thương. Bệnh nhân có tiền sử bệnh gout. Hiện bệnh nhân phải điều trị bằng thuốc kháng virus, truyền tĩnh mạch, hồi sức tích cực…
PGS. Cường khuyến cáo: Người dân nên đi tiêm phòng vaccine thủy đậu, không nên chủ quan và nghĩ: "bệnh thủy đậu chỉ mắc ở trẻ em, bị vài ngày rồi khỏi". Người lớn cũng phải có ý thức phòng bệnh, khi thấy trẻ em mắc bệnh hoặc người xung quanh mắc bệnh, phải có biện pháp đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc vì bệnh lây qua đường hô hấp.
Người lớn khi mắc thủy đậu thường có biến chứng nặng hơn vì thường có bệnh nền và khi phát hiện thường muộn hơn hoặc có chẩn đoán nhầm so với các bệnh khác. Tuyệt đối không chủ quan để hạn chế các biến chứng do bệnh thủy đậu gây ra.
(Báo Sức khỏe&đời sống)
* Không chủ quan khi thấy đau âm ỉ thắt lưng trái
Tỷ lệ mắc sỏi tiết niệu ở nam giới cao hơn ở nữ, nhất là trong độ tuổi trung niên. Đây là bệnh lý gặp phổ biến trên thế giới và Việt Nam, gây ra tình trạng đau âm ỉ thắt lưng trái cho người bệnh.
Anh N.T.H, 46 tuổi, trú tại Hà Nội, xuất hiện đau âm ỉ thắt lưng trái 1 tháng nay. Đặc biệt, 2 tuần trước vào viện đau tăng thành cơn dữ dội, đau lan xuyên ra trước xuống bẹn bìu trái, kèm đái máu, không sốt. Khi đó, bệnh nhân đi khám ở một cơ sở y tế có chẩn đoán sỏi thận niệu quản trái/sỏi thận phải và được kê đơn điều trị nội khoa, nhưng không đỡ đau.
Quá lo lắng trước tình trạng uống thuốc điều trị nhưng vẫn đau thắt lưng trái, vì vậy, bệnh nhân N.T.H quyết định đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec khám.
Qua hỏi bệnh, thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, phát hiện bệnh nhân có sỏi ở nhiều vị trí: trong thận và cả niệu quản. Bệnh nhân đã được chẩn đoán: Sỏi thận niệu quản trái.
Để điều trị sỏi thận, sỏi niệu quản có nhiều phương pháp như tán sỏi nội soi ngược dòng ống cứng, ống mềm; tán sỏi qua da; phẫu thuật nội soi lấy sỏi... Tuy nhiên, ở bệnh nhân này sỏi có cả ở niệu quản và trong thận, nên các bác sĩ quyết định sử dụng phương pháp tán sỏi bằng laser sử dụng ống mềm để bảo đảm xử lý được tất cả các vị trí sỏi, an toàn, ít xâm lấn, không đau và bệnh nhân được ra viện sớm chỉ sau 2 ngày.
Đây là một phương pháp ít xâm lấn, không đau, nhưng lại can thiệp được tất cả các vị trí sỏi thay cho phương án sử dụng ống cứng, hay bán cứng trước đây chỉ can thiệp được sỏi ở vị trí niệu quản.
Kỹ thuật này thực hiện đơn giản bằng cách đưa ống nội soi mềm qua đường tiểu lên niệu quản - bể thận, vào các đài thận, sau đó tán vụn sỏi bằng laser mà không phải tạo bất kỳ vết rạch nào trên cơ thể người bệnh.
Theo bác sĩ Quân, sỏi tiết niệu là những viên sỏi được hình thành do sự kết tinh tự nhiên của các tinh thể vô cơ trong nước tiểu. Đa phần chúng bắt đầu hình thành từ thận, di chuyển dọc theo đường đi của hệ tiết niệu và bài tiết ra ngoài, nên nhiều người quen gọi là sỏi thận. Sỏi thận chiếm tỷ lệ mắc cao nhất (chiếm khoảng 40%).
Thông thường sỏi tiết niệu gây triệu chứng, khi có triệu chứng thì sỏi đã kích thước lớn, hoặc sỏi xuống niệu quản gây tắc nghẽn. Chính vì thế để phát hiện sớm sỏi tiết niệu, người dân cần đi khám định kỳ hàng năm.
Một số triệu chứng mà sỏi tiết niệu có thể gây nên như: Đau: Đau lưng bụng, hoặc vùng hông; tiểu ra máu đại thể do sỏi di chuyển làm tổn thương niêm mạc niệu; tiểu đục hoặc có mùi hôi: do nhiễm khuẩn niệu; thiểu niệu hoặc vô niệu: sỏi thận 2 bên tắc nghẽn, hay sỏi thận trên thận độc nhất; tiểu đau hoặc gắt buốt; tiểu ra sỏi.
Triệu chứng toàn thân, bệnh nhân có thể sốt cao lạnh run, buồn nôn hay nôn, phù toàn thân…
Nếu thấy xuất hiện những dấu hiệu đó, bác sĩ khuyên người dân nên đi khám ngay để tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra như nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm đài bể thận, suy thận cấp, suy thận mạn...
(Báo Nhân dân)
* Đảm bảo nước sạch, quản lý chất thải y tế trong mùa mưa lũ
Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh/TP chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch vệ sinh môi trường, đảm bảo nước sạch và quản lý chất thải y tế trước mùa bão lũ.
Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh/TP về việc đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường trong mùa mưa lũ.
Để chuẩn bị ứng phó với tình hình mưa lũ trong năm 2023, nhằm đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, phòng chống nguy cơ ô nhiễm môi trường từ chất thải, góp phần phòng chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch vệ sinh môi trường, đảm bảo nước sạch và quản lý chất thải y tế trước mùa bão lũ.
Cùng với đó, các đơn vị tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ y tế và người dân thực hiện biện pháp chuẩn bị, sẵn sàng với ứng phó với tình trạng mưa lớn, bão, lũ, chuẩn bị vật dụng chứa nước sạch, phương tiện, dụng cụ xử lý môi trường, xử lý nước, đảm bảo vệ sinh cá nhân... theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Mặt khác, các đơn vị bố trí nhân lực, đảm bảo dự trữ và cung cấp đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị xử lý nước, xử lý môi trường. Xây dựng các phương án chuẩn bị xử lý nước, vệ sinh môi trường và quản lý chất thải y tế theo quy định.
Khi có bão, lũ xảy ra, các đơn vị tổ chức đoàn công tác của ngành y tế thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình ngập lụt, tình hình vệ sinh môi trường và quản lý chất thải trong cơ sở y tế trên địa bàn, tăng cường giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt của người dân.
Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị chủ động cấp hóa chất xử lý nước, môi trường; triển khai thau rửa và khử trùng bể chứa, dụng cụ chứa nước ăn uống, sinh hoạt bằng chế phẩm khử khuẩn đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại các vùng bị ngập lụt.
Tổ chức hướng dẫn cán bộ y tế và người dân triển khai ngay các hoạt động vệ sinh môi trường theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại các khu vực bị ngập lụt.
Đặc biệt, sau khi có bão, lũ xảy ra, các đơn vị hỗ trợ, hướng dẫn y tế cơ sở và người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường; thu gom, xử lý xác súc vật chết; xử lý các giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức phun hoá chất diệt côn trùng và véc tơ gây bệnh tại các khu vực bị ngập sau khi nước rút.
Ngoài ra, các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh chất lượng nước cấp cho ăn uống sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung đảm bảo nồng độ clo dư theo quy định; tăng cường kiểm tra vệ sinh chất lượng nước hộ gia đình. Kiểm tra giám sát chặt chẽ việc thu gom, xử lý chất thải y tế trong các cơ sở y tế hoặc trong các khu tránh trú an toàn theo quy định.
(Báo Kinh tế&đô thị)
* Hiện tượng El Nino có thể làm gia tăng các bệnh truyền nhiễm
Trước hiện tượng El Nino có thể làm gia tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các loại virus khác như Zika, ngày 14/7, Bộ Y tế tiếp tục gửi văn bản đề nghị các địa phương tăng cường phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, trong năm 2023 và 2024, hiện tượng El Nino có thể làm gia tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các loại arbovirus khác như Zika, Chikungunya, viêm não Nhật Bản. Hiện tượng biến đổi khí hậu cũng thúc đẩy muỗi sinh sản và gia tăng các bệnh truyền nhiễm do muỗi truyền.
Việt Nam là nước nhiệt đới với khí hậu nóng ẩm và nằm trong khu vực lưu hành cao các bệnh do muỗi truyền. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng El Nino có khả năng cao xảy ra vào nửa cuối năm 2023. Ngoài ra, hiện nay thời tiết đang bắt đầu vào mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển mạnh.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương triển khai mạnh mẽ hơn nữa hoạt động diệt loăng quăng/bọ gậy trên địa bàn ngay trong tháng 7/2023; duy trì hoạt động một tuần/lần tại các khu vực có nguy cơ cao, hai tuần/lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, loăng quăng/bọ gậy cao và một tháng/lần tại các khu vực còn lại.
Đồng thời, các địa phương cần giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền có nhiệm vụ chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội phối hợp ngành y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, bảo đảm tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt bọ gậy.
Theo dõi, giám sát chặt chẽ và xử lý triệt để ổ dịch bệnh truyền nhiễm tại địa phương, bảo đảm 100% các ổ dịch được phát hiện và xử lý kịp thời. Các địa phương tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho trẻ em trong độ tuổi.
Các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc tiếp nhận, điều trị bệnh nhân, hạn chế trường hợp tử vong, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời.
Đồng thời, có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện; bảo đảm đủ thuốc, thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh.
Ngoài ra, các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp ngành y tế tăng cường triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng chống dịch, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông để người dân hiểu và chủ động thực hiện.
(Báo Nhân dân)