Kết quả kiểm nghiệm cho thấy thuốc điều trị huyết áp Enalapril 5mg không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan và định lượng, do vậy Sở Y tế Hà Nội yêu cầu phải thu hồi…
Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn số 1604/SYT-NVD về việc thu hồi thuốc Enalapril 5mg không đạt tiêu chuẩn chất lượng gửi các cơ sở y tế và cơ quan chức năng trên địa bàn.
Lý do thu hồi vì trước đó Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có công văn về việc phát hiện mẫu thuốc viên nén Enalapril 5mg (số đăng ký: VD-28725-18, lô sản xuất: 012021, ngày sản xuất: 9-10-2021, hạn dùng: 09-10-2024) không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan và định lượng.
Thuốc này do Công ty TNHH MTV 120 Armepharco (địa chỉ số 118 Vũ Xuân Thiều, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội) sản xuất. Đây là thuốc điều trị chứng tăng huyết áp.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Huy Thịnh (quầy 214, số 1 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội) và Công ty TNHH MTV 120 Armepharco thực hiện thu hồi triệt để lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên.
Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các cơ sở y tế công lập trực thuộc ngành, các cơ sở y tế ngoài công lập, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc, các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn khẩn trương rà soát, thu hồi lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên.
Phòng y tế các quận, huyện, thị xã được yêu cầu gửi thông báo đến các cơ sở hành nghề trên địa bàn quản lý; tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu hồi của cơ sở (nếu có).
Báo An ninh thủ đô
Bộ Y tế hướng dẫn theo dõi sức khỏe, điều trị người mắc COVID-19 tại nhà
HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ TẠI NHÀ ĐỐI VỚI NGƯỜI MẮC COVID-19 được Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định 604/QĐ-BYT ngày 14/3/2022 đã đưa ra các thông tin về theo dõi sức khỏe đối với F0 điều trị tại nhà.
Đối với F0 điều trị tại nhà là trẻ dưới 5 tuổi
Cần theo dõi các dấu hiệu: tinh thần, bú/ăn, đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, đếm nhịp thở, mạch, đo SpO2 (nếu có máy đo), mầu sắc da, niêm mạc, rối loạn tiêu hóa.
Khi người chăm sóc, quản lý F0 là trẻ dưới 5 tuổi điều trị tại nhà phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây phải thông báo ngay cho cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà: trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, trung tâm vận chuyển cấp cứu... để được khám bệnh, xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời hoặc đưa trẻ mắc COVID-19 đến các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh.
Tinh thần: trẻ quấy khóc không chịu chơi, không hóng chuyện hoặc li bì, hoặc co giật.
Sốt cao liên tục > 39oC và khó hạ thân nhiệt bằng các phương pháp như dùng thuốc hạ sốt + chườm/lau người bằng nước ấm. Hoặc sốt không cải thiện sau 48 giờ.
Trẻ thở nhanh hơn so với tuổi: Trẻ < 2 tháng khi thở ≥ 60 lần/phút; Trẻ từ 2 tháng đến < 12 tháng khi thở ≥ 50 lần/phút; Trẻ từ 12 tháng đến < 5 tuổi khi thở ≥ 40 lần/phút.
Trẻ thở bất thường: Khó thở, thở phập phồng cánh mũi, co kéo hõm ức, cơ liên sườn. SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2) Tím tái Mất nước: môi se, mắt trũng, khát nước, đái ít.
Nôn mọi thứ Trẻ không bú được hoặc không ăn, uống được Trẻ mắc thêm các bệnh khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng...
Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ em mà thấy cần khám, chữa bệnh.
Đối với F0 điều trị tại nhà là trẻ từ 5-16 tuổi
Theo dõi các dấu hiệu: tinh thần, đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, đếm nhịp thở, mạch, đo SpO2 (nếu có máy đo), màu sắc da, niêm mạc, ăn uống, ho, đau ngực, đau bụng, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài), mất khứu giác, thính giác.
Khi phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây phải thông báo ngay cho cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà: trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, trung tâm vận chuyển cấp cứu. để được khám bệnh, xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời hoặc đưa trẻ mắc COVID-19 đến các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh.
Thở nhanh: Nhịp thở của trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: ≥ 30 lần/phút, trẻ từ 12 tuổi: ≥ 20 lần/phút
Thở bất thường: co kéo hõm ức, liên sườn. SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2)
Cảm giác khó thở
Ho thành cơn không dứt
Đau tức ngực Không ăn/uống được
Nôn mọi thứ
Tiêu chảy
Trẻ mệt, không chịu chơi Sốt cao không giảm hay sốt không cải thiện sau 48 giờ
Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ em mà thấy cần khám, chữa bệnh.
Đối với F0 điều trị tại nhà là người trên 16 tuổi
Cần theo dõi các dấu hiệu:
- Chỉ số: nhịp thở, mạch, nhiệt độ, SpO2 và huyết áp (nếu có thể).
- Các triệu chứng: mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh/gai rét, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài); ho ra máu, thở dốc hoặc khó thở, đau tức ngực kéo dài, lơ mơ, không tỉnh táo; các triệu chứng khác như đau họng, nhức đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn và nôn, đau nhức cơ.
Khi phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây phải thông báo ngay với cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà/cơ sở lưu trú: trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, trung tâm vận chuyển cấp cứu... để được khám bệnh, xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời hoặc đưa người mắc COVID-19 đến các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh.
Khó thở, thở hụt hơi.
Nhịp thở ≥ 20 lần/phút. SpO2 ≤ 96%.
Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc < 50 nhịp/phút.
Huyết áp thấp: huyết áp tâm thu < 90 mmHg, huyết áp tâm trương < 60 mmHg (nếu có thể đo).
Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.
Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.
Thay đổi ý thức: lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, co giật.
Không thể ăn uống do nôn nhiều.
Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của người mắc COVID-19 mà thấy cần khám, chữa bệnh.
Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng nêu rõ đối với F0 điều trị tại nhà sử dụng thuốc như sau
Hướng dẫn theo dõi sức khỏe, điều trị F0 tại nhà - Ảnh 2.
F0 điều trị tại nhà đang gia tăng tại nhiều địa phương Ảnh: TTXVN
Thuốc hạ sốt khi nhiệt độ ≥ 38,50 C hoặc đau đầu nhiều:
- Người lớn: paracetamol, mỗi lần 01 viên 500mg hoặc 10-15 mg/kg, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ. Lưu ý tổng liều thuốc không vượt quá 4g (4000mg)/ngày.
- Trẻ em: paracetamol liều 10-15 m g/kg/l ần (uống hoặc đặt hậu môn), cách tối thiểu 4 - 6 giờ nếu cần nhắc lại (hoặc sử dụng liều theo tuổi nếu không biết cân nặng của trẻ, chi tiết trong Phụ lục số 02); Lưu ý tổng liều thuốc không vượt quá 60 mg/kg/ngày.
Dung dịch cân bằng điện giải khi mất nước (do sốt cao, tiêu chảy, mệt mỏi): Khuyến khích người mắc COVID-19 uống nhiều nước, có thể sử dụng nước trái cây hoặc Oresol (pha và dùng theo đúng hướng dẫn), nếu không muốn uống Oresol có thể thay thế bằng nước đun sôi để nguội, nước trái cây. Không sử dụng các dung dịch nước ngọt công nghiệp (không sản xuất từ hoa quả) để bù nước;
Tăng cường dinh dưỡng, ăn uống đủ chất, tăng cường ăn trái cây tươi, rau xanh.
Dùng các thuốc điều trị triệu chứng khi cần thiết:
- Ho nhiều: Có thể dùng các thuốc giảm ho từ thảo dược, hoặc thuốc giảm ho đơn thuần, hoặc thuốc giảm ho kết hợp kháng histamin.... Lưu ý chỉ định, chống chỉ định và các cảnh báo/thận trong khi sử dụng thuốc
- Ngạt mũi, xổ mũi: xịt rửa mũi, nhỏ mũi bằng dung dịch natriclorua 0,9%.
- Tiêu chảy: chế phẩm vi sinh có lợi cho đường ruột (probiotic), men tiêu hóa.
Bộ Y tế lưu ý: Với người đang được sử dụng các thuốc điều trị bệnh nền theo đơn ngoại trú tiếp tục sử dụng theo hướng dẫn.
- Không tự ý dùng thuốc kháng vi rút, kháng sinh, kháng viêm. khi chưa có chỉ định, kê đơn.
- Không xông cho trẻ em.
Báo Chính phủ
Hơn 300 doanh nghiệp tham gia Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y dược năm 2023 diễn ra vào tháng 5
Hơn 300 doanh nghiệp sẽ tham gia Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y dược năm 2023 diễn ra từ 10-13/5, tạo cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường, liên doanh liên kết.
Cơ hội cho doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường trong ngành y dượcHơn 200 gian hàng tham gia triển lãm quốc tế chuyên ngành y dược
Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y dược (Vietnam Medi Pharm) do Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Việt Nam, Công ty Cổ phần Hội chợ triển lãm và quảng cáo Việt Nam phối hợp tổ chức.
Đây là sự kiện diễn ra hàng năm từ 1994, đến nay triển lãm đã được ghi nhận là sự kiện uy tín, được doanh nghiệp, người tiêu dùng, giới chuyên môn trong nước và quốc tế đánh giá là triển lãm chuyên ngành thành công.
Năm nay, triễn lãm quy tụ hơn 500 gian hàng của 350 đơn vị tham dự là các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Ấn Độ, Ba Lan, Bỉ, Đức, Đài Loan (Trung Quốc), Hoa Kỳ, Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc, Phần Lan…
Trong khuổn khổ triễn làm sẽ diễn ra các hoạt động quan trọng, như: Hội thảo Chính sách mới trong quản lý trang thiết bị y tế; Hội thảo Bước tiến mới trong y học tái sinh - Liệu pháp tế bào gốc kết hợp Exosome trong điều trị bệnh lý miễn dịch, tiểu đường, tim mạch và thần kinh… với sự góp mặt của các diễn giả là những chuyên gia đến từ các tổ chức y tế, tập đoàn y dược uy tín tại Nhật Bản và Việt Nam.
Cùng với đó là các chương trình giao thương, giới thiệu sản phẩm, tuyên truyền phổ biến kiến thức chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, phòng chống dịch, tư vấn sức khoẻ dinh dưỡng, trải nghiệm các thiết bị y tế, thiết bị chăm sóc sức khoẻ, giám sát sức khoẻ, chăm sóc sắc đẹp…
Theo Ban tổ chức, trải qua các kỳ tổ chức, triển lãm đã thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp, giới chuyên môn; thu hút hàng vạn lượt khách trong nước và quốc tế tới tham quan.
Đặc biệt, triển lãm đã thực hiện tốt vai trò xúc tiến thương mại giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời không ngừng được mở rộng thông qua việc tổ chức thường niên, gia tăng số lượng doanh nghiệp tham gia, với sự góp mặt của các thương hiệu hàng đầu. Qua đó tạo cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp quảng bá sản phẩm; tăng cường trao đổi kinh nghiệm, nắm bắt cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường, liên doanh liên kết, chuyển giao công nghệ…
Phát biểu tại buổi họp báo Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y dược chiều ngày 19/4, ông Hà Anh Đức - Chánh Văn phòng Bộ Y tế cho biết, đây là kỳ tổ chức lần thứ 30, do vậy năm nay triển lãm có nhiều điểm mới, như số lượng doanh nghiệp tham gia tăng gấp 3 lần năm 2022, số lượng gian hàng cao nhất từ trước đến nay; giới thiệu nhiều sản phẩm, công nghệ y tế tiên tiến.
Đại diện Bộ Y tế kỳ vọng, Triển lãm Vietnam Medi Pharm tiếp tục sẽ là cầu nối hiệu quả cho các đơn vị tham gia, tạo cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh, phân phối tìm được đối tác, hợp tác đầu tư, nâng cao xúc tiến thương mại, phát triển thị trường y dược tại Việt Nam; tiếp cận công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao sức khoẻ cho cộng đồng.
Báo Công thương
Những thông tin về bảo hiểm y tế trẻ em dưới 6 tuổi cha mẹ cần biết
Theo quy định về bảo hiểm y tế trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ nhỏ từ khi sinh ra đã được tham gia BHYT, được cấp thẻ BHYT miễn phí.
Thông tin về bảo hiểm y tế trẻ em dưới 6 tuổi được quan tâm đặc biệt, bởi ngay từ khi lọt lòng mẹ, các bé đã được tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí cho đến khi 6 tuổi. Đây là những nội dung mà cha mẹ cần biết.
Theo đó, căn cứ vào Khoản 7, Điều 3, Nghị định 146/2018/NĐ-CP và Khoản 6, Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi bổ sung năm 2014 thì trẻ em dưới 6 tuổi thuộc đối tượng được hưởng bảo hiểm y tế và được cấp thẻ BHYT miễn phí (nhóm do ngân sách nhà nước đóng), cha mẹ không phải đóng phí BHYT cho con cho đến khi bé được 6 tuổi.
Thủ tục cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi
Để trẻ được hưởng quyền lợi BHYT trẻ em dưới 6 tuổi, bố mẹ cần làm hồ sơ cấp thẻ BHYT cho trẻ. Sau khi được cấp thẻ BHYT, trẻ được khám chữa bệnh BHYT miễn phí tại các bệnh viện công theo quy định.
Hồ sơ cấp thẻ BHYT cho trẻ gồm có: Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh có đóng dấu công chứng; Danh sách hoặc giấy đề nghị cấp thẻ BHYT của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi trẻ cư trú.
Một điều lưu ý là căn cứ vào Khoản 2, Điều 15, Nghị định 146/2018/NĐ-CP, trong trường hợp trẻ mới sinh, chưa có bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh thì thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán theo quy định tại Khoản 1, Điều 27, Nghị định 146/2018/NĐ-CP và chịu trách nhiệm về việc xác nhận này.
Sau khi hoàn tất hồ sơ đăng ký BHYT cho trẻ, bố mẹ sẽ nộp đến các cơ quan ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương; trừ trường hợp được đăng ký tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh hoặc bệnh viện tuyến trung ương theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế để được cấp thẻ BHYT.
Sau 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, các tổ chức bảo hiểm y tế phải cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ.
Mức hưởng bảo hiểm y tế trẻ em dưới 6 tuổi
Mức hưởng BHYT trẻ em dưới 6 tuổi không giống nhau. Trẻ em dưới 6 tuổi khi đi khám tại trung tâm y tế, các bệnh viện công có mức hưởng bảo hiểm khác nhau được quy định trong từng trường hợp cụ thể.
Theo các quy định hiện hành về bảo hiểm y tế, việc xuất trình được thẻ BHYT hoặc chứng minh được tuổi của các bé ảnh hưởng rất nhiều đến mức hỗ trợ của BHYT.
Mức hưởng BHYT của trẻ em dưới 6 tuổi khi xuất trình được thẻ BHYT được quy định như sau:
- Được hưởng 100% chi phí và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật nếu đúng tuyến (Căn cứ vào Điểm b, Khoản 1, Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP).
- Được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh trong trường hợp trẻ đi khám thông tuyến theo quy định.
- Được hưởng 60% chi phí điều trị nội trú nếu trái tuyến tỉnh.
- Được hưởng 40% chi phí điều trị nội trú nếu trái tuyến trung ương.
Mức hưởng BHYT của trẻ em dưới 6 tuổi trong trường hợp không xuất trình được thẻ BHYT được quy định như sau:
Khoản 2, Điều 8 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế quy định: Trẻ em dưới 6 tuổi đến khám bệnh, chữa bệnh chỉ phải xuất trình thẻ BHYT. Trường hợp không xuất trình thẻ BHYT vẫn được hưởng quyền lợi của người tham gia BHYT nhưng phải xuất trình giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh. Trường hợp phải điều trị ngay sau khi sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì thủ trưởng cơ sở y tế và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán theo quy định.
Như vậy, trong trường hợp cha mẹ chưa kịp thực hiện thủ tục xin cấp thẻ bảo hiểm y tế cho con nhưng xuất trình giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh của bé để chứng minh bé dưới 6 tuổi thì vẫn được hưởng quyền lợi BHYT như những trẻ có thẻ và xuất trình được thẻ BHYT.
Báo Sức khỏe & đời sống