*Bệnh viện lại quá tải
Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang phải chịu đợt nắng nóng đỉnh điểm đầu tiên trong năm khi nhiệt độ ngoài trời lên tới hơn 40 độ C. Tại các bệnh viện, lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh vẫn đông nghẹt. Thời tiết nắng nóng, các bệnh viện đã bố trí thêm quạt, ghế ngồi cho người bệnh chờ khám.
Hiện tượng nằm ghép đã giảm, song vào những lúc bệnh dịch bùng phát, nhiều khoa, phòng vẫn phải nằm ghép.
Ngồi trước cửa Phòng khám nội - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn chờ khám, bà bà N.T.H (69 tuổi, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) cho biết: "Tôi đi từ 6h sáng, hơn 3 tiếng rồi vẫn ngồi xếp hàng chưa tới lượt tiêm". Bà H. mắc bệnh đái tháo đường type 2 và huyết áp cao đã 5 năm nay, tháng nào cũng tới khám tại bệnh viện. "Ở đây lúc nào cũng đông, muốn khám và xét nghiệm xong buổi sáng thì phải đi sớm, nếu không thì chiều mới xong", bà H. cho biết.
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn sáng 18/5 đông nghẹt. Các phòng khám hô hấp và cơ xương khớp; khám nội tiết; nội thần kinh; tiêu hoá - thận…đều rất đông bệnh nhân xếp hàng. Tại khu khám bệnh theo yêu cầu từ sáng sớm đã đông bệnh nhân ngồi chờ. Một nam bệnh nhân ở phường Khương Trung, quận Thanh Xuân cho biết: "Tôi xếp hàng từ 7h, nay đã 9 rưỡi cũng chưa tới lượt khám". Trung bình mỗi ngày, Khoa Khám bệnh tiếp nhận hơn 1.000 người tới khám, tăng nhiều so với thời điểm dịch COVID-19.
Tại Khoa Khám bệnh BHYT - Bệnh viện Bạch Mai cũng trong cảnh tương tự. Khu vực chụp chiếu như: Xquang, cộng hưởng từ, siêu âm, nội soi tiêu hoá… và khám ngoại tổng hợp, chấn thương cột sống… bệnh nhân ngồi chờ rất đông. Chờ siêu âm ổ bụng, bà T.T.V (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: "Biết bệnh viện đông nên tôi đi từ 5h sáng, mục đích chỉ xét nghiệm máu tầm soát ung thư. Nhưng sau khi khám, bác sĩ chỉ định nội soi tai mũi họng và siêu âm ổ bụng vì mấy tháng nay tôi cứ đau tức vùng bụng. Nếu siêu âm không sao bác sĩ sẽ cho nội soi dạ dày. Làm hết các chỉ định này chắc phải tới chiều mới xong".
Một nam bệnh nhân ở Hải Phòng thì kể, anh đi từ 4h sáng, lên đến bệnh viện là 6h, sau khi thăm khám, đến hơn 10h bác sĩ chỉ định nội soi dạ dày. "Phòng nội soi còn rất đông bệnh nhân, chắc phải chờ tới chiều", anh này cho biết.
Theo TS Dương Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản lý, Bệnh viện Bạch Mai, trung bình mỗi ngày bệnh viện có khoảng 7.000-12.000 người tới khám chữa bệnh, tăng nhiều lần so với thời điểm dịch COVID-19. Vì là tuyến cuối nên bệnh viện luôn trong tình trạng đông, nhiều bệnh nhân chuyển lên trong tình trạng nặng và rất nặng. Một số khoa giường bệnh phải nằm ghép. Để giảm tải, bệnh viện tổ chức nhiều ca khám chữa bệnh và hội chẩn từ xa cho tuyến dưới, nhiều ca bệnh khó đã được phẫu thuật và điều trị ngay từ y tế cơ sở, không phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Đặc biệt, trong những ngày thời tiết nắng nóng, lượng bệnh nhân tới bệnh viện rất đông, bệnh viện cố gắng bố trí tối đa giờ khám bệnh sớm, làm việc đến cuối giờ trưa để bệnh nhân có kết quả xét nghiệm sớm, trở về trong ngày. Đồng thời bố trí khu ngồi chờ khám có quạt mát, ghế ngồi để giảm bớt vất vả cho người bệnh.
Theo các bác sĩ, thời tiết nắng nóng sẽ làm gia tăng các trường hợp sốc nhiệt, đột quỵ não, rối loạn điện giải và viêm phổi. Nắng nóng cũng khiến lượng bệnh nhân nhập viện tăng hơn so với thời điểm trước đó. Theo TS.BS Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão Khoa Trung ương, có 2 nhóm bệnh gây ra tình trạng viêm phổi trong những ngày nắng nóng, gồm: Nhóm người bị di chứng tai biến mạch máu não, người bị sa sút trí tuệ, phải nằm một chỗ, bật điều hoà lạnh, mất khả năng tự phục vụ; nhóm những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phổi mạn tính. Vì vậy, những người này khi nằm điều hòa luôn phải có chăn bên cạnh để đắp khi lạnh và phải có người chăm sóc. Nhóm bệnh nhân không xoay trở mình được thì để điều hòa ở mức 28 độ. Còn lại các bệnh phổi khác để từ 27 độ trở lên.
Bệnh viện Lão khoa Trung ương đã tiếp nhận một số ca bệnh khi bị đột quỵ nhồi máu não, gia đình cho uống viên An Cung, khi vào viện đã chảy máu ở rất nhiều nơi, xuất huyết dưới da, BS không đặt được ống nội khí quản. Hoặc gặp nhiều ca bệnh sau khi uống An Cung đã bị tiêu chảy, dị ứng, người bệnh mải tự điều trị mà quên mất "giờ vàng". Vì vậy, lời khuyên của bác sĩ trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm, người từ 60 tuổi trở lên không nên ra ngoài từ 10h-15h. Đối với người 75 tuổi trở lên thì không nên đi ra ngoài các giờ trong ngày, kể cả ngồi sau xe máy. Người cao tuổi có thói quen tập thể dục buổi sáng, vào những ngày nhiệt độ 39-40 độ, hơn 6h sáng đã có bức xạ, buổi sáng không nên ra ngoài tập thể dục, mà tập nhẹ nhàng trong nhà.
Báo Công an nhân dân
*Kiểm tra đảm bảo ATTP phục vụ kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
Trong thời gian diễn ra kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) sẽ thanh kiểm tra đột xuất, giám sát chặt chẽ, hậu kiểm các cơ sở phục vụ đại biểu Quốc hội nhằm đảm bảo tốt nhất các điều kiện ATTP phục vụ đại biểu.
Ngày 18/5, trước ngày khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (diễn ra từ ngày 21/5 - 23/6/2023), Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP của Cục ATTP (Bộ Y tế), Sở Y tế Hà Nội và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP cùng các đơn vị liên quan đã phối hợp kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại các cơ sở phục vụ đại biểu Quốc hội.
Theo đó, Đoàn đã kiểm tra bếp ăn của khách sạn Quân đội (số 1 Nguyễn Tri Phương) và Nhà khách 37 Hùng Vương.
Tại khách sạn Quân đội, đại diện cơ sở cho biết, khách sạn dự kiến phục vụ ăn nghỉ đối với khoảng 140-145 đại biểu. Bếp của khách sạn hiện có 27 nhân viên phục vụ, chia thành 3 ca đã được khám sức khỏe định kỳ, đồng thời được tập huấn kiến thức về ATTP.
Qua kiểm tra thực tế và lẫy mẫu bát, đĩa để kiểm tra (tinh bột) độ sạch, Đoàn đề nghị khách sạn tiếp tục tăng cường công tác vệ sinh khu bếp, bổ sung lưới chắn côn trùng, vệ sinh sạch dụng cụ chế biến, bát đĩa đựng thực phẩm.
Đại diện đoàn kiểm tra, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh, việc kiểm tra, giám sát ATTP là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng của các kỳ họp. Tại kỳ họp lần này của Quốc hội, công tác y tế được đặt yêu cầu rất cao, trong đó có vấn đề đảm bảo ATTP cho các đại biểu.
Qua đó, TS Trần Thị Nhị Hà đề nghị đại diện khách sạn Quân đội cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Lựa chọn nhà cung cấp thực phẩm, nguyên liệu uy tín để đảm bảo thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, đạt chất lượng ngay từ đầu vào.
Qua kiểm tra thực tế tại Nhà khách 37 Hùng Vương, địa điểm dự kiến phục vụ hơn 100 đại biểu, Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở và yêu cầu khắc phục ngay một số tồn tại, báo cáo lại đoàn kiểm tra.
Trong đó, Đoàn yêu cầu cơ sở tổng vệ sinh sạch sẽ toàn bộ khu vực bếp (sàn bếp, tường, trần, cống thoát nước, tủ đựng dụng cụ chế biến thực phẩm, vệ sinh kho lạnh và kho khô chứa thực phẩm, bát đĩa…). Lưu mẫu thức ăn cần theo đúng hướng dẫn về kỹ thuật lưu mẫu (số lượng mẫu, hộp lưu mẫu, thời gian lưu mẫu, người thực hiện và niêm phong mẫu).
Đại diện đơn vị được kiểm tra đã nghiêm túc tiếp thu, đồng thời cam kết sẽ khắc phục ngay theo yêu cầu của đoàn.
Trong thời gian diễn ra kỳ họp, các đoàn kiểm tra ATTP sẽ tiếp tục thanh kiểm tra đột xuất các cơ sở phục vụ các đại biểu Quốc hội và giám sát chặt chẽ, hậu kiểm đối với các cơ sở để đảm bảo tốt nhất các điều kiện ATTP phục vụ đại biểu.
Trước đó, Sở Y tế Hà Nội đã có Kế hoạch số 130/KH-SYT về việc đảm bảo công tác y tế và phòng chống dịch Covid-19 phục vụ kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Theo đó, đợt 1 từ ngày 21/5 đến ngày 10/6/2023; đợt 2 từ ngày 18/6 đến ngày 23/6/2023.
Sở Y tế giao Chi cục ATVSTP Hà Nội sẽ chịu trách nhiệm tổ chức hướng dẫn các đơn vị liên quan bảo đảm vệ sinh, ATTP. Đồng thời kiểm tra công tác vệ sinh ATTP các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cung cấp nguyên liệu và thực phẩm tại các khách sạn và địa điểm tổ chức kỳ họp.
Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu khách sạn và địa điểm tổ chức kỳ họp phải cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định về vệ sinh cơ sở, có nguồn cung cấp thực phẩm sạch và an toàn. Vệ sinh trong quá trình chế biến thực phẩm, trang thiết bị, dụng cụ chế biên, chế độ khám sức khỏe và vệ sinh cá nhân để bảo đảm ATTP cho các đại biểu.
Ngoài ra, Chi cục ATVSTP Hà Nội tổ chức giám sát việc kiểm thực 3 bước tại khách sạn và địa điểm tổ chức kỳ họp. Chuẩn bị và sẵn sàng xử trí khi xảy ra ngộ độc thực phẩm hàng loạt và các bệnh lây truyền qua thực phẩm.
Báo Kinh tế đô thị
*Nguy cơ nhiễm liên cầu lợn vì ăn tiết canh: Nói mãi vẫn không chừa!
Thời gian gần đây, các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tục ghi nhận các ca nhập viện điều trị, thậm chí tử vong do bệnh liên cầu lợn. Điều đáng nói, bệnh liên cầu lợn không chỉ xảy ra với những trường hợp ăn tiết canh sống, thịt tái sống mà cả những người giết mổ lợn, bán thịt lợn… cũng có nguy cơ nhiễm bệnh do các vết thương, vết trầy xước do tiếp xúc trực tiếp với thịt có mầm bệnh.
Tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn
Vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thông tin, trên địa bàn Thành phố vừa ghi nhận thêm 2 bệnh nhân mắc liên cầu lợn, trong đó có 1 người tử vong. Theo đó, bệnh nhân thứ nhất ghi nhận mắc liên cầu lợn là nam (48 tuổi, ở Phú Châu, huyện Ba Vì). Bệnh nhân này tham gia giết mổ lợn bệnh. Trong quá trình giết mổ, bệnh nhân không sử dụng biện pháp bảo hộ.
Hai ngày sau khi giết mổ lợn, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, rét run, mệt mỏi, đau cơ, đau mỏi người, buồn nôn, nôn. Sau đó một ngày, bệnh nhân xuất hiện ban xuất huyết vùng đầu và trên cơ thể nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn và được chuyển đến Bệnh viện Quân y 105 để điều trị. Sau đó, bệnh nhân tử vong với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân nữ (43 tuổi, ở xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ). Bệnh nhân làm nghề bán thịt lợn tại chợ Đông Phương Yên. Một ngày sau khi bán hàng trở về nhà, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, ý thức kém, lơ mơ và được người nhà đưa vào Bệnh viện Quân y 103 điều trị. Tại đây, bệnh nhân được lấy mẫu dịch não tủy nuôi cấy và kết quả dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn (Streptococcus suis).
Như vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã có 5 ca mắc bệnh này, trong đó có 1 ca tử vong. Hay trước đó, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận và điều trị cho hai bệnh nhân bị viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn liên cầu lợn. Một trường hợp bị mắc bệnh sau khi giết mổ và ăn thịt lợn ốm, còn một trường hợp khác bị liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh.
Dù đã được cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng người dân còn rất chủ quan với bệnh liên cầu lợn. Theo các chuyên gia y tế, bệnh liên cầu lợn do vi khuẩn Streptococcus suisgây ra là bệnh lây truyền từ động vật sang người và có thể gây tử vong. Người bệnh thường có triệu chứng lâm sàng nặng, phải điều trị trong thời gian dài, chi phí điều trị lớn và thường để lại biến chứng không phục hồi sau khi khỏi bệnh.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Chia sẻ về vấn đề này với báo chí, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Liên cầu khuẩn lợn là bệnh lây truyền từ lợn sang người. Hầu hết các ca bệnh đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các đồ ăn từ thịt lợn chưa nấu chín… Một số nhà hàng hiện nay dùng tiết lợn pha vào tiết ngan, vịt, dê,.. để bán ở các cửa hàng nên khi xét nghiệm vẫn ra vi khuẩn liên cầu lợn Streptococcus suis. Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp bệnh nhân không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh do có thể do ăn thịt lợn nhiễm bệnh nhưng chế biến còn sống, tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chế biến thực phẩm.
Người nhiễm bệnh liên cầu lợn bao gồm 3 thể: Nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Thời gian ủ bệnh của liên cầu khuẩn lợn trên người là từ vài tiếng đến 4-5 ngày, tùy cơ địa mỗi người. Khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, buồn nôn, nôn, có thể tiêu chảy,… khiến nhiều người lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường. Trường hợp nặng, người bệnh có biểu hiện ù tai, điếc, cứng gáy, tri giác lơ mơ, mê hoảng, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng, rối loạn đông máu và sốc nhiễm trùng và tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Phó Giáo sư Đỗ Duy Cường thông tin, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai mỗi năm tiếp nhận và điều trị hàng chục ca nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do liên cầu lợn nhập viện trong tình trạng nặng với tỷ lệ tử vong lên tới 20-30%. Nếu bệnh nhân được cứu sống, tỉ lệ di chứng cũng rất cao, phổ biến là điếc không hồi phục.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, vi khuẩn liên cầu lợn có thể bị tiêu diệt hoàn toàn khi thực phẩm nấu chín kỹ. Hiện nay bệnh này chưa có vắc xin, vì thế để phòng bệnh, người dân không nên giết mổ lợn ốm chết; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Nên đeo găng tay và phương tiện phòng hộ khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống, rửa tay sạch sau khi chế biến thịt. Người dân cũng cần bỏ các thói quen ăn uống không lành mạnh như tiết canh (kể cả tiết canh lợn và các loại tiết canh dê, ngan, vịt). Ngoài ra, người dân cần tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định. Khi có các triệu chứng của bệnh, cần đến ngay các cơ sở y tế khám để phát hiện và điều trị kịp thời.
Báo Lao động thủ đô
*Bộ Y tế chịu trách nhiệm nếu để thiếu thuốc, vắc xin tiêm chủng mở rộng
Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng trong trường hợp để xảy ra tình trạng thiếu một số loại thuốc phổ biến có tỉ trọng lớn, vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo số 183/TB-VPCP kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về việc đấu thầu mua sắm thuốc tại Bộ Y tế và các địa phương.
Tại thông báo, Phó thủ tướng kết luận việc chuyển đổi tiêm chủng mở rộng, cấp phát vitamin A, thuốc ARV, điều trị lao từ chương trình mục tiêu y tế - dân số sang nhiệm vụ thường xuyên là một tiến bộ trong công tác y tế, tiêm chủng thời gian qua.
Bộ Y tế với vai trò là cơ quan tiếp nhận viện trợ, điều phối cung cấp vắc xin, vitamin A... Trong thời gian tới, bộ này tiếp tục tổ chức đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đặt hàng một số loại thuốc phổ biến có tỉ trọng lớn, vắc xin dùng trong chương trình tiêm chủng mở rộng để giảm giá thành, bảo đảm nguồn cung cho các địa phương mua sắm.
Trên tinh thần đó, bộ cần rà soát, thống kê nhu cầu của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cân đối với nguồn viện trợ để đấu thầu cấp quốc gia hoặc đặt hàng theo đúng chỉ đạo tại thông báo số 26/TB-VPCP ngày 12-2-2023.
Sau khi đấu thầu tập trung thành công, Bộ Y tế xây dựng hợp đồng mẫu và hướng dẫn các địa phương làm việc với nhà thầu cung cấp thuốc, vắc xin.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng trong trường hợp để xảy ra tình trạng thiếu các loại thuốc, vắc xin này.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu sửa đổi thông tư số 15/2020/TT-BYT ngày 10-8-2020 của Bộ Y tế về danh mục thuốc đấu thầu, danh mục thuốc đấu thầu tập trung, danh mục thuốc đàm phán giá để ban hành trong tháng 5-2023.
Trong đó các loại thuốc phổ biến, có nhu cầu sử dụng lớn, thuốc hiếm phải đấu thầu tập trung cấp quốc gia để giảm giá thuốc. Các loại biệt dược, thuốc chuyên khoa giao cho các địa phương, bệnh viện thực hiện.
Đồng thời, Bộ Tài chính chủ trì, chủ động phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương xử lý vấn đề về giá, triển khai các giải pháp nhằm mua sắm, cung ứng kịp thời các vắc xin dùng trong chương trình tiêm chủng mở rộng báo cáo Thủ tướng trước 25-5-2023.
Nhiều địa phương cạn vắc xin tiêm chủng mở rộng
Từ ngày 15-5, các cơ sở tiêm chủng tại TP.HCM đã hết hoàn toàn vắc xin DPT-VGB-HiB và DPT. Các loại vắc xin khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng chỉ còn với số lượng rất hạn chế, dự kiến sẽ hết trong vài tháng tới nếu không được cung cấp thêm.
Sở Y tế TP rất mong Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương sớm cung ứng các vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng.
Cũng như TP.HCM, nhiều địa phương khác như Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Tiền Giang, TP Cần Thơ... cũng thiếu vắc xin nghiêm trọng.
Báo Tuổi trẻ
*Phải đấu thầu tập trung cấp quốc gia một số loại thuốc để giảm giá thành
Theo thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về đấu thầu mua sắm thuốc nêu rõ, các loại thuốc phổ biến, có nhu cầu sử dụng lớn, thuốc hiếm phải đấu thầu tập trung cấp quốc gia để giảm giá thuốc; các loại biệt dược, thuốc chuyên khoa giao cho các địa phương, bệnh viện thực hiện.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 183/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về việc đấu thầu mua sắm thuốc tại Bộ Y tế và các địa phương.
Tại Thông báo, Phó Thủ tướng kết luận: Việc chuyển đổi tiêm chủng mở rộng, cấp phát vitamin A, thuốc ARV, điều trị Lao từ Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số sang nhiệm vụ thường xuyên là một tiến bộ trong công tác y tế, tiêm chủng thời gian qua.
Bộ Y tế với vai trò là cơ quan tiếp nhận viện trợ, điều phối cung cấp vaccine, vitamin A... trong thời gian tới tiếp tục tổ chức đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đặt hàng một số loại thuốc phổ biến có tỷ trọng lớn, vaccine sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để giảm giá thành, bảo đảm nguồn cung cho các địa phương mua sắm.
Trên tinh thần đó, Bộ cần rà soát, thống kê nhu cầu của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cân đối với nguồn viện trợ để đấu thầu cấp quốc gia hoặc đặt hàng theo đúng chỉ đạo tại Thông báo số 26/TB-VPCP ngày 12/2/2023; sau khi đấu thầu tập trung thành công, xây dựng hợp đồng mẫu và hướng dẫn các địa phương làm việc với nhà thầu cung cấp thuốc, vaccine...
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu sửa đổi Thông tư số 15/2020/TT-BYT ngày 10/8/2020 của Bộ Y tế về Danh mục thuốc đấu thầu, Danh mục thuốc đấu thầu tập trung, Danh mục thuốc đàm phán giá để ban hành trong tháng 5/2023; trong đó các loại thuốc phổ biến, có nhu cầu sử dụng lớn, thuốc hiếm phải đấu thầu tập trung cấp quốc gia để giảm giá thuốc; các loại biệt dược, thuốc chuyên khoa giao cho các địa phương, bệnh viện thực hiện.
Đồng thời, Bộ Tài chính chủ trì, chủ động phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương xử lý vấn đề về giá, đồng thời triển khai các giải pháp nhằm mua sắm, cung ứng kịp thời các vaccine sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 25/5/2023.
Báo Sức khỏe đời sống