* Hà Nội thêm gần 300 ca mắc sốt xuất huyết, 22 ổ dịch trong một tuần
Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có tổng cộng 1.114 ca sốt xuất huyết. So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc tăng 3,5 lần.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trong tuần 27 (7/7-14/7), Thủ đô ghi nhận 291 ca sốt xuất huyết tại 29 quận, huyện, thị xã. Tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó. Thành phố chưa ghi nhận ca tử vong do sốt xuất huyết.
Thạch Thất là khu vực có nhiều ca sốt xuất huyết mới nhất trong tuần qua với 47 ca. Đây cũng là điểm nóng sốt xuất huyết trong thời gian qua của Hà Nội.
Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có tổng cộng 1.114 ca sốt xuất huyết. So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc tăng 3,5 lần. Toàn bộ 30/30 quận, huyện, thị xã đã ghi nhận ca bệnh sốt xuất huyết.
Hà Nội ghi nhận thêm 22 ổ dịch sốt xuất huyết tại 10 quận, huyện. Hiện toàn thành phố có 27 ổ dịch đang hoạt động. Riêng xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất đã phát hiện 160 bệnh nhân.
Hàng năm, dịch sốt xuất huyết thường bùng phát trong khoảng tháng 10-12. Tuy nhiên năm nay, số lượng ca bệnh lại xuất hiện sớm hơn dự kiến.
Theo nhận định của CDC Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục có xu hướng tăng trong thời gian tới. Hiện đã xác định một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài.
Dự báo, số ca mắc mới sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt là tại khu vực ổ dịch cũ, xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.
Vừa qua, đoàn công tác Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội đã giám sát, hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên. Theo báo cáo huyện Phú Xuyên đến nay ghi nhận 42 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó, xã Đại Thắng ghi nhận 7 ca mắc sốt xuất huyết.
Qua giám sát tại các hộ gia đình, đoàn ghi nhận các hộ gia đình vườn rộng, nhiều phế thải, phế liệu là các dụng cụ chứa nước có bọ gậy, bể nước mưa có bọ gậy...
Đồng thời, mật độ dân cư cao, người dân dù được tuyên truyền nhưng vẫn thờ ơ, chưa quyết liệt thực hiện các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết đơn giản như phòng tránh muỗi đốt...
Ghi nhận thực tế tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong 2 tuần trở lại đây, số ca mắc sốt xuất huyết vào viện tăng vọt. Đáng chú ý, cơ sở y tế này tiếp nhận hàng chục bệnh nhân vào những ngày cao điểm.
Theo BSCKII Trần Duy Hưng, Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra. Căn bệnh này không có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi có dấu hiệu cảnh báo, bệnh nhân cần nhập viện để được theo dõi, điều trị từng triệu chứng và điều trị hỗ trợ kịp thời.
Nếu người mắc sốt xuất huyết chủ quan thì tình trạng có thể trở nên rất đáng báo động. Những biến chứng nặng có thể xảy ra khi bệnh nhân được phát hiện và điều trị muộn. Chúng có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể và gây nguy hiểm tính mạng.
Bên cạnh đó, BS Hưng cũng nhấn mạnh rằng, bệnh nhân sốt xuất huyết có thể tái mắc nhiều lần. Do đó, người đã từng mắc sốt xuất huyết tuyệt đối không được chủ quan. "Một bệnh nhân có thể mắc 2 lần trong một mùa dịch. Thậm chí, họ có thể mắc đến 2 type khác nhau", BS Hưng nhấn mạnh.
TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, trước đây, đúng là dịch sốt xuất huyết ở nước ta diễn biến theo chu kỳ 4-5 năm. Tuy nhiên, hiện nay quy luật này đang có dấu hiệu bị phá vỡ.
"Dịch sốt xuất huyết hiện cũng đang có dấu hiệu "đảo chiều" so với năm 2022. Miền Nam có số lượng ca mắc giảm hơn một nửa so với năm ngoái. Trong khi đó ở miền Bắc có dấu hiệu gia tăng", TS Dũng phân tích.
(Báo Dân trí)
* Cảnh giác với bệnh thủy đậu
Bệnh viện Bạch Mai thông tin, thời gian gần đây Trung tâm Bệnh nhiệt đới tiếp nhận nhiều ca mắc bệnh thủy đậu nặng phải nhập viện. Đáng chú ý, trong đó 2 trường hợp đã tử vong.
Biến chứng nặng, dẫn tới tử vong
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), hiện nay các ca bệnh thủy đậu có diễn biến khá phức tạp. Trong một tháng vừa qua đã có những ca tử vong, mặc dù bệnh nhân không có tiền sử bệnh nền. Thủy đậu thường mắc ở trẻ em do không được tiêm phòng nên chưa có miễn dịch và lây qua đường hô hấp. Nhiều người dân vẫn nghĩ rằng chỉ trẻ em mới mắc thủy đậu nên chủ quan, dẫn đến những biến chứng khó kiểm soát.
Cụ thể, ngày 11/7 vừa qua, Trung tâm tiếp nhận một nữ bệnh nhân được chuyển đến điều trị vì mắc thủy đậu. Do diễn biến quá nặng, người bệnh đã tử vong sau hai ngày điều trị. Ở thời điểm trước đó, cũng đã có 1 nam thanh niên 32 tuổi đến cấp cứu tại Trung tâm này đã tử vong do mắc thủy đậu.
BS Cường cho biết thêm, những trường hợp bệnh nhân có biểu hiện nặng mắc các bệnh nền như ung thư, viêm phổi, viêm não, suy gan, nằm trong bệnh cảnh suy đa phủ tạng, hay đang phải sử dụng các loại thuốc như corticoid, loại thuốc ức chế miễn dịch để chữa bệnh gout, phổi, thận. Một số bệnh nhân nhập viện trên cơ địa đặc biệt hay phụ nữ có thai, đây là những đối tượng khi mắc bệnh thì virus sẽ bùng lên và tổn thương nặng. Bệnh nhân có thể tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, một số trường hợp có biến chứng như viêm phổi, viêm não, hoặc suy gan, thậm chí là suy đa phủ tạng cần lọc máu.
Mới đây nhất, Trung tâm Bệnh nhiệt đới vừa tiếp nhận thêm một bệnh nhân nam, 29 tuổi, ở Bắc Ninh có biến chứng nặng do mắc thủy đậu. Người nhà cho biết, bệnh nhân có dấu hiệu bị thủy đậu, nhưng đi khám thì chỉ uống thuốc rồi về, 2 hôm sau người bệnh thấy có dấu hiệu khó thở hơn. Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm trong tình trạng hồng cầu tụt, khó thở, phải hỗ trợ thở oxy, tình trạng tổn thương da toàn thân, nổi các nốt phỏng, sốt. Đây là trường hợp thủy đậu nặng, có biến chứng, suy gan, suy hô hấp, có biểu hiện tổn thương. Bệnh nhân có tiền sử bệnh gout. Hiện bệnh nhân phải điều trị bằng thuốc kháng virus, truyền tĩnh mạch, hồi sức tích cực…
Tiêm vaccine để phòng bệnh
BS Nguyễn Phương Thảo - Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) chia sẻ, bệnh thủy đậu (Chickenpox) là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp do virus Varicella Zoster (VZV) gây nên. Thủy đậu xảy ra chủ yếu ở trẻ em, biểu hiện bằng sốt và phát ban dạng nốt phỏng, thường diễn biến lành tính. Bệnh cũng xảy ra ở người có suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh.
Biểu hiện của bệnh thủy đậu ở giai đoạn tiền triệu chứng thường kéo dài 1-2 ngày trước khi xuất hiện ban. Người bệnh mệt mỏi, sốt từ 37,8°-39,4°C. Ban trên da xuất hiện đầu tiên trên mặt và thân, nhanh chóng lan ra tất cả các vùng khác trên cơ thể. Virus thủy đậu lây truyền qua đường hô hấp. Người bệnh có khả năng lây cho người khác khoảng 48 giờ trước khi xuất hiện ban, trong giai đoạn phát ban (thường kéo dài 4-5 ngày) cho đến khi ban đóng vảy.
Theo các chuyên gia y tế, để phòng bệnh thì tiêm vaccine thủy đậu được chỉ định cho tất cả trẻ em trên 1 tuổi (cho tới 12 tuổi) chưa mắc thủy đậu và người lớn chưa có kháng thể với Herpes zoster. Vaccine thủy đậu có tính an toàn và hiệu quả cao.
PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo, người dân nên đi tiêm phòng vaccine thủy đậu, không nên chủ quan với suy nghĩ bệnh thủy đậu chỉ mắc ở trẻ em, bị vài ngày rồi khỏi. Người lớn cũng phải có ý thức phòng bệnh, khi thấy trẻ em mắc bệnh hoặc người xung quanh mắc bệnh, phải có biện pháp đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc vì bệnh lây qua đường hô hấp. Người lớn khi mắc thủy đậu thường có biến chứng nặng hơn vì thường có bệnh nền và khi phát hiện thường muộn hơn hoặc có chẩn đoán nhầm so với các bệnh khác. Tuyệt đối không chủ quan để hạn chế các biến chứng do bệnh thủy đậu gây ra.
(Báo Đại đoàn kết)
* Ứng phó với ngộ độc thực phẩm trong mùa mưa bão
Trong mùa mưa bão, người dân phải đối diện với nhiều bệnh tật do ảnh hưởng của môi trường sống bị ô nhiễm. Đặc biệt, khi bão lũ xảy ra, nguồn cung cấp thực phẩm bị ách tắc do phương tiện vận chuyển bị hạn chế. Thêm vào đó, lương thực, thực phẩm gặp thời tiết mưa ẩm dễ bị ôi, thiu, mốc, hỏng. Vì vậy, nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm cho người dân trở nên cao hơn.
Cảnh giác với ngộ độc thực phẩm
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nửa cuối tháng 7 đến tháng 10-2023, trên Biển Đông có thể xuất hiện khoảng 6-8 cơn bão/áp thấp nhiệt đới; trong đó, khoảng 2-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia cũng khuyến cáo các địa phương và người dân cần đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ. Ngoài ra, hiện tượng mưa lớn, dông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sức khỏe cộng đồng ở các khu vực trên phạm vi toàn quốc.
Trước tác động của mùa mưa bão đối với sức khỏe con người, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra cảnh báo, bão lụt và các thay đổi bất thường về thời tiết là những điều kiện thuận lợi cho thực phẩm dễ bị ô nhiễm vi sinh vật. Khi bão lũ xảy ra, nguồn cung cấp thực phẩm tươi, sạch, an toàn bị ách tắc do phương tiện vận chuyển bị hạn chế.
Thêm vào đó, lương thực, thực phẩm gặp thời tiết mưa ẩm dễ bị ôi, thiu, mốc, hỏng, sinh độc tố có thể gây ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm thường gặp sau bão lụt, thiên tai như: Vibrio cholerae gây bệnh tả; Salmonella gây thương hàn; Shigella gây lỵ trực trùng; Bacillus anthracis gây bệnh than hay bệnh tiêu chảy do vi rút (rotavirus, enterovirus...), viêm gan A, E... Ngoài ra, nguồn nước có thể bị ô nhiễm nặng dẫn đến ô nhiễm thực phẩm và nước uống dùng để chế biến thức ăn.
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ảnh hưởng của ngộ độc thực phẩm tới sức khỏe biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, nhẹ nhất là đau bụng, nôn, tiêu chảy, mất nước...; nặng hơn là tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, liệt, co giật, hôn mê… Đây là những biểu hiện trước mắt, còn về lâu dài, ngộ độc thực phẩm có thể dẫn tới nhiều hậu quả khác nhau. Vào mùa mưa, nấm độc cũng sinh sôi nhiều. Đây cũng là thời gian xảy ra nhiều vụ ngộ độc nấm nhất trong năm.
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ, trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, các bác sĩ đã thấy nhiều trường hợp ngộ độc vì hái nấm về ăn dựa theo kinh nghiệm truyền miệng, dù không rõ loại nấm đó có độc hay không. Đáng lo ngại, với loại nấm độc nhất thì biểu hiện ngộ độc lại xuất hiện chậm, sau ăn từ 6 giờ hoặc lâu hơn. Khi đó, chất độc đã đi sâu xuống ruột và vào máu, nên các biện pháp sơ cứu khó có tác dụng cần thiết. Để tránh rủi ro, người dân chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng, biết rõ nguồn gốc, chủng loại và được kiểm định của cơ quan chức năng, tuyệt đối không hái nấm dại để ăn.
Không dùng gia súc, gia cầm chết
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong mùa mưa bão, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị trong ngành tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của ngành Y tế về việc bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo đảm nguồn nước sạch, vệ sinh môi trường trong mùa mưa lũ và triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân phòng, chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, các đơn vị tiếp tục kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho sinh hoạt, nguồn nước hộ gia đình, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, các hoạt động vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh tại các khu vực công cộng, khu tránh trú… theo phân cấp tại địa phương. Đồng thời, các đơn vị tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân về các biện pháp xử lý, trữ nước, sử dụng nước an toàn cho gia đình, vệ sinh môi trường, bảo đảm vệ sinh cá nhân, phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đối với các vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão, lụt cao, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị các địa phương cần theo dõi các dự báo, diễn biến tình hình bão, lụt trên địa bàn và chủ động kế hoạch dự trữ các loại lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đóng chai, các loại vitamin, thuốc men, các hóa chất sát khuẩn của ngành Y tế.
Cùng với đó, ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm; thực hiện ăn chín, uống chín, nước sử dụng để ăn uống, chế biến thực phẩm phải khử trùng, đặc biệt là trong thời gian bão, lụt xảy ra. Đồng thời, người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các động thực vật độc như nấm độc, côn trùng lạ, độc, cá nóc, so biển, ốc lạ, cây, quả lạ…
Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu các cơ sở thực phẩm tuyệt đối không sử dụng các nguyên liệu thực phẩm, sản phẩm thực phẩm đã bị ôi thiu, hỏng, mốc, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng để chế biến, kinh doanh. Các địa phương cần phối hợp với cơ quan chức năng của trung ương và địa phương kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm các loại lương thực, thực phẩm, nước uống do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt nhằm bảo đảm không để các sản phẩm bị hỏng, mốc, dập vỡ, hết hạn sử dụng… đến tay người dân. Bên cạnh đó, các đơn vị chủ động dự trữ thuốc men, hóa chất, phương tiện, nhân lực, phương án sẵn sàng phối hợp hoặc chủ động xử lý, khắc phục khi có ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh dịch liên quan đến thực phẩm xảy ra, không để lan rộng trong cộng đồng.
(Báo Hà Nội mới)
* Chủng virus nguy hiểm khiến bệnh tay chân miệng trở nặng
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận khoảng gần 15 nghìn trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó đã có 7 trường hợp tử vong.
Tại Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến ngày 14/7 có 961 ca mắc tay chân miệng (TCM), chưa ghi nhận ca tử vong. Còn tại TPHCM, số ca mắc TCM đang gia tăng mạnh. Trong tuần từ ngày 3 đến 9/7, toàn thành phố ghi nhận 1.614 ca, tăng gần 2,5 lần so với trung bình 4 tuần trước đó. Trong 7 trường hợp tử vong nêu trên đã có 5 ca tử vong được xác định do chủng Entero virus 71 (EV71).
Theo các chuyên gia y tế, hai nhóm tác nhân gây bệnh TCM thường gặp là do Coxsackie virus A16 (CA16) và Entero virus 71 (EV71). Trong khi các trường hợp nhiễm CA16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà thì EV71 lại gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Phân tích kỹ hơn, GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh TCM lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng EV71 và CA16. Bệnh có thể xảy ra trên mọi đối tượng, tuy nhiên có đến 90% ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. Chủng EV71 thường gây bệnh cảnh nặng và dễ gây các biến chứng và có thể tử vong. Đáng chú ý là từ đầu năm 2023 đến nay đã ghi nhận sự gia tăng tỷ lệ ca mắc dương tính với chủng EV71. Đây chính là nguyên nhân khiến cho các ca mắc bệnh TCM diễn biến nặng nhiều hơn so với các năm trước đây.
Trao đổi về thực tế lâm sàng, BS Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Trưởng khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, bệnh TCM được phân thành 4 cấp độ bệnh từ nhẹ đến nặng lần lượt là I, II, III và IV. So với những năm trước, năm nay, tại Bệnh viện Nhi trung ương tiếp nhận nhiều trẻ gặp biến chứng thần kinh do bệnh TCM hơn, trong đó điển hình nhất là viêm não. Các bệnh nhi nhập viện thường trong tình trạng tỉnh táo, không rối loạn tri giác nhiều, nhưng có biểu hiện giật mình, đặc biệt là giật mình ở đầu và cuối giấc ngủ…
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các chuyên gia khuyến cáo người dân, thay vì tự ý mua thuốc điều trị tại nhà, ngay khi các bé có dấu hiệu bệnh TCM, cha mẹ nên đưa bé đến khám tại cơ sở y tế để xác định mức độ diễn biến của bệnh, nghe tư vấn và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp từ bác sĩ chuyên khoa.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, BS. Đỗ Thị Thúy Nga lại cho rằng, đối với trẻ mắc TCM ở mức độ nhẹ, chỉ có loét miệng, tổn thương ở da đi kèm hoặc không kèm sốt thì trẻ có thể được điều trị và theo dõi tại nhà. Cha mẹ không nên quá hoang mang, lo lắng.
“Hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh TCM mà chỉ điều trị triệu chứng và đề phòng các biến chứng nặng của bệnh. Trong trường hợp trẻ có các dấu hiệu như sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt; mệt mỏi, không chơi, bỏ ăn, ngủ nhiều, lơ mơ; giật mình nhiều hơn 2 lần trong 30 phút; vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc ở tay, chân; thở nhanh, thở bất thường; run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng thì cần đưa trẻ nhập viện kịp thời. Đặc biệt cha mẹ không nên tự ý cho trẻ sử dụng các loại kháng sinh” - BS Nga cho biết.
Đối với trẻ bị TCM mức độ nhẹ sau khi khám được chỉ định theo dõi và điều trị tại nhà cần tuân thủ cách ly điều trị để phòng ngừa lây nhiễm. Nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, mềm, chia làm nhiều bữa nhỏ, uống nhiều nước, bổ sung thêm nước trái cây. Cho trẻ uống sữa mát để đỡ đau miệng (không nên uống nước đá lạnh). Không nên cho trẻ ăn các thức ăn cay, nóng bởi dễ gây bỏng rát. Hạn chế những thức ăn dễ gây rối loạn tiêu hóa, đồ tanh, chua, mỡ khó tiêu. Phụ huynh không tự ý dùng thuốc cho trẻ, cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.
(Báo Đại đoàn kết)