*Việt Nam tiếp cận mô hình đào tạo nhân lực y tế tiên tiến thế giới
Ngày 20.5, Trung tâm Đào tạo nâng cao về chẩn đoán hình ảnh (AIEC) thuộc Viện Khoa học sức khỏe (Đại học VinUni) đã chính thức khai trương đồng thời khai giảng Khóa CME (đào tạo y khoa học liên tục) đầu tiên.
Là sự phối hợp giữa trường y và bệnh viện thực hành, Trung tâm sẽ là nơi mang lại những khóa học thực tiễn với giá trị khác biệt, không chỉ giúp nâng cao năng lực cán bộ y tế mà còn đóng góp cho sự thay đổi chất lượng chẩn đoán hình ảnh tại Việt Nam.
Theo TS Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, đây là trung tâm đầu tiên ở Việt Nam và trong khu vực triển khai mô hình đào tạo chẩn đoán hình ảnh chất lượng quốc tế, vừa phục vụ công tác nghiên cứu, vừa nâng cao năng lực thực hành của bác sĩ lâm sàng. Đây là một trong những mô hình kết hợp dữ liệu, đặc biệt dữ liệu chẩn đoán hình ảnh không chỉ phục vụ cho công tác đào tạo mà còn phục vụ đưa ra chẩn đoán, hướng điều trị cho các bác sĩ ở nhiều chuyên khoa.
Cũng the TS Nguyễn Ngô Quang, việc đưa vào vận hành Trung tâm đào tạo nâng cao về chẩn đoán hình ảnh là hướng đi phù hợp, cập nhật với thế giới giúp nâng cao năng lực thực hành của các bác sĩ và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân.
"Bộ Y tế khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho những mô hình như thế này. Bộ Y tế mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác của các nhà tài trợ để có thể phát triển hơn nhiều mô hình này trong tương lai"- TS Quang bày tỏ.
Trung tâm AIEC được xây dựng theo theo tiêu chuẩn quốc tế nhờ có sự kết hợp giữa 3 bên: Bệnh viện (Hệ thống Y tế Vinmec), Trường học (Đại học VinUni) và chuyên gia/trang thiết bị y tế hàng đầu thế giới (GE Healthcare Việt Nam). Sự kết hợp chặt chẽ đã tạo ra một mô hình đào tạo nâng cao về Chẩn đoán hình ảnh tiên tiến nhất, khắc phục những hạn chế của các phương pháp truyền thống còn nặng về lý thuyết, nhẹ thực hành, thiếu dữ liệu hệ thống.
Phó giáo sư Bùi Văn Giang (Trưởng bộ môn Điện quang - Đại học VinUni kiêm Giám đốc Khối Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp - Hệ thống Y tế Vinmec) cho biết thực tế đòi hỏi các bác sĩ phải liên tục cập nhật kiến thức và thực hành để tối ưu hiệu quả điều trị. Các khóa học tại Trung tâm Đào tạo nâng cao về Chẩn đoán hình ảnh sẽ giúp các bác sĩ đã có kinh nghiệm tiếp tục cập nhật kiến thức mới kết hợp với thực hành trên các trang thiết bị hiện đại, mang tính thực tiễn cao.
Tham gia các khóa học tại Trung tâm, học viên sẽ được tiếp cận với hệ thống phần cứng và phần mềm đủ bảo đảm cho người học có được trải nghiệm như ở bệnh viện.Các học viện cũng sẽ được đọc hình ảnh dưới dạng thông tin gốc, được thực hành xử lí hình ảnh với các công cụ của hệ thống lưu trữ và truyền thông hình ảnh y tế. Dữ liệu sử dụng trong khóa học được tổ chức có cấu trúc, giúp người học nắm được vấn đề một cách toàn diện, hệ thống và đầy đủ về một chủ đề cụ thể. Bài giảng lý thuyết gắn chặt với thực hành, giúp người học nắm chắc được vấn đề để xử lý hiệu quả các tình huống thực tế trong chẩn đoán và điều trị sau này.
Báo Lao động
*Sắp ban hành khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu
Luật khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 quy định một số nội dung về cơ chế tự chủ của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, trong đó cơ sở y tế của nhà nước được quyết định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu. Dự kiến, khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu sẽ được ban hành trong thời gian tới.
Thông tin về Luật khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, một trong điểm mới là quy định một số nội dung về cơ chế tự chủ của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, quy định cụ thể về giá khám bệnh, chữa bệnh, trong đó cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước được quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu và phải kê khai giá, niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.
Luật cũng quy định giá dịch vụ y tế đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước bảo đảm được tính đúng, tính đủ theo lộ trình do Chính phủ quy định để bù đắp chi phí thực hiện khám bệnh, chữa bệnh và có tích lũy.
Về nội dung này, đại diện Bộ Y tế cho biết hiện Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ ngành hoàn thiện danh mục giá khám chữa bệnh theo yêu cầu, trong đó sẽ quy định giá trần đối với các dịch vụ này tại các cơ sở y tế công lập. Dự kiến, danh mục này sẽ được ban hành trong năm 2023.
Liên quan đến vấn đề giá khám chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế, trả lời báo chí tại cuộc gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế do Bộ Y tế tổ chức hồi cuối tháng 3/2023, ông Nguyễn Tường Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính cho biết, hoạt động khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế là hoạt động đã diễn ra từ lâu.
Hiện nay, mỗi bệnh viện áp dụng mức giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu rất khác nhau, từ vài trăm đến hàng triệu đồng. Để có giải pháp căn cơ giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đã có chỉ đạo và xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp...
Về vấn đề này, TS Hà Anh Đức, Chánh văn phòng Bộ Y tế cho biết thêm: khi tham gia các cuộc họp liên quan xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), có ý kiến cho rằng giá khám chữa bệnh dịch vụ theo yêu cầu không cần khống chế trần, vì phụ thuộc thị trường, ai có nhiều tiền thì trả tiền.
Tuy nhiên, theo TS Đức: Cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm tra, căn cứ vào đâu lại có giá 5-10 triệu đồng một phòng, không phải bệnh nhân có tiền là trả nhiều tiền mà phải quản lý, kiểm tra xem chất lượng dịch vụ có tương xứng với số tiền người bệnh chi trả không.
"Thông tư này khi ban hành hy vọng sẽ thoả đáng được các nhu cầu của những bệnh nhân có khả năng chi trả"- TS Hà Anh Đức bày tỏ.
Với dịch vụ y tế do ngân sách nhà nước thanh toán, hiện cũng đang được sửa đổi, điều chỉnh theo hướng tính đúng tính, tính đủ các yếu tố cấu thành dịch vụ, trong đó bổ sung chi phí quản lý và khấu hao tài sản vào giá dịch vụ y tế, đồng thời điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo mức lương cơ sở mới.
Hiện nay giá dịch vụ y tế tại các cơ sở y tế công lập mới chỉ tính 2/4 yếu tố cấu thành. Bộ Y tế cho rằng việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế là yếu tố quan trọng để đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân, bệnh viện và cán bộ y tế.
Báo Sức khoẻ đời sống
*COVID-19 hết khẩn cấp nhưng AIDS vẫn là đại dịch
Hôm nay, 21-5, là ngày tưởng niệm những nạn nhân của căn bệnh AIDS.
Hàng năm vào ngày chủ nhật thứ ba của tháng 5, thế giới tổ chức ngày tưởng nhớ về những nạn nhân của căn bệnh AIDS (International AIDS Candlelight Memorial).
Ngày lễ này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1983 tại San Francisco (Mỹ) và được điều phối bởi Mạng lưới toàn cầu những người sống chung với HIV.
Năm 2023, Ngày tưởng niệm AIDS được tổ chức vào ngày 21-5.
HIV là một căn bệnh gây ra bởi virus suy giảm miễn dịch ở người. Nó ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của con người, cuối cùng tước đi khả năng chống lại các bệnh và nhiễm trùng khác trong cơ thể. AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải) là giai đoạn cuối của nhiễm HIV.
Những bệnh nhân AIDS đầu tiên được phát hiện vào năm 1978 tại Hoa Kỳ. Hầu hết các nhà khoa học tin rằng HIV ở dạng hiện tại xuất hiện trên hành tinh không quá 50 năm trước. Nó đã được lan rộng bởi "cuộc cách mạng tình dục" quét qua các nước phương Tây vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970. Năm 1985, các nhà khoa học đã xác định rằng những con virus đầu tiên được truyền qua người là từ loài khỉ.
Năm 1987, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phê duyệt tên của tác nhân gây bệnh AIDS - "virus suy giảm miễn dịch ở người" .
Trong cùng năm đó, Đại hội đồng Y tế Thế giới đã thông qua một chiến lược toàn cầu để chống lại AIDS.
Báo Người lao động
*Mối nguy từ thuốc giả, kém chất lượng
Thuốc chữa bệnh là loại hàng hóa đặc biệt vì liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người. Do vậy, việc thuốc giả, thuốc kém chất lượng lọt ra thị trường khiến người dân không khỏi lo lắng.
Những năm qua, hàng trăm lô thuốc giả, không đạt chất lượng đã bị cơ quan quản lý thu hồi, tiêu hủy. Trong đó, phần lớn là thuốc điều trị các bệnh thường gặp, như: Rabesta 20 (Rabeprazol natri 20 mg) trị trào ngược dạ dày thực quản; Myomethol chỉ định cho người bị đau lưng cấp tính do co thắt cơ xương, co thắt cơ, gãy xương hoặc trật khớp; Enalapril 5 mg điều trị tăng huyết áp; Levosum bổ sung hormone, Npluvico điều trị suy tuần hoàn não, Novotec-70 chuyên điều trị loãng xương ở người lớn tuổi...
Cuối năm 2018, Bộ Y tế từng yêu cầu ngừng sử dụng và thu hồi 57 loại thuốc chứa valsartan - được kết luận là chất gây ung thư. Điều đáng nói là nhiều bệnh viện trên địa bàn TP Hà Nội đã sử dụng những loại thuốc này để điều trị cho bệnh nhân cao huyết áp, suy tim và sau nhồi máu cơ tim.
Các bác sĩ điều trị từng cảnh báo nếu người bệnh sử dụng kháng sinh kém chất lượng, không đủ hàm lượng hoạt chất thì chẳng những không tiêu diệt được vi khuẩn gây bệnh mà còn làm tăng nguy cơ kháng thuốc. Với các bệnh lý cấp tính, mãn tính, người bệnh sẽ phải đối diện những biến chứng khó lường, có thể bệnh nặng hơn hoặc thậm chí tử vong khi không may sử dụng phải thuốc kém chất lượng.
Tác hại do dùng thuốc giả, kém chất lượng đã rõ nhưng không thể phân biệt thuốc thật - giả hay nhận biết thuốc kém chất lượng bằng mắt thường. Thực tế cho thấy hầu hết sai phạm liên quan chất lượng thuốc chỉ được phát hiện thông qua khâu hậu kiểm - tức là khi thuốc đã được nhập khẩu, lưu hành trên thị trường, thậm chí đã được nhiều người bệnh mua về sử dụng, dự trữ.
Vì sao thuốc giả, kém chất lượng vẫn có "đất" sống dù cơ quan chức năng rất quyết liệt trong việc thu hồi, xử lý? Một trong những lý do là bởi sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dùng. Thay vì khám bệnh, mua thuốc theo toa bác sĩ, không ít người tự đến nhà thuốc, kể triệu chứng để nhân viên "kê đơn", "bốc thuốc"; hay mua thuốc theo tư vấn của bạn bè, người thân hoặc kinh nghiệm của người mắc bệnh tương tự.
Thuốc giả, kém chất lượng có ở khắp nơi trên thế giới nhưng đặc biệt nghiêm trọng ở những nước đang phát triển. Tại đây, các kênh phân phối "phi chính thức" phát triển rất mạnh. Nguy cơ càng lớn khi nhiều loại thuốc được giới thiệu, phân phối trên các kênh trực tuyến với sự "bảo chứng" của những người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng. Sự phát triển của "hiệu thuốc trực tuyến", "chợ mạng" với sản phẩm đa dạng, giá rẻ cũng góp sức khiến thị trường thuốc giả, kém chất lượng dễ bề hoạt động và khó kiểm soát, trong khi vẫn còn nhiều người dùng không quan tâm đúng mức đến chất lượng sản phẩm.
Để ngăn ngừa thuốc giả, kém chất lượng tiếp cận người dùng, cần tăng cường các biện pháp kiểm soát chất lượng thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, "nước xa không cứu được lửa gần", để chủ động "cứu mình", người dùng cần nâng cao nhận thức khi sử dụng thuốc, tránh tự chuốc họa vào thân.
Báo Người lao động
*Hoàn Kiếm tăng cường truyền thông và lồng ghép dịch vụ chất lượng cao dân số
Sáng nay (20/5), quận Hoàn Kiếm tổ chức Lễ phát động chiến dịch tăng cường truyền thông, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản chất lượng cao năm 2023.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số và phân bố dân số hợp lý, Chiến dịch tăng cường truyền thông và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã được phát động.
Hoàn Kiếm là quận trung tâm của Thủ đô, có 18 đơn vị hành chính cấp phường, dân số trung bình toàn quận là 140.244 người, số sinh hàng năm ở ngưỡng 1.855 trẻ/năm.
Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình luôn được quận xác định là nhiệm vụ quan trọng của Chiến lược phát triển quận, là giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng.
Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chất lượng cao về dân số được xác định là hoạt động thường niên trong chuỗi những hoạt động cung cấp kiến thức và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình cho nam và nữ giới tại cộng đồng.
Chiến dịch còn tập trung vào nâng cao chất lượng dân số từ trẻ mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, THPT, thanh niên, phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ và người cao tuổi. Đồng thời, cũng sẽ đẩy mạnh truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Quốc Hoàn - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: “Trong thời gian tới, Ban chỉ đạo công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, để đảm bảo các mục tiêu: Duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu dân số vàng...
Ngay sau lễ phát động, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức khám bệnh (khám tuyến vú, khám phụ khoa, siêu âm và xét nghiệm máu) cho chị em phụ nữ, người dân trên địa bàn. Trong ngày 20/5, quận Hoàn Kiếm đã khám, tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho gần 2.000 người thuộc 18 phường của quận, trong độ tuổi từ 15 đến 49 tuổi.
Báo Kinh tế đô thị
*Đề phòng một số bệnh trẻ em dễ mắc vào mùa hè
Theo ThS.BS Phan Hữu Kiệm - Khoa Nội IV, Bệnh viện Phổi Hà Nội, thời tiết mùa hè là điều kiện thuận lợi cho vi trùng, vi khuẩn phát triển nên tất cả các đối tượng đều dễ mắc bệnh. Trẻ em có sức đề kháng kém hơn nên có thể nhiễm một số bệnh lý như sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp, mất nước điện giải, sốt virus, rôm sảy…
Tiêu chảy cấp là bệnh lý hay xảy ra nhất vào dịp hè. Thời tiết nắng nóng khiến thức ăn dễ bị ôi thiu, đặc biệt là học sinh đang độ tuổi đến trường sử dụng những thực phẩm mất vệ sinh an toàn thực phẩm thì tình trạng mắc bệnh tiêu chảy cấp, ngộ độc thực phẩm sẽ xảy ra.
Ngoài ra, mùa hè nắng nóng, nhiệt độ cao khiến các gia đình thường sử dụng điều hòa, quạt đá làm mát cho bé. Tuy nhiên khi sử dụng điều hòa quá nhiều thời gian và để nhiệt độ quá lạnh sẽ khiến da của mất nước, khô da tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, vi khuẩn tấn công vào đường hô hấp dẫn đến khó thở. Do đó cha mẹ cần chú ý không để quạt hướng thẳng mặt trẻ, nhất là trẻ sơ sinh và dùng điều hòa đúng cách.
Mùa hè cũng là thời điểm nhiều muỗi, trẻ rất dễ bị sốt xuất huyết. Dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị sốt xuất huyết như trẻ bị sốt, không ho, không sổ mũi, không tiêu chảy, trên người nổi những nốt xuất huyết, thường là ở cánh tay, cẳng chân. Các nốt tròn, nhỏ như vết muỗi cắn nhưng khác ở chỗ khi căng ra những điểm này không biến mất. Khi có các biểu hiện như trên thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.
Thời tiết nóng, nhiệt độ cơ thể tăng cao là nguyên nhân gây hiện tượng nổi mụn nhọt, rôm sảy và các mẩn ngứa đỏ ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Khi trẻ không được vệ sinh da đúng cách, mồ hôi của trẻ sẽ làm cho các mụn rôm sảy phát triển thành mụn mủ có khi còn thành nhọt, từ đó có nguy cơ bị viêm da…
Say nắng cũng là một trong những bệnh lý nguy hiểm. Nhiệt độ cơ thể trẻ tăng cao làm giãn mạch não gây ra tăng áp lực sọ và làm nhức đầu, có thể kèm theo nôn mửa hay hôn mê, co giật do ức chế vỏ não ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Cha mẹ cũng nên hạn chế cho trẻ ăn những loại hoa quả gây nóng cho cơ thể, tăng cường những loại thực phẩm làm mát từ bên trong.
Cha mẹ cần xây dựng một chế độ ăn lành mạnh là điều hết sức cần thiết. Theo ThS.BS Phan Hữu Kiệm, thời tiết nắng nóng cần bổ sung nhiều dưỡng chất cho trẻ, giúp trẻ tăng sức đề kháng, bổ sung nhiều rau xanh và hoa quả có tác dụng giúp cơ thể thanh nhiệt, chống táo bón.
Ngoài ra, việc bổ sung nước thường xuyên giúp trẻ tránh nguy cơ bị mất nước. Khi trẻ vận động nhiều, cơ thể tiết mồ hôi, đi tiểu nhiều và không bù nước kịp thời dẫn đến trẻ bị nôn mửa, tiêu chảy… Khi trẻ bị mất nước sẽ có biểu hiện mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt… Do vậy cha mẹ cần nhắc con bổ sung nước sau khi chơi đùa, tập thể thao. Lưu ý: Cần bổ sung nước từ từ cho cơ thể.
Báo Đại đoàn kết
*Người dân cần nâng cao ý thức chủ động phòng chống sốt xuất huyết
Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tình hình dịch sốt xuất huyết có thể gia tăng nhanh trong thời gian tới. Bởi vậy, ngoài sự vào cuộc một cách quyết liệt của ngành Y tế thì người dân cũng cần nâng cao nhận thức, ý thức, thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch sốt xuất huyết.
Vừa qua, Sở Y tế Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội năm 2023.
Theo báo cáo của CDC Hà Nội, tính từ đầu năm 2023 đến ngày 15/5, toàn Thành phố ghi nhận 250 ca mắc sốt xuất huyết, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022. Số ca mắc ghi nhận tại 27/30 quận, huyện, thị xã và tại 143/579 xã, phường, thị trấn. Ghi nhận 14 ổ dịch tại 9 quận, huyện gồm: Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Thạch Thất, Hà Đông, Thanh Oai, Hoài Đức, Tây Hồ.
Trong thời gian qua, CDC Hà Nội đã chủ động phối hợp với các đơn vị trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống dịch các cấp; triển khai kế hoạch vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy, diệt muỗi chủ động phòng, chống sốt xuất huyết. Đồng thời xây dựng kế hoạch phát động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết (15/6/2023); tiếp tục duy trì các hoạt động giám sát dịch tễ, véc tơ truyền bệnh, phát hiện sớm, khoanh vùng xử lý ổ dịch, ca bệnh tại cộng đồng.
Thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hỗ trợ các đơn vị triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại cơ sở; các đơn vị cũng đã chủ động, kịp thời tổng hợp, báo cáo tình hình dịch sốt xuất huyết trên phần mềm theo Thông tư 54 theo quy định.
Theo nhận định của CDC Hà Nội, tình hình dịch sốt xuất huyết có thể gia tăng nhanh trong thời gian tới, điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho loăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển. Hiện nay, số ca mắc đang tăng theo tuần. Vì vậy, ngoài sự vào cuộc một cách quyết liệt của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và ngành Y tế thì người dân cũng cần nâng cao nhận thức, ý thức, thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch.
Tại Hội nghị, một số đơn vị Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã cũng đã đưa ra những ý kiến về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn cũng như những khó khăn, tồn tại cần tháo gỡ, trong đó có việc mua sắm vật tư, hoá chất phòng, chống dịch.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đã ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của CDC Hà Nội và các quận, huyện, thị xã trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn Thành phố, trong đó có công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương yêu cầu các đơn vị y tế tiếp tục tham mưu cho chính quyền địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở; rà soát, đề xuất tháo gỡ khó khăn về định mức chi cho hệ y tế dự phòng; bảo đảm đầy đủ vật tư hóa chất, máy phun sử dụng trong phòng, chống dịch. Cùng với đó, CDC Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các đơn vị triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh.
Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương lưu ý, bắt đầu từ tuần tới CDC Hà Nội cần rà soát, thông báo chỉ số nguy cơ đối với từng quận, huyện, thị xã, khu vực nguy cơ cao về sốt xuất huyết để có những cảnh báo cho người dân. Đồng thời, rà soát lại công tác xét nghiệm mẫu, thống nhất với các đơn vị về việc gửi mẫu xét nghiệm làm sao hiệu quả, đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, các đơn vị cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết để người dân tự giác thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng; chủ động thu dọn vật dụng phế thải gây đọng nước, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín các dụng cụ chứa nước…
Báo Lao động thủ đô