* Thị trường thiết bị y tế Việt Nam: trong "nguy" có "cơ"
Xét nghiệm sinh học phân tử (SHPT) đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam, giúp tầm soát, chẩn đoán chính xác hơn, hỗ trợ hữu ích cho việc điều trị các bệnh truyền nhiễm, bệnh ung thư phổ biến hoặc những bất thường di truyền trong hỗ trợ sinh sản.
Tuy nhiên, thiết bị y tế và hóa chất trong xét nghiệm SHPT thường đắt tiền, có hàm lượng công nghệ cao nên việc tự chủ sản xuất của doanh nghiệp nội địa gặp nhiều khó khăn.
Nhu cầu cao nhưng nguồn cung khó khăn với các sản phẩm chất lượng tốt
Một nghiên cứu gần đây của công ty tư vấn chiến lược và nghiên cứu thị trường Report Ocean tiết lộ rằng Thị trường thiết bị y tế Việt Nam trị giá 1.522,1 triệu USD vào năm 2021 và dự đoán sẽ đạt 2.862,6 triệu USD vào năm 2028.
Theo số liệu thống kê khác, mặc dù thị trường thiết bị y tế tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng trung bình 13,1% trong vòng 5 năm trở lại đây nhưng tới 90% số lượng lại đến từ nguồn nhập khẩu. Chính điều này đã gây ra những rào cản đối với các doanh nghiệp trong việc cung ứng thiết bị y tế cho thị trường. Để có thể cung ứng đủ trang thiết bị đòi hỏi phải có các doanh nghiệp trong nước phải làm chủ được công nghệ sản xuất, từ đó đáp ứng nhu cầu về thiết bị và hóa chất xét nghiệm rất lớn hiện nay.
Thị trường vô vàn chủng loại và giá cả, nhưng việc kiểm chứng chất lượng thì cũng muôn hình vạn trạng. Các trang thiết bị đạt tiêu chuẩn chẩn đoán in vitro (IVD) đến từ các quốc gia Châu Âu (CE-IVD), Mỹ (FDA), Úc (TGA)… thường có chất lượng và nguồn cung đảm bảo nhưng giá thành cũng tỉ lệ thuận với mức độ được công nhận rộng rãi. Việc nhập khẩu các sản phẩm có chứng nhận IVD cũng mất nhiều thời gian và công sức hơn so với các sản phẩm "không có IVD".
Việc cấp phép cho một sản phẩm IVD phù hợp với quy chuẩn và tiêu chuẩn tại một quốc gia và vùng lãnh thổ (ví dụ, CE-IVD) là quá trình xem xét và đánh giá sự phù hợp và đạt chất lượng của sản phẩm theo quy định của quốc gia và vùng lãnh thổ đó. Sản phẩm được cấp chứng nhận sau đó thường được gọi là sản phẩm "có chứng nhận IVD" để dùng trong xét nghiệm chẩn đoán.
Năng lực sản xuất trang thiết bị y tế trong nước còn hạn chế
Thông thường nhà máy sản xuất trang thiết bị y tế đòi hỏi đầu tư cơ sở hạ tầng và máy móc công nghệ cao và đắt tiền; đội ngũ nhân sự vận hành cần có định hướng đúng, năng lực chuyên môn cao và mức độ hiểu biết rất sâu về khoa học công nghệ trong lĩnh vực này. Do đó, hiện nay, vẫn chưa nhiều doanh nghiệp mạnh tay đầu tư vào lĩnh vực này.
Các sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp sản xuất cũng cần tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt và các quy định cấp phép cho sản phẩm IVD để lưu hành tại thị trường Việt Nam. Theo TS. Dương Ngọc Cường, Công ty TNHH Nhà máy Phacogen – chuyên gia quản lý chất lượng xét nghiệm, để đạt được chứng nhận và cấp phép lưu hành dưới dạng IVD, sản phẩm phải qua thử nghiệm lâm sàng tại các cơ sở được phép tiến hành thử nghiệm lâm sàng trong và ngoài nước. Quá trình này có thể kéo dài tùy thuộc vào mức độ sẵn có của các loại bệnh phẩm cũng như khả năng thực hiện thử nghiệm lâm sàng của cơ sở.
Thị trường kit xét nghiệm Việt Nam: trong "nguy" có "cơ"
Mặc dù gặp khá nhiều rào cản kĩ thuật, thị trường kit xét nghiệm "made in Việt Nam" đã bắt đầu có những dấu hiệu phát triển đáng mừng từ doanh nghiệp nội địa. Công ty Cổ phần Y dược Phacogen là một trong những đơn vị tiên phong tại Việt Nam nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm kit xét nghiệm sinh học phân tử theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ công tác sàng lọc và chẩn đoán theo hướng IVD. Nhà máy sản xuất Phacogen hoạt động theo hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn EN ISO 13485:2016 cho sản xuất trang thiết bị y tế.
Nhà máy Phacogen giai đoạn 1 được đầu tư cơ sở vật chất và máy móc hiện đại trị giá hàng triệu USD với hệ thống phòng sạch đạt tiêu chuẩn ISO 8, hệ thống băng chuyền, hệ thống pha mix và san chiết sử dụng robot đi cùng với hệ thống kho âm, kho lạnh và kho mát được theo dõi nhiệt độ tự động 24/7, đảm bảo toàn bộ các sản phẩm sản xuất ra được lưu trữ và bảo quản đúng tiêu chuẩn trước khi phân phối đến các đơn vị sử dụng. Dự kiến, công suất của nhà máy có thể đạt sản lượng 4 triệu kit xét nghiệm/năm.
Đầu tháng 6/2023, sau quá trình đánh giá và kiểm định gắt gao từ các tổ chức quốc tế, nhà máy Phacogen chính thức được cấp chứng nhận đạt chuẩn quốc tế cho sản xuất trang thiết bị y tế do TUV Rheinland (CHLB Đức) chứng nhận. Các sản phẩm của nhà máy Phacogen sẽ được ứng dụng rộng rãi trong sàng lọc, chẩn đoán các marker ung thư, các vi rút, vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm và các yếu tố bất thường trong sản phụ khoa. Các sản phẩm này được kỳ vọng có nhiều ưu điểm như chất lượng và nguồn gốc đảm bảo, được kiểm định bởi các tổ chức uy tín, giá thành sản phẩm cạnh tranh và đặc biệt là khả năng đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường do chủ động được toàn bộ quá trình nghiên cứu sản phẩm, tối ưu hóa nguyên vật liệu, thử nghiệm, sản xuất và kiểm soát chất lượng.
Với nhiều ưu điểm vượt trội như trên, kit xét nghiệm của Phacogen được phân phối rộng rãi trong nước và hướng tới xuất khẩu ra thị trường quốc tế trong thời gian không xa.
(Báo Sức khỏe & đời sống)
* Đề phòng bệnh võng mạc đái tháo đường
Tại Việt Nam trong vòng 10 năm qua, bệnh đái tháo đường đã có mức gia tăng nhanh (từ 2,7% dân số năm 2002, lên 5,4% năm 2012, 7,06% năm 2021 trong độ tuổi điều tra 18-69), với gần 4,5 triệu người mắc bệnh.
TS Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên thế giới.
Năm 2021, theo báo cáo của Hiệp hội đái tháo đường thế giới (IDF Diabetes Atlas), tỷ lệ bệnh đái tháo đường ở người lớn đã tăng gấp 3 lần so với năm 2000, từ 151 triệu người lên 537 triệu người (chiếm 10,5% dân số thế giới).
Tại Việt Nam trong vòng 10 năm qua, bệnh đái tháo đường đã có mức gia tăng nhanh (từ 2,7% dân số năm 2002, lên 5,4% năm 2012, 7,06% năm 2021 trong độ tuổi điều tra 18-69), với gần 4,5 triệu người mắc bệnh.
Đái tháo đường là một nhóm các bệnh lý chuyển hóa đặc trưng bởi tăng glucose máu. Tăng glucose máu mạn tính trong đái tháo đường sẽ gây tổn thương nhiều cơ quan, đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu. Người ta thấy rằng cứ 10 ca đái tháo đường thì đã có 6 ca biến chứng tại mắt, đặc biệt là bệnh võng mạc do đái tháo đường khoảng từ 20% - 35% người mắc đái tháo đường, đây là nguyên nhân gây bệnh lý bán phần sau phổ biến nhất hiện nay.
Bệnh võng mạc đái tháo đường là biến chứng của bệnh đái tháo đường, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực và mù lòa trên thế giới. Bệnh diễn ra âm thầm, đa số người bệnh mắc bệnh võng mạc đái tháo đường thường không biết cho đến khi tiến triển nặng, không thể hồi phục ngay cả được điều trị.
Tổn thương võng mạc do đái tháo đường biểu hiện rất đa dạng như: Tăng sinh mạch máu võng mạc, phù hoàng điểm, xuất huyết, xuất tiết, bong võng mạc... Những tổn thương này sẽ gây suy giảm thị lực hoặc mù lòa không hồi phục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của bệnh nhân, gia tăng gánh nặng kinh tế cho bản thân người bệnh, gia đình và xã hội. Hậu quả của tình trạng này là gần 2 triệu bệnh nhân đái tháo đường ở Việt Nam đang có nguy cơ mất thị lực.
Theo các chuyên gia, khám mắt hàng năm có thể xác định sớm bệnh võng mạc tiểu đường, từ đó điều trị kịp thời để ngăn ngừa mất thị lực và nguy cơ bị mù. Tuy nhiên, khoảng 1/2 số người mắc bệnh tiểu đường đã không đi khám mắt thường xuyên. Độ nhạy của soi đáy mắt trong việc sàng lọc để xác định bệnh võng mạc tiểu đường tăng lên khi bác sĩ được đào tạo và có kinh nghiệm trong việc khám mắt, nằm trong khoảng từ 50 - 100%. Các đánh giá kinh tế chỉ ra rằng, việc tầm soát bệnh võng mạc tiểu đường có chi phí thấp hơn chi phí cho 1 năm điều trị mù lòa của một người.
Tầm soát bệnh võng mạc tiểu đường vừa hiệu quả để ngăn ngừa mù lòa, vừa tiết kiệm chi phí. Nỗ lực phòng ngừa này đòi hỏi cải tiến sàng lọc, phát hiện kịp thời và bắt đầu chăm sóc sức khỏe. Để bắt đầu điều trị, tất cả những người mắc bệnh tiểu đường (trừ những người bị tiểu đường loại 1 dưới 5 năm) phải được khám mắt hàng năm bởi chuyên gia đã được đào tạo thực hiện và phải được chuyển tuyến để điều trị thích hợp.
(Báo Đại đoàn kết)
* Chiến dịch bổ sung vitamin A cho trẻ em Hà Nội
Để bảo đảm sức khỏe của trẻ em trên địa bàn Thủ đô, ngay từ đầu tháng 6-2023, Sở Y tế TP Hà Nội đã tiến hành chiến dịch bổ sung vitamin A cho trẻ từ 6 đến 35 tháng tuổi tại địa phương, kể cả trẻ từ nơi khác tới, trẻ đang điều trị tại các cơ sở y tế.
Tổng số trẻ em được uống vitamin A theo đúng đối tượng là hơn 392.000 trẻ. Trong chiến dịch này, ngoài uống vitamin A, các quận, huyện, thị xã cũng triển khai hoạt động cân, đo, sàng lọc suy dinh dưỡng cấp tính cho trẻ dưới 5 tuổi nhằm đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ để có thể can thiệp kịp thời.
Theo các chuyên gia y tế, vitamin A có vai trò quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ. Nhờ hoạt động cho trẻ uống vitamin A, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân như tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm nhanh và bền vững. Đặc biệt, nhiều bệnh đã được thanh toán như: Mù lòa do thiếu vitamin A, tình trạng thiếu vitamin A huyết thanh, thiếu máu do thiếu sắt và thiếu các vi chất dinh dưỡng.
(Báo Quân đội nhân dân)
* Phát hiện dị vật trong âm đạo bé gái
Chiều 20/6, thông tin từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, bé N.T.N.H. (sinh năm 2018, ở Nam Định) được gia đình đưa vào khám tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội trong tình trạng âm hộ viêm đỏ, chảy dịch nâu từ trong âm đạo có mùi rất hôi.
Theo chẩn đoán ban đầu từ bệnh viện tuyến dưới bé H. có dị vật âm đạo. Hình ảnh siêu âm cho thấy, âm đạo có hình tăng âm kèm bóng cản đường kính 11mm. Qua khai thác thông tin từ gia đình cho biết, bé ở cùng với bà bố mẹ đi làm xa. Bà tắm cho bé phát hiện âm hộ sưng đưa bé đi khám.
PGS.TS Lê Thị Anh Đào – Trưởng khoa Phụ ngoại A5, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã tiến hành nội soi âm đạo gắp dị vật cho bé. Sau thủ thuật bệnh nhân ổn định.
TS Lê Thị Anh Đào khuyến cáo, trong thời gian gần đây, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội tiếp nhận nhiều ca nhét dị vật vào vùng kín ở trẻ nhỏ sống xa cha mẹ. Phụ huynh khi chăm sóc vùng kín em bé cần chú ý vệ sinh hàng ngày, dạy bé không được đưa bất kỳ vật gì vào trong âm đạo.
“Gia đình nên chú ý đến những vật nhỏ không để gần tầm tay trẻ. Trẻ chưa có ý thức tác hại rất dễ nhét vào các lỗ tự nhiên (lỗ mũi, lỗ tai, lỗ âm đạo). Nếu phát hiện hãy đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất. Vì dị vật âm đạo nếu không phát hiện sớm sẽ là nguyên nhân dẫn đến chảy dịch âm đạo viêm âm đạo và nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến viêm phần phụ ở trẻ em” - TS Lê Thị Anh Đào lưu ý.
(Báo Kinh tế & đô thị)