*Bệnh viện chủ động “hạ nhiệt” cho bệnh nhân trong ngày nắng nóng
Những ngày này tại các tỉnh miền Bắc cũng như cả nước nắng nóng gay gắt gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Trước tình hình đó, nhiều bệnh viện đã có nhiều biện pháp phòng, chống nắng nóng cho người bệnh và nhân viên y tế.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, trung bình, mỗi ngày có khoảng 7.000-12.000 người tới khám chữa bệnh. Vì là tuyến cuối nên bệnh viện luôn trong tình trạng đông, nhiều bệnh nhân nặng. Một số khoa giường bệnh phải nằm ghép.
TS Dương Đức Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai cho biết, để giảm tải, bệnh viện tổ chức nhiều ca khám chữa bệnh và hội chẩn từ xa cho tuyến dưới. Nhiều ca bệnh khó đã được phẫu thuật và điều trị ngay từ y tế cơ sở, không phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Đặc biệt, trong những ngày thời tiết nắng nóng, lượng bệnh nhân tới bệnh viện rất đông, bệnh viện cố gắng bố trí tối đa giờ khám bệnh sớm, làm việc đến cuối giờ trưa để bệnh nhân có kết quả xét nghiệm sớm, trở về trong ngày. Đồng thời, bố trí khu ngồi chờ khám có quạt mát, ghế ngồi để giảm bớt vất vả cho người bệnh. Ngoài ra, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã thiết kế hệ thống phun sương nhằm giảm bớt oi nóng cho người nhà bệnh nhân nằm nghỉ phía ngoài.
Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, trung bình mỗi ngày có 800 bệnh nhân nhập viện, tăng trên 15% so với trước, trong đó, gần một nửa là trẻ nhỏ. Trước số bệnh nhân tăng cao, các khoa, phòng tăng cường thêm quạt mát, điều hòa nhiệt độ, nước uống. Đồng thời, thêm bàn khám bệnh, bàn thu viện phí, phân giờ khám...
Tương tự, tại Bệnh viện Nhi T.Ư, mỗi ngày, Khoa Khám bệnh tiếp nhận hàng nghìn bệnh nhi đến khám. Nhiều trẻ đã ốm, bệnh kéo dài nhiều ngày mới được bố mẹ đưa đến khám.
TS Nguyễn Thị Mai Hoàn – Trưởng khoa Khám bệnh Đa khoa, BV Nhi T.Ư cho biết, số lượng bệnh nhi đến khám giai đoạn này cũng tăng lên hơn so với những tháng trước.. Như mọi năm, cứ vào mùa nắng nóng, nhiều bệnh nhi vào viện với các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa...
Nhằm giảm bớt áp lực cho bệnh nhi, người nhà cũng như các cán bộ y tế trong những ngày thời tiết nắng nóng, Bệnh viện Nhi Trung ương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để giúp giảm nhiệt cho các bé, giảm thời gian chờ đợi cho gia đình bệnh nhi. Bệnh viện chuẩn bị đầy đủ các phương tiện chống nóng cho người bệnh đến khám và điều trị tại bệnh viện như: Quạt, bạt che, nước uống, nước sinh hoạt, hướng dẫn chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh…
Để phòng tránh trẻ bị say nắng, say nóng trong mùa Hè, các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, cha mẹ cần lưu ý, những ngày nắng nóng, nên cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi; không nên cho trẻ vận động cường độ cao và liên tục quá hai giờ đồng hồ dưới ánh nắng mặt trời.
Nếu trẻ cảm thấy khó chịu, cho trẻ ngừng ngay việc tập luyện, vận động và vào chỗ có bóng mát nghỉ ngơi. Không thay đổi đột ngột môi trường của trẻ, nếu trẻ vừa đi ngoài về tránh cho vào phòng điều hòa nhiệt độ ngay; không nên để trẻ chạy nhảy, ra vào giữa phòng điều hòa nhiệt độ và không gian nóng bức bên ngoài.
Trang bị đầy đủ mũ, quần áo, kính mắt, khẩu trang hoặc che chắn cẩn thận cho trẻ trước khi đi ra ngoài trời nắng. Đáng chú ý, nếu cho trẻ đi ô tô, tuyệt đối không để trẻ một mình trên xe; khi đỗ, cần chọn nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào xe gây tăng nhiệt độ…
Hãy tắm cho trẻ bằng nước mát khi nhiệt độ ngoài trời cao, nắng nóng gay gắt giúp điều hòa thân nhiệt của các bé. Ngoài ra bổ sung dinh dưỡng và vitamin đầy đủ cho trẻ để tăng sức đề kháng và sức khỏe.
Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Đặng Hoàng Điệp – Khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cảnh báo, say nắng, say nóng thường hay xảy ra vào mùa Hè, nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn tới di chứng thần kinh không hồi phục hoặc tổn thương đa cơ quan và tử vong.
Trong khoảng thời gian 1 giờ sau khi bị say nắng, say nóng ở mức độ nặng được gọi là “thời điểm vàng” để cấp cứu. Do đó, khi cấp cứu say nắng, say nóng phải hết sức chú ý đến việc cấp cứu ban đầu tại hiện trường.
“Khi gặp người bị say nắng, say nóng, chúng ta phải ngay lập tức đưa bệnh nhân vào chỗ mát, thoáng khí (chỗ bóng râm, lên xe mát hay nhà mát…) đồng thời gọi hỗ trợ, đặc biệt gọi cấp cứu hỗ trợ” - bác sĩ Điệp khuyến cáo.
Hiện nay, nắng nóng gay gắt bắt đầu xuất hiện tại nhiều địa phương trong cả nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân và người lao động. Trước tình hình đó, Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế đã hướng dẫn chăm sóc sức khỏe mùa nắng nóng cho cộng đồng và người lao động.
Theo Bộ Y tế, vào mùa nắng nóng có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe thường gặp là: Say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng.
Một số đối tượng có nguy cơ cao gồm: người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai; những người làm việc, luyện tập với cường độ cao ở ngoài trời nắng lâu hoặc trong môi trường nóng bức. Những người mắc các bệnh mạn tính: Tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, đái tháo đường...
Các triệu chứng gặp phải khi bị say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng là: Mệt mỏi, khát nước, hoa mắt, chóng mặt, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp đánh trống ngực, chuột rút (mức độ nhẹ); đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, yếu hoặc liệt nửa người, co giật, ngất xỉu hoặc hôn mê, trụy tim mạch và có thể tử vong (mức độ nặng).
Bộ Y tế khuyến cáo, người dân nên hạn chế đi ra ngoài trời nắng trong những ngày nắng nóng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
Người dân nên mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi. Tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả, nên có món canh trong bữa ăn hàng ngày. Đặc biệt cần uống tối thiếu 1,5 – 2 lít nước/ngày. Nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần. Rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng và sức chống chịu của bản thân với điều kiện thời tiết nắng nóng.
Để phòng, chống nắng nóng cho người bệnh và nhân viên y tế, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu tại viện và ngoại viện. Đồng thời, tập huấn lại kỹ năng cấp cứu người say nắng, sốc nhiệt và đặc biệt là đột quỵ; sẵn sàng cấp cứu kịp thời người bệnh.
Mặt khác, các cơ sở y tế cần khẩn trương lắp đặt ngay mái che lối đi giữa các khối nhà và tại khu vực ngoài trời có tập trung đông người nhà người bệnh. Huy động các nguồn kinh phí mua quạt trần, quạt thông gió, quạt hơi nước hoặc máy điều hòa trong khả năng nguồn lực của bệnh viện.
Bảo đảm cung cấp đầy đủ nước uống miễn phí cho người bệnh và người nhà người bệnh tại các khoa lâm sàng, sảnh chờ. Bổ sung cây nước uống tại các vị trí còn thiếu hoặc có nhu cầu tăng cao trong ngày nắng nóng.
Đối với những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng, Bộ Y tế khuyến cáo, bố trí thời gian làm việc vào những lúc trời mát mẻ như vào sáng sớm hoặc chiều muộn. Hạn chế thời gian làm việc trong môi trường nhiệt độ cao.
Người dân nên hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể đặc biệt là vùng vai gáy. Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính. Mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi. Có thể sử dụng thêm các loại kem chống nắng.
Báo Kinh tế đô thị
*Hà Nội: Sốt xuất huyết vẫn tăng cao
Theo CDC Hà Nội, trong năm 2023, tính đến ngày 15/5, toàn TP. Hà Nội ghi nhận 250 ca mắc sốt xuất huyết, số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Số ca mắc ghi nhận tại 27/30 quận, huyện, thị xã và tại 143/579 xã, phường, thị trấn.
Ghi nhận 14 ổ dịch tại 9 quận, huyện gồm: Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Thạch Thất, Hà Đông, Thanh Oai, Hoài Đức, Tây Hồ.
Thời gian qua, CDC Hà Nội đã chủ động phối hợp với các đơn vị trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống dịch các cấp; triển khai kế hoạch vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy, diệt muỗi chủ động phòng, chống sốt xuất huyết.
Đồng thời xây dựng kế hoạch phát động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết (15/6/2023); tiếp tục duy trì các hoạt động giám sát dịch tễ, véc tơ truyền bệnh, phát hiện sớm, khoanh vùng xử lý ổ dịch, ca bệnh tại cộng đồng.
Thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hỗ trợ các đơn vị triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại cơ sở.
Các đơn vị cũng đã chủ động, kịp thời tổng hợp, báo cáo tình hình dịch sốt xuất huyết trên phần mềm theo Thông tư 54 theo quy định.
Theo nhận định của CDC Hà Nội, tình hình dịch sốt xuất huyết có thể gia tăng nhanh trong thời gian tới, điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho loăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển.
Hiện nay, số ca mắc đang tăng theo tuần, có thể ghi nhận bệnh nhân nặng và tử vong so với năm 2022. Vì vậy, ngoài sự vào cuộc một cách quyết liệt của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và ngành Y tế thì người dân cũng cần nâng cao nhận thức, ý thức, thực hiện nghiêm túc quy định về phòng, chống dịch.
Theo Giám đốc CDC Hà Nội Bùi Văn Hào, các đơn vị cần tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh là hết sức quan trọng.
Bên cạnh đó, cần chủ động tham mưu, đề xuất với chính quyền các cấp tiếp tục triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi tại hộ gia đình, khu dân cư, khu vực công cộng để phòng, chống sốt xuất huyết.
Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương yêu cầu, thời gian tới, các đơn vị tiếp tục tham mưu cho chính quyền địa phương về triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở.
Đồng thời, thực hiện rà soát, đề xuất tháo gỡ khó khăn về định mức chi cho hệ y tế dự phòng làm sao cho phù hợp; đảm bảo đầy đủ vật tư hoá chất, máy phun sử dụng trong phòng, chống dịch. CDC Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các đơn vị triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh.
Phó Giám đốc Sở Y tế cũng lưu ý, bắt đầu từ tuần tới CDC Hà Nội có thông báo chỉ số nguy cơ đối với từng quận, huyện, thị xã, khu vực nguy cơ cao về sốt xuất huyết để có những cảnh báo cho người dân.
CDC Hà Nội cũng cần rà soát lại công tác xét nghiệm mẫu, thống nhất với các đơn vị về việc gửi mẫu xét nghiệm làm sao hiệu quả, đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch.
Các đơn vị tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết để người dân tự giác thực hiện biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng.
Chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải gây đọng nước, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín các dụng cụ chứa nước sinh hoạt để phòng bệnh sốt xuất huyết.
Theo chuyên gia, sốt xuất huyết thường trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, các triệu chứng bệnh thường rất khó phân biệt với các loại sốt virus thông thường, thường biểu hiện sốt cao, đột ngột 39 - 40 độ C trong 1 hoặc 2 ngày đầu.
Sau đó bệnh chuyển sang giai đoạn 2, tức từ ngày thứ 3 cho đến ngày thứ 7 kể từ khi bị sốt, các triệu chứng nặng của bệnh bắt đầu được nhận thấy như xuất huyết dưới da (ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong của cánh tay, bụng, đùi), chảy máu cam, chảy máu chân răng, thậm chí xuất huyết nội tạng (đái máu hoặc rong kinh, kinh nguyệt kéo dài ở phụ nữ).
Bệnh chuyển sang giai đoạn 3, đó là giai đoạn hồi phục (người bệnh hết sốt và thể trạng bắt đầu tốt dần lên, có cảm giác thèm ăn, huyết động bắt đầu ổn định và người bệnh đi tiểu nhiều, các xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên và trở về trạng thái bình thường). Tuy vậy, những bệnh nhân nặng, từ giai đoạn này sẽ xuất hiện biến chứng diễn tiến rất khó lường.
Các bác sĩ khuyến cáo sốt xuất huyết diễn biến nặng thường bắt đầu từ ngày thứ 4, 5 trở đi, không phải thấy hết sốt mà chủ quan.
Lựa chọn tốt nhất để điều trị các triệu chứng đau đầu, hạ sốt khi mắc sốt xuất huyết là paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10-15 mg/kg/lần, tức là người 40kg uống 1 viên 500mg/lần còn người trên 70kg uống 2 viên/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ, tổng liều không vượt quá 60 mg/kg/24h.
Không được sử dụng aspirin, ibuprofen để điều trị sốt xuất huyết do thuốc làm trầm trọng thêm tình trạng chảy máu, tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày, đe dọa đến tính mạng.
Về vấn đề bù dịch cho bệnh nhân sốt xuất huyết, lưu ý việc bù đủ lượng dịch cơ thể rất cần nhưng bằng dịch nào, theo cách nào cho đúng và an toàn cần ý kiến bác sĩ.
Những ngày đầu việc truyền dịch là không cần thiết, nếu bệnh nhân còn ăn uống được thì nên bù dịch bằng đường ăn uống tự nhiên. Bệnh nhân có thể uống oresol, nước hoa quả, nước lọc.
Không phải cứ có chẩn đoán sốt xuất huyết là phải truyền dịch mà phải đúng chỉ định của thầy thuốc, đặc biệt không nên tự truyền dịch tại nhà.
Lúc truyền dịch phải kiểm soát các bệnh lý khác của người bệnh như tim mạch, huyết áp, hô hấp... Từ ngày thứ 6 của bệnh (giai đoạn tái hấp thu và hồi phục) nếu truyền nhiều dịch sẽ gây nhiều biến chứng như suy tim, phù phổi cấp…
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết người dân cần thực hiện những điều sau: Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.
Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...
Bên cạnh đó, cần loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Ngoài ra, khi bị sốt, người bệnh đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Trong khi điều trị bệnh, người bị sốt xuất huyết nên nằm trong màn để không bị muỗi đốt, tránh lây lan bệnh cho người khác.
Báo Đầu tư
*Nguy cơ mắc liên cầu khuẩn lợn vào mùa nắng nóng
Hơn 4 tháng đầu năm 2023, thành phố Hà Nội ghi nhận 5 bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn, trong đó có 1 người tử vong; trong khi cùng kỳ năm ngoái không có ca bệnh. Các chuyên gia y tế cảnh báo, liên cầu lợn là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nguy hiểm, lây truyền từ động vật sang người và có xu hướng xảy ra vào mùa hè nắng nóng.
Tỷ lệ tử vong, di chứng rất cao
Hai ngày sau khi giết mổ lợn bệnh và không sử dụng các biện pháp bảo hộ, một người đàn ông (48 tuổi, ở xã Phú Châu, huyện Ba Vì) xuất hiện sốt cao, rét run, mệt mỏi, đau cơ, nôn… Một ngày sau, bệnh nhân nổi ban xuất huyết vùng đầu và trên cơ thể nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn và được chuyển đến Bệnh viện Quân y 105 để điều trị. Sau đó, bệnh nhân tử vong với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn.
Trước đó, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận điều trị cho hai bệnh nhân bị viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn liên cầu lợn, trong đó một người mắc bệnh sau khi giết mổ và ăn thịt lợn ốm, người còn lại mắc bệnh sau khi ăn tiết canh. Còn Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cũng tiếp nhận hai bệnh nhân mắc liên cầu lợn, trong đó bệnh nhân nữ làm nghề bán thịt lợn; còn bệnh nhân nam mắc bệnh sau khi ăn tiết canh và tham gia thái thịt lợn tại một đám cưới.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hầu hết các ca bệnh đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các đồ ăn từ thịt lợn chưa nấu chín… Thậm chí, một số nhà hàng hiện nay dùng tiết lợn pha vào tiết ngan, vịt, dê... Khi ăn những món tiết canh này cũng có nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, một số bệnh nhân không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh có thể do ăn thịt lợn nhiễm bệnh nhưng chế biến còn sống, hoặc tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chế biến thực phẩm.
Theo các chuyên gia y tế, liên cầu lợn do vi khuẩn Streptococcus suis (S.suis) gây nên. Đây là bệnh lây truyền từ động vật sang người và có thể gây tử vong. Người bệnh thường có triệu chứng lâm sàng nặng, phải điều trị trong thời gian dài, chi phí điều trị lớn và thường để lại biến chứng không phục hồi sau khi khỏi bệnh. S.suis được phát hiện ở nhiều nơi trên thế giới, những nơi chăn nuôi lợn. Tỷ lệ mang S.suis không triệu chứng trong một đàn lợn khoảng 60%-100%. Vi khuẩn S.suis thường cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là ở mũi, ở đường tiêu hóa và sinh dục của lợn.
Ở Việt Nam, bệnh liên cầu khuẩn lợn được biết đến từ năm 2003. Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh, bệnh này có xu hướng xảy ra vào mùa hè nắng nóng, 58 bệnh nhân (chiếm tỷ lệ 81%) là nam giới. Phần lớn bệnh nhân là nông dân, 38% bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc với lợn hay thịt lợn, tuy nhiên, chỉ có 6 bệnh nhân (chiếm tỷ lệ 8%) có tổn thương da nghi ngờ. Ngoài ra, 69 bệnh nhân (chiếm tỷ lệ 96%) biểu hiện viêm màng não như: Sốt, nhức đầu, ói, cổ cứng, rối loạn tri giác là những triệu chứng thường gặp; 68% trường hợp viêm màng não mủ có triệu chứng ù tai, điếc.
Chủ động triển khai các biện pháp ứng phó
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện có 2 type liên cầu lợn, trong đó type I hay gây dịch bệnh lẻ tẻ ở các đàn lợn dưới 8 tuần tuổi; type II gây bệnh ở nhiều lứa tuổi khác nhau của lợn nhưng thường gây bệnh ở lợn thịt với các dấu hiệu viêm màng não, viêm nội tâm mạc, viêm phổi, bại huyết, bệnh đường tiêu hóa, viêm khớp, xuất huyết ở da... Điều đáng nói, S.suis type II ở lợn thường gây bệnh cho người.
Khi mắc bệnh do liên cầu lợn, người bệnh thường có triệu chứng sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, ù tai, cứng gáy, rối loạn chi giác, xuất huyết dưới nhiều dạng khác nhau, như: Xuất huyết dưới da từng mảng, đôi khi gây hoại tử, xuất huyết tiêu hóa. Đặc biệt, triệu chứng hay gặp trong bệnh liên cầu lợn là nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn liên cầu lợn vào máu và nhân lên nhanh chóng, đồng thời tiết ra nhiều độc tố. Khi nhiễm khuẩn huyết, ngoài các triệu chứng trên, người bệnh có thể bị nhiễm độc tố rất nặng, biểu hiện như tụt huyết áp, mạch nhanh, nhỏ, trụy tim mạch, suy hô hấp và có thể tử vong nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Để chủ động phòng, chống bệnh liên cầu lợn, nhất là trong mùa hè này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, Sở yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội phối hợp với Chi cục Thú y thành phố nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh trên đàn lợn để chủ động áp dụng các biện pháp ứng phó. Ngoài ra, CDC thành phố chịu trách nhiệm hướng dẫn và hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã trong giám sát, xử lý dịch bệnh liên cầu lợn. Đồng thời, tổ chức giám sát, điều tra dịch tễ đối với những ca bệnh nghi do nhiễm liên cầu lợn tại các bệnh viện trung ương, bệnh viện bộ/ngành và các bệnh viện tuyến thành phố để kịp thời xử lý ổ dịch tại cộng đồng.
Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y các quận, huyện, thị xã nắm bắt kịp thời tình hình dịch trên đàn lợn; áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, ngăn chặn không để dịch lây lan sang người; chịu trách nhiệm giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các bệnh viện phân cấp và cộng đồng, tổ chức xử lý triệt để ổ dịch...
Bên cạnh đó, Sở cũng yêu cầu tăng cường tuyên truyền cho người dân về việc thực hiện bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, không ăn tiết canh và các loại thịt, sản phẩm tái, sống được chế biến từ lợn; bảo đảm vệ sinh cá nhân, thực hiện bảo hộ lao động cần thiết khi tiếp xúc, chăm sóc, giết mổ, chế biến thịt lợn; thực hiện thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
Báo Hà Nội mới
*Tổ chức Y tế thế giới ra mắt nền tảng đặc biệt đối phó các đại dịch tương tự Covid-19.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ra mắt IPSN, nền tảng đặc biệt tận dụng sức mạnh của việc giải mã bộ gien các mầm bệnh để đối phó với các đại dịch tương tự Covid-19.
Theo thông cáo báo chí vừa mới công bố của WHO, IPSN là tên viết tắt của "Mạng lưới giám sát mầm bệnh quốc tế", một mạng lưới toàn cầu nhằm giúp các quốc gia và khu vực có thể chống lại các mối đe dọa bệnh truyền nhiễm tương tự đại dịch Covid-19.
IPSN, tập hợp các chuyên gia về di truyền trên toàn thế giới và kêu gọi dữ liệu từ các Chính phủ, các địa phương, sẽ cung cấp nền tảng để kết nối các quốc gia và khu vực, cải thiện hệ thống thu thập và phân tích mẫu, thúc đẩy quá trình ra quyết định về sức khỏe cộng đồng, chia sẻ thông tin đó rộng rãi hơn.
Quá trình giải trình tự gien các mầm bệnh, phân tích mã di truyền của virus, vi khuẩn và các sinh vật gây bệnh khác giúp hiểu được mức độ lây nhiễm của chúng, mức độ nguy hiểm và cách chúng lây lan. Với thông tin này, các nhà khoa học và quan chức y tế công cộng có thể xác định và theo dõi các bệnh để ngăn ngừa và ứng phó với các đợt bùng phát như một phần của hệ thống giám sát dịch bệnh rộng lớn hơn, đồng thời phát triển các phương pháp điều trị và vaccine.
Theo WHO, đại dịch Covid-19 đã nêu bật vai trò quan trọng của giám sát bộ gien mầm bệnh trong việc đối phó với các mối đe dọa đại dịch. Nếu không có kết quả giải trình tự nhanh chóng của bộ gen SARS-COV-2, vaccine đã không hiệu quả hoặc được phát triển nhanh như vậy. Các biến thể mới, dễ lây truyền hơn của virus sẽ không được xác định nhanh chóng. Thực sự, nó là yếu tố trung tâm của việc chuẩn bị và ứng phó với đại dịch, cũng như là một phần của việc giám sát liên tục nhiều loại bệnh, từ các bệnh do thực phẩm và cúm đến bệnh lao và HIV.
Báo Đại biểu nhân dân