*Siết chặt quản lý bếp ăn trường học
Thời gian qua, Hà Nội đã tăng cường, quyết liệt thanh kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là tại các bếp ăn trường học.
Trong đó, công tác kiểm soát, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đầu vào được đẩy mạnh.
Đảm bảo ATTP trong bếp ăn nhà trường
Hà Nội hiện có 4.538 trường học có bếp ăn bán trú, căng tin. Trung bình mỗi ngày cung cấp hơn 117.000 suất ăn. Do vậy, công tác đảm bảo ATTP cho học sinh, nhất là trong những ngày Hè nắng nóng được các nhà trường quan tâm, chú trọng.
Đặc biệt, trong Tháng hành động vì ATTP năm 2023, các đoàn kiểm tra liên ngành từ TP đến các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm ATTP tại các bếp ăn trường học.
Với sự ra quân đồng loạt trong Tháng hành động vì ATTP, các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm của TP đã kiểm tra 10 bếp ăn tập thể trường học. Trong đó, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 đã kiểm tra Trường Tiểu học Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm), Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm), Trường Mầm non Phương Tú (huyện Ứng Hòa), Trường Tiểu học và THCS Mỹ Đức (huyện Mỹ Đức). Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 nhận thấy, có nơi thực hiện rất tốt nhưng có nơi vẫn chưa tuân thủ đầy đủ các quy trình về bảo đảm ATTP.
Cụ thể, qua kiểm tra thực tế bếp ăn của Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm) nơi có 1.400 học sinh ăn bán trú, Đoàn ghi nhận, trường và đơn vị cung cấp suất ăn đã xuất trình đầy đủ các hồ sơ pháp lý có liên quan. Bếp ăn tập thể sạch sẽ, đảm bảo quy trình một chiều. Xét nghiệm nhanh 5 mẫu bát, khay đựng thức ăn đạt yêu cầu.
Tuy nhiên, Đoàn kiểm tra lưu ý, khu vực bếp cần tăng cường vệ sinh sàn bếp và có biển báo phân khu riêng biệt. Nhân viên bếp cần được tập huấn lại các quy trình thực hành vệ sinh, ATTP…
Đồng thời, Đoàn đề nghị trường có kế hoạch kiểm tra đột xuất đơn vị cung cấp thực phẩm nhằm tăng cường truy xuất nguồn gốc thực phẩm. “Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Nguyễn Du và nhà cung cấp Hương Việt Sinh cần sàng lọc, lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm chuyên nghiệp, an ninh, an toàn, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm” - Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.
Tương tự, tại bếp ăn của Trường Tiểu học và THCS Mỹ Đức (huyện Mỹ Đức), nơi cung cấp khoảng 400 suất ăn bán trú, ghi nhận thực tế cho thấy, bếp ăn rộng rãi, khang trang, sạch sẽ nhưng sắp xếp, bố trí khu bếp chưa khoa học. Ngoài ra, nhà trường chưa thực hiện việc giám sát bếp ăn hằng ngày, không có sổ theo dõi việc lưu mẫu thức ăn…
Còn tại bếp ăn tập thể Trường Tiểu học Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm), nơi cấp hơn 500 suất ăn mỗi ngày, qua ghi nhận, khu vực bếp ăn bảo đảm sạch sẽ, trang bị đầy đủ trang thiết bị như: tủ sấy tiệt trùng dụng cụ, bát đĩa, kệ giá, khay đựng thực phẩm. Nhân viên chế biến cũng được trang bị đầy đủ khẩu trang, găng tay, mũ…
Ngoài ra, hồ sơ pháp lý liên quan đến công tác bảo đảm ATTP của bếp ăn đều đáp ứng đầy đủ; người tham gia chế biến được tập huấn kiến thức về ATTP. Qua xét nghiệm nhanh các khay ăn, Đoàn kiểm tra phát hiện có 2/10 khay ăn còn có tinh bột bám dính. Đoàn kiểm tra yêu cầu nhà trường cần sắp xếp lại bếp ăn, bảo đảm theo quy trình một chiều và thông thoáng hơn.
Giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm
Theo đánh giá của các đoàn kiểm tra, hầu hết nhà trường đều chấp hành tốt quy định về ATTP, ký hợp đồng với những đơn vị cung cấp có đủ hồ sơ năng lực. Tuy nhiên, bếp ăn tập thể của các trường vẫn còn tồn tại một số hạn chế.
Đơn cử như có trường chưa thực hiện việc giám sát bếp ăn hằng ngày; khu vực chế biến sắp xếp lộn xộn, có côn trùng xâm nhập; nguồn nước sử dụng là nước giếng khoan và chưa xuất trình được kết quả xét nghiệm nước định kỳ theo quy định; khay ăn cho học sinh còn có tinh bột bám dính; chưa thực hiện theo dõi lưu mẫu thức ăn…
Đề cập đến vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, qua kiểm tra, một số bếp ăn có diện tích khu sơ chế và chế biến chật hẹp, chưa vận hành theo nguyên tắc một chiều, kho bảo quản thực phẩm còn sắp xếp lộn xộn, chưa có lưới chắn côn trùng…
Qua đó, Đoàn kiểm tra liên ngành đã yêu cầu các trường, đơn vị cung cấp suất ăn phải có biện pháp khắc phục ngay lập tức, đồng thời giao cho cơ quan chức năng địa phương giám sát. Cùng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, các trường cần tăng cường giám sát nguồn nguyên liệu đầu vào hằng ngày, tổ chức đoàn kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại các DN, đơn vị ký hợp đồng cung cấp cho trường.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương - Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành số 1 đề nghị các địa phương, đơn vị, nhà trường trên địa bàn TP tiếp tục triển khai hiệu quả công tác bảo đảm ATTP.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về ATTP. Huy động tối đa sự vào cuộc của cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương để tuyên truyền, phổ biến quy định về ATTP, kiến thức lựa chọn, bảo quản, chế biến, tiêu dùng thực phẩm...
“Với các nhà trường, Sở Y tế Hà Nội đề nghị nêu cao vai trò của tổ tự giám sát. Đặc biệt, với nguyên liệu thực phẩm đầu vào phải có hồ sơ giao nhận, có biên bản ký giao nhận và có sự tham gia giám sát của ban phụ huynh học sinh nhằm bảo đảm tốt nhất về ATTP. Ngoài ra, các cơ quan chức năng liên quan đẩy mạnh việc kiểm tra định kỳ và đột xuất, qua đó, từng bước siết chặt công tác bảo đảm ATTP bếp ăn bán trú trường học” - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh.
Để học sinh có bữa ăn an toàn, bảo đảm đủ dinh dưỡng, không chỉ cần một khâu, một quy trình mà là sự kết hợp đồng bộ của một hệ thống trong cả quá trình. Từ khâu giao nhận thực phẩm đến chế biến, giám sát, vệ sinh, rửa bát, lên thực đơn... đều cần bảo đảm yêu cầu của các quy định về ATTP. - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương
Báo Kinh tế đô thị
*Bộ Y tế xử phạt 10 đơn vị vi phạm về quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm bảo vệ sức khoẻ
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế ngày 23/5 cho biết đã công bố công khai danh sách các cơ sở vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm bị xử phạt. Theo đó đã có 10 đơn vị bị xử phạt tổng số tiền hơn 500 triệu đồng.
Cụ thể, các đơn vị bị Cục An toàn thực phẩm xử phạt bao gồm:
Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển chăn nuôi gia công, Địa chỉ trụ sở chính: Cụm CN xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh bị Cục An toàn thực phẩm xử phạt cao nhất với số tiền trên 125 triệu đồng vì hành vi vi phạm về chất lượng ghi nhãn đối với sản phẩm Trứng Gà ăn liền DEVI túi 10 quả, Bản tự công bố sản phẩm số 003/IDB/2019 ngày 03/5/2019.
Tiếp đến là Công ty cổ phần Khơ Thị Skincare & Clinic, địa chỉ trụ sở chính: 222-224 Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh bị xử phạt 120 triệu đồng vì hành vi phạm trong quảng cáo các sản phẩm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe FIRST LIGHT CERAMIDES SKIN SUPPLEMENT-Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 6273/2019/ĐKSP ngày 03/6/2019; Thực phẩm bảo vệ sức khỏe INVI-SUN SKIN DEFENSE SUPPLEMENT-Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 2117/2019/ĐKSP ngày 05/03/2019; Thực phẩm bảo vệ sức khỏe TRUE BRIGHT SKIN BRIGHTENING SUPPLEMENT-Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 2113/2019/ĐKSP ngày 05/3/2019.
Thứ ba là Công ty cổ phần dược phẩm quốc tế TAPHACO, Địa chỉ trụ sở chính: tầng 1, số 44 đường Nguyễn Viết Xuân, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội bị xử phạt 75 triệu vì vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nutrizabet, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 4237/2021/ĐKSP ngày 12/5/2021.
Công ty TNHH Dược phẩm ISOPHARMA, Địa chỉ trụ sở chính: số nhà 38, ngõ 156 phố Hồng Mai, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội bị xử phạt 45 triệu đồng vì hành vi vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Couple 5, thực phẩm bảo vệ sức khỏe YASMA, thực phẩm bảo vệ sức khỏe AOKKAO do Công ty TNHH Dược phẩm ISOPHARMA công bố, được Cục An toàn thực phẩm cấp các Giấy Tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm: số 8583/2020/ĐKSP ngày 07/9/2020, số 8582/2020/ĐKSP ngày 07/9/2020, số 8498/2020/ĐKSP ngày 04/9/2020.
Công ty TNHH thương mại dược phẩm Hà Minh, Địa chỉ: 457/4/6 Đường Tân Sơn, phường 12, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh bị xử phạt 35 triệu đồng vì vi phạm về chất lượng và ghi nhãn đối với Thực phẩm bảo vệ sức khỏe THASUCAVN®PLUS, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố số 3646/2022/ĐKSP ngày 27/05/2022. Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ HOẠT HUYẾT DƯỠNG NÃO THIÊN CÂN, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố số 3320/2022/ĐKSP ngày 16/05/2022.
Công ty TNHH SX - TM Đông dược Thiên Phúc, Địa chỉ trụ sở chính: Tổ 8, ấp Phước Tân 1, xã Phan, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh cũng bị xử phạt 35 triệu đồng vì hành vi phạm chất lượng và ghi nhãn đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe THASUCAVN®PLUS, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố số 3646/2022/ĐKSP ngày 27/05/2022. Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ HOẠT HUYẾT DƯỠNG NÃO THIÊN CÂN, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố số 3320/2022/ĐKSP ngày 16/05/2022.
Công ty Cổ phần Dược phẩm OSHII, Địa chỉ trụ sở chính: Lô CN5 Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, Thị trấn Quốc Oai, Huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội bị xử phạt 35 triệu đồng vì hành vi vi phạm chất lượng và ghi nhãn đối với Thực phẩm bảo vệ sức khỏe VIÊN KHỚP LETCO MÓNG QUỶ - VẸM XANH (Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số5637/2021/ĐKSP ngày 22/6/2021.
Công ty Cổ phần dược phẩm CYSINA, Địa chỉ trụ sở chính: Số 16 liền kề 6A Làng Việt Kiều Châu Âu, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, TP. Hà Nội bị xử phạt 25 triệu đồng vì hành vi vi phạm quảng cáo đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe King Fucoidan & Agaricus (Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 13658/2019/ĐKSP ngày 18/12/2019).
Công ty Cổ phần sản xuất và phát triển sản phẩm hợp chất tự nhiên ALBA, Địa chỉ trụ sở chính: Số nhà 25/ ngách 173/134 Hoàng Hoa Thám, P.Ngọc Hà, Q.Ba Đình, TP. Hà Nội bị xử phạt gần 5,3 triệu vì hành vi vi phạm chất lượng và ghi nhãn đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe SENCI OSSENX, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố số 6544/2019/ĐKSP ngày 07/6/2019.
Công ty TNHH Dược phẩm Tradiphar, Địa chỉ trụ sở chính: Khu dân cư Phục Thiện, Phường Hoàng Tiến, Thành phố Chí Linh, Tỉnh Hải Dương bị xử phạt hơn 4,5 triệu vì hành vi chất lượng và ghi nhãn đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe SENCI OSSENX, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố số 6544/2019/ĐKSP ngày 07/6/2019.
Báo Sức khỏe đời sống
*Bộ Y tế bãi bỏ một loạt thủ tục hành chính trong lĩnh vực Y dược cổ truyền
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên vừa ký quyết định bãi bỏ 9 thủ tục hành chính trong lĩnh vực y dược cổ truyền quy định tại Thông tư số 08/2023/TT-BYT.
Theo Quyết định 2229/QĐ -BYT do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký, đối với thủ tục hành chính cấp Trung ương, Bộ Y tế bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc cho cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo quản dược liệu (mã thủ tục hành chính là 1.000027); gia hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc cho cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo quản dược liệu (mã 1.000035); bổ sung phạm vi kinh doanh trong giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc cho cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo quản dược liệu (mã số 1.003837); cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc cho cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo quản dược liệu (mã số 1.003892); cấp giấy phép nhập khẩu dược liệu (mã số 1.011614).
Đối với thủ tục hành chính cấp địa phương, Bộ Y tế bãi bỏ thủ tục hành chính gia hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc cho cơ sở bán buôn dược liệu (mã số 1.003994); bổ sung phạm vi kinh doanh trong giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc cho cơ sở bán buôn dược liệu (mã số 1.003937); gia hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc cho cơ sở bán lẻ dược liệu (mã số 1.003961); bổ sung phạm vi kinh doanh trong giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc cho cơ sở bán lẻ dược liệu (mã số 1.003954).
Quyết định có hiệu lực từ ngày 19/5/2023, thay thế quyết định 1371/QĐ-BYT ngày 14/4/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Tạp chí Viet Times
*Cử tri đánh giá cao nỗ lực ngành Y trong tháo gỡ khó khăn về thuốc, thiết bị y tế
Cử tri đánh giáo cao nỗ lực của Chính phủ, ngành Y tế trong việc bước đầu tháo gỡ khó khăn về thiếu thuốc và trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh cho Nhân dân.
Sáng 22/5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV, thay mặt Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTƯ MTTQ), ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới Quốc hội.
Theo đó, cử tri và Nhân dân đánh giá ngành Y tế đã tích cực chỉ đạo và tổ chức xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành thể chế pháp lý cho hoạt động khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân, như Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024) với nhiều giải pháp thiết thực như quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, tự chủ; về vay vốn, thuê, mượn thiết bị y tế...; Nghị quyết của Quốc hội cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực trong giai đoạn từ 01/01/2023 đến 31/12/2024 được tiếp tục sử dụng từ ngày hết hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024. Chính phủ đã khẩn trương ban hành nhiều văn bản để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các cơ sở y tế .
Được biết, cách đây hơn 2 tháng, cụm từ “thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế” là chủ đề nóng được cả xã hội quan tâm, bệnh viện, người bệnh cũng bị khốn đốn vì tình trạng này. Với phương châm, sức khỏe Nhân dân là ưu tiên hàng đầu, Bộ Y tế kịp thời tham mưu Chính phủ các giải pháp giải bài toán khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế để Quốc hội, Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách góp phần khắc phục những bất cập trên. Đồng thời, Bộ Y tế cũng kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn... đến nay về cơ bản hệ thống bệnh viện đã trở lại trạng thái hoạt động bình thường.
Báo Lao động thủ đô
*Bộ Y tế ra quyết định mới về đối tượng tiêm vaccine COVID-19 tại Việt Nam
Kế hoạch sử dụng vaccine COVID-19 năm 2023 của Bộ Y tế nêu rõ việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Bộ Y tế vừa có quyết định 2227/QĐ-BYT về ban hành kế hoạch sử dụng vaccine phòng COVID-19 năm 2023 để làm căn cứ cho các địa phương tự xác định nhu cầu vaccine, xây dựng và triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine COVID-19 trên địa bàn phù hợp với tình hình.
Theo kế hoạch do PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế ký ban hành cho biết, Việt Nam đã hoàn thành tiêm chủng liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên.
Trong năm 2023 cần tiếp tục triển khai tiêm cho các đối tượng mới đến độ tuổi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và tiêm các mũi nhắc lại.
Về chiến lược sử dụng vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam, Bộ Y tế nêu rõ:
Sử dụng tối đa các loại vaccine hiện có, đặc biệt là vaccine được WHO khuyến cáo hoặc đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp và vaccine đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng.
Áp dụng các cách thức phối hợp các loại vaccine phòng COVID-19 khác nhau căn cứ kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm sử dụng vaccine của Việt Nam và các quốc gia trên thế giới để tạo hiệu quả miễn dịch cao, đảm bảo an toàn.
Tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng theo khuyến cáo của WHO.
Sử dụng vaccine theo nhu cầu đề xuất của địa phương, nhu cầu của người dân và lượng vaccine được cung ứng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đối tượng tiêm chủng vaccine phòng COVID-19
Bộ Y tế ước tính đến hết năm 2023, nhu cầu vaccine phòng COVID-19 của các địa phương cần bổ sung là hơn 2,259 triệu liều. Nhu cầu này có thể thay đổi theo đề xuất của địa phương.
Đối tượng cụ thể được tiêm chủng theo kế hoạch trên, gồm:
Người từ 18 tuổi trở lên: Người thuộc đối tượng tiêm, người chưa tiêm các mũi nhắc lại và người đến lịch tiêm trong năm 2023 (người từ 17 lên 18 tuổi).
Người từ 12 đến dưới 18 tuổi: Người chưa tiêm đủ 3 mũi, người đến lịch tiêm trong năm 2023 (người từ 11 lên 12 tuổi).
Người từ 5 đến dưới 12 tuổi: Người có nhu cầu tiêm mũi cơ bản.
Trẻ dưới 5 tuổi và tiêm các mũi tiếp theo cho các nhóm đối tượng từ 5 tuổi trở lên. Về nhóm đối tượng này, Bộ Y tế nêu rõ, việc triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 liều cơ bản cho trẻ dưới 5 tuổi và tiêm các mũi tiếp cho các nhóm đối tượng từ 5 tuổi trở lên sẽ được Bộ Y tế khuyến cáo và hướng dẫn cụ thể khi có đủ căn cứ, cơ sở khoa học và phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Theo Bộ Y tế, vaccine phòng COVID-19 trong năm 2023 vẫn được tiêm miễn phí. Nguồn kinh phí để thực hiện kế hoạch này là từ ngân sách nhà nước, quỹ vaccine phòng COVID-19 và nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn vốn hợp tác khác.
Tại kế hoạch này, Bộ Y tế nêu rõ tiêm chủng chiến dịch và/ hoặc có thể lồng ghép với hoạt động tiêm chủng thường xuyên phù hợp với thực tế triển khai tại địa phương.
Khuyến cáo của Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine của Bộ Y tế
Căn cứ khuyến cáo của WHO và các tổ chức quốc tế khác cũng như kinh nghiệm triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại các quốc gia, ngày 11.11.2022, Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine của Bộ Y tế đã họp và đưa ra khuyến cáo:
Tại thời điểm hiện nay, chưa triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ dưới 5 tuổi mà cần tập trung nguồn lực vào các hoạt động nâng cao tỉ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng đã có hướng dẫn như mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, mũi cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; chưa khuyến cáo tiêm liều nhắc lại lần thứ 3 (mũi 5) vaccine phòng COVID-19 và nhắc lại hàng năm.
Bộ Y tế cho biết, ngày 17.4.2023, Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine của Bộ Y tế đã họp và đưa ra khuyến cáo: Việc sử dụng vaccine theo khuyến cáo của WHO ngày 30.3.2023 là cần thiết;
Cần tiếp tục theo dõi, tổng hợp thông tin về tình hình triển khai trên thế giới và việc triển khai tiêm chủng tại Việt Nam để có cơ sở xem xét đưa ra khuyến cáo về việc sử dụng vaccine trong thời gian tới tại Việt Nam.
Báo Lao động
*Bộ Y tế cảnh báo chiêu lừa giả mạo bác sĩ trên mạng xã hội
Bộ Y tế cho hay bất kỳ bác sĩ, lương y, nhân viên y tế nào tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe đều vi phạm pháp luật.
Bộ Y tế vừa cho biết mạng xã hội xuất hiện một số clip có hình ảnh nhân vật tự xưng là nhân viên y tế bệnh viện lớn, lương y, tư vấn bệnh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe là thuốc chữa bệnh để bán sản phẩm.
Khoản 2 Điều 27 Nghị định 15 năm 2018 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, quy định: “Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), bất kỳ bác sĩ, lương y, nhân viên y tế nào tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.
"Người tiêu dùng cần cảnh giác với các clip giới thiệu là bác sĩ, lương y, tư vấn bệnh, tư vấn dùng sản phẩm chữa bệnh", Cục An toàn thực phẩm đưa ra cảnh báo. Đồng thời, người dân cũng cần cảnh giác với các clip giới thiệu từng là bệnh nhân, dùng sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thể khỏi bệnh.
Theo cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế, việc tin theo các nội dung quảng cáo sai sự thật khiến người bệnh không đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh kịp thời, sẽ bỏ qua giai đoạn điều trị khỏi bệnh, tổn thất về kinh tế, tổn hại sức khỏe.
Gần đây, các bệnh viện, bác sĩ liên tục bị kẻ xấu giả mạo tên để bán thực phẩm chức năng. Ngày 18/5, đại diện Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) cho biết trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện video nhân vật tự xưng là bác sĩ giới thiệu sách Minh triết trong ăn uống của người phương Đông "có thể chữa bệnh".
Video này được chia sẻ lại ở một số trang Facebook cá nhân có hơn 200.000 người theo dõi, tạo niềm tin rằng "bác sĩ Quân y 108" khẳng định "liệu pháp chữa lành tự nhiên" là "chữa tất cả", sau đó dẫn dắt mua thực phẩm chức năng.
Theo Bệnh viện 108, việc mạo danh, lấy thương hiệu bác sĩ để trục lợi cá nhân, mua bán thực phẩm chức năng, thuốc, sách ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, tạo những tư tưởng sai sự thật, lệch lạc. "Nhân viên y tế không bán thực phẩm chức năng và không bán thuốc ngoài phạm vi bệnh viện", đại diện bệnh viện này cho biết thêm.
5 lưu ý trước khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe:
- Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.
- Tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ và https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ trước khi quyết định chọn mua sản phẩm.
- Đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ: “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe.
- Chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có ghi Tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và Nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng.
- Mua sản phẩm phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hoá giữa hai bên.
Báo Vietnamnet