Để thực hiện dịch vụ công trực tuyến làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) cho người dân, Sở GTVT và Sở Y tế Hà Nội phối hợp, hoàn thành các bước thủ tục, chính thức triển khai cấp giấy khám sức khỏe điện tử tại 23 cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố.
Theo Sở GTVT Hà Nội, dịch vụ cấp đổi GPLX trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, là một trong 25 dịch vụ công thiết yếu được ưu tiên tập trung triển khai trong Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ (Đề án 06).
Theo ghi nhận, từ đầu năm 2023 đến nay, số người dân làm thủ tục cấp đổi GPLX tăng nhanh, dẫn đến quá tải trong một số thời điểm. Thời gian qua, trung bình mỗi ngày, Sở GTVT Hà Nội tiếp nhận trực tiếp 500 - 550 hồ sơ đăng ký cấp đổi GPLX, có ngày lên đến 700 hồ sơ.
Cũng theo Sở GTVT Hà Nội, việc đăng ký cấp đổi GPLX qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia mức độ 3, mức độ 4 nhiều người dân không thực hiện được do giấy khám sức khỏe phải có chữ ký số chứng thực của UBND phường mới được coi là hợp lệ. Bên cạnh đó, Hà Nội mới chỉ có 3 bệnh viện tổ chức khám và cấp giấy phép khám sức khỏe điện tử gồm: Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Giao thông Vận tải và Bệnh viện E.
Việc thiếu cơ sở khám và cung cấp giấy khám sức khỏe điện tử khiến nhiều người dân phải chờ đợi lấy giấy chứng nhận bản cứng, sau đó đến UBND xã, phường, thị trấn để chứng thực điện tử. Do mất quá nhiều thời gian, thủ tục phiền hà nên đa số người dân vẫn chọn làm trực tiếp thủ tục tại bộ phận một cửa của Sở GTVT Hà Nội.
Vì vậy để khắc phục bất cập trên, Sở GTVT và Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp hoàn thành các bước thủ tục, chính thức triển khai cấp giấy khám sức khỏe điện tử tại 23 cơ sở y tế trên địa bàn TP.Hà Nội. Người dân có nhu cầu cấp đổi GPLX trực tuyến có thể đến các cơ sở y tế khám, dữ liệu giấy khám sức khoẻ sẽ được đưa trực tiếp lên hệ thống.
Người dân không cần đi xin chứng thực ở UBND phường, xã, thị trấn để làm thủ tục online hay đến bộ phận một cửa xếp hàng, chờ đợi nữa. Các phòng, ban, đơn vị liên quan trực thuộc hai Sở sẽ kịp thời tiếp thu phản ánh, kiến nghị của người dân trong quá trình khai thác sử dụng dịch vụ, phối hợp nghiên cứu giải pháp khắc phục nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ của mỗi bên.
Báo Pháp luật Việt Nam
Hà Nội: Nhiều trường chủ động đẩy lịch kiểm tra học kỳ II sớm đề phòng dịch Covid-19
Nhằm chủ động ứng phó với tình huống dịch Covid-19, nhiều trường học ở Hà Nội đã điều chỉnh lịch kiểm tra học kỳ II lên sớm khoảng 1 tuần so với kế hoạch.
Cùng với các trường trong quận Ba Đình, học sinh khối 9 trường THCS Thành Công đã làm bài kiểm tra Toán theo đề chung của Phòng GD-ĐT Ba Đình ngày 20-4.
Để kịp thời thông báo sớm kết quả cho học sinh và phụ huynh, các thầy cô giáo đã họp và tiến hành chấm ngay sau khi bài thi được cắt phách. Ngày 21-4 là lịch trả bài cho học sinh để rút kinh nghiệm cho việc ôn tập tiếp theo.
Dựa vào kết quả môn Toán cùng môn Văn, Tiếng Anh và với thực tế lực học của mỗi học sinh, các em sẽ có thêm căn cứ để lựa chọn đăng kí dự thi vào trường THPT phù hợp với khả năng của bản thân.
Ông Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa) chia sẻ, trường chỉ có 2 học sinh mắc Covid-19. Thời điểm này, học sinh khối lớp 9 hiện đã hoàn thành xong việc kiểm tra, đánh giá học kỳ II. Còn các khối 6,7,8 nhà trường cũng đẩy lịch kiểm tra sớm hơn dự kiến nhằm đề phòng tình hình dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp sau kỳ nghỉ lễ.
Trường tiểu học Kim Liên, Đống Đa cũng đã điều chỉnh lịch kiểm tra học kỳ II sớm trước khoảng 1 tuần so với kế hoạch ban đầu trong bối cảnh tăng ca mắc Covid-19 ở Hà Nội. Ngoài ra, Ban giám hiệu trường này khẳng định nhà trường vẫn tổ chức các hoạt động dạy và học theo đúng khung thời gian kế hoạch năm học.
Căn cứ khung kế hoạch thời gian năm học 2022 - 2023 do UBND thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 2865/QĐ-UBND về việc ban hành kế hoạch thời gian năm học 2022-2023 với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, học sinh Hà Nội sẽ hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25/5/2023; kết thúc năm học trước ngày 31/5/2023. Trong trường hợp bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, thời gian kéo dài năm học không quá 15 ngày so với quy định.
Trước tình hình dịch Covid-19 có chiều hướng gia tăng, thực hiện văn bản của Bộ GD-ĐT và UBND thành phố Hà Nội, Sở GD-ĐT Hà Nội đã chỉ đạo các nhà trường chủ động phương án phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó linh hoạt, hiệu quả đối với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang nơi công cộng; thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, bổ sung trang thiết bị, vật tư y tế (khẩu trang, dung dịch sát khuẩn...), vệ sinh, khử khuẩn trường lớp; kịp thời ngăn chặn, không để dịch lây lan trong trường học.
Báo An ninh thủ đô
Tố nữ Nhất Nhất vi phạm quy định về quảng cáo
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa cảnh báo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tố nữ Nhất Nhất vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo.
Cụ thể, Cục An toàn thực phẩm cho biết, trong thời gian vừa qua, trên một số website quảng cáo sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tố nữ Nhất Nhất không đúng với nội dung đã được Cục An toàn thực phẩm xác nhận.
Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành. Kết quả xử lý, Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai trên website của Cục tại địa chỉ: https://vfa.gov.vn/ và cổng công khai y tế tại địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/.
Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo về sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tố nữ Nhất Nhất trên một số website nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.
Báo Giáo dục & Thời đại
Trẻ nhập viện tăng cao, bác sĩ khuyến cáo để tránh biến chứng
Tỷ lệ trẻ phải nhập viện điều trị do mắc các bệnh về đường hô hấp, cúm mùa, virus xu hướng gia tăng thời gian qua.
Bé H.N. (4 tuổi, Hà Tĩnh) được gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu trong tình trạng khó thở, ho nhiều kèm nôn. Bé từng được chẩn đoán mắc hen phế quản lúc 3 tuổi. Mỗi khi thay đổi thời tiết, bé thường ho nhiều dẫn đến nôn, khó thở, phải nhập viện để thở oxy và khí dung. Bé đang được theo dõi sức khoẻ tại khoa Miễn dịch - Dị ứng - Khớp.
Cạnh giường bé H.N là bé K.N. (10 tuổi, ở Nghệ An) cũng phải thở oxy. Trước khi vào viện, bé bị ho, tức ngực, khó thở, đặc biệt vào lúc nửa đêm cơn ho kéo dài. Năm 2022 bé từng được chẩn đoán mắc hen phế quản.
Một trường hợp khác, bé N.A (5 tuổi, học sinh mầm non, Hà Đông, Hà Nội) xuất hiện triệu chứng biếng ăn, quấy khóc, mệt mỏi. Tưởng sốt virus, mẹ bé cho con nghỉ học theo dõi tại nhà, nhưng hai hôm sau phát hiện trong miệng con có vết loét lớn, không thể ăn uống kèm tiêu chảy khiến cơ thể mệt lả.
Gia đình vội vàng đưa bé N.A đưa vào Bệnh viện Nhi trung ương và được chẩn đoán mắc tay chân miệng độ 2A, viêm long đường hô hấp trên.
TS.BS Lê Quỳnh Chi, Trưởng khoa Miễn dịch - Dị ứng - Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương lý giải: “Do thời tiết thay đổi thất thường, trời mưa, nồm ẩm nên tỷ lệ bệnh nhi bị hen nhập viện tăng. Các bé nhập viện hầu hết trong tình trạng khó thở, phải thở oxy với biểu hiện cơn hen phế quản từ mức độ trung bình trở lên”.
Hầu hết trẻ nhập viện vì cơn hen cấp đều chưa được điều trị dự phòng đầy đủ, có trường hợp bác sĩ đã kê đơn dự phòng nhưng gia đình chưa tuân thủ. Có trường hợp trẻ mới chỉ được gia đình đưa đi khám các phòng khám, chưa được thăm dò về chức năng hô hấp, các test dị ứng nên chưa được chẩn đoán xác định là hen và điều trị dự phòng”.
Các bác sĩ khuyến cáo, với bệnh nhi mắc bệnh hen, việc xác định chính xác bệnh và điều trị dự phòng đầy đủ sẽ giúp kiểm soát tốt nền viêm mãn tính của đường thở, giúp chức năng hô hấp của trẻ trở về bình thường, không ảnh hưởng đến cấu trúc của đường thở cũng như các hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày: ăn uống, học tập, vui chơi, thể dục thể thao của trẻ.
“Nếu trẻ không được điều trị dự phòng đầy đủ, đúng cách thì sẽ thường xuyên bị lên cơn hen cấp. Đặc biệt khi trẻ có những thay đổi nhỏ như đi bơi, sinh hoạt ngoại khoá, hoặc thay đổi đột ngột về thời tiết, môi trường sống thì có nguy cơ mắc cơn hen cấp nặng. Bệnh hen phế quản không kiểm soát sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ”, bác sĩ Chi cảnh báo.
Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, nguyên nhân việc số trường hợp bệnh nhi mắc các bệnh liên quan đường hô hấp, cúm mùa, virus xu hướng gia tăng do thành phố đang trong giai đoạn chuyển mùa đông xuân sang hè, nhiều loại virus dễ nảy sinh, phát tán.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, chỉ trong một tuần qua, Thủ đô ghi nhận 80 ca mắc tay chân miệng, tăng mạnh so với tuần trước đó (50 ca). Tổng từ đầu năm đến nay có 378 ca mắc tay chân miệng, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Theo chuyên gia Nhi khoa, trẻ em thường có sức đề kháng yếu, khả năng tự nhận thức bảo vệ bản thân chưa có nên dễ mắc bệnh hơn người lớn. Ngoài các biện pháp phòng bệnh cơ bản, cha mẹ nên chú ý nâng cao sức đề kháng cho trẻ thông qua tăng cường dinh dưỡng, có chế độ sinh hoạt, tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý, khoa học. Khi trẻ bị bệnh cần đưa đi thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa, tránh tự điều trị theo kinh nghiệm của người lớn.
Báo điện tử VTC News