*Bụng to bất thường vì mang khối thai trứng như 'ruột bánh mì'
Suốt một tháng, chị H. bị rong kinh, bụng to bất thường, nghi do tăng cân. Không ngờ, khi đến viện, chị phải cắt tử cung, điều trị hóa chất vì căn bệnh này.
Đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khám vào giữa tháng 5, kết quả siêu âm khiến chị B.H (43 tuổi) bất ngờ, khi buồng tử cung chứa tổ chức đậm âm, kích thước khoảng 167x80mm, bên trong có nhiều hình trống âm nhỏ giống hình ảnh ruột bánh mì.
Đặc biệt, một phần của khối chửa trứng nằm ở vị trí sẹo mổ cũ. Chỉ số beta hcG tăng rất cao (bình thường chỉ số này trên 25 là có thai, dưới 5 là không có thai).
Bệnh nhân được chẩn đoán thai trứng nguy cơ cao. Các bác sĩ quyết định phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn để lại hai buồng trứng.
Cuộc phẫu thuật do Tiến sĩ Nguyễn Đức Phúc, Khoa Ung bướu Phụ khoa cùng ê-kíp thực hiện. Quá trình phẫu thuật ghi nhận khối chửa trứng đã xâm lấn các cơ quan xung quanh. Khối thai trứng khổng lồ, nặng tới 4kg, dài tới 20cm, được giải thoát, bệnh nhân tiếp tục điều trị hóa chất. Hiện tại, tình trạng của bệnh nhân ổn định.
Thai trứng là tình trạng thai nghén bất thường, trong đó một phần hay toàn bộ gai rau bị thoái hóa thành các túi chứa dịch to, nhỏ, dính vào nhau thành từng chùm giống như trứng ếch. Chửa trứng đa số là lành tính nhưng nếu không theo dõi và điều trị đúng sẽ dẫn đến những hệ luỵ là khó lường, thậm chí ác tính là ung thư tế bào nuôi.
Bác sĩ khuyên phụ nữ sau 40 tuổi nếu kinh nguyệt bất thường cần phải đến bệnh viện thăm khám, không nên nghĩ do mình tiền mãn kinh và tự theo dõi ở nhà.
Chửa trứng thường gặp ở phụ nữ trên 40 tuổi, những người có thai nhiều lần, bất thường ở dạ con, những người có chế độ dinh dưỡng không đầy đủ như thiếu các chất dinh dưỡng như đạm, axit folic, vitamin A…
Các biểu hiện của mang thai trứng rất đa dạng, dễ nhầm với một số bệnh lý sản phụ khoa khác như thai chết lưu, u xơ tử cung, chửa ngoài tử cung… Do đó, để chẩn đoán chính xác cần được khám chuyên khoa sản, làm một số xét nghiệm như: siêu âm bụng, định lượng HCG, estrogen máu, làm công thức máu, chụp X-quang bụng.
Báo Vietnamnet
* Kiểm tra thẩm mỹ viện Wonjin: Đóng cửa không hoạt động, đã tháo gỡ biển hiệu
Phòng Y tế quận Cầu Giấy đã có báo cáo số 33/BC-PYT kết quả kiểm tra theo thông tin báo nêu về cơ sở Thẩm mỹ viện Wonjin (số 93 Tô Hiệu, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy).
Liên quan đến việc báo chí đăng tải các bài viết về cơ sở Thẩm mỹ viện Wonjin, số 93 Tô Hiệu, ngày 18/5/2023, Phòng Y tế quận Cầu Giấy chủ trì, phối hợp liên ngành quận và UBND phường Nghĩa Đô tổ chức kiểm tra, xác minh tại cơ sở, kết quả.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở ngừng hoạt động, không có khách hàng; chủ cơ sở vắng mặt, bà Nguyễn Thị Bảo Ly nhân viên của cơ sở tiếp đoàn kiểm tra.
Cơ sở xuất trình được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh Công ty CP Thẩm mỹ Nha khoa Wonjin số 0109953667 do Sở KH&ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 4/4/2022, đăng ký thay đổi lần thứ 1 ngày 14/4/2023. Tại địa chỉ: 93 Tô Hiệu, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy do ông Nguyễn Văn Chất làm Giám đốc Công ty.
Kiểm tra thực tế, tại địa chỉ số 93 Tô Hiệu, công ty có đăng ký hoạt động gồm 2 lĩnh vực dịch vụ. Cụ thể:
Về dịch vụ thẩm mỹ: Cơ sở có văn bản thông báo đủ điều kiện hoạt động đối với cơ sở dịch vụ thẩm mỹ và đã được Sở Y tế Hà Nội tiếp nhận ngày 26/9/2022; có hồ sơ của 8 nhân viên gồm 2 lễ tân, 5 kỹ thuật viên chăm sóc da, 1 quản lý. Dịch vụ thẩm mỹ hoạt động tại 6/7 tầng của tòa nhà.
Phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt: Tại tầng 6 của tòa nhà, có giấy phép hoạt động khám bệnh chữa bệnh số 2720/HNO-GPHĐ do Sở Y tê Hà Nội cấp ngày 22/7/2022, kèm theo phạm vi hoạt động chuyên môn, cơ sở vật chất trang thiết bị theo nội dung biên bản thẩm định của Sở Y tế Hà Nội.
Tại thời điểm kiểm tra, phòng khám đóng cửa không hoạt động, có hồ sơ của 1 bác sĩ (danh sách đã được Sở Y tế phê duyệt).
Về biển hiệu, quảng cáo, theo ghi nhận, tầng 2 có 1 biển ghi chữ: WONJIN, phía dưới chữ WONJIN có dòng chữ Hàn Quốc. Tầng 3 có 1 biển hiệu ghi: Công ty CP Thẩm mỹ nha kha khoa Wonjin, Phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt, Nha khoa Wonjin, bác sĩ phụ trách: Nguyễn Thị Phương Tâm.
Trang web: Có trang facebook Viện thẩm mỹ Hàn Quốc - Wonjin Clinic có địa chỉ tại 93 Tô Hiệu, Cầu Giấy có đăng một số thông tin về ứng dụng công nghệ tái cấu trúc vòng 1 hipo lipid.
Theo báo chí nêu, cơ sở có cung cấp dịch vụ nâng ngực bằng ứng dụng siêu công nghệ tái cấu trúc vòng 1 Hipo Lipid; cấy mô các sợi collagen nhập khâu vào mô mỡ dưới da bằng đầu cấy nano chuyên dụng và một số nội dung khác.
Đoàn liên ngành đã kiểm tra trong sổ theo dõi khách hàng tại cơ sở, thấy ghi chép rất sơ sài không có các thông tin về khách hàng.
Cụ thể: Trong sổ chỉ ghi 1 khách hàng “chạy máy ngực, chạy ngực máy,... với số tiền dịch vụ 5.888.000 đồng và một số khách hàng có sử dụng dịch vụ xóa nốt ruồi, nám,... Đặc biệt, Đoàn không kiểm tra được hồ sơ khách hàng lưu giữ trong máy tính vì cơ sở báo cáo hiện tại ổ cứng của máy tính bị hỏng đang mang khỏi cơ sở để sửa chữa.
Đoàn liên ngành có mời Giám đốc Công ty CP Thẩm mỹ Nha khoa Wonjin đến làm việc với đoàn kiểm tra vào ngày 19/5/2023 để giải trình rõ việc sử dụng “ứng dụng siêu công nghệ tái cấu trúc vòng 1 Hippo Lipid” và một sô nội dung khác liên quan. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Chât (Giám đôc Công ty) không đến làm việc với đoàn kiểm tra.
Và đặc biệt, cùng ngày 19/5/2023, UBND phường Nghĩa Đô cũng có thông báo cho đoàn liên ngành quận, tại địa chỉ số 93 Tô Hiệu đã đóng cửa không hoạt động và đã tháo gỡ hết tất các biển biển hiệu ngoài mặt tiền tòa nhà.
Trước đó, như Báo Kinh tế & Đô thị đã đưa tin, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội có văn bản số 190/TTr-KCB gửi Phòng Y tế quận Cầu Giấy về việc kiểm tra Viện Thẩm mỹ quốc tế Wonjin ngay sau khi báo chí có phản ánh việc cơ sở này thực hiện dịch vụ thẩm mỹ nâng ngực “không chạm”, không có bảng giá dịch vụ, có dấu hiệu lừa đảo khách hàng.
Báo Kinh tế đô thị
* Đồng bộ nhiều giải pháp giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá
Sáng 23/5, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin về phòng chống tác hại của thuốc lá. Tại hội thảo, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, cần phải có những giải pháp đẩy mạnh phòng chống tác hại thuốc lá để bảo vệ sức khỏe người dân, nhất là thanh thiếu niên.
Tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, hút thuốc lá có những tác hại khôn lường đến sức khỏe, tạo gánh nặng lên kinh tế cho gia đình và xã hội.
Do đó, chúng ta cần phải có những giải pháp đẩy mạnh phòng chống tác hại thuốc lá để bảo vệ sức khỏe người dân, nhất là thanh thiếu niên, thế hệ trẻ tương lai của đất nước và giảm gánh nặng về kinh tế.
Chia sẻ cụ thể về tác hại của thuốc lá, bà Nguyễn Thị Thu Hương - đại diện Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết: Sử dụng thuốc lá, gây 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới; trong đó có khoảng 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD. Thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường.
Hàng năm, có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá, cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá. Ước tính, mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá. Việc sử dụng thuốc lá, thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12.000 đến 47.000 tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá.
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các trường hợp thu nhập thấp, chi tiêu thuốc lá chiếm hơn 10% chi tiêu của hộ, lấy đi chi phí cho các nhu yếu phẩm như thực phẩm. Thêm vào đó, khói thuốc lá làm giảm chất lượng không khí, ảnh hưởng đến sự an toàn của nhà ở, nơi làm việc, hệ thống giao thông và không gian công cộng. Bởi vậy, Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) năm nay được Tổ chức Y tế thế giới lựa chọn chủ đề “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá”.
Trong những năm qua, với những nỗ lực của Bộ Y tế và các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. So với năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới Việt Nam giảm từ 45,3%, xuống 42,3%. Với các kết quả như trên, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam đã phòng tránh được 280.000 ca tử vong sớm vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Ước tính, chi phí tiết kiệm được do giảm tỷ lệ bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra trong giai đoạn 2015 - 2020 là 1.277 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và mức giảm ở trên vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020, đó là giảm sử dụng thuốc lá ở nam giới xuống còn 39%.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu của việc tỷ lệ hút thuốc lá còn cao và giảm chậm là do thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp. Giá thuốc lá rẻ, làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo. Bên cạnh đó, trên thị trường, xuất hiện các sản phẩm mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng…
Theo các chuyên gia y tế, cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá để ngăn chặn sự gia tăng sức mua thuốc lá, hạn chế thanh niên tiếp cận với thuốc lá giá rẻ; ban hành chính sách cấm lưu hành thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá nung nóng tại Việt Nam theo khuyến cáo của Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới. Đồng thời tăng cường truyền thông nâng cao hiểu biết về tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và trách nhiệm của cha mẹ, giáo viên, trẻ em trong bảo vệ trẻ em.
Báo Lao động thủ đô
* Bộ Y tế thông tin về chế độ phụ cấp nghề cho cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở theo quy định mới
Theo Bộ Y tế, đối tượng hưởng phụ cấp ưu đãi nghề mức 100% theo quy định tại Nghị định số 05/2023/NĐ-CP là viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế đã và đang được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề mức từ 40% - 70% quy định trước đó...
Sáng 23/5, Bộ Y tế thông tin 6 nội dung giải đáp về thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở theo quy định tại Nghị định 05/2023 của Chỉnh phủ và các văn bản liên quan khác.
1. Về thời gian áp dụng thực hiện Nghị định số 05/2023/NĐ-CP:
Điều 1 Nghị định số 05/2023/NĐ-CP quy định: "Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở áp dụng từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2023".
2. Về đối tượng hưởng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề quy định tại Nghị định số 05/2023/NĐ-CP:
Thực hiện Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị: "điều chỉnh chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40-70% lên mức 100%", Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2023/NĐ-CP, theo đó quy định tại Điều 1 như sau:
"7. Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở áp dụng từ ngày 1/1/ 2022 đến hết ngày 31/12/2023:
"- Mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng (bao gồm cả kiểm dịch y tế biên giới); làm chuyên môn y tế tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn, Phòng khám đa khoa khu vực, Nhà hộ sinh, Trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và bệnh viện tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
- Trong thời gian áp dụng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở quy định tại khoản 7 này thì không áp dụng quy định tại điểm c khoản 2 và quy định đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng tại khoản 4 Điều 3."
Như vậy, đối tượng hưởng phụ cấp ưu đãi nghề mức 100% theo quy định tại Nghị định số 05/2023/NĐ-CP là viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế đã và đang được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề mức từ 40% - 70% quy định tại Nghị định số 56/2011/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC ngày 19/01/2012 của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 56/2011/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC).
3. Các trường hợp khác:
- Các trường hợp không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định số 05/2023/NĐ-CP thì tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề quy định tại Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC ngày 19/01/2012 của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập (như truyền thông giáo dục sức khỏe, dân số - kế hoạch hóa gia đình; viên chức quản lý, phục vụ không trực tiếp làm chuyên môn y tế,....).
- Hợp đồng lao động:
Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 56/2011/NĐ-CP quy định: "Nghị định này quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức, cán bộ y tế xã, phường, thị trấn (đang làm việc theo chế độ hợp đồng theo Quyết định số 58/TTg ngày 03/02/1994 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số vấn đề về tổ chức và chế độ chính sách đối với y tế cơ sở). Tuy nhiên, hiện nay, Nghị định 117/2014/NĐ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ quy định: "người làm việc tại Trạm Y tế xã là viên chức"; do vậy, không còn người làm việc theo chế độ hợp đồng theo Quyết định số 58/TTg tại Trạm Y tế xã.
4. Về đối tượng viên chức đang hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề y tế mức 70% quy định tại Nghị định số 76/2019/NĐ-CP
Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 56/2011/NĐ-CP quy định: "Mỗi công chức, viên chức chỉ được hưởng một mức phụ cấp ưu đãi theo nghề ở mức cao nhất".
Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 76/2019/NĐ-CP quy định:"Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang thuộc đối tượng áp dụng chính sách quy định tại Nghị định này, đồng thời thuộc đối tượng áp dụng chính sách cùng loại quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác thì chỉ được hưởng một mức cao nhất của chính sách đó".
Như vậy, trong thời gian từ 01/01/2022 đến nay, viên chức đã hưởng phụ cấp ưu đãi nghề theo quy định tại Nghị định số 76/2019/NĐ-CP nếu thuộc đối tượng hưởng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề (100%) quy định tại Nghị định số 05/2023/NĐ-CP thì được truy lĩnh phần chênh lệch với mức phụ cấp ưu đãi nghề đã hưởng.
5. Viên chức thuộc đối tượng hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề quy định tại Nghị định số 05/2023/NĐ-CP đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác sang cơ quan, đơn vị khác được hưởng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề trong thời gian công tác tại đơn vị trước khi nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác.
6. Về trường hợp viên chức được cử biệt phái trong thời gian từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2023:
Đề nghị thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 27 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ và khoản 4, 5, 6 Điều 36 Luật Viên chức: "Trong thời gian biệt phái, đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm bảo đảm tiền lương và các quyền lợi khác của viên chức. Viên chức được cử biệt phái đến miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ".
Báo Sức khỏe đời sống
* Số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong 4 tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) ghi nhận trên địa bàn thành phố có xu hướng tăng. Tính từ ngày 12 đến 19/5, Hà Nội ghi nhận 20 ca mắc SXH (tăng 4 ca so với tuần trước đó).
Số ca mắc tăng 7 lần so với cùng kỳ
Cũng theo CDC Hà Nội, từ đầu năm tới nay, Hà Nội đã ghi nhận 268 ca mắc SXH - tăng gần 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Bệnh nhân phân bố tại 28/30 quận, huyện, thị xã; 147/579 xã, phường, thị trấn.
Theo đánh giá của CDC Hà Nội, điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sinh sôi và phát triển. Trong 4 tuần gần đây, số ca mắc SXH ghi nhận có xu hướng tăng. Dự báo, nguy cơ xuất hiện các ổ dịch sớm, đặc biệt là tại các khu vực ổ dịch cũ, các xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.
Ông Bùi Văn Hào - Giám đốc CDC Hà Nội nhận định, tình hình dịch SXH có thể gia tăng nhanh trong thời gian tới, do điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho lăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển. Hiện nay, số ca mắc đang tăng theo tuần, có thể ghi nhận bệnh nhân nặng và tử vong so với năm 2022. Vì vậy, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và ngành Y tế thì người dân cũng cần nâng cao nhận thức, ý thức, thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch.
Trước đó, vào năm 2022, Hà Nội ghi nhận 19.779 ca mắc, dịch SXH có xu hướng tăng từ tuần 30; vượt ngưỡng cảnh báo dịch ở tuần 35 và đạt đỉnh dịch vào tuần 44; duy trì ở mức cao và giảm nhanh từ tuần 49. Bệnh nhân ghi nhận tại 30/30 quận, huyện, thị xã; số mắc khu vực ngoại thành chiếm 53,1%, nhiều hơn ca mắc ở khu vực nội thành chiếm 46,9%.
Theo ông Hào, SXH thường trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, các triệu chứng bệnh thường rất khó phân biệt với các loại sốt virus thông thường, thường biểu hiện sốt cao, đột ngột 39 - 40 độ C trong 1 hoặc 2 ngày đầu.
Sau đó bệnh chuyển sang giai đoạn 2, tức từ ngày thứ 3 cho đến ngày thứ 7 kể từ khi bị sốt, các triệu chứng nặng của bệnh bắt đầu được nhận thấy như xuất huyết dưới da (ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong của cánh tay, bụng, đùi), chảy máu cam, chảy máu chân răng, thậm chí xuất huyết nội tạng.
Bệnh chuyển sang giai đoạn 3, đó là giai đoạn hồi phục (người bệnh hết sốt và thể trạng bắt đầu tốt dần lên, có cảm giác thèm ăn, các xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên và trở về trạng thái bình thường). Tuy vậy, những bệnh nhân nặng, từ giai đoạn này sẽ xuất hiện biến chứng diễn tiến rất khó lường. Các bác sĩ khuyến cáo SXH diễn biến nặng thường bắt đầu từ ngày thứ 4, 5 trở đi, không phải thấy hết sốt mà chủ quan.
Thận trọng khi dùng thuốc điều trị sốt xuất huyết
Theo các chuyên gia y tế, lựa chọn tốt nhất để điều trị các triệu chứng đau đầu, hạ sốt khi mắc SXH là paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10-15 mg/kg/lần, tức là người 40kg uống 1 viên 500mg/lần còn người trên 70kg uống 2 viên/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ, tổng liều không vượt quá 60 mg/kg/24h. Không được sử dụng aspirin, ibuprofen để điều trị SXH do thuốc làm trầm trọng thêm tình trạng chảy máu, tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày, đe dọa đến tính mạng.
Lưu ý việc bù đủ lượng dịch cho bệnh nhân SXH cần theo hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt không nên truyền dịch tại nhà. Những ngày đầu của bệnh việc truyền dịch là không cần thiết, nếu bệnh nhân có thể ăn uống được, nên bù dịch bằng đường ăn uống tự nhiên. Bệnh nhân có thể uống nước hoa quả, nước lọc…
Lúc truyền dịch phải kiểm soát các bệnh lý khác của người bệnh như tim mạch, huyết áp, hô hấp... Từ ngày thứ 6 của bệnh nếu truyền nhiều dịch sẽ gây nhiều biến chứng như suy tim, phù phổi cấp…
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, để phòng, chống bệnh SXH người dân cần kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng. Ngoài ra, khi bị sốt, người bệnh đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Trong khi điều trị bệnh, người bị SXH nên nằm trong màn để không bị muỗi đốt, tránh lây lan bệnh cho người khác.
Báo Đại đoàn kết