Đến nay cả nước đã tiêm trên 266,2 triệu liều vaccine COVID-19 các mũi cho các đối tượng theo khuyến cáo, hướng dẫn. Trong dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương và 30/4 - 1/5, nhiều địa phương đã triển khai tiêm vaccine COVID-19 xuyên kỳ nghỉ...
Theo thống kê của đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế, tính đến hết ngày 1/5, tổng số vaccine COVID-19 đã tiêm ở nước ta là 266.224.967 mũi.
Số mũi vaccine COVID-19 thực hiện trong ngày 1/5 là 404 mũi tiêm tại 2 tỉnh, trong đó 354 mũi tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên và 50 mũi tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi.
Tại một số địa phương đã tổ chức và thực hiện tiêm vaccine COVID-19 xuyên kỳ nghỉ lễ. Điển hình tại TP Hồ Chí Minh, nhằm đảm bảo liên tục công tác tiêm chủng và giúp người dân có những ngày nghỉ lễ an toàn, ngành y tế thành phố đã triển khai 61 điểm tiêm vaccine COVID-19 hoạt động xuyên suốt trong những ngày nghỉ lễ tại 22 quận, huyện và TP Thủ Đức cho người từ 18 tuổi trở lên.
Tổng số mũi vaccine COVID-19 đã tiêm trong 3 ngày nghỉ lễ từ 29/4-1/5 là gần 3.000 mũi, trong đó ngày 29/4 tiêm gần 1.600 mũi, ngày 30/4 là hơn 800 mũi.
Đến ngày 1/5, nhóm từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 3 đạt tổng số 52.096.707 mũi tiêm (81,7%) trong ngày có 2 tỉnh triển khai với 148 người được tiêm.
Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Nam (63,6%); Bình Định (65,6%); Đồng Nai (54%); Tây Ninh (65,7%); Đồng Tháp (60,7%).
Tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Nghệ An (100,1%); Lâm Đồng (102,8%); Sóc Trăng (100,7%).
Tiêm mũi 4: Tổng số có 17.796.864 mũi tiêm (88,8%), trong ngày có 2 tỉnh triển khai với 206 người được tiêm.
Nhóm từ 12-17 tuổi: Số tiêm mũi 3 có 5.813.288 mũi tiêm (69,3%)
Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (43,7%); Quảng Ngãi (48,6%); Bình Thuận (44,1%); TP Hồ Chí Minh (36,4%); Đồng Nai (43,1%).
Tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (99,3%); Lâm Đồng (111,3%); Sóc Trăng (103,5%).
Nhóm từ 5 - dưới 12 tuổi: Tổng số mũi tiêm đã thực hiện là 18.661.752 mũi tiêm:
Mũi 1: 10.213.325 mũi tiêm (92,5%)
Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Hà Nội (77,6%); Hải Phòng (72,7%); Đà Nẵng (68,6%); TP Hồ Chí Minh (64,9%), Bà Rịa - Vũng Tàu (77%)
- Mũi 2: 8.448.427 mũi tiêm (76,5%)
Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Bình (57,4%); Đà Nẵng (37,4%); Quảng Nam (50,7%); TP Hồ Chí Minh (41,7%), Bà Rịa - Vũng Tàu (53,3%)
Trước diễn biến gia tăng ca mắc COVID-19 trong thời gian qua , đã có trường hợp người bệnh COVID-19 có bệnh nền nhưng không tiêm, chưa tiêm đủ liều vaccine COVID-19 theo khuyến cáo, tại cuộc họp của Bộ Y tế với 63 tỉnh, thành chiều 26/4 về công tác phòng chống dịch trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và Giỗ Tổ Hùng Vương, Bộ Y tế và các chuyên gia dịch tễ, truyền nhiễm… tiếp tục đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiêm vaccine cho người thuộc nhóm nguy cơ cao để bảo vệ chặt chẽ hơn nữa những đối tượng này trước diễn biến tăng về số ca mắc.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế tiếp tục nhấn mạnh việc bảo vệ nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước COVID-19 như người già, trẻ em, người suy giảm miễn dịch, người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19.
Người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang, khử khuẩn và giữ khoảng cách tại khu vực nguy cơ để tránh gia tăng số ca bệnh. Những người có triệu chứng nghi ngờ và những người tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ phải đeo khẩu trang. Điều này không chỉ giúp phòng COVID-19 mà còn cả các bệnh viêm đường hô hấp khác như cúm A, cúm B... Đồng thời, người dân cũng cần tuân thủ theo lịch tiêm vaccine COVID-19 của Bộ Y tế.
TS. Đặng Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia nêu rõ: Vaccine COVID-19 có hiệu quả trong phòng bệnh và các biến chứng do COVID-19 gây ra, giảm tỉ lệ mắc bệnh nặng và tử vong.
Hiện nay Tổ chức Y tế thế giới vẫn khuyến cáo các nước triển khai tiêm vaccine COVID-19, ưu tiên hoàn thành liều cơ bản đối với các đối tượng từ 5 tuổi trở lên và bao phủ trên diện rộng để đạt miễn dịch cộng đồng, phòng bệnh cho cá nhân và những người xung quanh. Ngoài ra, Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo các quốc gia triển khai tiêm nhắc các liều tiếp theo dựa trên tình hình dịch bệnh.
Báo Sức khoẻ và đời sống
*Những đối tượng tiêm chủng vaccine bắt buộc
Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế vừa có văn bản hướng dẫn xác định nhu cầu, lập kế hoạch cung ứng các vaccine trong tiêm chủng mở rộng.
Theo đó, Cục Y tế dự phòng hướng dẫn về đối tượng, lịch tiêm chủng vaccine bắt buộc trong Tiêm chủng mở rộng như sau:
Trẻ sơ sinh: vaccine viêm gan B.
Trẻ < 01 tuổi: vaccine BCG, bOPV, DPT-VGB-Hib, IPV, Sởi.
Trẻ 01 - 05 tuổi: vaccineviêm não Nhật Bản B.
Trẻ 18 - 24 tháng: vaccine sởi-rubella, DPT.
Phụ nữ có thai: vaccine uốn ván.
Cũng tại văn bản này, Cục Y tế dự phòng cho biết đối tượng, lịch tiêm chủng các vaccine khác đưa vào Tiêm chủng mở rộng trong thời gian tới bao gồm:
Trẻ dưới hoặc trên 1 tuổi: vaccine IPV mũi 2 (Vaccine này sẽ tiếp tục được triển khai tiêm miễn phí cho trẻ từ 9 tháng tuổi trên toàn quốc theo dự án do GAVI hỗ trợ).
Trẻ 07 tuổi: vaccine phòng bạch hầu, uốn ván sẽ được triển khai cho trẻ từ 07 tuổi tại vùng nguy cơ cao theo đề xuất của các tỉnh, thành phố.
Trẻ dưới 01 tuổi: vaccine Rota.
Các vaccine được đưa vào trên cơ sở khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine Bộ Y tế, tình hình dịch tễ các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam.
Về những lo ngại liên quan đến một số bệnh của trẻ do 'khoảng trống' về tiêm chủng mở rộng trong thời gian 3 năm chống dịch COVID-19, tại cuộc họp về công tác phòng chống dịch trước nghỉ Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, 20/4-1/5 diễn ra mới đây, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Phan Trọng Lân nhấn mạnh các địa phương cần đẩy nhanh rà soát, lập danh sách trẻ chưa tiêm đủ mũi vaccine, ví dụ như vaccine sởi để lên kế hoạch tiến hành tiêm vét kịp thời…
Liên quan đến công tác tiêm chủng, trong Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới năm 2023 (từ ngày 24 - 30/4), Tổ chức y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp Quốc (UNICEF) khuyến khích các nỗ lực tại Việt Nam nhằm đảo ngược tình trạng sụt giảm đáng kể tỷ lệ tiêm chủng các mũi vaccine thiết yếu khiến nhiều trẻ em không được bảo vệ trước các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine.
Đại dịch COVID-19 là thách thức đối với tất cả các quốc gia, nhưng với sự lãnh đạo mạnh mẽ và quyết liệt của Chính phủ cùng với những nỗ lực của cộng đồng tại Việt Nam đã giúp bảo vệ cuộc sống của người dân, duy trì phát triển kinh tế xã hội.
Theo WHO, Việt Nam được công nhận trên toàn cầu là đã triển khai tiêm vaccine COVID-19 liều cơ bản một cách nhanh chóng và an toàn trên quy mô lớn. Việt Nam đã đảm bảo vaccine đến được khắp mọi nơi trên toàn quốc để bảo vệ những nhóm người dễ bị tổn thương nhất.
Tuy nhiên, chính trong giai đoạn thử thách này đã xảy ra những trở ngại đáng kể đối với việc bao phủ tiêm chủng định kỳ cho trẻ em, do các dịch vụ y tế bị gián đoạn, các trung tâm y tế phải đóng cửa, các gia đình thực hiện giãn cách xã hội, và việc xuất nhập khẩu vaccine, bơm kim tiêm cũng như các vật tư y tế khác cho tiêm chủng định kỳ bị gián đoạn...
Báo Sức khoẻ và đời sống
*Đảm bảo cung ứng thuốc phòng, chống dịch bệnh trong mùa hè
Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có Công văn số 446/QLD-KD gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ Y tế; các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc về việc bảo đảm cung ứng thuốc phòng, chống dịch bệnh.
Từ đầu tháng 4/2023 đến nay, theo thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, số ca nhiễm Covid-19 đang có xu hướng tăng trở lại. Thêm vào đó, mùa hè với thời tiết nắng nóng, khí hậu nóng ẩm mưa nhiều thuận lợi cho vi rút và vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, phát triển; thậm chí có thể gia tăng một số bệnh ở cả người lớn và trẻ em như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ, tả...
Để chủ động bảo đảm nhu cầu thuốc phòng, chống dịch Covid-19 và thuốc điều trị các bệnh khác trong thời gian tới, Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo trung tâm kiểm soát dịch bệnh, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ thuốc phù hợp với thực tế để bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ thuốc.
Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Trong đó, chú trọng bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ, kịp thời các thuốc, vắc xin cho phòng, chống dịch Covid-19 và thuốc điều trị các bệnh khác như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ, tả… và các thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm, thuốc không sẵn có.
Cục Quản lý dược cũng đề nghị các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ Y tế rà soát, khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ, mua sắm, tiếp nhận thuốc phù hợp với thực tế.
Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ thuốc phải xây dựng và thực hiện kế hoạch cung ứng thuốc để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, khẩn trương cung ứng đủ thuốc khi nhận đơn đặt hàng của các cơ sở khám, chữa bệnh, không được để xảy ra tình trạng đầu cơ, không lợi dụng ảnh hưởng của dịch bệnh để tăng giá thuốc.
Báo Lao động thủ đô
*Ngày 1/5, bệnh nhân mắc COVID-19 nặng tăng gần gấp đôi ngày trước đó
Bản tin phòng, chống dịch COVID-19 ngày 1/5 của Bộ Y tế cho biết, có 1.243 ca mắc COVID-19 mới, giảm hơn 700 ca; có 617 ca khỏi, bệnh nhân nặng tăng lên 123 ca, gần gấp đôi ngày 30/4.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.563.091 ca mắc, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.854 ca mắc).
Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế (cdc. kcb.vn) cho thấy, trong ngày có 617 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 10.622.744 ca.
Sử dụng khẩu trang tại nơi công cộng góp phần làm giảm lây lan dịch COVID-19 trong cộng đồng.
Có 123 bệnh nhân đang thở ô xy, trong đó, 84 ca thở ô xy qua mặt nạ; 9 ca thở ô xy dòng cao HFNC; 2 ca thở máy không xâm lấn; 28 ca thở máy xâm lấn.
Trong ngày không ghi nhận ca tử vong nào. Trong 7 ngày qua ghi nhận trung bình 1 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.191 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca mắc.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Trong ngày 30/4 có 831 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 266.224.563 liều. Trong đó, tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.597.318 liều: Mũi 1 là 70.908.231 liều; mũi 2 là 68.451.975 liều; mũi bổ sung là 14.343.895 liều; mũi nhắc lại lần 1 là 52.096.559 liều; mũi nhắc lại lần 2 là 17.796.658 liều.
Tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.965.543 liều: Mũi 1 là 9.130.889 liều; mũi 2 là 9.021.366 liều; mũi nhắc lại lần 1 là 5.813.288 liều.
Tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.661.702 liều: Mũi 1 là 10.213.295 liều; mũi 2 là 8.448.407 liều.
Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới vẫn khuyến cáo các nước triển khai tiêm vaccine COVID-19, ưu tiên hoàn thành liều cơ bản đối với các đối tượng từ 5 tuổi trở lên và bao phủ trên diện rộng để đạt miễn dịch cộng đồng, phòng bệnh cho cá nhân và những người xung quanh. Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo các quốc gia triển khai tiêm nhắc các liều tiếp theo dựa trên tình hình dịch bệnh; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó, đặc biệt khi có biến thể mới xuất hiện.
Báo Công an nhân dân
*Giải trình gen người mắc COVID-19: Kết quả không bất ngờ
Hiện nay, ở đa số người mắc COVID-19, hầu hết các mẫu phân lập được là biến chủng XBB.
Thông tin từ Bộ Y tế, qua giải trình tự gen 72 mẫu từ người mắc COVID-19 trong tháng 2, tháng 3, tháng 4 năm 2023 cho kết quả hầu hết các mẫu phân lập được chủng XBB như các biến thể XBB.1.5, XBB.1.9, XBB.1.11.1, XBB.1.16, XBB.2.3.
Kết hợp với đặc điểm lâm sàng của những người bệnh điều trị trong giai đoạn này cho thấy hầu hết người bệnh vẫn có các triệu chứng bệnh không đặc hiệu như: sốt, ho, viêm long đường hô hấp trên, đau mỏi người…
Ngoài ra, phân tích thông tin của 25 trường hợp người bệnh nặng, nguy kịch (có tình trạng suy hô hấp cần can thiệp oxy hỗ trợ như thở máy, oxy kính), 90% các bệnh nhân nặng đều mắc các bệnh lý nền nặng trước đó như tăng huyết áp, suy tim, đái tháo đường, tai biến mạch máu não, bệnh lý ác tính.
Ở nhóm bệnh nhân này, khi được can thiệp, điều trị phù hợp thì có tới 76,2% người bệnh phục hồi hoàn toàn.
Báo Công luận