Ngày 24/4, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã ban hành công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha.
Theo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, qua phản ánh của các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở giáo dục và phương tiện thông tin đại chúng cho thấy, hiện nay việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng, đặc biệt trong học sinh.
Nhiều trường hợp học sinh phải cấp cứu vì bị ngộ độc nicotine và các dung dịch có trong các sản phẩm này. Các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam.
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, bên cạnh các tác hại giống như thuốc lá điếu thông thường, còn có nguy cơ tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và lối sống của thanh thiếu niên, đồng thời gây ra các tác hại trước mắt và lâu dài về sức khỏe, kinh tế, xã hội.
Để kịp thời ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thời gian qua, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá – Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các Tổ chức quốc tế, cơ quan truyền thông và các đơn vị liên quan triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền về tác hại của các sản phẩm này.
Để tiếp tục tăng cường truyền thông ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá nói chung và các sản phẩm thuốc lá mới, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị, Sở Y tế tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, các cơ quan truyền thông của tỉnh thường xuyên tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và kịp thời có các quy định để ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm này tại các cơ quan, công sở và đặc biệt là tại các cơ sở giáo dục đào tạo; tăng cường hoạt động kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha.
Phối hợp với các cơ quan truyền thông, các đơn vị liên quan kịp thời phổ biến thông tin về tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tới công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị, người dân trên địa bàn. Lồng ghép tuyên truyền tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong các cuộc họp, hội thảo, hội nghị, sự kiện của cơ quan, đơn vị, cộng đồng.
Tăng cường phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để cung cấp thông tin, và phổ biến rộng rãi về tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới cho học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn quản lý. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tích cực cung cấp các thông tin về tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới tới người bệnh, người nhà người bệnh và người dân trong cộng đồng.
Báo Đại đoàn kết
Cấp phép lưu hành thuốc y học cổ truyền đầu tiên điều trị COVID-19
Sunkovir được chỉ định sử dụng trong các trường hợp bệnh do các virus lây truyền qua đường hô hấp như cúm, COVID-19 thể nhẹ ở giai đoạn khởi phát để giảm nhanh các triệu chứng của bệnh.
Chỉ sau 3 ngày sử dụng Sunkovir - thuốc y học cổ truyền đầu tiên điều trị triệu chứng của COVID-19 được Bộ Y tế cấp phép lưu hành từ ngày 12/4, 100% bệnh nhân không tăng nặng mà giảm nhanh các triệu chứng.
Thông tin được chia sẻ tại hội thảo "Hiệu quả của sản phẩm y dược cổ truyền trong phòng ngừa, điều trị COVID-19 và các bệnh cúm mùa" do Viện Y Dược học dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 25/4.
Đại diện nhóm nghiên cứu, tiến sỹ-bác sỹ Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết trong tổng số 1.115 bệnh nhân mắc COVID-19 sử dụng sản phẩm Sunkovir mà nhóm thực hiện nghiên cứu, không có ai bị chuyển nặng.
Bên cạnh đó, thuốc còn làm giảm nhanh, giảm mạnh và giảm mức độ nặng các triệu chứng của bệnh từ ngày thứ ba trở đi như: ho, khó thở, mất khứu giác, mất vị giác, sung huyết mũi, đau nhức toàn thân, đau mỏi cơ, đau họng, tiết dịch mũi, đau đầu, yếu mệt, đau ngực, hắt hơi, ớn lạnh, khàn giọng, đổ mồ hôi, buồn ngủ...
Thời gian trung bình để người bệnh sử dụng Sunkovir hết tất cả các triệu chứng là 7 ngày.
Sunkovir còn làm giảm hơn hẳn tỷ lệ dùng thuốc corticoid, thuốc chống đông, thuốc hạ sốt, thuốc giảm ho, thuốc long đờm, thuốc kháng histamin, thuốc kháng virus, thuốc điều trị các vấn đề dạ dày so với nhóm đối chứng.
Theo tiến sỹ Trương Thị Ngọc Lan, Sunkovir được chỉ định sử dụng trong các trường hợp bệnh do các virus lây truyền qua đường hô hấp như cúm, COVID-19 thể nhẹ ở giai đoạn khởi phát để giảm nhanh các triệu chứng của bệnh. Có thể kết hợp thuốc với phác đồ nền của y học hiện đại như thuốc hạ sốt, chống viêm, giảm đau, thuốc ho, kháng sinh (nếu cần).
Tại hội thảo, bác sỹ Hùynh Nguyễn Lộc, Viện trưởng Viện Y Dược học cổ truyền Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết đến thời điểm hiện tại, Sunkovir là thuốc y học cổ truyền đầu tiên và duy nhất được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Đây là thành quả của sự nỗ lực nghiên cứu, chứng minh tính an toàn và hiệu quả của sản phẩm thảo dược Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 với sự quyết tâm đồng lòng của hàng trăm các y, bác sỹ, dược sỹ ngành y tế Việt Nam.
Cùng với hiệu quả của Sunkovir, hội thảo còn cập nhật kết quả nghiên cứu đánh giá về hiệu quả của các sản phẩm y học cổ truyền trong phòng ngừa, điều trị COVID-19 và cúm mùa.
Hội thảo thu hút sự tham dự của hơn 300 đại biểu đến từ Bộ Y tế, Sở Y tế, các hội đông y, bệnh viện y học cổ truyền nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Báo Việt Nam Plus
Hơn 24,6 triệu lượt tra cứu thông tin bảo hiểm y tế bằng CCCD gắn chíp
Ngày 25/4, BHXH Việt Nam thông tin về kết quả triển khai Đề án 06 của BHXH Việt Nam.
Theo đó, BHXH Việt Nam đã kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư ngay từ khi CSDL quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành chính thức và đang tiếp tục phối hợp với Bộ Công an thực hiện chia sẻ, rà soát thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư.
Tính đến ngày 17/4, hệ thống đã xác thực trên 80,3 triệu thông tin nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư.
Đồng thời, hệ thống của BHXH Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ trên 105,6 triệu lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho CSDL quốc gia về dân cư.
Toàn quốc đã có 12.401 cơ sở KCB triển khai khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) bằng CCCD gắn chíp (đạt 96,77% tổng số cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc). Với trên 24,6 triệu lượt tra cứu thành công thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp phục vụ làm thủ tục KCB BHYT.
Liên quan đến việc triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến trên Cổng DVC Quốc gia, cụ thể, việc tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình, tính đến ngày 17/4, hệ thống của BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý gia hạn 1.073 thẻ BHYT.
Về việc liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; liên thông đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí, đến nay, BHXH 2 địa phương triển khai thí điểm (Hà Nội và Hà Nam) đã tiếp nhận và giải quyết 24.073 hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi. Và 892 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng mai táng phí được thực hiện qua 2 nhóm DVC liên thông này.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan tích hợp thành công DVC “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp” trên Cổng DVC Quốc gia từ ngày 12/4/2022. Đồng thời, đã tiếp nhận từ Cổng DVC quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp cho 104.405 trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.
Ngoài ra, tính đến ngày 17/4, hệ thống của BHXH Việt Nam đã tiếp nhận tổng số 175.593 dữ liệu giấy khám sức khỏe hợp lệ của 903 cơ sở KCB trên toàn quốc; 21.472 dữ liệu Giấy chứng sinh của 528 cơ sở KCB; 407 dữ liệu Giấy báo tử của 147 cơ sở KCB.
Báo Kinh tế & Đô thị
Ngày Thế giới Phòng chống sốt rét: Việt Nam nỗ lực để đạt mục tiêu không còn sốt rét
Nhân Ngày Thế giới Phòng chống Sốt rét (25/4), TS. Angela Pratt - Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh những thành tựu quan trọng của Việt Nam trong phòng chống sốt rét 30 năm qua, đồng thời kêu gọi tiếp tục hoàn thành chặng cuối để đạt mục tiêu không còn sốt rét.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến khích các cơ quan chính phủ, các đối tác và những cộng đồng có nguy cơ lây nhiễm tiếp tục phát huy những thành tựu to lớn đã đạt được trong vài thập kỷ qua để đạt được mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam trong những năm tới.
Trong bài phát biểu qua video tại Lai Châu mới đây nhân Ngày Thế giới Phòng chống Sốt rét, TS. Angela Pratt - Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh những thành tựu quan trọng trong phòng chống sốt rét của Việt Nam trong 30 năm qua, đồng thời kêu gọi tiếp tục tập trung 'hoàn thành nốt công việc' để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu không còn sốt rét.
Nhân ngày Thế giới Phòng chống sốt rét năm nay (25/4), với chủ đề "Đã đến lúc để không còn bệnh sốt rét: đầu tư, đổi mới, thực hiện", TS Pratt cho biết, Việt Nam có rất nhiều điều để chúc mừng nhân sự kiện này, "30 năm trước, Việt Nam ghi nhận hơn 1 triệu ca sốt rét mỗi năm. Đến năm ngoái, con số này đã giảm xuống còn 455 ca. Đây thực sự là một thành tựu đáng ghi nhận".
"Thành công này có được là nhờ sự lãnh đạo mạnh mẽ và quyết liệt của tất cả các cấp chính quyền, bao gồm cả Chương trình Phòng chống Sốt rét quốc gia, đã được chính phủ hỗ trợ và tài trợ kể từ khi thành lập vào đầu những năm 1990", TS Pratt nói.
Việt Nam có một hệ thống phòng, chống sốt rét mạnh được phủ khắp ba miền Bắc, Trung, và Nam. Mỗi vùng, miền đều có Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng phối hợp hiệu quả với các đầu mối cấp tỉnh, huyện, xã. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam đã áp dụng cách tiếp cận liên ngành thành công. Đặc biệt, Cục Quân y của Quân đội Nhân dân Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại bệnh sốt rét ở các vùng biên giới.
TS. Pratt cũng nhấn mạnh vào sự đóng góp quan trọng của các nhân viên y tế tận tâm tại mỗi địa phương.
"Việt Nam có một mạng lưới nhân viên y tế hoàn chỉnh– những người như cô Lý Thị Nhiêu, nhân viên y tế làm việc tại trạm y tế xã Pa Ủ, Lai Châu. Với vai trò là quyền Trạm trưởng, cô luôn túc trực 24/7 và sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu khác nhau, từ bệnh sốt rét đến hộ sinh và cả tiêm chủng định kỳ cũng như phòng chống HIV. Trong công việc phòng chống sốt rét của mình, hàng tháng cô đều đến thăm các bản làng để tiến hành xét nghiệm trực tiếp, với mỗi chuyến đi như thế cô phải mất ít nhất ba giờ đồng hồ di chuyển bằng xe máy. Chính nhờ sự cống hiến tận tâm của các nhân viên y tế cộng thêm sự hỗ trợ của quốc gia và khu vực là yếu tố cốt lõi để đạt được mục tiêu không còn bệnh sốt rét".
Việt Nam cũng đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ nhiều nhà tài trợ khác nhau, trong đó bao gồm Quỹ Toàn cầu, Sáng kiến Sốt rét của Tổng thống Hoa Kỳ và Quỹ tài trợ của Bill & Melinda Gates.
Tuy nhiên, TS. Pratt cũng nhấn mạnh rằng bệnh sốt rét vẫn lây truyền ở một số vùng sâu, vùng xa và địa hình hiểm trở tại Việt Nam, chẳng hạn như trong các khu rừng và trong một số ngành sử dụng nhiều lao động thường xuyên phải di chuyển như khai thác mỏ và trồng rừng.
"Chúng ta không thể chủ quan trong khi Việt Nam đã ghi nhận 116 trường hợp mắc sốt rét từ tháng 10 đến tháng 12/2022, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù Việt Nam đã tiến đến rất gần việc loại trừ bệnh sốt rét, nhưng chặng cuối của bất kỳ cuộc đua marathon nào cũng gần như là chặng khó nhất. Để đạt được mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam, chúng ta phải tăng cường nỗ lực tập thể để tiếp cận các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao nhất như người đi rừng với các biện pháp phòng ngừa, chẩn đoán, và điều trị."
Trong nhiều năm qua, WHO Việt Nam đã luôn đánh giá cao là có sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong nước và khu vực, cùng với Bộ Y tế.
WHO đề nghị Việt Nam tập trung vào việc tiếp cận các cộng đồng dân cư ở vùng xa xôi và khó tiếp cận nhất. "Cùng chung tay thực hiện, chúng ta có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến lịch sử này và đạt được mục tiêu không còn bệnh sốt rét ở Việt Nam," TS. Pratt nói.
Báo Sức khoẻ & Đời sống
Ca COVID-19 tăng, tiêm vaccine xuyên nghỉ lễ, tăng cường bảo vệ nhóm nguy cơ
Số ca mắc COVID-19 ở nước ta trong khoảng 2 tuần gần đây gia tăng. Đã có những ngày số mắc mới vượt 2.000 ca/ ngày. Bộ Y tế tiếp tục đề nghị đẩy mạnh tiêm vaccine COVID-19, tập trung ưu tiên bảo vệ nhóm nguy cơ cao...
Những tỉnh, thành nào đang tiêm chậm vaccine COVID-19?
Theo thống kê của đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, đến nay tổng số vaccine COVID-19 đã tiêm ở nước ta là 266.152.495. Số mũi tiêm thực hiện trong ngày 24/4 là 7.886 mũi tiêm tại 12 tỉnh, trong đó 6.586 mũi tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên và 1.300 mũi tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi. Như vậy số mũi tiêm của ngày 24/4 tăng gấp nhiều lần so với ngày trước đó.
Đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên:
Tiêm mũi 3: Tổng số có 52.075.758 mũi tiêm (81,7%) trong ngày có 9 tỉnh triển khai với 1.278 người được tiêm
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Nam (63,6%); Bình Định (65,6%); Đồng Nai (54%); Tây Ninh (65,7%); Đồng Tháp (60,7%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Nghệ An (100,1%); Lâm Đồng (102,8%); Sóc Trăng (100,7%).
Tiêm mũi 4: Tổng số có 17.758.467 mũi tiêm (88,6%), trong ngày có 9 tỉnh triển khai với 4.855 người được tiêm
Nhóm từ 12-17 tuổi: Số tiêm mũi 3 có 5.813.288 mũi tiêm (69,3%)
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (43,7%); Quảng Ngãi (48,6%); Bình Thuận (44,1%); TP. HCM (36,4%); Đồng Nai (43,1%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (99,3%); Lâm Đồng (111,3%); Sóc Trăng (103,5%).
Nhóm từ 5 - dưới 12 tuổi: Tổng số mũi tiêm đã thực hiện là 18.650.596 mũi tiêm:
- Mũi 1: 10.210.013 mũi tiêm (92,5%)
Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Hà Nội (77,6%); Hải Phòng (72,7%); Đà Nẵng (68,6%); TP HCM (64,9%), Bà Rịa - Vũng Tàu (77%)
- Mũi 2: 8.440.583 mũi tiêm (76,4%)
Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Bình (57,4%); Đà Nẵng (37,4%); Quảng Nam (50,7%); TP HCM (41,7%), Bà Rịa - Vũng Tàu (53,3%)
Vaccine COVID-19 vẫn có hiệu quả với biến thể Omicron
Số ca mắc COVID-19 ở nước ta trong khoảng 2 tuần gần đây gia tăng. Đã có những ngày số mắc mới vượt 2.000 ca/ ngày. Trước diễn biến các ca mắc gia tăng, ca bệnh COVID-19 thở oxy cũng tăng theo, cùng đó đã ghi nhận trường hợp tử vong sau gần 4 tháng, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị đẩy mạnh tiêm vaccine COVID-19, tập trung ưu tiên bảo vệ nhóm nguy cơ cao (người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người bị suy giảm miễn dịch và phụ nữ mang thai) là những trường hợp dễ có nguy cơ chuyển biến nặng, có nguy cơ tử vong khi mắc COVID-19.
Trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, thời gian nghỉ lễ sắp tới, nhu cầu đi lại gia tăng, vì vậy người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như mang khẩu trang, khử khuẩn và giữ khoảng cách tại khu vực nguy cơ để tránh gia tăng số ca bệnh.
Những người có triệu chứng nghi ngờ và những người tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ phải đeo khẩu trang. Mọi người cần đeo khẩu trang để phòng bệnh cho mình và cộng đồng nhất là đối tượng dễ bị tổn thương như đã nêu trên. Điều này không chỉ giúp phòng COVID-19 mà còn cả các bệnh viêm đường hô hấp khác như cúm A, cúm B...
"Ai có triệu chứng cũng nên xét nghiệm có phải đang mắc COVID-19 hay không và cuối cùng là cần tuân thủ theo lịch tiêm vaccine của Bộ Y tế"- PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.
TS Ngũ Duy Nghĩa - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) nhấn mạnh: việc thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm COVID-19 nên được thực hiện thường xuyên, liên tục đặc biệt trong dịp nghỉ lễ dài tới đây. Những người chưa tiêm đủ mũi vaccine theo khuyến cáo của Bộ Y tế nên khẩn trương tiêm đủ mũi để phòng bệnh tốt nhất.
"Với biến thể Omicron thì vaccine COVID-19 vẫn có hiệu quả. Để phòng chống lây nhiễm COVID-19, ngoài việc tiêm đủ các mũi vaccine như khuyến cáo, người dân nên được thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như khẩu trang, khử khuẩn"- TS Ngũ Duy Nghĩa nói.
Liên quan đến công tác tiêm chủng vaccine COVID-19, Sở Y tế TP HCM vừa ban hành kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 xuyên dịp nghỉ lễ 29/4-3/5 tới đây cho người dân thành phố từ 18 tuổi trở lên với 59 điểm tiêm vaccine tại 22 quận, huyện và TP Thủ Đức.
Lãnh đạo Sở Y tế TP HCM cho rằng tuân thủ và triển khai hiệu quả "Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ" vừa được UBND TP ban hành sẽ mang ý nghĩa quyết định trong việc phòng chống dịch bệnh. Trong đó, việc tiêm đầy đủ các mũi vaccine COVID-19 và tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế vẫn luôn là biện pháp tốt nhất giúp bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng trước dịch bệnh COVID-19.
Báo Sức khoẻ & Đời sống