* Đã có 12.455 cơ sở y tế khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp
Đến nay toàn quốc đã có 12.455 cơ sở y tế triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp (đạt 97,27% tổng số cơ sở khám chữa bệnh BHYT toàn quốc), với trên 29,2 triệu lượt tra cứu thành công thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp.
Ngày 25/6, thông tin từ BHXH Việt Nam liên quan kết quả triển khai Đề án 06 của BHXH Việt Nam 6 tháng đầu năm cho biết, về kết nối, chia sẻ dữ liệu và sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia thay thế thẻ BHYT giấy để khám chữa bệnh BHYT
Hệ thống đã xác thực trên 86,9 triệu thông tin nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, Hệ thống của BHXH Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ trên 117,5 triệu lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Toàn quốc đã có 12.455 cơ sở khám chữa bệnh triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp (đạt 97,27% tổng số cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc), với trên 29,2 triệu lượt tra cứu thành công thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT.
Triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia
Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận gần 50 triệu hồ sơ giao dịch điện tử (chiếm 85% tổng số hồ sơ cả trực tiếp và trực tuyến được tiếp nhận).
Tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình: Hệ thống của BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý gia hạn 15.756 thẻ BHYT thông qua dịch vụ Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng thông qua Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam và Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; Liên thông đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí, theo BHXH Việt Nam, đến nay, BHXH 2 địa phương triển khai thí điểm (Hà Nội và Hà Nam) đã tiếp nhận và giải quyết 39.440 hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và 1.361 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng mai táng phí được thực hiện qua 02 nhóm Dịch vụ công liên thông này.
Về giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp: BHXH Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan tích hợp thành công Dịch vụ công "Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp" trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia từ ngày 12/4/2022 và đã tiếp nhận từ Cổng Dịch vụ công quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng BHTN cho 166.512 trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.
Về phối hợp, hỗ trợ Bộ Y tế liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử
Theo BHXH Việt Nam, hệ thống của BHXH Việt Nam đã tiếp nhận tổng số 484.482 dữ liệu giấy khám sức khỏe hợp lệ của 1.034 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc; 138.146 dữ liệu Giấy chứng sinh của 1.055 cơ sở khám chữa bệnh; 1.637 dữ liệu Giấy báo tử của 314 cơ sở khám chữa bệnh.
(Báo Sức khỏe & đời sống)
* Bộ Y tế đã gia hạn gần 10.600 thuốc, nguyên liệu làm thuốc
Từ đầu 2023 đến nay, Bộ Y tế đã công bố 5 đợt gia hạn với tổng số gần 10.600 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế được tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành đến hết ngày 31/12/2024 theo Nghị quyết số 80/2023/QH15.
Để đảm bảo nguồn cung thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả, đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết số 80 ngày 09/01/2023 của Quốc hội, Cục Quản lý Dược đã ký quyết định công bố Danh mục 25 thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong nước và nước ngoài có giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 80/2023/QH15.
Theo đó, số thuốc, nguyên liệu làm thuốc này được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Tính đến thời điểm này, đây là đợt gia hạn thứ 5 của năm 2023 theo Nghị quyết số 80 của Quốc hội.
Cũng dịp này, Cục Quản lý Dược đã công bố danh mục 83 thuốc biệt dược gốc đợt 2 năm 2023.
Như vậy, từ đầu 2023 đến nay, Bộ Y tế đã công bố 5 đợt gia hạn với tổng số gần 10.600 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế được tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành đến hết ngày 31/12/2024 theo Nghị quyết số 80/2023/QH15.
Cùng đó, Cục Quản lý Dược đã cấp phép cho gần 3.000 thuốc chưa có số đăng ký theo quy định của Luật Dược, hiệu lực 3-5 năm.
Trước đó, Cục Quản lý Dược cũng đã nhiều lần thực hiện cấp lại số đăng ký có hiệu lực 3 năm hoặc 5 năm theo quy định của Luật Dược 2016 cho nhiều mặt hàng thuốc để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh của nhân dân.
Theo Bộ Y tế, hiện có khoảng 22.000 số đăng ký thuốc có visa lưu hành với khoảng 800 hoạt chất các loại.
Tại buổi tọa đàm - trao đổi về truyền thông y tế do Bộ Y tế tổ chức mới đây, TS Hà Anh Đức - Chánh Văn phòng Bộ kiêm Chánh văn phòng Ban cán sự Đảng bộ Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã quyết liệt tháo gỡ những "nút thắt" về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế góp phần khắc phục hiệu quả tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế tại các cơ sở y tế, cụ thể:
Tăng cường xử lý, giải quyết việc đăng ký lưu hành, gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc để đảm bảo nguồn cung về thuốc;
Đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại Luật Dược; Ban hành các Thông tư liên quan đến công tác đăng ký thuốc, đẩy mạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt với các quy định về hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc;
Tổ chức thêm các đơn vị thẩm định độc lập tại các trường đại học y, dược để đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ cấp phép;
Chỉ đạo thực hiện việc điều chỉnh giá thuốc kê khai, kê khai lại đối với các mặt hàng do tăng giá khách quan; Thực hiện phân cấp toàn diện phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua thuốc cho các cơ sở y tế trực thuốc Bộ;
Đẩy nhanh tiến độ mua sắm tập trung thuốc quốc gia, đàm phán giá; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công bố công khai thông tin thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ đấu thầu.
(Báo Sức khỏe & đời sống)
* Ngày 25/6, ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 thấp nhất gần 3 tháng qua
Theo Bộ Y tế, ngày 25/6, cả nước có 29 ca mắc mới COVID-19, tiếp tục không ghi nhận ca tử vong; tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.206 ca.
Theo bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 25/6 của Bộ Y tế, cả nước có 29 ca mắc mới. Đây là ngày có số mắc mới thấp nhất gần 3 tháng qua.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.620.076 ca nhiễm, đứng thứ 13/231quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 117.430 ca nhiễm).
Tình hình điều trị COVID-19
Số bệnh nhân khỏi bệnh: Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 3 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.639.973 ca.
Số bệnh nhân đang thở ôxy là 0 ca, trong đó thở ôxy qua mặt nạ: 0 ca; thở ôxy dòng cao HFNC: 0 ca; thở máy không xâm lấn: 0 ca; thở máy xâm lấn: 0 ca; ECMO: 0 ca.
Số bệnh nhân tử vong: Trong ngày ghi nhận 0 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 0 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.206 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/231 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/231 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/50 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/50 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Tình hình tiêm vaccine COVID-19
Tổng số liều vaccine COIVD-19 đã được tiêm là 266.467.081 liều, trong đó số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.786.824 liều: mũi 1 là 70.909.487 liều; mũi 2 là 68.456.963 liều; mũi bổ sung là 14.344.123 liều; mũi nhắc lại lần 1 là 52.150.078 liều; mũi nhắc lại lần 2 là 17.926.173 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.965.655 liều: mũi 1 là 9.130.889 liều; mũi 2 là 9.021.382 liều; mũi nhắc lại lần 1 là 5.813.384 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.714.602 liều: mũi 1 là 10.232.333 liều; mũi 2 là 8.482.269 liều.
(Báo Vietnamplus)
* Tăng cường kiểm tra việc sử dụng "bóng cười"
Bộ Y tế cảnh báo, việc lạm dụng khí Nitơ Oxyd (N2O) trong giới trẻ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ do thần kinh bị kích thích, hưng phấn và gây cười. Nếu sử dụng lâu sẽ dẫn đến tự kỉ, suy nhược cơ thể, ảo giác...
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm khí Nitơ Oxyd (N2O).
Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế nhận được thông tin tại một số địa phương xuất hiện tình trạng mua bán, sử dụng "bóng cười" có chứa khí N2O, nhất là tại các quán bar, vũ trường, quán karaoke, khu vui chơi giải trí...
Bộ Y tế cho hay, việc lạm dụng, sử dụng không đúng mục đích khí N2O có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, đặc biệt là trong giới trẻ do thần kinh bị kích thích, hưng phấn và gây cười; sử dụng lâu sẽ dẫn đến tự kỉ, đau đầu, mệt mỏi, suy nhược cơ thể; sử dụng liều cao có thể dẫn đến ảo giác... Đồng thời có thể có những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh, sang chiết sản phẩm khí N2O bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý hóa chất cũng như quản lý phụ gia thực phẩm.
Các công ty phải khai báo nhập khẩu, kinh doanh khí N2O làm phụ gia thực phẩm; việc thanh tra, kiểm tra các quy định về an toàn thực phẩm nói chung ưu tiên kiểm tra việc khai báo kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu trước khi thông quan; xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, sử dụng sai mục đích đối với khí N2O.
Các địa phương cần ban hành các quy định theo thẩm quyền để ngăn ngừa và xử lý việc lạm dụng, sử dụng sai mục đích khí N2O, nhất là tại các điểm vui chơi, giải trí như các quán bar, vũ trường, quán karaoke, rạp chiếu phim, công sở, trường học...
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương thực hiện rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sản phẩm khí N2O nhằm bảo đảm kiểm soát triệt để nguy cơ lạm dụng, sử dụng sai mục đích, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng...
(Báo Công an nhân dân)