* Phẫu thuật cấp cứu thành công bệnh nhi 7 tuổi bị thang tời đập vào mặt
Bệnh nhân vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba với vết thương phần mềm vùng má trái dài 10cm, chảy máu nhiều kèm vỡ xương ổ răng hàm trên, dưới bên trái.
Thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba (Hà Nội) ngày 24/7 cho hay các bác sỹ của bệnh viện vừa phẫu thuật cấp cứu thành công bé gái 7 tuổi bị thang tời nâng đồ của gia đình đập vào mặt.
Bác sỹ Hoàng Phong Mỹ, Trưởng Khoa Phẫu thuật hàm mặt cho biết bệnh nhân nhập viện ngày 21/7 với vết thương phần mềm vùng má trái dài 10cm, chảy máu nhiều kèm vỡ xương ổ răng hàm trên, dưới bên trái. Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân kíp phẫu thuật đã xử trí cầm máu, khâu tạo hình vết thương phần mềm má, cố định xương ổ răng trên dưới. Răng bị gãy đã được xử lý nhổ bỏ những chiếc răng sữa bị sâu và bật ra khỏi ổ, nắn chỉnh lại xương ổ răng vùng cửa.
Đến sáng 24/7, sau ba ngày phẫu thuật bệnh nhân đã tỉnh táo, vết thương khô, không chảy máu.
Người nhà của bệnh nhân cho hay, nguyên nhân tai nạn do trong lúc thang tời (dài 2m, rộng 1m) vận chuyển đồ đang thả tự do xuống để kéo đồ lên thì cháu bé ngó mặt vào.
Trước đó, bệnh viện cũng tiếp nhận nam bệnh nhân 32 tuổi (ở Hà Nội) bị vỡ nát xương hàm dưới phải, vỡ xương ổ răng hàm trên, dưới vùng cửa, mất toàn bộ răng cửa trên, dưới do thang máy trong nhà đang sửa chữa cuốn cả người vào trong lúc nhặt điện thoại rơi.
Bệnh nhân đã được phẫu thuật cấp cứu sau đó. Cách đây ít ngày bệnh nhân đã quay trở lại bệnh viện cắm Implant để có thể ăn nhai bình thường.
Theo bác sỹ Mỹ, đây là hai trường hợp may mắn chỉ đập mạnh vào vùng hàm mặt không ảnh hưởng đến tính mạng tuy nhiên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là chức năng ăn nhai của bệnh nhân. Bác sỹ Mỹ khuyến cáo với những trường hợp bị tai nạn sinh hoạt trong đó tai nạn do thang máy cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị. Ngoài ra, các gia đình khi lắp đặt hệ thống thang máy chở hàng cũng cần đảm bảo an toàn trong sinh hoạt./.
(Báo Vietnamplus)
* Hà Nội vẫn dự trù 7.330 giường điều trị Covid-19, sẵn sàng khi có bệnh nhân
Về điều trị Covid-19, tại các bệnh viện công lập của Hà Nội hiện vẫn dự trù 7.330 giường bệnh theo quyết định của UBND TP, trong đó có 1.240 giường bệnh điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2023, nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu được ngành y tế Thủ đô triển khai hiệu quả như kỹ thuật ECMO, hạ thân nhiệt chỉ huy tại tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đức Giang; can thiệp mạch điều trị khối u, cắt hớt niêm mạc đường tiêu hóa điều trị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội; ghép thận, ứng dụng công nghệ 3D trong phẫu thuật vi phẫu, chỉnh hình xương tại Bệnh viện Xanh Pôn…
Trong 6 tháng đầu năm, tổng số lượt khám chữa bệnh toàn ngành là 4.202.945 lượt, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2022; tổng số lượt điều trị nội trú là 498.891 lượt (giảm 4,6%), điều trị ngoại trú 1.128.920 lượt (tăng 20,87%).
100% cơ sở khám chữa bệnh của Hà Nội đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai hệ thống khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) bằng căn cước công dân gắn chíp, triển khai bệnh án điện tử, kê đơn thuốc điện tử…
Đối với công tác thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19, ngành y tế Hà Nội duy trì hệ thống cơ sở điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế; triển khai hiệu quả việc quản lý, giám sát người bệnh Covid-19 điều trị tại nhà.
Cụ thể, công tác điều trị người bệnh Covid-19 tại 35/41 bệnh viện công lập trên địa bàn thành phố với tổng số 7.330 giường bệnh theo quyết định của UBND TP Hà Nội, trong đó có 1.240 giường bệnh điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch. Trong 6 tháng đầu năm, ngành y tế đã điều trị cho 2.441 trường hợp tại bệnh viện (tử vong 01 trường hợp là người cao tuổi, có bệnh nền).
Cũng trong 6 tháng đầu năm, Sở Y tế đã thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế chuyên môn và thực hiện kiểm tra, giám sát 15 bệnh viện trên địa bàn.
(Báo An ninh thủ đô)
* Trả giá đắt khi chữa bệnh phản khoa học
Dùng dao lam rạch vào cơ thể để thải máu độc, dùng ong châm điều trị giảm đau hay dùng kim chọc vào các đầu ngón tay và tai chữa đột quỵ… là những thủ thuật chữa bệnh phản khoa học.
Thế nhưng, không ít người dân vẫn tin và làm theo. Hậu quả là thời gian gần đây, tại các bệnh viện liên tục tiếp nhận trường hợp bị tai biến nghiêm trọng, thậm chí phải trả giá bằng cả tính mạng sau khi áp dụng biện pháp chữa bệnh nêu trên.
Những câu chuyện đau lòng
Tới đây, các bác sĩ Khoa Điều trị tích cực Nội (Bệnh viện Nhi trung ương) tiếp nhận bé trai 10 tuổi bị nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng, ngộ độc thuốc. Trước khi vào viện 8 ngày, bé bị ho, sốt, chân tay lạnh, khó thở, mệt. Thấy vậy, gia đình đã ra chợ mua một cây thuốc khô không rõ nguồn gốc về cắt nhỏ sắc cho trẻ uống. Đồng thời, cho trẻ đi chữa mẹo bằng cách dùng dao lam rạch từng chấm nhỏ trên người để thải độc. Khi thấy tình trạng của trẻ không thuyên giảm, gia đình mới cho đi bệnh viện tuyến huyện, sau đó đến bệnh viện tuyến tỉnh và được chuyển tiếp đến Bệnh viện Nhi trung ương. Tại đây, các bác sĩ đã nỗ lực cấp cứu nhưng trẻ không đáp ứng điều trị và tử vong sau một ngày nằm viện.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, dùng dao lam nặn (hoặc rạch) lấy máu để chữa bệnh là phương pháp hoàn toàn không có tính khoa học. Phương pháp này vừa không mang lại hiệu quả trong điều trị bệnh, vừa làm nguy hiểm tính mạng của trẻ do mất máu, hàng rào vi khuẩn tự nhiên của cơ thể bị phá hỏng. Từ đó, vi khuẩn xâm nhập trực tiếp vào cơ thể gây nhiễm trùng máu. Không chỉ vậy, hành động này còn khiến trì hoãn việc đưa trẻ đến bệnh viện, làm mất đi “thời gian vàng” để điều trị bệnh, cứu sống trẻ.
Tương tự, khi thấy ông D. (66 tuổi ở Phú Thọ) có dấu hiệu bị đột quỵ, gia đình đã bôi nước gừng, lấy kim chọc các đầu ngón tay và tai để nặn máu độc với hy vọng bệnh sẽ ổn hơn. Thế nhưng, tình trạng của bệnh nhân càng nặng hơn. Sau đó, người đàn ông này được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cấp cứu. Tại đây, bác sĩ Trần Văn Kiên, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh cho biết, bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não, nhập viện muộn và xử trí sai cách dẫn đến nguy kịch. Các bác sĩ đã hội chẩn trực tuyến cùng chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai. May mắn, bệnh nhân đã được cứu sống nhưng cần tiếp tục theo dõi để tránh biến chứng.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, trường hợp như người đàn ông này không phải hiếm gặp tại các bệnh viện. Bác sĩ Nguyễn Phương Trang, khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cảnh báo, có thông tin lan truyền về việc chích lấy máu ở các ngón tay, chân của người đột quỵ, sau đó nặn máu ra, chờ vài phút thì người bệnh sẽ tỉnh lại. Hay sơ cứu đột quỵ bằng cách châm vào hai bên dái tai, cho đến khi máu nhỏ giọt. Đây là những cách làm không được kiểm chứng khoa học mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy như bỏ qua “thời gian vàng” cấp cứu đột quỵ, nhiễm trùng tại vị trí chích máu, không thể cầm máu nếu người bệnh bị rối loạn đông máu...
Cũng phải nhập viện vì chữa bệnh bằng phương pháp thiếu cơ sở khoa học, bệnh nhân N.T.H (49 tuổi ở huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết, do bị đái tháo đường đa biến chứng, thoái hóa cột sống đi lại khó khăn nên gia đình đã mời thầy lang đến điều trị giảm đau bằng phương pháp ong châm. Tuy nhiên, tình trạng bệnh không thuyên giảm. Thậm chí, bệnh nhân còn cảm thấy mệt mỏi, khó thở nên đã đến Bệnh viện Nội tiết trung ương khám. Tại đây, kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị đái tháo đường biến chứng, nhiễm trùng da với nhiều vết mưng mủ vùng bụng và hai chân do ong châm.
Tránh chữa bệnh theo mách bảo, lời đồn
“Có bệnh thì vái tứ phương” là tâm lý chung của mọi người bệnh. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), trong thời buổi bùng nổ thông tin ít được kiểm chứng, nếu người bệnh nghe theo những lời mách bảo, kinh nghiệm truyền miệng hay tìm đến những thầy lang không được đào tạo bài bản, không có chứng chỉ hành nghề mà chữa bệnh thì vô cùng nguy hiểm. “Với sự phát triển của y học hiện đại, người dân khi có những biểu hiện bất thường về sức khỏe nên đến cơ sở y tế hoặc tham vấn ý kiến chuyên gia để được thăm khám, tư vấn và điều trị.
Đặc biệt, người dân không tự ý dùng thuốc, phải sử dụng loại thuốc có nguồn gốc rõ ràng, được chứng minh bằng khoa học về tác dụng. Tuyệt đối không dùng thuốc của thầy lang không rõ nguồn gốc để tránh những nguy cơ, rủi ro về sức khỏe, tính mạng”, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên lưu ý.
Đề cập đến phương pháp chích máu độc thường được nhiều người truyền tai nhau để trị bệnh, bác sĩ Đặng Thành Long, Bệnh viện Châm cứu trung ương cho hay, đây là phương pháp có nhiều nguy cơ nên không thể tùy tiện sử dụng, đặc biệt ở ngoài các cơ sở y tế. Nguyên nhân khi sử dụng kim chích vào da, tức là tác động có xâm lấn, nếu không được sát khuẩn kỹ thì dễ dàng xảy ra nguy cơ lây truyền chéo các bệnh về da liễu, bệnh truyền nhiễm qua đường máu, gây nhiễm trùng tại chỗ. Nguy hiểm hơn là nhiễm trùng huyết, ảnh hưởng tới tính mạng.
Riêng đối với trẻ nhỏ, các bác sĩ khuyến cáo, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc hoặc các phương pháp chữa bệnh nào cho trẻ, cha mẹ cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu bất thường, việc quan trọng nhất cha mẹ nên làm là nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
(Báo Hà Nội mới)