* Mặt và bụng to bất thường, cô gái trẻ ngỡ ngàng vì mắc bệnh hiếm gặp
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang vừa chẩn đoán và điều trị thành công cho một bệnh nhân bị hội chứng Cushing do khối u lành tính tuyến thượng thận bên phải.
Bệnh nhân nữ N.T.L, 26 tuổi quê ở Thuận Thành, Bắc Ninh. Chị L vốn khỏe mạnh không mắc các bệnh mạn tính, gia đình không có ai có bệnh lý gì đặc biệt. Tuy nhiên ba tháng trước vào viện, L thấy mặt và bụng to lên nhanh, kèm theo rối loạn kinh nguyệt và giảm tập trung, trí nhớ kém hơn. Cảm thấy tự ti về ngoại hình nên chị L đã đến viện khám.
Tại khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, bệnh nhân được chẩn đoán mắc chứng bệnh hiếm gặp là hội chứng Cushing nội sinh. Các bác sĩ chuyên khoa đã thực hiện lần lượt các bước chẩn đoán: Định lượng Cortisol ngày và đêm, test Dexamethasone 1mg qua đêm, định lượng ACTH buổi sáng và cuối cùng là chụp MRI tuyến thượng thận tìm ra khối u tuyến thượng thận phải là nguyên nhân gây ra hội chứng Cushing ở bệnh nhân này.
Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển sang khoa Ngoại thận - tiết niệu phẫu thuật cắt bỏ khối u và sinh thiết có kết quả Adenoma - kết quả có tiên lượng tốt cho người bệnh.
Hiện tại người bệnh tình trạng ổn định đã được ra viện và có kế hoạch khám quản lý tại phòng khám nội tiết của bệnh viện.
Theo bác sĩ Lê Văn Đán - phụ trách khoa Nội tổng hợp, hội chứng Cushing là một bệnh lý nội tiết do rối loạn chức năng vỏ tuyến thượng thận. Bệnh thường biểu hiện với các triệu chứng như: Tăng cân nhanh, khuôn mặt tròn đỏ, béo trung tâm, da mỏng dễ bầm tím, xuất hiện các vết rạn da, chậm liền vết thương…
"Đây là một chứng bệnh hiếm gặp và chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh đôi khi rất khó khăn. Nếu bệnh nhân được chẩn đoán bệnh ở giai đoạn muộn có thể sẽ bị nhiều biến chứng nguy hiểm như: nhiễm trùng, tăng đường huyết, tăng huyết áp, rối loạn điện giải, loãng xương, dễ bị gãy xương…", bác sĩ Đán thông tin.
(Báo Pháp luật VN)
* Chuyên gia khuyến cáo người dân nên tiêm vaccine, không chủ quan với bệnh thủy đậu
Tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ ngày 14 đến 21/7, trên địa bàn thành phố ghi nhận 33 ca thủy đậu, tăng 26 ca so với tuần trước đó, nâng tổng số ca thủy đậu từ đầu năm 2023 đến nay trên địa bàn lên 1.911 ca (tăng gấp 11,5 lần so với cùng kỳ năm 2022).
Trong số các quận, huyện ghi nhận số ca mắc thủy đậu cao nhất từ đầu năm đến nay, huyện Mê Linh dẫn đầu với 452 ca, tiếp đến là huyện Chương Mỹ 417 ca, huyện Ba Vì 273 ca, quận Nam Từ Liêm 187 ca, huyện Thạch Thất 95 ca, huyện Thanh Oai 83ca…
Riêng tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), thời gian gần đây đã tiếp nhận nhiều ca mắc thủy đậu nặng, trong đó có 2 trường hợp tử vong.
Như vậy, năm nay, số ca thủy đậu tăng mạnh từ đầu năm đến giữa tháng 4, sau đó giảm và thời gian gần đây bắt đầu tăng trở lại.
Theo chuyên gia y tế, hiện nay, các ca bệnh thủy đậu có diễn biến khá phức tạp. Trong đó, người lớn khi mắc thủy đậu thường có biến chứng nặng hơn vì có bệnh nền và khi phát hiện thường muộn hơn hoặc chẩn đoán nhầm so với các bệnh khác. Đáng lưu ý, một số người chủ quan cho rằng chỉ trẻ nhỏ mới mắc thủy đậu nên khi bệnh biến chứng mới đến bệnh viện.
Các chuyên gia khuyến cáo, người dân không chủ quan, nên tiêm vaccine phòng thủy đậu. Khi thấy trẻ em hoặc người xung quanh mắc bệnh, cần đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc vì bệnh lây qua đường hô hấp. Trẻ bị thủy đậu cần tắm bằng nước đun sôi để nguội, hạn chế dùng xà phòng để tránh gây viêm nhiễm khi xà phòng đọng lại ở các nốt bong tróc. Sau đó, dùng khăn mềm thấm nhẹ nhàng toàn thân, bôi xanh methylen để sát khuẩn, mặc quần áo thoáng mát. Cùng với đó, cần vệ sinh mắt mũi, răng miệng 2 - 3 lần/ngày bằng nước muối 0,9% vì thủy đậu có thể mọc trong miệng, không vệ sinh có thể gây bội nhiễm. Cha mẹ cũng thường xuyên cắt móng tay cho con để trẻ không gãi mạnh làm vỡ các nốt thủy đậu, gây nhiễm trùng.
Theo đánh giá của Sở Y tế Hà Nội, hiện nay, thời tiết mùa hè nóng ẩm, là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh như: Tay chân miệng, thủy đậu, sốt xuất huyết, sởi, tiêu chảy cấp, viêm não Nhật Bản… phát triển và gia tăng. Bên cạnh đó, các dịch bệnh nguy hiểm như cúm A (H7N9), cúm A (H5N6), Marburg… tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập.
Để chủ động phòng, chống các biện truyền nhiễm đang lưu hành trong nước, Sở Y tế thành phố đề nghị Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh tại cộng đồng và cơ sở y tế để phát hiện sớm ca bệnh dịch; tổ chức khoanh vùng, xử lý ổ dịch triệt để không để lan rộng.
Ngoài việc tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo, các cơ sở khám, chữa bệnh cần thực hiện nghiêm túc việc quản lý chất thải của người bệnh, không để mầm bệnh phát tán gây dịch trong bệnh viện hoặc lan ra cộng đồng. Các cơ sở khám, chữa bệnh phải phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố và Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã trên địa bàn, thông báo, trao đổi thông tin về các trường hợp mắc dịch bệnh mùa hè để chủ động giám sát, xử lý tại cộng đồng.
(Báo Tin tức)
* Tai nạn bất ngờ vì vật nuôi, vật dụng trong nhà
Tai nạn do nuôi thú cưng trong nhà, tai nạn sinh hoạt luôn rình rập trẻ nhỏ trong những ngày hè. Mới đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã phẫu thuật cấp cứu cho trẻ bị chó cắn đứt xương hàm mặt, nguy kịch tính mạng.
Trẻ 3 tuổi bị chó cắn đứt xương hàm
Ngày 16/7, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận trường hợp bé trai 3 tuổi ở Hà Nội nhập viện do vết thương chó cắn. Gia đình bệnh nhi chia sẻ đây là chú chó nhà người quen thuộc giống chó lai becgie.
Chú chó tương đối to (40kg) có sức cắn lớn làm tổn thương nặng vùng đầu mặt cổ. Các bác sĩ nhận định đây là ca cấp cứu phức tạp có nguy cơ đe doạ tính mạng cháu bé.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hà, Trưởng Khoa Phẫu thuật hàm mặt tạo hình và thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ đã tiên lượng và nhận định đây là trường hợp đa vết thương phần mềm phức tạp ở vùng quan trọng, cần được thăm khám, điều trị cấp cứu đa chuyên khoa song song kiểm tra tình trạng vết thương có đe doạ tính mạng bệnh nhi hay không.
Sau khi đã kiểm soát, cháu bé được đưa đi chụp chiếu để loại trừ tổn thương, tiếp đó tất cả các bác sĩ chuyên khoa sẽ tham gia cùng thăm khám và kết luận sơ bộ để triển khai xử trí trong phòng mổ cũng như theo dõi những ngày sau mổ để điều trị biến chứng tương lai lâu dài.
Bệnh nhi được kiểm soát tình trạng đường thở, mạch máu và huyết động, kiểm soát các vết thương lớn chảy máu trong miệng và mũi. Với vết thương vùng cổ răng của chú chó rất sắc có thể cắn vào mạch máu lớn, động mạch cảnh cấp máu nuôi làm nguy hiểm đến tính mạng của cháu.
Bệnh nhi được kiểm tra tình trạng tri giác, mức độ hôn mê bởi tình trạng hô hấp có thể che mờ các triệu chứng khác.
Khi tiến hành thăm khám các bác sĩ nhận thấy vết thương tương đối nham nhở có sự bóc tách rộng có nguy cơ gây nhiễm trùng, xé toác da, vết thương đi vào vùng trán và góc mắt trong, gây đứt ống tuyến lệ, rách mi mắt, gãy đôi xương hàm, xương gò má.
Vết thương vùng cổ bệnh nhi ngay sát đường đi của động mạch cảnh, nếu chú chó cắn chỉ thấp hơn 1-2cm sẽ xuyên thẳng động mạch cảnh đe dọa tính mạng ngay lập tức.
Sau khi đã có chẩn đoán và kiểm tra kỹ càng, các bác sĩ đa chuyên khoa: Sọ não, phẫu thuật hàm mặt, phẫu thuật mạch máu tim mạch lồng ngực, mắt, tạo hình vi phẫu sẽ phối hợp xử lý trong thời gian nhanh nhất có thể và đưa bệnh nhi vào phòng phẫu thuật.
Trong mổ, cháu bé đã được các bác sĩ tiến hành cắt lọc làm sạch vết thương, sử dụng kính hiển vi để "bới tìm" ống tuyến lệ chỉ nhỏ khoảng 0,5 mm, từ đó khâu nối lại. Nếu không xử trí, đứt ống tuyến lệ khiến trẻ chảy nước mắt liên tục. Ngoài ra, ê-kíp sửa chữa xương gò má và góc hàm, bảo đảm chức năng ăn nhai sau này.
Trẻ bị dao cứa đứt gân chân do sự bất cẩn của người lớn
Mới đây, Khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện E vừa cấp cứu và phẫu thuật thành công cho một cháu bé (nam, 3 tuổi, ở Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) bị dao sắc nhọn đâm mạnh vào gót chân cắt rách một đoạn dài và sâu, thậm chí đứt cả gân chân. Điều đáng nói, tai nạn này xảy ra do bất cẩn của người lớn khi dùng dao xong đã để luôn dưới sàn nhà, khiến cháu bé bị thương.
Bác sĩ chuyên khoa II Kiều Quốc Hiền, Trưởng Khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình cho biết, cách đây 3 ngày, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E tiếp nhận một bé nam mới 3 tuổi với vết thương ở mặt ngoài cổ chân phải rộng 5cmx2cm, vết cắt sâu tới tận xương và đang chảy máu rất nhiều.
Cháu bé nhập viện trong tình trạng vô cùng hoảng loạn. Các bác sĩ ngay lập tức tiến hành sơ cứu cầm máu tạm thời cho cháu bé. Qua thăm khám ban đầu, các bác sĩ chẩn đoán vết thương của cháu bé là ở phần mềm vùng mặt ngoài cổ chân, đứt gân cổ chân phải. Sau khi có kết quả xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết, các bác sĩ quyết định mổ cấp cứu xử lý tổn thương cho cháu bé.
Bệnh nhi có những tổn thương vô cùng nghiêm trọng như đứt gân mác bên dài, mác bên ngắn, đứt bán phần gân achilles, bên cạnh vết thương phần mềm rất rộng 5cmx2cm… Các bác sĩ tiến hành xử lý cấp cứu khâu nối toàn bộ chỗ gân bị đứt kể trên và khâu cầm máu vết thương.
Trước đó, bố của bệnh nhi có sử dụng dao (loại dao Thái sắc, nhọn) gọt hoa quả nhưng không để gọn mà để dưới sàn nhà, khiến cậu con trai, 3 tuổi đang chơi gần đó “đá” vào gây nên tai nạn sinh hoạt vô cùng nguy hiểm này.
Sau 3 ngày phẫu thuật, tình trạng sức khỏe của cháu bé ổn định và sớm được xuất viện. Tuy nhiên, bác sĩ chuyên khoa II Kiều Quốc Hiền lo lắng, do cháu bé bị đứt gân rất nhiều, dù đã được các bác sĩ nối lại thành công nhưng để vận động được cháu bé phải tập phục hồi chức năng sau mổ rất nhiều và đau đớn. Trong khi cháu bé còn quá nhỏ, sự phối hợp không dễ thì việc phục hồi chức có thể mất nhiều thời gian hơn.
Bác sĩ Kiều Quốc Hiền khuyến cáo, tai nạn thương tích ở trẻ nhỏ thường đến bất ngờ, khó lường trước, gây ra những thương tổn trên cơ thể các em. Nhất là vào dịp nghỉ hè, các tai nạn sinh hoạt gây thương tích cho trẻ nhỏ thường gia tăng đột biến.
Vì thế, các bậc phụ huynh cần lưu ý đến tình huống nào có thể gây rủi ro cho trẻ như dao sắc nhọn, đồ vật thủy tinh, viên bi tròn…; các yếu tố nguy cơ gây bỏng như ổ điện, ấm nước sôi… cần phải tránh xa tầm với của trẻ.
Đối với trẻ lớn hơn, cần đào tạo, hướng dẫn cho trẻ có những kỹ năng để biết cách phòng chống những tai nạn thương tích trong sinh hoạt. Tuyệt đối không để trẻ ở một mình trong khi bơi, sống gần ao hồ; các ổ điện cần phải có hệ thống chống giật, thiết kế cao ngoài tầm với trẻ nhỏ; tránh để trẻ chơi với lửa, các vật dụng sắc, nhọn.
(Báo Nhân dân)
* Những dấu hiệu ở người mắc sốt xuất huyết cần đến bệnh viện ngay
Bệnh sốt xuất huyết có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng nhanh, người dân cần chú ý các dấu hiệu nhận biết bệnh đã chuyển nặng để tới bệnh viện kịp thời.
Theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue, Bộ Y tế lưu ý các cơ sở y tế xem xét chỉ định nhập viện với những trường hợp bị mắc sốt xuất huyết có tình trạng:
- Là trẻ nhũ nhi.
- Người bị dư cân, béo phì.
- Là phụ nữ có thai.
- Là người lớn tuổi (trên 60 tuổi).
- Là người có bệnh mạn tính đi kèm (thận, tim, gan, hen, COPD kém kiểm soát, đái tháo đường, thiếu máu tan máu...).
- Bệnh nhân sống một mình, không có người nhà theo dõi
- Nhà bệnh nhân xa cơ sở y tế, không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng.
- Gia đình không có khả năng theo dõi sát người bệnh.
BS. Đào Văn Cao, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E cho biết: Sau khi khám, chẩn đoán người bệnh mắc sốt xuất huyết, các bác sĩ sẽ sàng lọc, đối với những bệnh nhân mắc thể bệnh nhẹ, có thể cấp đơn và giải thích hướng điều trị ngoại trú cho bệnh nhân. Đối với những bệnh nhân sốt xuất huyết nặng và sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo như: Vật vã, lừ đừ, li bì, đau bụng nhiều, nôn ói nhiều, tiểu ít, xuất huyết niêm mạc, xét nghiệm có tiểu cầu giảm nhanh, cô đặc máu, mem gan tăng cao sẽ được chỉ định vào viện theo dõi và điều trị”.
Cũng theo BS. Đào Văn Cao, qua điều trị thực tế cho thấy các tình trạng bệnh diễn biến nặng của người bệnh sốt xuất huyết thường có các biểu hiện như: Ho ra máu, xuất huyết âm đạo trước chu kỳ, đi ngoài phân đen, men gan tăng cao, tràn dịch màng phổi, màng bụng, tụt huyết áp…
Bệnh sốt xuất huyết diễn biến khó lường vì vậy các bác sĩ khuyến cáo người dân, nếu thấy sốt cao đột ngột cần tới ngay cơ sở y tế để được khám, theo dõi vì bệnh sốt xuất huyết có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng nhanh; bệnh nhân cần được thăm khám, phân độ lâm sàng để tiên lượng bệnh và có kế hoạch xử trí thích hợp.
Đặc biệt, đối với người cao tuổi mắc nhiều bệnh lý nền như: Đái tháo đường, huyết áp, tim mạch, phụ nữ mang thai mắc sốt xuất huyết thường diễn biến nặng hơn, nhiều biến chứng nên cần được khám và theo dõi sớm.
(Báo Tin tức)