* Khắc phục tình trạng sợ trách nhiệm trong công tác mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 193/KH-UBND về khắc phục các hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm năm 2022 của Ban Cán sự đảng và tập thể lãnh đạo UBND thành phố về tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố.
Để khắc phục dứt điểm hạn chế, khuyết điểm trên, kế hoạch đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố về công tác bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế và các văn bản pháp luật hiện hành.
Tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp khắc phục những tồn tại hạn chế chỉ ra. Giám đốc, thủ trưởng các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND thành phố nếu để xảy ra tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất phục vụ cho công tác khám bệnh, chữa bệnh và phòng, chống bệnh dịch; tiếp tục chủ động thực hiện việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, đáp ứng cho công tác khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn.
Tiếp tục bám sát thực tế, thường xuyên đánh giá, tổng hợp những khó khăn về tình hình thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế một cách toàn diện, chính xác, trung thực, khách quan để báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền, trên cơ sở đó tìm ra các giải pháp phù hợp, sát tình hình, khả thi, hiệu quả.
Cập nhật kịp thời các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế về việc tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố thực hiện đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế đúng quy định, có giải pháp cụ thể để bảo đảm cung ứng đầy đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế giá cả hợp lý, phù hợp với quy định hiện hành, có các giải pháp phù hợp để giải quyết dứt điểm tình trạng không cung ứng được dược liệu, vị thuốc cổ truyền.
Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cụ thể, chi tiết đầy đủ Luật Đấu thầu và các văn bản liên quan đến công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; tăng cường kiểm tra, thúc đẩy việc mua sắm chưa tích cực để khắc phục tình trạng sợ trách nhiệm của một số cán bộ làm công tác mua sắm.
Các sở, ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện để bảo đảm tiến độ, hiệu quả thực hiện nội dung trên.
Để làm tốt việc này, UBND thành phố phân công Sở Y tế là cơ quan thường trực, phối hợp các đơn vị có liên quan tham mưu đề xuất UBND thành phố kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác đấu thầu thuốc, triển khai, hướng dẫn đơn vị thực hiện công tác mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố theo các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch và văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố; theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị trực thuộc theo chức năng, nhiệm vụ được phân công…
(Báo Hà Nội mới)
* Hà Nội: Số ca mắc thủy đậu, sốt xuất huyết đều tăng
Cùng với bệnh sốt xuất huyết thì dịch bệnh thủy đậu tại Hà Nội cũng có nhiều diễn biến mới trong tuần vừa qua.
Trước đó, CDC Hà Nội cho biết, tuần qua trên địa bàn TP. Hà Nội ghi nhận thêm 442 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 1,5 lần so với tuần trước đó). Trong đó, huyện Thạch Thất có số lượng bệnh nhân nhiều nhất là 109; tiếp đến là quận Hoàng Mai có 35 bệnh nhân; quận Bắc Từ Liêm có 29 bệnh nhân; các huyện: Đan Phượng, Thanh Trì, Thường Tín có 23 bệnh nhân; huyện Phú Xuyên và Thanh Oai có 20 bệnh nhân.
Đối với dịch bệnh thủy đậu, số ca mắc thủy đậu tại Hà Nội tăng nhẹ trở lại lên 33 ca. Như vậy, tính từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội có 1.911 ca mắc thủy đậu (tăng gấp 11,5 lần so với cùng kỳ năm 2022).
Trong các quận, huyện ghi nhận số ca mắc thủy đậu cao nhất từ đầu năm đến nay, huyện Mê Linh dẫn đầu với 452 ca, huyện Chương Mỹ với 417 ca, huyện Ba Vì có 273 ca, quận Nam Từ Liêm có 187 ca, huyện Thạch Thất có 95 ca, huyện Thanh Oai có 83 ca…
Theo thông tin từ Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, gần đây, Trung tâm đã tiếp nhận nhiều ca mắc bệnh thủy đậu nặng, phải nhập viện, trong đó, 2 trường hợp đã tử vong.
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay các ca bệnh thủy đậu có diễn biến khá phức tạp. Trong một tháng vừa qua đã có những ca tử vong, mặc dù tiền sử bệnh nhân không có bệnh nền. Thủy đậu thường mắc ở trẻ em do không có tiêm phòng, nên chưa có miễn dịch và lây qua đường hô hấp. Nhiều người dân vẫn nghĩ rằng chỉ trẻ em mới mắc thủy đậu nên rất chủ quan, dẫn đến những biến chứng khó kiểm soát.
PGS.TS Đỗ Duy Cường đưa ra khuyến cáo, người dân nên đi tiêm phòng vaccine thủy đậu, không nên chủ quan và nghĩ: "bệnh thủy đậu chỉ mắc ở trẻ em, bị vài ngày rồi khỏi". Người lớn cũng phải có ý thức phòng bệnh, khi thấy trẻ em mắc bệnh hoặc người xung quanh mắc bệnh, phải có biện pháp đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc vì bệnh lây qua đường hô hấp. Người lớn khi mắc thủy đậu thường có biến chứng nặng hơn vì thường có bệnh nền và khi phát hiện thường muộn hơn hoặc có chẩn đoán nhầm so với các bệnh khác. Tuyệt đối không chủ quan để hạn chế các biến chứng do bệnh thủy đậu gây ra.
(Báo Sức khỏe và đời sống)
* Cần xây dựng hành lang pháp lý thể chế hóa việc liên kết BHYT thương mại và BHYT xã hội
Phần lớn chi tiêu y tế ở nước ta vẫn đến từ tiền túi của người dân, chiếm khoảng 39,6%, cao hơn một số quốc gia trong khu vực. Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần xây dựng hành lang pháp lý thể chế hóa việc liên kết BHYT thương mại và BHYT xã hội để có thêm nguồn tài chính cho chăm sóc sức khoẻ.
Chi tiêu y tế bình quân đầu người của Việt Nam khá thấp so với các quốc gia trong khu vực
Thông tin tại hội thảo với chủ đề: "Đề xuất chính sách BHYT bổ sung và cơ chế bảo đảm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho người bệnh trong Dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi" do Bộ Y tế và Hội kinh tế y tế tổ chức ngày 24/7 cho thấy hiện nay, Việt Nam đã đạt được những cải thiện đáng kể về các chỉ số đo lường chất lượng y tế cộng đồng, thể hiện qua mức tuổi thọ trung bình ngày càng tăng và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm xuống.
ThS Trần Thị Trang - Quyền Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết, hiện tỷ lệ tổng chi tiêu y tế Việt Nam trong tổng GDP là 4,68% cao hơn so với các quốc gia trong khu vực ASEAN như Malaysia (4,12%), Indonesia (3,41%) và Thái Lan (4,36%) (năm 2020). Tuy nhiên, chi tiêu y tế bình quân đầu người của Việt Nam là 166 USD, khá thấp so với các quốc gia như Malaysia (419 USD), Thái Lan (305 USD), Singapore (3.537 USD).
Tổng chi từ Quỹ BHYT xã hội tăng từ 0.85 tỷ USD năm 2010 đến năm 2022 đã đạt hơn 5 tỷ USD. Tuy nhiên đến nay, phí BHYT xã hội trên đầu người ở Việt Nam vẫn thấp ở mức khoảng 50 USD/người/năm; quỹ BHYT xã hội cũng chỉ đóng góp ¼ tổng chi tiêu y tế. Phần lớn vẫn đến từ chi tiêu tiền túi của người dân, chiếm khoảng 39,6% trong tổng chi tiêu y tế trong năm 2020, cao hơn các quốc gia trong khu vực như Malaysia (35,89%), Indonesia (31,79%), Thái Lan (10,54%) và Singapore (18,97%).
Việc tỷ lệ chi từ tiền túi tương đối cao trong cơ cấu tài chính y tế ở Việt Nam có thể gây nguy cơ thiếu sự bền vững trong dài hạn, đặc biệt chúng ta đã bước vào 'thời kỳ già hóa dân số" và trở thành một trong những quốc gia già hóa nhanh nhất thế giới từ năm 2017.
"Vì vậy, việc xây dựng và vận hành cơ chế tài chính nhằm đảm bảo người bệnh được tiếp cận các dịch vụ y tế hiệu quả, đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế ngày càng đa dạng ở cả nhóm đại chúng và nhóm người có thu nhập cao đang dần trở thành mối quan tâm lớn"- bà Trang nói và thông tin: Bộ Y tế, Chính phủ đang tìm nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; đổi mới cơ chế tài chính, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào hệ thống y tế nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có ứng dụng các dịch vụ kỹ thuật cao.
BHYT bổ sung/BHYT thương mại tăng thêm nguồn tài chính cho chăm sóc sức khoẻ
Hiện nay, tại Việt Nam có 2 hình thức BHYT, đó là:
Thứ nhất, BHYT là hình thức bảo hiểm được áp dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện và các đối tượng có trách nhiệm tham gia theo quy định của Luật BHYT.
Quỹ BHYT chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho đối tượng theo quy định của Luật BHYT, người sử dụng dịch vụ chi trả cho phần ngoài mức hưởng và phạm vi được hưởng.
Thứ hai, bảo hiểm sức khỏe của các công ty bảo hiểm (thường được gọi là BHYT thương mại) mang tính kinh doanh, hoạt động có lợi nhuận theo Luật Kinh doanh bảo hiểm. Được thiết kế phù hợp với mọi mong muốn của người ký hợp đồng bảo hiểm theo từng điều kiện và nhu cầu của người đó, mang tính tự nguyện và không mang tính bắt buộc như BHYT xã hội. Mặc dù có mức phí thường cao hơn so với BHYT bắt buộc nhưng bảo hiểm sức khỏe có nhiều lựa chọn cho người tham gia do đa dạng gói quyền lợi theo khả năng đóng.
Quyền Vụ trưởng Vụ BHYT cho biết tại Nghị quyết 20/NQ-TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đặt ra một trong nhiệm vụ trọng tâm để tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới là "đổi mới mạnh mẽ tài chính y tế" trong đó tập trung "Triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện BHYT toàn dân. Điều chỉnh mức đóng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, thu nhập của người dân và chất lượng dịch vụ. Đa dạng các gói BHYT. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa BHYT xã hội với BHYT thương mại".
TS Nguyễn Khánh Phương – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Bộ Y tế nêu rõ, BHYT tư nhân/thương mại là mô hình BHYT tự nguyện, hoạt động ngoài tổ chức BHYT xã hội, mức phí tham gia được xác định theo nguy cơ sức khỏe của mỗi cá nhân do một tổ chức có tư cách pháp nhân không thuộc nhà nước điều hành theo phương thức vì lợi nhuận hoặc không vì lợi nhuận.
Theo định nghĩa của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), BHYT bổ sung là dịch vụ do BHYT tư nhân cung cấp bổ sung phạm vi quyền lợi của chương trình BHYT bắt buộc của nhà nước bằng cách bao phủ toàn bộ hoặc một phần chi phí không được BHYT bắt buộc chi trả (đồng chi trả, dịch vụ, thuốc ngoài gói quyền lợi)
BHYT bổ sung góp phần tăng 3 chiều bao phủ của bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân là dân số, dịch vụ và bảo vệ tài chính;
Theo phân tích của TS Phương, BHYT bổ sung tăng thêm nguồn tài chính cho chăm sóc sức khoẻ, đồng thời thêm cơ chế tài chính trả trước, góp phần giảm chi tiền túi. Hình thức này còn phát huy thế mạnh của công ty bảo hiểm thương mại về tiềm lực tài chính, nghiệp vụ bảo hiểm, kinh nghiệm quản lý của các công ty đa quốc gia và quan trọng hơn nữa là góp phần làm đa dạng hóa các gói bảo hiểm đáp ứng nhu cầu của người dân.
"Việt Nam cần xây dựng hành lang pháp lý thể chế hóa việc liên kết BHYT thương mại và BHYT xã hội, tuy nhiên cần quy định rõ vai trò và mối liên hệ giữa BHYT thương mại và BHYT xã hội, đồng thời Luật pháp hóa các nguyên tắc quản lý nhà nước đối với liên kết, quy định chức năng, nhiệm vụ và sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước"- TS Phương nói, đồng thời nhấn mạnh thêm cần xây dựng và triển khai thí điểm Đề án liên kết BHYT thương mại và BHYT xã hội, trong đó cũng cần chú trọng việc truyền thông, cung cấp thông tin cho người dân hiểu rõ về quyền lợi được hưởng khi có sự liên kết BHYT thương mại và BHYT xã hội.
(Báo Sức khỏe và đời sống)
* Thanh tra Bộ Y tế xử phạt 2 Công ty vi phạm liên quan đến trang thiết bị y tế
Thanh tra Bộ Y tế ngày 26/7 đã công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính với 2 Công ty vi phạm liên quan đến trang thiết bị y tế, đó là Công ty CP Dược phẩm Nha Khoa Hoàn Cầu và Công ty Cổ phần Dịch vụ Khoa học Kỹ thuật Thủ Đô.
Ngày 26/7, Thanh tra Bộ Y tế đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Dược phẩm Nha Khoa Hoàn Cầu (Địa chỉ: Số 59 Võ Văn Dũng, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) 25 triệu đồng vì hành vi vi phạm: Phân loại trang thiết bị y tế không dựa trên quy tắc phân loại về mức độ rủi ro đối với các sản phẩm: Vật liệu trám bít ống tủy răng, Vật liệu trám bít ống tủy răng, Vật liệu trám bít ống tủy răng.
Theo quyết định của Thanh tra Bộ Y tế, hành vi trên là vi phạm quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 72 của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Công ty bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng; Đồng thời, Thanh tra Bộ Y tế yêu cầu Công ty CP Dược phẩm Nha Khoa Hoàn Cầu thu hồi kết quả phân loại trang thiết bị y tế do Công ty đã ban hành.
Thanh tra Bộ Y tế cũng xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Dịch vụ Khoa học Kỹ thuật Thủ Đô (địa chỉ: Số 5/8/10 đường Tô Hiệu, Phường Nguyễn Trãi, Quận Hà Đông; Sản xuất tại địa chỉ: Số 5 ngõ 301/2 đường Nguyễn Trãi, Phường Hạ Đình, Quận Thanh Xuân, Hà Nội ) 15 triệu đồng vì hành vi vi phạm hành chính không công khai kết quả phân loại trang thiết bị y tế đã ban hành đối với dung dịch nước muối, sử dụng ngoài, số công bố: 220000886/PCBA-HN ngày 14/3/2022.
Hành vi trên vi phạm quy định tại Điểm 5, Điều 4, và Điểm b, Khoản 1, Điều 72 của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 và Điểm a, Khoản 22, Điều 1 của Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y té.
Quyết định của Thanh tra Bộ yêu cầu Công ty Cổ phần Dịch vụ Khoa học Kỹ thuật Thủ Đô thực hiện công khai kết quả phân loại trang thiết bị y tế do Công ty đã ban hành.
(Báo Sức khỏe và đời sống)