* Bệnh thủy đậu tăng trở lại
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, sau nhiều tuần liên tục giảm mạnh thì tuần qua, số ca mắc bệnh thủy đậu trên địa bàn TP Hà Nội tăng nhẹ trở lại.
Nếu như trong tuần vừa qua, Hà Nội chỉ ghi nhận 7 ca mắc thủy đậu thì đến tuần này đã tăng lên 33 ca. Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, thành phố có 1.911 ca mắc thủy đậu (tăng gấp 11,5 lần so với cùng kỳ năm 2022).
Trong các quận, huyện ghi nhận số ca mắc thủy đậu cao nhất từ đầu năm đến nay thì huyện Mê Linh dẫn đầu với 452 ca, tiếp đến là huyện Chương Mỹ với 417 ca, huyện Ba Vì có 273 ca, quận Nam Từ Liêm có 187 ca, huyện Thạch Thất có 95 ca, huyện Thanh Oai có 83 ca…
Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai, thời gian gần đây đã tiếp nhận nhiều ca mắc thủy đậu trong tình trạng nặng, phải nhập viện. Trước đó, có 2 trường hợp tử vong.
Theo PGS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay các ca bệnh thủy đậu có diễn biến khá phức tạp. Trong một tháng vừa qua đã có những ca tử vong, mặc dù tiền sử bệnh nhân không có bệnh nền. Thủy đậu thường mắc ở trẻ em do không có tiêm phòng, nên chưa có miễn dịch và lây qua đường hô hấp. Nhiều người dân vẫn nghĩ rằng chỉ trẻ em mới mắc thủy đậu nên rất chủ quan, dẫn đến những biến chứng khó kiểm soát. Những trường hợp bệnh nhân có biểu hiện nặng mắc các bệnh nền như ung thư, viêm phổi, viêm não, suy gan, nằm trong bệnh cảnh suy đa phủ tạng, hay đang phải sử dụng các loại thuốc như Corticoid, loại thuốc ức chế miễn dịch để chữa bệnh gút, phổi, thận. Đây là những đối tượng đặc biệt khi mắc bệnh thì virus sẽ bùng lên và gây tổn thương nặng. Bệnh nhân có thể tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, một số trường hợp có biến chứng như viêm phổi, viêm não, hoặc suy gan, thậm chí là suy đa phủ tạng cần lọc máu.
PGS Cường khuyến cáo, người dân nên đi tiêm phòng vaccine thủy đậu, không nên chủ quan và nghĩ bệnh thủy đậu chỉ mắc ở trẻ em, vài ngày rồi khỏi. Người lớn cũng phải có ý thức phòng bệnh, khi thấy trẻ em hoặc người xung quanh mắc bệnh, phải có biện pháp đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc vì bệnh lây qua đường hô hấp. Người lớn khi mắc thủy đậu thường có biến chứng nặng hơn vì thường có bệnh nền. Tuyệt đối không chủ quan để hạn chế các biến chứng do bệnh thủy đậu gây ra.
Để chủ động phòng chống bệnh thủy đậu, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi; Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để tránh lây lan.
Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm từ 7-10 ngày bắt đầu từ khi phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.
Tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu là biện pháp phòng tránh bệnh hiệu quả và lâu dài nhất. Vì vậy, trẻ em và người lớn, đặc biệt là phụ nữ trước khi mang thai hãy tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.
(Báo Đại đoàn kết)
* Hà Nội: Tự ý dùng thuốc xịt mũi có corticoid chữa ngạt, một người nhập viện
Để phòng tránh, người dân chỉ nên sử dụng thuốc corticoid theo đúng chỉ định về liều lượng do bác sĩ kê đơn. Tuyệt đối không đùng các loại thuốc, dược phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ và thành phần không rõ ràng…để tránh các hậu quả khôn lường lâu dài.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thông tin, ngạt tắc mũi kéo dài liên tục là các triệu chứng đặc biệt thường gặp ở bệnh nhân bị viêm mũi mạn tính. Việc tự ý sử dụng các thuốc xịt mũi có corticoid để chữa ngạt tưởng chừng như vô hại nhưng lại mang tới hiểm họa khôn lường.
Thời gian gần đây, Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận một bệnh nhân nam N.H.N. (24 tuổi, Hà Nội) vào viện với triệu chứng ngạt tắc mũi kéo dài gần 10 năm nay, bệnh nhân phải thường xuyên thở bằng miệng trong quá trình sinh hoạt hàng ngày.
Sau đó, bệnh nhân được nhập viện để chuẩn bị cho phẫu thuật chỉnh hình cuốn mũi dưới. Tuy nhiên, ngoài triệu chứng về mũi xoang, khi thăm khám, các bác sĩ khoa Tai Mũi Họng phát hiện bệnh nhân có biểu hiện rất kín đáo của bệnh lý nội tiết giống Hội chứng Cushing như: rậm lông, mặt tròn đỏ, da mỏng, nhiều vết rạn da, yếu và giảm khối lượng cơ gốc chi…
Bệnh nhân sau đó được hoãn phẫu thuật và chuyển khám chuyên khoa Nội tiết để được thăm khám và làm các xét nghiệm hooc- môn. Qua khai thác tiền sử, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân này có một giai đoạn hơn 5 năm liên tục mỗi ngày đều tự ý sử dụng thuốc xịt mũi chống ngạt mũi có hoạt chất chống viêm Dexamethasone.
Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ Cortisol máu của BN lúc 8h sáng ở mứcc rất thấp, (1,5nmol/L, Chỉ số bình thường 166-507nmol/L). Bệnh nhân sau đó được hoãn phẫu thuật để điều trị bệnh lý nội tiết.
Theo bác sĩ chuyên khoa Nội tiết Lưu Thúy Quỳnh, suy thượng thận thứ phát do thuốc là tình trạng giảm tiết cortisol của tuyến thượng thận do sự ức chế từ nồng độ Corticoid cao quá mức cho phép trong máu trong một thời gian dài.
Việc sử dụng tràn lan các sản phẩm thuốc chứa Corticoid như thuốc tân dược, thuốc hít, thuốc xịt và đặc biệt là các thuốc trộn, thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc… là nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng này.
Điều trị bệnh suy thượng thận sau khi được phát hiện cũng cần phải có hướng dẫn rất chi tiết từ phía thầy thuốc và tuân thủ tuyệt đối từ phía người bệnh để không để lại hậu quả lâu dài.
Trường hợp bệnh nhân N.H.N. là cực kì may mắn khi được phát hiện bệnh và can thiệp điều trị kịp thời vì người bệnh có nguy cơ rất cao rơi vào trạng thái suy thượng thận cấp do ngừng thuốc đột ngột có thể dẫn tới suy hô hấp, trụy tim mạch thậm chí tử vong.
Với người dân, đây chính là tiếng chuông cảnh tỉnh trong việc tự ý sử dụng thuốc không theo chỉ định của các nhà chuyên môn gây nên những ảnh hưởng cực kì nguy hại đến sức khỏe.
Để phòng tránh, người dân chỉ nên sử dụng thuốc corticoid theo đúng chỉ định về liều lượng do bác sĩ kê đơn. Tuyệt đối không đùng các loại thuốc, dược phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ và thành phần không rõ ràng… để tránh các hậu quả khôn lường lâu dài.
(Báo Kinh tế &đô thị)
* Hà Nội đẩy mạnh truy quét vi phạm an toàn thực phẩm
Từ đầu năm 2023 cho đến nay, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra
Là địa bàn đông dân với trên 30 vạn người thuộc 18 phường, hiện toàn quận Hai Bà Trưng quản lý 2.618 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Thị Thu Hiền cho rằng, an toàn thực phẩm luôn là vấn đề nóng được xã hội đặc biệt quan tâm vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe của cả cộng đồng. Do đó, quận luôn xác định công tác bảo đảm an toàn thực phẩm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai kịp thời. Cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền quận, 18 phường và sự ủng hộ, đồng tình, đồng thuận của toàn thể nhân dân.
Nhằm thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe nhân dân, thời gian qua, quận Hai Bà Trưng đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra. Cụ thể, từ đầu năm nay cho đến tháng 7-2023, các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của quận và 18 phường đã kiểm tra được 1.217 cơ sở. Qua đó, tiến hành xử lý vi phạm 208 cơ sở với tổng số tiền là hơn 992 triệu đồng.
Các lỗi vi phạm chủ yếu, gồm: Nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; thức ăn không được ngăn chặn bụi bẩn; bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không bảo đảm vệ sinh; không bố trí riêng biệt theo quy định về nơi bảo quản nguyên liệu, thành phẩm, sơ chế, chế biến, đóng gói...
Tương tự, huyện Đông Anh cũng đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm về an toàn thực phẩm. Cụ thể, từ đầu năm 2023 đến nay, huyện đã triển khai 2 đợt kiểm tra cao điểm và hậu kiểm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ các cơ sở cung cấp thực phẩm cho các trường học, các bếp ăn tập thể khu công nghiệp trên địa bàn. Tổng số cơ sở được kiểm tra là 1.645 cơ sở (chiếm 32,6%), qua đó, xử phạt vi phạm hành chính 111 cơ sở với tổng số tiền hơn 253 triệu đồng.
Theo Trưởng phòng Y tế huyện Đông Anh Nguyễn Thành Luân, huyện có khoảng 5.200 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Qua tăng cường thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng của huyện đã kịp thời chấn chỉnh từ những lỗi vi phạm nhỏ nhất như không đeo khẩu trang trong quá trình chế biến thực phẩm; không có ủng hoặc giày, dép sử dụng riêng trong khu vực sản xuất thực phẩm; có côn trùng động vật gây hại… cho đến điều kiện vệ sinh cơ sở chưa bảo đảm; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sơ chế, chế biến thực phẩm...
“Cùng với công tác thanh tra, kiểm tra, huyện đã triển khai các mô hình điểm về kinh doanh dịch vụ ăn uống. Nhờ đó, tạo sự thay đổi về diện mạo của các cơ sở so với trước. Chủ cơ sở đã chủ động bổ sung, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị; tổ chức khám sức khỏe cho bản thân và người lao động tham gia trực tiếp chế biến thực phẩm”, ông Nguyễn Thành Luân nói.
Giống với huyện Đông Anh, quận Bắc Từ Liêm cũng có số lượng lớn cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, lên tới hơn 4.300 cơ sở. Từ đầu năm đến nay, các đợt kiểm tra được triển khai có trọng tâm, trọng điểm; kiểm tra an toàn thực phẩm tại các chợ, cơ sở cung cấp thực phẩm cho nhiều người; các hộ sản xuất, kinh doanh bánh mứt, kẹo; các cơ sở sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy hải sản. Kết quả kiểm tra, giám sát 1.009 cơ sở đã xử phạt vi phạm hành chính 31 cơ sở với số tiền phạt hơn 219 triệu đồng.
Kiên quyết đình chỉ cơ sở không đủ điều kiện
Thực tế cho thấy, trong quá trình triển khai công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn các quận, huyện, thị xã hiện còn gặp phải không ít khó khăn. Cụ thể là địa bàn quản lý rộng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ lớn và thường xuyên thay đổi dẫn đến khó kiểm tra, xử lý. Cùng với đó, việc giám sát an toàn thực phẩm tại các chợ vẫn còn nhiều bất cập. Mặt khác, ý thức chấp hành các quy định pháp luật của nhiều cơ sở chưa cao; việc lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng còn dễ dãi, tạo điều kiện cho thực phẩm không bảo đảm an toàn lưu hành trên thị trường, dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm…
Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm, thời gian tới, UBND quận Bắc Từ Liêm tập trung chỉ đạo triển khai 8 nội dung trọng tâm. Trong đó, quận tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả nhà nước và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm của lãnh đạo chính quyền địa phương, đặc biệt đối với cấp phường; tổ chức truyền thông sâu rộng để nâng cao ý thức của toàn xã hội về an toàn thực phẩm; tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn, hạn chế tối đa thực phẩm không bảo đảm an toàn lưu thông trên thị trường; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm; cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm…
Để phát huy hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, theo Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền, cơ quan chức năng của quận sẽ kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm về an toàn thực phẩm, đồng thời đình chỉ cơ sở không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, quận tiếp tục công khai tên, địa chỉ cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm; nêu gương mô hình sản xuất, quản lý tốt an toàn thực phẩm.
(Báo Hà Nội mới)