* Sản phẩm REISHI KIDS® PROTECT vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo
Trong thời gian vừa qua, qua công tác hậu kiểm việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên internet và môi trường mạng, Cục An toàn thực phẩm phát hiện nhiều vi phạm
Trên một số website, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe REISHI KIDS® PROTECT vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm: Quảng cáo không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định, quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh
Cụ thể trên các đường link: https://mypharma.vn/san-pham/reishi-kids-protect-neo/; https://minizon.vn/san-pham/tang-de-khang-reishi-kids-protect-neo-kids/ quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe REISHI KIDS® PROTECT vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm: Quảng cáo không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định, quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Tại buổi làm việc ngày 14/6/2023, Đại diện Công ty TNHH NEOVITAL Việt Nam (địa chỉ: Số 30, khu giãn dân Đa sỹ, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội) là đơn vị sở hữu Giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm, khẳng định đến thời điểm hiện tại Công ty không thực hiện, không ủy quyền cho tổ chức, cá nhân nào quảng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe REISHI KIDS® PROTECT tại các đường link nêu trên.
Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành. Kết quả xử lý, Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai trên website của Cục tại địa chỉ: https://vfa.gov.vn/ và cổng công khai y tế tại địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/.
Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật về sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe REISHI KIDS® PROTECT trên các đường link nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.
(Báo Kinh tế & đô thị)
* Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận 12,6 nghìn ca mắc tay chân miệng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có hơn 34,9 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 182 trường hợp mắc bệnh viêm não virus; 12,6 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng.
Tổng cục Thống kê cho biết, theo Báo cáo của Bộ Y tế trong tháng (19/5 – 18/6/2023), cả nước có 3.334 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 5.383 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 31 trường hợp sốt phát ban nghi sởi; 56 trường hợp mắc viêm não virus; 2 trường hợp mắc bạch hầu; 3 trường hợp mắc viêm màng não do mô cầu.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có hơn 34,9 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 182 trường hợp mắc bệnh viêm não virus; 12,6 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 119 trường hợp sốt phát ban nghi sởi; 2 trường hợp mắc bạch hầu; 8 trường hợp mắc viêm màng não do mô cầu.
Về dịch bệnh COVID-19 trên thế giới, tính từ cuối tháng 12/2019 đến ngày 28/6/2023 có 690,9 triệu trường hợp mắc COVID-19 trong đó có 6.895,1 nghìn trường hợp tử vong. Mỹ là quốc gia có số ca mắc và tử vong cao nhất trên thế giới.
Tại Việt Nam, trong tháng (từ ngày 21/5-21/6), số ca mắc mới là 16.850 trường hợp và số tử vong là 3 trường hợp. Kể từ ca mắc COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 23/1/2020 đến ngày 28/6/2023, Việt Nam có hơn 11,6 triệu trường hợp mắc, trong đó 10,6 triệu trường hợp đã được chữa khỏi và 43,2 nghìn trường hợp tử vong.
Về công tác tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 tiếp tục được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế đảm bảo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Từ ngày 8/3/2021 đến ngày 19/6/2023, tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 266,5 triệu liều, trong đó tiêm mũi 1 là 90,3 triệu liều; tiêm mũi 2 là 86 triệu liều; mũi bổ sung là 14,3 triệu liều; mũi nhắc lại lần 1 là 58 triệu liều; mũi nhắc lại lần 2 là 17,9 triệu liều.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng chỉ rõ, tổng số người nhiễm HIV của cả nước hiện còn sống tính đến thời điểm 18/6/2023 là 228,5 nghìn người và số người tử vong do HIV/AIDS của cả nước tính đến thời điểm trên là 113,3 nghìn người.
Về ngộ độc thực phẩm, trong tháng 6 xảy ra 17 vụ với 158 người bị ngộ độc (2 trường hợp tử vong). Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 51 vụ với 771 người bị ngộ độc (11 người tử vong).
(Báo Sức khỏe & đời sống)
* Gia Lâm tập trung tuyên truyền về an toàn thực phẩm
An toàn thực phẩm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng đến các vấn đề kinh tế, thu nhập, việc làm, an sinh xã hội.
Với mục tiêu nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn, huyện Gia Lâm đã tích cực thực hiện các đợt tập huấn, tuyên truyền cho các bếp ăn tập thể, trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đồ uống, thức ăn đường phố tại các xã, thị trấn về quy định của pháp luật, các tiêu chí bảo đảm an toàn thực phẩm. Nhờ đó, ý thức tự giác chấp hành của người sản xuất, kinh doanh được nâng cao.
Cập nhật các quy định về an toàn thực phẩm
Những năm qua, huyện Gia Lâm luôn chú trọng cập nhật, triển khai thực hiện nội dung các văn bản quy phạm pháp luật mới về an toàn thực phẩm; tuyên truyền, tập huấn về các tiêu chí an toàn thực phẩm, các nguy cơ ngộ độc thực phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của bếp ăn tập thể, các cơ sở dịch vụ ăn uống, cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố… trên địa bàn.
Toàn huyện hiện có 9.498 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, ăn, uống và lĩnh vực y tế, trong đó có 158 cơ sở sản xuất, 9.340 cơ sở kinh doanh; 1 trung tâm thương mại, 3 siêu thị, 28 chợ.
Cùng với tuyên truyền về an toàn thực phẩm đến cán bộ tại các cơ quan, đơn vị, hội viên của các tổ chức, đoàn thể và nhân dân trên địa bàn, các ngành chức năng của huyện và các xã, thị trấn còn thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, chủ và nhân viên trực tiếp sản xuất, chế biến, nấu ăn tại các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đá viên, cà phê, giải khát, trà đá, trà sữa, nhà hàng, cửa hàng ăn uống, thức ăn đường phố…, góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung toàn huyện.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Hoàng thông tin, huyện có vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, VietGAP rộng hơn 2.265,3ha, chuyên trồng rau, củ, quả các loại, sản lượng trung bình 5.500-5.800 tấn/tháng; 2.590 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm (trâu, bò, gà, lợn...) với tổng đàn 344.227 con, cho sản lượng trung bình 1.478 tấn thịt hơi/tháng. Đây là nguồn cung thực phẩm cho nhân dân địa phương, thành phố và vùng lân cận. Do đó, vấn đề sản xuất, chế biến nông sản an toàn, cung cấp cho người tiêu dùng luôn được huyện chú trọng. Bởi, an toàn thực phẩm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng đến các vấn đề kinh tế, thu nhập, việc làm, an sinh xã hội.
Thời gian qua, các xã, thị trấn của Gia Lâm luôn tích cực tuyên truyền để nông dân hiểu, không lạm dụng hóa chất trong trồng trọt, không trộn chất phụ gia trong chăn nuôi, chế biến, bảo quản nông sản; hộ sản xuất, kinh doanh được hướng dẫn kiến thức về chế biến, kinh doanh thực phẩm, giải pháp quản lý an toàn thực phẩm hiệu quả…, góp phần bảo vệ sức khỏe của cả người sản xuất và người tiêu dùng.
Còn Trưởng phòng Y tế huyện Gia Lâm Bùi Thu Hường cho biết, công tác an toàn thực phẩm được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến các xã, thị trấn quan tâm, ban hành và triển khai kịp thời, bài bản, đúng quy định các văn bản chỉ đạo. Từ đầu năm đến nay, huyện Gia Lâm đã tổ chức nhiều đợt tập huấn kiến thức về vệ sinh, an toàn thực phẩm cho gần 1.300 lượt người tham gia sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho hơn 200 cơ sở; xét nghiệm vi sinh, xét nghiệm nhanh 1.123 mẫu thực phẩm; toàn huyện không xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Chú trọng các bếp ăn tập thể
Cùng với bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh ăn, uống, thức ăn đường phố, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục có tổ chức ăn bán trú, các nhóm lớp mầm non tư thục được huyện Gia Lâm đặc biệt chú trọng.
Trưởng phòng Y tế huyện Gia Lâm Bùi Thu Hường khẳng định, việc bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe tại các trường học, bếp ăn tập thể rất quan trọng. Do đó, huyện đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tập huấn về an toàn thực phẩm cho đại diện ban giám hiệu, cán bộ y tế trường học, công đoàn trường; người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm, nhân viên nấu trực tiếp tại các công ty, đơn vị cung cấp suất ăn cho các trường tiểu học trên địa bàn các xã, thị trấn…, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể.
Từ đầu năm đến nay, đơn vị chức năng huyện Gia Lâm đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm cho các thành viên ban chỉ đạo, đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm huyện; lãnh đạo UBND, công chức tư pháp, công chức văn hóa, trưởng trạm y tế, viên chức trạm y tế xã, thị trấn phụ trách chương trình an toàn thực phẩm và 6 lớp tập huấn tại các xã, thị trấn về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm cho chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; 3 lớp tập huấn tại các bếp ăn tập thể.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng, các xã, thị trấn tăng cường tập huấn về an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về vệ sinh, an toàn thực phẩm, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời, lực lượng chức năng huyện và các xã, thị trấn cũng tập trung tổ chức các đợt kiểm tra đột xuất về bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.
(Báo Hà Nội mới)