* 258.000 liều vaccine 5 trong 1 về Việt Nam để tiêm miễn phí cho trẻ
Theo tin mới nhất, 185.700 liều vaccine 5 trong 1 do WHO và UNICEF tặng Việt Nam đã về đến Hà Nội hôm nay. Số vaccine này sẽ được kiểm định sau đó phân bổ cho các địa phương để phục vụ công tác tiêm chủng mở rộng cho trẻ em.
Chiều 27/7, tại trụ sở Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã dự và chứng kiến lễ tiếp nhận 72.300 vaccine DPT-VGB-Hib (vaccine 5 trong 1) ủng hộ chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ em nghèo miền núi phía Bắc.
Tại buổi lễ tiếp nhận, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, theo tin mới nhất, 185.700 liều vaccine 5 trong 1 do WHO và UNICEF tặng Việt Nam đã về đến Hà Nội hôm nay. Số vaccine này sẽ được kiểm định sau đó phân bổ cho các địa phương để phục vụ công tác tiêm chủng mở rộng cho trẻ em.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nêu rõ, chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai nhiều năm nay ở nước ta đã góp phần khống chế và loại trừ, ngăn không cho bệnh truyền nhiễm quay trở lại. Trong chương trình tiêm chủng mở rộng, Việt Nam hiện đã sản xuất được 9 loại, còn 2 loại nhập khẩu.
Tuy nhiên, thời gian qua do dịch Covid-19 dẫn đến đứt gãy nguồn cung và chính sách về phân cấp ngân sách nên đã có giai đoạn chuyển đổi, do vậy có ‘độ trễ’ trong cung ứng vaccine nhập khẩu.
Theo Nghị quyết định 98 của Chính phủ, Trung ương mua vaccine, phân bổ cho địa phương. Thời gian qua, để kịp thời đáp ứng đủ nhu cầu vaccine 5 trong 1 nhằm triển khai tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi để phòng các bệnh truyền nhiễm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não do Hib.
Bộ Y tế đã chủ động trao đổi với các Tổ chức quốc tế WHO, UNICEF cũng như các đơn vị liên quan trong nước và đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của Ngân hàng Sacombank, WHO, UNICEF.
“Vaccine này đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, cấp phép nhập khẩu, kiểm định đảm bảo chất lượng, an toàn. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có hướng dẫn về tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, sử dụng… và tổ chức tập huấn cho các địa phương. Ngay sau khi vaccine được phân bổ, vận chuyển về đến địa phương, các tỉnh cần triển khai tiêm ngay cho trẻ”- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nói.
Tại lễ tiếp nhận, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương giao Cục Y tế dự phòng và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong công tác tiêm chủng mở rộng để đảm bảo tiêm chủng an toàn. “Bộ Y tế luôn đồng hành cùng các địa phương để tháo gỡ các khó khăn trong công tác tiêm chủng mở rộng”- Thứ trưởng nhấn mạnh.
Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Dương Thị Hồng cho biết, vaccine 5 trong 1 do Sacombank tài trợ là vaccine SII - đã được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng nhiều năm qua.
Ngay ngày mai xe chuyên dụng sẽ vận chuyển vaccine đến những tỉnh, thành khó khăn, miền núi thuộc khu vực miền Bắc, là các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với tiêm chủng dịch vụ để tiến hành tiêm cho trẻ từ đầu tháng 8/2023.
“Về triển khai tiêm chủng, các địa phương đã chủ động rà soát đối tượng trẻ ≥ 2 tháng tuổi chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi vaccine có thành phần bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib.
Tổ chức tiêm bù vaccine cho trẻ trong tiêm chủng thường xuyên tại các trạm y tế xã/phường, ưu tiên vaccine tiêm chủng trẻ chưa được tiêm mũi 1 vaccine DPT-VGB-Hib và trẻ càng nhỏ càng cần được ưu tiên tiêm chủng”- bà Hồng nói.
(Báo Kinh tế & đô thị)
* Khám, chữa bệnh từ xa: Nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở
Việc triển khai phần mềm y tế từ xa "Bác sĩ cho mọi nhà" từ năm 2020 đã thay đổi việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, góp phần giúp nâng cao năng lực của cán bộ y tế.
Theo đó, sáng kiến y tế từ xa "Bác sĩ cho mọi nhà" minh chứng vai trò của chuyển đổi số trong việc thúc đẩy bình đẳng về tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam. Đây là nhận định chung của đại biểu tham gia Hội thảo chia sẻ kết quả triển khai chương trình tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở sử dụng phần mềm "Bác sĩ cho mọi nhà" do Bộ Y tế phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) vừa tổ chức tại Hà Nội.
Việc triển khai phần mềm sáng tạo này đã thay đổi việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng cách trao quyền cho người bệnh lựa chọn và đặt hẹn với các cán bộ y tế vào thời điểm phù hợp nhất. Người dân có nhu cầu khám, chữa bệnh có thể nhận được sự chăm sóc y tế kịp thời từ trạm y tế xã với sự tư vấn của bác sĩ tuyến trên thông qua kết nối trực tuyến sử dụng ứng dụng “Bác sĩ cho mọi nhà". Cách tiếp cận này không chỉ giảm chi phí cho người bệnh khi được chăm sóc y tế từ xa mà còn nâng cao năng lực của cán bộ y tế tại trạm y tế xã, thúc đẩy hệ thống chăm sóc sức khỏe linh hoạt hơn.
Từ tháng 11/2022, phần mềm "Bác sĩ cho mọi nhà" đã được cài đặt và triển khai tại 1.403 cơ sở y tế cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã tại 5 tỉnh, tất cả đều được kết nối thông suốt với Trung tâm dữ liệu của Bộ Y tế. Chương trình cũng đã thiết lập các phòng chức năng tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại 75 trạm y tế xã có nguy cơ cao thông qua việc trang bị 75 bộ máy tính để bàn, webcam microphone và loa ngoài với chất lượng tốt để đảm bảo dịch vụ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa hiệu quả.
GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay: Sáng kiến y tế từ xa này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cán bộ y tế, với 4.900 cán bộ ở cấp tỉnh, huyện và xã được đào tạo để sử dụng ứng dụng "Bác sĩ cho mọi nhà" một cách hiệu quả. Chương trình cũng đạt được những kết quả ấn tượng từ người dân trong cộng đồng, với 755.000 tài khoản cho người dân đã được tạo, khoảng 28.000 yêu cầu hẹn khám đã đặt thông qua hệ thống này tính đến tháng 6/2023.
Một trong những điểm nổi bật chính của dự án này là tiềm năng mang lại những cải tiến rõ rệt trong việc tiếp cận và kết quả chăm sóc sức khỏe không chỉ trong bối cảnh Covid-19. Chiến lược này giúp kiểm soát dịch bệnh, giảm quá tải ở các cơ sở y tế tuyến trên, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến dưới. Việc đảm bảo chuyển tuyến kịp thời và sự chỉ đạo liên tục của các cơ sở y tế và các bác sĩ chuyên khoa tuyến trên khi có yêu cầu sẽ mang lại kết quả chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dân.
Hiện Bộ Y tế đã xây dựng, triển khai phần mềm quản lý hồ sơ bệnh án điện tử tại các cơ sở y tế, cơ sở khám, chữa bệnh; hình thành hạ tầng kỹ thuật của các nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (VTelehealth), nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử (VHR) và bắt đầu triển khai tại các đơn vị, địa phương...
(Báo Đại đoàn kết)
* Quy hoạch mạng lưới y tế quốc gia phải phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội từng vùng, từng địa phương
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao nỗ lực của Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan trong quá trình lập quy hoạch mạng lưới y tế quốc gia. Đây là nhiệm vụ khó, vừa phải nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ, KCB cho người dân, vừa thực hiện sắp xếp, kiện toàn bộ máy, tổ chức, tinh giản biên chế.
Tại cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra sáng 28/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế là một quy hoạch ngành rất quan trọng, nhằm thực hiện các quan điểm, chủ trương, mục tiêu của Đảng, Nhà nước về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã được thể chế, cụ thể hóa trong các luật, chiến lược đã được ban hành.
Vì vậy, Quy hoạch cần phân tích rõ hiện trạng mạng lưới cơ sở y tế hiện nay gồm: Những kết quả tích cực cần thúc đẩy, phát huy; các yếu kém, hạn chế do nhận thức chưa đầy đủ, chưa có sự quan tâm đầu tư thích đáng; những vấn đề mới đặt ra trong tình hình hiện nay như ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Theo Phó Thủ tướng, Quy hoạch phải thể hiện được tiến bộ, đột phá về nhận thức, giải pháp để khắc phục tồn tại, yếu kém, từ đó đề ra định hướng đầu tư, chính sách thu hút nguồn lực của Nhà nước và xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ, khám, chữa bệnh (KCB) của người dân. Từ đó, phát triển mạng lưới cơ sở y tế thành hệ sinh thái tương tác lẫn nhau.
Phó Thủ tướng nêu rõ: Thông qua Quy hoạch, ngành y tế cần xác định rõ những nhiệm vụ, mục tiêu phải thực hiện để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ, KCB ngày càng cao của nhân dân, với sự vào cuộc của xã hội, các cấp, các ngành chứ không chỉ riêng ngành y tế.
Đề xuất nâng cấp, đầu tư một số BV đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh đảm nhận chức năng vùng
Báo cáo của đơn vị tư vấn lập Quy hoạch cho biết khả năng tiếp cận tới bệnh viện (BV) Trung ương ở một số vùng kinh tế-xã hội rất thấp như vùng Tây Nguyên không có BV Trung ương, Đồng bằng sông Cửu Long có 14 tỉnh nhưng chỉ có 1 BV Trung ương; 80% người dân tiếp cận dịch vụ y tế cấp chuyên sâu ở tuyến Trung ương với thời gian trung bình khoảng 3,5 giờ.
Năng lực của một số BV tuyến tỉnh còn hạn chế khi có khoảng 1/3 bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại BV Trung ương có thể điều trị tại tuyến tỉnh; 80% bệnh nhân đến KCB tại BV Trung ương không tin tưởng chất lượng dịch vụ y tế ở tuyến dưới. Hiện chỉ có 32,8% trung tâm y tế/BV huyện, 27,6% trạm y tế xã thực hiện được trên 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến chuyên môn.
Quy hoạch đề xuất nâng cấp, đầu tư một số BV đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh đảm nhận chức năng vùng gồm 20 BV đa khoa, bổ sung 7 BV đa khoa mới ở vùng có địa bàn rộng, khó khăn trong tiếp cận BV tuyến Trung ương (Trung du và Miền núi phía bắc) và vùng có mật độ dân số cao (Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ), 20 BV chuyên khoa.
Bên cạnh đó, 5 BV hạng đặc biệt sẽ được nâng cấp thành BV hiện đại ngang tầm một số nước trong khu vực và quốc tế để giảm số người Việt Nam phải ra nước ngoài, thu hút người nước ngoài đến KCB tại Việt Nam.
Định hướng phát triển khu vực y tế ngoài công lập tập trung cung cấp dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao, KCB theo yêu cầu, khuyến khích hợp tác công-tư, đầu tư tư nhân; mở rộng quy mô giường bệnh của các BV tư nhân đạt 10% tổng số giường bệnh cả nước vào năm 2025, 15% vào năm 2030 và 25% vào năm 2050.
Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 35 giường bệnh, 15 bác sĩ, 3,4 dược sĩ đại học, 25 điều dưỡng trên 10.000 dân; đến năm 2030 là 35 giường bệnh, 19 bác sĩ, 4 dược sĩ đại học, 33 điều dưỡng; năm 2050 là 45 giường bệnh, 35 bác sĩ, 4,5 dược sĩ đại học, 90 điều dưỡng.
Hướng đến người dân được tiếp cận thuận lợi các dịch vụ y tế, bao gồm cả chuyên sâu và cơ bản
Trong lĩnh vực y tế dự phòng, y tế công cộng, Quy hoạch đưa ra phương án đầu tư, hiện đại hóa 1 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Trung ương, 3 CDC vùng, nhằm khắc phục tình trạng thiếu đơn vị điều phối cấp quốc gia để kết nối giữa các CDC tỉnh/thành phố và mạng lưới CDC quốc tế.
Năng lực cho các CDC tỉnh cũng cần được cải thiện mạnh mẽ khi 32% đơn vị không chẩn đoán được mầm bệnh đặc biệt nguy hiểm, 75% có phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 2…
Quy hoạch cũng đề xuất phương án đầu tư, nâng cấp các trung tâm kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, kiểm định và hiệu chuẩn trang thiết bị y tế; tăng cường năng lực cơ sở giám định y khoa, giám định pháp y và pháp y tâm thần, mạng lưới cơ sở y tế trong lĩnh vực dân số (sản/sản nhi, lão khoa)…
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là người dân được tiếp cận thuận lợi tới các dịch vụ y tế, bao gồm cả chuyên sâu và cơ bản; có sự kết nối giữa mạng lưới cơ sở y tế quốc gia với mạng lưới cơ sở y tế địa phương, kết nối với khu vực và quốc tế; đảm bảo an ninh y tế, ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp; kế thừa, tận dụng tối đa các cơ sở hạ tầng hiện có, tránh lãng phí, có tính khả thi. Quy hoạch đảm bảo sự phát triển theo hướng tiên tiến và hội nhập quốc tế về chuyên môn kỹ thuật trong lĩnh vực y tế.
Không cào bằng trong phát triển mạng lưới cơ sở y tế
Qua các ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao nỗ lực của Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan trong quá trình lập quy hoạch mạng lưới y tế quốc gia. Đây là nhiệm vụ khó, vừa phải nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ, KCB cho người dân, vừa thực hiện sắp xếp, kiện toàn bộ máy, tổ chức, tinh giản biên chế.
Phân tích về định hướng quy hoạch BV ngành theo hướng chuyên sâu hay chuyển về địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế, đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp, thống nhất phương pháp luận, cơ sở khoa học, tiêu chí để sắp xếp đúng vị trí, vai trò của các cơ sở y tế trong mạng lưới.
Trao đổi một số vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng cho rằng sau đại dịch COVID-19 làm bộc lộ không ít bất cập, hạn chế về tính khả thi, chưa tổ chức thực hiện thành công quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế trước đây, nhất là trong lĩnh vực y tế dự phòng, y tế tuyến cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu, y học cổ truyền…
"Để bảo đảm tính tĩnh và động, đóng và mở, Quy hoạch bao trùm cả địa giới hành chính lẫn vùng địa lý tự nhiên khác nhau, hệ thống cơ sở y tế chuyên khoa, chuyên sâu, mạng lưới kiểm định, kiểm chuẩn thuốc, mỹ phẩm, thậm chí cả hoạt động bảo quản, vận chuyển, phân phối thuốc… Đồng thời chỉ rõ những lĩnh vực thiết yếu cơ bản, những lĩnh vực mới cần tập trung phát triển trong tương lai như các bệnh viện, nghiên cứu khoa học, đào tạo kỹ thuật chuyên sâu...", Phó Thủ tướng nói.
Quy hoạch cũng cần làm rõ hơn vai trò, vị trí, phạm vi hoạt động của các cơ sở công lập, ngoài công lập; các tuyến y tế Trung ương, vùng, địa phương; định hướng cho địa phương đưa ra tiêu chí tái cơ cấu tổ chức, tăng cường năng lực của y tế cơ sở (y tế dự phòng, y tế trường học, y học cổ truyền…); kết hợp hoạt động quân dân y trong các cơ sở y tế của quân đội, công an.
Phó Thủ tướng nêu rõ: Không cào bằng trong phát triển mạng lưới cơ sở y tế mà phải phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, địa lý tự nhiên của từng vùng, từng địa phương. Đơn cử, những khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đi lại không thuận lợi, Nhà nước phải đầu tư hệ thống cơ sở y tế đầy đủ, đồng bộ, hỗ trợ lẫn nhau giữa các tuyến khác với các thành phố, đô thị lớn, vùng nông thôn có nhiều cơ sở công lập, ngoài công lập, giao thông thuận tiện.
Nhấn mạnh vai trò ngày càng lớn của khu vực y tế ngoài công lập, Phó Thủ tướng cho rằng Quy hoạch phải tạo đột phá về cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ những cản trở hiện nay, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa xã hội hóa y tế, nhất là tại khu vực có trình độ phát triển, người dân có nhu cầu cao và khả năng chi trả các dịch vụ KCB theo yêu cầu.
"Y tế công lập và ngoài công lập là hai mảnh ghép để ngành y tế hoàn thành sứ mệnh của mình", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến cụ thể về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để người dân có thể tiếp cận từ xa những bác sĩ giỏi nhất, phương pháp điều trị tốt nhất, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo; khuyến khích thành lập các trung tâm cấp cứu tư nhân; phát triển y tế thành một ngành kinh tế thông qua việc xây dựng những trung tâm phức hợp nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng công nghệ cao trong một số lĩnh vực đột phá về kỹ thuật điều trị, sản xuất dược phẩm…
(Báo Sức khỏe và đời sống)
* Khuyến khích người dân đi khám sớm để phát hiện virus viêm gan
Ngày Viêm gan thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày 28/7 để nâng cao nhận thức của người dân về bệnh viêm gan virus và chung tay hành động nhằm đẩy lùi, tiến tới thanh toán các bệnh do virus viêm gan gây ra vào năm 2030.
Nhiều người không biết mình nhiễm bệnh
Theo Tổ chức Y tế thế giới mỗi năm có khoảng 3 triệu ca mắc mới và 1 triệu ca tử vong mỗi năm do virus viêm gan B và C. Tuy nhiên, chỉ khoảng 10% trường hợp viêm gan B được chẩn đoán, trong đó 22% được điều trị; tương tự 21% bệnh nhân viêm gan C được chẩn đoán, trong số đó chỉ 62% được điều trị. Trên toàn cầu chỉ có 42% trẻ em được tiêm liều viêm gan B sau sinh.
Tại Việt Nam có 8 - 10% dân số mắc viêm gan B tương đương khoảng 8 - 10 triệu người. Bệnh viêm gan B không biểu hiện ra triệu chứng bên ngoài (trừ viêm gan B cấp hoặc đợt cấp của viêm gan B mạn). Vì vậy, nhiều người không đi khám và không phát hiện được mình bị nhiễm virus viêm gan B. Nếu không được kiểm soát tốt, nhiều người trong số đó sẽ tiến triển thành xơ gan hoặc ung thư gan.
Chủ đề của Ngày Viêm gan thế giới năm nay là “Chúng ta không nên chờ đợi”, tức là người dân cần được khuyến khích đi khám, xét nghiệm sàng lọc để phát hiện virus viêm gan, từ đó được quản lý theo dõi và điều trị sớm, tránh biến chứng xơ gan, ung thư gan.
Phụ nữ trước khi kết hôn hoặc khi có thai nên được sàng lọc xem có bị nhiễm virus viêm gan B hay không để được theo dõi, quản lý và điều trị dự phòng lây truyền mẹ sang con.
Hiện nay tỷ lệ lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con vẫn rất lớn, đa số là do phụ nữ có thai không được sàng lọc viêm gan B và khi trẻ sinh ra không được tiêm kháng huyết thanh và vaccine viêm gan B, hậu quả là trẻ sẽ bị nhiễm virus từ lúc còn nhỏ để lại gánh nặng bệnh tật rất lớn sau này.
Triệu chứng âm thầm, kín đáo
Hàng ngày, Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận nhiều bệnh nhân đến khám và nhập viện nhưng không biết bị nhiễm virus viêm gan B, C vì đa số có triệu chứng âm thầm, kín đáo, khi đến bệnh viện đã có biến chứng xơ gan thậm chí ung thư gan.
Mặc dù các bệnh nhân viêm gan hiện nay đều được phát hiện, quản lý và theo dõi định kỳ tại phòng khám chuyên khoa hoặc được uống thuốc theo chương trình bảo hiểm y tế nhưng một số bệnh nhân sau một thời gian uống thuốc thấy đỡ nên đã tự ý bỏ thuốc dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như suy gan cấp, xơ gan mất bù, ung thư gan…
Mới đây, Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn K. (64 tuổi, Hà Nam) vào Trung tâm với triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, vàng da. Bệnh nhân phát hiện xơ gan - viêm gan mạn cách đây một năm, điều trị thuốc kháng virus tại tuyến tỉnh thấy có đỡ, tuy nhiên 6 tháng nay bệnh nhân bỏ không uống thuốc.
Người nhà bệnh nhân cho biết, trước khi nhập viện một tuần, bệnh nhân mệt mỏi, ăn ngủ kém, đầy bụng. Bệnh nhân đang điều trị tiểu đường nên vào Bệnh viện Nội tiết khám, xét nghiệm thấy men gan tăng cao nên được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm gan mạn, biến chứng xơ gan, suy gan…, tiên lượng bệnh rất khó khăn.
Các bác sĩ Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho biết, việc điều trị viêm gan B là điều trị suốt đời nên bệnh nhân cần được theo dõi, quản lý chặt chẽ bởi bác sĩ chuyên khoa. Nếu ngừng thuốc, bỏ thuốc thì virus sẽ bùng lên dẫn tới suy gan cấp. Rất nhiều bệnh nhân đến Trung tâm do bỏ thuốc, không tuân thủ điều trị với các triệu chứng vàng da, vàng mắt, biểu hiện xơ gan, men gan cao và suy gan.
Các bác sĩ lưu ý, bệnh viêm gan B đã có vaccine phòng bệnh. Do vậy, các bệnh nhân cần được sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Thuốc điều trị viêm gan B và C hiện nay đã được Bảo hiểm y tế chi trả nên bệnh nhân không phải lo lắng nhiều về giá thành điều trị. Điều quan trọng là người dân phải nhận thức được mức độ nguy hiểm của viêm gan với sức khỏe, thực hiện theo khuyến cáo của các chuyên gia.
Để phòng bệnh và quản lý theo dõi, điều trị tốt bệnh viêm gan B, C người dân cần chủ động đi xét nghiệm, sàng viêm gan B, C xem có bị mắc bệnh không để có kế hoạch quản lý, theo dõi và điều trị phù hợp.
Người đã có bệnh về gan thì tuyệt đối không được dùng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ; đặc biệt là thuốc nam, thuốc Đông y không rõ nguồn gốc.
(Báo Tin tức)