* Hiếm gặp: Cô gái ở Hà Nội có tới 3 quả thận
Do mỗi khi đi tiểu thường bị đau rát, màu đục, có mùi hôi nên cô gái trẻ 25 tuổi ở Thạch Thất (Hà Nội) vào bệnh viện khám, kết quả bất ngờ phát hiện cô có tới 3 quả thận…
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất (Hà Nội) ngày 28-7 cho biết, các bác sĩ của bệnh viện này vừa phối hợp cùng với chuyên gia từ Bệnh viện E đã phẫu thuật cắt bỏ một thận phụ cho nữ bệnh nhân trẻ.
Bệnh nhân là P.T.D. (25 tuổi, ở xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng đau tức bụng và vùng thắt lưng, mỗi khi đi tiểu thường bị đau rát, màu đục, tiểu khó, có mùi hôi.
Sau khi làm các xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm, chụp CT hệ tiết niệu, các bác sĩ xác định chị D. có dị tật thận niệu quản đôi bên phải, nhiễm trùng đường tiết niệu.
Bác sĩ Khoa Ngoại của Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất đã phối hợp cùng với TS.BS Nguyễn Đình Liên - Trưởng khoa Ngoại tiết niệu - Nam học (Bệnh viện E) thực hiện thành công kỹ thuật phức tạp nội soi cắt thận phụ bên phải cho chị D. Sau một tuần điều trị, bệnh nhân ổn định và được ra viện.
Theo các bác sĩ, người bình thường sẽ có 2 quả thận, mỗi quả nằm ở một bên cơ thể. Ở người mắc chứng thận đôi, một bên cơ thể họ sẽ có đến 2 quả thận thay vì 1.
Bác sĩ Nguyễn Đức Thảo, Trưởng Khoa Ngoại - Bệnh viện Thạch Thất cho biết, thận đôi là bất ổn bẩm sinh ở thận, thường không có biểu hiện. Bệnh nhân chỉ phát hiện ra bệnh khi có triệu chứng đau hông, lưng và phần thận trên ứ nước nhiễm khuẩn.
Với những trường hợp này, cần phải cắt thận phụ, tức phần thận mất chức năng.
(Báo An ninh Thủ đô)
* Ngành Y tế vượt, đạt nhiều chỉ tiêu về chăm sóc sức khoẻ, tỷ lệ hài lòng của người bệnh tăng lên 90%
Theo thông tin mới nhất của Bộ Y tế, thời gian qua ngành đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu về chăm sóc sức khoẻ, trong đó có tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân ước đạt 12,5 bác sĩ, vượt chỉ tiêu được giao; tỷ lệ sự hài lòng của người bệnh ước đạt 90%, vượt chỉ tiêu đề ra...
Những con số trên được Bộ Y tế đưa ra tại Kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2024 của Bộ.
Ngành y tế nỗ lực đạt và vượt nhiều chỉ tiêu
Tại Kế hoạch này, Bộ Y tế đánh giá tình hình thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2023, xây dựng Kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2024, trong đó nêu rõ, trong các chi tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 theo Nghị quyết số 68/2022/QH15 ngày 10/11/2022 của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ, ngành y tế được giao 3 chỉ tiêu chủ yếu là:
- Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt 12 bác sĩ, kết quả thực hiện 6 tháng thống kê sơ bộ là 12 bác sĩ; ước thực hiện cả năm là 12,5 bác sĩ, vượt chỉ tiêu được giao.
- Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 32 giường bệnh, kết quả thực hiện 6 tháng thống kê sơ bộ là 31,5 giường bệnh; ước thực hiện cả năm là 32 giường bệnh, đạt chi tiêu được giao.
- Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,2% dân số. Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến 30/6/2023 thực hiện là 92% dân số; ước thực hiện cả năm là 93,2% dân số, phấn đấu đạt chỉ tiêu được giao (theo như các năm trước tỷ lệ đóng BHYT tăng vào cuối năm)
Theo Bộ Y tế, các chỉ tiêu khác như tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh, số dược sĩ đại học trên vạn dân, số điều dưỡng trên vạn dân, tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao/tuổi) đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Điều đáng nói, theo Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm sơ bộ tỷ lệ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế trong năm nay là 90%, ước đạt trong năm nay cũng là 90%, trong khi chỉ tiêu đề ra là trên 80%.
Thực tế cho thấy công tác đo lường sự hài lòng của người bệnh trong các bệnh viện được thực hiện thường quy tại các bệnh viện trong nhiều năm nay. Kết quả này dựa trên việc nhập dữ liệu của các bệnh viện theo thông tin trên Mẫu phiếu khảo sát sự hài lòng người bệnh nội trú và nhân viên y tế.
Mẫu phiếu dành cho người bệnh đánh giá sử dụng dịch vụ y tế dựa trên khả năng tiếp cận, sự minh bạch thông tin và thủ tục khám bệnh điều trị, cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ người bệnh, thái độ ứng xử và năng lực chuyên môn của nhân viên y tế, kết quả cung cấp dịch vụ.
Theo số liệu phần mềm trực tuyến của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, trong năm đã có hơn 1 triệu phiếu khảo sát được cập nhật lên. 3 địa phương có số phiếu khảo sát nhập lên nhiều nhất là TPHCM, Hà Nội, Đắk Lắk…
Bộ Y tế cũng cho hay, 6 tháng đầu năm, Bộ Y tế đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực cấp phép lưu hành thuốc, trang thiết bị y tế. Duy trì dịch vụ công cấp độ IV tất cả dịch vụ công của Bộ Y tế. Hoàn thành việc cập nhật, công khai các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi của Bộ Y tế trên Hệ thống cơ sở dữ liệu của Văn phòng Chính phủ; Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giảm sát, kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc, xử lý các vi phạm.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Y tế triển khai tổng số 33 cuộc thanh tra, kiểm tra (có 11 cuộc thanh tra, 22 cuộc kiểm tra). Về xử lý vi phạm: Tổng số quyết định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành 28 quyết định; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 2.770.000.000 đồng...
Tỷ lệ chi tiền túi từ hộ gia đình cho chăm sóc sức khỏe vẫn ở mức cao
Tuy nhiên, trong bản kế hoạch này, Bộ Y tế cũng đã chỉ ra những khó khăn, hạn chế như vướng mắc trong việc mua sắm, đấu thầu, xã hội hóa, sử dụng tài sản công, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc… Vaccine cho tiêm chủng mở rộng chậm được cung cấp, giá vaccine chưa được điều chỉnh trong nhiều năm.
Số lượng hồ sơ đăng ký thuốc lũy kế qua nhiều năm còn lớn, chưa được giải quyết dứt điểm. Công nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế trong nước còn hạn chế, mới chỉ sản xuất được một số trang thiết bị y tế thông dụng, hàm lượng công nghệ còn thấp, độ tin cậy chưa cao
Một số dịch bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, bạch hầu vẫn còn ở mức có nguy cơ cao...
Chất lượng dịch vụ y tế giữa các tuyến, các vùng miền còn chênh lệch lớn. Số lượng và chất lượng dịch vụ của y tế cơ sở, đặc biệt là các huyện vùng khó khăn, ở trạm y tế cấp xã vẫn còn hạn chế. Chất lượng dịch vụ y tế tại các bệnh viện có sự cải thiện nhưng đang có tình trạng chỉ định dịch vụ quá mức cần thiết.
Bộ Y tế cho hay, vẫn còn nhiều bệnh viện/trung tâm y tế cấp huyện bị xuống cấp, hư hỏng hoặc đang bị quá tải, cần phải được xây mới hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng. Về tài chính y tế, tỷ lệ chi tiền túi từ hộ gia đình vẫn ở mức cao (43% tổng chi y tế). Việc thực hiện cơ chế tự chủ của một số bệnh viện gặp nhiều khó khăn do chưa hoàn thiện về hành lang pháp lý....
Quản lý chất lượng đào tạo nhân lực y tế chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế, cũng như tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết Trung ương, chưa tăng cường, bố sung chính sách đặc thù trong đào tạo nhân lực y tế, chưa xác định rõ vai trò quản lý nhà nước của Bộ Y tế trong đào tạo nhân lực y tế...
(Báo Sức khỏe và đời sống)
* Gia tăng tai nạn thương tích
Thông tin từ Bệnh viện E cho biết, những ngày gần đây bệnh viện liên tục cấp cứu và điều trị cho nhiều người trẻ bị tai nạn thương tích trong sinh hoạt.
Gần đây nhất, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao (Bệnh viện E) đã cấp cứu và phẫu thuật xử lý khâu nối gân tay thành công cho một cô gái (17 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị máy xay đa năng cắt vào tay.
ThS.BS Phạm Sơn Tùng - Khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình và y học thể thao (Bệnh viện E) cho biết, người bệnh nhập viện trong tình trạng đa vết thương phần mềm bàn tay phải do máy xay đa năng gây nên. Vết dao của máy xay đã cắt 7 vết thương vào cổ tay và bàn tay bệnh nhân. Các vết thương bị cắt rộng khác nhau, gây đứt nhiều gân trong đó có gân cơ duỗi ngón cái dài - đây là gân rất quan trọng, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến vận động ngón tay của cô gái sau này.
Ca mổ cấp cứu ngay trong đêm. Dự kiến, người bệnh phải điều trị ít nhất 10 ngày tại khoa Phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao nhằm theo dõi biến chứng và sự vận động của bàn tay.
Theo BS Tùng, do vết thương nằm ở bàn tay phải lại cắt vào nhiều gân nên việc tập phục hồi chức năng rất khó khăn. Trong giai đoạn đầu người bệnh chỉ có thể được vận động thụ động. Đến khi gân liền, vết thương cắt chỉ mới được tập gấp duỗi chủ động. Đặc biệt, vết thương nằm ở ngón cái, ngón trỏ bàn tay phải thường xuyên phải sử dụng nên dễ xuất hiện nguy cơ dính gân, nhiễm trùng hoặc đứt gân trở lại, co rút gân là rất cao.
Người nhà bệnh nhân cho biết, cô gái đặt chiếc máy xay đa năng trên mạng và đang tiến hành lắp đặt để sử dụng. Do chưa bao giờ sử dụng loại máy này nên trong quá trình khi lắp máy, cô gái đã đưa tay vào đó mà không biết cơ chế vận hành của máy, trong khi máy vẫn đang được cắm điện. Lưỡi dao sắc của máy xay đã gây nên tai nạn đáng tiếc trên. Tuy nhiên, may mắn là máy xay mới nên hạn chế được sự nhiễm trùng, nếu đã xay thịt hoặc thực phẩm khác thì nguy cơ nhiễm trùng rất lớn.
Để phòng tránh tai nạn thương tích do máy xay đa năng gây nên, đặc biệt trong thời gian trẻ em được nghỉ hè tại nhà và nhu cầu sử dụng các máy móc phục vụ giảm cái nóng mùa hè tăng lên như quạt điện, máy xay sinh tố… BS Tùng khuyến cáo, không được để trẻ em dưới 18 tuổi cầm chơi hoặc sử dụng máy xay đa năng, máy xay sinh tố vì lưỡi dao cắt trong các loại này có tính sát thương rất cao. Trước khi sử dụng máy hoặc vệ sinh máy, lắp đặt máy cần cắt nguồn điện để tránh hậu quả đáng tiếc như trên. Ngoài ra, nếu không may bị tai nạn thương tích do các loại máy này gây nên, cần đưa nạn nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được sơ cấp cứu kịp thời và điều trị đúng cách, tránh mất máu và nhiễm trùng vết thương của người bệnh.
(Báo Đại đoàn kết)
* Thay đổi hành vi lối sống để bảo vệ sức khỏe
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 194/KH - UBND về truyền thông nguy cơ sức khỏe Việt Nam trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn 2030, trong đó nâng cao nhận thức cho người dân và cộng đồng về nguy cơ đối với sức khỏe từ những hành vi lối sống không lành mạnh và tăng cường thực hiện hành vi có lợi cho sức khỏe để nâng cao sức khỏe, phòng các bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp, đái tháo đường, COPD, ung thư...).
Theo đó, thành phố Hà Nội tăng cường truyền thông vận động đến cấp ủy Đảng và lãnh đạo chính quyền các cấp nhằm đạt được sự cam kết, ủng hộ và sự đồng thuận trong việc thực thi các văn bản pháp quy liên quan đến dự phòng và kiểm soát các nguy cơ sức khỏe. Thành phố huy động sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức và người có uy tín trong cộng đồng và phối hợp liên ngành trong dự phòng và kiểm soát các nguy cơ sức khỏe; nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng và nhân viên y tế về nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm và tăng cường thực hiện hành vi phòng bệnh.
Đặc biệt, Hà Nội nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về nguy cơ đối với sức khỏe từ những hành vi lối sống không lành mạnh và tăng cường thực hiện hành vi có lợi cho sức khỏe để nâng cao sức khỏe, phòng các bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp, đái tháo đường, COPD, ung thư...). Cùng với đó, thành phố nâng cao nhận thức của người dân, người sản xuất và người kinh doanh thực phẩm về nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe từ sản xuất, bảo quản, chế biến, kinh doanh thực phẩm và tăng cường thực hiện hành vi an toàn; nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng và nhân viên y tế về nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe do thảm họa (ngộ độc, cháy nổ tai nạn lao động, tai nạn giao thông...) và tăng cường hành động dự phòng và xử trí tai nạn, thương tích.
Thành phố tăng cường củng cố và hoàn thiện mạng lưới truyền thông về sức khỏe nhằm đáp ứng yêu cầu truyền thông về các nguy cơ sức khỏe, dự phòng và ứng phó với các nguy cơ đó.
UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện, chỉ đạo, phối hợp liên ngành nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp để tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch truyền thông nguy cơ sức khỏe. Các cấp chính quyền chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo thực hiện và ưu tiên phân bổ kinh phí hàng năm để đạt được các mục tiêu sức khỏe ở từng địa phương trên cơ sở các mục tiêu sức khỏe của người dân thành phố. Các đơn vị, địa phương tăng cường truyền thông về vai trò, trách nhiệm phối hợp triển khai thực hiện các chính sách, hoạt động của kế hoạch truyền thông nguy cơ sức khỏe người dân thành phố.
Ngoài ra, các đơn vị, địa phương vận động thực hiện giải pháp đảm bảo thực hiện các chính sách, quy định về kiểm soát yếu tố nguy cơ, thúc đẩy yếu tố tăng cường sức khỏe và phòng, chống bệnh tật, gồm: Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; Luật Bảo vệ môi trường; Luật An toàn thực phẩm; Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật Người cao tuổi; Luật Trẻ em; chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác.
Trước đó, thành phố Hà Nội đã triển khai Chương trình Sức khỏe Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu đến năm 2025 giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi xuống dưới 10%; khống chế tỷ lệ người trưởng thành bị béo phì dưới 12%; giảm tỷ lệ người trưởng thành ăn thiếu rau, trái cây xuống dưới 35%; giảm mức tiêu thụ muối trung bình/người/ngày dưới 7 gam; giảm tỷ lệ người dân từ 18 - 69 tuổi thiếu vận động thể lực xuống dưới 22%.
Thành phố phấn đấu 100% số người dân được quản lý, theo dõi sức khỏe tại cộng đồng; tất cả trạm y tế cấp xã triển khai chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng và gia đình; tỷ lệ xã thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe lao động cơ bản cho người lao động trong khu vực không có hợp đồng lao động (nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và làng nghề) đạt 40%...
Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, UBND thành phố đề ra 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 5 giải pháp chủ yếu, trong đó nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp để tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình Sức khỏe Việt Nam trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025.
(Báo Tin tức)