Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Thông báo số 182/TB-VP, truyền đạt kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà tại cuộc họp trực tuyến với các quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống dịch bệnh trên người, diễn ra mới đây.
Phó Chủ tịch UBND thành phố ghi nhận và biểu dương các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã đã khẩn trương, triển khai chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch bệnh kịp thời, quyết liệt.
Để chủ động làm tốt công tác này trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm Văn bản số 1149/UBND-KGVX ngày 18-4-2023 của UBND thành phố và một số nội dung sau:
Các sở, ngành của thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện các nhiệm vụ đã được thành phố giao, khẩn trương rà soát, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch; bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ”, phân công các lực lượng ứng trực (đầu mối, số điện thoại liên hệ) gửi Sở Y tế để tổng hợp.
Sở Du lịch rà soát, ban hành văn bản hướng dẫn các biện pháp, giải pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở lưu trú, các công ty lữ hành và khách du lịch đi đến Hà Nội.
Sở Giao thông Vận tải ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các bến xe, nhà ga, hoạt động vận tải, các phương tiện công cộng…
Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo triển khai, tăng cường kiểm tra các biện pháp phòng, chống dịch tại các rạp chiếu phim, nhà hát, khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, nơi biểu diễn nghệ thuật...
Sở Công Thương chịu trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng…; xử lý nghiêm những đơn vị không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch.
Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại nhà trường; chỉ đạo nhà trường tuyên truyền cho các em học sinh và khuyến cáo phụ huynh học sinh bảo đảm công tác phòng, chống dịch.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở nuôi dưỡng, nhà tang lễ... thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh...
Báo Hà Nội mới
*Hơn 176.000 người bệnh khám, cấp cứu sau 3 ngày nghỉ lễ
Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, tổng hợp sau 3 ngày nghỉ lễ, đến sáng 2/5, tổng số người bệnh khám, cấp cứu là 176.300 người bệnh. Số người bệnh nhập viện điều trị nội trú là 71.506. Số người bệnh ra viện là 54.938. Số trường hợp chuyển viện là 6.254.
Theo báo cáo về công tác khám, chữa bệnh, cấp cứu tai nạn giao thông và Covid-19 của Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế được tổng hợp từ các cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước, tính đến ngày 2/5, tổng số người bệnh đang điều trị là 191.601 người.
Cụ thể, tính từ 7 giờ sáng 1/5 đến 7 giờ sáng 2/5, có 61.100 người bệnh khám, cấp cứu. Ngoài ra, số người bệnh nhập viên điều trị nội trú là 25.466 người.
Số người bệnh tử vong bao gồm cả tử vong tại cơ sở khám, chữa bệnh, trên đường đến cơ sở khám, chữa bệnh và tiên lượng tử vong xin về, là 227 người bệnh. Số ca nặng, nguy kịch đang điều trị tại thời điểm gửi báo cáo là 1.867 người bệnh.
Như vậy, tổng hợp sau 3 ngày nghỉ lễ (tính từ 7 giờ sáng 29/4 đến 7 giờ sáng 2/5), tổng số người bệnh khám, cấp cứu là 176.300 người bệnh. Số người bệnh nhập viện điều trị nội trú là 71.506 người bệnh. Số người bệnh tử vong, bao gồm cả tử vong tại cơ sở khám, chữa bệnh, trên đường đến cơ sở khám, chữa bệnh và tiên lượng tử vong xin về, là 1.026 người.
Riêng về tai nạn giao thông, sau 3 ngày nghỉ lễ (tính từ 7 giờ sáng 29/4 đến 7 giờ sáng 2/5), số trường hợp tai nạn giao thông phải nhập viện điều trị, theo dõi là 4.574 người. Số người bệnh tai nạn giao thông phải chuyển viện là 1.145 người.
Số người bệnh tai nạn giao thông ra viện là 1.886 người. Số người bệnh tử vong do tai nạn giao thông, bao gồm cả tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh, trên đường đến cơ sở khám, chữa bệnh, tiên lượng tử vong xin về, là 56 người.
Trong đó, tử vong tại cơ sở khám, chữa bệnh là 14 người, tử vong trên đường đến cơ sở khám, chữa bệnh là 30 người bệnh và tiên lượng tử vong xin về là 12 người.
Về tình hình điều trị cho bệnh nhân Covid-19, sau 3 ngày nghỉ lễ, số người bệnh đến khám vì Covid-19 là 3.295 người. Số người bệnh Covid-19 nhập viện điều trị nội trú là 1.785 người.
Ngoài ra, có 1.148 người được xuất viện. Số người bệnh Covid-19 chuyển viện là 122 người bệnh. Có 11 bệnh nhân Covid-19 tử vong sau 3 ngày nghỉ lễ.
Theo đánh giá của Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê, sau 3 ngày nghỉ lễ, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế về bảo đảm công tác khám, chữa bệnh, cấp cứu tai nạn giao thông và thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19.
Báo Kinh tế đô thị
*Cả nước có 11 người tử vong liên quan Covid-19 trong 3 ngày nghỉ lễ
Trong 3 ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5, cả nước có gần 1.800 ca Covid-19 phải nhập viện, 11 ca tử vong.
Chiều 2/5, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) có báo cáo nhanh về công tác bảo đảm khám chữa bệnh, cấp cứu tai nạn giao thông và Covid-19.
Báo cáo được tổng hợp từ 63 sở y tế, các bệnh viện thuộc Bộ Y tế và y tế ngành trên toàn quốc từ 7h ngày 1/5 đến 7h ngày 2/5 và tổng hợp sau 3 ngày nghỉ lễ (từ 7h sáng 29/4 đến 7h sáng 2/5).
Theo đó, về tình hình khám, cấp cứu chung, trong 24 giờ qua (tính từ sáng 1/5) có hơn 25.400 người nhập viện điều trị nội trú, chiếm 41,5% tổng số khám, cấp cứu. Số người bệnh tử vong là 227 người (bao gồm cả tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh, trên đường đến cơ sở khám chữa bệnh và tiên lượng tử vong xin về). Tại thời điểm báo cáo, có gần 1.900 ca nặng, nguy kịch đang điều trị.
Tổng hợp sau 3 ngày nghỉ lễ, cả nước có hơn 71.500 người nhập viện nội trú (chiếm 40% tổng số khám, cấp cứu). 1.026 người bệnh tử vong, bao gồm mọi nguyên nhân.
Về khám chữa bệnh Covid-19, tới sáng nay, có hơn 4.000 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế. Trong 24 giờ (tính từ sáng 1/5), có hơn 1.200 ca Covid-19 đến khám, gần 600 ca nhập viện nội trú, có thêm 4 người bệnh tử vong, 58 người phải chuyển viện.
Số người bệnh Covid-19 nặng, nguy kịch đang điều trị tại thời điểm gửi báo cáo là 73 người bệnh.
Tổng hợp sau 3 ngày nghỉ lễ, có gần 3.300 người bệnh khám Covid-19, hơn một nửa phải nhập viện, 11 ca tử vong.
Về tai nạn giao thông, trong 24 giờ (từ 7h sáng 1/5 đến 7h sáng 2/5), có gần 2.900 người bệnh tai nạn giao thông đến khám và kiểm tra. Gần một nửa trường hợp phải nhập viện điều trị, theo dõi.
Có 431 người bệnh phải chuyển viện, thêm 20 ca tử vong trong 24 giờ qua. Số ca nặng, nguy kịch đang điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh là 22 người.
Sau 3 ngày nghỉ lễ, có hơn 4.500 người bệnh gặp tai nạn giao thông phải nhập viện, hơn 1.100 ca phải chuyển viện, có 56 người tử vong. Đa số nạn nhân tử vong trên đường đến viện (30 ca), 14 ca tử vong tại viện, số còn lại tiên lượng tử vong, gia đình xin về.
Báo Vietnamnet
*Nhiều ca tai nạn giao thông nguy kịch do uống rượu, bia
Sáng 2/5 – ngày thứ 4 của kỳ nghỉ lễ, tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức, bệnh nhân nằm la liệt. Nhiều bệnh nhân bị tai nạn giao thông (TNGT) được đưa vào viện trong tình trạng đa chấn thương rất nặng và nguy kịch, trong đó có nhiều người sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.
Theo ghi nhận của phóng viên, những ca cấp cứu do TNGT trong sáng 2/5 thì có nhiều người còn rất trẻ, sử dụng rượu bia và bị tai nạn khá thương tâm. Nằm trên giường bệnh là nam thanh niên 29 tuổi (Hưng Yên) bị đa chấn thương rất nặng, kích thích vật vã, đang được các bác sĩ cấp cứu hồi sức.
Người nhà bệnh nhân kể lại, tối 1/5, nam thanh niên đi liên hoan và uống rượu. Khoảng 10h30 anh này đi xe máy đến cầu Hưng Hà (Hưng Yên) và không làm chủ được tốc độ, tự ngã văng vào cầu bất tỉnh, được người đi đường đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hưng Yên cấp cứu. Do chấn thương quá nặng, bệnh nhân được chuyển ngay lên Bệnh viện Việt Đức vào 2h sáng 2/5.
Đánh giá về bệnh nhân này, TS.BS Quách Văn Kiên, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật tiêu hoá, Trưởng kíp trực sáng 2/5 cho biết, bệnh nhân bị chấn thương sọ não, chảy máu não, chấn thương ngực kín, gãy nhiều xương sườn bên phải và phải dẫn lưu màng phổi, gãy 2 xương cẳng chân phải. Sau khi dẫn lưu màng phổi, bó bột cẳng chân phải, bệnh nhân được chuyển lên Khoa Phẫu thuật Thần kinh để điều trị tiếp.
BS Kiên cũng cho biết, đây là ca bệnh điển hình ở độ tuổi còn trẻ, uống rượu bia tham gia giao thông và tự ngã, dẫn đến chấn thương nặng. Trước đó, từ ngày 28/4 đến 1/5, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận 150 trường hợp vào cấp cứu, trong đó 50% số ca là TNGT.
“Nhiều bệnh nhân nói có uống rượu bia, sau đó vẫn điều khiển phương tiện giao thông và xảy ra tai nạn. Sáng nay tôi đi buồng, có bệnh nhân còn rất trẻ, bị TNGT gây chấn thương cột sống, đã liệt tuỷ hoàn toàn, 2 chi dưới không còn cảm giác vận động nữa”, BS Kiên nói.
Cũng theo BS Kiên, trong 3 ngày đầu nghỉ lễ, Bệnh viện Việt Đức ghi nhận 1 ca tử vong do TNGT và 5 ca nặng gia đình xin về (trung bình 2 ca tử vong/ngày). “Chúng tôi khuyến cáo người dân đi chơi nên hạn chế uống rượu bia, nếu đã uống thì dừng không điều khiển phương tiện”, BS Kiên nhấn mạnh.
Chứng kiến cảnh cấp cứu bệnh nhân ở bệnh viện ngoại khoa tuyến cuối trong một buổi sáng của ngày nghỉ lễ, chúng tôi mới thấy, các bác sĩ, y tá, điều dưỡng và nhân viên y tế ứng trực quá vất vả. “Sáng sớm chúng tôi giải quyết hơn 20 bệnh nhân của ca trực hôm trước, trong đó 70% là TNGT, sàng lọc cho lên các khoa. Có vài trường hợp ở các tỉnh, người dân khi bị tai nạn trực tiếp ra đây, chúng tôi khám sàng lọc sọ não, ổ bụng, tứ chi và không thấy tổn thương, kíp trực gửi về bệnh viện tuyến tỉnh để theo dõi, tránh tình trạng quá tải bệnh viện”, BS Kiên cho biết.
Ngoài TNGT, trong 4 ngày nghỉ lễ, còn có các tai nạn sinh hoạt vào cấp cứu. Có bệnh nhân dậy đi làm từ 3h sáng ngã gãy chân; có bệnh nhân uống rượu say, 3h sáng tỉnh dậy ngã từ lan can xuống; hoặc bệnh nhân bị tai nạn do đánh nhau... Trong 5 ngày nghỉ lễ, Bệnh viện Việt Đức đã bố trí 1 kíp trực gồm 20 bác sĩ trực chuyên khoa và 15 bác sĩ nội trú tham gia trực cùng với tua trực cấp cứu, 16 điều dưỡng.
BS Kiên đánh giá, kể từ khi Bộ Công an xử lý mạnh tình trạng uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông, dịp nghỉ lễ năm nay, xu hướng bệnh nhân uống rượu bia tham gia giao thông bị TNGT ít hơn so với năm ngoái. Số lượng bệnh nhân bị TNGT vào nhập viện có nồng độ cồn giảm hơn so với trước đây, do ý thức người dân được nâng cao hơn. Trong những ngày nghỉ lễ, có bệnh nhân bị TNGT nhưng không có người thân, do người đi đường đưa vào cấp cứu, trước mắt Bệnh viện cấp cứu để bệnh nhân qua giai đoạn nguy kịch, sau đó Phòng Công tác xã hội báo với người thân, hoặc sẽ sử dụng các dữ liệu của bệnh nhân đang có. Trong trường hợp không thể liên hệ được với người nhà, bệnh nhân vẫn nguy kịch, bệnh viện vẫn phải tiếp tục cứu chữa cho người bệnh.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 3 ngày nghỉ lễ, cả nước có 4.574 trường hợp khám, kiểm tra do TNGT, trong đó có 1.145 trường hợp được chuyển viện và 1.886 được ra viện. Số người bệnh tử vong do TNGT bao gồm cả tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh, trên đường đến cơ sở khám chữa bệnh, tiên lượng tử vong xin về là 56 trường hợp. Trong đó, tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh là 14 người, tử vong trên đường đến cơ sở khám chữa bệnh là 30 người, tiên lượng tử vong xin về là 12 người bệnh.
Báo Công an nhân dân
*Tiêm gần 16.000 liều vaccine COVID-19 trong ngày nghỉ lễ thứ 4
Số ca mắc mới COVID-19 gia tăng, cùng đó số trường hợp nặng, tử vong cũng biến động tăng theo. Có những trường hợp tử vong có bệnh nền nhưng không/chưa tiêm đủ vaccine COVID-19. Bộ Y tế tiếp tục đề nghị đẩy mạnh tiêm vaccine COVID-19, tập trung ưu tiên bảo vệ nhóm nguy cơ cao...
Thống kê của đơn vị chức năng thuộc Bộ Y tế về tình hình tiêm vaccine COVID-19 cho thấy, trong ngày nghỉ lễ thứ 4 của kỳ nghỉ Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5 kéo dài 5 ngày đã có 15.993 mũi vaccine COVID-19 được tiêm tại 2 tỉnh, trong đó 15.988 mũi tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên và 5 mũi tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi.
Đây là ngày có số lượng vaccine tiêm nhiều nhất tính đến thời điểm này trong 4 ngày nghỉ lễ. Tổng số vaccine đã tiêm trong 4 ngày nghỉ lễ là hơn 19.000 mũi.
Tại một số địa phương đã tổ chức và thực hiện tiêm vaccine COVID-19 xuyên kỳ nghỉ lễ. Điển hình tại TP Hồ Chí Minh, nhằm đảm bảo liên tục công tác tiêm chủng và giúp người dân có những ngày nghỉ lễ an toàn, ngành y tế thành phố đã triển khai 61 điểm tiêm vaccine COVID-19 hoạt động xuyên suốt trong những ngày nghỉ lễ tại 22 quận, huyện và TP Thủ Đức cho người từ 18 tuổi trở lên.
Đến nay, tổng số mũi vaccine COVID-19 đã tiêm ở nước ta là 266.240.960.
Đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên
- Tiêm mũi 3: Tổng số có 52.101.446 mũi tiêm (81,8%) trong ngày có 2 tỉnh triển khai với 4.739 người được tiêm
Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Nam (63,6%); Bình Định (65,8%); Đồng Nai (54%); Tây Ninh (65,7%); Đồng Tháp (60,7%).
Tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Nghệ An (100,1%); Lâm Đồng (102,8%); Sóc Trăng (100,7%).
- Tiêm mũi 4: Tổng số có 17.807.608 mũi tiêm (88,9%), trong ngày có 2 tỉnh triển khai với 10.744 người được tiêm
Nhóm từ 12-17 tuổi: Số tiêm mũi 3 có 5.813.288 mũi tiêm (69,3%)
Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (43,7%); Quảng Ngãi (48,6%); Bình Thuận (44,1%); TP Hồ Chí Minh (36,4%); Đồng Nai (43,1%).
Tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (99,3%); Lâm Đồng (111,3%); Sóc Trăng (103,5%).
Nhóm từ 5 - dưới 12 tuổi: Tổng số mũi tiêm đã thực hiện là 18.661.757 mũi tiêm:
- Mũi 1: 10.213.330 mũi tiêm (92,5%)
Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Hà Nội (77,6%); Hải Phòng (72,7%); Đà Nẵng (68,6%); TP Hồ Chí Minh (64,9%), Bà Rịa - Vũng Tàu (77%)
- Mũi 2: 8.448.427 mũi tiêm (76,5%)
Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Bình (57,4%); Đà Nẵng (37,4%); Quảng Nam (50,7%); TP Hồ Chí Minh (41,8%), Bà Rịa - Vũng Tàu (53,4%)
Số ca mắc COVID-19 ở nước ta trong khoảng tuần thứ 2 của tháng 4 trở lại đây gia tăng. Đã có những ngày số mắc mới vượt 3.000 ca/ ngày. Trước diễn biến các ca mắc gia tăng, ca bệnh COVID-19 thở oxy cũng tăng theo, cùng đó đã ghi nhận một số trường hợp tử vong sau gần 4 tháng, trong đó ngày 2/5 Bộ Y tế đã công bố 4 ca tử vong do COVID-19, trong số này có những trường hợp có bệnh nền nhưng chưa tiêm, không tiêm đủ vaccine COVID-19, do đó Bộ Y tế tiếp tục đề nghị đẩy mạnh tiêm vaccine COVID-19, tập trung ưu tiên bảo vệ nhóm nguy cơ cao (người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người bị suy giảm miễn dịch và phụ nữ mang thai) là những trường hợp dễ có nguy cơ chuyển biến nặng, có nguy cơ tử vong khi mắc COVID-19.
Theo TS.BS Ngũ Duy Nghĩa - Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: Với biến thể Omicron thì vaccine COVID-19 vẫn có hiệu quả. Để phòng chống lây nhiễm COVID-19, ngoài việc tiêm đủ các mũi vaccine như khuyến cáo, người dân nên được thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như khẩu trang, khử khuẩn.
Trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhấn mạnh, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như mang khẩu trang, khử khuẩn và giữ khoảng cách tại khu vực nguy cơ để tránh gia tăng số ca bệnh.
Những người có triệu chứng nghi ngờ và những người tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ phải đeo khẩu trang. Mọi người cần đeo khẩu trang để phòng bệnh cho mình và cộng đồng nhất là đối tượng dễ bị tổn thương như đã nêu trên. Điều này không chỉ giúp phòng COVID-19 mà còn cả các bệnh viêm đường hô hấp khác như cúm A, cúm B...
"Ai có triệu chứng cũng nên xét nghiệm có phải đang mắc COVID-19 hay không và cuối cùng là cần tuân thủ theo lịch tiêm vaccine của Bộ Y tế"- PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Báo Sức khoẻ và đời sống