Nhằm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong tháng cao điểm ATTP, 4 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP đã liên tục kiểm tra giám sát các địa điểm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố nơi phục vụ đông du khách và người dân.
Qua đó, đoàn đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh nhiều vấn đề, từ những vi phạm nhỏ nhất. Từ sự quyết liệt này, các cơ sở dịch vụ ăn uống đã có sự chuyển biến trong kinh doanh, có trách nhiệm hơn với cộng đồng.
Đồng loạt vào cuộc
Trên địa bàn quận Thanh Xuân có 2.367 cơ sở thực phẩm. Toàn quận đã thành lập 14 đoàn kiểm tra, bao gồm 11 đoàn kiểm tra liên ngành của phường, 2 đoàn kiểm tra liên ngành cấp quận và 1 đoàn liên ngành kiểm tra công tác y tế học đường, VSATTP tại các trường học.
Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn quận đã kiểm tra, giám sát 865 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Riêng trong đợt cao điểm “Tháng hành động vì ATTP” toàn quận đã kiểm tra, giám sát 227 cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Trong đó, Đoàn liên ngành ATTP quận kiểm tra 18 cơ sở (8 cơ sơ kinh doanh thực phẩm, 5 bếp ăn tập thể, 5 cơ sở dịch vụ ăn uống). Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP 11 phường đã kiểm tra, giám sát 209 cơ sở. Trong đó có 3 cơ sở sản xuất, 31 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 158 cơ sở dịch vụ ăn uống và 17 cơ sở thức ăn đường phố.
Trưởng phòng Y tế quận Thanh Xuân Phạm Hồng Diệp cho biết, trong 4 tháng đầu năm, toàn quận đã xử phạt 56 trường hợp vi phạm về ATTP với tổng số tiền phạt là hơn 288 triệu đồng.
Trong Tháng hành động vì ATTP, toàn quận đã xử phạt vi phạm hành chính 23 trường hợp vi phạm về ATTP với tổng số tiền phạt hơn 230 triệu đồng. Trong đó, cấp quận xử phạt 8 trường hợp với số tiền là 204,5 triệu đồng.
Các nội dung vi phạm chủ yếu là sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay,...
Ngoài ra, trong 4 tháng đầu năm, Đội Quản lý thị trường số 12 đã kiểm tra 21 vụ, xử lý 19 cơ sở với tổng số tiền là hơn 345 triệu đồng. Tổng giá trị hàng hoá tiêu huỷ gần 343 triệu đồng.
Riêng trong đợt cao điểm Tháng hành động vì ATTP, Đội Quản lý thị trường số 12 xử lý 4 cơ sở với tổng số tiền là 47,5 triệu đồng. Tổng giá trị hàng hoá tiêu huỷ là 57,2 triệu đồng.
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về ATVSTP của Hà Nội cũng đã kiểm tra bếp ăn của nhà hàng Maison Sen Nguyễn Trãi (địa chỉ 275 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Qua kiểm tra thực tế, ngay đầu vào, khu vực nhập nguyên liệu, không có bàn, giá kệ tiếp nhận thực phẩm đưa vào bếp, thiếu trang bị dụng cụ tiếp nhận thực phẩm tươi sống. Toàn bộ khu vực bếp, nhà hàng sắp xếp chưa khoa học, hợp lý, không có phân khu riêng biệt sơ chế, chế biến thực phẩm một chiều theo quy định.
Nhà hàng chưa có kho bảo quản thực phẩm, bảo quản thực phẩm chưa đúng quy định, sống, chín lẫn lộn. Đặc biệt, trong khu bảo quản có nhiều hoá chất (chất tẩy rửa, bình gas…), dễ nhầm lẫn, gây nguy hiểm.
Trong khu vực chế biến, nhà hàng vệ sinh chưa sạch sẽ. Bên cạnh đó, nhà hàng lưu mẫu thực phẩm sai quy định về số lượng, ghi chép thông tin… Sổ kiểm định 3 bước không đúng quy định.
Ngoài ra, nhà hàng chưa xuất trình được hồ sơ pháp lý về nguyên liệu thực phẩm, không thể hiện được nguồn gốc xuất xứ thực phẩm đưa vào nhà hàng.
Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm
Trong khi đó, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm hiện có 2.702 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong quý I/2023, toàn quận đã tổ chức kiểm tra 877 cơ sở, xử phạt 63 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 291 triệu đồng.
Ngoài ra, thu giữ, tiêu huỷ hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng thực phẩm trị giá hơn 200 triệu đồng. Riêng trong những ngày đầu của Tháng hành động vì ATTP (diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5), quận đã kiểm tra được 60 cơ sở, xử phạt 7 cơ sở vi phạm với số tiền 11,5 triệu đồng.
Theo Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm Phạm Thị Thanh Nhàn, qua công tác triển khai, quận cũng gặp không ít khó khăn. Đơn cử như đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP tại tuyến phường còn mỏng, nhân sự thường xuyên thay đổi nên khó tập trung cho công tác ATTP, đặc biệt là đối với hoạt động kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Mặt khác, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn có diện tích nhỏ, hẹp. Thậm chí, nhiều cơ sở kinh doanh cùng một địa điểm, một số cơ sở kinh doanh không cố định, mở bán hàng vào buổi đêm gây khó khăn cho công tác quản lý, điều tra cơ sở.
Trong hơn 2 tuần qua, 4 đoàn liên ngành ATVSTP TP đã kiểm tra 16 cơ sở dịch vụ ăn uống, sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Kết quả có 7/16 cơ sở đạt, 3 cơ sở chưa xuất trình giấy tờ, 6 cơ sở có vi phạm về ATTP.
Các đoàn kiểm tra liên ngành của TP đã giao Ban Chỉ đạo ATTP quận huyện, Ban Chỉ đạo 389 và Sở Công thương tiếp tục làm việc, xử lý vi phạm và báo cáo về Ban chỉ đạo ATTP TP.
Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, các đoàn kiểm tra vẫn tiếp tục kiểm tra các quận, huyện, thị xã và giao cho các địa phương kiểm tra xã, phường, thị trấn.
“Tuy nhiên, với những quận trung tâm TP, nơi có nhiều khách du lịch, đoàn kiểm tra yêu cầu Ban chỉ đạo và quận, huyện, thị xã quan tâm đến các dịch vụ ăn uống trên địa bàn, phục vụ khách du lịch.
Đối với các nhà hàng, khách sạn phục vụ khách du lịch, chúng tôi yêu cầu các nhà hàng, khách sạn phải chuẩn bị tốt về nguyên liệu thực phẩm để phục vụ khách, đảm bảo an toàn trong các dịp nghỉ lễ” - Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội nhấn mạnh.
Quan điểm chung của TP là phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm vi phạm các quy định về ATTP, phải xử lý theo đúng quy định. Tuyệt đối không để các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATTP lưu thông trên thị trường.
“Để tiếp tục triển khai Tháng hành động vì ATTP đạt hiệu quả, công tác kiểm tra cần xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời tuyên truyền công khai các vi phạm này trên phương tiện thông tin đại chúng, website của ngành để người dân biết. Sau khi xử lý vi phạm, Ban Chỉ đạo ATTP các địa phương phải dành thời gian giám sát, hậu kiểm việc khắc phục sai phạm của các cơ sở.” - Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Đặng Thanh Phong
Báo Kinh tế đô thị
*Các cơ sở y tế khám, cấp cứu trên 270.000 lượt người trong 4 ngày nghỉ lễ
Chiều 3/5, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, tổng hợp tình hình khám chữa bệnh, cấp cứu từ các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, 63 Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Y tế ngành cho thấy, chỉ trong 1 ngày (từ 7 giờ ngày 2/5 - 7 giờ ngày 3/5), các cơ sở y tế trong cả nước đã khám, cấp cứu cho 90.783 người bệnh.
Trong đó, số người bệnh nhập viên điều trị nội trú là 27.545 người bệnh, 1.974 người bệnh chuyển viện và số được ra viện là 17.433 người bệnh. Trong một ngày đã có 212 người bệnh tử vong, bao gồm cả tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh, trên đường đến cơ sở khám chữa bệnh và tiên lượng tử vong xin về.
Như vậy, chỉ trong 4 ngày nghỉ lễ (từ 7 giờ ngày 29/4 - 7 giờ ngày 3/5), các cơ sở khám, chữa bệnh trong cả nước đã khám, cấp cứu cho 270.031 người bệnh. Trong đó, số người bệnh nhập viên điều trị nội trú là 99.747 người. Đã có 72.977 người bệnh được ra viện; chuyển viện là 8.247 người.
Số người bệnh tử vong, bao gồm cả tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh, trên đường đến cơ sở khám chữa bệnh, và tiên lượng tử vong xin về là 1.241 người bệnh.
Tính đến 7 giờ ngày 3/5, cả nước có 4.254 người bệnh tai nạn giao thông đang điều trị tại các cơ sở y tế.
Sau 4 ngày nghỉ lễ đã có tổng cộng 5.725 trường hợp tai nạn giao thông, nghi tai nạn giao thông phải nhập viện điều trị, theo dõi sức khỏe. Số người bệnh tử vong do tai nạn giao thông bao gồm cả tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh, trên đường đến cơ sở khám chữa bệnh và tiên lượng tử vong xin về là 82 người bệnh. Trong đó, số ca tai nạn giao thông tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh là 28 người, tử vong trên đường đến cơ sở khám chữa bệnh là 34 người, số ca nặng tiên lượng tử vong xin về là 20 người.
Tổng số người bệnh COVID-19 đang điều trị tại thời điểm báo cáo là 3.953 người bệnh. Sau 4 ngày nghỉ lễ, tổng số người bệnh khám COVID-19 là 4.618 người, số người bệnh COVID-19 nhập viện điều trị nội trú là 2.477 người bệnh; 17 người tử vong vì COVID-19.
Đánh giá về công tác thường trực cấp cứu, khám chữa bệnh cho người dân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4-1/5, Tiến sĩ Nguyễn Trong Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế về bảo đảm công tác khám chữa bệnh, cấp cứu phục vụ nhân dân, đặc biệt đối tượng người bệnh tai nạn giao thông, thu dung điều trị COVID-19. Tình hình tai nạn giao thông không có diễn biến đặc biệt. Diễn biến dịch COVID-19 đang được chủ động theo dõi sát để tham mưu chiến lược phòng chống kịp thời.
Thông tấn xã Việt Nam
*Bộ Y tế sẽ bổ sung một số vaccine mới vào tiêm chủng mở rộng
Bộ Y tế sẽ bổ sung thêm đối tượng, lịch tiêm chủng và một số vaccine mới vào tiêm chủng mở rộng để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có văn bản hướng dẫn xác định nhu cầu, lập kế hoạch cung ứng các vaccine trong tiêm chủng mở rộng.
Theo đó, đối tượng, lịch tiêm chủng vaccine bắt buộc trong tiêm chủng mở rộng gồm: Tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ sơ sinh; tiêm vaccine BCG (lao), bOPV (bại liệt), DPT-VGB-Hib (vaccine phối hợp phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, IPV (vaccine bất hoạt phòng bệnh bại liệt), sởi cho trẻ dưới 1 tuổi; tiêm vaccine viêm não Nhật Bản B cho trẻ từ 1-5 tuổi; tiêm vaccine sởi-rubella, DPT (bạch hầu, ho gà, uống ván) cho trẻ từ 18-24 tháng; tiêm vaccine uốn ván cho phụ nữ có thai.
Ngoài ra, Cục Y tế dự phòng còn có lịch tiêm chủng các vaccine khác đưa vào tiêm chủng mở rộng trong thời gian tới bao gồm:Trẻ dưới hoặc trên 1 tuổi: Vaccine IPV mũi 2. Hiện vaccine này tiếp tục được triển khai tiêm miễn phí cho trẻ từ 9 tháng tuổi trên toàn quốc theo dự án do GAVI hỗ trợ; Trẻ 7 tuổi: Tiêm vaccine phòng bạch hầu, uốn ván sẽ được triển khai cho trẻ từ 7 tuổi tại vùng nguy cơ cao theo đề xuất của các tỉnh, thành phố; Trẻ dưới 1 tuổi: Vaccine Rota.
Các vaccine được đưa vào trên cơ sở khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine Bộ Y tế, tình hình dịch tễ các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam.
Theo thông tin từ WHO và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), đại dịch COVID-19 là thách thức đối với tất cả quốc gia. Điều này dẫn đến việc gần 67 triệu trẻ em trên toàn thế giới bị lỡ lịch tiêm các loại vaccine định kỳ, vốn bảo vệ trẻ trước những căn bệnh chết người.
Việt Nam cũng trải qua sự sụt giảm liên tục về tỉ lệ tiêm chủng ở trẻ em nhiều nhất kể từ khi Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia được thành lập. Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có số lượng trẻ em chưa được tiêm chủng cao nhất trên toàn thế giới.
Thời gian qua, một số dịch bệnh bùng phát mạnh, nhiều trẻ phải nhập viện điều trị, trong đó có nhiều trẻ chưa tiêm vaccine như sởi, thuỷ đậu, viêm não Nhật Bản...dẫn đến bệnh diễn biến nặng. Vì vậy, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, với các bệnh đã có vaccine phòng ngừa, cha mẹ cho con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của trẻ.
Báo Công an nhân dân
*Thêm 1.202 ca Covid-19, tiêm hơn 19.000 liều vắc xin trong 4 ngày nghỉ lễ
Chiều 3-5, theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 1.202 ca mắc Covid-19, trong đó có 1.201 ca trong nước và 1 ca nhập cảnh. Ngoài ra, hiện có 121 bệnh nhân đang thở ô xy. Tổng số vắc xin đã tiêm trong 4 ngày nghỉ lễ là hơn 19.000 liều.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.565.495 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.878 ca nhiễm).
Về tình hình điều trị, có thêm 541 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 10.624.032 ca. Ngoài ra, hiện có 121 bệnh nhân đang thở ô xy.
Về tình hình tiêm chủng, trong ngày 2-5 có 15.993 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Đây là ngày có số lượng vắc xin được tiêm nhiều nhất tính đến thời điểm này trong 4 ngày nghỉ lễ. Tổng số vắc xin đã tiêm trong 4 ngày nghỉ lễ (tính từ 29-4 đến 2-5) là hơn 19.000 liều.
Theo Bộ Y tế, số ca mắc Covid-19 ở nước ta trong khoảng tuần thứ 2 của tháng 4 trở lại đây gia tăng. Số ca mắc gia tăng khiến ca bệnh Covid-19 phải thở ô xy cũng tăng theo. Cùng với đó đã ghi nhận một số trường hợp tử vong sau gần 4 tháng nước ta không có ca tử vong do Covid-19. Đặc biệt, trong ngày 2-5, Bộ Y tế đã công bố 4 ca tử vong do Covid-19, trong số này có những trường hợp có bệnh nền nhưng chưa tiêm hoặc tiêm không đủ mũi vắc xin.
Trước tình hình trên, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng Covid-19, trong đó tập trung ưu tiên bảo vệ nhóm nguy cơ cao, gồm: Người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người bị suy giảm miễn dịch và phụ nữ mang thai. Đây là những trường hợp dễ có nguy cơ chuyển biến nặng, có nguy cơ tử vong khi mắc Covid-19.
Báo Hà Nội mới
*Giảm chuyển nặng và tử vong ở bệnh nhân Covid 19
Trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, hệ thống điều trị trong cả nước ghi nhận hàng nghìn bệnh nhân Covid-19 đến khám và điều trị, trong đó có 13 bệnh nhân tử vong sau 4 ngày nghỉ lễ. Dự báo sau dịp nghỉ lễ, số người mắc Covid-19 sẽ còn tăng mạnh. Vậy công tác điều trị cùng những biện pháp để hạn chế bệnh nhân chuyển nặng và tử vong đang được triển khai ra sao?
Gần 2 tuần trở lại đây, nước ta đã ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc Covid-19 mới, trong đó có hơn 2.000 ca nhập viện điều trị trong 4 ngày nghỉ lễ, 150 bệnh nhân phải thở máy, hàng chục bệnh nhân rơi vào trường hợp nguy kịch dẫn đến tử vong.
Hầu hết các trường hợp này đều là bệnh nhân mắc bệnh nền, chưa tiêm vaccine hoặc tiêm 2 mũi vaccine Covid -19 cơ bản đã lâu. Điển hình bệnh nhân tại Bắc Giang mới đây đã chuyển nặng và tử vong do có bệnh nền đái tháo đường, xơ gan và nhiễm Covid-19. Tỉnh Bình Dương cũng ghi nhận một bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong sau 5 ngày điều trị tích cực. Bệnh nhân này mới tiêm 1 mũi vắc xin phòng Covid 19 và có bệnh nền suy tim, đái tháo đường. Bệnh nhân tử vong do Covid-19 tại Đồng Nai do tuổi cao, nhiều bệnh nền….
Nhận định về số ca nhập viện điều trị Covid-19 tại Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, Hà Nội thời gian gần đây, BS Lê Văn Thiệu cho biết, hầu hết bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng lâm sàng nhẹ, trong đó ho, nghẹt mũi chiếm đến 90%, thậm chí có những bệnh nhân trẻ không có triệu chứng gì. Với bệnh nhân có triệu chứng ho, sốt, viêm mũi thì chỉ cần uống các loại thuốc điều trị triệu chứng kết hợp một số loại vitamin bổ sung mà không cần sử dụng thuốc kháng virus. Tuy nhiên, với nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, người bệnh nền, người đang điều trị bệnh, phụ nữ có thai khi mắc Covid 19 cần lưu ý các triệu chứng trong suốt quá trình mắc bệnh để hạn chế chuyển nặng.
"Người mắc bệnh lý nền, hoặc cảm thấy triệu chứng nặng và rầm rộ cân nhắc uống thuốc kháng virus, hiện tại thuốc uống điều trị tại nhà là Molnupiravir có thể mua được ở nhà thuốc hoặc đến cơ sở y tế khám để được kê đơn, giúp thời gian khỏi bệnh tăng lên và giảm nguy cơ diễn biến nặng. Việc rất quan trọng nữa đối với nhiễm trùng đường hô hấp cần theo dõi chỉ số oxy, trong trường hợp tứ ngực khó thở oxy dưới 96% cần nhập viện, theo dõi điều trị tại viện và có thể bổ sung thuốc kháng virus đường truyền"- bác sỹ Thiệu nói.
Nhận định số ca mắc Covid-19 kéo theo số ca nặng còn tăng cao sau dịp nghỉ lễ, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các Trung tâm y tế các quận, huyện thực hiện phân tầng điều trị ngay tại địa bàn, những bệnh nhân nhẹ hoặc không triệu chứng được cán bộ y tế theo dõi, điều trị tại nhà. Những bệnh nhân có triệu chứng trung bình và nặng được điều trị tại các bệnh viện.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngành Y tế thủ đô đã chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, thuốc men để tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid -19 nhằm giảm ca nặng và tử vong trên địa bàn: "Với các bệnh viện tôi yêu cầu đảm bảo hóa chất vật tư tiêu hao, cơ số giường được Sở Y tế phân công để đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân, đồng thời tổ chức tập huấn giao ban liên tục để có thể hội chẩn được bệnh nhân kịp thời".
Để ngăn ngừa dịch bùng phát kéo theo số ca tử vong tăng cao, hiện các địa phương tiếp tục vận động người dân, nhất là nhóm có yếu tố nguy cơ cao mắc các bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, người trên 50 tuổi và những ai làm việc trong môi trường có nhiều nguy cơ lây nhiễm tiêm bổ sung các mũi vắc xin Covid-19 để bảo vệ bản thân và cộng đồng trước dịch bệnh./.
Báo VOV